Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 30 tháng 3, 2023

HUYỀN NHIỆM CON NGƯỜI VÀ KHÁT MONG TÌM KIẾM THIÊN CHÚA

 HUYỀN NHIỆM CON NGƯỜI VÀ KHÁT MONG TÌM KIẾM THIÊN CHÚA

I.              HUYỀN NHIỆM CON NGƯỜI

a.             Con người là gì?

Câu hỏi: con người là gì? Được trải qua biết bao thể kỷ cho đến nay, vẫn được nhắc đến với muôn hình muôn vẻ. Với nhiều ngành khoa học khác nhau: người ta phân tích con người theo bản tính, lý trí trong triết lý cổ điển; theo vật lý, hóa học, sinh học với những cơ năng, phản xạ, sinh tồn, dinh dưỡng…cả về những tiềm thức, vô thức của khoa tâm sinh lý học… Thế nhưng để định nghĩa, để trả lời cho câu hỏi: “con người là gì?” vẫn là một vấn nạn cho tri thức con người.

Thật vậy, có khá nhiều định nghĩa về “con người”, có người cho rằng: con người là một sinh vật xã hội; con người là con vật có lý trí, suy tư; con người là sinh vật có tôn giáo; con người là tổ hợp gồm phần “con” và phần “người”…Nhưng xét theo chiều kích luân lý: con người là một hữu thể nhân linh; theo chiều kích tôn giáo, “con người được xem như là một huyền nhiệm” (Gabriel Marcel). Chúng ta cùng suy xét về chiều kích tôn giáo, tại sao lại định nghĩa: con người là một huyền nhiệm?

b.             Tại sao con người là một huyền nhiệm?

Trước hết ta cùng làm rõ khái niệm “huyền nhiệm”. Ta có thể hiểu “huyền” là khó  hiểu; “nhiệm” là sâu kín, huyền nhiệm chỉ sự sâu kín khó hiểu, nó mang tính thần bí. Huyền nhiệm là đặc tính của các thực tại hay kinh nghiệm thiêng liêng, vượt quá trí năng hiểu biết của con người. Do đó, xét về chiều kích tôn giáo, khi nói về con người người ta thường nói đó là một huyền nhiềm. Vì sao lạ nói vậy?

Vì theo quan niệm của Kinh Thánh: con người được Thiên Chúa tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa (St 1, 27). Câu hỏi tiếp tục được đặt ra: Thiên Chúa tạo dựng con người như thế nào? Theo Kinh Thánh: Thiên Chúa tạo dựng con người bằng Lời của Ngài. Con người ấy là một hợp thể gồm bởi hồn và xác. Linh hồn thiêng liêng bất tử, khi kết hợp với thân xác thành một bản thể. Bản thể ấy sống động, hiện hữu với giá trị cao quý như là một nhân vị duy nhất. Nhân vị ấy cao vượt trên mọi loài thụ tạo hữu hình khác (Tv 8, 6-7), vì được thiên Thiên Chúa yêu thương tạo dựng cách riêng. Điều tạo nên huyền nhiệm tiếp theo nơi con người đó là con người là một chủ thể luân lý, hoạt động có lý trí, có trách nhiệm tự do, biết dùng suy luận để cân nhăc các lý lẽ trước khi hành động, và ý chỉ để điều khiển các hành vi. Con người hướng về hạnh phúc, tìm cách đạt đến sự thiện tuyệt đối[1] là chính Thiên Chúa. Đây là điều khác biệt giữa con người và các thụ tạo khác.

Kế đến tính huyền nhiệm còn được thể hiện nơi phẩm giá của con người. Con người tuy là một thụ tạo, nhưng con người được Thiên Chúa mời gọi chia sẻ sự sống thần linh. Bời vì con người là con cái Thiên Chúa (in đậm hình ảnh Thiên Chúa, hình ảnh đó không bị phai mờ bởi không gian, thời gian, và có khả năng nhận biết và yêu mến Thiên Chúa), và con người được tham dự vào sự sống thâm sâu, hạnh phúc bất diệt của Ba Ngôi Thiên Chúa, được đạt tới cùng đích viên mãn là chính Ngài. Thiên Chúa là Anpha và Omega, là khởi nguyên là cùng đích của con người. Con người được Thiên Chúa trao phó mọi loài thụ tạo (Tv 8,7), mời gọi con người cộng tác với Thiên Chúa trong công trình duy trì và phát triển thế giới (St 1, 28-30).


 

II.           KHÁT MONG KIẾM THIÊN CHÚA

Tại sao con người phải tìm kiếm Thiên Chúa?

Tục ngữ Việt Nam có câu: “cây có cối, nước có nguồn”, thật vậy, mọi sự đều có nguồn gốc, cội nguyên của nó. Triết học dùng cách đặt vấn đề “tại sao” để truy nguồn một sự vật, một hiện tượng. Thấy một cái cây phát triển, một con chó chết đi, một cơn mưa ồ ạt, một tia chớp vụt tắt…người ta có thể đặt vấn đề tại sao nó như thế? Có những vấn đề khoa học giải thích được, nhưng ngược lại, có nhiều điều khoa học cũng đành đầu hàng chịu thua. Đơn cử như về sự xuất hiện, vận hành của các vì sao, tinh tú, thiên thạch… trên vũ trụ, các nhà bác học, khoa học cũng không thể nào giải thích tường tận được. Xét về cấu trúc, cơ chế sinh tồn, hoạt động của con người, của từng bô phận, mô thể, AND…của con người, người ta cũng thấy được sự kỳ diệu, huyền vi trong đó…Bởi đâu mà ra? đó là điều mà người ta vẫn đang tìm hiểu. Thế nhưng, đó chỉ là bề nổi, xét về bề sâu bên trong con người. Con người có những khát vọng sâu thẳm, đó là sự mưu cầu niềm hạnh phúc, bình an. Con người cũng có khát khao nên thiện toàn, hoàn mỹ…khát mong hướng về Chân-Thiện-Mỹ. Tóm lại, có cái gì là khởi đầu của những cái trên? Thế giới, con người là do ngẫu biến hay được sáng tạo nên?

Để giải quyết những vấn nạn trên, nếu ta xét theo khía cạnh đức tin tôn giáo (còn có nhiều khía cạnh khác có thể minh giải vấn đề trên), những người Công Giáo họ được dạy tin vào Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên trời và đất, cùng muôn vật hữu hình và vô hình (Kinh Tin Kính), và con người là con Thiên Chúa được Ngài yêu thương dựng nên theo hình ảnh Ngài. Con người có khả năng nhận biết và yêu mến Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa đã đặt nơi đáy lòng họ niềm khát khao tìm về Thiên Chúa là nguồn mạch no thỏa cho tâm trí họ. Thánh Augustine, một nhà triết học, thần học, linh đạo lớn trong Giáo Hội Công Giáo, sau một đời miệt mài tìm Chúa, sau cùng ngài đã thốt lên: lạy Chúa! Chúa đã dựng nên con cho Chúa, nên lòng con khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên bên Chúa muôn đời. Đó cũng có thể xem là những tâm tình mà những người khát khao tìm Thiên Chúa muốn nói lên.

Nói tóm lại, con người tìm kiếm Thiên Chúa vì con người muốn hướng về: nguồn Chân-Thiện-Mỹ (chỉ có ở nơi Thiên Chúa), về nguồn mà từ đó con người được dựng nên, về nguồn mà con người tìm được sự no thỏa, bình an và hạnh phúc lâu dài, sung mãn. Vậy con những tôn giáo khác vẫn còn những người chưa nhận biết Thiên Chúa thì sao? Những tôn giáo khác cũng chính là những công cụ mà ngang qua đó Thiên Chúa giúp con người “một cách nào đó” gián tiếp nhận ra Ngài, hoặc như những dấu chỉ của Ngài.

"Hạnh phúc thay những tâm hồn tìm kiếm Thiên Chúa" (Tv 105,3). Cách chung mà nói, cho dù con người có thể quên lãng hay chối từ Thiên Chúa, Thiên Chúa vẫn không ngừng kêu gọi mỗi người tìm kiếm Người để được sống và được hạnh phúc. Nhưng sự tìm kiếm này đòi hỏi con người vận dụng tất cả trí tuệ, ý chí chính trực, "một lòng ngay thẳng", và phải có cả chứng từ của người khác hướng dẫn họ kiếm tìm Thiên Chúa.(số 30, sách GLHTCG)

Lạy Chúa, Chúa cao cả và đáng muôn lời ca ngợi: quyền năng Chúa lớn lao và trí tuệ Chúa khôn lường. Và con người, một phần nhỏ bé của muôn loài Chúa đã tạo nên, lại dám nghĩ có thể ca ngợi Chúa ; mặc dù chính con người đó, với số kiếp phù du, mang nơi mình tang chứng của tội lỗi và dấu chứng Chúa chống lại kẻ kiêu căng. Dù sao, con người, phần nhỏ bé của muôn loài Chúa đã tạo nên, muốn ca ngợi Chúa. Chính Chúa thúc giục con người làm như vậy, khi cho họ tìm được sướng vui trong lời ngợi khen Chúa, vì Chúa đã tạo dựng chúng con cho Chúa, và lòng chúng con vẫn khắc khoải bao lâu chưa được nghỉ ngơi trong Chúa (Th. Âu-tinh, tự thuật 1.1,1).

Minh Đức S.J.

[1] Thời Sự Thần Học, Số 11 tháng 3/98.CON NGƯỜI nhân linh ư vạn vật, p. 24-25.

0 Comments: