Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 30 tháng 3, 2023

CẢM THỨC THUỘC VỀ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO

CẢM THỨC VỀ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO

1.     CẢM THỨC THUỘC VỀ GIÁO HỘI

Khi gẫm suy về cuộc đời người tín hữu công giáo, tôi cảm thấy một niềm an ủi lớn lao, cao vời mà có thể nói hiếm có tôn giáo nào có được điều đó. Quả thật, trước khi về trời, Đức Giêsu đã thao thức truyền lại cảm hứng của Người cho các môn đệ khi nói: “Ta đến để cho chiên Ta được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Lời đó mang một ý nghĩa sâu xa, vì sự sống dồi dào không chỉ là việc nhận biết và yêu mến Thiên Chúa, nhưng là được sống trong ân sủng và tình yêu quan phòng của Người.

Thật vậy, tình yêu quan phòng của Thiên Chúa dành cho con cái của Người, cách riêng là các tín hữu công giáo là sự yêu thương, bao bọc chở che…Nhìn lại cuộc lữ hành nơi trần thế của người tín hữu, chúng ta sẽ thấy được nhiệm màu yêu thương đó. Khi người tín hữu được sinh ra, nhờ Bí tích Rửa Tội, họ được chứng nhận là con Chúa cách chính thức, linh thiêng trong lòng Giáo Hội. Một cách minh nhiên, họ được lãnh nhận chức vụ: tư tế, ngôn sứ và vương đế để trở nên chứng nhân, khí cụ của Đức Kitô, cũng như Hội Thánh. Bí tích Rửa Tội tẩy xóa tội nguyên tổ và giải thoát người tín hữu khỏi quyền lực tội lỗi và sự chết, đưa họ đến đời sống mới làm con Thiên Chúa. Khi lớn lên một chút, tới tuổi khôn ngoan về trí hiểu, họ được đi vào đời sống thiêng liêng thâm sâu với Thiên Chúa ngang qua việc được Giáo hội cho lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể. Đó là nguồn sung mãn, đỉnh cao trọn hảo của đời sống Kitô hữu. Hơn nữa, Hội thánh còn bồi dưỡng, trợ lực cho con cái mình nguồn ân lực mà chính Chúa Giêsu đã để lại: “anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”(Ga 20,22)…Đó chính là Bí Tích Thêm Sức, Bí Tích mà Chúa Thánh Thần trực tiếp ban xuông nguồn sức mạnh thiêng liêng là 7 ơn thánh hóa cho người tín hữu.

Mang bản tính yếu hèn, con người thường bị thao túng bởi ba thù đó là: Thế gian, Xác thịt và Ma quỷ. Chúng không hề để cho đời sống người tín hữu được thánh thiện, triển nở trong Thiên Chúa, luôn kéo ghì đời sống con người xuống những gì thấp hèn, hư vô… Chính khi những người con của Giáo Hội bị vấp ngã, sa lầy trong vũng tội lỗi…Giáo Hội không hề phủ nhận, loại trừ…trái lại, Giáo Hội yêu thương, đỡ nâng, trợ lực bằng Bí Tích Giao Hòa. Đây là bí tích phục hồi lại giá trị thiêng liêng của người con Chúa, làm mới lại tinh thần trong ơn nghĩa Chúa, để cứu với họ khỏi vũng lầy tội lỗi.

Khi người tín hữu đến tuổi trưởng thành, họ sẽ chọn lựa một bậc sống mà với đức tin tinh tuyền, Giáo Hội cho rằng đó chính là bậc sống mà Thiên Chúa mời gọi họ sống. Thường có hai bậc sống chính yếu trong lòng Giáo Hội, đó là bậc sống hôn nhân và thánh hiến (dĩ nhiên có một bậc sống độc thân giữa đời, nghĩa là không đi tu, không lập gia đình, chỉ sống độc thân). Cả hai bậc sống trên đều được Giáo Hội xác chuẩn và đỡ nâng, cụ thể qua 2 bí tích: Hôn Phối và Truyền Chức Thánh. Hai bí tích này có một điểm chung là phục vụ người khác. Không ai chịu chức thánh cho riêng mình, cũng như không ai kết hôn cho riêng mình. Hai bí tích này nhắm tới việc xây dựng Dân Chúa, mở rộng Nước Chúa, cho Danh Chúa rạng sáng, Ý Chúa được thực hiện… như trong kinh Lạy Cha mà chúng ta thường đọc hằng ngày.

 Bí tích Hôn Phối là sự chứng nhận, dấu ấn ưng thuận của Thiên Chúa ngang qua Giáo Hội, được cử hành bởi thừa tác viên của Hội Thánh. Bí tích này giúp đôi hôn phối có thể sống trung thủy với nhau nhờ mối dây hợp nhất, bất khả phân ly mà Thiên Chúa đã se duyên, kết ước cho họ. Nhờ ơn Chúa giúp, họ sống yêu thương nhau, cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa qua việc truyền sinh con cái, và họ diễn tả tình yêu hôn nhân như một phản ảnh về tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Thật ý nghĩa và mầu nhiệm. Điều này chỉ có nơi Giáo Hội Công Giáo mà thôi. Bí tích Truyền Chức Thánh là bí tích mang dấu ấn thiêng liêng không thể xóa được. Bí tích này được thiết lập như là mối trung gian giữa Thiên Chúa và dân của Người. Trung gian đó chính là các vị tư tế (giám mục, linh mục và phó tế), để nhờ các vị tư tế đó, Thiên Chúa thông ban ân sủng cho dân của Người để biến đổi, chữa lành và cứu thoát họ.

Đã mang thân phận con người, không ai có thể tránh khỏi vòng quay nghiệt ngã của cõi nhân sinh đó là Sinh-Lão-Bệnh-Tử. Khi sinh ra, con người khỏe mạnh khi đến lúc già, họ sẽ đau yếu, bệnh tật…Giáo Hội đã đồng hành với con cái mình từ lúc sinh ra đến lúc trưởng thành, nay khi về già, đau yếu…Giáo Hội cũng không hề bỏ rơi, trái lại, Giáo Hội đỡ năng con cái mình bằng bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân. Bí tích này như là một sự trợ giúp khả giác để mọi tín hữu cảm nhận được sự đỡ nâng từ ân sủng của Thiên Chúa, ân sủng này giúp họ có thêm sức mạnh chịu đựng những đau đớn phần xác, can đảm với những sợ hãi của bệnh tật, sự chết…Nhưng nếu Chúa muốn gọi họ về quê trời, Người ban cho họ sức mạnh hồn xác để chiến đấu lần cuối cùng với sự chết, để họ can trường vượt thắng gian khó mà về với Ngài.

Nói tóm lại, với người tín hữu công giáo, từ khi sinh ra, lớn lên cho đến lúc từ giã cuộc đời này, họ đều được Giáo Hội giữ gìn, trợ lực, đỡ nâng, và nuôi dưỡng… bằng nhiều cách thức khác nhau. Chính khi ở trong lòng Giáo Hội, người tín hữu sẽ cảm nhận rõ nét tình yêu thương của Thiên Chúa cách nhưng không trên cuộc đời họ và họ được mời gọi để sống trong lòng Giáo Hội, cộng tác với Giáo Hội trong việc duy trì và phát triển Nước Chúa, Danh Chúa…Với tôi, điều cụ thể nhất để diễn tả tình yêu, cảm thức thuộc về Giáo Hội là khi sống tinh thần giữ gìn và thăng tiến Đức Tin. Đó chính là cách tôi diễn tả tình yêu của mình cho Giáo Hội là Hiền Thê của Đức Kitô (Ep 5,29; Kh 21,9).

2.     CẢM THỨC BẢO VỆ VÀ TRUYỀN BÁ ĐỨC TIN

Ngay trong bản định thức thể chế của Dòng Tên, thánh I-nhã và các bạn đường đầu tiên đã hoạch định thể chế với tinh thần cốt yếu, trọng điểm nhất của Dòng là: “…Phải nhớ mình là phần tử của một Dòng được thành lập trước hết với mục đích chính yếu là bảo vệ và truyền bá đức tin...”[1]. Là một tín hữu công giáo, và cũng là một tập sinh Dòng Tên, tôi sống trong lòng Giáo Hội, và được Giáo Hội đỡ nâng, nuôi dưỡng rất nhiều…mang tinh thần của Dòng Tên, tôi nhận ra khá rõ ràng về cảm thức chính yếu của mình trong Giáo Hội và trong Dòng đó là: “bảo vệ và truyền bá đức tin” .

Vậy, đang khi là một tập sinh, tôi sống cảm thức thuộc về Giáo Hội và cảm thức “bảo vệ và truyền bá đức tin” bằng cách nào? Có thể nói có rất nhiều cách thức, nhưng thiết nghĩ điều quan trọng và chính yếu hơn cả đó là: cầu nguyện cho sự hiệp nhất trong Giáo Hội (Ga17,21), kế đến đó việc tôi phải thủ đắc một nền giáo lý đức tin Kitô giáo một cách vững vàng, chắc chăn và sâu rộng

Tuy chưa làm được việc những việc lớn lao hiển hách như: Tin Mừng hóa, củng cố, bảo vệ và phát triển Giáo Hội, thế nhưng, việc tôi có thể làm hằng ngày đó là luôn mang cảm thức: mình thuộc về Giáo Hội, mình yêu mến Hiền Thê của Đức Kitô qua việc cầu nguyện cho Giáo Hội và thủ đắc lịch sử cũng như nền giáo lý vững chắc, sâu rộng về Giáo Hội Công Giáo. Đó chính là những cách thức giúp tôi được triển nở hơn trong ơn Chúa và lòng mộ mến Giáo Hội.

Minh Đức S.J.

[1] Định Thức Thể Chế Dòng Tên, số 1. 

0 Comments: