Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 21 tháng 8, 2024

ÍT KINH NGHIỆM VỀ CHÚA CHA

 ÍT KINH NGHIỆM VỀ CHÚA CHA 

------- “Không ai đến được với tôi, nếu Chúa Cha, Đấng sai tôi, không lôi kéo người ấy” (Ga 6, 44) ----




Trong đời sống thường nhật của người Kitô Hữu, có lẽ ta thường xuyên nhắc đến và gặp gỡ được Chúa Giêsu Kitô trong kinh nguyện và đặc biệt trong thánh lễ ngang qua bí tích Thánh Thể. Cũng thế, trước khi khởi sự một công việc, một buổi học giáo lý, hay một buổi họp hành nào đó trong các sinh hoạt nhà đạo… ta thường có thói quen hát hay đọc kinh Chúa Thánh Thần để xin Ngài thánh hóa cũng như soi sáng việc chúng ta làm để từ khởi sự cho đến hoàn tất đều nhờ bởi ơn Chúa. Vậy, phải chăng chúng ta ít nhớ đến và cầu xin cũng như kinh nghiệm sống với Chúa Cha trong đời sống hằng ngày?

Không hẳn vậy, ta có thể gặp gỡ Chúa Cha ngang qua Kinh Thánh và Kinh nguyện. Cụ thể, trong Kinh Thánh Cựu Ước, có đôi lần ta nhìn thấy hình ảnh Chúa Cha như Thánh vịnh 89, Giêrêmia 3,19 hay Tôbia 13,4. Thế nhưng, Chúa Cha càng được họa ảnh rõ nét hơn trong Kinh Thánh Tân Ước, ngang qua những mạc khải của Chúa Giêsu. Thật vậy, không phải đến ngày nay ta mới khao khát gặp gỡ và hiểu biết về Chúa Cha, nhưng ngay thời Hội Thánh sơ khai, các tông đồ đã cầu xin Chúa Giêsu “Xin thầy tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha”. Và chính Chúa Giêsu đã nói: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9) và “Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy” (Ga 12, 45;14,7). Do đó, ta có thể khẳng định và xác tín rằng: chính khi gặp gỡ được Chúa Giêsu cũng là lúc ta gặp được Chúa Cha.

Thế nhưng ta phải hình dung, tưởng tượng ra khuôn mặt Chúa Cha như thế nào? Có giống với Chúa Giêsu không? Đọc Kinh Thánh Tân Ước, có thể ta dần nhận ra dung mạo của Chúa Cha các rõ nét hơn. Ta có thể thấy Chúa Cha là Đấng “yêu thương thế gian vô cùng” (1 Tm 2,4), và Ngài muốn tỏ lộ tất cả ý muốn cho chúng ta qua Chúa Giêsu (Dt 1,1-2). Đặc biệt hơn, trong Tin Mừng Luca, ta thấy được dung mạo Chúa Cha giàu lòng thương xót qua dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu (Lc 15). Thế nhưng, cũng có lúc Chúa Cha là Đấng lặng thinh, cụ thể khi Chúa Giêsu bị treo trên thánh giá (Mc 15,34), hay cả những lúc chúng ta gặp thử thách, khổ đau trong cuộc sống.

Nhìn vào gương các thánh, ta có thể thấy hình ảnh Chúa Cha luôn sống động trong đời sống của họ. Chẳng hạn, những ai bước theo và sống trong linh đạo thánh I-nhã, có thể biết đến thị kiến La Storta của ngài. Như trong sách tự thuật thánh I-nhã có chép: “I-nhã thấy rõ Thiên Chúa Cha đặt mình với Đức Kitô vác thập giá là Con của Người, và Chúa Cha nói: Ta muốn con phục vụ Chúng Ta” (Tự Thuật 96). Hay như thánh Xirilô thành Giêrusalem tâm sự rằng: “Sự sống thật và theo bản chất cốt tại điều này: Thiên Chúa Cha, nhờ Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần đổ tràn các hồng ân Thiên Quốc trên tất cả mọi người, không trừ một ai. Nhờ lòng thương xót của Người, tất cả chúng ta là những con người, chuongs ta cũng đã lãnh nhận lời hứa vĩnh viễn là được sống đời đời” (Youcat 51). Hoặc mẹ thánh Têrêsa Calcutta cũng thốt lên rằng: “Tôi không có tưởng tượng. Tôi không thể hình dung ra Thiên Chúa Cha. Tất cả điều tôi có thể thấy là Chúa Giêsu.” (Youcat 22).

Vậy đến lượt chúng ta, khi một ai đó hỏi ta về kinh nghiệm với Chúa Cha, ta sẽ trả lời hay chia sẻ với họ như thế nào? Về kinh nghiệm cá nhân, tôi có thể chia sẻ với họ về kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Cha của tôi ngang qua Kinh Lạy Cha, lời kinh mà chính Chúa Giêsu dạy chúng ta. Có một lần đọc gương các thánh, tôi bắt gặp một ý tưởng của thánh Augustinô đó là “khi chúng ta đọc kinh Lạy Cha với tất cả tâm tình sốt sắng, chúng ta đã gặp được Chúa Cha, Chúa Con và cả Chúa Thánh Thần, và chúng ta được tha thứ hết mọi tội nhẹ.” Lời chia sẻ này đã làm tôi được an ủi rất nhiều, thế nên, mỗi lần tham dự thánh lễ, tôi thường đọc kinh Lạy Cha với tất cả tâm tình sốt mến và cảm nhận thấy mình được Chúa Cha yêu thương và tha thứ. Sự cảm động đó, có đôi lần khiên tôi phải rơi lệ.

Tóm lại, ta có thể gặp gỡ và có kinh nghiệm về Chúa Cha, ngang qua việc gặp gỡ Chúa Giêsu trong các bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể trong sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Thật vậy, như một đứa trẻ bập bẹ tập nói, có lễ tiếng gọi thân thương và trìu mến nhất của nó là “Abba! Cha ơi!”. Cũng vậy, nếu chúng ta thân thưa cách tha thiết và da diết với Chúa Cha là “Cha ơi! Xin giúp con!” thì tôi tin chắc rằng chẳng có người Cha nào từ chối con cái mình khi chúng tha thiết cầu xin.

11.8.2024

Minh Đức SJ

Một chút suy niệm về kinh nghiệm với Chúa Cha.

"Vì cuộc khổ nan đau thương của Chúa Giêsu Kitô, xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới!"

0 Comments: