Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 30 tháng 3, 2023

ĐỐI VỚI BẠN, THIÊN CHÚA LÀ AI?

ĐỐI VỚI BẠN, THIÊN CHÚA LÀ AI?

1.      Giới thiệu

Khi nói về Thiên Chúa, một hình ảnh luôn hiển hiện sống động trong tâm trí tôi đó là hình ảnh mà chính Đức Giêsu đã phác họa trong kinh thánh (Lc 15,11-32), Dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu. Khi có người nào đó hỏi tôi: đối với bạn, Thiên Chúa là ai? Tôi sẽ không ngần ngại trả lời: đối với tôi Thiên Chúa là Cha nhân ái. Mặc dù Thiên Chúa là Đâng Vô Biên, Đấng Siêu Việt, Ngài không bị giới hạn bởi một khía cạnh, phạm trù của thế giới thụ tạo, nhưng xét về một ngôi vị (person), tôi sẽ gọi Thiên Chúa là Cha.

2.      Thiên chúa là Cha của tôi

Khi nói về niềm tin tôn giáo, dựa theo sự mạc khải của Kinh Thánh, tôi luôn: “xác tín rằng tất cả mọi người chỉ có một Thiên Chúa là Cha duy nhất” ( x. Ep 4,4-6). Người Cha này “là Cha phép tắc vô cùng, dựng nên trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình.” (Kinh Tin Kính các Tông đồ). Thật vậy, đã có nhiều tôn giáo biết kêu cầu Thượng Đế với tước hiệu "Cha". Thượng Đế thường được coi là "cha của các thần linh và của người phàm". "Trong dân Ít-ra-en, Thiên Chúa được gọi là Cha vì là Đấng sáng tạo vũ trụ (x. Đnl 32,6; Ml 2,10 ). Hơn nữa Thiên Chúa còn là Cha vì đã giao ước và ban lề luật cho Ít-ra-en, "con đầu lòng của Người" (Xh 4,22). Người cũng được gọi là Cha của vua It-ra-en (x. 2 Sm 7,14). Đặc biệt hơn nữa, Người là "Cha của người nghèo", của cô nhi, quả phụ là những kẻ được Người thương yêu che chở (Tv 68,6)".[1]

Thật là một hình ảnh rất dễ thương, trìu mến khi diễn tả về Thiên Chúa như vậy. Hơn nữa, càng ngọt ngào biết bao khi tôi được Thiên Chúa ngỏ lời: "Ta sẽ là Cha các ngươi, và các người sẽ là con trai con gái Ta, Chúa toàn năng phán như vậy" ( x.2Cr 6,18). Chính Thiên Chúa đã xác chuẩn: tôi là con của Người, khi Người nhận tôi làm nghĩa tử. "Áp-ba, Cha ơi!" (Rm 8,15), một tiếng gọi, của một đứa bé với cha. Đứa bé khi bập bẹ biết nói, tiếng gọi ban đầu là hướng về cha mẹ nó, “cha ơi! Mẹ ơi!”, tiếng gọi đó như thể là tất cả mọi sự đứa bé có được, và chỉ có cha, mẹ là chỗ dựa vững vàng duy nhất của nó. Trước mặt Thiên Chúa, tôi cũng chẳng khác gì đứa bé, cũng cần phải cậy dựa vào Cha của mình. Người Cha này có nhiều đặc tính siêu hình như sự toàn năng, sự toàn tri, sự toàn thiện, sự thánh thiêng, nhưng nổi bật hơn cả đó là lòng xót thương. Tôi cảm nhận được chính lòng xót thương là dung mạo của Thiên Chúa là Cha của tôi (Misericordiae Vultus).

3.      Thiên chúa là cha giàu lòng thương xót

Khi gọi Thiên Chúa là "Cha", ngôn ngữ đức tin chủ yếu muốn nêu lên hai khía cạnh : Thiên Chúa là nguồn gốc đầu tiên của mọi sự và là Đấng uy quyền siêu việt, đồng thời là Đấng nhân hậu yêu thương chăm sóc mọi con cái.[2] Đối với tôi, chiều kích thứ hai được in sâu, đậm nét hơn cả, vì một khi cảm nhận được Thiên Chúa là Cha nhân hậu, hay yêu thương chăm sóc con cái người, tôi dễ dàng sống thân mật với người hơn. Đó là kinh nghiệm cá vị của tôi. Thật bùi ngùi xúc động khi thôt lên: "Chúa là Đấng từ bị nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương. Chúa nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu với mọi loài Chúa đã dựng nên" (Tv 145,8-9). Thiên Chúa luôn  tỏ lòng khoan dung vô tận, vì Người biểu dương quyền năng tới tột đỉnh qua việc Người rộng lòng thứ tha mọi tội lỗi. Dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu, là một trong vô số điển hình. Cách chung, tất cả đều diễn tả đặc tính căn bản và thiết yếu của Thiên Chúa là lòng thương xót.

Thánh Tôma Aquino đã minh định : lòng thương xót không phải là dấu chỉ của sự bất tài của Thiên Chúa, nhưng là sự toàn năng của Ngài[3]. Thật vậy, dấu chỉ của sự toàn năng không phải nơi Thiên Chúa không phải là làm những việc kinh thiện động địa, khiến cả vũ hoàn khiếp run cho bằng việc Thiên Chúa tỏ bày lòng thương xót của Ngài đến toàn thể nhân loại. Đỉnh cao của lòng thương xót đó là sự hiến tế của Người Con duy nhất của Chúa Cha là Đức Giêsu, ngõ hầu để cứu chuộc nhân loại tội lỗi chúng ta khỏi sự diệt vong. Chính ngay thuật ngữ lòng thương xót trong La tinh là misericordia, nghĩa là một con tim hoặc một tâm hồn trở nên cảm thông với kẻ khác vì sự bất hạnh của họ. Chính Đức Giêsu đã làm điều đó, khi đến thế gian để sống và chết cho con người.

Vậy, tôi phải sống như thế nào đối với Thiên Chúa là Cha giàu lòng xót thương ? thánh Xy-ri-an đã dạy chúng ta: “Phải nhớ rằng : khi gọi Thiên Chúa là Cha, chúng ta có bổn phận sống như con Thiên Chúa”. Là con cái Thiên Chúa, tôi cần sống theo như những gì Chúa Cha đã phán dạy:  "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người! " (Mt 17,5). Tôi cần bước theo chân Đức Giêsu và sống theo những giáo huấn của Ngài, được mạc khải trong Kinh Thánh, bên cạnh đó là việc "cầu nguyện không ngừng" (1Tx 5,17), để kết hiệp với Người, nhờ Người mà tôi có thể sống được với Chúa Cha qua sự thánh hóa của Chúa Thánh Thần, điều mà thánh Phaolo đã dạy: "Hãy nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, mà cảm tạ Thiên Chúa là Cha, trong mọi hoàn cảnh và về mọi sự" (Ep 5,20).

Việc cầu nguyện và sống thân tình với Thiên Chúa cũng cần được tôi diễn tả ra bên ngoài cuộc sống khi sống và biểu lộ đặc tính của Cha giàu lòng thương xót  đển với tha nhân, bằng việc tôi sống sự yêu thương tha thứ. Thật vậy, "tôi không thể gọi Thiên Chúa Chí Nhân là Cha, nếu tôi còn giữ lòng độc ác và bất nhân; vì khi đó, tôi không còn giữ được dấu tích lòng nhân lành của Cha Trên Trời"(T.Gio-an Kim Khẩu). Tôi mong ước mỗi ngày, khi ngước nhìn lên Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, tôi cảm nhận được tình yêu thương đó, và tôi dám can đảm sống lòng xót thương đó với mọi người quanh tôi, được thể hiện bởi lòng yêu thương, tha thứ, nhân từ, bao dung… Vì chỉ như thế tôi mới xứng đáng là con của Cha trên trời, vì quả thật như Đức Giêsu đã dạy: “phúc thay ai biết xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương

 Minh Đức S.J.

 



[1] Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số. 238.

[2] Nt. Số 239.

[3] Thánh Tô-ma Aquino, Summa Theologiae, Phần II-II, câu hỏi 30, mục 4. 

0 Comments: