BÀN VỀ NHỮNG SUY TƯ VỀ CHIẾN TRANH CỦA CÁC TRIẾT GIA
1. Chiến tranh là gì? Nguyên nhân và bản chất của nó?
Ở một mức độ nào đó, chúng ta có thể hiểu chiến tranh như là một mức độ xung đột vũ trang giữa các quốc gia, chính phủ, xã hội hoặc các nhóm bán quân sự như lính đánh thuê, quân nổi dậy và dân quân... Nó thường được đặc trưng bởi bạo lực cực đoan, xâm lược, phá hủy và tử vong. Chiến tranh sử dụng lực lượng quân sự thường xuyên hoặc không thường xuyên để đạt được các mục tiêu về kinh tế, chính trị, xã hội và tôn giáo...
Chiến tranh là một hành vi bạo lực dùng để buộc đối phương phải phục tùng ý chí của mình. Chiến tranh là sự huy động không hạn độ, sức mạnh đến tột cùng của các bên tham chiến. Chiến tranh có nhiều loại khác nhau như: chiến tranh lạnh, sinh học, thông tin, mạng, hạt nhân...nhưng cơ bản, chiến tranh có 2 loại toàn diện và chiến tranh cục bộ.
Nguyên nhân của chiến tranh thường do mâu thuẫn giữa các giai cấp, dân tộc, tôn giáo do mâu thuẫn về ý thức giữa các tư tưởng khác nhau. Những nguyên nhân ấy cũng có thể phát xuất từ tham vọng riêng của cá nhân hoặc tập thể nào đó. Khi những tham vọng này đối chọi với nhau đến mức căng thẳng cao độ mà không thể giải quyết bằng đàm phán, thương lượng, tất yếu sẽ nảy sinh ra chiến tranh.
Bên cạnh đó, ngoài việc mâu thuẫn về tư tưởng, ý thức hệ... việc mất cân bằng giữa các nhu cầu căn bản của con người cũng là nguyên nhân dẫn đến chiến tranh. Xét về Học Thuyết Nhân Khẩu, học giả người Anh Thomas Robert Malthus (1766–1834) cho rằng sự mất cân bằng giữa việc tăng dân số và tăng thức ăn là nguồn gốc của xung đột. Nghĩa là trong khi dân số tăng theo cấp số nhân thì nguồn tài nguyên, của cải lại tăng theo cấp số cộng tạo ra sự mất cân đối dẫn đến chiến tranh. Ví dụ: cạn kiệt dầu mỏ là một trong những nguyên nhân mà một số quốc gia xâm chiếm các lãnh thổ có lượng dầu mỏ phong phú...
Với những người theo Học Thuyết Tâm Lý quan niệm, bản chất của chiến tranh phát xuất từ tâm lý của con người, đó là “bản năng xâm lược” hệ tại sẵn trong mỗi người được thể hiện qua các “hành vi” khác nhau. Đại diện của thuyết này như E.F.M. Durban và John Bowlby.
Với quan điểm Kitô Giáo, khi nhận định về bản chất của chiến tranh, thánh Toma Aquinô đã khẳng định: “Bạo lực là điều đáng ghê tởm, chỉ nên sử dụng như biện pháp cuối cùng để đấu tranh với Cái Xấu, và phải được giới hạn ở mức cần thiết.”
2. Quan Điểm Của Các Triết Gia Về Chiến Tranh
Nổi bật trong giới triết gia, Socrates là một tấm gương điển hình cho việc chấp nhận hình phạt bất công để bảo vệ những giá trị và nguyên tắc đạo đức cao đẹp. Ông đã ung dung đón nhận án tử, và sử dụng thái độ của mình như một phương cách tôn vinh công lý: tôn trọng tính uy nghiêm của pháp luật, vận dụng lý lẽ để phản kháng Cái Ác thay vì bài xích và hạ thấp giá trị công lý thiêng liêng của một phán quyết.
Với triết gia cổ đại Plato, ông cho rằng chiến tranh là cái ác, nó chính là sự dữ bao bọc lấy con người, khiến con người bất an và không hạnh phúc. Ông quan niệm: “sợ chết không bằng sợ sự ác, sự dữ… vây bởi tội ác mạnh hơn tử thần” và thực sự “chỉ người chết mới thấy chiến tranh chấm dứt,” và còn sống là con người còn xung đột với nhau.
Triết gia Aristotle, ông quan niệm con người trở nên cao quý nếu trổi vượt về nhân đức, họ sẽ trở nên xấu đi nếu như sống không có pháp luật và công lý. Do đó, chiến tranh một cách bất công và vô kỷ luật chính là làm cho con người trở nên hèn hạ thay vì cao cả. Ông khẳng định mạnh mẽ: “cũng như con người là con vật cao quý nhất nếu nó hoàn hảo về đức hạnh, thì nó cũng là con vật hèn hạ nhất nếu nó tách lìa khỏi luật và công lý.”
Với triết gia Hegel, cũng giống như Aristotle, ông nhận định rằng con người là một tạo vật có tính xã hội, chỉ có thể tìm thấy sự thực hữu của chính mình trong khuôn khổ quốc gia. Mà quốc gia có vai trò rất quan trọng đối với vấn đề ý thức luân lý và đạo đức. Quốc gia là một thực thể bao quát, là môi trường tổng hợp nên toàn bộ tính cách, nếp sống và xu hướng nhận thức của con người.
Ngược với những quan điểm của các triết gia trên, Hegel nhận định rằng Chiến Tranh Có Một Khía Cạnh Đạo Đức Riêng, nó góp phần tôn vinh giá trị cao quý của hoạt động sống của con người. Nó khơi dậy những phẩm giá cao đẹp nhất của con người tạo cơ hội cho con người hành xử như những vị anh hùng, thậm chí khi nó đòi hỏi họ hy sinh mạng sống cho quốc gia. Ông nhấn mạnh: Chiến tranh trắc nghiệm sức mạnh và khả năng vận hành của một quốc gia, tạo cơ hội gìn giữ đạo lý và tinh thần tự quyết của một dân tộc.
Thậm chí, Hegel phê phán Immanuel Kant đã sai lầm khi cổ xúy cho một nền hòa bình vĩnh cửu, điều kiện thực sự mang đến sự trì trệ, tình trạng mục ruỗng, thối nát và băng hoại. Ngược lại, chiến tranh vận hành như một chất xúc tác chống lại những điều xấu xa ấy. Hegel quả quyết: “không có xung đột, không thể có tiến bộ,” điều đó có nghĩa là nếu không có chiến tranh, xung đột thì không thể có hòa bình, bời vì hòa bình là hệ quả tất yếu từ chiến tranh.
Ở một góc độ khác, triết gia Thomas Hobbes (1588-1679) nhận xét về con người cách cơ bản, là một tạo vật sa đọa và không đáng tin cậy, rằng họ luôn phải tự bảo vệ bản thân giữa các đồng loại chẳng khác gì những con thú trong rừng vậy! Mỗi cá nhân luôn cảm thấy cần thiết phải đóng kín cửa để đề phòng kẻ trộm đột nhập, thập chí phải lèn ví tiền dưới gối để phòng kẻ trộm trong chính gia đình mình. Con người không chỉ sa đọa mà còn thích gây gỗ và hiếu chiến đến độ, ngoài trừ những khoảnh khắc nghỉ ngơi giữa các cuộc khẩu chiến, họ liên tục xung đột, cạnh khóe và chống phá lẫn nhau.
Vậy, nguyên nhân tại sao xảy ra tình trạng trên, theo Thomas Hobbes nhận định: con người hiếu chiến vì: Cạnh Tranh (để dành quyền sống cho mình); Thiếu Tin Cậy Vào Người Khác (nhu cầu tự vệ) và Thèm Khát Vinh Quang (nhu cầu được kính trọng). Cạnh Tranh dẫn đến bạo lực, Thiếu Lòng Tin làm nảy sinh khuynh hướng tự vệ, và hãnh tiến đòi hỏi con người xây dựng các hình thức ngoại giao tinh tế.
Ngược lại với những người cổ xúy chiến tranh, Albert Einstein khẳng định rằng ông là một người mến chuộng hòa bình, và sẵn sàng đấu tranh vì hòa bình. Ông tuyên bố: tôi không những chỉ là một người chuộc hòa bình mà còn là một người chuộc hòa bình máu chiến. Tôi sẵn sàng chiến đấu vì hòa bình. Không gì có thể kết thúc chiến tranh nếu bản thân con người không từ chối tham gia chiến tranh.
Vốn dĩ muốn kiến tạo hạnh phúc bằng tinh thần hòa bình, tác giả cuốn sách Những Người Cùng Khốn đã khẳng định: “Hòa bình là đức hạnh của nhân loại. Chiến tranh là tội ác.” Thật vậy, Victor Hugo đã đồng nhất cuộc sống chí thiện tận mỹ (the summun bonum) với hạnh phúc; hạnh phúc vươn đến chỗ siêu việt khi con người nhật thức ra được bản chất tối thượng của chính mình, ở ngay trong tâm hồn, ở khía cạnh tinh thần của cuộc sống.
Chỉ trong bối cảnh chiến trang, người ta mới hiểu được những đau thương từ mất mát, chia ly… Đặc biệt là những người lính và những người thân yêu của họ. Douglas MacArthur đã minh định rằng: người lính là người cầu nguyện cho hòa bình nhiều hơn bất cứ ai, bởi chính người lính là người phải chịu đựng và mang những vết thương và sẹo chiến tranh nặng nề nhất. Hậu quả của chiến tranh là gì? phải chăng đó là những vết thương đã và đang dần lành lặn những sẽ sưng tấy, nhức đau mỗi khi trái gió trở trời…
3. Hậu quả của chiến tranh
Nếu nhìn cách tích cực, có người cho rằng hậu quả của chiến tranh không chỉ có sự hoang tàn mà còn có cả sự tiến bộ. Chiến tranh là thành phần không thể thiếu trong quá trình tiến hóa của tất cả các sinh vật, đoàn thể, tổ chức hầu đạt được mục tiêu sống còn và phát triển. Thánh Augustine cho rằng: chiến tranh không phải lúc nào cũng sai, mục đích duy nhất của chiến tranh là mang lại hòa bình công bằng.
Vậy, phải chăng chiến tranh là yếu tố thiết yếu để kiến tạo nên hòa bình, có lẽ thực tế không hẳn vậy. Xét ở một mức độ nào đó, người ta có thể quan niệm: “nếu không có chiến tranh làm sao biết quý chuộng hòa bình”, nhưng thực tế cho thấy, chiến tranh là một tội ác khi nó đẩy nhân loại vào đau khổ của sự biệt ly, chết chóc… Điều gì còn lại sau chiến tranh? một đống tàn tích của những cơ sở vật chất bị phát hoại, một phần lớn những người tàn tật, thương phế… phải chăng nên ca ngợi những hệ quả hay những chiến tích vẻ vang ? Xét trên một mức độ nào đó, chúng ta có thể khẳng định chiến tranh là cái xấu, điều mà Kant khẳng định nó như một thứ ký sinh và nếu một thế giới, xã hội, tổ chức được xây dựng trên cái xấu, sự ác thì nền tảng phi đạo đức ấy chẳng bao giờ đưa cơ chế, tổ chức đó đến thành công lâu bền.
Tựu trung, một số người quan niệm rằng sẽ có những lợi ích tất yếu sau chiến tranh, nhưng có lẽ lợi bất cập hại, vì chiến tranh sẽ khiến nhiều người phải đổ máu, để lại những thương tổn, mất mát cho người còn sống, chưa kể là sự trì trệ, kém phát triển của quốc gia, đất nước, hay địa phương nào đó có chiến tranh. Hơn nữa, chưa hẳn chiến tranh sẽ giải quyết được các mối hận thù giữa các quốc gia, dân tộc. Với kinh nghiệm từng sống trong bối cảnh thế chiến thứ II, Đức Gioan Phaolô II quả quyết, chiến tranh không giải quyết được sự hận thù giữa các dân tộc. Ngài còn nhấn mạnh đến vai trò của tôn giáo và niềm tin trong việc xây dựng một xã hội hoà bình. Không chỉ các giáo phái Kitô giáo mà tín hữu của tất cả các tôn giáo khác cũng là “những nhân chứng về một vì Thiên Chúa của công lý và hoà bình”.
Minh Đức S.J.
Tham khảo:
1. Tư tưởng của các triết gia vĩ đại, William S. Shahakan & Mabel L. Sahakan.
2. Lịch sử triết học và các luận đề, Samuel Enoch Stumpf.
3. Kant’s Moral Philosophy
4. The History of Westerm Philosophy, Bertrand Russell.
5. John Paul II, Address to the Diplomatic Corps Accredited to the Holy See (12 January 2004), L’ Osservatore Romano (English), 21 January 2004, 1.
6. Socrate Tự Biện, Phạm Trọng Luật dịch.
0 Comments:
Không cho phép có nhận xét mới.