Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 28 tháng 3, 2023

CHÚT SUY NGHĨ VỀ VIỆC PHÁ THAI TRONG NGÀY LỄ CÁC THÁNH ANH HÀI 28/12

 CHÚT SUY NGHĨ VỀ VIỆC PHÁ THAI TRONG NGÀY LỄ CÁC THÁNH ANH HÀI 28/12



Theo thống kê của worldometers số ca phá thai trên toàn thế giới cho tới thời điểm này của năm 2021 là 42,246,823 ca (hơn 42 triệu ca pha thai mỗi năm) (1) và theo số liệu của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, trung bình mỗi năm cả nước có gần 300.000 – 350.000 ca nạo hút thai, chủ yếu ở độ tuổi 15 - 19, trong đó 60-70% là học sinh, sinh viên, suy ra mỗi ngày ở Việt Nam có khoảng gần 1000 ca phá thai, đó là những số liệu có thể thống kê, những con số thực tế có thể sẽ nhiều hơn.(2)

Vấn để được đặt ra là tại sao xảy ra thực trạng này? Dĩ nhiên sẽ có nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như: không đủ khả năng tài chính; chưa chuẩn bị sẵn sàng tinh thần, thể chất cho việc mang thai; do ảnh hưởng bởi học tập, công việc; ảnh hưởng từ gia đình, bạn bè tác động… Bài viết này không nhằm để nêu ra thực trạng-nguyên nhân-hậu quả-và giải pháp… của việc phá thai cho bằng việc suy xét về vấn nạn phá thai với trách nhiệm luân lý.

ỦNG HỘ VIỆC PHÁ THAI

Ý thức về vấn nạn phá thai dường như đã và đang bị xem nhẹ! Cụ thể về từ ngữ, thay vì dùng từ “phá thai” (abortion), một số người dùng từ như “điều hòa kinh nguyệt” hay “kế hoạch hóa gia đình”. Thực tế cho thấy, dù dùng từ ngữ nào diễn tả sự việc đi chăng nữa thì bản chất vấn đề, hậu quả của nó không hề thay đổi. Có chăng là xoa dịu tâm thức của chủ thể thực hiện hành vi đó mà thôi!

Có những người dùng lý luận để biện minh cho việc phò quan điểm phá thai. Chẳng hạn như nữ triết gia người Mỹ là Judith Jarvis Thomson cho rằng: “dù bào thai là một con người, có quyền sống, phá thai vẫn có thể chấp nhận về mặt đạo đức trong trường hợp bị hãm hiếp hay sử dụng biện pháp ngừa thai thất bại.” (3) Điều đó cho thấy, Thomson muốn đề cao quyền của người phụ nữ trên bào thai, nghĩa là người phụ nữ có quyền tự quyết giữ lại hoặc khước từ sự sống của bào thai đó một cách tự do. Vì thế, người phụ nữ không cần có trách nhiệm với bào thai, suy ra việc phá thai không vi phạm đạo đức.

Có lẽ điều Thomson và những người phò quan điểm phá thai là xem nhẹ thai nhi như là một con người, có nhân phẩm, sự sống nhân linh chỉ có điều con người nhỏ bé đó không có khả năng để tự vệ cho chính mình. Có một câu chuyện kể về một cô gái trẻ đang bế trên tay một đưa bé gái, trong khi cô ấy đang mang bầu. Cô có ý định phá thai và đến gặp bác sĩ, bác sĩ hỏi: “đứa bé trên tay có phải con của cô không?” cô trả lời “phải”. Bác sĩ hỏi: “cả hai đứa đều là con của cô, vậy sao không giết đứa con ở trên tay đi mà lại giết đứa con ở trong bụng?” Cô trả lời: “vì đứa bé này tôi đã mang nặng đẻ đau, vất vả nuôi nó...còn đứa trong bụng này tôi không muốn nuôi”. Vậy là có sự bất công giữa 2 đứa bé rồi! phải chăng phẩm giá của đứa ở trên tay cao quý hơn đứa bé đang ở trong bụng cô? Thực tế, việc cô phá thai và giết đứa bé đang bế trên tay, hành vi nào sẽ bị truy cứu trách nhiệm dân sự? Dĩ nhiên, chọn việc phá thai sẽ dễ dàng hơn nhiều đối với cô gái đó.

QUAN ĐIỂM CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VỀ VIỆC PHÁ THAI

Có đôi khi, con người tự cho mình quyền tự quyết để sinh sát một người nào mình thích. Thế nhưng điều đó hoàn toàn sai trái với quan điểm đạo đức của xã hội và Giáo Hội. Xét về quan điểm của Giáo Hội Công Giáo, “Phá thai là sự giết cố ý và trực tiếp, thực hiện bằng bất cứ phương tiện nào, một con người trong giai đoạn khởi đầu sự hiện hữu, từ khi thụ thai cho đến khi sinh ra.” (Evangelium Vitae EV, s.58). Vì thế, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyên bố: “Với uy quyền mà Đức Kitô trao cho Phêrô và những người kế vị ngài, và trong sự hiệp thông với các giám mục của Giáo Hội Công Giáo, tôi xác nhận rằng việc trực tiếp và cố ý giết con người vô tội luôn luôn là điều bất luân nghiêm trọng. Giáo lý này, dựa trên luật không văn tự mà con người, dưới ánh sáng của lý trí, tìm thấy trong tim mình (x. Rm 2, 14-15), được Thánh Kinh tái khẳng định, Truyền Thống của Giáo Hội lưu truyền, và được Huấn Quyền thông thường và phổ quát giảng dạy” (EV 57).

Theo sách GLHTCG s. 2272 công bố án phạt cho người phạm tội phá thai: “người nào thi hành việc phá thai, và nếu việc phá thai có hiệu quả, thì bị vạ tuyệt thông tiền kết (latae sententiae)”. Theo Kinh Thánh, con người là hình ảnh của Thiên Chúa thế nên họ luôn luôn có giá trị dù là bao thai hay người lớn, trẻ nhỏ, vì thế, Lời Chúa trong sách Sáng Thế có chép: “Ai đổ máu con người, thì máu nó sẽ bị con người đổ ra, vì Thiên Chúa đã làm ra con người theo hình ảnh Thiên Chúa” (St 9,6), sách Xuất Hành nhấn mạnh rằng: “Ngươi không được giết người” (Xh 20,13; Đnl 5,17).

Tựu trung, việc phá thai là một hình thức phá hủy thân xác của bào thai và băng hoại cả lý trí của người phá thai. Thực tế, không ai muốn bản thân bị giết nến như họ trong hoàn cảnh của một bào thai, vậy tại sao họ vẫn muốn phá thai? Dù có biện minh rằng việc phá thai để giữ sức khỏe người mẹ, loại bỏ những con người tàn tật, bất hảo để giảm gánh nặng cho kinh tế, xã hội… thì bản chất của hành động phi đạo đức vẫn không thay đổi. Điều cần thiết mà mỗi người cần để tâm là “sinh sản có trách nhiệm”. Sinh sản có trách nhiệm là suy nghĩ kỹ lưỡng và phán đoán chín chắn trước khi quyết định sinh con của hai vợ chồng, vì ích lợi của: chính hai vợ chồng, của con cái và của xã hội và Giáo Hội.

Kết Luận

Như vậy, nhìn vào thực trạng của vấn nạn phá thai trên toàn thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng, nguyên nhân, hậu quả, và giải pháp trong thực tế chúng ta có thể thấy xuất hiện rất nhiều trên các trang mạng Internet. Điều được nhấn mạnh trong bài viết này là ý thức về trách nhiệm của việc sinh con, của việc mang thai. Nghĩa là mục đích không nên dùng để biện minh cho phương tiện, dù với lý do gì đi chăng nữa việc phá thai vẫn là một hành vi phi đạo đức, luân lý đối với xã hội và là một trọng tội (vạ tuyệt thông tiền kết) theo luật của Giáo Hội. Thế nên, người phụ nữ, người mẹ mang thai không có quyền tự quyết sinh sát trên bào thai của mình, thay vào đó người mẹ nên có trách nhiệm đối với thai nhi đó và săn sóc bảo vệ thai nhi đó với tất cả tình mẫu tử thiêng liêng và cao quý của đạo làm người và làm con Chúa.


Minh Đức S.J.

(Một vài suy nghĩ về vấn nạn phá thai hiện nay trong ngày lễ các Thánh Anh Hài 28/12)


Tham khảo

(1) https://www.worldometers.info/abortions/, accessed Dec, 28,2021

(2) ) https://dantri.com.vn/.../moi-nam-co-300000-ca-nao-hut..., truy cập ngày 28/12/2021

(3) BRODY Baruch, Thomson on Abortion in Philosophy & Public Affairs, Vol. 1, No.3, Spring, 1972. Ẩn bớt

0 Comments: