Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 30 tháng 3, 2023

GẶP GỠ THIÊN CHÚA NƠI ĐỨC KITÔ TRONG CHÚA THÁNH THẦN

 

GẶP GỠ THIÊN CHÚA NƠI ĐỨC KITÔ TRONG CHÚA THÁNH THẦN

Có một vấn nạn được đặt ra cho không chỉ người Kitô hữu mà cả những người không cùng tôn giáo, đó là làm thể nào con người có thể gặp gỡ được Thiên Chúa là Đấng Siêu Việt, khôn dò khôn thấu? Thiên Chúa là một Thực Thể siêu phàm, đang khi đó con người chỉ là thụ tạo hữu hình với những giới hạn phàm trần. Thực ra, so với hằng thiên niên kỷ, so với vũ trụ bao la bát ngát, sánh với vạn vật phong nhiêu…con người chẳng là chi cả. Đúng như lời tác giả Thánh vịnh số 8 đã viết: con người là chi mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm”. Thế nhưng, cũng bởi tình yêu thương mà Thiên Chúa đã “trào thông” đến với con người, vì Người là Đấng Chân-Thiện-Mỹ, Người là nguồn mạch và cùng đích của mọi sự. Ngài đã đi bước trước, Ngài đến, gặp gỡ và mạc khải cho con người về chính Ngài. Nhờ đó mà con người được hồng phúc thông dự vào sự sống thâm sâu của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Một cách sâu xa, theo ý định nhân hậu, Thiên Chúa đã tự ý tạo dựng con người, để họ được thông phần sự sống vĩnh phúc. Do đó, Người đã đến với con người. Thiên Chúa kêu gọi con người, giúp họ tìm kiếm, nhận biết và đem hết tâm lực yêu mến Người. Thiên Chúa triệu tập mọi người đã bị tội lỗi phân tán để hợp nhất thành gia đình của Người là Hội Thánh. Để thực hiện điều này, khi tới thời viên mãn, Người đã cử Chúa Con đến làm Đấng chuộc tội và cứu độ. Trong và nhờ Người Con ấy, Thiên Chúa kêu gọi loài người trở nên nghĩa tử trong Chúa Thánh Thần, và do đó, được thừa kế đời sống hạnh phúc của Ngài.[1] Thành ra, điều quan trọng nhất trong cõi nhân sinh mọi thời và mọi nơi vẫn là: sự sống con người không gì khác hơn là nhận biết và yêu mến Thiên Chúa. Vậy nhận biết và yêu mến Thiên Chúa bằng cách nào và như thế nào, chúng ta cùng làm rõ trong các phần dưới đây.

I.     GẶP GỠ THIÊN CHÚA NƠI ĐỨC KITÔ

Con người tìm kiếm Thiên Chúa vì con người khát mong hướng về: nguồn Chân-Thiện-Mỹ (chỉ có ở nơi Thiên Chúa), về nguồn mà từ đó con người được dựng nên, về nguồn mà con người tìm được sự no thỏa, bình an và hạnh phúc lâu dài, sung mãn. Thật vậy, "Hạnh phúc thay những tâm hồn tìm kiếm Thiên Chúa" (Tv 105,3). Cách chung mà nói, cho dù con người có thể quên lãng hay chối từ Thiên Chúa, Thiên Chúa vẫn không ngừng kêu gọi mỗi người tìm kiếm Người để gặp gỡ, để được sống và được hạnh phúc với Ngài và trong Ngài.

Bởi vì bản tính của Thiên Chúa là tình yêu (1 Ga 4,8), tình yêu đó không dừng lại nơi chính Ngài mà chảy tràn, trào thông tình yêu đó đến với con người. Tình yêu đó được Thiên Chúa diễn tả, mạc khải từ thủa khai thiên lập địa, từ khi con người được thành hình, trải qua bao thế hệ từ Cựu Ước đến Tân ước, và như thánh Phaolo đã nói: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ,  nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử.” (Rm 1,1-2). Thánh Tử đó chính là Chúa Giêsu Kitô.

1.1         Thiên Chúa Cha Được Mặc Khải Bởi  Đức Giêsu Kitô

Đức Giê-su đã mặc khải cho ta biết Thiên Chúa là "Cha" theo một nghĩa chưa từng có : Người không chỉ là Cha vì là Tạo Hóa, từ muôn thuở Người là Cha trong tương quan với Con duy nhất, Ngôi Con từ muôn thuở cũng chỉ là Con trong tương quan với Ngôi Cha : "Không ai biết Người Con trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha trừ Người Con và kẻ mà Người Con muốn mặc khải cho" (Mt 11,27).[2]

Thánh Gioan đã mạc khải chân lý tối cao cho chúng ta, đó là: "Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết." (Ga 1,18). Đức Giêsu chính là Thiên Chúa, và đã tỏ cho chúng ta biết Ngài là: "con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Ngài" (Ga 14,16). Đức Giêsu là con đường cứu độ, là đường siêu thoát để chúng ta có thể gặp gỡ được Thiên Chúa Cha, là sự thật mà chúng ta khát khao tìm kiếm, và là sự sống, sự sống viên mãn đời đời mà chúng ta được ưu ái thông dự trong Chúa Thánh Thần.

1.2         Đức Giêsu là Đường.

            “Chính Thầy là con đường…. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6), Đức Giêsu đã khẳng định với chúng ta: Ngài là con đường duy nhất để nhân loại có thể đến được với Chúa Cha. Ngài cũng là Đấng Trung Gian cứu độ duy nhất của của con người. Điều đó chính thánh Phêrô đã xác quyết trước Thượng Hội Đồng Do Thái năm xưa: “ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ." (Cv 4,12).

Theo kế hoạch cứu độ, thánh hóa chúng ta, Thiên Chúa đã mời gọi chúng ta ngang qua ân sủng trong việc thông dự vào kế hoạch đó, kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa dành sẵn cho con người từ muôn thủa xa xăm. Ngang qua Đức Giêsu Kitô, kế hoạch cứu độ nhân loại được thành toàn. Thánh Phaolo đã nhấn mạnh điều này trong thư Êphêsô: “Trong Đức Ki-tô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giê-su Ki-tô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu.” (Eph. 1:4-6).  Đức Kitô đã tái thiết lập kế hoạch cứu độ, kế hoạch mà ban đầu bị phá hủy bởi Adam. Kế hoạch cứu độ đó là: “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống.” (1 Ga 4:9).

Do đó, điều quan trọng hàng đầu của mọi Kitô hữu là sống rập đời mình theo khuôn mẫu đời sống Đức Giêsu Kitô, hiệp nhất với Ngài luôn mãi, điều mà thánh Phaolô đã khuyên mời chúng ta: “đồng hình đồng dạng với Người” (Pl 3,10; Rm 8,29). Để mô tả sự thật thẳm sâu của sự hiệp nhất trên, thánh nhân tiếp tục diễn nghĩa: “nếu chúng ta cùng chết với Người, chúng ta sẽ cùng sống với Người” (2 Tm 2,11), và chỗ khác, ngài nhấn mạnh hơn: “Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới.”(Rm 6,4), sau cùng “Người đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Ki-tô Giê-su trên cõi trời” (Ep 2,6).

Việc nhận ra ân sủng nhưng không của Đức Giêsu Kitô, ân sủng mà Thiên Chúa đã tặng ban cho chúng ta là điều cần thiết hơn bao giờ hết, bởi nhờ sự chân nhận đó chúng ta sẽ sống như thế nào cho chính đáng và phải đạo. Thánh Phaolô đã nhắc nhớ chúng ta trong thư Êphêsô: “Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giê-su Kitô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu” (Ep 1,5-6).

Vì thế, Đức Kitô là con đường duy nhất để con người có thể đến với Chúa Cha. Ngang qua Ngài, chỉ một mình Ngài, chúng ta có thể đạt được lý tưởng được tiền định nởi Thiên Chúa ngay từ buổi ban sơ tạo dựng, trong sự cứu chuộc và thánh hóa nhân loại. Giáo Hội nhắc nhớ chúng ta trong mỗi khi cử hành thánh lễ, chủ tể thường đọc: “chính nhờ Người, với Người và trong Người mà mọi danh dự và vinh quang đều quy về Thiên Chúa Cha trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn thủa muôn đời”. Nhiều vị thánh đã được soi sáng bởi Thiên Chúa để hiểu rõ hơn về mầu nhiệm của Đức Kitô, các ngài mong muốn được hòa tan, được nên một trong Đức Kitô. Khát khao này được thánh Phaolô mô tả: tôi sống nhưng không còn phải là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi(Gal 2,20).

1.3 Đức Giêsu là Sự Thật.

i sinh ra và đến thế gian để làm chứng cho sự thật” (Ga 18,37). Đức Kitô là Ngôi Lời Nhập Thể, thông qua nhân tính được thánh hóa của Ngài, Ngài đã thông truyền cho chúng ta tất cả mọi kho tàng của sự khôn ngoan và tri hiểu. Ngài là kiểu mẫu hoàn hảo của con người mà Chúa Cha đã dựng nên. Do đó, người Kitô hữu cần theo mô mẫu này (là Đức Giêsu) để sống cuộc đời mình. Lý do, vì chúng ta được mời gọi trở nên con cái của Thiên Chúa, mà trong đó Đức Giêsu Kitô là trưởng tử, trưởng tử giữa những đàn em đông đúc (Rm 8,29). Đây là chân lý hiển hiện, là sự thật thực thụ. Thật diễm phúc cho chúng ta khi được làm con cái Thiên Chúa, như Đức Giêsu đã nói với chúng ta: "Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy cũng là Thiên Chúa của anh em" (Ga 20,17)

Đức Giêsu Kitô đã tuyên bố, Ngài là sự thật, và sự thật đó sẽ giải phóng mọi người, sự thật đó sẽ làm cho mọi người được tư do thực sự và hoàn toàn (Ga 8,32). Đức Kitô là sự thật trong ý nghĩa Ngài là Thầy của chúng ta, nơi Ngài mọi sự thật được tỏ bày minh nhiên và chính Ngài cũng là một sự thật. Trong bữa tiệc ly, Đức Giêsu đã nói những lời tâm huyết, trần tình:"vì con đã ban cho họ lời mà Cha đã ban cho con; họ đã nhận những lời ấy, họ biết thật rằng con đã từ Cha mà đến, và họ đã tin là Cha đã sai con. " (Ga 20,17).

Có thể nói tất cả giáo lý của Đức Kitô từ Những Bài Giảng Trên Núi đến Bảy Lời Sau Cùng, chúng được hướng tới một mục tiêu, một đích điểm duy nhất đó là: sự toàn hảo của đời sống ân sủng và đức ái. Thật vậy, những lời của Đức Giêsu là Lời trao ban sự sống. Cứ nhìn vào cuộc đời của Ngài chúng ta sẽ thấy được điều đó. Trong Tin Mừng đã thuật lại, Ngài đi đến đâu là thi ân giáng phúc tới đó, chữa lành cho tất cả mọi người:… người chết sống lại, người mù được thấy, kẻ què được đi người cùi được sạch, kè điếc được nghe, người nghèo được nghe Tin Mừng… (Mt 11,5). Đúng như vậy, chính thánh Phêrô đã tuyên tín khi Đức Giêsu quay lại hỏi các ông: "Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao? "Ông Si-môn Phê-rô liền đáp: "Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời." (Ga 6,67-68).

1.4 Đức Giêsu là Sự Sống.

          Đức Kitô là sự sống của chúng ta trong 3 con đường khác nhau[3]: như cứu cánh xứng đáng (as meritorious cause), Ngài thông chứa cho chúng ta ân sủng đó là đời sống tinh thần ; như cứu cánh hiệu năng (as efficient cause), Ngài là nguồn mạch của ân sủng ; như là Đầu của Thân Thể Mầu Nhiệm, Ngài thông truyền sự sống cho các chi thể.

1.4.1       Cứu Cánh Xứng Đáng (meritorious cause)

Giá chuộc của Đức Kitô trong mối liên hệ đến chúng ta được phát khởi từ sự hy sinh cứu chuộc từ cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài. Nói một cách chung, Thiên Chúa có thể hoàn toàn tự do để tha thứ tội của Adam, nhưng Ngài cần đến sự thánh hóa hoàn toàn, và điều này là khả dĩ chỉ ngang qua khí cụ của Nhân vị thánh, Đấng là cầu nối khoảng cách vô tận giữa con người và Thiên Chúa. Sự xúc phạm của tội được đo lường trong những hạn từ của một người xúc phạm đến Thiên Chúa, và đó là lý do tại sao cần sự thánh hóa con người và chúng không bao giờ đủ như là sự đền tội.

Khi Ngôi Lời hóa nên nhục thể trong nhân vị của Đức Kitô, một bản thể con người và một hữu thể thánh được nhiệm kết trong Ngôi Vị là Ngôi Lời. Và dù hành động nhỏ nhoi nhất được thực hiện ngang qua Ngôi Lời Nhập Thể cũng có thể cứu chuộc được nhân loại, Chúa Cha đã muốn nhân loại được cứu chuộc ngang qua cuộc khổ nạn và sự chết của Đức Kitô. Hệ quả là hành động hy sinh của Đức Kitô xóa giải tội lỗi và vượt xa những đòi hỏi của sự công bình ngay thẳng. Vì vậy, giá chuộc của Đức Kitô chịu đóng đinh là vô tận, phong nhiêu và thặng dư (infinite and superabundant). Đây là nền tảng niềm hy vọng của chúng ta, vì Đức Kitô đã chết cho chúng ta, nên chúng ta sẽ được hưởng sự cứu độ từ nơi Ngài. Ân sủng này được trao ban cho nhân loại cho đến tận cùng thế giới. Đây chính là chiều kích thần học về sự sống vĩnh cửu của nhân loại nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng đã tuyên bố: “Ta là sự sống lại và là sự sống” (Ga 11,25).

1.4.2       Cứu Cánh Hiệu Năng (Efficient Cause)

Đức Giêsu Kitô là Trung Gian, Nguồn mạch, và là Đấng Ban Phát mọi ơn lành, vì Ngài là Đấng cứu chuộc nhân loại. Và chỉ như là Ngôi Lời cần đến sự kết hiệp với một bản chất con người để chết vì sự cứu chuộc của chúng ta, cũng vậy, Ngôi vị thánh dùng nhân tính thánh của Đức Kitô như là một khí cụ cho việc phong ban cho con người đời sống siêu nhiên của ân sủng. Thánh Phaolo đã viết:  Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng:"Đức Giê-su Ki-tô là Chúa" (Pl. 2,6-11).

Chúa Giêsu thường mô tả chính mình như là “Con Người” để chỉ ra rằng: ngang qua nhân vị được thánh hóa của Ngài, Ngài thực thi những công việc của sứ mạng Ngài, Ngài giảng dạy Lời Chúa, Ngài làm những phép lạ, ngài phong ban những ân sủng và tha thứ mọi tội lỗi, và Ngài chết cho, vì ơn cứu độ của chúng ta. Thánh Tôma đã giải thích chức năng của nhân vị thánh như sau: để trao ban ân sủng hoặc Chúa Thánh Thần  thuộc về Đức Kitô như Thiên Chúa, nhưng để trao ban khí cụ thuộc về Ngài như một con người, vì nhân vị của Ngài là khí cụ của tính thánh thiêng của Ngài. Và từ đây trong nhân đức của Ngài trong hành động của Ngài thì tốt lành và chúng là nguyên tác ân sủng trong chúng ta xứng đáng và hiệu nghiệm.

1.4.3       Đầu của Thân Thể Mầu Nhiệm (Head of the Mystical Body)

Thánh Phaolô nói về cương vị đầu của Đức Kitô trên Thân Thể Mầu Nhiệm như sau: "Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Kitô và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh; mà Hội Thánh là thân thể Đức Kitô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn" (Ep 1,22-23). Như Đầu của thân thể, thân thể là Hội Thánh, Đức Kitô đóng vai trò như thủ trưởng ảnh hưởng trên tất cả mọi thành viên của thân thể.Thánh Tôma giải thích rằng : Đức Kitô là Đầu đóng vai trò như một địa vị bộ ba trên Thân Thể Mầu Nhiệm : Một địa vị của trật tự, của sự hoàn hảo và của quyền năng. Ngài có địa vị của trật tự vì Ngài là trưởng tử (Rm 8,29) và Thiên Chúa "đã tôn Đức Ki-tô lên trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có được, không những trong thế giới hiện tại, mà cả trong thế giới tương lai"(Ep 1,21). Ngài có vị trí hoàn hảo, vì như thánh Gioan định nghĩa: "Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác".(Ga 1,16). Do đó, Ngài có vị trí quyền năng vì sự viên mãn của Ngài mà chúng ta được nhận lãnh tất cả.

Những đặc tính tương tự được liệt kê bởi thánh Phaolo, khi ngài nói: "Người cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh; Người là khởi nguyên, là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại, để trong mọi sự Người đứng hàng đầu. Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời" (Cl 1,18-20).  

Giáo Hội Công Giáo dạy chúng ta về việc Đức Giêsu thiết lập 7 bí tích, chúng như những dấu chỉ khả giác để ngang qua đó Thiên Chúa truyền thông ơn sủng cho những ai xứng đáng. Đây chính là những nguồn mạch thiêng liêng nuôi dưỡng người Kitô hữu trên bước đường dương thế. Quả thật, Đức Giêsu chính là sự sống cho con người, khi Ngài trào thông chính Ngài ngang qua giá chuộc. Vấn đề còn lại nơi người Kitô hữu, họ lãnh nhận các bí tích này với đức tin, đức tin được sống động bởi đức ái. Thánh Phaolô đã xin cho chúng ta ơn này: "Xin cho anh em, nhờ lòng tin, được Đức Ki-tô ngự trong tâm hồn; xin cho anh em được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái" (Ep 3, 17). Nhờ đức tin này, chúng ta được nuôi dưỡng, được chữa lành cả thể xác lẫn tâm hồn (Lk 6,19). Trong nhiều dịp, Đức Kitô đã nói với người phụ nữ đã xức dầu cho Ngài: "' Đức tin của con đã cứu chữa con, con hãy về bình an” (Lk 7:50). Nhưng Đức Kitô hôm qua cũng như hôm nay, bây giờ và mãi mãi vẫn thế, do đó, chúng ta có thể tin tưởng rằng nếu chúng ta đến với Ngài với lòng tin và lòng mến, chúng ta sẽ lãnh nhận được sức mạnh chữa lành và quyền năng cứu độ được phát nguồn từ nơi Ngài.

II.  Hiệp Thông Trong Chúa Thánh Thần.

Điều cốt yếu của đời sống Kitô hữu có thể được tóm gọn trong phát biểu này: vinh quang của Thiên Chúa là cùng đích tối hậu, sự thánh hóa của chúng ta là cùng đích tiệm cận, và sự sáp nhập (incorporation), nên một trong Đức Kitô là con đường duy nhất có thể thủ đắc được hai cùng đích trên. Cách chung, mọi thứ đều phục thuộc thiết yếu vào việc sống, tham gia vào mầu nhiệm của Đức Kitô.

Công thức phụng vụ trong thánh lễ đã mô tả về ý nghĩa thần học của việc sáp nhập (incorporation), nên một trong mầu nhiệm Đức Kitô đó là: “Chính nhờ Người, với Người và trong Người mà mọi danh dự, vinh quang và uy quyền đều quy hướng về Thiên Chúa Cha, trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần”. Diễn nghĩa của công thức trên là vinh quang của Thiên Chúa Ba Ngôi chính là cùng đích tuyệt đối của toàn thể vũ hoàn được tạo dựng, cũng như sự cứu chuộc và thánh hóa nhân loại. Thế nên, vinh quang Thiên Chúa Ba Ngôi được nhận ra ngang qua Đức Kitô, trong Ngài và với Ngài. Thế nhưng, để mọi sự được viên mãn, thành toàn…điều quan trọng không thể quên lãng hay thiếu xót ở đây đó là cần đến sự hiệp thông của Chúa Thánh Thần.

2.1 Đấng Bảo Trợ

Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su báo tin sẽ cử một Đấng Bảo Trợ khác (Đấng Bảo Vệ), đó là Chúa Thánh Thần. Người tác động từ thuở khai thiên lập địa (St 1,2); Người đã dùng "các ngôn sứ mà phán dạy" (Kinh Tin Kính Ni-xê-a Con-tan-ti-nô-pô-li). Nay người sẽ ở với và trong các môn đệ (Ga 14,17) để dạy bảo (Ga 14,26) và dẫn đưa họ đến "sự thật trọn vẹn" (Ga 16,13). Chúa Thánh Thần được mặc khải như một ngôi vị Thiên Chúa, khác với Đức Giê-su và với Chúa Cha.[4]

Chúa Giêsu trước khi về trời, Ngài đã mạc khải nhiều điều cho các tông đồ về vai trò của Chúa Thánh Thần: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em. (Ga 14,26). Có thể nói ngày lễ Ngũ Tuần là ngày khai sinh ra Giáo Hội, thời kỳ tiên khởi được manh nha từ đây. Chúa Thánh Thần đến để kiện hảo mọi sự “đã rồi mà vẫn chưa” nơi Đức Giêsu, nghĩa là Ngài đến để canh tân, đổi mới mặt đất này dựa theo tinh thần, giáo huấn của Đức Giêsu năm xưa, ngay nay và cả tương lai.

 Chúng ta có thể nhận thấy: nguồn gốc vĩnh cửu của Chúa Thánh Thần được mặc khải trong sứ mạng trần thế của Đức Giêsu, “khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy”(Ga 15,26). (Ga 16,7). Chúa Thánh Thần được cử đến với các tông đồ và Hội Thánh, vừa do Chúa Cha nhân danh Chúa Con, và cũng do chính Chúa Con, một khi Người trở về bên Chúa Cha (Ga 14,26; 15,26; 16,14). Việc cử Chúa Thánh Thần đến sau khi Đức Giêsu được tôn vinh (Ga 7,39), mặc khải một cách viên mãn mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh.”[5]

2.2 Phân Biệt Chứ Không Tách Biệt

Một điều quan trong khi nói về Chúa Thánh Thần đó là “phân biệt chứ không tách biệt”, nghĩa là chúng ta phân biệt Chúa Thánh Thần là Ngôi Vị thứ ba trong Ba Ngôi Thiên Chúa, Ngài được nhiệm xuất từ Chúa Cha và Chúa Con mà ra. Tuy nhiên, đó là phân biệt, chúng ta không được hiểu theo nghĩa tách biệt Ba Ngôi cách độc lập, vì Ba Ngôi luôn ở trong nhau “Nhất Thể Tam Vị”, hoạt động cùng nhau, từ công cuộc sáng tạo cho đến việc vận hành sự sống của vũ trụ vạn vật và cả công trình cứu chuộc con người[6].

Chúa Cha đã ban Thánh Thần của Con Một Người đến trong lòng chúng ta. Thánh Thần (Gl 4.6) thực sự là Thiên Chúa. Đồng bản thể với Chúa Cha và Chúa Con, Người không tách rời khỏi Chúa Cha và Chúa Con, trong đời sống thâm sâu của Ba Ngôi cũng như trong hồng ân yêu thương của Ba Ngôi dành cho thế giới. Nhưng khi tôn thờ Ba Ngôi Thiên Chúa ban sự sống, đồng bản thể và không thể phân ly, Hội Thánh cũng tuyên xưng Ba Ngôi phân biệt nhau. Khi Chúa Cha cử Lời của Người đến với chúng ta, Người luôn luôn gởi đến "Hơi Thở" của Người: một sứ mạng phối hợp trong đó Chúa Con và Chúa Thánh Thần phân biệt, nhưng không tách rời nhau. Chúa Ki-tô xuất hiện, Người là hình ảnh hữu hình của Thiên Chúa vô hình, nhưng chính Thánh Thần mặc khải Chúa Ki-tô cho chúng ta.[7]

Tính hiệp thông trong Chúa Thánh Thần của Hai Ngôi Vị kia (Chúa Cha và Chúa Con) là không thể tách biệt. Chúa Giêsu đã tuyên bố: “không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6). Thánh Phaolô mạnh dạn tuyên tín: "Nếu không được Thánh Thần giúp sức cho, không ai có thể nói rằng: Giêsu là Đức Chúa!" (1Cr 12,3). Muốn tiếp xúc với Đức Kitô, trước hết phải được Thánh Thần cảm hóa. Chính Chúa Thánh Thần đến gặp gỡ và khơi động đức tin nơi chúng ta. Nhờ Đức tin chúng ta tin yêu, nhận biết Đức Giêsu và ngang qua Đức Giêsu chúng ta sẽ gặp được Chúa Cha, vì Chúa Giêsu đã từng nói: “ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9).

Tựu chung, chúng ta nhận thấy mối liên hệ mật thiết giữa Ba Ngôi Thiên Chúa trong công trình sáng tạo, cách riêng trong việc mạc khải và liên hệ với con người. Thánh Gioan tông đồ đã diễn giải: "Thiên Chúa đã sai Thánh Thần của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: "Abba, Cha ơi!" (Ga 4,6). Nhận thức đức tin này chỉ có thể có được trong Thánh Thần. Thánh Irênê còn nêu lên quan điểm của mình về vai trò của Chúa Thánh Thần trong mối liên hệ mật thiết của Ba Ngôi cũng như trong sự hiệp thông của con người với Ba Ngôi chí thánh đó, nhận định đó như sau: “những ai mang trong lòng Thánh Thần của Thiên Chúa, họ được dẫn đến với Ngôi Lời, nghĩa là Ngôi Con; Chúa Con dâng họ cho Chúa Cha và Chúa Cha ban cho họ sự sống bất diệt. Vậy không có Thánh Thần thì không thể thấy Con Thiên Chúa; không có Chúa Con, không ai có thể đến gần Chúa Cha, vì chỉ có Chúa Con nhận biết Chúa Cha, và nhận biết Chúa Con là nhờ Chúa Thánh Thần (Thánh Irênê, trình bày đức tin tông truyền 7).

2.3 Đấng Mạc Khải Tiệm Tiến

Cựu Ước công bố tỏ tường về Chúa Cha, chưa rõ nét về Chúa Con. Tân Ước trình bày về Chúa Con, và cho thoáng thấy thiên tính của Chúa Thánh Thần. Bây giờ, Chúa Thánh Thần đang ở giữa chúng ta và giúp chúng ta hiểu rõ hơn về Người. Có thể nói : thật là thiếu khôn ngoan khi chưa tuyên xưng Chúa Cha là Thiên Chúa, lại công bố rõ ràng về Chúa Con; khi chưa chấp nhận Chúa Con là Thiên Chúa lại nói thêm về Chúa Thánh Thần. Ánh sáng của mầu nhiệm Ba Ngôi ngày càng thêm rạng rỡ nhờ những mặc khải tiệm tiến "từ vinh quang này đến vinh quang khác" (Thánh Ghêgôriô Nadien).

Chúa Thánh Thần mặc khải cho chúng ta biết Thiên Chúa, biết Đức Kitô là Ngôi Lời hằng sống, nhưng Thánh Thần lại không nói về mình. Thánh Thần đã "dùng các ngôn sứ mà phán dạy", để giúp chúng ta nghe được lời của Chúa Cha. Nhưng còn chính Người, chúng ta lại không nghe tiếng Người, chúng ta chỉ nhận biết Người qua việc Người mặc khải và chuẩn bị tâm hồn chúng ta đón nhận Ngôi Lời bằng đức tin. Thánh Thần Chân Lý "vén màn cho ta thấy" Đức Kitô, nhưng "không nói điều gì về mình" (Ga 16,13). Một kiểu xóa mình như vậy, đúng là phong cách của Thiên Chúa, giải thích tại sao, "thế gian không thể đón nhận Người, vì thế gian không thấy và không biết Người", còn những ai tin vào Đức Kitô thì biết Người vì Người ở lại với họ (Ga 14,17).[8]

2.4 Hiệp Thông Trong Chúa Thánh Thần

Hội Thánh nhận ra sự vai trò hiệp thông sống động của Chúa Thánh Thần trong nhiệm cục cứu độ nên đã xác tín: Hội Thánh là nơi chúng ta nhận biết Thánh Thần[9]: trong Thánh Kinh được Người linh hứng; Trong Thánh Truyền, mà các giáo phụ là những chứng nhân cho mọi thời đại. Trong Huấn Quyền được Người trợ lực; Trong Phụng Vụ Bí Tích mà qua các lời nói và biểu tượng, Thánh Thần giúp chúng ta hiệp thông với Đức Ki-tô; Trong kinh nguyện, lúc Người chuyển cầu cho chúng ta; Trong các đặc sủng và thừa tác vụ xây dựng Hội Thánh; Trong các dấu chỉ của đời sống tông đồ và thừa sai; Trong chứng từ của các thánh nơi Người biểu lộ sự thánh thiện của Người và tiếp tục công trình cứu độ.

Chúng ta tiếp tục thấy vai trò hiệp thông của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội ngang qua các bí tích, đặc biệt là bí tích Thanh Tẩy, giúp con người được tái sinh trong sự sống mới, sự sống là con cái Thiên Chúa. Thật vậy, bởi vì tội đã làm cho chúng ta phải chết hoặc ít nữa là bị tổn thương, nên hiệu quả đầu tiên của hồng ân Tình Yêu là ơn tha tội. Chính ơn hiệp thông của Thánh Thần (2 Cr 13,13) trong Hội Thánh, làm cho những người lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy lại được nên "giống Thiên Chúa", điều họ đã mất vì tội.

Sự hiệp thông của Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta trở thành con cái đích thực của Thiên Chúa, nhờ sống theo Thần Khí tác động (Rm 8), đời sống chúng ta sẽ trổ sinh "hoa quả của Thánh Thần là bác ái, hoan lạc, bình an, quảng đại, nhân từ, lương thiện, trung tín, hiền hòa, tiết độ" (Gl 5,22-23). Nói tóm lại, "Thánh Thần là sự sống của chúng ta"; chúng ta càng từ bỏ ý riêng (x. Mt 16,24-26), "Thánh Thần càng hướng dẫn đời ta" (Gl 5,25).

Thánh Baxiliô khi bàn về Chúa Thánh Thần, ngài đã đưa ra nhận định sau: “Nhờ hiệp thông với Thánh Thần, chúng ta trở nên người của Thánh Thần, được đưa trở lại Địa Đàng, được dẫn vào Nước Trời và tình nghĩa tử, được ban cho lòng tin tưởng để gọi Thiên Chúa là Cha, để thông phần vào ân sủng của Đức Kitô, để được gọi là con cái sự sáng và dự phần vào vinh quang đời đời. Đó là nguồn hạnh phúc khôn tả của chúng ta, những người con cái của Thiên Chúa. Tóm lại, mọi sự đều cần đến sự hiệp thông của Chúa Thánh Thần, Đấng đã, đang và sẽ hoạt động âm thầm, sống động trong mỗi chúng ta.

Kết Luận

Chúng ta đã qua các đề mục trên với việc giải thích, làm rõ về cách thức gặp gỡ Thiên Chúa ngang qua Chúa Con và trong sự thông hiệp của Chúa Thánh Thần. Tất cả đều là trọng yếu, thế nhưng điểm nổi bật hơn cả đó là tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Chính vì tình yêu mà Thiên Chúa đã dựng nên, đã “đi bước trước” đến với con người, mạc khải và thông bày mọi sự cho con người. Do đó, niềm hạnh phúc lớn lao nhất của con người là được tìm kiếm Thiên Chúa để sống cùng, sống trong và sống với Thiên Chúa.

"Thiên Chúa là Tình Yêu" (1Ga 4,8.16) và Tình Yêu là hồng ân tuyệt diệu chứa đựng tất cả các ơn khác. Tình yêu này "Thiên Chúa đã đổ vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta" (Rm 5,5), để nhờ đó chúng ta được hiệp nhất trong Đức Kitô, và không ai có thể tách lìa chúng ta khỏi tình yêu Đức Kitô. Thánh Phaolo đã diễn tả này: “Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta”. (Rm 8,38-39).

Là con cái Thiên Chúa, chúng ta có quyền tự hào, có quyền được hưởng hạnh phúc mà Thiên Chúa đã dành sẵn cho những kẻ Ngài yêu thương, tuyển chọn (Kh 17,14; 1Pr 2,9; Rm 11,5). Đây là danh dự, là ân sủng nhưng không của chúng ta, do đó, bổn phận của mỗi người chúng ta không gì khác hơn là nhận biết và yêu mến Thiên Chúa. Đồng thời, chúng ta cũng cần hướng mọi tư tưởng, lời nói, và việc làm về cùng đích vì đó mà chúng ta được dựng nên đó là vinh quang Thiên Chúa. Bởi vì: ngang qua Đức Giêsu Kitô mà mọi danh dự, uy quyền và vinh quang đều quy hướng về Thiên Chúa là Cha trong Đức Kitô và sự hiệp thông bởi Chúa Thánh Thần đến muôn thủa muôn đời.


Minh Đức S.J.

[1] Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1.

[2] Nt. Số 240

[3] Tham khảo sách: Spiritual Theology,của  Fr. Jordan Aumann O.P,  đề mục: Our Life in Christ and Mary,tr.48

[4] Sách GLHTCG, số 243.

[5] Nt. Số 244

[6] Tham khảo sách GLHTCG, số 686

[7] Nt số 689

[8] Nt, số 687.

[9]  Nt, số 688.

0 Comments: