Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 28 tháng 3, 2023

TÍNH LIÊN-CHỦ-THỂ CỦA DASEIN

 TÍNH LIÊN-CHỦ-THỂ CỦA DASEIN



Các nhà tu đức có kể một câu chuyện sau: một chàng thanh niên kia có khao khát đi tìm chân lý. Sau nhiều năm trời trăn trở, loay hoay tìm kiếm nơi chính mình nhưng không tìm thấy chân lý nào khác ngoài sự trống vắng, mênh mang và một nỗi chán ngán thẳm sâu… Anh ta liền chuyển qua tìm chân lý nơi Thượng Đế, nhưng than ôi! Trí năng của anh thì hữu hạn mà Thượng Đế thì siêu việt, vô biên. Một lần nữa, anh lại thất vọng tràn trề. Đang khi đó, anh ta tìm đến tha nhân, những người ở xung quanh mình với tất cả tình yêu thương, anh thực thi bác ai, sẻ chia, đồng cảm, đỡ nâng… có thể nói anh đã nhập cuộc giữa nhân sinh. Lạ lùng thay, khi gặp gỡ tha nhân, anh thấy rõ được chính mình và gặp gỡ cả Thượng Đế. Lòng tràn đầy niềm vui và hạnh phúc… Anh hát ca reo hò, dường như anh đã gặp được chân lý thẳm sâu mà bấy lâu nay bị ẩn khuất.”


Câu chuyện trên, gợi nhắc cho chúng ta một điều là để tìm kiếm chân lý, một thực tại siêu nghiệm nơi cuộc trần nay, nếu chỉ loay hoay với chính mình thì có lẽ như Heidegger đã nói: con người là hữu thể bị quăng ném vào giữa thế giới, mặc lấy sự bếp bênh, chênh vênh, ngả nghiêng, một Dasein (hữu thể đang có đó) với đầy sự bất ổn, bất an… Tuy nhiên, một khi con người, hữu thể nhân linh nhập cuộc giữa nhân sinh, thì Dasein được thể hiện chính mình, thi thố với tất cả năng lực tự nhiên trên địa hạt không chỉ lý thuyết mà cả thực hành, hữu thể ấy kiến tạo siêu việt tính, nhận thức đạt mức uyên nguyên, suýt sao với thực tại chân lý được chất chứa nơi Thượng Đế và tha nhân cách bình dị.


Do đó, ý nghĩa của hữu thể nơi cội nguồn bị ẩn khuất hệ tại nơi tính liên-chủ-thể (Thượng Đế-tôi-tha nhân), chính trong các chiều kích liên chủ thể đó – một “hữu-thể-kề-cận” – sẽ mở lối giúp chúng ta được trở về với chính mình, gặp gỡ chính mình cách tiên thiên và chân thật nhất (Omne ens est verum: mọi tại thể đều chân thực). Sở dĩ hai cục đá nằm kề cận nhau thì khác hẳn hai người đồng hành cùng nhau, đó là sự khác biệt giữa “res extensa (vật vô tri)” với “res cogitans (con người có suy tư)”. Đây cũng chính là điều mà Heidegger gọi là Bewandtniszusammenhang (các hữu thể liên kết với nhau để tạo nên thế giới tính, hiểu theo nghĩa hiện tượng luận).


Thế nên, có một lối nẻo vững chắc để con người đến với Thượng Đế là qua tha nhân, đây là nhận thức tư biện khả dĩ vượt trên mọi kinh nghiệm thường hằng, dĩ nhiên, ý thức nại đến các kinh nghiệm để rồi các kinh nghiệm sẽ dẫn ý thức tới “nhận thức tuyệt đối” và “nhận thức tuyệt đối” sẽ trở thành hiện thực gồm cả thực tại thần linh. Rõ ràng, ngang qua hiện tượng liên đới với tha nhân, anh thanh niên đã có một trực giác siêu nghiệm thuần túy như là ánh sáng soi đường cách thiết yếu hiển minh cho ý thức và trên bình diện của cõi nội tại thuần túy. Đây là ngưỡng vọng để đạt tới một phương cách thần thiêng, mà nó hệ tại ở sự trao tặng chính mình của hữu thể này với “đối thể” khác.


Vì thế, nguyên lý của các nguyên lý trong hiện tượng luận được định nghĩa bởi các ý niệm về sự trao tặng (donation), tự cống hiến chính ta cho tha nhân với một trực giác thuần túy nguyên thủy. Có thể xem ý niệm này là chân lý hiển nhiên, một kiểu A-letheia (hiện tượng chân lý tỏ lộ), theo cái nhìn của Heidegger, khác hẳn với điều mà Kant cho rằng ảo tưởng siêu nghiệm (dùng một ngôn ngữ chung để phát biểu về mọi sự, mọi sự sẽ đến với chúng ta cùng một cách thức). Hiểu như thế để cùng nhau thừa nhận rằng mối quan hệ giữa Dasein này với Dasein kia, nghĩa là mối quan hệ giữa ý niệm chân lý với chiều kích liên-chủ-thể, đó cũng là hiện-hữu-với-nhau là san sẻ chân lý cho nhau ngày càng sâu đậm hơn.


Điều này cũng giống với quan niệm của Claude Romano (trong tác phẩm L’évenement et le monde) Dasein là kẻ vãng lai giữa thế giới mà mình được sinh ra và mặc lấy chiều kích “phi ngã vị và bất khả đảm nhận”. Cùng với đó, theo biến cố sinh hạ thì chính tha-thể-tính kiến tạo tại-ngã-tính (khi tôi mới sinh hạ thì đã có người bảo vệ ý nghĩa cho sự tồn hữu của tôi rồi). Sự hiện diện của tha nhân vốn dĩ đã được khắc ghi trong biến cố sinh hạ của tôi. Đó chính là chiều kích hỗ tương của hiện hữu tại thể này với tại thể khác trong cùng một nguồn cội (co-originalité), mà nguồn cội sâu thẳm nhất không gì khác hơn là Thượng Đế.


Hơn nữa, chính trong chiều kích cơ cấu bất khả phân ly của cái Da trong Dasien là sự “mở ra, khám phá, san sẻ, dự phần” (oivrir, découvrir, partager, participer). Tự nơi bản chất, Dasien đã có sự tỏ lộ chính mình, càng tỏ lộ, càng sẻ chia thì chân lý càng sáng tỏ, bởi lẽ chân lý được làm nên là để sẻ chia cho tất cả mọi hữu thể. Thật vậy, khi chàng thanh niên đã “ra khỏi mình” để gặp gỡ tha nhân, thì anh ta đã tìm thấy chân lý, thế nên việc “ra khỏi chính mình” là yếu tố kết thành tại-ngã-tính của Dasien, điều được diễn tả bằng khái niệm “cận lân” (voisinage) với tha nhân (tha thể tính tọa lạc ngay giữa lòng tại-ngã-tính). Mở ra thì đã là chung chia rồi!


Tựu trung, vấn đề của hữu thể hiện sinh là chiều kích liên-chủ-thể của chân lý mà thôi! Gồm cả thực tại thần linh mà ở đây hiểu là Thượng Đế, nguồn mạch của mọi chân lý. Hữu thể “xuất cư” nơi Dasein có siêu việt tính, không gì khác hơn là hiện-hữu-giữa-thế-giới. Chính khi siêu việt tính được thi thố, được phô diễn thì là một cách thức giải thoát Dasein với sự tự do, thanh thản nơi cội nguồn, sức mạnh đích thực tuôn trào và nhờ đó Dasein có thể quay về phía sự vật với một phong thái cần có. Tóm lại, khi bàn đến chân lý là nói đến hiện hữu của Dasein, mà Dasien càng tỏ lộ chính mình thì chân lý càng sáng tỏ, sáng tỏ ở đây được thể hiện nơi tính liên-chủ-thể.


_Minh Đức S.J._

Thượng Đế ở đây được hiểu là Thiên Chúa.

0 Comments: