Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 29 tháng 3, 2023

Ý nghĩa tồn tại của Dasein trong “thời tính” và nỗi khắc khoải của Dasein về hiện-hữu-cận-lân và hiện-hữu-cho-đến-chết của Heidegger

 Ý nghĩa tồn tại của Dasein trong “thời tính” và nỗi khắc khoải của Dasein về hiện-hữu-cận-lân và hiện-hữu-cho-đến-chết



Tóm tắt: Mục đích của bài viết là trình bày chủ yếu dựa vào cuốn Being and time của triết gia Martin Heidegger để bàn về nỗi khắc khoải, ưu tư của Dasein trong thời tính, đồng thời làm rõ khái niệm thời tính với thời gian tính với Dasein nói riêng và hữu thể nói chung. Phần thứ hai, là phần Dasein với Hiện-hữu-cận-lân và Hiện-hữu-cho-đến-chết. Phần thứ ba trình bày một vài ghi nhận từ người viết về những diễn giải trên theo quan niệm của Heidegger.

Từ khóa: Heidegger, hữu thể, tồn tại, Dasein, thời tính, hiện-hữu-cận-lân, hiện-hữu-cho-đến-chết.

Dẫn nhập

Trong số các trước tác kinh điển của Heidegger, nổi bật hơn cả là tác phẩm “Being and time” (1927). Tác phẩm này được Heidegger đặc biệt lưu tâm đến vấn đề hữu thể (being ), ông cho rằng cần thiết để nghiên cứu cụ thể, rõ ràng mục đích của câu hỏi về hữu thể, đồng thời cũng cần làm rõ mục đích câu hỏi này để làm gì? Ai đặt vấn đề và đặt ra với mục đích gì? Từ tự vấn đó, trong Being and time, Heidegger đã triển khai một số đề mục then chốt như: Hữu thể ở đây và phương pháp phân tích hiện sinh; Con người với tư cách Hữu thể-trong-thế giới (In - der - Welt - sein); Hiện hữu cho tới chết; Hiện hữu bản chân và phi bản chân; Nhìn thẳng vào thực tại để đối mặt với nỗi sợ hãi và thời gian; …”

Có thể nhận định rằng ngang qua tác phẩm Being and Time, Heidegger đã phê phán siêu hình học trước đó kể từ thời Aristotle đến Hegel và Nietzsche, khi họ đã phân tích hữu thể đi theo hướng sai lệch vì đã biến siêu hình học thành vật lý học. Do đó, Heidegger muốn giải cấu (destruction) và đưa vấn đề siêu hình học về đúng trọng tâm của nó với ý nghĩa đích thực nhất, nghĩa là đừng lãng quên câu hỏi về hữu thể nhưng hãy lưu nhớ đặc biệt về hữu (l’être) và hữu thể (l’étant). Thực tế, chúng ta thấy từ thời hậu Heidegger, phần đa các triết gia đề cập đến “hữu thể luận” hơn là “siêu hình học”. 

Tác phẩm Being and time chủ yếu là một nghiên cứu sâu rộng để: Bình giải về câu hỏi về ý nghĩa của hữu thể (Exposition of the question of the meaning of being): Trong đó bao gồm hai đề mục lớn là: Tính tất yếu, cấu trúc và ưu tiên của câu hỏi về hữu thể (The necessity, structure, and priority of the question of being); và Nhiệm vụ kép trong việc triển khai câu hỏi về hữu thể (The twofold task in working out the question of being). Đề mục thứ hai này bàn về những vấn đề như: Phân tích nền tảng của Dasein (gồm Hữu thể trong thế giới nói chung là trạng thái cơ bản của Dasein; Hữu thể trong thế giới với tư cách là hữu thể với và hữu thể là chính mình: Một cách tiếp cận câu hỏi hiện sinh về “ai” của Dasein; Dasein với hữu thể khác và Dasein với thường hằng (The Dasein-with of Others, and everyday Being-with); Mối bận tâm về sự hiện hữu của Dasein), và Dasein và thời tính (gồm Khả thể tính của Dasein về hiện hữu tổng thể và Hiện hữu cho đến chết (Dasein’s Possibility of Being-a-Whole and Being-Towards-Death))...

Trong bài viết này, chúng tôi nỗ lực tìm hiểu về Nỗi khắc khoải của Dasein trong thời tính, và Dasein với Hiện-hữu-cận-lân và Hiện-hữu-cho-đến-chết. Cuối cùng là một vài ghi nhận tóm kết của của người viết bài.

1. Ý nghĩa tồn tại của Dasein trong “Thời tính” (“Zeitlichkeit”)

Trong bài hát Tôi đang lắng nghe, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã chia sẻ: "Im lặng dòng sông tôi đang lắng nghe/ Im lặng ngọn đồi tôi đang lắng nghe/ Im lặng thở dài tôi đang lắng nghe/ Tôi đang lắng nghe im lặng thở dài/ Sau cơn bão qua im lặng mặt người/ Nghe bao nỗi đau trên một bàn tay". Trong bầu khí im lặng nơi cõi lòng mình, tạm buông rơi những lao xao, buông xả những mong cầu, chống đối, ta sẽ nghe được nhiều thanh âm diệu kỳ đang diễn ra xung quanh ta, dù đó là một tiếng thở dài não ruột của một người thân nơi xa xăm, hay cả tiếng kêu vô thanh của non đồi, sông núi, cỏ cây… Cuộc sống vốn dĩ vội vã, khiến người ta hối hả, nên dễ khiến người ta quên dần thói quen lắng nghe sâu sắc bằng con tim. Bởi lẽ: từ im lặng trái tim, ta nghe lòng khắc khoải, bao năm qua đi đâu, không hay đời réo gọi. 

Có lẽ khi mang thân phận con người được hiện hữu và hiện diện trên cõi đời này, ta không tránh khỏi những lúc khắc khoải, âu lo về một điều gì đó. Heidegger đã ý thức sâu xa về điều đó, nên ông tìm hiểu sâu kỹ về ý nghĩa hiện hữu của Dasein (Da: có đó, Sein: hiện hữu) cùng với nỗi khắc khoải của nó. Heidegger cho rằng chính trong khắc khoải, lo âu thì ánh sáng sẽ khai minh, chiếu soi tâm trí ta về sự hư vô của mình. Từ hư vô được hiện hữu trong thế giới, rồi từ thế giới đó sẽ trở về với sự hư vô, đây là yếu tính của sự hiện hữu của Dasein. Nỗi ưu tư, khắc khoải, lo âu như một quyền lực buộc Dasein phải lắng nghe, tìm kiếm sự thật với tự do nội tại. Bởi lẽ, sự trống rỗng nơi hữu thể chất chứa khả thể cần được lấp đầy trọn vẹn. Nói chung, con người ‘ưu tư’ về chính mình, không theo nghĩa luân lý, mà là nghĩa hữu thể. Vậy, chính trong thời gian thinh lặng, khi đối diện với sự trống rỗng, hư không, buộc ta phải ưu tư về thân phận con người, Heidegger coi đó là cốt lõi của hiện hữu nhân sinh.

Trước hết, tại sao thời gian làm cho ta trở nên ưu tư? Trong tác phẩm Being and time, Heidegger đã khẳng định hữu thể là thời gian, hữu thể phải đi liền với thời gian tính, nghĩa là Dasein trải qua quá khứ, hiện tại và tương lai.  Hơn nữa, Heidegger đã nghiên cứu kỹ lượng về hiện tượng ‘ưu tư’ (boredom) trong tác phẩm Những Khái Niệm Nền Tảng về Siêu Hình Học (The Fundamental Concepts of Metaphysics), và ông đã tìm thấy rõ yếu tính của ‘ưu tư’ và xem nó như là một phương thức hiện hữu của con người. Thật vậy, ông cho rằng có hai nguyên nhân cơ bản của ưu tư nơi ta, một là đến từ thời gian và hai là đến từ sự trống rỗng.  Có khi, Dasein mặc lấy sự ưu tư như bị thời gian quên lãng trong tình trạng lơ lửng (being help in limbo) giữa hai thời khắc quá khứ với hiện tại, và hiện tại với tương lai. Có thể nói Dasein bị nhuộm màu thời tính (Zeitlichkeit) và lệ thuộc vào nối tiếp quá khứ, hiện tại và tương lai. Cả ba thời khắc đó đan xen lẫn nhau, dường như chúng lôi kéo, đàn áp, dồn nén Dasein khiến nó cảm thấy tê liệt.  Dasein mặc lấy sự trống rỗng (being left empty), bởi vì nó cảm thấy các sự vật bỏ rơi và không màng đến sự hiện hữu của chính nó. Vì thế, Dasein cảm thấy sự trống rỗng trong thời gian lơ lửng đó. 

Khi bàn về khái niệm “thời gian”, ta thấy khái niệm này vốn không xa lạ với các triết gia từ thời Anaximander (triết gia tiền Socrates) cho đến Henri Bergson (1859-1961), nhưng có thể nói Heidegger đã xem thường cách hiểu của các triết gia này khi họ quan niệm cách ngớ ngẩn, ngây thơ về “thời gian” (như sự biến dịch, sự trở thành) là cái đối lập với “hữu thể” (being), nghĩa là cái bất biến, vĩnh cửu đối lập với cái phi-thời-gian và cái siêu-thời-gian.  Heidegger cho rằng không thể hiểu về “hữu thể và thời gian” (being and time) như là một cái bình chứa đựng một vật gì đó, nghĩa là hữu thể nằm trong thời gian, và xem đó là điều hiển minh không cần tra vấn. Cách hiểu “thời gian” như thế đã ‘cắt giảm’ và giản lược thành hữu thể “ở trong” thời gian, nhưng thực tế, không chỉ “ở trong” thời gian mà “hữu thể cần được hiều từ thời gian”, theo thời tính của bản thân hữu thể.  Điều này minh giải cho cái “vô-thời-gian” và “siêu-thời-gian” cũng có thể được suy tưởng từ bối cảnh hay hậu cảnh là thời gian, một thể cách của thời gian mà thôi. Luận điểm then chốt này được Heidegger triển khai ngày trong phần I, chương 3 và 4 của tác phẩm “Being and time” (ông phân biệt rõ “tồn tại trong thế giới” (Sein innerhalb der Welt/ Being within the world) của những cái tồn tại “có-đó” và “Tồn-tại-trong-thế-giới” (“In-der-Welt-sein”/ “Being-in-the-world”) như là nét phổ sinh chủ yếu của Dasein).  Cụ thể, chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn mối liên hệ của Dasein trong thời tính ở các phần dưới đây.

Trước hết, ta cần phân biệt thuật ngữ “Thời gian tính” (Temporalitӓt) liên quan đến mọi thể cách tồn tại khả hữu của bản thân hữu thể và thuật ngữ “Thời tính” (Zeitlichkeit) chỉ dành riêng cho thể cách của Dasein, vốn được đặt cơ sở trên “Thời gian tính”.  Xét về mặt hữu thể học, thứ nhất Dasein là thời tính, nghĩa là luôn có sự hiểu biết về hữu thể; thứ hai Dasein hiện hữu một cách thời tính, hiểu theo nghĩa là nói về hữu thể thì cũng cần nói về thời gian. Sự hiện hữu được thể hiện trọn vẹn khi nó lệ thuộc vào thời gian tính (temperative), nghĩa là hữu thể được đặt nền tảng trong thời gian tính (Being is grounded in temporality).  Ví dụ, khi nói về Martin Heidegger (1889-1976) thì cũng kèm theo năm sinh và năm mất của ông, để hiểu rằng Heidegger đã hiện hữu trong khoảng thời gian đó. Với Heidegger, Dasein hiện hữu và được tỏ lộ trong thời tính với những tại thể khác trong thế giới và đảm nhận cuộc sống của mình. Ngoài thời gian thì mọi ý niệm về hữu thể đều vô nghĩa. Chính vì thế, hữu thể luôn đi kèm với thời gian (being and time).  Do đó, Heidegger gọi thời gian là “chân trời của mọi sự hiểu biết về hữu thể”.  Đây là vấn đề cốt lõi của hữu thể học mà Heidegger muốn xây dựng.

Ta thấy rõ quan niệm về thời gian của Heidegger khác hẳn quan niệm của Kierkegaard: Kierkegaard tin rằng có một bước nhảy vọt về phẩm chất (qualitatif) và thời gian sẽ thay thế bởi vĩnh cửu (éternité); trái lại, Heidegger cho rằng thời gian tính chỉ gồm có cuộc hiện sinh ta đang có và nhờ đó ta khám phá cho mình ý thức về sự hiện hữu của mình.  Thời gian không có cùng tận, nhưng chính vô cùng tận tính ấy lại là một chuỗi liên tiếp những biến cố được kéo dài từ quá khứ đến hiện tại, và tương lai của Dasein. Bản tính hiện sinh nơi Dasein luôn hàm chứa sự thiếu thốn cái gì đó, đó là tính hữu hạn. Trong cuộc hiện sinh, Dasein đảm nhận lấy nơi chính mình một định mệnh, đó là sống trong thời gian và khắc khoải lo âu để tìm ra ý nghĩa của hiện hữu. Chính trong lo âu (angst), con người tìm gặp bản chất sâu xa của chính mình, không phải một cảm giác xa đọa cho bằng cảm thấy thực thụ tính của chính mình trong thời gian.

Để mở rộng thêm vấn đề, thiết nghĩ ta cũng cần đề cập thêm một chút về Dasein và thời tính trong phần V, Thời tính và Sử tính (Being and time, V. Temporality and Historicality), Heidegger quan niệm rằng Dasein có quyết hướng tính (Entschlossenheit, determination: khả năng quyết định điều gì đó) khi đối diện với chính mình, quyết hướng tính đó hướng cận về tương lai dù rằng tương lai sau cuối sẽ trở thành quá khứ, khi Dasein như nó đã là. Chỉ có những gì xuất hiện nơi hiện thể mới đưa khả tính cho thể quyết tính trong nhất thể tính của Dasein, khi đó, thời tính (Zeitlichkeit) là ý nghĩa của ưu tính và hiện hữu, bởi lẽ thời tính là xuất hóa tính và là ngoại quá nguyên sơ (Ursprüngliche Asser-sich). Vậy, quá khứ, hiện tại và tương lại, tất cả đều là “xuất hóa thể” (Ekstasen, ecstasies,extases) của thời tính, trong đó với Dasein, tương lai là yếu tố dẫn đầu.  Ta có thể thấy, mọi sự vật được lý giải trong thời gian tính bởi lẽ chúng khả dĩ. Dasein cũng không ngoại lệ, nhưng Dasein hiện hữu, tự nơi mình, nó có khả năng khoáng trương (Dasein need an extensive ability). Heidegger gọi là là “diễn tính” (Geschehen, happen, arriver) của Dasein, khi vận tính dành riêng cho sự khoáng trương của thể tính, và vén mở cơ cấu của diễn tính thiết lập nên lý giải về sử tính (Geschichtlichkeit). Lúc đầu, Dasein được Heidegger xem như là lịch sử, nhưng sau đó, với thể hướng nội, và cả thế giới, ông xem Dasein khi hiện hữu như là thời hóa (Zeitigen). Nghĩa là thời hóa khi Dasein hiện hữu trong thế giới (hữu-tại-thế).  Từ suy luận đó, Heidegger khai triển một lý thuyết về thời thể.

Tựu trung, khi nói về vấn đề thời gian, Heidegger cho rằng: "Thời gian là sự cảm thụ thuần tuý về mình. Chính thời gian tạo thành cái đích để tung mình về phía trước và do vậy, thời gian làm nên kết cấu căn bản của chủ thể tính".  Nghĩa là theo Heidegger, thời gian không là gì khác hơn ngoài thời tính (temporalitaet) và Dasein là cái kiến tạo nên thời gian. Chỉ khi con người hiện hữu thì thời gian mới trở nên có ý nghĩa, tự bản chất con người là phóng ném mình về phía trước, hướng mình về tương lai, hoặc cũng có thể ‘phóng ném’ mình về phía sau. Heidegger cho rằng khả thể ‘phóng ném’ này của con người đó là thời tính. Bởi lẽ, nơi bản chất sâu xa của con người, là hiện hữu và hiện diện trong thế giới nhưng luôn mang trong mình nỗi niềm nhớ nhung quá khứ trong phút giây hiện tại, và ước vọng, hướng tâm trí về tương lai. Do đó, Heidegger cho rằng “chúng ta chỉ là cái mà chúng ta đã là”.  Thế nhưng, với thời tính, Dasein không chỉ dừng lại ở khả thể ‘phóng ném’, nhưng sâu thẳm bên trong, Dasein còn chất chứa những nỗi khắc khoải, ưu tư về sự hiện hữu của mình, một hiện hữu với cái gì khác mình và hiện hữu cho đến khi nào? Phải chăng là hiện hữu cho đến chết là hết đời Dasein? Chúng ta cùng tìm hiểu vấn đề này trong đề mục tiếp theo.

2. Nỗi khắc khoải của Dasein với hiện-hữu-cận-lân và hiện-hữu-cho-đến-chết

Càng đào sâu hơn về nỗi ưu tư, khắc khoải của Dasein, Heidegger càng cho rằng yếu tính của hữu thể là hiện hữu vì (esse per) cái gì đó, hiện hữu để làm cái gì đó. Ở đây, ông cho rằng Dasein hiện hữu vì và với các tại thể khác, đồng thời nó cũng hiện hữu cho đến cái chết, là cái cùng tận của hữu thể (the end of being-in-the-world is death).  Chúng ta cùng tìm hiểu ý nghĩa về sự hiện hữu của Dasein với nỗi ưu tư về hiện-hữu-cận-lân và hiện-hữu-cho-đến-chết trong các phần dưới đây.

Hiện-hữu-cận-lân (Seinsverhaltnis, Being-with-one-another, Rapport d'être). 

Dasein hiện hữu cùng các tại thể khác (Fürsorge), giữa chúng có sự hỗ tương lẫn nhau, đó là sự trao thông, bận tâm” (besorgen) lẫn nhau. (In Being with and towards Others, there is thus a relationship of Being [Seinsverhaltnis] from Dasein to Dasein.)  Trong thế giới này, Dasein không chỉ dừng lại nơi các sự vật hiện hữu, nhưng còn giữa con người với nhau (Mitdasein), đây là tinh thần liên đới (solidality), tương thân (sympathie) nơi Dasein. Thật vậy, để củng cố hơn cho ý niệm này, Heidegger đã nhận định: "Hiện hữu là tự vượt qua mình để đạt tới cái khả hữu của mình. Tự vượt mình là bỏ cái mình hiện nay để đi tới một hiện hữu đang ẩn hiện trước mắt mình. Cái hiện hữu ẩn hiện trước mắt con người - đó là khả hữu (sein-koennen, pouvoir-être)". 

Do đó, hiện-hữu-cận-lân chính là phương cách hiện hữu loại biệt của Dasein, nó mang ý nghĩa của hữu thể nơi cội nguồn, nghĩa là hiện hữu này với hiện hữu kia cùng hỗ tương, khi cả hai cùng mang chiều kích nguồn cội (co-originalité). Hiện-hữu-cận-lân mặc lấy chiều kích hiện sinh của Dasein khi nó hệ tại nơi tính liên-chủ-thể (tôi-tha nhân). Chính trong chiều kích liên chủ thể đó - một “hữu-thể-kề-cận” - sẽ mở lối giúp chúng ta được trở về với chính mình, gặp gỡ chính mình cách tiên thiên và chân thật nhất (Omne ens est verum: mọi tại thể đều chân thực). Sở dĩ hai cục đá nằm kề cận nhau thì khác hẳn hai người đồng hành với nhau, đó là sự khác biệt giữa “res extensa (vật vô tri)” với “res cogitans (con người có suy tư)”. Đây cũng chính là điều mà Heidegger gọi là Bewandtniszusammenhang (các hữu thể liên kết với nhau để tạo nên thế giới tính, hiểu theo nghĩa hiện tượng luận).  Cách chung, vấn đề của hữu thể hiện sinh là chiều kích liên-chủ-thể. Đồng thời, hữu thể “xuất cư” nơi Dasein có siêu việt tính, không gì khác hơn là hiện-hữu-giữa-thế-giới. Chính khi siêu việt tính được thi thố, được phô diễn thì là một cách thức giải thoát Dasein với sự tự do, thanh thản nơi cội nguồn, sức mạnh đích thực tuôn trào và nhờ đó Dasein có thể quay về phía sự vật với một phong thái cần có.

Tuy nhiên, khi Dasein hiện-hữu-kề-cận, hướng mình về các tại thể khác, Heidegger cho rằng Dasein phải đối diện với hai khả thể là hiện hữu phi chân (inauthentic) và hiện hữu bản chân (authentic). Hiện hữu phi chân là Dasein bị vong thân (lostnes) trong thế giới với cái thường hằng mà nó bị ảnh hưởng, Dasein không có tự do và trách nhiệm nên nó mặc lấy sự sợ hãi và trốn lánh cái chết. Đang khi đó, hiện hữu bản chân là Dasein tìm lại chính mình trong cái thường hằng, đảm nhận chính mình và đón nhận cái chết hoàn toàn với sự ý thức thực sự. Đây mới là ý nghĩa của sự hiện sinh đích thực, theo cái nhìn của Heidegger.  

Thật vậy, với Heidegger để Dasein hiện hữu bản chân, mặc dù hướng mình về tha thể, nhưng nó cần không lệ thuộc và rút khỏi tha thể như chọn lựa khả dĩ để hiện hữu trung chính nhất. Ông cho rằng đây là khả tính của Dasein, nó khởi đi từ ý thức (gewissen), đáp lại lời mời gọi, thôi thúc không ngừng nơi cội nguồn của Dasein, nó từ khước nghe theo lời phiếm luận từ tha thể. Tiếng nói sâu thẳm nơi cội nguồn đó, Heidegger cho rằng không hẳn đến từ thế lực xa lạ, cao siêu (như Thượng Đế chẳng hạn), nhưng từ ưu việt tính, nghĩa là Dasein ưu tư về khả tính của chính mình.   Như đã trình bày bên trên, trong sự trầm mặc, ưu tư, khắc khoải mà khả tính nơi Dasein được khơi lên, cái mà vốn tiềm tàng nơi thể tính của chính nó. Khả tính đó với khả năng tự do nơi Dasein đó là “quyết tính” (Entschlossenheit: khả năng quyết định vấn đề nào đó), thậm chí với tử vong tính (nghĩa là có khả năng đón nhận cái chết của chính mình). Heidegger cho rằng chỉ có quyết tính mới làm cho Dasein thoát ly khỏi sự chi phối của tha thể, rời xa tình trạng hiện hữu phi bản chân ngu muội, vốn tiềm tàng nơi chính mình. Với quyết tính, con người can đảm đón nhận định mệnh cuộc đời và phóng mình về tha nhân với tất cả tha thể tính của họ, với sự bình tâm và chân thực. 

Hiện-hữu-cho-đến-chết (Sein zum Tode, being unto death, être jusqu'à la mort). 

Khi hiện hữu trong thế giới, Dasein mặc lấy sự ưu tư, khắc khoải về tự thể của chính mình, về ý nghĩa hiện hữu với lời mời gọi thẳm sâu là hướng về tha thể (man/ one), đôi khi còn tìm chỗ trú ngụ nơi đó. Heidegger cho rằng hiện hữu mà Dasein bị thao túng, bị ru ngủ, cám dỗ, tha hóa bởi tha thể thì đó là hiện hữu của Dasein ở thể-bất-chính, tầm thường, phi chân. Thậm chí, Heidegger còn gọi là “nó ngoại hiện trong phiếm luận (Gerede)” , nghĩa là bỉ ngôn của tha thể quyến rũ và trở thành thực tại cho Dasein. Điều này khiến Dasein bị xáo động, tiêu thoát, hàm hỗn, loạn tri (không còn phân biệt điều gì biết với điều không biết), ông còn gọi đó là sự thoái đọa (Verfallen) của Dasein. Nếu Dasein không tự thoát ly, khước từ lời ‘ru ngủ’, ‘bỉ ngôn’ của tha thể thì nó sẽ thoái trào, xa đoạn và chìm ngủm trong thế giới vô minh. Vô minh cũng có thể hiểu là Dasein vì quá ưu tư, lo lắng, sợ hãi về cái chết khiến nó hiện hữu bất-chính-thể, phi chân (non-vérité). Thậm chỉ, có lúc tha thể dùng ‘bỉ ngôn’ đề chèo khéo khiến Dasein không dám đối diện với cái chết, thậm chỉ là nói trống không về sự chết như là “người ta chết”  (one dies, man stirbt).

Thế nhưng, Heidegger cho rằng dù muốn dù không, ta cũng phải thừa nhận rằng khả thể đặc thù của hữu thể là cái chết, thật vậy, ông quan niệm: “xét theo bản thể học, sự chết được thiết lập bởi thuộc-ngã-tính (mineness) và hiện hữu”.  Đối với người sống, cái chết ở dạng tiềm thể, nhưng khi con người tiếp cận cái chết thì nó là hiện thể, khi đó, con người sẽ cảm thấy sự tồn hữu đích thực nơi bản thân, khi cái chết là phận vụ cuối cùng mà mình phải đảm nhận. Nhưng, sự chết theo Heidegger là cuộc hiện sinh không tan biến thành hư vô một cách vô nghĩa, nhưng đó là một cuộc hiện hữu cho đến tận cùng của Dasein (Sein zum Ende), hiện hữu cho hư vô (Sein zum Niehts), hiện hữu cho đến chết (Sein zum Tode) . Ngày nào Dasein còn hiện hữu thì nó chưa đạt được “viên tính” của chính mình, vẫn còn khuyết tính nào đó. Do đó, có thể nói sự chết là cứu cánh của Dasein, và tử thể nơi Dasein cũng chỉ là để hướng về tử thể (l’Être même du Dasein est l’être-pour-la-mort). Một lần nữa, đây chính là cách thế hiện hữu cơ bản và ý nghĩa của Dasein. 

3. Tóm kết

Như Lévinas viết rằng Sein und Zeit của Heidegger “nhằm mục đích mô tả hữu hoặc hiện hữu người, chứ không phải bản chất của anh ta”.  Từ quan điểm này, cùng những phân tích trên, ta nhận thấy triết học của Heidegger chủ yếu nhắm đến việc giải thích mối quan hệ giữa hữu và hữu thể, cụ thể là hữu thể luận nền tảng và Dasein-sự diễn đạt kinh nghiệm (nơi hiện hữu người). Nhìn cách tổng quan, ta thấy con đường hữu thể học mà Heidegger dẫn ta đi là phương pháp hiện tượng luận, nghĩa là các hữu thể chỉ xuất hiện trong các hiện tượng, trong những vật mà yếu tính chỉ là xuất hiện (das Sich an ihm selbst zeigende). Điều đặc biệt là khi nghiên cứu về Dasein, ông không đi theo cái gì tổng quát và bền bỉ nữa, nhưng là nghiên cứu về các giai đoạn biến dịch của Dasein. Nội dung chính của Being and time cũng chỉ quy hướng về phân tích ấy. 

Cách chung, khi bàn về hữu thể là bàn về cách thế xuất hiện của hữu thể trong những trạng thức của “vật hiện hữu tại đó’. Yếu tính của hữu thể là ở sự hiện hữu của nó, tại đó, chứ không hẳn nghiên cứu về những sự nó gồm có. Còn khi bàn về Dasein thì cũng có nghĩa là bàn về thời tính, nghĩa là luôn có sự hiểu biết về hữu thể; thứ đến, Dasein hiện hữu một cách thời tính, hiểu theo nghĩa là nói về hữu thể thì cũng cần nói về thời gian. Bởi lẽ, chỉ khi con người hiện hữu thì thời gian mới trở nên có ý nghĩa. Heidegger gọi thời gian là “chân trời của mọi sự hiểu biết về hữu thể”.  Đây là vấn đề cỗt lõi của hữu thể học mà Heidegger muốn xây dựng.

Tóm lại, khi nói về nỗi khắc khoải, ưu tư của Dasein và hiện-hữu-cận-lân cũng như hiện-hữu-cho-đến-chết thì ta có thể hiểu cách khái quát là theo quan niệm của Hedegger, tự nơi cội nguồn thẳm sâu, với hiện hữu của chính mình, Dasein có lời gọi mời đó là sự quan tâm.  Sự quan tâm đó khởi đi từ hiện-hữu-thiếu-hụt (being with a lack) cái gì đó.  Do đó, Dasein luôn hướng về tại thể khác trong hai tâm thế vừa là kẻ gọi (caller) và vừa được gọi (called), Dasein gọi tại thể khác và tại thể khác cũng đang kéo gọi Dasein để cả hai được trở nên hiện hữu bản chân cho chính mình.  Trong khi phóng ném chính mình về tại thể khác, tự nơi mình, Dasein có một cảm-thức-hoài-hương ẩn khuất sâu kín nơi cội nguồn của nó.  Điều này thúc bách để Dasein tự do chọn lựa và sống sự chọn lựa ấy đó và Heidegger gọi khả thể khởi phát đó là từ lương tâm và ông gọi nó là quyết tính. Quyết tính của Dasein cũng chỉ là lời đáp lại tiếng gọi và sự thúc bách sâu thăm mang tính huyền nhiệm, mà Hedegger đã đề cập trong tác phẩm Buông Xả Thanh Thản. Kỳ lạ thay, khi gần về cuối đời, Heidegger cảm nhận sâu sắc được lời mời gọi huyền nhiệm đó chính là tiếng nói của Thượng Đế, ông nói rằng “Only God saves us-Chỉ có Thiên Chúa mới cứu chúng ta”. 

Minh Đức S.J.
Tháng 03 năm 2023 

Tham khảo
Jean Grondin, Introduction to metaphysics: from Parmenides to Lévinas, translated by Lukas Soderstrom, New York: Columbia University Press, 2012.

Martin Heidegger, The Fundamental Concepts of Metaphysics – World, Finitude, Solitude, trans. William McNeill & Nicholas Walker, Bloomington: Indiana University Press, 1995.

Minh Niệm, Hiểu về trái tim, Nxb Trẻ, 2010 p. 90.

http://www.triethoc.edu.vn

M.Heidegger. Kant et le problème de la métaphysique. Paris.

Trần Thái Đỉnh. Triết học hiện sinh. Nxb Văn Học, 2008

Đậu Văn Hồng, Dẫn vào Hữu Thể Luận, Tra vấn chức năng Meta, Tài liệu triết học, lưu hành nội bộ, 2005

Emmanuel Lévinas, Ethics and Inginity, translated by Richard A. Cohen, (Pittsburgh: Duquesne University Press, 1985

Heidegger, Martin. Being and Time. 7th. Translated by John Macquarrie and Edward Robinson. Oxford: Blackwell Publishers, 2001.

 


0 Comments: