MỘT VÀI GỢI Ý GIÚP CẦU NGUYỆN TỐT HƠN
Câu nguyện không chỉ là một hoạt động, nhưng là mối tương quan tình yêu của ta với Thiên Chúa. Như bât kỳ tương quan tình yêu nào, ta cần liên tục đầu tư công sức và thời gian để làm cho tương quan đó tiến triển và chín mùi. Chúng ta cần đầu tư thời gian quy báu, năng lực và con người mình để đào sâu sự thân mật với Thiên Chúa. Không có điều gọi là "sự thân mật tốc hành" hay "thân mật mì ăn liền" với Chúa. Dấu hiệu chắc chắn nhất cho thấy mình đang thiếu thân mật với Chúa là khi ta theo ý riêng để chỉ tìm Ngài trong những lúc cần mà thôi.
• Thiên Chúa hài lòng nhất khi chúng ta dám trao
ban thời gian quý báu, sự hiện diện và chính con người của chúng ta cho Ngài
trong cầu nguyện.
Mối bận tâm đầu tiên, đặc biệt với những người bận rộn, là thời gian cầu nguyện. Dành thời giờ chính thức để cầu nguyện là trao ban thời gian cho Chúa. Trao thời gian cho Chúa là trao sự hiện diện của chúng ta cho Ngài. Trao sự hiện diện cho Ngài cũng là việc trao ban chính con người chúng ta. Không có gì làm vui lòng Chúa hơn khi chúng ta dám dành thời gian quý báu, sự hiện diện và chính con người ta cho Chúa.
• Sự trung tín trong cầu nguyện tạo nên những ký
ức với Thiên Chúa.
Một trong những điều tốt nhất chúng ta có thể trao cho Chúa trong cầu nguyện là sự trung tín: chúng ta luôn trung tín và kiên định trong cầu nguyện; không bỏ hay cắt bớt giờ cầu nguyện. Ngay từ đầu, nếu quyết định cầu nguyện 60 phút cho một lần, chúng ta phải giữ đúng 60 phút. Ngay cả khi chúng ta không cảm thấy gì xảy ra trong cầu nguyện, nhưng có nhiều ơn ích khi chúng ta trung tín. Trung tín trong cầu nguyện luôn tạo nên một ký ức trường tồn với Chúa; những ký ức đẹp, bền vững luôn là kết quả của thời gian và của sự hiện diện quý báu chúng ta dành cho và ở với người mình yêu.
• Trung tín trong cầu nguyện cho phép Chúa dạy ta
trong nhiều nhân đức
Trung tín trong cầu nguyện là sự bền vững nhất. Đó là một người thầy tuyệt vời. Nó dạy ta biết khiêm nhường, biết rằng chúng ta không luôn luôn kiểm soát được mình khi cầu nguyện. Khi không cắt bớt giờ cầu nguyện, dù chúng ta gặp khó khăn (mệt mỏi, khô khang hay chán nản), rồi thì chúng ta để Chúa dạy mình những đức tính khác- khiêm nhường, kiên nhẫn, quảng đại, phó thác và tin yêu. Dần dần trong cuộc sống thực tiễn, chúng ta biết khiêm nhường, kiên nhẫn, rộng lượng, phó thác và tin yêu, bởi vì trong cầu nguyện đó là điều (là ai) chúng ta sẽ trở nên.
• Tình trạng nội tâm của con tim là điều quan
trọng nhất trong cầu nguyện.
Điều nói với Chúa trong cầu nguyện và nói như thế nào là quan trọng. Tuy nhiên, đây không phải là mối bận tâm trước tiên. Mối bận tâm trước tiên phải là tâm trạng nội tại của con tim. Đây là điều Chúa nhìn đến; là điều thật sự có giá trị đối với Ngài. Như thế, tâm hồn chúng ta phải được chuẩn bị tốt để gặp Ngài trong cầu nguyện. Một tâm hồn khiêm hạ, trong sạch, thành thật, kiên nhẫn, quảng đại, tin tưởng, phó thác, yêu thương, và trên hết tâm hồn trẻ thơ, là tâm hồn xứng đáng nhất để gặp Chúa trong cầu nguyện.
• Chọn địa điểm và thời gian tốt để cầu nguyện.
Đừng vội vã trong cầu nguyện. Đừng bao giờ vội vã trong cầu nguyện. Trước tiên tìm cho mình một nơi chốn và một thời gian cầu nguyện tốt. Phải chuẩn bị tốt trước khi bước vào giờ cầu nguyện. Hãy biết thinh lặng; học làm bạn với sự tĩnh lặng. Lúc khởi đầu giờ cầu nguyện, nên dùng chút thời gian để nhận ra sự hiện diện của Chúa. Hãy nhớ rằng Chúa đang thực sự hiện diện nơi đây, thậm chí đang ôm ấp tôi bằng tình yêu.
• Nài xin trong cầu nguyện giúp ta biết khiêm nhường và biết đặt mình trong tình trạng cầu nguyện tốt hơn.
Trong mỗi giờ cầu nguyện của Linh thao, chúng ta luôn xin ơn. Vì thế, trước khi bắt đầu cầu nguyện, cần xin những ơn đặc biệt chúng ta khao khát tìm kiếm. Thường chất lượng của nài xin đưa đến chất lượng giờ cầu nguyện. Nài xin giúp ta biết khiêm tốn, biết sửa soạn bản thân tốt để gặp Chúa.
• Chọn điểm cầu nguyện rất quan trọng.
Phải biết chọn chất liệu cầu nguyện tốt. Nếu chất liệu càng diễn tả được những nhu cầu, bận tâm ngay chính lúc này, và nếu giờ cầu nguyện càng làm cho ta cầu nguyện hết tâm hồn, gợi nên những cảm xúc, an ủi và sầu khổ, thì việc cầu nguyện của chúng ta càng tốt. Đối với việc cầu nguyện nghiêm túc, chúng ta luôn đến trước Chúa như chúng ta là, và Chúa luôn chấp nhận chúng ta dù chúng ta là ai.
• Phải biết cầu nguyện ngày càng nhiều với con
tim hơn là với cái đầu.
Những bận tâm sâu xa nhất của tôi bây giờ là gì? Những cảm xúc và điều gì đang tác động tôi cách có ý nghĩa nhất? Niềm vui, hi vọng, và khao khát sâu thẳm nhất của tôi? Những sợ hãi, nỗi đau và bất an lớn nhất của tôi lúc này là gì? Mang hết những điều này đến trước Chúa, nhất là những kinh nghiệm ảnh hưởng tôi sâu đậm nhất lúc này. Khi làm điều này, dần dần chúng ta biết cầu nguyện nhiều hơn với con tim và ít hơn với cái đầu, từ đó cầu nguyện sẽ trở thành tương quan tình yêu thực sự với Chúa.
• Quá nhiều chất liệu có thể phản tác dụng. Biết
cảm nếm trong cầu nguyện.
Đừng bao giờ chọn quá nhiều chất liệu cho giờ cầu nguyện và bị quá tải. Nếu một từ, cụm từ, hay một câu hỏi chạm đên tâm hồn, chúng ta nên dừng lại ở đó đê cảm nêm. Nơi đó, chúng ta tập trung, dừng lại thương thưc va đừng đi xa hơn. Nêu điều gì đó chạm đến ta trong cầu nguyện, qua an ủi, (biết ơn vì những ơn lành nhận được, hoặc, xót xa cho tội lỗi của mình), hãy tin rằng đây chính là điều Chúa khao khát gặp chúng ta ở đây và lúc này. Vì thế, chúng ta không cần thay đổi chất liệu cầu nguyện quá sớm.
• "Lặp lại" giờ cầu nguyện, dừng lại
điểm đánh động là một cách cảm nếm.
Không nên vội vàng chuyển đến những chất liệu mới khi cầu nguyện. Nguyên tắc căn bản trong cầu nguyện: "không phải số lượng nhưng chất lượng" (không phải nhiều ý tưởng, nhưng cần một vài chân lý nào đó tác động từ bên trong). Vì thế, tốt nhất, chỉ cần "lặp lại" một đề tài cầu nguyện mà tôi đạt được hoa trái thiêng liêng, trải qua những điểm tôi nhận thấy hữu ích và có thể nhận được nhiều hoa trái từ đó.
• Sự an ủi tự nó không bao giờ là một sự kết
thúc.
Khi cầu nguyện chúng ta không được tìm kiếm "sự an ủi" (ở đây chúng ta muốn nói những cảm xúc "tốt" trong cầu nguyện.) Đúng hơn hãy tìm Chúa và chỉ Ngài mà thôi- Chúa là Thiên Chúa của an ủi và là nguồn mạch của mọi kinh nghiệm an ủi đích thực.
• Chúng ta trở nên giống người chúng ta chiêm
ngắm.
Một phương pháp tuyệt vời của câu nguyện là chiêm ngắm. Chiêm ngắm là đi vào bôi cảnh Phúc âm; ở lại đó nhìn ngắm các nhân vật như thể bạn đang thực sự ở đó với Chúa. Chiêm ngắm là nhập tâm với những nhân vật Kinh thánh (Môsê, Đức Maria, thánh Phêrô, Phaolô, v.v...) đồng hóa với những kinh nghiệm, niềm vui, và những khắc khoải của họ. Trên hết, chiêm ngắm là nhập tâm với Đức Kitô; suy nghĩ, cảm xúc, và yêu thương như Ngài. Nghĩa là ngắm nhìn khuôn mặt Đức Giêsu, tìm cách trở nên thân mật nhất với Ngài, với những giá trị Phúc âm, với con đường yêu thương của Ngài. Phải nhớ rằng, rốt cuộc chúng ta trở nên giống người chúng ta chiêm ngắm.
• Viết lại hoa trái giờ cầu nguyện trong nhật ký
có thể giúp cầu nguyện tốt hơn.
Việt lách có thể giúp cầu nguyện tốt hơn và làm sáng tỏ nhiêu điều. Nên viết lại hoa trái của giờ cầu nguyện. Có thể viết sau giờ cầu nguyện, hay trước khi đi ngủ.
• Cầu nguyện khơi dậy tình yêu và tình yêu khơi
dậy cầu nguyện.
Dấu chỉ thành công sau cùng của cầu nguyện là
đức ái. Cách tôi cầu nguyện phải được biểu lộ trong cách tôi yêu. Cách tôi gặp
Chúa trong sa mạc phải tác động cách tôi phục vụ, yêu thương tha nhân nơi tôi
sống và làm việc. Cũng thế, cách tôi yêu phải khơi dậy việc cầu nguyện liên tục
và giúp tôi trở nên con người cầu nguyện tốt hơn.
Minh Đức, S.J.
(Đọc và tổng hợp từ nhiều nguồn)
0 Comments:
Không cho phép có nhận xét mới.