Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 30 tháng 3, 2023

ĐỨC GIÊSU KITÔ LÀ THIÊN CHÚA ĐÃ HỦY MÌNH RA KHÔNG ĐỂ CỨU CHUỘC CON NGƯỜI

ĐỨC GIÊSU KITÔ LÀ THIÊN CHÚA ĐÃ HỦY MÌNH RA KHÔNG ĐỂ CỨU CHUỘC CON NGƯỜI

 

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ làm rõ chủ đề Kitô học (Christology) ngang qua đoạn thư của thánh Phaolô gửi tín hữu Philiphê chương 2 câu 5-11. Mục đích của đoạn thư này là làm sáng tỏ vai trò của Đức Giêsu như là Đấng Cứu Độ con người. Ngài vốn dĩ là Thiên Chúa nhưng đã hủy mình ra không (emptied), vét cạn chính mình (κένωσις, kénōsis) chỉ vì vâng phục thánh ý Chúa Cha. Đoạn thư Pl 2,5-11 chứng minh 3 điều về Đức Giêsu: 1) Đức Giêsu là Thiên Chúa; 2) Đức Giêsu sống mầu nhiệm tự hủy; 3) Vì vâng phục Cha mà đã chết trên thập giá để cứu chuộc con người. Đồng thời đoạn thư trên cũng mạc khải việc Đức Giêsu được Chúa Cha siêu tôn và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu, và tất cả mọi sự đều quy hướng về Đức Giêsu Kitô, để nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài mọi danh dự và vinh quang đều quy về Chúa là Cha trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn thủa muôn đời.

 

I.     PHẦN TRIỂN KHAI VÀ PHÂN TÍCH

1.    BỐI CẢNH BẢN VĂN

1.1 Định vị bản văn với nguồn gốc và chủ đề

 

Thư Philiphê được thánh Phaolô viết khi đang ở tù (có người cho là ở Êphêxô, có người cho là ở Xêdarê hoặc Rôma (x.Pl 1,7 khoảng năm 54-63). Khi biết tin Phaolô đang ở tù, anh em tín hữu Philiphê đã nhờ ông Êpáprôđitô mang quà đến và thánh Phaolô nhân dịp này gửi thư cho tín hữu Philiphê. Nội dung chính của thư Philiphê là thánh Phaolô cho biết những tin tức liên quan đến ngài, cảm ơn anh em đã quan tâm và chia sẻ với ngài lúc khó khăn. Thánh nhân khuyên họ trung tín với Đức Kitô cũng đừng để cho những đạo lý sai lạc len lỏi vào cộng đoàn, làm lung lạc tinh thần anh em. Bên cạnh đó họ nên sống đoàn kết và khiêm tốn theo gương Đức Giêsu Kitô và sống hòa nhã với nhau, hy vọng ngày Chúa Kitô quang lâm. Nói chung, bức thư này bộc lộ niềm vui, và tâm tình của thánh nhân với tín hữu Philiphê.

 

1.2 Mối liên hệ của đoạn thư với bối cảnh xung quanh

 

Tổng quan của đoạn thư Pl 2,1-3,21, thánh Phaolô khuyến khích các tín hữu Philiphê sống xứng đáng với Lời Chúa hơn. Chính yếu của đoạn thư này như một bài thánh ca minh họa (exemplification) về Đức Giêsu Kitô như là mẫu gương tuyệt vời: từ một vị Thiên Chúa, Ngài đã chọn làm thân nô lệ; trong giới nô lệ, Ngài chọn cái chết thập giá ô nhục, vì thế Ngài được tôn vinh, được cả vũ trụ tôn thờ và được một danh hiệu ngang hàng với Thiên Chúa. Ngang qua đó, thánh nhân ủy lạo (exhort) tín hữu nơi đây hãy sống khiêm tốn và hợp nhất với nhau trong đời sống cá nhân cũng như trong cộng đoàn. Đây có thể là một bài thánh thi của Hội Thánh sơ khai, được thánh Phaolô sử dụng lại và sửa đổi đôi chút. Bài thánh ca này có thể nói là tâm điểm cho toàn thư Philiphê, vì nó mạc khải minh nhiên về mầu nhiệm Đức Giêsu Nhập Thể và cứu chuộc con người.

