Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 30 tháng 3, 2023

SUY NIỆM VỀ CÁC LỜI KHẤN DÒNG

 

SUY NIỆM VỀ CÁC LỜI KHẤN DÒNG



 Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi”. (Mt 19.21)

         Những lời mời gọi này của Đức Giêsu thường được dùng như một điểm khởi cho việc suy niệm, thảo luận và cầu nguyện về lời khấn khó nghèo trong đời tu. Điều này khá thích hợp vì những lời mời gọi này đụng chạm đến nhiều khía cạnh của lời khấn, chẳng hạn như: khát khao nên hoàn thiện, liên quan đến những tài sản, chăm sóc người nghèo, tích trữ của cải, bước theo Chúa. Những sứ điệp của Đức Giêsu được thấy trong bản văn Tin Mừng Mát-thêu. Bản văn này xuất hiện gần với đoạn kết mà Đức Giêsu tiếp xúc với người thanh niên giàu có (Mt 19,16-22). Sau khi nghe những lời của Đức Giêsu thì “người thanh niên buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.” Tuy nhiên, bản văn này đủ phong phú và sâu rộng để cung cấp cho chúng ta tài liệu phản tỉnh, thảo luận và cầu nguyện về các lời khấn.

 Một vài soi sáng có thể rút ra từ bản văn này để hiểu và sống các lời khuyên Khiết Tịnh, Vâng Phục và Khó Nghèo. Giống như chính Lời Chúa, các lời khấn có nhiều khía cạnh và nó cung cấp cho chúng ta chất liệu phong phú để khám phá thêm. Đồng thời, cũng giống như Lời Chúa, các lời khấn phải là một chủ để cho sự phản tỉnh, thảo luận và cầu nguyện, nhưng trên tất cả, với cuộc sống của chúng ta; các lời khấn đó cần được chúng ta sống. Đó luôn là thách đố về cả việc sống Lời Chúa cũng như việc sống các lời khấn: tuyên xưng những gì chúng ta tin và sống những gì chúng ta đã tuyên xưng.

 Những phản tỉnh này đơn giản chỉ là một sự suy niệm về một bản văn cung cấp để cho độc giả cầu nguyện. Tôi mời gọi các độc giả hãy đụng chạm một lần nữa những kinh nghiệm về việc cam kết sống các lời khấn. Cùng với đó là việc mở ra chính mình một lần nữa để thủ đắc sức mạnh mang tính biến đổi của ân sủng vốn có trong mỗi lời khấn. Với những phản tỉnh này, Tin Mừng Mát-thêu đã trích dẫn sẽ được trình bày trong hình thức của ba cặp câu. Mỗi cặp câu sẽ cung cấp khuôn mẫu cho việc thảo luận về một trong các lời khấn.

 Khát khao-Bước theo: Sống lời khấn Khiết Tịnh

 Nếu anh muốn nên hoàn thiện…hãy theo Ta. Cặp câu đầu tiên này được lấy từ đầu cho đến cuối bản văn Mát-thêu, có thể nó hướng sự phản tỉnh của chúng ta vào lời khấn khiết tịnh. Giống như chính cặp câu này, khiết tịnh bắt đầu với khát mong của chúng ta để nên hoàn thiện, thậm chí như Đức Giêsu là Đấng hoàn thiện, cũng như “Thiên Chúa trên trời là Đấng Hoàn Thiện” (Mt 5, 48). Điều này không ngụ ý rằng không có con đường nào khác để nên hoàn thiện, nhưng câu Lời Chúa này chỉ ra rằng đây là cách thức nên hoàn thiện của các tu sĩ. Và cũng như cặp đôi này, mục đích của đời sống khiết tịnh là đạt đến chính sự viên mãn mà trong đó, việc bước theo Đức Giêsu thì dần dần biến đổi chúng ta thành chân dung sống động của Thiên Chúa. Thật vậy, chân dung này là sự viên mãn của đời thánh hiến cũng như toàn bộ đời sống Kitô Hữu.

 Việc sống lời khấn khiết tịnh, một cách chắc chắn nó sẽ hướng mọi khía cạnh của đời sống chúng ta về Thiên Chúa. Đời sống khiết tịnh sẽ kết hợp và nuôi dưỡng chúng ta qua việc khát khao được kết hợp trọn vẹn với Thiên Chúa. Vì thế, tương quan của chúng ta với Thiên Chúa phải trở nên tương quan sâu nhất, tương quan gặp gỡ Chúa trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Tương quan này không làm giảm bớt đi ý nghĩa của những mối quan hệ và tiếp xúc với người khác, ngược lại, nó trở nên tương quan đặc biệt trong việc chúng ta diễn tả tình yêu với Thiên Chúa ngang qua việc loan truyền tình yêu của Đức Giêsu cho mọi người. Đời sống khiết tịnh sẽ ca ngợi và minh chứng tình yêu nhập thể của Đức Giêsu, được cụ thể trong đời sống của Đức Giêsu Nazareth cùng các môn đệ của Ngài.

 Tuy nhiên, tất cả những điều này bắt đầu với những lời của Đức Giêsu “nếu”. Khiết tịnh là một hồng ân được lãnh nhận và là một chọn lựa được thực hiện. Hồng ân này được hiến dâng khi Thiên Chúa mở rộng vòng tay đến với chúng ta với lời mời gọi là hãy bước theo Ngài trên con đường hiến dâng. Chọn lựa này được thực hiện ngang qua việc chúng ta chấp nhận và khấn hứa các lời khấn. Chọn lựa này không đơn thuần mang tính hình thức, nhưng nó là một chọn lựa của con tim. Hồng ân này được gieo trồng sâu thẳm trong chính chúng ta; do đó, chúng ta phải đón nhận hồng ân này từ sâu thẳm nội tâm. Nếu chúng ta cố gắng để sống khiết tịnh theo một cách chiếu lệ nào đó, ngoài ước muốn và chọn lựa để nên hoàn hảo theo gương Đức Giêsu, khi ấy, việc bước theo Chúa của chúng ta sẽ hời hợt, nửa vời, không có đam mê, không có năng lượng cũng như nhiệt huyết để duy trì sự chân thành và trọn vẹn. Nếu chúng ta đón nhận hồng ân cách trọn vẹn, nó sẽ nuôi dưỡng và chảy tràn trong chúng ta mọi khía cạnh của đời sống và sứ vụ.

 Nếu chúng ta ước muốn nên hoàn thiện, như những người đã khấn khiết tịnh, khi đó, chúng ta phải bước theo Đức Giêsu và sống theo cung cách mà Ngài đã sống ngang qua các khía cạnh của đời sống tận hiến của chúng ta. Sống khiết tịnh không chỉ là những gì chúng ta làm và những gì chúng ta có; mà chính chúng ta là niềm hy vọng và trở nên những họa ảnh của Đức Giêsu cách đầy đủ và trung thực hơn vào giờ hết. Việc bước theo Chúa và củng cố tương quan của chúng ta với Ngài là những yếu tố thiết yếu cho cung cách sống đời tận hiến của chúng ta. Mọi thứ khác trong đời sống của chúng ta đều phát khởi từ ý nghĩa và hướng dẫn trong tương quan tình yêu với Thiên Chúa, điều này đặc trưng cho bản chất của lời khấn khiết tịnh. Vì thế, “Nếu anh muốn nên hoàn thiện…hãy theo Tôi”.

 Hãy đi – Đến: Sống lời khấn Vâng Phục

 Hãy đi… đến. Chỉ có ba từ, nhưng câu này được hình thành từ hai mệnh lệnh đơn giản và trực tiếp, nó có thể giúp chúng ta suy gẫm về lời khấn vâng phục. Cặp câu này được rút ra từ bản văn để chúng ta suy niệm; nó phải được liên kết chặt chẽ với toàn bộ bản văn. Cách đặc biệt, câu này nói về hành động cần thiết phải được thực hiện nếu chúng ta thực sự ước mong nên hoàn thiện trong việc bước theo Chúa. Một cách tương tự, lời khấn vâng phục mãi mãi không thể tách rời cam kết của chúng ta với lời khấn khó nghèo và khiết tịnh.

 Việc sống lời khấn vâng phục sẽ làm nền tảng vững chắc cho sự an toàn của chúng ta trong Thiên Chúa. Sự an toàn này được hiện diện ngang qua sự hợp nhất các ý muốn. Các ý muốn của chúng ta phải được biến đổi ngang qua ân sủng của Thiên Chúa để phản tỉnh về Thánh ý Thiên Chúa trong mọi sự. Sự an toàn này không phải là một sự chắc chắn mang tính kiêu ngạo, khẳng định rằng bất cứ điều gì chúng ta làm hoặc quyết định đều chắc chắn là Ý Chúa. Hơn nữa, chính sự khiêm tốn phụ thuộc vào Thiên Chúa, sẽ giúp ta nhận ra sự cần thiết của ân sủng để thu hẹp khoảng cách giữa ý muốn của Thiên Chúa và ý riêng của ta. Sự biến đổi mang tính ân sủng đó là điều mà chúng ta mong muốn và tìm kiếm để kết hiệp với Thánh ý Chúa, đó phải là điều chắc chắn nhất trong tất cả mọi ý hướng của chúng ta. Chúng ta phải mong ước sống như vậy, như lời cầu nguyện mà Đức Giêsu đã dạy chúng ta: “xin cho ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời.” Vì thế, chúng ta phải mở ra với những gì mà Thiên Chúa yêu cầu chúng ta, đối với cộng đoàn, nơi chúng ta sống lời cam kết, và đến với những người ở giữa chúng ta, ngõ hầu chúng ta tiếp tục thi hành sứ mạng của Đức Giêsu. Lời khấn vâng phục ca ngợi và minh chứng rằng sự cộng tác và hòa nhịp với Thiên Chúa cũng như tha nhân là một điều khả dĩ thực sự.

 Thoạt đầu nghe có vẻ kỳ lạ khi lời mở đầu của cặp câu này dường như tạo ra khoảng cách giữa chúng ta và Thiên Chúa- “Hãy đi…”. Đối tượng của sự vâng phục là hiệp nhất. Vậy, khoảng cách này nhắm vào mục đích gì? Sự khôn ngoan nơi mệnh lệnh của Đức Giêsu là rõ ràng khi chúng ta nhận ra sự hiệp nhất các ý muốn khiến chúng ta phải trả giá về điều gì đó. Nếu chúng ta khát khao để nên hoàn hảo, nếu chúng ta muốn bước theo Đức Giêsu, nếu chúng ta tìm kiếm một sự hiệp nhất trong ý muốn, thì khi ấy chúng ta phải hành động. Chúng ta phải “ĐI” và thực hiện những gì là cần thiết để cho những ước ao, những khát khao và tìm kiếm của chúng ta là những ưu tiên vô song trong và cho đời sống chúng ta. Khi ấy, “ĐẾN” với Thiên Chúa cùng với những ưu tiên này. Tiếp đến, chúng ta sẽ sống với những khát mong vì sự hoàn thiện, và luôn luôn trong mọi chọn lựa chỉ để bước theo Đức Giêsu, và luôn luôn nỗ lực tìm kiếm sự hiệp nhất trong các ý muốn của Ngài.

 Nếu chúng ta ước mong được nên hoàn thiện, như những người đã khấn vâng phục, khi ấy chúng ta phải từ bỏ bất cứ điều gì có thể làm gián đoạn sự phân định và hiểu biết cũng như việc đón nhận ý Chúa đối với chúng ta. Không có gì đảm bảo rằng chúng ta sẽ luôn luôn yêu thích khi khám phá ra ý Chúa trên cuộc đời mình; tuy nhiên, chỉ có ý muốn đó mới có thể là sự an toàn cho chúng ta, nó là thành trì, là ơn cứu độ của chúng ta. Tất cả mọi thứ khác đều là những trở ngại tiềm tàng. Khi ấy, việc sống vâng phục sẽ củng cố và xác chuẩn cho lời khấn khiết tịnh của chúng ta ngang qua việc loại bỏ khỏi nơi chúng ta mọi thứ ngoại trừ tình yêu với Thiên Chúa và khát khao của chúng ta để kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa. Chúng ta có thể được mời gọi, như Đức Giêsu, “dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 5, 8); tuy nhiên, cũng như Ngài, chúng ta cũng ước muốn “được nên hoàn thiện, thập toàn” (Dt, 5,9). Nhưng, thách đố luôn ở trước chúng ta, “Hãy đi… và đến.”

 Hãy bán đi- và đem cho: sống lời khấn Khó Nghèo

 “Hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ có được một kho tàng trên trời.” (Mt 19, 21). Cặp câu đối thứ ba này dài nhất và xuất hiện ở trung tâm của bản văn ngắn gọn trong Tin Mừng Mát-thêu. Chúng ta sẽ tập trung vào câu này để phản tỉnh về lời khấn khó nghèo. Nằm ở trung tâm lời khuyên dạy của Đức Giêsu, câu này nhất thiết phải đan xen với hai câu kia. Nó có sự trao đổi ý nghĩa và phụ thuộc lẫn nhau cách chặt chẽ giữa khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục.

 Việc sống lời khấn khó nghèo cần bén rễ sâu xa trong căn tính của chúng ta nơi Thiên Chúa. Sự hợp nhất giữa căn tính của chúng ta với Thiên Chúa phải là sự phong phú nhất trong số những sở hữu của chúng ta vì nó phản ảnh chính bản thân của chúng ta. Ngay cả khi câu trung tâm này có ảnh hướng đến hai câu kia, thì lời khấn khó nghèo cũng ảnh hướng đến ý nghĩa của lời khấn khiết tịnh và vâng phục. Tương quan tình yêu mật thiết với Thiên Chúa là nét đặc trưng cho lời khấn khiết tịnh và sự hiệp nhất các ý muốn đó làm nên lời khấn vâng phục, đồng thời giả định rằng căn tính cơ bản của chúng ta đang làm nên ngôi vị, gương mẫu và giáo huấn của Đức Giêsu. Khó nghèo ca ngợi và minh chứng rằng sự nô lệ cho chủ nghĩa vật chất có thể bị phá vỡ. Chúng ta không cần phải vượt ra ngoài Thiên Chúa, Đấng đang ngự trong lòng chúng ta để tìm thấy căn tính sâu xa nhất của chúng ta như những thụ tạo được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa Tình Yêu.

 Việc bén rễ căn tính của chúng ta trong Thiên Chúa đòi hỏi việc bán đi và trao tặng điều gì đó với những thái độ và hành vi không phù hợp với các giá trị mà nó sẽ hỗ trợ căn tính đó. Đây không phải là vấn đề đơn giản của việc chọn lựa cái tốt hơn cái xấu. Đúng hơn, đó là chọn lựa trong số nhiều điều tốt và giá trị mà chúng ta tin rằng nó sẽ có hiệu quả nhất cho việc đáp lại những ân sủng mà Thiên Chúa đã trao ban cho chúng ta và để bước theo Ngài. Việc BÁN TẤT CẢ MỌI SỰ dạy chúng ta giá trị đích thực của những thực tại mà từ đó chúng ta tách mình ra vì "ách của Đức Giêsu". Do đó, chúng ta không tuyên bố những thứ đó là vô giá trị, nhưng chỉ đơn thuần là chúng ta khẳng định lựa chọn của mình để nắm lấy một ưu tiên cao hơn. Việc TỪ BỎ những thái độ hay hành vi nào đó sẽ cung cấp khoảng không, và chúng ta cần đào sâu vùng đất của những giá trị mới cũng như những diễn tả của chúng ta, trong đó, căn tính của chúng ta có thể được bén rễ sâu trong Thiên Chúa.

 Tiến trình của việc BÁN ĐI TẤT CẢ MỌI SỰ VÀ TỪ BỎ có thể không đặc biệt khó, ít nhất là ban đầu. Ân sủng của lòng nhiệt thành và trung tín sẽ hỗ trợ những nỗ lực của chúng ta. Việc duy trì sự từ bỏ mọi sự này trở nên thách đố và khó khắn hơn theo thời gian, cách đặc biệt nếu chúng ta cho phép chính mình bị vây quanh và đắm chìm trong vô số những của cải vật chất những thứ luôn vẫy gọi chúng ta thay đổi căn tính của mình theo chúng. Sự lựa chọn này được bén rễ và chống lại sự đổi thay mà ngày càng trở nên thách thức hơn khi chúng ta nhận ra giá trị và sự tốt lành của những thực tại mà chúng ta đã từ bỏ để duy trì căn tính của mình trong Đức Giêsu.

 Nếu chúng ta muốn trở nên hoàn hảo như những người đã khấn lời khấn khó nghèo, khi ấy, chúng ta phải khẳng định và duy trì căn tính của mình khỏi những thực tại nhất thời. Phẩm giá của chúng ta là những tạo vật theo hình ảnh của Thiên Chúa, nó đáng được trân trọng. Do đó, hãy để căn tính của chúng ta được bám rễ sâu trong Chúa và được đảm bảo về lời hứa của chính Chúa: "các ngươi sẽ có kho tàng trên trời." Lời hứa này lặp lại nơi lời dạy của Đức Giêsu trong chương tiếp theo của Tin Mừng Mát-thêu: “Kho tàng của anh ở đâu thì lòng anh ở đó”. Vì thế, chúng ta phải cẩn thận với lòng mình, vì đó là chỗ dựa cho căn tính của chúng ta.

 Ở lại trong Chúa và tiếp tục thi hành sứ mạng

 Bất kể hình thức tham khảo nào cũng để suy niệm về các lời khấn, bản chất thiết yếu của chúng vẫn luôn tồn hữu. Đó là một lòng yêu mến Thiên Chúa. Các lời khấn sẽ cấu thành nên con đường cho việc cư ngụ sâu thẳm trong đời sống và tình yêu Thiên Chúa. Chúng sẽ dẫn chúng ta đến sự toàn hảo, để hiệp nhất với Thiên Chúa ngang qua những tương quan, ý muốn và căn tính của chúng ta. Sự toàn hảo và hiệp nhất này không phụ thuộc vào những gì chúng ta thực hiện và cũng không phải dựa trên trên mức độ chúng ta đã làm tốt. Trước hết, Các Lời Khấn Là Một Hồng Ân, chúng được đặt để nơi tình yêu không thể hiểu và không thể thay đổi của Chúa, và làm chúng ta hiệp nhất với Ngài. Đây là một tình yêu có sức biến đổi, và biến đổi một cách tiệm tiến. Tình yêu này tái cấu mọi chiều kích trong cuộc sống của chúng ta để trở nên như họa ảnh và hình mẫu của Đức Giêsu.

 Cũng chính tình yêu này tạo nên tính cách người tông đồ với các lời khấn. Nó tạo thành những ống kính qua việc chúng ta nhìn thấy sự hiện diện và hoạt động của chúng ta trong dân Chúa. Việc chúng ta trung thành sống các lời khấn, đó là sự tuyên xưng về sự sẵn có và khả năng đón nhận tình yêu Thiên Chúa của chúng ta đối với tất cả mọi người trong và qua lối sống cụ thể của họ. Sự trung thành trên con đường mà chúng ta được gọi như là những tu sĩ, đó vừa là tấm gương vừa là sự khích lệ cho những ai khao khát trung thành theo Chúa trên con đường mà họ đã được kêu gọi. Và, ngược lại, lòng chung thủy của họ là tấm gương và sự khích lệ cho chúng ta. Như vậy, sứ mạng của Đức Giêsu vẫn đang được tiếp tục. Trong sự chia sẻ và trao ban những ân sủng về ơn gọi giữa chúng ta và mọi người, chúng ta góp phần vào việc "Nhờ đó, các thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Đức Kitô, cho đến khi tất cả chúng ta đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của đức Kitô." (Ep 4, 12-13).

 Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (MT 19.21)

 Những lời đơn giản trên là những lời mang tính “khiêu khích”, những lời táo bạo… để thắp sáng con đường dẫn đến sự hoàn thiện cho tất cả các Kitô Hữu. Nhưng cũng có những lời, trừ khi được ghi nhớ và sống bằng con tim, có thể khiến chúng ta "BUỒN RẦU BỎ ĐI". Đối với chúng ta là những tu sĩ, những lời này có thể làm sáng tỏ thêm về các lời khấn mà chúng ta đã cam kết. Đối với chúng ta, SỰ HOÀN HẢO nằm ở tính toàn vẹn của đời SỐNG KHIẾT TỊNH nhằm duy trì cho sự Ưu Tiên Trong Tương Quan Tình Yêu Của Chúng Ta Với Chúa, SỐNG VÂNG PHỤC để Kết Hợp Ý Muốn Của Chúng Ta Với Thánh Ý Chúa, và SỐNG NGHÈO KHÓ để Bảo Đảm Căn Tính Của Chúng Ta Trong Chúa. Như vậy, chúng ta sẽ ở trong Chúa, tiếp tục sứ mạng của chính Ngài đã ủy thác cho chúng ta, và trở nên giống như Đức Giêsu trong mọi sự.

 Minh Đức S.J.

 Dịch từ Article “A MEDITATION ON LIVING THE VOWS” của tác giả Joel Giallanza SCS.



0 Comments:

Đăng nhận xét