Đời Người là Chuyến Hành Hương
Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết
bài hát “Ở Trọ” với ca từ rất ý nghĩa và sâu sắc như sau: “Con chim ở đậu cành
tre, con cá ở trọ trong khe nước nguồn, tôi nay ở trọ trần gian, trăm năm về chốn
xa xăm cuối trời”. Có lẽ đối với nhạc sĩ họ Trịnh, cuộc trần này như một quán trọ
và cùng là hành trình ‘một cõi đi về’ của mỗi người. Thế nhưng, ta sẽ đi về đâu?
Với nhạc sĩ thì đó là ‘về chốn xa xăm cuối trời’. Cũng cùng một nhãn quan hiện
sinh, triết gia công giáo Gabriel Marcel (1889-1973) đã thừa nhận rằng: “Có lẽ,
một trật tự ổn định chỉ có thể được thiết lập trên trái đất này nếu con người
luôn ý thức sâu sắc rằng họ đang trong tình trạng của người lữ hành”[i].
Thật vậy, đời người không gì khác hơn là một cuộc lữ hành, nhưng đúng hơn cần
phải gọi là hành hương với niềm hy vọng.
Chúng ta hy vọng điều gì nơi cuộc
hành hương này? Trước hết, thuật ngữ hành hương ‘Pilgrimage’ xuất hiện từ rất lâu
trong Kinh Thánh Cựu Ước. Cụ thể là hành trình của tổ phụ Apraham đi về miền đất
hứa (promesed land) mà Thiên Chúa dẫn đường chỉ hướng cho ông. Hành trang của cuộc
hành hương thiêng liêng không gì khác hơn là con tim được thôi thúc đi tìm kiếm
Thiên Chúa trong Đức Tin. Thế nên, thuật ngữ ‘hành hương’ ở đây không nên hiểu
cách thuần túy là cuộc du lịch để check in, selfie, flex những khung cảnh ‘chill
chill’ khi mua sắm, ăn uống, giải trí… mà ngày nay người ta thường sử dụng. Nhưng
đúng hơn, với cái nhìn Đức Tin, ta có thể hiểu hành hương là việc dấn thân lên đường
để trở về với quê hương đích thực của mình ở trên Trời. Hành trang của chuyến hành
hương này không gì khác hơn là Đức Tin và Lòng Mến đặt nơi Thiên Chúa. Điều đó được
thể hiện qua việc sống trong niềm hy vọng vào Thiên Chúa và nơi Giáo Hội. Thật
vậy, Giáo Hội mà ta đã và đang tin tưởng bước theo là một Giáo Hội lữ hành tại
thế.
Đích nhắm của cuộc hành hương là chính
là Thiên Chúa. Trên hành trình đó, tâm tình cầu nguyện liên lỉ để hướng lòng trí
về Thiên Chúa như là nguồn cội của bình an và hạnh phúc đích thực. Dĩ nhiên, cuộc
sống nơi trần gian này cũng cho ta hưởng nếm những niềm vui và hạnh phúc, thế
nhưng, tất cả chỉ là những nâng đỡ tạm thời, chóng qua. Bình an đích thực và hạnh
phúc trọn vẹn, vĩnh cửu chỉ có ở nơi Thiên Chúa. Lời của Thánh Vịnh gia nhắc nhở
ta rằng: “Phúc thay kẻ lấy Thiên Chúa làm sức mạnh, ấp ủ trong lòng giấc mộng hành
hương…” (Tv 84,6).
Hành hương không gì khác hơn là đi
tìm kiếm Thiên Chúa cho cuộc đời mình. Thế nhưng, tại sao có nhiều lần ta không
tìm thấy Thiên Chúa? Có lẽ, chính những tội lỗi che mờ đôi mắt khiến ta lầm đường
lạc hướng mà xa rời Thiên Chúa và không đi trên đường nẻo của Người. Thế nhưng,
thay vì bỏ mặc chúng ta thì Thiên Chúa giàu lòng xót thương, luôn mong chờ ta
trở về với Người. Hình ảnh ngôi nhà hạnh phúc mà Thiên Chúa là Cha nhân hậu đang
giang rộng vòng tay, mở tiệc bê béo ăn mừng, chuẩn bị nhẫn đẹp, áo cẩm bào cho
ta mặc… sẽ là niềm an ủi lớn lao đang khi ta còn là tội nhân. Tự vấn chính mình,
ta có dám can đảm đứng lên, bỏ lại quá khứ không mấy tốt đẹp lại phía sau để trở
về với Chúa, xưng thú mọi lỗi lầm và xin Người tha thứ hay không?
Dĩ nhiên, trên hành trình cuộc đời
này cũng không thiếu những cám dỗ ngon ngọt khiến ta dễ dàng rơi vào cạm bẫy của
ma quỷ. Thế nhưng, đó không phải lý do khiến ta sợ hãi và chùn bước, bởi vì chúng
ta tin rằng niềm hy vọng đặt nơi Thiên Chúa sẽ chẳng bao giờ làm ta thất vọng.
Cuộc hành hương với niềm hy vọng là hành trang của chúng ta. Chính thánh
Augustino đã khẳng định rằng: “Hội Thánh bước đi vững vàng, tiến về đường hành
hương của mình, giữa những thử thách trên đời và những an ủi của Thiên Chúa.” Bằng
chứng cụ thể mà ta có thể thấy đó chính hai môn đệ trên đường Emmau đã được Chúa
Giêsu đồng hành và an ủi họ giữa những sầu khổ, thất vọng trên hành trình về quê.
Bên cạnh đó, mỗi người chúng ta đều
được Thiên Chúa mời gọi vào một sứ mạng khác nhau, có người là tu sĩ, người là linh
mục, giám mục, hay giáo dân… nhưng, tất cả đều chung một con đường hành hương về
quê Trời. Dù muốn hay không thì sự thật là như thế! Cuộc hành hương về với Thiên
Chúa mang tính cứu độ, thế nhưng nó tùy thuộc vào tự do chọn lựa, quyết định của
chúng ta mà thôi! Chính Chúa Giêsu cũng đã sống cuộc đời hành hương trong vòng 33
năm, cuộc hành hương đó khởi sự từ hang Bêlem đến đồi Canvê và Người cũng phải
trải qua biết bao cay đắng ngọt bùi của cuộc sống. Thế nhưng, cuộc hành hương của
Chúa Giêsu phát xuất từ ý định cứu độ nhân loại của Thiên Chúa Cha. Trên cuộc hành
hương của Chúa Giêsu, Người luôn có Chúa Cha hiện diện và song hành. Cũng vậy, Thiên
Chúa không để ta độc hành đơn bước, Ngài luôn song hành cùng ta trên mọi nẻo đường,
nếu Đức Tin đủ lớn mạnh, ta có thể nhận thấy bàn tay Thiên Chúa đã và đang dẫn
dắt ta đi trên mọi nẻo đường và vượt qua bao khó nguy.
Tóm lại, dù muốn hay không, dù sớm
hay muộn, nhưng chắc chắn một điều là chuyến đi của mỗi người sẽ có lúc phải kết
thúc. Những ngày tháng còn lại của ta là một cơ hội lớn để sống cho những gì tốt
đẹp và cao quý hơn. Do đó, “chúng ta hãy can đảm lên, bởi lẽ cuộc đời là cuộc
phiêu lưu thần linh, và kế hoạch của Thiên Chúa nơi chúng ta đã và đang được thực
hiện. Chỉ cần chúng ta yêu mến, tỉnh thức trước ý muốn của Chúa, một ý muốn luôn
tuyệt vời.”[ii]
Vào những ngày cuối năm này, trên
chuyến xe về quê ăn tết, có thể trong lòng mỗi người chúng ta ít nhiều có cảm
giác nôn nao, rạo rực, hân hoan, háo hức, hay hồi hộp vì một lý do nào đó. Chẳng
hạn, đó là cảm giác mong ước được gặp lại cha mẹ, ông bà, cô chú bác, hay anh
chị em sau bao ngày xa cách… Cũng thế, niềm vui trên đường hành hương về quê Trời
cũng cần có những niềm vui và hy vọng như vậy. Ta cần “hiểu biết, yêu mến và phụng
sự Thiên Chúa ở đời này, và sống hạnh phúc với Người ở đời sau, đây chính là mục
đích của cuộc lữ hành của chúng ta”[iii].
Xin Mẹ Maria đồng hành với chúng ta trên cuộc lữ hành nơi trần thế này được về
quê Trời bình yên, bởi lẽ, “trên con đường về quê mà vắng bóng Mẹ, con biết nương
cậy ai, biết trông chờ ai…?”
Minh Đức, S.J.
Lễ Thánh Phaolo Trở Lại 2025
A.M.D.G.
0 Comments:
Không cho phép có nhận xét mới.