Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 30 tháng 3, 2023

VÀI ĐIỀU CẦN BIẾT KHI ĐỌC SÁCH THÁNH

 

VÀI ĐIỀU CẦN BIẾT KHI ĐỌC SÁCH THÁNH



1/Chuẩn Bị

Công việc chuẩn bị do Ban Phụng Vụ đảm trách, cần có một bảng phân công: Ngày, bài, ai…, và phổ biến trước hàng tháng; để người phụ trách chuẩn bị tâm tư, sắp xếp công việc riêng và tập dượt trước ở nhà hay tập tại Nhà thờ, nhất là với những người đọc Sách vào các dịp Lễ trọng,.

Người được đặc trách đọc Sách, khi có lịch đọc, nếu có sự trùng hợp thời gian với lịch làm việc của mình mà trường hợp công việc quá cấp thiết hoặc không thể thay đổi, cần báo ngay với Người chịu trách nhiệm phân công để còn có thời gian điều chỉnh,. Hoặc nếu có sự hổ trợ (nhờ Người khác cũng trong ban đọc Sách đọc hộ) cũng phải báo với Người phân công, tránh sự mất tập trung của người phân công khi quan sát không thấy người đã được phân công đọc Sách trong ngày hôm đó khi đã bắt đầu Thánh lễ.

Trong trường hợp bất thường và vào giờ chót mà phải thay thế một người đọc, nhất thiết nên chọn người đã từng đọc nhiều lần quen rồi thì mới bảo đảm.

2/ Trang phục:

Trang phục phải trịnh trọng, gọn gàng,. Nhất là những ngày Lễ trọng,..cần cân nhắc khi chọn màu trang phục nếu bận trang phục màu.

Nếu phải dùng kính trắng thì nhớ đem theo sẵn (Đàn ông nên tránh cài vào áo; Phụ nữ nên cầm trên tay, tránh cất vào bóp hay ví …khi lên bục đọc Sách). Những nơi có Huy hiệu dành riêng cho Ban Phụng Vụ hay cho người đọc, phải nhớ đeo vào trước khi tham dự Thánh lễ.

3/ Thời gian: 

Đến nhà thờ sớm hơn thường lệ để tranh thủ đọc lướt lại chính cuốn Sách Bài Đọc sẽ đặt ở giảng đài, chủ yếu cho quen cỡ chữ to hay nhỏ, các dấu chấm và phẩy ra sao và nhận thức rõ mọi ý tưởng trong bài đọc đó. Như vậy mới mong diễn tả với tất cả tâm hồn. Ngoài ra, cần nhớ số trang mấy, có thể dùng bút ghi vào bàn tay hay kẹp dấu cẩn thận để tránh sự lúng túng khi dở sách. Không đọc ‘’Bài đọc l hay ll’’ cũng không đọc ‘’câu đại ý in nghiêng ‘’ mà đọc ngay câu in đứng " Bài trích...’’ hay "Lời Chúa trong Sách...’’

Người đọc Sách (cả người đọc lời nguyện giáo dân) nên vào Phòng thánh coi trước các bài sẽ đọc, hỏi hoặc thỏa thuận, phối hợp với ca đoàn hôm đó để biết Bài Đáp Ca và Câu Tung Hô sẽ đọc hay hát và hát mấy lần, để liệu mà đọc, hát hay không, và để định lúc lên, xuống cho thích hợp.

Nên thử micro trước khi bắt đầu Thánh Lễ nếu có thể để xác định được âm lượng mình cần đọc, để biết mà điều chỉnh micro lại gần hay đẩy ra xa, lên cao hay xuống thấp sao cho vừa tầm và thích hợp với giọng đọc của mình. 

Thường chỉ cần để ý xem những người đã sử dụng trước cũng có thể biết để điều chỉnh cho mình khi lên đọc.

4/ Nguyên Tắc hoạt động của Người đọc Sách:

Ngồi sẵn ở ghế dành riêng hay ở hàng ghế đầu. Nếu có điện thoại cầm tay, nhất thiết phải tắt máy đi, công việc này phải được kiểm tra trước khi vào dự Thánh lễ.

Theo dõi sát Thánh Lễ để tiến lên bục sách đúng lúc cần thiết, không quá sớm, nhất là không quá trễ. 

Ước tính thời gian tuỳ theo vị trí ngồi sẵn trên gian Cung thánh hay ở dưới hàng ghế. Khi chủ tế đọc lời nguyện đầu lễ đến bắt đầu câu kết ‘’Chúng con cầu...,nhờ...’’ , thì người đọc bài 1 mới tiến lên, cúi chào bàn thờ và bước lên bục sách.

Trên bục sách, trong khoảng vài giây đầu, nên làm 3 động tác sau :

-          Sau khi cúi mình trước Sách Thánh, đeo kính vào (nếu dùng kính, hoặc đã đeo từ trước thì bỏ qua thao tác này), bước lên bục,nhìn hay dở sách cho đúng bài, điều chỉnh micro cho vừa tầm mình và đảo mắt bao quát trong thánh đường ( để biểu lộ tư thế vững vàng và có ý như nhắc nhở cả cộng đoàn hãy sẵn sàng lắng nghe Lời Chúa)

-          Nếu ca đoàn hát đáp ca hay một xướng viên sẽ lên hát, thì sau bài 1 với cả câu kết ‘’Đó là Lời Chúa’’, đứng thinh lặng giây lát (như để Lời Chúa thấm), người đọc phải rời bục. Nếu ca đoàn không hát và cũng không có xướng viên lên, thì người đọc Bài l mới ở lại đọc hay hát đáp ca, ( trước hết, phải đọc câu đáp chậm rải và rõ ràng cho cộng đoàn). Sau đáp ca, đứng thinh lặng. Khi cộng đoàn đọc hay hát câu đáp, thì rời bục ngay, cúi chào Sách Thánh rồi về chỗ.

-          Với người đọc bài 2, thì phải biết trước bài đáp ca hôm đó gồm có mấy câu đọc hay câu hát, để tới câu cuối thì đã cúi chào và lên bục xong.

-          Cũng phải thỏa thuận trước với ca đoàn: Nếu ca đoàn hát tất cả câu tung hô, thì sau bài 2 với cả câu kết ‘’Đó là Lời Chúa’’, giữ vài giây đứng thinh lặng, khi ca đoàn dạo đàn thì người đọc phải rời bục. Nếu ca đoàn chỉ hát mở đầu ‘’Alleluia’’ (Mùa Vọng và Thường Niên) thì người đọc mới ở lại, để đọc hay hát (thì đúng và hay hơn) Câu Tung Hô, xong đứng thinh lặng vài giây. 

-          Khi ca đoàn bắt đầu hát ‘’Alleluia’’ kết, thì cúi chào sách,(có thể không cần chào bàn thánh) và rời bục về chỗ, để Chủ tế lên công bố Phúc Âm. Trong Mùa Chay không đọc hay hát câu Alleluia, cho nên người đọc bài 2 sau khi dứt bài, sẽ giữ thinh lặng vài giây, rồi nâng nhẹ hai tay có ý mời cộng đoàn đứng, sau đó tự động đọc hay hát câu tung hô. Rồi cúi chào sách và rời bục.

-          Có nơi lại áp dụng cách khác như: Để cả Cộng Đoàn cùng hát chầu lễ, cùng đọc câu đáp của đáp ca và cùng đọc câu tiền xướng Phúc Âm. Muốn vậy, phải thực hiện 1 sách hát cộng đồng, 1 Bản khổ nhỏ cỡ nửa trang, in trước từ ca nhập lễ đến ca tạ lễ ở trang nào và in chữ đậm câu đáp đáp ca và câu tiền xướng Phúc Âm.

-          Thánh lễ ngày thường chỉ có một bài Thánh thư, nên chỉ cần 1 người đọc. Do đó, người đọc sẽ đảm trách đọc tất cả: bài đọc, đáp ca và câu tung hô. Riêng đáp ca, đọc câu đáp trước một cách chậm và rõ ràng, rồi lại đáp với cộng đoàn câu đó lần nữa. Nếu câu đáp đó dài quá thì khi cộng đoàn đáp lần đầu, người đọc cũng cần cùng đáp theo cách nhẹ nhàng, rồi những câu sau thì thôi.

-          Nếu câu kết ‘’ Đó là Lời Chúa’’ sẽ hát chứ không đọc, cần phải tập cho thành thạo trước, kể cả nghe quen cung đàn dạo, để bắt cho thật đúng, còn hát hay chỉ là thứ yếu.

5/ Nghệ Thuật đọc Sách:

Giữ tư thế đứng nghiêm và ngay ngắn. 

Phong thái phải chăm chú và trịnh trọng.

Đặt hai tay lên Sách Bài Đọc.

Giọng phải rõ ràng, tự nhiên và khoẻ mạnh từ đầu chí cuối, chứ đừng đầu thì mạnh cuối lại đuối dần đi.

Không sửa giọng cho cầu kỳ, tránh gằn giọng để nhấn mạnh như một bài phát biểu; cũng đừng thêm bất cứ một điệu bộ đầu hay tay nào, theo các ý tưởng trong bài.

Không nên ngẩng đầu lên sau mỗi câu, theo kiểu đọc diễn văn của mình., mà cần chăm chú đọc, chỉ ngẩng đầu vài ba lần sau mỗi đoạn, vì đây là Lời Các Tiên Tri, Lời Chúa. Đặc biệt, phải ngẩng đầu lên nhìn cộng đoàn khi đọc hay hát câu kết ‘’Đó là Lời Chúa’’.

Riêng về điểm này, sau khi ngẩng đầu lên rồi lại nhìn xuống thì có thể quên mất chỗ nào để đọc tiếp. Do đó, đọc tới đâu thì đặt ngón tay trỏ phải vào chỗ đó. Nhưng nếu đã tập trước đến nỗi có thể gần thuộc cả bài rồi thì không sợ quên.

Khi gặp một bài còn nối tiếp sang trang sau thì phải chèn ngón tay trước hay gấp sẵn góc trang đó để lật và đọc cho liên tục,.

Phải rất cẩn thận và luôn khiêm nhường ở trong lòng, nếu không thì sẽ dễ trở nên tự mãn, chủ quan và dẫn tới những sai lầm, nhất là những người đọc đã thậm chí thuộc làu Bài đọc, vẫn nên nhìn vào. Sách để đọc, tránh sơ sảy và thể hiện được Lời Chúa hơn.

Khi lỡ đọc sai chỗ nào, nên đọc lại cho đúng;thà chịu mang tiếng là đọc dở còn hơn là bị vấp phạm.

Phát âm giọng tiếng Việt cho thật chuẩn xác. Ngoại trừ giọng Trung và Nam thuần tuý; còn đã là giọng Bắc thì đừng đọc Thánh thành ra ‘’Thắn’’; Anh em mà lại ‘’Ăn em’’, Lễ Lá thì cứ ‘’Nễ Ná’’v.v. và v.v...Phát âm như thế sẽ làm giảm tác dụng của Sách Thánh đi.

Hãy phân biệt rõ hai từ ngữ Người (in hoa) và ngươi (in thường).‘’Người’’ là nhân vật đại từ thứ ba để nói tới, chỉ về Thiên Chúa, còn ‘’ ngươi’’ là nhân vật đại từ thứ hai để nói với, chỉ về nhân loại. Đọc sai hay có âm giọng cao thấp không đúng hai từ Người và ngươi là vô tình đã đảo nghĩa hoàn toàn.

Lưu ý đến những dấu Chấm và Phẩy để ngừng cho đúng, để lời và ý của bản văn được mạch lạc rõ ràng, đồng thời cũng để lấy hơi cho giọng đọc được liên tục. Không ngừng nghỉ theo đúng các dấu chấm phẩy, người đọc có thể làm cho câu văn trở thành vô nghĩa, thậm chí còn phản nghĩa nữa.

Ví dụ về một câu nguyên văn rằng: ’’Xin cho chúng con được nên một, khi chúng con cùng rước Thánh Thể Chúa vào lòng’’. Nếu ngắt câu sau dấu phẩy ở kế động từ ‘’nên một’’, thì mới có nghĩa là ‘’hiệp nhất’’. Nếu đọc liền một hơi, thì cả câu trên không còn nghĩa thực mình muốn thể hiện.

Hãy suy niệm thấu đáo trước bài Thánh Kinh, để đọc với tất cả tâm hồn, thì sẽ tổng hợp được mọi nghệ thuật trên, và tác động được người nghe.

Cuối bài, cúi vài giây như để Lời Chúa thấm, rồi mới ngẩng lên đọc dõng dạc: ‘’Đó là Lời Chúa’’. Khi cộng đoàn đáp ‘’Tạ ơn Chúa’’ xong, thì bước lui 1 bậc, cúi chào Sách Thánh và trở về chỗ.

0 Comments: