HỌC ĂN, HỌC NÓI, HỌC GÓI, HỌC MỞ
Ngày nay với sự phát triển của khoa học công nghê thông tin, tri thức nhân loại thường được lưu trữ dưới dạng hệ thống dữ liệu (data system). Thế nhưng, trước đây vài thập kỉ, ngoài kiến thức từ sách vở, con người thường học hỏi lẫn nhau qua kinh nghiệm sống được truyền khẩu từ nhiều thế hệ. Những kinh nghiệm quý báu thường được đúc kết bằng những câu ca dao, tục ngữ để mọi người có thể dễ dàng học thuộc và ứng dụng vào cuộc sống. Trong số những câu tục ngữ hay về việc học hành có một câu tục ngữ nổi tiếng là: Học ăn, học nói, học gói, học mở.
Học ăn, học nói
Trước hết, có một điều đáng lưu ý ở đây là động từ “ăn” và “nói” đều xuất phát từ cái miệng. Cái miệng dùng để ăn uống, để lấy thức ăn nuôi dưỡng cơ thể, đồng thời cái miệng cũng dùng trong giao tiếp để mọi người có thể hiểu rõ về nhau hơn. Quả nhiên, cái miệng là bộ phận rất quan trọng của cơ thể con người vì gắn liền với sự sống nên nó cần phải được giữ gìn và huấn luyện. Vậy, con người cần phải giữ gìn và huấn luyện cái miệng như thế nào? câu trả lời là phải học.
Học ăn là học cách ăn uống sao cho thanh lịch và có văn hóa. Các cụ thường dạy con cháu: ăn trông nồi, ngồi trông hướng, để thể hiện phẩm giá và sự tinh tế của mình. Ăn uống làm sao để làm chủ phần “con” và thể hiện phần “người” lịch sự hơn, và biết kính trên nhường dưới hơn, để không bị người khác đánh giá là thô lỗ, phàm phu tục tử. Ngày nay, người ta cũng cần phải học cách ăn uống làm sao cho khỏe, cho an toàn... vì mọi bệnh tật đa phần đều xuất phát từ thói quen ăn uống vô trật tự và kém hiểu biết. Thế nên, cổ nhân ta có lý khi nói: bệnh tùng khẩu nhập, họa tùng khẩu xuất.
Bên cạnh đó, việc học ăn quan trọng thế nào thì việc học nói cũng quan trọng không kém, vì theo thống kê của Leil Lowndes thì “85% thành công trong cuộc sống của chúng ta có liên quan trực tiếp đến kỹ năng giao tiếp” , mà cụ thể là cách nói năng. Thật vậy, “trong cuộc sống thường ngày, nếu chúng ta chú ý sẽ thấy có nhiều người khuyết tật trong nói năng. Tuy những khuyết tật đó không có ý nghĩa quyết định, nhưng nếu không chú ý khắc phục thì sẽ ảnh hưởng rất xấu đến hiệu quả nói chuyện của chúng ta.” Bởi vì, từ miệng có thể thốt ra những lời hay ý đẹp để khích lệ, đem niềm vui và hạnh phúc cho người khác, nhưng cũng từ cái miệng có thể thốt ra những lời miệt thị, xỏ xiên và thâm độc, mà một cách vô tình hay hữu ý chúng sẽ mang đến chia rẽ, bất an, và cay đắng cho nhau.
Tác giả Nhiệm Văn Cật kể một câu chuyên như sau: “Ở Nhật Bản, có một thiếu niên nằm trên đường rây tàu hỏa tự sát. Qua điều tra của cảnh sát, cái chết của thiếu niên này bắt nguồn từ lời nói của người cha. Người tự sát là học sinh cấp hai. Đêm đó, do mải xem tivi không làm bài, người cha chửi độc một câu: “thật là đồ đầu óc lợn, không bằng chết đi cho xong.” Chính câu nói này dẫn đến bi kịch trên.” Nếu người cha trong câu truyện trên biết kiềm chế cơn giận và nhắc nhở người con với những lời nói nhẹ nhàng hơn thì có lẽ câu chuyện đáng buồn trên đã không xảy ra. Ca dao Việt Nam cũng diễn tả điều đó qua câu: Chim khôn kêu tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe. Vì thế, suy cho cùng, người lớn hay trẻ nhỏ cũng đều cần phải phải học cách nói chuyện.
Thật vậy, để nói chuyện hay, giao tiếp giỏi điều cần thiết là phải học. Vì “nói chuyện cũng giống như các tài năng khác, cũng cần không ngừng học tập, tích lũy kiến thức. Những người có tài ăn nói cũng phải rút kinh nghiệm trong từng lần giao tiếp, không ngừng nâng cao khả năng của bản thân thông qua cách quan sát người khác nói chuyện.” Những kinh nghiệm hay về nói chuyện đó cũng được ông bà ta lưu tâm: ăn phải nhai, nói phải nghĩ là để nhắc nhở mọi người trước khi nói phải nghĩ, thậm chí còn phải uốn lưỡi bảy lần trước khi nói, vì lời nói gói vàng, nói ngọt thì lọt tới xương và lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Tựu chung, các cụ muốn con cháu mình là phải học ăn, học nói sao cho là người khôn ngoan, lịch sự, và văn minh trong cuộc sống hằng ngày, đồng thời cũng thể hiện sự quan tâm chân thành và nói những điều mà người khác muốn nghe.
Học gói, học mở
Nếu như động từ “ăn và uống” hệ tại ở cái miệng, thì động từ “gói và mở” lại liên quan đến cái tay. Cái tay là hoạt động gần như chính yếu trong đời sống hằng ngày của con người. Thế nên cái tay cũng cần được luyện tập, học hỏi để trở nên khéo léo hơn bớt vụng về, hậu đậu hơn.
Nếu hiểu theo mặt chữ, câu “học gói, học mở” có thể được hiểu là kỹ năng khéo léo trong việc gói mở một món đồ nào đó. Theo truyền thống của người Việt, vào những dịp lễ tết... người ta thường gói bánh chưng, bánh tét, hay nước chấm... vào lá chuối, lá dong . Lá chuối và lá dong xanh tươi thường giòn và dễ rách thế nên việc gói gém cũng phải khéo tay. Khi mở bánh ra cũng thế, phải biết cách mở để nước chấm không bị bung tuột và đổ tràn, mở bánh sao cho đẹp mắt, và không bị vương vãi ra ngoài. Đó là nghệ thuật gói-mở cần phải học.
Nhưng nếu hiểu theo ngữ nghĩa sâu xa hơn, câu “học gói, học mở” có nghĩa rất rộng. Gói-mở ở đây liên quan đến mọi vấn đề trong cuộc sống, vì trong cuộc sống có những điều mang tính tiên cơ bất khả lộ, có những điều cần giữ kín trong công việc, trong cuộc sống. Người không “học gói, học mở” sẽ bạ đâu nói đó, điều mà người xưa thường nói là: ruột để ngoài da, ruột thẳng như ngựa, nói điều gì đó thì nói toạc móng heo, không thể giữ bí mật được.
Việc “học gói, học mở” có thể xem là một đức tính của người khôn ngoan. Người khôn ngoan họ sẽ biết khi nào cần “quên đi” và khi nào cần “nhớ lại” vấn đề, khi nào cần “đóng vào” và khi nào cần “mở ra” với những tương quan hãy những điều cần thiết trong cuộc sống. “Học gói, học mở” là cung cách ứng xử linh hoạt phù hợp với mọi cảnh huống thường nhật, nhờ vậy mà cuộc sống mỗi người sẽ tốt đẹp, vui tươi, có hiệu quả hơn và bớt nhiễu nhương bởi những hiểu lầm, nghi kỵ hơn.
Bên cạnh những ngữ nghĩa chính yếu bên trên, học gói có thể hiểu thêm là gói gọn, tiết kiệm và không phung phí, và đó là một đức tính tốt. Kế đến, học mở có thể hiểu là mở rộng tấm lòng bao dung, tha thứ, nhân từ... sẵn sàng giúp đỡ người khác khi họ cần đến mình. Đó chính là thái độ mở cần phải có, dẫu biết rằng nhiều khi bản thân người mở lòng sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi, mất mát, và điều đó thật khó với một số người, nhưng điều nào khó mới trở nên đáng quý. Vì vậy, sống gói gém, tiết kiệm và mở rộng lòng bao dung cũng là những điều cao quý cần phải học.
Lời kết
Từ kinh nghiệm sống, cổ nhân ta đã đúc kết về việc: “học ăn, học nói, học gói, học mở” để truyền dạy lại cho con cháu cung cách đối nhân xử thế sao cho vẹn tròn nghĩa tình với nhau. Câu tục ngữ này như một lời dạy khôn khéo về nhân bản và cả về lẽ sống nhân sinh cho mọi thời, mọi nơi và cho cả mọi người, khởi đi từ những điều bình gị, nhỏ nhặt đến những điều lớn lao, cao quý. Tựu chung, “học ăn, học nói, học gói, học mở” là câu tục ngữ nhắc nhở mọi người cần học cách để huấn luyện, làm chủ cái miệng và huấn luyện đôi tay của mình để hành xử đúng mực và cảm hóa lẫn nhau hơn.
_Minh Đức S.J.._
Tài liệu tham khảo:
1. Leil Lowndes, Nghệ Thuật Giao Tiếp Để Thành Công, Dịch bởi Công ty Sách Alpha. Lao Động Xã Hội. 2009.
2. Nhiệm Văn Cật, Nghệ Thuật Nói Hay. Phương Đông. 2007.
3. Trác Nhã, Khéo ăn khéo nói sẽ có được thiên hạ, Văn Học. 2014.
4. Toan Ánh, Phong Tục Việt Nam, Xuân Thu. 1975.
0 Comments:
Không cho phép có nhận xét mới.