 

2.    DỊCH BẢN VĂN

2.1 Bản gốc Hy-lạp Philiphê 2, 5-11:

 

“5 Τοτο φρονετε ν μν κα ν Χριστ  ησο 6 ς ν μορφ Θεο πάρχων , οχ ρπαγμν γήσατο τ εναι σα Θε,  7 λλ αυτν κένωσεν, μορφν δούλου  λαβών,  ν μοιώματι νθρώπων γενόμενος. 8 κα σχήματι ερεθες ς νθρωπος, ταπείνωσεν αυτν, γενόμενος πήκοος μέχρι θανάτου, θανάτου δ σταυρο. 9 Δι κα Θες ατν περύψωσεν κα χαρίσατο ατ τ νομα τ  πρ πν  νομα, 10 να ν τ νόματι ησο  πν γόνυ κάμψ, πουρανίων κα  πιγείων κα  καταχθονίων, 11  κα πσα γλσσα ξομολογήσηται τι ΚΥΡΙΟΣ ΙΗΣΟΥΣ ΧΡΙΣΤΟΣ ες δόξαν Θεο Πατρός.”

 

2.2 Tham khảo: (2 bản tiếng việt, 2 bản dịch tiếng anh)

 

Thư Philiphê 2,5-11, được dịch bởi:

 

- Nhóm các Giờ Kinh Phụng Vụ: 5 Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu. 6 Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, 7 nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. 8 Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. 9 Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. 10 Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; 11 và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: "Đức Giê-su Ki-tô là Chúa".

 

- Lm. Nguyễn Thế Thuấn (CSsR): “5 Anh em hãy có tâm tư như đã có trong Đức Kitô Yêsu: 6 Ngài, phận là phận của một vì Thiên Chúa, nhưng Ngài đã không nghĩ phải giằng cho được chức vị đồng hàng cùng Thiên Chúa.7 Song Ngài đã hủy mình ra không, là lĩnh lấy thân phận tôi đòi, trở thành giống hẳn người ta; đem thân đội lốt người phàm,8 Ngài đã hạ mình thấp hèn, trở thành vâng phục cho đến chết, và là cái chết thập giá!9 Bởi vậy, Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài! Và ban cho Ngài Danh hiệu vượt quá mọi danh hiệu, 10 hầu trước Danh hiệu của  Đức Yêsu, mọi gối đều phải quì xuống bái lạy, chốn hoằng thiên, trên địa cầu, dưới gầm đất,11 và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng: YÊSU KITÔ LÀ CHÚA, mà làm vinh quang cho Thiên Chúa Cha.”

 

- The American Standard Version of the Holy Bible (1901) by Anonymous: Christ Jesus: 6 who, existing in the form of God, counted not the being on an equality with God a thing to be grasped, 7 but emptied himself, taking the form of a servant, being made in the likeness of men; 8 and being found in fashion as a man, he humbled himself, becoming obedient even unto death, yea, the death of the cross. 9 Wherefore also God highly exalted him, and gave unto him the name which is above every name; 10  that in the name of Jesus every knee should bow, of things in heaven and things on earth and things under the earth, 11  and that every tongue should confess that Jesus Christ is Lord, to the glory of God the Father.

 

- New American Bible-United States Conference of Catholic Bishops: 5 Have among yourselves the same attitude that is also yours in Christ Jesus, Christ Jesus, 6 Who, though he was in the form of God, did not regard equality with God something to be grasped. 7 Rather, he emptied himself, taking the form of a slave, coming in human likeness; and found human in appearance,8 he humbled himself, becoming obedient to death, even death on a cross. 9 Because of this, God greatly exalted him and bestowed on him the name  that is above every name,10 that at the name of Jesus every knee should bend, of those in heaven and on earth and under the earth,11 and every tongue confess that Jesus Christ is Lord, to the glory of God the Father.

 

2.3 Những chỗ dịch khác nhau quan trọng và phê bình từng chỗ

 

Câu      HY LẠP          CGKPV          NTT     The American Standard          New American Bible

6             ὑπάρχων       vốn dĩ  phận là existing in       was in

7a        ἐκένωσεν        trút bỏ  hủy mình         emptied himself          emptied himself

7a        δούλου            nô lệ    phận tôi đòi     servant slave

7b        ἐν ὁμοιώματι ἀνθρώπων         sống như người trần thế          đội lốt người phàm      being made in the likeness of men           found human in appearance

8          ‘ὑπήκοος         bằng lòng        vâng phục        obedient          obedient

 

Dựa vào bảng trên, chúng ta có thể phê bình từng từ:

 

-    Từ: πάρχων với 4 bản dịch trên là: vốn dĩ; phận là; existing in; was in. Vậy đâu là kiểu dịch chính xác nhất, thật khó lòng đưa ra câu trả lời xác đáng, nhưng xét về chữ “was in” nằm ở thì quá khứ, đang khi đó từ “existing in” lại là thì tiếp diễn, nghĩa là diễn tả thực sự vẫn còn có, đã và đang còn tồn tại. Tiếng Việt dịch là “vốn dĩ” và “phận là”, theo từ điển (1)[i]: từ “vốn dĩ”có nghĩa nguyên là, cái căn nguyên vẫn là… và từ “phận”(2)[ii] ám chỉ số mệnh, địa vị. Xem ra từ “vốn dĩ” diễn nghĩa sắc bén hơn từ “phận”, vì nó cho thấy bản chất đúng của thực tại: Đức Giêsu đã là Thiên Chúa đang là Thiên Chúa và mãi là Thiên Chúa.

 

-    Từ κένωσεν (ekenōsen) với 4 bản dịch trên: trút bỏ, hủy mình, emptied himselfemptied himself. Xem ra 2 bản dịch Tiếng Anh giống nhau về từ này, nhưng về bản dịch Tiếng Việt lại hoàn toàn khác: một bên là “trút bỏ” vinh quang và một bên là “hủy mình” ra không. Vậy bên nào sáng nghĩa hơn? Xét về 2 bản dịch Tiếng Anh cùng dùng chung từ: “emptied himself” nghĩa là làm rỗng chính mình. Vậy, bản dịch của Cha Thuấn dùng từ “hủy mình” ra không là đúng nghĩa ư? Chưa hẳn là vậy, với từ “hủy mình” ra không có thể hiểu rõ nghĩa Đức Giêsu đã hóa ra không như con người; nhóm các Giờ Kinh Phụng Vụ (CGKPV) dùng từ “trút bỏ” vinh quang, có nghĩa là Đức Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa, đầy đủ uy lực và vinh quang, nhưng Ngài đã trút bỏ những cái đó, nghĩa là Ngài tàng giấu “Cái Là” đi. Xét về mặt chữ với 2 bản dịch tiếng anh, cha Thuấn có vẻ dịch sát mặt chữ, nhưng xét về nghĩa ngữ, có lẽ nhóm CGKPV dịch sắc bén nghĩa hơn, lột tả được thực nghĩa của từ.

 

-    Từ δούλου (doulou) thứ tự dịch thuật như sau: nô lệ, phận tôi đòi, servantslave. Xét về hai bản văn Tiếng Anh, từ “servant” mang nghĩa: người hầu, người đầy tớ phục vụ chủ, đang khi đó, từ slave” mang nghĩa người nô lệ, một người không có tự do. Xét về mặt cường độ, có vẻ từ “slave” mang nghĩa nặng và mạnh hơn từ “servant”. Xét về hai bản dịch của Tiếng Việt, từ “nô lệ” có nghĩa là(3)[iii]: người lao động bị tước hết quyền làm người, trở thành sở hữu riêng của những người chủ nô, người bị phụ thuộc vào một thế lực thống trị nào đó, và phải làm đầy tớ; từ “phận tôi đòi” có nghĩa(4)[iv]: người phải đem thân ra hầu hạ, phục dịch kẻ khác. Về ngữ nghĩa, từ “nô lệ” diễn tả mạnh hơn từ “phận tôi đòi”, “nô lệ” là không có tự do, hoàn toàn phụ thuộc vào người chủ. Thế nên xét theo một nghĩa trực quan, Đức Giêsu hoàn toàn có tự do, nhưng vì vâng phục thánh ý Chúa Cha nên Ngài đã chấp nhận làm “nô lệ”, nghĩa là phụ thuộc hoàn toàn vào Chúa Cha.

 

-    Từ ν μοιώματι νθρώπων (hōs anthrōpōs) với 4 bản dịch trên : sống như người trần thế; đội lốt người phàm; being made in the likeness of men; và found human in appearance. Hai bản văn trong Tiếng Anh có những từ ngữ khác nhau rõ rệt, “being made in the likeness of men” có nghĩa là: được thành hình, làm nên giống hệt như con người. Đang khi đó bản dịch kia là: “found human in appearance” với nghĩa: diện mạo, bề ngoài xuất hiện, được nhìn thấy là người, có vẻ nghĩa của hai cụm từ này trong Tiếng Anh tương đồng với nhau. Xét về bản văn Tiếng Việt thì ngược lại, có hai cách dịch hoàn toàn khác nhau. Cha Nguyễn Thế Thuấn dịch từ “ώς αυθρωπωσ” này với nghĩa: đội lốt phàm nhân”, dịch như vậy có vẻ không sát nghĩa thực cho bằng “trở nên giống phàm nhân” (như bản dịch của nhóm CGKPV). Theo từ điển, từ “đội lốt”(5)[v] có nghĩa là: mang danh nghĩa bề ngoài, cải trang, che giấu bản chất xấu xa bên trong. Thế nên, dịch “đội lốt phàm nhân” có vẻ nghe hơi tiêu cực và không lột tả, toát lên hết được bản chất và ý nghĩa thật của thực tại.

 

-    Với từ πήκοος (hyēkoos) thứ tự 4 bản dịch trên là: bằng lòng; vâng phục; obedient; và obedient. Hai bản dịch Tiếng Anh đã giống nhau, nhưng bản dịch Tiếng Việt có sự khác biệt  “bằng lòng” và “vâng phục”. Trong từ điển từ “bằng lòng” có nghĩa(6)[vi]: là cảm nhận thấy như vậy là được, là ổn, là đồng ý, chấp nhận. Đang khi đó, từ “vâng phục”(7)[vii] có nghĩa: tuân theo, nghe theo mệnh lệnh của người trên. Xét một khía cạnh nào đó, nghĩa của 2 từ “vâng phục” và “bằng lòng” cũng tương đương với nhau, thế nên dùng một trong hai chữ cũng đều sáng nghĩa, diễn tả việc Đức Giêsu vâng phục với sự hài lòng, bằng lòng để thực thi Thánh Ý Chúa Cha.

 

2      PHÂN TÍCH BẢN VĂN THEO LỐI DÙNG TỪ KHÓA

3.1 Những Từ Khóa Quan Trọng Trong Bản Văn

 

     Trong bản văn Pl 2,5-11, chúng ta sẽ tập trung diễn nghĩa, phân tích và đào sâu về 4 từ chính yếu đó là: Vốn dĩ: πάρχων “being in very nature God” [ε’vμopφη θεοϋ ύπαρλωυ]; Trút bỏ: κένωσεν, emptied; Nô lệ: δіακουέω, slave; Vâng lời: πήκοος, obedient.

 

3.1.1 Diễn Nghĩa và Phân Tích Các Từ

a. Diễn Nghĩa các từ  

 

Vốn dĩ: πάρχων: trong Volum(8)[viii] 3 dẫn chứng: “being in very nature God” [ε’vμopφη θεοϋ ύπαρλωυ] (vốn dĩ là bản chất Thiên Chúa thực), nhưng không xem là ngang hàng với Thiên Chúa [ούχ ‘αρπλyμόυ τōείυαi ‘ίσαθεω] (Pl 2,6). Thật vậy, “Ngài đã làm chính Ngài ra không ngang qua việc đảm nhận bản chất của một ngươi tôi tớ” [μορθηυ δοϋλου λαβώυ], và trở nên giống như con người (2,7). Điều này được lặp lại trong Ga 1,1-2; 17,5; và thư Hr 1,3.

 

Trút bỏ: κένωσεν, với câu Pl 2,7 này, trong Volum 1(9)[ix] đã diễn nghĩa: Con Thiên Chúa đã trút bỏ chính Ngài (Son of God divesterd himself) để trở nên con con người, mặt lấy một bản chất thực như con người tôi đòi [μopφηv ]. Từ “trút bỏ” (ekênôsen) này được lặp lại cũng trong thư Pl 2,16 với từ (eiskenōn). Trong Volum 2(10)[x] cho rằng: Ngài làm rỗng chính mình trong ý nghĩa là Ngài tự do thay đổi (exchanged) sự tiền hiện hữu, và sự thánh thiêng của Ngài trở nên sự hiện hữu trần thế, con người.

 

Nô lệ: δούλου với câu Pl 2,7, từ người nô lệ (doulou δіακουέω) được dùng để diễn tả về Đức Giêsu ở trần thế. Trong Volum 4 (11)[xi] cho rằng: thánh Phaolô nói Đức Kitô nhập thể được tìm thấy “trong hình dạng một người” [σχήμαπ ώςάυθρωπος], một người rất thực mà người đó xuống tận cùng như là “nô lệ”. Chúng ta cũng thể tìm thấy từ “nô lệ” này trong đầu thư Philiphê khi thánh Phaolô cũng cho mình là tôi tớ của Đức Giêsu Kitô (Pl 1,1). Từ Nô lệ: δіακουέω (doulou) cũng được tìm thấy trong: Is 53,3.11; Ga 1,14; Rm 1,1; 7,6.25; 8,3; 12,11;  2 Cr 8,9; Gl 4,4; Hr 2,14.17; Plm 1,1; 2,22; Gl 5,13.

 

Vâng lời: πήκοος, trong Volum 4(12)[xii] chúng ta thấy nghĩa của từ này là ύπακούω (hypakouō) có nghĩa “lắng nghe” và “trả lời”. Dịch ra chữ “vâng lời” (ύπήκοος) theo mạch văn, để diễn nghĩa: vâng lời cho đến nỗi chịu chết, và chết trên thập giá (c. 8). Từ vâng lời này cũng được thấy ở cùng thư Philiphê 2,12 “obeyed” (hypē kousdte). Danh từ ύπακοη được chứng thực ở trong LXX (2 Sm 22,36), dĩ nhiên nó cũng được tìm thấy trong Mt 20.28; Ga 10,17; Hr 5,8; 12,2

 

b. Phân tích các từ

 

Chúng ta cùng phân tích một số câu chữ để làm sáng tỏ ngữ nghĩa của bản văn(13)[xiii]

Từ Vốn dĩ: πάρχων: who, being in essence God: câu 6 có từ essence (vốn dĩ là) tiếng Hy lạp là Morphē, từ này được diễn tả theo 3 cách: (1) như một hạn từ triết học; (2) như có gốc chung với những từ eidos hoặc homoiōma trong bản LXX và mang nghĩa “outward form” (dạng nghĩa rộng); (3) trong bản văn của phái Hellenistic Gnostic từ đó có dành cho bản chất Thiên Chúa.

 

Từ πάρχων  được dùng 3 lần trong Tân Ước, mà có tới 2 lần trong câu 6 và 7 của thư Philiphê. Từ πάρχων này là hạn ngữ triết học Hy lạp được dùng bởi Aristotle để diễn tả “true Being” (bản thể thực), một thực thể không bao giờ thay đổi. Từ πάρχων này ám chỉ về Thiên Chúa gồm cả “tình trạng” và “điều kiện” của Người. Dĩ nhiên, “tình trạng” và “điều kiện này” bất khả với con người. Một điểm cũng cần lưu ý thêm là từ πάρχων cũng được dùng trong cựu ước St 1,26 để diễn tả về Adam, thế nên, có mối liên hệ giữa Đức Kitô và Adam bắt đầu từ những hạn ngữ πάρχων εικων (eikōn). Chỉ về bản chất thực của Đức Giêsu và Adam được thành hình theo dạng thức, hình ảnh Thiên Chúa (St 2,26).

 

Có một vài học giả đề nghị rằng: có hai từ trên được dùng trong những ngữ cảnh giống nhau với ngụ ý chung và từ sự kết nối này một hình thể về Đức Kitô và Adam trong một bài thánh ca (hymn)(14)[xiv]. Thế nhưng, có học giả khác là Dave Steenburg, ông đã cho rằng nghĩa của πάρχωνεικων khác nhau, không có nghĩa tương đồng nhau. πάρχων được sử dụng trong sự mô tả về sự tạo thành nhân tính trong hình ảnh của Thiên Chúa một cách chính xác vì nó bao hàm những gì mà εικων không hàm chứa được. Vì thế, cụm từ “being in essence God” (vốn dĩ là Thiên Chúa) là một sự xác định mạnh mẽ về thần tính của Đức Giêsu.

 

Từ trút bỏ: κένωσεν, (ekenōsen): câu 6 nói với chúng ta những gì Đức Kitô không thực hiện, nhưng câu 7 này nói về những gì Đức Kitô đã thực hiện. Trong bản văn Hy lạp dùng từ ekenōsen (emptied: đã vét cạn, vét rỗng chính mình), đây có thể xem là một từ khóa then chốt để mô tả về sự chọn lựa của Đức Giêsu về sự từ bỏ những vinh quang, năng quyền uy linh của Ngài (1 Cr 1,17; 9,15; 2 Cr 9,3). Đức Giêsu thực hiện hành động này cho chính Ngài, Ngài chính là chủ thể thực hiện hành động đó và cũng là đối tượng của hành động đó, nghĩa là Ngài có tất cả nhưng đã hóa ra không. Từ ekenōsen diễn nghĩa là tình trạng ngang hàng với Thiên Chúa của Đức Giêsu giờ đây tạm thời bị ẩn tàng (suspended) trong thời gian Ngài ở trần thế. Đây chính là một trong những điểm son trong việc nghiên cứu về Kitô Học (Christology).

 

Từ Nô lệ: δούλου (doulou), taking the essense of a slave: điệp ngữ này lại được lặp lại với hạn từ “essence” (morphē) đã được sử dụng ở câu 6. Điều này có thể nhấn mạnh rằng Đức Giêsu thực sự là Thiên Chúa, Ngài cũng thực sự là một nô lệ (Ga 13,5-17). Từ nô lệ được xuất hiện nhiều lần trong Kinh Thánh, riêng các thư của Phaolô dùng từ nô lệ chỉ về chính ngài được tìm thấy trong (Rm 1,1; Plm 1,1), và mô tả chung của Phaolô về đời sống Kitô hữu (Rm 7,6.25; 12,11; Gl 5,13; Plm 2,22). Nô lệ là một người hoàn toàn không có quyền gì, những người nô lệ hoàn toàn lệ thuộc vào ý muốn của người chủ (Kn 9,4-7; Cl 3,22; Ep 6,5-9). Sự so sánh tuyệt vời của Phaolô: Đức Giêsu có vinh quang tột bậc, cao nhất của Thiên Chúa mà cũng hạ cố làm người nô lệ thấp nhất của phận người morphē (essense of God/ essense of a slave).

 

3.2 Cấu trúc và ý nghĩa đoạn Kinh Thánh Pl 2,5-11

 

Cầu trúc: chúng ta có thể chia đoạn thánh ca Philiphê Pl 2,5-11 thành hai phần: phần I từ câu 6-8 và phần II từ câu 9-11. Câu 6-8 mô tả về những hành động của Đức Giêsu, Ngài là chủ thể của hành động, nhưng câu 9-11 mô tả hành động của Thiên Chúa, Thiên Chúa là chủ thể và Đức Giêsu là đối tượng. Phần I Đức Giêsu chọn lựa và thực hiện, phần II Thiên Chúa đáp lại chọn lựa và hành động của Đức Giêsu. Cách chung, có thể thấy Đức Giêsu hạ cố làm người mọn hèn và được Thiên Chúa nâng lên; Đức Giêsu trần thế (câu 7b-8) và Đức Giêsu được vinh thăng (cầu 9-11). Dĩ nhiên, còn có nhiều cách chú giải, phân tích cấu trúc của đoạn thư Pl 2,5-11, như có người chia thành chia đoạn thánh ca trên thành bốn hàng song đối nhau: 6-7b; 7c-8; 9; 10-11. Đang khi đó, có người lại chia ra hai cấu trúc đồng tâm trong bài thánh ca, với Mầu nhiệm Nhập Thể của Thiên Chúa là trọng tâm, như sau:

 

A.    Sự tiền hiện hữu của Đức Giêsu là Thiên Chúa (c.6).

B’. Trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ (c.7a).

C.    Nhập thể làm người (c.7b).

B’. Hạ mình bằng lòng chịu chết (c.8).

A’. Đức Giêsu được siêu tôn, ca ngợi là Thiên Chúa (c.9-11).

 

Ý nghĩa: của bản thánh ca Philiphê 2, 5-11

 

c.6: từ muôn đời Đức Giêsu Kitô chính là Thiên Chúa, Ngài có đủ mọi danh dự, vinh quang và uy quyền của một Thiên Chúa (x. Cl 1,15; Hr 1,3; G 1,1), nhưng Ngài đã không muốn duy trì những điều đó, và cũng không muốn biểu lộ hay nhìn nhận, hoặc duy trì bằng bất cứ cách nào.

c.7 Ngài trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, nghĩa là Ngài đã vét cạn chính mình ra không để trở nên như con người mọi đàng, để chia sẻ với loài người tất cả những yếu đuối như đói mệt, phiền nhọc, lao tác, đau khổ và phải chết (x. Gl 4,4; Rm8,3; Hr 2,17) chỉ có điều là Ngài không phạm tội mà thôi.

c.8 Ngài lại còn hạ mình không những như con người mà còn xuống tận cùng của phận người khốn khổ là như nô lệ (Rm 6,16-18; Cl 3,22). Ngài còn đi đến tận cùng khốn là bằng lòng chịu chết, và chết nhục nhã, tủi hổ trên cây thập tự (Đnl 21,35; Cl 3,13). Ngài làm như vậy chỉ vì vâng phục Thánh Ý Chúa Cha, đồng thời Ngài cũng cứu chữa vết xe đổ của loài người là sự bất phục tùng của con người đầu tiên (Rm 5,19; Hr 5,8), và cũng từ đó Ngài được nâng lên và kéo con người lên với Ngài (Ga 12,32).

c.9 Thiên Chúa đã siêu tôn Đức Giêsu và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên mọi danh hiệu của mọi loài thụ tạo cũng như vũ trụ vạn vật…(Ep 1,10), đó như là một phần thưởng của Chúa Cha dành cho Đức Giêsu Kitô.

c.10 nghe danh thánh Giêsu, trên trời dưới đất và trong âm phủ… muôn vật phải bái quỳ. Câu này có vẻ giống với Is 5,23: “mọi gối phải quỳ xuống, mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng.” Cử chỉ tôn vinh, tán dương, thờ phượng, chúc tụng này (Ep 1,21; Hr 1,4; 1 Pr 3,22) được dành riêng cho Đức Giêsu với sự kính trọng cực thánh mà chỉ có Thiên Chúa mới được hưởng.

c.11 để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: "Đức Giêsu Kitô là Chúa". Đây là lời tuyên xưng đức tin về thần tính của Đức Giêsu Kitô (Rm 10,9; 1 Cr 12,3; Cl 2,6) là Thiên Chúa của thánh Phaolô, mà không phải chỉ mỗi thánh nhân mà là muôn loài, muôn vật ở mọi thời và mọi nơi.

 

II. PHẢN TỈNH VÀ SUY TƯ CÁ NHÂN VỀ ĐOẠN THÁNH CA PHILIPHÊ 2,5-11

 

  Từ những phân tích trên gợi lên trong tôi về chủ đề về: Mầu nhiệm tự hủy của Đức Giêsu ngang qua sự vâng phục. Thật vậy, khi học về 3 lời khấn trong đời tu, với lời khấn khó nghèo, đoạn thánh ca này luôn là nguồn cảm hứng và rọi chiếu minh nhiên hơn cho tôi về lời khấn vâng phục. Ngang qua sự vâng phục của Chúa Giêsu với Chúa Cha, con người mới được cứu độ và đi vào một giao ước mới, vào sự sống mới. Cái giá của sự vâng phục này rất cao (hủy mình ra không như nô lệ và phải chết tức tưởi, hổ nhục trên thập giá) và phần thưởng là sự vinh thắng và siêu tôn từ Thiên Chúa. Hy sinh nào cũng phải trả giá, sự trả giá càng đắt thì sự hy sinh càng cao quý, vinh quang.

 

     Chủ đề tiếp theo mà tôi cũng có cảm hứng từ đoạn thánh ca trên là: nhân tính và thiên tính của Đức Giêsu. Nhờ đoạn thư Pl 2,5-11 này, tôi có thể thấu triệt rõ hơn về bản chất đích thực của Đức Giêsu. Ngài vừa là Thiên Chúa thật và vừa là người thật. Ngài giống chúng ta mọi đàng (trừ tội lỗi), đã hạ cố làm người với thân phận nô lệ, mọn hèn và khổ đau. Khi được vinh thắng, nhân tính của Người vĩnh viễn đi vào thượng giới của Thiên Chúa (Ga 20,17), thiên tính và nhân tính vẫn là một nơi Đức Giêsu.

 

     Tóm lại ơn cứu độ là một hành động của sự phục vụ khiêm tốn. Thánh ca về Đức Giêsu Kitô trong thư Philiphê là bài diễn nghĩa mang tính cảm động và tổng quan nhất về đời sống Kitô hữu trong Tân Ước. Nó diễn tả một Đấng là Thiên Chúa và ngang hàng với Thiên Chúa, với tất cả quyền năng và vị thế cũng như vinh quang, và uy lực của Ngài có, Ngài đã tự nguyện “emptied himself” (vét cạn, làm rỗng chính mình như không), nghĩa là hoàn toàn từ bỏ chính mình, chỉ để hóa nên như con người và để cứu chuộc con người khỏi diệt vong và được sống muôn đời. Đó chính là mầu nhiệm tự hủy (kenōsis) của Đức Kitô.

 

     Thực sự, chúng ta không thể noi gương Đức Giêsu “vét cạn chính mình” như: Nhập thể, rửa chân cho các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly, cho đến việc trao ban chính mình máu của Ngài trên đồi Calvariô cho nhân loại. Điều đó không hề dễ với các tín hữu Philiphê khi xưa cũng như chúng ta ngày nay, nhưng chúng ta có thể chọn những hành động về sự bỏ mình hoàn toàn (complete self-emptying), ngang qua việc xem lợi ích của người khác cũng hơn lợi ích của chính mình (Pl 2,4), đồng thời đặt niềm tin tưởng hoàn toàn vào Đức Giêsu, Người sẽ cứu chúng ta khỏi những sự diệt vong sau hết, vì chúng ta đã hủy mình hoàn toàn cho tha nhân như Ngài.

 

III.        KẾT LUẬN

1.    Khái quát lại chủ đề của bài

 

Chủ đề của bài nghiên cứu này là: Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa đã hủy mình ra không để cứu chuộc con người, được các đề mục trên làm sáng tỏ ý nghĩa qua các hạn từ then chốt, đồng thời cũng được đào sâu ý nghĩa chủ đạo ngang qua bản văn Pl 2,5-11. Cách chung có thể thấy: Đức Giêsu là Thiên Chúa (c.6) đã tự hủy mình ra không (c.7-8) nhằm để cứu chuộc con người. Thiên Chúa có nhiều cách thức để cứu chuộc con người, Ngài có thể phán một lời là con người mọi thời và mọi nơi được cứu thoát, thế nhưng cách đó không diễn tả được tình yêu vô song của Thiên Chúa. Chỉ ngang qua sự tự hiến tận căn, hủy mình triệt để của Chúa Giêsu Kitô, con người mới được cứu chuộc hoàn toàn. Nói chung, đoạn thánh ca Pl 2, 5-11 đã mạc khải cho chúng ta những ý nghĩa sâu nhiệm về Mầu Nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa làm người và Cứu Chuộc con ngươi.

 

2.    Tóm lược vắn tắt các việc đã thực hiện như: xác định tư khóa ý nghĩa xác đáng, chọn lọc từ có ý nghĩa và vài trò quan trọng với bản văn.

 

Dọc suốt các đề mục trên, tôi đã làm rõ các từ then chốt của bản văn Pl 2,5-11 như là: từ πάρχων” với nghĩa là: vốn dĩ; từ κένωσεν (ekenōsen) có nghĩa là: trút bỏ; từ δіακουέω (doulou) là: nô lệ;  từ ν μοιώματι νθρώπων  (hōs anthrōpōs) có nghĩa là: sống như người trần thế; và  từ πήκοος (hyēkoos) được hiểu là: bằng lòng.

 

Các từ khóa này có nghĩa vô cùng quan trọng đối với bản văn, vì nếu dịch sai chữ có thể dẫn đến ý nghĩa thực của bản chất sự việc cũng bị sai lệch, ví dụ: từ ν μοιώματι νθρώπων  (hōs anthrōpōs) có nghĩa là: sống như người trần thế, nhưng cha Thuấn dịch: đột lốt phàm nhân, câu này hoàn toàn mang nghĩa tiêu cực, làm sai lệch bản chất thần học về nhân tính của Đức Giêsu. Nói chung, với việc tìm ra, sàng lọc, chọn lựa những từ khóa then chốt thì rất quan trọng với bản văn, nhất là những bản văn thường xuyên được dùng trong phụng vụ. Việc tìm ra từ phù hợp với nghĩa xác đáng là việc làm thiết yếu quan trọng góm phần làm phong phú ý nghĩa bản văn cách trực quan và sinh động hơn, nhờ đó mọi người có thể dễ dàng tìm gặp được Thiên Chúa hơn.

 

3.    Tóm tắt các suy tư: với những thành quả, với những ý nghĩa trong đời sống thực tiễn, và tầm quan trọng của chủ đề này mở ra nghiên cứu tiếp theo.

 

Tựu chung, các suy tư, phân tích trên một phần nào đó đã góp phần làm sáng tỏ ý nghĩa thực của bản văn Pl 2,5-11. Việc chọn lựa từ khóa, phân tích, so sánh, đối chiếu và mổ xẻ câu chữ làm cho bản văn được sáng tỏ, rõ nghĩa hơn là việc chỉ bám chặt vào một bản văn cố định. Chính những sự khác nhau giữa những bản dịch là cơ hội để tìm hiều và đào sâu hơn ý nghĩa bản văn cũng như cách thức thực hiện việc “chẻ chữ” từ bản văn đó.

 

Nhờ việc nghiên cứu Kinh Thánh cách khoa học này, tôi mới có dịp làm phong phú hơn kiến thức của mình, đặc biệt là nhờ đoạn Kinh Thánh Pl 2,5-11, tôi hiểu hơn về nhân tính và thiên tính của Đức Giêsu Kitô, đồng thời là mầu nhiệm Ngôi Hai Cứu Chuộc con người. Đối với mọi người, khi nghiên cứu về nhân tính và thiên tính của Đức Kitô (hay Christology), có thể dùng bản văn Pl 2,5-11 làm cơ sở nền tảng để phân tích và đầu sâu hơn.

 

Nếu tiếp tục nghiên cứu và đào sâu bản văn theo chiều hướng đời tu, thiết nghĩ người viết có thể làm sáng tỏ hơn ý nghĩa lời khấn vâng phục trong đời tu. Vì ngang qua mẫu gương lý tưởng của Đức Giêsu đã hủy mình ra không để trở nên con người nhỏ bé và vâng phục ý Chúa Cha đến nỗi bằng lòng chịu chết trên thập giá, ngõ hầu cứu chuộc con người. Nói chung, nhờ đoạn văn này, mọi người có thế nghiên cứu hơn về Kitô học và lời khấn vâng phục theo gương Đức Giêsu Kitô.

 

Minh Đức S.J.



 (1) Nguyễn Như Ý, Đại từ điển Tiếng Việt, nxb Văn Hóa-Thông Tin, p. 1829

 (2) Ibid, p. 1327

 (3) Ibid, p.1278.

(4) Ibid. p. 1664.

(5) Ibid. p.659.

(6) Ibid. p. 123.

(7) Ibid. p.1803

(8) Moisés Silva, New International DICTIONARY of new testtament THEOLOGY and EXEGESIS, p. 338

(9) Ibid p.772

(10) Ibid p.658

(11) Ibid p.417 

(12) Ibid  p. 549

(13) Cf. SACRA PAGINA Philippoans & Philemon by Daniel J. Harington S.J., Editor Bonnie B. Thurston and judith M. Ryan. p.80.

(14)  See. For example, the article listed below by Charles H. Talbert, “The Problem of Pre-Existence in Phil 2,6-11.” 

0 Comments: