NÉT VĂN HÓA TÍN NGƯỠNG CỦA NGƯỜI VIỆT NAM TRONG NGHI THỨC AN TÁNG
Dẫn nhập
Vì với hơn một ngàn năm Bắc thuộc nên nền văn hóa Việt Nam ít nhiều cũng “bị ảnh hưởng bởi những lễ nghi từ người Trung Hoa” . Nghi thức an táng cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng này. Tuy nhiên, theo dòng thời gian, những nghi lễ an táng đã được giản lược rất nhiều để phù hợp với hoàn cảnh sống và thực tế xã hội của người Việt Nam. Mặc dù, những nghi lễ đó được cử hành đơn giản hơn trước, nhưng tinh thần cốt lõi và ý nghĩa sâu sắc của văn hóa sắc tộc trong những nghi thức chính yếu vẫn được giữ lại. Bởi vì, nếp sống và tinh thần của người Á Đông thường nặng về tình cảm, nghĩa ân nên có thể xem “nghĩa tử là nghĩa tận” và đó là điều trọng yếu trong đời sống người Việt.
Bài viết này là một nỗ lực để trình bày về nét văn hóa tín ngưỡng của người Việt Nam trong nghi thức an táng với hai phần chính yếu là tin ngưỡng của người Việt Nam trong nghi thức an táng và văn hóa tín ngưỡng của người Việt Nam trong nghi thức an táng. Ngõ hầu, chúng ta có thể hiểu biết thêm về ý nghĩa của nghi thức an táng được xây dựng trên nền văn hóa tín ngưỡng Việt Nam như thế nào, nhờ đó, chúng ta tiếp nối, trân trọng và bảo tồn những truyền thống tốt đẹp này và áp dụng vào trong cuộc sống thường nhật, trong từng bối cảnh xã hội địa phương.
I. Tín Ngưỡng Của Người Việt Nam Trong Nghi Thức An Táng
Những nét đẹp của văn hóa tín ngưỡng của người Việt Nam không trừu tượng, mơ hồ, hay lý thuyết nhưng rất thực tế, cụ thể và sinh động. Chúng được bao thế hệ người Việt giữ gìn, sáng tạo và phát triển như một cách thức thể hiện khát vọng tâm linh của con người trên bình diện siêu nhiên và trong thực tại đời sống xã hội. Chẳng hạn như, văn hóa tín ngưỡng về nghi thức an táng của người Việt Nam được cử hành rất long trọng, bởi vì người Việt tin rằng: “sinh ký tử quy” (sống gửi thác về), chính lúc con người qua đời là khi được về với thế giới bên kia, được đoàn tụ với ông bà tổ tiên. Thế nên, cần cử hành tang lễ nghiêm trang, đồng thời đó cũng là cách thức để bày tỏ lòng hiếu nghĩa của người sống với người quá cố và mong ước họ được an lòng, siêu thoát nơi suối vàng. Đó là nét văn hóa tín ngưỡng đặc sắc của người Việt Nam.
Mặt khác, nghi thức an táng của người Việt Nam chính yếu tổ chức cho người sống hơn là cho người đã khuất. Vì ngang qua nghi thức an táng, người sống diễn tả lòng nghĩa hiếu đối với người quá cố. Ca dao Việt Nam cũng diễn tả điều đó qua câu: “Chết ba năm sống lại một giờ/ để coi người nghĩa phụng thờ ra sao? Thờ chàng đĩa muối đĩa rau, thờ cha cúng mẹ mâm cao cỗ đầy.” Ngay trong sách Gia Lễ Chi Nam cũng nhấn mạnh về điều này như sau: “phàm làm con thờ cha mẹ, lúc sống phải hết lòng hiếu dưỡng, thì khi thác tất phải hết dạ bị ai. Song chỉ biết bi ai mà không có lễ, thời có khi đến u mê lẫn lộn, mà sai lạc mất nghĩa.” Vì thế, cách diễn tả lòng nghĩa với người quá cố chính là việc người sống cần tổ chức tang lễ long trọng, với những nghi thức nghiêm trang. Niềm tin về lễ nghi an táng như thế đã ảnh hưởng rất sâu sắc đến nhân sinh quan của người Việt Nam.
Ví dụ điển hình đó là theo tín ngưỡng dân gian của người Việt, đối với người thân vừa mới qua đời, người sống cần thực hiện “thủ tục “Hạ tịch” là đặt thi thể xuống đất cầu mong người đã khuất khi gặp khí âm của đất may ra sống lại; lễ “Phạn hàm” bỏ gạo trắng hay ba đồng tiền vào miệng người quá cố để họ có lương thực, kinh phí trên đường về cõi âm.” Một nghi thức khác trong tang lễ của người Việt đó là cúng bái vong hồn người quá cố. Bởi vì, tín ngưỡng của người Việt chịu ảnh hưởng từ Đạo Giáo nên quan niệm theo Tam Tài là con người có: xác, hồn, vía (hay phách). Khi một người chết, xác ở lại đất, vía bay là là trên mặt đất rồi tiêu tan, và hồn sẽ từ bỏ cõi dương về với cõi âm. Thế nên, người Việt rất xem trọng ngày mất, vì tin rằng vong hồn người thân sẽ về nơi chín suối. Nên lễ cúng trong tang lễ luôn có vàng mã và nước. Khi cúng lễ vong hồn xong, người thân đốt vàng mã và đổ nước hoặc rượu lên đống tro tàn, khói bay lên trời, tro tàn rớt xuống đất. Chứng tỏ có trời đất chứng giám cho việc người quá cố nhận được đồ cúng, Thiên-Địa-Nhân cùng giao hòa.
Cách chung, mỗi nghi thức trong tang lễ đều mang một ý nghĩa riêng, và tất cả cũng diễn tả khát mong của những người còn sống với người đã khuất, mong họ được yên lòng khi tạ thế. Những khát mong tâm linh đó chính là nét tín ngưỡng đặc sắc trong tang lễ của người Việt.
II. Văn Hóa Tín Ngưỡng Của Người Việt Nam Trong Nghi Thức An Táng
Tín ngưỡng tâm linh của người Việt Nam rất phong phú vì nó chứa đựng những giá trị thiêng liêng để dưỡng nuôi đời sống tinh thần của con người. Những tín ngưỡng đó được đổ nền trên nét văn hóa dân gian và chúng được diễn tả dưới nhiều hình thức khác nhau như diễn xướng, nghệ thuật kiến trúc, văn chương, thủ tục, lễ nghi…Xét về tín ngưỡng của người Việt Nam, “vũ trụ quan chính là Đạo Thờ Trời và nhân sinh quan chính là Đạo Làm Người, cả hai đều bắt đầu từ chữ Ân/ Ơn (恩).” Thế nên, việc tổ chức tang lễ cũng chính là cách thức thể hiện nghĩa “ơn” của những người chung quanh với người quá cố.
Trả ơn là nghĩa cử được người Việt Nam rất xem trọng, vì nó là nét văn hóa cao đẹp trong truyền thống ngàn năm văn hiến. Ca dao, tục ngữ Việt Nam diễn tả về lòng biết ơn như sau: “uống nước nhớ nguồn”, hay “ăn quả nhớ kẻ trồng cây, ăn khoai nhớ kẻ cho dây mà trồng” … Nói về chữ Ơn (恩), “theo chiết tự, chữ ân 恩 thuộc bộ tâm 心 (tấm lòng) và chữ nhân 因 (nhờ vào). Chữ nhân 因 thuộc bộ vi 囗 (bao quanh) và chữ đại 大 (lớn lao, thẳm sâu, vô cùng). Vậy, ơn 恩 có hai chiều tương tác: Chiều từ ngoài vào (từ người làm ơn): Hành động giúp đỡ phát xuất từ lòng yêu thương. Chiều từ trong ra (từ người nhận ơn): Hành động tiếp nhận với ý thức khắc ghi trong lòng cách sâu thẳm.” Thế nên, việc tổ chức tang lễ là hình thức diễn tả lòng biết ơn sâu sắc trong lòng của người còn sống để đáp lại tình thương của người quá cố. Tất cả đều xuất phát từ tình yêu thương, liên đới và cảm mến lẫn nhau.
Ngoài chữ “ơn 恩”, thiết nghĩ cũng cần bàn đến chữ “hiếu 孝” trong tang ma. Vì tinh thần báo hiếu vẫn luôn là vấn đề quan trọng trong đời sống văn hóa của người Việt Nam. Ca dao Việt nam có câu: “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.” Thế nên, con cái phải phụng dưỡng chu đáo cho cha mẹ khi họ còn sống, và khi họ qua đời, ai ai cũng muốn lo cho đủ lễ nghi, toàn vẹn và trang nghiêm.
Bên cạnh đó, không chỉ con cái lo cho cha mẹ, mà ngược lại, có thể cha mẹ lo tang ma cho cả con cái, đó mới là nghĩa hiếu thực sự. Thật vậy, phân tích chữ hiếu 孝 chúng ta sẽ thấy “theo chiết tự, chữ hiếu 孝 thuộc bộ tử 子 (con cháu, thế hệ sau) và chữ lão 耂 (người già, thế hệ trước). Chữ hiếu 孝 có chữ lão 耂 trên chữ tử 子. Vậy, hiếu 孝 có hai chiều tương tác: Chiều từ trên (thế hệ trước): yêu thương, dưỡng nuôi, che chở cho con cháu, cho thế hệ sau. Chiều dưới lên (thế hệ sau): yêu kính, chăm sóc, biết ơn ông bà, cha mẹ và tiền nhân.” Vì vậy, chúng ta có thể hiểu việc cử hành tang lễ trang nghiêm là cách thức báo hiếu của con với cha mẹ và ngược lại.
Văn hóa tín ngưỡng của người Việt về tổ chức tang lễ rất phong phú, hai khía cạnh “nghĩa ơn” và “hiếu thảo” trên đây, một phần nào đó, để biểu trưng và diễn tả niềm tin, lòng mến yêu của người sống dành cho người thân đã khuất. Đi sâu vào từng khía cạnh, chúng ta sẽ khám phá ra nét độc đáo, kỳ diệu của tín ngưỡng và tính đặc sắc, đa dạng của nền văn hóa Việt Nam.
Lời kết
Tựu chung, theo quan niệm “Tây trọng ngày sinh, Ta trọng ngày tử”, truyền thống người Việt xem ra rất chú trọng vào các nghi thức an táng cho người quá cố. Vì họ tin đó chính là cách thức thể hiện lòng biết ơn và hiếu nghĩa với người đã khuất và mong ước người quá cố được yên lòng trong kiếp đời sau. Thế nên, khi cử hành nghi thức an táng với những ý nghĩa sâu sắc chất chứa trong những lễ nghi đó, chính là cách thức người Việt diễn tả niềm tin, tín ngưỡng tâm linh của mình. Những niềm tin, tín ngưỡng đó được xây dựng trên nền văn hóa và cả hai cùng phát triển, đan xen, kết dệt nên những tinh hoa đặc sắc, những di sản văn hóa phi vật thể quí giá mà không phải ở vùng Tây Âu, hay Bắc Mỹ có được, tất nhiên, chúng chỉ có ở Việt Nam. Những nét đẹp văn hóa tín ngưỡng trong nghi thức an táng chính là bản sắc của dân tộc Việt Nam, mà chúng ta, những thế hệ tiếp nối cha ông nên giữ gìn và phát huy những tinh hoa đó cho phù hợp với bối cảnh xã hội hiện tại.
BÀN THÊM VỀ NGHI THỨC AN TÁNG THEO ĐẠO CÔNG GIÁO.
Nghi thức an táng “là một cử hành phụng vụ của Hội Thánh” dành cho người quá cố, từ nhà của họ đến nơi yên nghỉ gồm các nghi thức: tẫn liệm, động quan, thánh lễ, tiễn biệt, chôn cất tại đất thánh.
Với nghi thức an táng, Hội Thánh diễn tả sự hiệp thông với người đã qua đời, giúp cộng đoàn tham dự sốt sắng vào mầu nhiệm các Thánh Thông Công, và loan báo cho họ về đời sống vĩnh cửu (x. GLHTCG 1684)
Vậy một đám tang Công giáo diễn ra như thế nào?
Các đám táng Công giáo thường bắt đầu từ đêm trước khi an táng với buổi canh thức tiễn biệt tại nhà quàn. Buổi canh thức này gồm có các bài đọc từ Kinh Thánh, các lời nguyện, lời cầu, kinh cầu, đáp ca, thánh vịnh và thường có các bài giảng. Thông thường, một phó tế hoặc linh mục cử hành nghi thức này, nhưng một giáo dân cũng có thể làm được.
Thánh Lễ an táng Kitô giáo được cử hành tại nhà thờ của người quá cố. Đó là một Thánh Lễ đặc biệt nhắc nhở chúng ta về cùng đích cuộc đời mình là ở nơi Thiên Chúa đến muôn đời. Đó cũng là một cách chính thức bày tỏ lòng tiếc thương của gia đình qua lời cầu nguyện. Linh cữu được đón rước ở cửa nhà thờ với nước phép, nhắc nhở chúng ta về bí tích Rửa Tội. Chính trong bí tích Rửa Tội, chúng ta được mời gọi hiệp thông đời đời với Thiên Chúa. Trong suốt cử hành Phụng vụ, mọi người hiện diện hy vọng người tín hữu đã qua đời được chia sẻ cùng đích đời đời này. Đó cũng là thời gian cầu nguyện cho người tín hữu đã qua đời nếu họ phải đền tội nơi luyện ngục.
Các quan tài sau đó được phủ bằng một tấm khăn, một mảnh vải dài. Điều đó lần nữa nhắc nhở chúng ta về bí tích Rửa tội, như ơn sủng của Chúa Giêsu Kitô bao trùm linh hồn. Trên đầu quan tài, có thể đặt một cây thánh giá và một quyển Kinh Thánh. Sau đó tất cả vào nhà thờ. Thánh Lễ không bắt đầu bằng dấu thánh giá, vì Thánh Lễ đã bắt đầu bằng dấu thánh giá đêm hôm trước tại buổi canh thức tiễn biệt rồi. Các bài đọc từ Kinh Thánh (trích từ: Cựu Ước, Thánh vịnh, Tân Ước và Tin Mừng) được tiếp nối bằng bài giảng. Bài giảng không phải là một bài điếu văn; đúng hơn, bài giảng nhắc lại niềm tin của chúng ta về cuộc sống mai hậu. Các lời nguyện tín hữu xoay quanh Phụng vụ Lời Chúa.
Phụng vụ Thánh Thể tiếp tục với phần dâng lễ, Kinh Tiền Tụng, Kinh Thánh! Thánh! Thánh, và lễ quy (canon of the Mass). Trong lễ quy, qua vị linh mục, tất cả mọi người cầu nguyện cho người thân yêu đã qua đời. Tiếp sau đó là Kinh Lạy Cha, Kinh Đây Chiên Thiên Chúa (Agnus Dei), và phần rước lễ. Sau lời nguyện hiệp lễ là nghi thức phó dâng và tiễn biệt. Sau đó, linh cữu được khiêng ra khỏi nhà thờ và đưa đến nơi an táng. Việc chôn cất kết thúc phụng vụ an táng với việc làm phép huyệt mộ, lời nguyện tín hữu và một bài đọc từ Kinh Thánh. Sau khi hoàn thành việc chúc lành cuối cùng, đám tang Công giáo kết thúc. Linh mục hoặc phó tế có thể mặc lễ phục trắng, tím hoặc đen. Màu trắng tượng trưng cho sự phục sinh, màu tím tượng trưng cho việc sám hối và màu đen biểu thị sự đau buồn.
Minh Đức S.J.
Tham khảo các nguồn:
1 Cf. Phạm Côn Sơn, Gia Lễ Xưa và Nay, NXB Thanh Niên (2005), p.99
Nguyễn Tử Siêu, Gia Lễ Chi Nam, NXB Nhat-Nam Thu-Quan, p.7
Toan Ánh, Phong Tục Việt Nam, p. 168
Cf. Nguyễn Hạnh, Văn Hóa Tín Ngưỡng Việt Nam, NXB Trẻ, p. 257
Ibid. p. 258
Ibid. p. 258
Trích trong sách: GIẢI ĐÁP NHỮNG THẮC MẮC VỀ ĐẠO CÔNG GIÁO (300 Câu Hỏi Thường Gặp Nhất), tác giả John Trigilio Jr. Và Cha Kenneth D. Brighenti
0 Comments:
Không cho phép có nhận xét mới.