Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 30 tháng 3, 2023

BÀI VIẾT CUỐI KHÓA MÔN KITÔ HỌC: ĐỨC GIÊSU LÀ AI?

 

BÀI VIẾT CUỐI KHÓA MÔN KITÔ HỌC: ĐỨC GIÊSU LÀ AI?



Đức Giêsu là ai?” có lẽ là câu hỏi được rất nhiều người ở mọi thời và mọi nơi đặt ra. Nhiều người đã thắc mắc: tại sao những tín hữu của Kitô Giáo lại đi thờ phượng một người chết trần trụi, nhục nhã trên thập giá? Đang khi đó, những tôn giáo bạn như: Khổng Giáo, Lão Giáo, Phật Giáo…họ tôn thờ những Đấng Sáng Lập tôn giáo của họ với hình tượng vui vẻ, ung dung, tự tại, điềm đạm và siêu thoát. Có lẽ câu trả lời chỉ được tìm thấy trong Kinh Thánh của Kitô Giáo, đặc biệt trong Tân Ước của Công Giáo. Nơi đó họ sẽ thấu hiểu rõ hơn về Đức Giêsu Kitô với nhiều khía cạnh phong phú khác nhau.

Thật vậy, Kinh Thánh đã không ít lần đề cập đến câu hỏi về Đức Giêsu: “Người này là ai?”. Khi mới theo Đức Giêsu, các môn đệ khá ngỡ ngàng vì những hành động lạ lùng của Thầy mình, Ngài đã đi trên mặt biển đến với họ (Mt 14,25), và dẹp yên giông bão trước mặt họ (Mc 4,41). Người Pharisiêu đã tự hỏi với nhau: “Người này là ai?” mà dám nói: “Tội chị đã được tha” (Lc 7,49). Khi Đức Giêsu vào Giêrusalem, cả thành náo động, và thiên hạ hỏi nhau: "Ông này là ai vậy?" (Mt 21,10). Ngay cả vua Hêrôđê cũng phân vân về Đức Giêsu và nên mới nói: "Ông Gioan, chính ta đã chém đầu rồi! Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế! Rồi vua tìm cách gặp Đức Giêsu.” (Lc 9,9).

Dĩ nhiên, có nhiều người đã phỏng đoán về Đức Giêsu như là: “Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, có người lại cho là Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ” (Mc 16,13), cũng có nhiều người mạnh dạn tuyên bố: Đức Giêsu như là một người làm phép lạ. Quả đúng như họ nói, Đức Giêsu đã làm phép lạ, nhưng phải chăng Ngài chỉ đến trần gian này để làm phép lạ? Không một câu trả lời rõ ràng mang tính thuyết phục nào được đưa ra. Ngài thực sự là ai? Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cố gắng chứng minh dung mạo đích thực của Đức Giêsu như là một Con Người thật và là Con Một Thiên Chúa.

I.         ĐỨC GIÊSU LÀ NGƯỜI THẬT.

Trước hết, chúng ta phải nhìn nhận Đức Giêsu là một con người thật. Ngài có “tên là Giêsu, con ông Giuse, người Nadarét” (Ga 1,45) và “bà Maria là thân mẫu của Ngài” (Mc 6,3). Ngài cũng có những đặc tính, phẩm vị như một con người bình thường. Thật vậy, “Cậu Giêsu đã lớn lên trong khôn ngoan, trong vóc dáng, và trong ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và người ta” (Lc 2,52). Đức Giêsu được giáo dục trong một môi trường như bao đứa trẻ đương thời, và có lẽ Ngài thường xuyên đến hội đường để học hỏi về Lề Luật, Kinh Thánh, nên Ngài mới thủ đắc và thông thái được nhiều kiến thức trên nhiều bình diện (Lc 2,46-47). Thế nhưng, Ngài không hề xa lạ, ngược lại rất tự nhiên và gần gũi với mọi người ngang qua nhiều hình ảnh và cách thức khác nhau.

Đức Giêsu gần gũi với mọi người. Đức Giêsu đã âm thầm sinh ra trong cảnh cơ bần, nơi hang lừa máng cỏ (Lc 1,7), và rất gần gũi với những người chăn chiên sống ngoài đồng. Trong khoảng ba mươi năm, Ngài sống khiêm cung, ẩn dật tại làng Nadarét, nơi mà Nicôđêmô đã nói: “Từ Nadarét, làm sao có cái gì hay được?” (Ga 1,46). Khi bắt đầu công khai sứ vụ, Ngài đã rao giảng Tin Mừng cứu độ cho tất cả mọi thành phần trong dân chúng bất kể giàu nghèo, sang hèn, đàn ông đàn bà, người già người trẻ, người khỏe người đau…, và đặc biệt, Ngài đã tuyển lựa mười hai môn đệ là những người bình dân, ít học (Mc 1,16-20; Lc 5,1-11). Người yêu quý các người tội lỗi (Lc 15,2, Mt 11,19), Ngài chữa lành hết tất cả bệnh hoạn tật nguyền trong dân chúng, Ngài gần gũi với những người nghèo hèn, bệnh tật, gúa bụa, phụ nữ và trẻ em (Mc 10,16; Mt 19,13-14; Lc 18,15-16).

Đức Giêsu là một Rápbi. Khi Đức Giêsu khi bắt đầu sứ vụ công khai loan báo Tin Mừng, Ngài đã tuyển lựa, thâu nhận các môn đệ đầu tiên, và đường lối sư phạm của Ngài khác hẳn các kinh sư và người biệt phái. Ngài thường dùng các dụ ngôn để giảng dạy (Mt 13,3), và kiên nhẫn với các học trò (Mc 6,52; 8,17), có đôi khi, Người nghiêm khắc lên án những thói hư tật xấu của giới lãnh đạo dân chúng (Mt 6,2.5.16; Lc 6,42). Cách thức giáo dục của Ngài làm cho đa phần dân chúng yêu thích, vì “Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư.” (Mc 1,22). Thẩm quyền nơi vị Rápbi Giêsu này có thể thấy đó là: các Luật Sĩ, Kinh Sư, Pharisêu dạy dân chúng theo luật Môsê (Mt 19,7), luật của Cựu Ước; thế nhưng, Đức Giêsu khác hẳn với họ, Ngài lấy quyền của mình mà giảng dạy: “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng:…Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết:…” (Mt 5,21-22).

Đức Giêsu là một ngôn sứ. Đức Giêsu cũng như các vị tiên trị khác trong Cựu Ước, thậm chí còn trổi vượt hơn họ, Ngài có trí hiểu thấu thị tương lai và tâm hồn con người, “Đức Giêsu thấu biết ngay họ đang thầm nghĩ như thế, Người mới bảo họ: "Sao trong bụng các ông lại nghĩ những điều ấy?” (Mc 2,8). Ngài có khả năng tiên đoán trước các sự kiện gần xảy ra, thật vậy có lần Ngài nói: “Các anh đi vào làng trước mặt kia. Tới nơi, sẽ thấy ngay một con lừa con chưa ai cỡi bao giờ, đang cột sẵn đó. Các anh cởi dây ra và đem nó về đây” (Mc 11,2). Chỗ khác thì “Người sai hai môn đệ đi, và dặn họ: "Các anh đi vào thành, và sẽ có một người mang vò nước đón gặp các anh. Cứ đi theo người đó. Người đó vào nhà nào, các anh hãy thưa với chủ nhà: Thầy nhắn:"Cái phòng dành cho tôi ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ của tôi ở đâu?” (Mc 13,13-14). Một tiên thị khác Đức Giêsu đã tiên báo cho các môn đệ là: Ngài sẽ bị nhạo báng, khạc nhổ, đánh đòn và giết chết, nhưng sau ba ngày Ngài sẽ sống lại (Mc 10,33; Mc 6,15; 8,27-28). Đối với các môn đệ trên đường Emmau, họ cho rằng: “Đức Giêsu Nadarét là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân” (Lc 24,19). Nói tóm lại, Đức Giêsu đã được dân chúng xem như một ngôn sứ siêu việt thực thụ (Mc 6,15; 8,27-28).

Đức Giêsu cần những nhu cầu như chúng ta. Nhu cầu ăn uống. Đã mang thân phận con người, Đức Giêsu cũng có những nhu cầu vật chất như chúng ta. Ngài cũng cảm thấy mệt, thấy đói như mọi người (Mt 4,2; Lc 4,2). Thật vậy, đang khi Thầy trò đi đường, ngang qua vùng Samari, “Ở đấy,có giếng của ông Giacóp. Người đi đường mỏi mệt, nên ngồi ngay xuống bờ giếng. Lúc đó vào khoảng mười hai giờ trưa.” (Ga 4,6-8). Đức Giêsu đã xin nước uống từ người phụ nữ Samari ở bờ giếng đó (Ga 4,7). Lúc khác đi đường, Đức Giêsu cũng cảm thấy đói mệt, “ khi thầy trò rời khỏi Bêtania, thì Đức Giêsu cảm thấy đói. Trông thấy ở đàng xa có một cây vả tốt lá, Người đến xem có tìm được trái nào không.” (Mc 11,12-13). Nhu cầu nghỉ ngơi. Đức Giêsu cũng cần có thời gian để ngủ nghỉ, và có lẽ giấc ngủ của Ngài khá ngon giấc. Tin Mừng thuật lại cho chúng ta: “một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. Trong khi đó, Đức Giêsu đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ.” (Mc 4,37-38). Nhu cầu chia sẻ. Khi lòng đầy ắp tình yêu và thánh Ý Chúa Cha, Đức Giêsu khát mong chia sẻ những điều quý giá, những giá trị mới của Nước Trời, những điều đích thực, "Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe. Quả thế, Thầy bảo thật anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe…” (Mt 13,16-17). Vì thế, Đức Giêsu thường xuyên giảng dạy cho dân chúng, lúc ở trên núi (Mt 5), lúc ở bờ biển, thật vậy, “từ xứ Iđumê, từ vùng bên kia sông Giođan và vùng phụ cận hai thành Tia và Xiđôn, người ta lũ lượt đến với Người, vì nghe biết những gì Người đã làm. Người đã bảo các môn đệ dành sẵn cho Người một chiếc thuyền nhỏ, để khỏi bị đám đông chen lấn.” (Mc 3,8-10). Nói chung, Đức Giêsu khát khao chia sẻ nhiều điều cho con người:Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi” (Ga 16,12).

Đức Giêsu cũng có những cung bậc cảm xúc. Đức Giêsu có đời sống như một người bình thường với đầy đủ cung bậc cảm xúc (thất tình: hỉ, nộ, ai, ái, ố, dục, cụ). Kinh Thánh đã thuật lại cho chúng ta thấy: có những khi Ngài vui mừng hớn hở cầu nguyện với Chúa Cha (Lc 10,21); có lần Ngài xao xuyến trước cái chết của người bạn thân Lazarô (Ga 11,35) và thậm chí trước cái chết của con trai bà góa thành Nain (Lc 7,13); một lần nọ Ngài khóc thương thành Giêrusalem (Lc 13,34-35); có những lúc Ngài tỏ vẻ tức giận, vì một số người cứng lòng tin (Mc 3,5). Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Ngài cảm thấy buồn sầu, xao xuyến (Mc 14,33-34); đôi lúc Ngài cảm thấy cô đơn, dường như bị Chúa Cha bỏ rơi (Mc 15,34).

     Đức Giêsu là người giàu lòng thương xót. Trong bài giảng trên núi với tám mối phúc, trong đó Đức Giêsu đã đề cập đến mối phúc: “Phúc thay ai biết xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7). Thế nên, trong cuộc sống thường nhật, Đức Giêsu cũng rộng tay thi thố tình yêu vô bờ của Thiên Chúa cho tha nhân (Mt 9,27; Mt 17,15). Quả thật, điểm nổi bật nơi Đức Giêsu trong cuộc sống hằng ngày đó là lòng thương xót, Ngài thường “chạnh lòng thương” dân chúng (Mt 9,36; Mt 14,14; Mt 18,17; Mc 1,41; Mc 6,34; Mc 8,2; Mc 9,22; Mc 20,34; Lc 7,13; Lc 10,33). Với một lẽ dĩ nhiên, lòng thương xót và tình yêu thương con người luôn là nét nổi bật nơi Đức Giêsu, và Ngài thường diễn tả trọn vẹn trong đời sống hằng ngày với mọi người ở mọi thời và mọi nơi (Ga 11,3; Ga 11,5; Ga 11,36; Ga 13,1; Ga 15,15).

     Đức Giêsu cũng bị cám dỗ như chúng ta. Trước khi bắt đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu vào hoang địa ăn chay và cầu nguyện. Sau đó, Ngài bị ma quỷ cám dỗ (Mc 1,13). Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Ngài cũng bị ma quỷ cản bước “Xatan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.” (Mt 16,23). Trên thập giá, Đức Giêsu cũng bị cám dỗ để chứng minh quyền lực của mình, danh dự với lời nói của mình, “Mi là kẻ phá được Đền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được, hãy cứu lấy mình đi! Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì xuống khỏi thập giá xem nào!” (Mt 27,40); “Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. Hắn là Vua Ítraen! Hắn cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, chúng ta tin hắn liền! Hắn cậy vào Thiên Chúa, thì bây giờ Người cứu hắn đi, nếu quả thật Người thương hắn! Vì hắn đã nói: "Ta là Con Thiên Chúa!" Cả những tên cướp cùng bị đóng đinh với Người cũng sỉ vả Người như thế.” (Mt 27,42). Quả nhiên, đó là những cám dỗ khốc liệt với Đức Giêsu, bởi vì họ dựa vào lời Ngài đã nói, và muốn Ngài chứng thực lời nói đó. Nói chung, Đức Giêsu cũng giống như chúng ta là những con người yếu đuối, thường bị thế lực ma quỷ cám dỗ, nhưng Đức Giêsu đã vâng lời Chúa Cha, đã nêu gương cho chúng ta, nên Người đã vượt thoát được mọi cơn cám dỗ, thậm chí Người đã chiến thắng tử thần.

Đức Giêsu đã chịu đau khổ tột cùng. Ngài đã bị dân chúng chống đối khi rao giảng Tin Mừng, các phe thượng tế, kỳ mục, Pharisêu và kinh sư…đã bàn bạc với nhau để tìm kế giết Đức Giêsu (Ga 5,16; Mt 12,14; Mt 26,1-5; Mc 11,18; Ga 11,1). Đỉnh cao của đau khổ mà Đức Giêsu phải chịu đó là cuộc khổ nạn. Đức Giêsu đã chịu nhiều đau khổ trong cuộc khổ nạn bởi bao đòn roi (Mt 26,67-68; Mc 14,65 ), xỉ nhục, khinh chê (Mt 27,37-44; Mc 15,26-32 ) và bị xem là tên bị Thiên Chúa nguyền rủa (Đnl 21,23). Bên cạnh đó, một nỗi đau đớn khác trong tâm can là khi bị chính môn đệ thân tín của mình phản bội (Mt 26,72); dưới chân thập giá, Ngài chẳng thấy môn đệ thân thương nào cận bên. Đau khổ kế tiếp Ngài phải chịu là: “vác thập giá đi ra, đến nơi gọi là Cái Sọ, tiếng Hípri là Gôngôtha; tại đó, họ đóng đinh Người vào thập giá” (Ga 19,17-18). Điều bi tráng hơn nữa, là nỗi cô đơn bao phủ lấy tâm hồn Ngài, khi Ngài cảm thấy vắng bóng Chúa Cha, đến nỗi Ngài phải thốt lên: “Êlôi, Êlôi, lama xabácthani! Nghĩa là: "Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con? "” (Mc 15,34). Tựu chung, nỗi đau khổ Đức Giêsu chịu là có thật và thật đến mức tận cùng của khổ đau.

Như vậy, ngang qua các trích dẫn Kinh Thánh trên, chúng ta có thể hiểu biết thấu triệt và khẳng định minh nhiên rằng: Đức Giêsu là một con người thật, Ngài đã sống cuộc đời dương thế như chúng ta với những phẩm tính rất người. Vậy Đức Giêsu có là ai khác không? Chúng ta cùng tìm hiểu trong đề mục dưới đây.

II.                ĐỨC GIÊSU LÀ THIÊN CHÚA

Đức Giêsu là một con người thật, vậy tại sao các tín hữu Kitô Giáo lại gọi Ngài là Chúa Giêsu Kitô? Phải chẳng Ngài là Thiên Chúa thật? Chúng ta cùng làm rõ ý niệm này trong các diễn giải tiếp theo.

Đức Giêsu mạc khải Ngài là Con Một của Thiên Chúa Cha. Ngay từ nhỏ, Đức Giêsu đã ý thức được thân phận của mình là thuộc về Chúa Cha khi Ngài nói: “sao cha mẹ lại tìm con, Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở trong nhà của Cha con sao?” (Lc 2,49). Lớn lên khi vào đền thờ Giêrusalem, và thấy đền thờ bị xúc phạm Ngài đã xua đuổi mọi kẻ buôn bán trong đó và lớn tiếng rằng: "Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán." (Ga 2,16). Ngài đã mạc khải cho các môn đệ biết về nhà Cha Ngài, “trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em.” (Ga 14,2). Đức Giêsu cũng thường xuyên gọi Thiên Chúa là “Ápba!” (Cha ơi!), đặc biệt trong những lúc Ngài cầu nguyện: “vào lúc ấy, Đức Giêsu cất tiếng nói: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha.” (Mt 11,25); “Đức Giêsu ngước mắt lên và nói: "Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con.” (Ga 11,41). Dĩ nhiên, Đức Giêsu cũng dạy các môn đệ cầu nguyện thân thưa với Chúa Cha rằng: “Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này:"Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời” (Mt 6,9). Có những lúc, Đức Giêsu khẩn thiêt kêu cầu Cha, đặc biệt là lúc trước khi bước vào cuộc khổ nạn: “Ápba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn”(Mc 14,36). Khi bị những tên lính đóng đinh vào thập giá, đau đớn vô cùng, thay vì buông ra một lời nguyền rủa, trách móc…Đức Giêsu đã khẩn khoản xin Cha: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” (Lc 23,34). Đến lúc, biết mình sắp lìa bỏ thế gian, để về cùng Cha, Đức Giêsu đã thốt lên: “Lạy Cha! Con phó thác linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46). Nói chung, Đức Giêsu luôn ý thức mình là Con Một Thiên Chúa, và Thiên Chúa đó là Cha, thế nên khi đứng trước thượng hội đồng, nhóm thượng tế, kinh sư liền hỏi Đức Giêsu “Vậy ông là Con Thiên Chúa sao?" Người đáp: "Đúng như các ông nói, chính tôi đây."” (Lc 22,70).

Tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Dân chúng tuyên xứng. Dọc quãng đường rao giảng Tin Mừng, dân chúng chắc hẳn đã nhận định về con người Đức Giêsu. Thế nên, “khi Đức Giêsu đến vùng kế cận thành Xêdarê Philípphê, Người hỏi các môn đệ rằng: "Người ta nói Con Người là ai? Các ông thưa: "Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ." Đức Giêsu lại hỏi: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? " Ông Simôn Phêrô thưa: "Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống." (Mt 16,13-15). Quả nhiên, sau đó Đức Giêsu đã khen Phêrô vì chính Chúa Cha đã mạc khải căn tính của Ngài cho ông. Không chỉ có Phêrô, hai chị em Maria và Mácta cũng đã tin nhận Đức Giêsu là con Thiên Chúa, khi Đức Giêsu hỏi chị có tin Ngài không? Chị đáp: “Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian." (Ga 11,27). Trong cuộc khổ nạn, trên Núi Sọ, viên  đại  đội  trưởng,  người  đứng  đối diện với Đức Giêsu và trông thấy Ngài trút hơi thở cuối cùng, nên đã nói: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39). Ma quỷ tuyên xưng. Không chỉ dân chúng tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, mà ngay cả ma quỷ cũng phải công nhận điều này. Thánh sử Máccô và Luca đã thuật lại: “Một người bị quỷ nhập la lên: Lạy ông Giêsu, Con Thiên Chúa Tối Cao, chuyện tôi can gì đến ông?” (Mc 5,6-7, Lc 8,28). Thậm chí, có lúc quỷ còn thử thách Đức Giêsu khi nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hoá bánh đi!” (Mc 4,3).

Đức Giêsu được gọi là Thiên Chúa. Có một số đoạn Tin Mừng, Đức Giêsu hầu chắc được gọi là Thiên Chúa, ví dụ như: Ga 1,18; Tt 2,13; Rm 9,5; 1Ga 5,20; 2 Pr 1,1. Thánh Gioan Tông Đồ đã xác quyết ngay từ đầu đoạn Tin Mừng: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời.Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa,và Ngôi Lời là Thiên Chúa.” (Ga 1,1), và “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết.” (Ga 1,18).  Mặt khác, chúng ta có thể thấy khi Đức Giêsu Phục Sinh hiện ra với nhóm Mười Một, khi có ông Tôma, Đức Giêsu cho ông xem dấu đinh ở chân tay và cạnh sườn Người, ông đã hoảng hốt tuyên tín: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”. Trong lần rao giảng đầu tiên, sau khi Đức Giêsu phục sinh, thánh Phêrô đã tuyên bố: “toàn thể nhà Ítraen phải biết chắc điều này: Đức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô.” (Cv 2,36). Nhờ Thánh Thần thúc đẩy, các tông đồ được mạnh dạn rao giảng, tuyên xưng về Đức Giêsu là Thiên Chúa, Đấng đến để cứu độ nhân loại, thật vậy, danh xưng "Chúa Giêsu" nói lên quyền tối thượng của Thiên Chúa. Tuyên xưng hay kêu cầu Đức Giêsu là Chúa có nghĩa là tin vào thiên tính của Người, và dĩ nhiên: “Nếu không được Thánh Thần giúp sức, không ai có thể nói: Giêsu là Thiên Chúa." (l Cr 12,3).

Đức Giêsu Con Thiên Chúa đã sống mầu nhiệm tự hủy. Thánh Phaolô đã diễn tả trong thư Philipphê về sự tự hủy (Kenosis) của Đức Giêsu Kitô: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế.” (Pl 2, 6-7) . Vậy, phải chăng Chúa Giêsu Kitô đã giấu ẩn thiên tính (thần tính Thiên Chúa) của mình mà mặc lấy nhân tính như con người khi sống ở trần gian này? Đúng vậy, “trong thân phận làm người, Con Thiên Chúa quyết định từ bỏ việc sử dụng đặc quyền và quyền năng của Thiên Chúa, để trong thời gian sống nơi trần thế, Ngài có thể sống trong những giới hạn cần thiết thuộc về sự hữu hạn loài người.”[1] Với mầu nhiệm Nhập Thể là mầu nhiệm tự hủy khi Người Con trút bỏ vinh quang thần linh (Pl 2,6), trở nên nghèo hèn, mặc dù Ngài vốn giàu sang (2Cr 8,9) nhưng vấn đến để chia sẻ thân phận làm người của chúng ta với tất cả những gì là bấp bênh và rủi ro của phận người.

III.        ĐỨC GIÊSU VỪA LÀ NGƯỜI THẬT VỪA LÀ THIÊN CHÚA THẬT.

Dẫu biết rằng Đức Giêsu là Thiên Chúa thật, Ngài cao siêu tuyệt hảo trên mọi tạo vật thế nhưng Ngài cũng rất gần gũi với chúng ta là những con người mọn hèn và thậm chí còn gọi chúng ta là bạn (Ga 15,15), bởi lẽ chính Ngài cũng đã làm người như chúng ta.

Chúa Giêsu chia sẻ thân phận làm người với chúng ta. Thiên Chúa thấy con người sa vào tội lỗi và trầm luân ê chề trong cảnh đọa đày, với tình yêu vô bờ bến, Thiên Chúa đã quyết định cứu chuộc con người. Dĩ nhiên, Thiên Chúa có thể phán một lời là cả vũ hoàn mọi thời và mọi nơi được sạch hết muôn vàn tội lỗi, và được cứu rỗi. Thế nhưng, làm như thế chẳng thể nào diễn tả hết tình yêu cao vời của Thiên Chúa, và con người cũng chẳng cảm nếm được gì. Do đó, “tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống”(1 Ga 4,9). Quả thật, để chúng ta được sự sống đời đời, Đức Giêsu đã xuống thế làm người như chúng ta, và “vì con cái thì đều chung một huyết nhục, nên Đức Giêsu đã cùng mang lấy huyết nhục đó” (Dt 2,14). “Gần như suốt đời, Đức Giê-su đã chia sẻ thân phận của đại đa số loài người: một cuộc sống thường nhật, bề ngoài không có gì là vĩ đại, với lao động tay chân; một đời sống tôn giáo Do Thái phục tùng Luật Thiên Chúa (x.Gl 4,4), đời sống trong cộng đồng. Về giai đoạn này, chúng ta được biết rằng Đức Giêsu "vâng phục" cha mẹ và "ngày càng khôn lớn, và được Thiên Chúa cũng như mọi người thương mến" (Lc 2, 5l-52).[2]

Đức Giêsu chấp nhận những giới hạn của phận người. Một khi đã mang thân phận làm người, Đức Giêsu chấp nhận những giới hạn bởi không gian và thời gian, phong hóa, tri thức nhân loại, bởi vì “Ngôi Lời đã làm người bằng cách đảm nhận một nhân tính thực sự, nên thân xác của Đức Kitô cũng bị giới hạn”[3]. Có đôi khi người ta quá nhấn mạnh đến thần tính của Đức Giêsu với cái giá là nhân tính trọn vẹn của Ngài. Đây là những gì Rahner đã gọi là “lạc thuyết nhất tính tiềm tàng” nơi mà thần tính và nhân tính của Đức Giêsu đã được hợp nhất vào “bản tính” thứ ba, hoặc bản tính nhân loại nơi Đức Giêsu được hòa  lẫn vào bản tính thần linh của Ngài giống như một giọt nước trong đại dương.

Đức Giêsu có hai bản tính: Nhân Tính và Thiên Tính. Giáo Hội luôn tuyên tín rằng Đức Giêsu có hai bản tính đó là nhân tính và thiên tính. Hai bản tính này:không lẫn lộn, nhưng hợp nhất trong ngôi vị duy nhất của Con Thiên Chúa[4]. Về nhân tính, "Đức Giêsu đã đảm nhận không hề tách Người khỏi Chúa Cha. Người là Con của Chúa Cha theo thiên tính, là con của Mẹ Maria theo nhân tính, nhưng là Con của Thiên Chúa theo hai bản tính"[5]. Vậy, vấn đề được đặt ra, đã mang thân phận làm người với những yếu đuối, dễ dàng sa ngã vào tội lỗi, vậy Đức Giêsu có phạm tôi hay không ?

Câu trả lời là: Đức Giêsu mang thân phận con người, với nhân tính thực thụ Ngài vẫn cảm thấy tức giận trước những sai phạm của con người, nhưng cơn giận của Ngài là cơn giận thánh, vì sự thánh thiện và mưu ích cho con người. Dĩ nhiên, Đức Giêsu vẫn cảm thấy sợ hãi trước cái chết… nhưng Ngài không bỏ cuộc, Ngài bị ma quỷ cám dỗ…nhưng Ngài không hề phạm tội (Dt 4,15). Bởi lẽ, tội mới gây nên sự chết (Rm 5,12), thế nên Chúa Giêsu không phạm tội chỉ vì vâng phục thánh ý Chúa Cha (Mt 26,42), Ngài chấp nhận chết trên thập giá để cứu độ con người ngõ hầu nhờ nhân tính này Ngài đã được Ngôi Vị Thiên Chúa của "Đấng khơi nguồn sự sống" (Cv 3,15), "Đấng hằng sống" (Kh 1,17; Ga 1,4;5,26). Tựu chung, Đức Giêsu giống chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi, thế nên, sự hoàn hảo trong nhân tính của Đức Giêsu được diễn tả trong việc Ngài không phạm tội (Ga 8,46; 14,30; 2 Cr 5,21; 1 Pr 2,22; Dt 4,15). Công đồng Constantinople II (533) chống lại Theodore (lạc thuyết) của Mopsuestia, người đã khẳng định rằng Đức Kitô chỉ trở nên hoàn hảo sau khi Phục Sinh.[6]

Những Lạc Thuyết về Nhân Tính và Thiên Tính của Đức Giêsu Kitô. Trải qua nhiều thế kỷ, thời Giáo Hội sơ khai đã xuất hiện nhiều lạc thuyết thiên lệch ca ngợi về nhân tính hoặc thiên tính của Đức Giêsu cách thái quá hoặc sai lệch tín lý. Cụ thể như sau:

Chối bỏ nhân tính Đức Giêsu. Chúng ta phải kể để các lạc thuyết của nhóm Ngộ đạo, vì phủ nhận nhân tính hơn là chối bỏ thiên tính của Đức Kitô (Ảo thân thuyết). Thật vậy, “ngay từ thời các tông đồ, đức tin Kitô Giáo nhấn mạnh đến việc nhập thể đích thực của Con Thiên Chúa "đến trong xác phàm" (1 Ga 4,2-3; 2 Ga 7). Nhưng từ thế kỷ thứ III, Hội Thánh trong Công Đồng họp tại thành Antiôkia phải khẳng định chống lại Phaolô thành Xamoxatê, rằng : Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa do bản tính chứ không phải do được nhận làm nghĩa tử. Công Đồng chung thứ I, họp tại Nixêa vào năm 325, tuyên xưng trong kinh Tin Kính rằng : Con Thiên Chúa "được sinh ra chớ không phải được tạo thành, đồng bản thể với Chúa Cha"; và kết án Ariô là người cho rằng "Con Thiên Chúa đã xuất tự hư không" (x. DS l30 và "có một bản thể khác với Chúa Cha" (DS 126)[7]. Chưa dừng lại ở đó, vào thế kỷ thứ V, một nhóm lạc thuyết Nhất Tính định tín: trong Đức Kitô, bản tính con người đúng nghĩa không còn tồn tại vì được ngôi vị thần linh của Con Thiên Chúa đảm nhận, nghĩa là Đức Giêsu là Thiên Chúa thật, đã “đội lốt” người phàm nhằm mượn xác con người để cứu độ con người. Để chống lại lạc thuyết này, “Công Đồng chung thứ IV, họp tại Canxêđônia năm 451, tuyên xưng: "Cùng với các thánh phụ, chúng tôi đồng thanh dạy và tuyên xưng Một Ngôi Con Duy Nhất, Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, trọn vẹn trong thiên tính và trọn vẹn trong nhân tính, đích thực là Thiên Chúa và đích thực là người, gồm một linh hồn và một thân xác, đồng bản thể với Chúa Cha theo thiên tính, đồng bản thể với chúng ta theo nhân tính, "giống chúng ta về mọi phương diện, ngoại trừ tội lỗi" (Dt 4,l5), được Chúa Cha sinh ra từ trước muôn đời theo thiên tính, và trong thời sau hết này, vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, được sinh ra bởi Đức Trinh nữ Maria Mẹ Thiên Chúa, theo nhân tính.”[8] Vào thế kỷ thứ VI, sau Công Đồng Canxêđônia một số người biến nhân tính của Đức Kitô thành một chủ thể hữu ngã. Công Đồng chung thứ V, họp tại Contantinopôli năm 553, tuyên xưng chống lại họ: "Chỉ có một ngôi hiệp (hay ngôi vị) duy nhất, là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Một trong Ba Ngôi" (x.DS 424). Như vậy, tất cả những gì thuộc nhân tính của Đức Kitô, không chỉ các phép lạ, nhưng cả những đau khổ và cái chết (x.DS 424 ) đều thuộc về Ngôi Vị Thiên Chúa của Người như chủ thể riêng của chúng[9]: "Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, Đấng bị đóng đinh vào thập giá nơi thân xác, là Thiên Chúa thật, là Đức Chúa vinh quang và là một trong Ba Ngôi chí thánh" (DS 432)[10].

Chối bỏ thiên tính Đức Giêsu. Có nhiều lạc thuyết cho rằng Đức Giêsu là một con người thuần túy, được kết hợp với ngôi vị thần linh nên mới là Thiên Chúa, đó chính là lạc thuyết Néttôriô. Để chống lại lạc thuyết này, “Thánh Xyrilô thành Alêxanria và Công Đồng chung thứ III họp tại Êphêsô năm 43l đã tuyên xưng : "Ngôi Lời đã làm người khi kết hợp trong ngôi vị mình một thân xác do một linh hồn làm cho sống động" (x. DS 25O). Nhân tính của Đức Kitô không có một chủ thể nào khác ngoài ngôi vị thần linh của Con Thiên Chúa, Đấng từ lúc tượng thai đã nhận lấy nhân tính ấy làm của mình. Về vấn đề này, Công Đồng chung Êphêsô năm 43l công bố rằng: Đức Maria thực sự trở thành Mẹ Thiên Chúa qua việc Con Thiên Chúa làm người trong lòng Mẹ. "Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, không phải vì Ngôi Lời đã nhận thiên tính của Người từ nơi Mẹ, nhưng vì chính từ Mẹ mà Người đã nhận được một thân xác thánh thiêng có linh hồn; Ngôi Lời đã liên kết với thân xác ấy ngay trong ngôi vị của mình, vì thế chúng ta nói : "Ngôi Lời đã sinh ra làm người " (DS 25l)”[11]. “Trong cùng một Đức Kitô duy nhất, là Đức Chúa, là Chúa Con duy nhất, chúng ta phải tin nhận có hai bản tính, không lẫn lộn, không thay đổi, không phân chia, không tách biệt. Sự khác biệt giữa hai bản tính không hề bị mất đi do việc kết hợp, nhưng các đặc điểm của mỗi bản tính đã được bảo tồn và hợp nhất trong cùng một ngôi vị duy nhất và một ngôi hiệp duy nhất" (DS 30l-302). Thánh Phaolô đã kết luận về Đức Giêsu như sau: "tất cả sự viên mãn của thiên tính hiện diện cách cụ thể nơi Người" (Cl 2,9).

Như thế, Hội Thánh tuyên xưng rằng Đức Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật, không thể tách rời. Người thật sự là Con Thiên Chúa đã làm người, là anh em của chúng ta, nhưng vẫn luôn là Thiên Chúa, Chúa chúng ta. Phụng vụ Rôma ca mừng : "Trước sau Người vẫn là Thiên Chúa nhưng Người đã nhận lấy thân phận thế nhân"[12]. Bản phụng vụ theo thánh Gioan Kim Khẩu hân hoan công bố: "Ôi lạy Con Một duy nhất và là Ngôi Lời Thiên Chúa, vốn là bất tử, nhưng để cứu độ chúng con, Ngài đã đoái thương nhập thể trong lòng Đức Maria, mẹ Thiên Chúa trọn đời đồng trinh. Ngài vẫn là Thiên Chúa nhưng đã làm người và đã chịu đóng đinh vào thập giá, ôi lạy Đức Kitô Thiên Chúa, Ngài đã dùng cái chết của mình mà đập tan sự chết, Ngài là một trong Ba Ngôi chí thánh, được tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, xin cứu độ chúng con" ( Đoản khúc "Ôi Lạy Con Một Thiên Chúa ")[13].

Chúa Giêsu đã làm người để con người được vươn lên cùng Thiên Chúa. Khi nói về nhân tính của Đức Giêsu chúng ta phải thừa nhận rằng: Nhân tính Đức Giêsu là một yếu tố thiết yếu trong việc liên tục hình thành nên người Kitô hữu qua đời sống của họ. Vì nếu Chúa Giêsu không làm người thì con người không thể vươn lên cùng Thiên Chúa, ngược lại, chính Chúa Giêsu đã làm người, sống thân phận như chúng ta, ngõ hầu chúng ta có thể nhờ Ngài mà vươn lên cùng Thiên Chúa, bởi vì chính Ngài là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. (Ga 14,6).

Các thánh giáo phụ đã nói về việc con người thông dự vào thiên tính của Thiên Chúa ngang Đức Giêsu, Ngôi Lời Nhập Thể như sau: Ngôi Lời đã làm người để chúng ta được "thông phần bản tính Thiên Chúa" (2 Pr l,4); "Ngôi Lời làm người, Con Thiên Chúa làm con loài người: chính là để cho con người, khi kết hợp với Ngôi Lời và lãnh nhận từ hệ thần linh, được trở nên con cái Thiên Chúa"[14]; "Vì Con Thiên Chúa đã làm người để biến chúng ta thành Thiên Chúa"[15]; "Con Một Thiên Chúa, bởi muốn cho chúng ta được thông phần thiên tính của Người, nên đã mang lấy bản tính chúng ta, để vì đã làm người, Người biến chúng ta thành thần thánh"[16].

Tựu chung, Hội thánh đã phải bảo vệ và minh giải chân lý đức tin: “Đức Giêsu làm người những vẫn là Thiên Chúa” suốt những thế kỷ đầu tiên để chống lại các lạc thuyết. Hiển nhiên: “Con Thiên Chúa nhập thể, là biến cố độc nhất vô nhị, sự kiện nầy không có nghĩa là Đức Giêsu Kitô một phần là Thiên Chúa, một phần là người; cũng không có nghĩa Người là kết quả của sự pha trộn giữa hai bản tính thần linh và nhân loại. Người thật sự đã làm người mà vẫn thật sự là Thiên Chúa. Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật[17].

Vấn đề đặt ra tiếp theo là: liệu rằng sau khi phục sinh, nhân tính của Đức Giêsu Kitô sẽ như thể nào? Vì khi còn sống ở trần gian với nhân tính Ngài phụ thuộc không gian và thời gian, phong hóa, tri thức nhân loại, nên khi sau khi phục sinh, Ngài còn bị giới hạn hay không? Chúng ta cùng làm rõ trong phần dưới đây.

Trạng thái nhân tính của Đức Giêsu Phục Sinh[18]. Đức Giêsu phục sinh có những tương quan trực tiếp với các môn đệ của Ngài, qua tiếp xúc (Lc 24,39; Ga 20,27) và việc chia sẻ bữa ăn (Lc 24,30.41-43; Ga 21,9.13-15). Nhờ đó, Ngài muốn cho họ thấy Ngài không phải là ma (Lc 24,39), và thân xác phục sinh của Ngài chính là thân xác đã bị hành hạ và đóng đinh thập giá, vì còn mang dấu vết cuộc khổ nạn (Lc 24,40; Ga 20,20,27). Tuy nhiên, thân xác đúng nghĩa và có thật này có các đặc tính mới của một thân xác vinh hiển: Ngài không còn bị ràng buộc trong không gian và thời gian nữa, nhưng có thể đi đâu và lúc nào tùy ý, vì nhân tính của Ngài không còn bị giam giữ trên trần thế mà chỉ thuộc về thế giới thần linh của Chúa Cha (Ga 20,17). Do đó, Đức Giêsu phục sinh hoàn toàn tự do để hiện ra như Ngài muốn: dưới hình dáng một người làm vườn (Ga 20,14-15) hoặc "dưới hình dạng khác" (Mc 16,12) hơn những hình dạng quen thuộc với các môn đệ, nhằm khơi dậy đức tin của họ (x. Ga 20,14.16; 21,4.7).

Sự hội nhất nhân tính của Đức Giêsu trong mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Vấn đề đặt ra tiếp theo là: khi về với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần, Đức Giêsu hợp nhất như thế nào trong mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa, đang khi phần nhân tính của Ngài vẫn còn? Chúng ta có thể hiểu như sau[19]: Sự Phục Sinh của Đức Giêsu là đối tượng của đức tin, vì đó là sự can thiệp siêu việt của chính Thiên Chúa trong công trình sáng tạo và trong lịch sử. Trong cuộc Phục Sinh này, cả Ba Ngôi Thiên Chúa vừa cùng chung hoạt động, vừa biểu lộ tính cách riêng biệt của mình. Phục Sinh được thực hiện do quyền năng của Chúa Cha, Đấng "đã làm cho Đức Kitô Con của Người sống lại" (Cv 2,24); nhờ đó, Chúa Cha đưa trọn nhân tính - cùng với thân xác - của Đức Kitô vào mầu nhiệm Ba Ngôi một cách hoàn hảo. Đức Giêsu được mặc khải chung cuộc là "Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng theo Thánh Thần do việc Người từ cõi chết sống lại" (Rm 1,3-4). Thánh Phaolô nhấn mạnh đến việc Thiên Chúa biểu lộ quyền năng (Rm 6,4; 2Cr 13,4; Pl 3,10; Ep 1,19-22; Dt 7,16) qua công trình của Thánh Thần làm cho nhân tính đã chết của Đức Giêsu được sống lại và nâng lên tình trạng vinh hiển.

Vậy, những lần hiện ra sau này của Đức Giêsu với các môn đệ thì đó là nhân tính hay thiên tính hay cả hai? Lần hiện ra cuối cùng được kết thúc bằng việc nhân tính của Ngài đi vào vinh quang Thiên Chúa một cách vĩnh viễn; vinh quang này được tượng trưng bằng đám mây (Cv 1,9; Lc 9,34-35; Xh 13,22) và cõi trời (Lc 24,51) nơi từ nay Ngài ngự bên hữu Thiên Chúa (Mc 16,19; Cv 2,33; 7,36; Tv 110,1). Hoàn toàn ngoại lệ và độc nhất, chỉ một lần, Ngài tỏ mình ra cho thánh Phaolô "chẳng khác nào cho một đứa trẻ sinh non" (1Cr15,8) trong lần cuối cùng này, Ngài đặt ông làm tông đồ (1Cr 9,1; Ga 1,16). Cách chung, một khi Đức Kitô lên trời nghĩa là nhân tính của Người vĩnh viễn đi vào thượng giới của Thiên Chúa. Từ nơi đó, Người sẽ trở lại (Cv 1,11). Giữa Thăng Thiên và Tái Lâm, loài người không trông thấy Người được (Cl 3,3).

Tóm lại, trong công trình cứu chuộc mầu nhiệm của Ba Ngôi Chí Thánh, Đức Giêsu Kitô được Phục Sinh nhờ Chúa Cha, Đấng đã đưa trọn nhân tính và thiên tính của Đức Giêsu vào mầu nhiệm Ba Ngôi Chí Thánh trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần từ ngàn xưa đến mãi muôn đời. Thế nên, “sự Phục Sinh vừa là một biến cố lịch sử đươc các môn đệ chứng thực vì họ đã thực sự gặp Đấng Phục Sinh, vừa là biến cố siêu việt vì nhân tính của Đức Kitô đi vào trong vinh quang Thiên Chúa.”[20]

KẾT LUẬN

Trong cuộc sống thường nhật, người ta nhận thấy Đức Giêsu là người Nadarét ở Galilê, Ngài là Đấng chữa lành và là người làm những phép lạ. “Ngài là Con Thiên Chúa đã làm việc với đôi tay con người, suy nghĩ bằng trí óc con người, hành động theo một ý chí con người, yêu mến bằng quả tim con người. Sinh làm con Đức Trinh nữ Maria, Ngài đã thật sự trở nên một người giữa chúng ta, giống chúng ta về mọi phương diện, ngoại trừ tội lỗi”[21]. Ngài đã bị kết án, bị đau khổ, bị sỉ nhục và bị đóng đinh. Ngài đã chết và đã được nâng dậy từ cõi chết bởi Chúa Cha. Con Người này được các Kitô hữu coi như là một vị ngôn sứ, Con Thiên Chúa, Đức Chúa và Đấng Kitô. Thế nên, chúng ta có thể khẳng định rằng: Đức Giêsu người là điểm khởi cho đức tin của các Kitô hữu trong thế kỷ đầu tiên. Thật vậy, theo đạo là theo một con đường, con đường Đức Giêsu (Ga 16,4), sống đạo là sống một cuộc đời như Đức Giêsu. Ngài mời gọi mọi người ở mọi thời và mọi nơi hãy tin yêu vào Ngài, đặt Ngài là nền tảng và cùng đích của đời sống con người, chắc chắn họ sẽ được hưởng sự sống đời đời (Ga 6,47).

Một khi Đức Giêsu trở thành "Kitô" trọn vẹn trong nhân tính đã toàn thắng sự chết (Cv.2,36), Ngài ban đầy tràn Thánh Thần cho các thánh "để nhờ kết hợp với nhân tính của Ngài, họ trở thành "Con người hoàn hảo..., đạt tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô" (Ep.4,13), thành "Đức Kitô toàn diện" theo cách nói của Thánh Augustinô.

Tất cả chúng ta đã lãnh nhận cùng một Thần Khí duy nhất là Chúa Thánh Thần, chúng ta hiệp nhất với nhau và với Thiên Chúa. Vì chúng ta tuy nhiều người, nhưng Đức Kitô đã cho Thánh Thần của Chúa Cha và của Ngài cư ngụ trong mỗi người chúng ta. Thần Khí duy nhất và không thể phân chia này, quy tụ lại trong Ngài những con người riêng rẽ và làm cho mọi người nên một trong Ngài. Cũng như quyền năng của nhân tính Đức Ki-tô làm cho những ai chia sẽ nhân tính đó hợp thành một thân thể duy nhất. Thánh Syrilô Giám mục Alexanri cho rằng: Chúa Thánh Thần duy nhất và không thể phân chia, Đấng ngự trong mọi người, cũng đưa mọi người đến sự hiệp nhất thiêng liêng.[22]

Khi tìm hiểu sâu kỹ về môn Kitô học này, đó là một trong những cơ hội để chúng ta có thể hiểu biết hơn về Đức Giêsu Kitô cách trọn vẹn, nghĩa là hiểu tận căn về Ngài cả nhân tính lẫn thiên tính và sự hội nhất nhiệm màu sâu thẳm đó. Ngõ hầu, ngang qua sự hiểu biết về tri thức và nội tâm này, chúng ta có thể yêu mến Ngài hơn và theo Ngài sát bước hơn (Linh Thao 104), bởi vì Ngài đã sống cuộc đời như chúng ta mọi đàng (ngoại trừ tội lỗi), nên chúng ta có thể ngước nhìn lên Ngài, nhờ Ngài với Ngài và trong Ngài mà chúng ta được vươn lên cùng Thiên Chúa, Đấng mà chúng ta hằng khao khát ước mong.

 



[1] Taylor, Vincent, The Person of Christ in New Testament Teaching (London: Macmillan, 1958) 287. thuộc  về  sự  hữu  hạn  loài  người.” 278

[2] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 531.

[3] x. Công Đồng Latran 649. DS. 504.

[4] Ibid, số 481.

[5] x. Công Đồng. Fri-un năm 796: DS 619.

[6] Neuner, J. and J. Dupuis, The Christian Faith (NY: Alba House, 1998) 211.

[7] Ibid, số 465.

[8] Ibid, số 467.

[9] x.Công Đồng Êphêsô: (DS 255).

[10] Ibid, số 468.

[11] Ibid, số 466.

[12] x.Điệp ca kinh sáng ngày1-1; T. Lê-ô Cả, bài giảng 2l, 2-3.

[13] Ibid, số 469.

[14] Thánh Irênê, chống lạc giáo 3,19,1.

[15] Thánh Atanasiô, Nhập Thể 54,3.

[16] Thánh Tôma Aquinô, Tiểu phẩm 57 về ngày lễ Thánh Thể 1.

[17] Ibid, số 464.

[18] Ibid, số 645.

[19] Ibid, số 648.

[20] Ibid, số 656.

[21] GS 22,2.

[22] Thánh Syrilô Giám mục Alexanri, Jo 12.

0 Comments: