Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 30 tháng 3, 2023

TÌM HIỂU VỀ PHỤNG VỤ THÁNH THẾ

TÌM HIỂU VỀ PHỤNG VỤ THÁNH THẾ

 


Lý do chọn đề tài: Trong đời sống đạo của người Kitô hữu, Thánh lễ là trung tâm và nền tảng, là đỉnh cao của mọi sinh hoạt đạo đức. Thật vậy, khi tham dự thánh lễ, người Kitô hữu tưởng niệm lại biến cố tử nạn và phục sinh của Đức Kitô, đồng thời ngang qua hy tế vượt qua của Ngài, họ được thông dự vào sức sống thần linh mà Bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể nuôi dưỡng họ. Mẹ thánh Têrêsa Calqulta đã từng nói: “ngày nay người ta không chỉ thiếu cơm ăn áo mặc, mà còn thiếu thốn cả Lời Chúa”, thánh Faustina, tông đồ của Lòng Thương Xót Chúa đã từng thổn thức về Bí tích Thánh Thể khi Chị viết trong nhật ký thiêng liêng: “không có Bí tích Thánh Thể, tôi không biết phải dùng cách nào để tôn vinh Thiên Chúa”.

            Khi đi vào các nhà thờ công giáo, ta thường thấy trên cung thánh, một bên thường là Nhà Tạm, nơi cất giữ Thánh Thể, một bên là Lời Chúa. Điều này cho thấy rằng, Lời Chúa và Thánh Thể cùng bổ trợ, thông hiệp cho nhau. Ta cũng thường nói với chính mình hoặc với người khác rằng: “tôi khao khát tìm kiếm và sống Thánh Ý Chúa trong cuộc đời mình”, và Lời Chúa là một trong những cách thức mà Thiên Chúa nói với ta. Bên cạnh đó, chính Thánh Thể là nguồn sức mạnh thần linh giúp ta có thể sống Lời Chúa tốt hơn, trọng vẹn hơn trong cuộc sống thường nhật với tư cách là con cái Chúa.

Ý thức được tầm quan trọng của Thánh Lễ trong đời sống đạo, tác giả có thao thức muốn đào sâu ý nghĩa nền tảng thần học của phụng vụ Lời Chúa và Thánh Thể, để ngang qua đó khi tham dự Thánh Lễ, cá nhân tác giả hiểu được sâu hơn về ý nghĩa của từng biểu tượng, dấu chỉ của cử hành phụng vụ, đồng thời thêm phần sốt sắng, thiêng liêng hơn trong việc ca ngợi và phụng thờ Thiên Chúa Chí Tôn. Tuy nhiên, vì giới hạn thời gian nghiên cứu đề tài và các điều kiện ngoại cảnh khác như máy móc, tài liệu…nên tác giả không có tham vọng trình bày tuyệt hảo, tròn đầy về cả phụng vụ Lời Chúa và Thánh Thể, chỉ dám khiêm tốn viết ra những hiểu biết hạn hẹp từ sự nghiên cứu bình giản về phụng vụ Thánh Thể. Hy vọng bài viết sẽ được quý độc giả đón nhận và phê bình thêm.

Vấn đề cần nghiên cứu: trong bài viết này, ta cùng tìm hiểu về: nguồn gốc, lịch sử, cấu trúc, cách thức cử hành và ý nghĩa của phụng vụ Thánh Thể trong Giáo Hội ngang qua Kinh Thánh và các văn kiện Công Đồng.

Trước khi đào sâu về nội dung phụng vụ Thánh Thể, ta hãy làm rõ hơn khái niệm về phụng vụ với những câu hỏi như: phụng vụ là gì? Ai cần cử hành? Cử hành cho ai? Và cách thức cử hành như thể nào?

KHẢI NIỆM PHỤNG VỤ

Phụng vụ nếu theo mặt chữ, một người bình dân có thể hiểu PHỤNG là dâng lên, hết lòng chăm sóc, phục vụ, hầu hạ…[1]. VỤ là việc làm. Vậy ta có thể hiểu Phụng vụ là việc làm thờ phượng mà con người dâng lên Thiên Chúa qua nhiều cách thức khác nhau. Nhưng theo Công Đồng Vatican II: “phụng vụ là việc thi hành chức vụ tư tế của chính Chúa Giêsu Kitô, trong đó công cuộc thánh hóa con người được mang ý nghĩa qua những dấu chỉ khả giác và được thực hiện hữu hiệu cách khác nhau theo từng dấu chỉ, và trong đó việc phụng tự công cộng vẹn toàn cũng được thực thi nhờ nhiệm thể Chúa Kitô, nghĩa là gồm cả đầu và các chi thể của Người” (PV 7).

Nói một cách ngắn gọn, phụng vụ là việc thi hành chức năng tư tế của Chúa Kitô và Giáo Hội. Phụng vụ dùng dấu chỉ khả giác, nghĩa là các cử chỉ, lễ nghi, lời đọc…Các dấu chỉ này được dùng để diễn tả các thực tại thánh và mang giá trị đích thực. Chúa Kitô hiện diện mỗi khi Giáo Hội cử hành phụng vụ và tự bản chất phụng vụ là công việc chung của toàn thể Giáo Hội, Thân Thể Chúa Kitô, gồm đầu và các chi thể.[2]

NGUỒN GỐC CỦA PHỤNG VỤ THÁNH THỂ:

Phụng vụ Kitô giáo khơi nguồn từ trong truyền thống Kinh Thánh, kể cả Cựu Ước và Tân Ước. Thật vậy, phụng vụ Thánh Thể trong giai đoạn đầu đã tiến triển từng bước tiệm tiến mà điều đó chúng ta có thể thấy được trong Kinh Thánh. Cụ thể thánh Luca đã thuật lại cho chúng ta về bối cảnh lịch sử của cộng đoàn tín hữu sơ khai trong sách Công Vụ Tông Đồ như sau: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng. Mọi người đều kinh sợ, vì các Tông Đồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ. Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ.” (x. Cv 2, 42-27). Bầu khí sinh hoạt tôn giáo lúc này quả là ấm cúng và lý tưởng.

Các tín hữu thời sơ khai đã không gọi là thuật ngữ phụng vụ Thánh Thể như chúng ta ngày nay, họ thường gọi là dự lễ bẻ bánh. Tại đâu? Thưa có khi tại Đền thờ (x. Cv 2,14-16; 3,1-10), có khi tại tư gia (x. Cv 2,46; 5,42). Khi cử hành lễ bẻ bánh các tín hữu tham dự vào Bữa Ăn Vượt Qua của Đức Kitô, nơi Ngài trao ban Thân mình Ngài như hy lễ tạ ơn dâng lên Chúa Cha và để nuôi sống con người. Trong thời kỳ này cử hành bẻ bánh được lồng vào trong khung cảnh các bữa ăn thường ngày.[3]

Trước Công Đồng Triđentinô (kết thúc năm 1563), phụng vụ nói chung và phụng vụ thánh thể nói riêng theo nghi thức Rôma bị coi là quá cổ kính, xa lạ (ngôn ngữ La Tinh…). Sau Công Đồng Triđentinô, phụng vụ đó vẫn còn cứng nhắc, bất dịch, tỉ mỉ (không hiểu nguồn gốc, ý nghĩa các dấu chỉ, biểu tượng…), có thể nói Giáo Hội lúc đó không chú tâm đến tâm tình cho bằng nguyên tắc. Mãi cho đến thời Đức Giáo Hoàng Piô X, Ngài đề ra trong tự sắc “Tra le Solicitudini” (22/11/1903): “mọi tín hữu nên tham gia tích cực trong các lễ nghi phụng vụ, nguồn mạch thứ nhất và cần thiết để nuôi dưỡn tinh thần Kitô hữu”[4].

CẤU TRÚC CỦA PHỤNG VỤ THÁNH THỂ:

Phụng vụ Thánh Thể gồm 3 phần chính yếu (RM 72)

1)      Chuẩn bị lễ vật: bắt đầu từ dâng lễ vật đến hết lời nguyện dâng lễ vật.

2)      Kinh nguyện Thánh Thể (Kinh Tạ Ơn): bắt đầu từ lời Kinh tiền tụng đến hết Vinh tụng ca, khi chủ tế nâng đĩa thánh, chén thánh và đọc: “Chính nhờ Người, với Người và trong Người mà mọi danh dự và vinh quang đều quy về Chúa là Cha Toàn Năng trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh thần đến muôn đời”.

3)      Nghi thức rước lễ: từ Kinh lạy Cha đến hết lời nguyện hiệp lễ.

CÁCH THỨC CỬ HÀNH PHỤNG VỤ THÁNH THỂ:

 

Ý NGHĨA CỦA PHỤNG VỤ THÁNH THỂ:

Trong phụng vụ Thánh Thể, Chúa Giêsu hiện diện đích thực trong hình bánh và rượu.

Phụng vụ Thánh Thể là công cuộc hiện tại hóa mầu nhiệm hy tế vượt qua của Đức Giêsu, không chỉ mang tính chất quá khứ, nhưng là vĩnh cửu, vượt không gian và thời gian (CG 1085).

Vai trò của Giáo Hội khi cử hành phụng vụ Thánh Thể: là thi hành chức năng tư tế được Chúa Kitô ủy thác (Chúa Giêsu 1141; GL 834). Mọi tính hữu khi thi hành chức năng tư tế phổ quát (khi được lãnh nhận Bí tích Rửa Tội) trong việc tham dự cử hành phụng vụ Thánh Thể, họ trở nên hiệp nhất trong đức tin và liên kết với Chúa Kitô dâng lời tôn vinh Thiên Chúa thánh hóa nhân loại (GL 836).

Nếu phụng vụ Lời Chúa mang nhiều yếu tố phụng tự hội đường Do Thái, thì phụng vụ Thánh Thể lại là nét đặc trưng của Kitô Giáo (x. Cv 2,42). Trong đó mọi Kitô hữu cùng chia sẻ một Tấm Bánh duy nhất là Mình và Máu Chúa Kitô. Trong phụng vụ Thánh Thể ngày nay, các tín hữu được mời gọi tự do tham dự vào bàn tiệc của Chúa, để cùng chia sẻ một Tấm Bánh duy nhất, Tấm Bánh đó chính là Chúa Giêsu Kitô từ trời xuống để ban sự sống đời đời cho nhân loại. Khi Kitô hữu được chia sẻ Mình Máu Thánh Chúa, họ sẽ đạt đến sự sống thần linh mai hậu.

Phụng vụ Thánh Thể là cho con người tham dự vào hy tế Chúa Kitô trên thập giá xưa, Ngài trao ban chính Mình và Máu Ngài cho nhân loại, Chúa Kitô đã nối kết hy tế thập giá của Người với Bữa Tiệc Ly. Bánh Người ban là Thân Mình sẽ bị nộp vì tội nhân loại, Chén Rượu Người cầm là Máu Giao Ước đổ ra để mọi người được tha tội. Do đó, trong mọi Kinh Nguyện Thánh Thể, Giáo Hội dâng lời chúc tụng tạ ơn vì hy tế cứu chuộc của Chúa Giêsu, đồng thời Giáo Hội hân hoan mời gọi con cái mình tiến đến bàn tiệc Thánh Thể để múc lấy sự sống thần linh.


Minh Đức S.J. 

 



[1] Đại từ điển tiếng việt,  NGUYỄN NHƯ Ý chủ biên, NXB Văn Hóa Thông Tin, trang 1350, từ “Phụng”

[2] Phụng vụ Tổng Quát, Lm. Vinh Sơn Nguyễn Thế Thủ, Đại chủng viện thánh Giuse, p. 15.

[3] Phụng vụ Tổng Quát, Lm. Vinh Sơn Nguyễn Thế Thủ, Đại chủng viện thánh Giuse, p. 16,17.

 

[4] Số 3, trong Hiến Chế Phụng Vụ  của Thánh CĐ Vatican II. 

0 Comments: