Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 28 tháng 3, 2023

SUY TƯ VÀ PHẢN TỈNH VỀ LỜI KHẤN KHÓ NGHÈO

 SUY TƯ VÀ PHẢN TỈNH VỀ LỜI KHẤN KHÓ NGHÈO



“Chưa bao giờ trái đất có nhiều sản phẩm như ngày nay, nhưng cũng chưa bao giờ có nhiều người đói khổ như bây giờ” , đó là nhận định của thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II. Nhận định này đáng để tôi phản bận tâm suy xét. Nó không phải là một câu nói bâng quơ, hay phát biểu bình thường, nhưng nó diễn tả nỗi thao thức của vị Đại diện Đức Kitô nơi trần gian với những người nghèo nàn, bần cùng, đói khổ trong xã hội, họ đang bị chết đói hằng ngày. Câu nói đó cũng tựa như lời cảnh tỉnh của thánh Giacôbê tông đồ: “Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: "Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no", nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì?” (Gc 2, 15-16).

Dựa vào những ý tưởng trên, trong bài viết này, tôi sẽ trình bày một vài ý tưởng được phản tỉnh ngang qua môn học khó nghèo trong đời tu. Những suy tư, phản tỉnh này là một chút góp nhặt từ nhiều nguồn tài liệu, chúng như đôi nét chấm phá của người mới đang tập tành, chập chững bước vào đời tu. Với hy vọng qua bài suy tư, phản tỉnh này sẽ là hành trang nho nhỏ để tôi tâm niệm, ấp ủ và nội tâm hóa chúng trong mọi ngày sống của đời tu. Hy vọng với lòng khao khát sống khó nghèo tận căn, bản thân tôi mỗi ngày được tiệm tiến thành toàn hơn trong đời tu nhờ ơn Chúa.

I. BẢN CHẤT ĐỜI SỐNG KHÓ NGHÈO

Khi bàn về khó nghèo, có nhiều vấn đề được đặt ra, chẳng hạn như: tại sao phải sống khó nghèo? Sống khó nghèo làm gì? Và được gì? Ai cần sống đời khó nghèo?... rất nhiều những câu hỏi được đặt ra, nhưng trước hết, thiết nghĩ chúng cũng xoay quanh bản chất của đời sống khó nghèo, nên một cách nào đó cũng phải làm rõ về bản chất của đời sống khó nghèo.

1.1 Khó nghèo là một ơn của Thiên Chúa.

Cũng giống như khiết tịnh, khó nghèo là một ơn của Thiên Chúa. Đây là một chân lý thực thụ, bởi không phải ai cũng sống được đời khó nghèo. Nhưng cách riêng những người tu sĩ, họ được Thiên Chúa kêu gọi bước theo Đức Giêsu trong con đường tận hiến và dấu chứng họ đáp lại là việc tự nguyện sống ba lời khuyên Phúc Âm. Trong Kinh Thánh có thuật lại câu chuyện một người thương gia đi tìm kho báu cho mình, khi tìm thấy kho báu được chôn giấu trong một thủa ruộng, anh ta sẽ vui mừng bán đi tất cả những gì mình có để mua thủa ruộng đó (Mt 13,44). Một cách tương tự, người tu sĩ cũng ra đi, khát khao của họ là được tìm thấy Thiên Chúa, được bước theo Đức Giêsu và họa lại cuộc đời của Ngài, ngang qua việc hiến thân phục vụ cho Thiên Chúa và tha nhân. Điều nhấn mạnh ở đây đó là họ bước theo một Đức Giêsu nghèo khó và khiêm hạ.

Để được như vậy, ngoài việc nỗ lực của bản thân, họ cần phải có ơn Chúa. Thật vậy, một khi họ được “chiếm hữu” bởi Thiên Chúa, họ sẽ cảm thấy ân sủng Thiên Chúa ngập tràn, chan chứa trên cuộc đời họ và họ sẽ tràn chảy niềm vui và hạnh phúc để sống đời dâng hiến trong sự thanh bần, nghèo khó. Đó là ơn Thiên Chúa ban. Trong Dòng Tên, đối với thánh Inhã, khó nghèo vật chất của Giêsu hữu là một ân sủng, nó giống như một kho báu trong cánh đồng của Thiên Chúa, và là “điều được Thiên Chúa yêu thích” . Ân sủng này (sự khó nghèo) luôn luôn mang lại niềm vui và bình an cho người khát khao sống nó, hơn thế nữa, niềm vui và bình an này không ở lại riêng nơi người tu sĩ, mà nó còn được chảy tràn, thông chia, lan toản đến những người xung quanh, đặc biệt là những người nghèo hèn khốn khó. Do đó, có thể nhấn mạnh lại rằng: khó nghèo là ơn Thiên Chúa ban và nhiệm vụ của bản thân tôi là phải hiểu rõ về khó nghèo và phải khao khát sống nó, và nhờ đó tôi được trao ban chính mình cho Thiên Chúa và tha nhân.

1.2 Trao Ban Chính Mình cho Thiên Chúa và tha nhân

“Thánh I-nhã lúc chưa hoán cải, ngài con mê mải danh vọng … sau đó Ngài nhận ra kiêu ngạo (pride) đưa đến: hủy diệt chính mình. Chỉ có khó nghèo mới giúp thoát những cạm bẫy đó. Vì kiêu ngạo, tự mãn (self-suficiency) cản trở việc trao ban chính mình cho Thiên Chúa, và tha nhân (life-giving).” Theo một nghĩa nào đó, tôi có thể thấy ý nghĩa đời sống khó nghèo được manh nha từ đây, nghĩa là để đi ngược lại lối sống kiêu ngạo, và để trao ban chính mình cho Thiên Chúa và tha nhân tôi cần sống sự khó nghèo. Chính trong lối sống khó nghèo tôi dễ dàng sống khiêm hạ như Chúa Giêsu và từ sự khiêm hạ, tôi dễ dàng đến với tha nhân để sống cùng, đồng cảm và đỡ nâng họ hơn. Đây chính là đặc nét nổi bật của sự khó nghèo.

Nhìn theo một khía cạnh khác, nếu không có khó nghèo, đời tu sẽ bị suy yếu, bị bào mòn, và phá hủy lối hiện hữu của người tu sĩ. Vì bản chất của đời tu là “thánh hiến” (dành riêng) cho Thiên Chúa ngang qua sự phục vụ vô vị lợi nơi tha nhân, mà như chúng ta biết, tha nhân là ẩn thân của Thiên Chúa (Mt 25,42). Rao giảng Tin Mừng trong sự nghèo khó là một dấu chứng hùng hồn, thuyết phục và cảm hóa tha nhân rất nhiều. Khi nhìn về lịch sử Dòng Tên, chúng ta thấy: “được thúc đẩy bởi Thần Khí của Đức Giêsu, thánh I-nhã và những người bạn đầu tiên đã cảm nhận được lời mời gọi “rao giảng trong nghèo khó” , và thực sự nhiều người đã được biến đổi, hoán cải rất nhiều nhờ đời sống khó nghèo và lời rao giảng hùng hồn của các ngài . Tính xác thực của đời sống khó nghèo nằm ở chỗ đó, và đây cũng là cơ sở, phương cách để tôi học theo những Giêsu hữu ban đầu trong việc bước theo Đức Kitô một cách rõ ràng, dứt khoát, và “khó nghèo và khiêm hạ” như tôi đã được học trong Linh Thao.

II. MỤC ĐÍCH ĐỜI SỐNG KHÓ NGHÈO

2.1 Tinh Thần Của Đức Giêsu

“Người nói:"Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo… Các ông ra đi, rảo qua các làng mạc loan báo Tin Mừng và chữa bệnh khắp nơi.” (x.Lc 9,1-6). Đoạn Tin Mừng trên cho chúng ta thấy giáo huấn của Đức Giêsu khi sai mười hai Tông Đồ đi rao giảng Tin Mừng, những chỉ thị của Ngài khá đơn giản: đừng mang theo những gì bên mình…Tại sao vậy? thưa đó là cách thế làm cho người môn đệ Đức Giêsu được sẵn sàng, ứng trực hơn trong sứ mạng cũng như được tự do, thanh thoát hơn khỏi mọi quyến luyến lệch lạc…

Chúng ta thừa nhận rằng: đời tu không có gì khác hơn ngoài việc một tu sĩ bước theo Đức Giêsu và noi gương bắt chước Ngài trong mọi sự (phục vụ tha nhân, rao giảng Tin Mừng, sống khiết tịnh, vâng phục…), xét riêng trong chiều kích này, đó là sự nghèo khó và trần trui trên thập giá (to imitate Jesus Christ of poverty, naked on the cross). Trần trụi trên thập giá, dĩ nhiên ở đây không hiểu theo nghĩa đen, nhưng nó diễn tả một sự khó nghèo tận căn. Đọc Tin Mừng, chúng ta sẽ thấy Thiên Chúa yêu sự khó nghèo, Chúa Giêsu sinh ra, sống và chết trong sự nghèo khó (God love the poverty, Jesus was born, lived and died through the poverty). Là môn đệ Chúa Giêsu, người tu sĩ yêu mến tinh thần của Ngài đó là cái nghèo khó thực sự, và tận căn, điều đó thì thật là chính đáng và phải đạo.

2.2 Sống khó nghèo, người tu sĩ gần gũi hơn với người nghèo.

Việc sống khó nghèo sẽ giúp người tu sĩ gần gũi hơn với người nghèo, làm bạn với họ và có cùng cảm thức với họ (To be close to the poor, to make friend with the them to have the same their senses). Điều đáng lưu ý là : người nghèo thì đặc biệt trong mắt Thiên Chúa (The poor is special in God’s eyes), khi đọc các Kinh Thánh chúng ta sẽ thấy điều đó (Tv 10,17; Tv 35,10; Hc 35,13…). Nếu chúng ta là bạn của người nghèo, chúng ta cũng là bạn của Vua Hằng Sống (If we are the friend of the poor so we are the friend of Eternal King.), đơn giản bởi vì Thiên Chúa yêu quý cách riêng những người nghèo hèn, thấp bé…(Tv 72,2; Tv 76,10).

2.3 Xa Lánh Tội Lỗi và Được Sự Sống Đời Đời Làm Gia Nghiệp

Đời sống khó nghèo sẽ giúp người tu sĩ không dễ dàng phạm tội nhưng dễ dàng trở về với Thiên Chúa và nghe theo tiếng Chúa Thánh Thần hơn. (The poverty will helps us to be not easy to commit sins, but to be easy to return with God and to hear the voice of Holy Spirit.) Xét theo hoàn cảnh thực tế, nếu một người sống giàu có, họ sẽ dễ dàng tự mãn (self-suficiency), cho mình đầy đủ chẳng cần lệ thuộc vào ai…đó là điều khá nguy hiểm vì họ khó lòng mà nghe được tiếng Chúa Thánh Thần mời gọi, hoặc tệ hơn là những tiếng kêu la thảm thiết của những người nghèo hèn, đói khổ...

Sống ở đời này người tu sĩ là người nghèo khó, nhưng sau khi chết, họ sẽ trở nên giàu có. (This poor world but after died they will be rich). Họ dám từ bỏ mọi sự theo Chúa Giêsu, họ sẽ có tất cả mọi thứ. (Denying everything to follow Jesus, they will have all things). Chính Chúa Giêsu đã xác chuẩn điều này khi “ông Phê-rô lên tiếng thưa Người: "Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì? " Đức Giê-su đáp: "Thầy bảo thật anh em là những người đã theo Thầy… và phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp” (Mt 19, 27-29).

III. TÍNH CHẤT ĐỜI SỐNG KHÓ NGHÈO

Đời sống khó nghèo có rất nhiều tính chất, nhưng có thể nói 3 chiều kích nổi bất nhất đó là khó nghèo mang tính thần bí, tính khổ chế và tính tông đồ. Chúng sẽ được triển khai trong các phần dưới đây.

3.1 Khó Nghèo Mang Tính Thần Bí

Tại sao lại nói: Khó nghèo mang tính thần bí? thưa vì khi người tu sĩ sống đời sống khó nghèo thực sự, tân căn…họ hoàn toàn không có của cải vật chất, hay mọi thứ gì nơi trần thế bám víu…họ chỉ có thể biết đặt trọn vẹn niềm tin tưởng, cậy dựa vào Thiên Chúa. Điều đó liệu có xảy ra không? Thưa, tính thần bí nằm ở chỗ đó, vì sự khó nghèo thực sự đòi người tu sĩ phải sống với đức tin mạnh mẽ, nghĩa là dám chấp nhận hoàn cảnh nghèo của mình, tình trạng bấp bênh…của cuộc sống và họ đặt trọn niềm hy vọng, tín thác vào Thiên Chúa hơn là cậy dựa vào của cải chóng qua ở đời này. Dĩ nhiên, chúng ta cũng phải hiểu rằng: “Mọi thụ tạo, vật chất tự nó không tốt cũng không xấu, vì được Thiên Chúa dựng nên. Nó phải được dùng đúng với mục đích nó được dựng nên” (Linh Thao 23). Tuy nhiên, điều này (lối sống khó nghèo) không phải ai cũng có thể sống được và cũng không phải mọi tu sĩ sống được, nó đòi hỏi phải có một sự bình tâm hoàn toàn. Đó chính là tính thần bí, bởi vì là thần bí nên không phải ai cũng hiểu và sống được.

3.2 Khó Nghèo Mang Tính Khổ Chế

Khó nghèo mang tính khổ chế vì quy Kitô, nghĩa là đời sống người tu sĩ trở nên ngày càng giống Chúa Giêsu Kitô nghèo khó hơn. Đấng mà “vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế.” (x.Pl 2, 6-7). Đây chính là mầu nhiệm của sự hủy mình Kenosis, là làm rỗng chính mình (Sefl-emtying) mà người tu sĩ cần học đòi.

Bên cạnh đó, khó nghèo mang tính khổ chế vì mục đích: bỏ quyến luyến lệch lạc, quay trở về cùng Thiên Chúa, và bản thân người tu sĩ sẽ được biến đổi. Họ sẽ được biến đổi để trở thành một khí cụ (linh hoạt, ứng trực…) của Chúa. Đây là quan điểm của lý thuyết ba chặng đường (thanh luyện, soi sáng và thần hiệp). Sống tinh thần khổ chế trong sự khó nghèo, người tu sĩ sẽ dễ đi vào việc hoán cải thực sự của con tim hơn là việc ngồi duyệt xét lại bộ luật về nghèo khó.

3.3 Khó Nghèo Mang Tính Tông Đồ

Sự khó nghèo của người tu sĩ có tính tông đồ bởi vì sự khó nghèo làm chứng cho Thiên Chúa như là Chúa của đời sống chúng ta và là Đấng Tuyệt Đối duy nhất; Làm chứng cho Thiên Chúa, dĩ nhiên có nhiều cách, nhưng sống khó nghèo là một trong những cách dễ thấy nhất. Tu sĩ sống vâng phục, chỉ họ và anh em trong Dòng biết với nhau. Tu sĩ sống khiết tịnh, có lẽ chỉ có họ và Chúa biết. Thế nhưng khi người tu sĩ sống khó nghèo, không phải chỉ có Chúa biết mà tất cả mọi người đều nhìn thấy lối sống của họ.

Thật vậy, khi người tu sĩ sống khó nghèo thực sự, chính đời sống của họ sẽ cảm hóa tha nhân, và là lời chứng hùng hồn, sống động. Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI thường nói: “ngay nay người ta cần chứng nhân hơn thầy dạy”, và tục ngữ Việt Nam có câu: “Lời nói thì như gió bay, gương bày thì dễ lôi kéo”. Thật vậy, có lẽ người tu sĩ khó nghèo thực sự rao giảng Lời Chúa sẽ cảm hóa hơn là người tu sĩ sống trong cảnh sang trọng, xa hoa khi rao giảng Tin Mừng.

Hơn thế nữa, người tu sĩ sẽ được tự do ứng trực và thanh thoát hơn trong sứ vụ tông đồ nếu họ sống khó nghèo. Bởi vì, bản thân họ không bị lệ thuộc hóa vào của cải vật chất, nên sự ra đi của họ rất nhẹ nhàng, dễ dàng. Một khía cạnh khác, khó nghèo còn mang tính tông đồ khi nguời tu sĩ làm cho người khác nên giàu có bằng cái nghèo của của họ. Thật vậy, khi làm việc tông đồ, hay khi dấn thân vào sứ mạng… người tu sĩ không mang tiền bạc, của cải gì để giúp gì cho trung tâm, cho người cần giúp…ngoài sự quan tâm, chia sẻ động viên, đồng hành với cảnh sống, đồng cảm với nỗi đau…Điều quan trọng hơn cả là người tu sĩ đem Chúa đến cho mọi người, đem sự bình an của Chúa đến cho họ (Mt 10,12), gieo rắc niềm tin yêu, hy vọng vào Thiên Chúa, vào sự sống vĩnh cửu mai hậu...

IV. THÁCH ĐỐ CỦA ĐỜI SỐNG KHÓ NGHÈO

4.1 Sống Như Người Nghèo

Có một thách đố có thể xem là không nhỏ, khi người tu sĩ sống đời tận hiến là sống như người nghèo. Tại sao lại khó vậy? thưa, phục vụ người nghèo có thể dễ dàng, ví dụ như: đến thăm mục vụ người nghèo, hoặc chăm sóc cho những trẻ em, người đói khổ, bệnh tật…có thể dễ, nhưng để sống như họ quả là vấn đề không hề đơn giản. Sống như họ là sống cảnh đời bấp bênh, áo không đủ mặc, chăn không đủ ấm, cơm ăn bữa no, bữa đói…thậm chí nhiều ngày không có cơm ăn, sống trong cảnh nhà dột cột xiêu…nhu cầu sinh hoạt ở mức thấp nhất…đói khổ bệnh tật…thử hỏi người tu sĩ có dám sống như vậy không?

Khi tôi còn là một dự tu của giáo phận Long Xuyên, Đức Cha Giuse Trần Văn Toản, giám mục giáo phận đã chia sẻ cùng anh em chúng tôi: “các con mến! ngày nay số người đói nghèo, khổ cực trên thế giới rất nhiều…nhất là các nước Phi Châu, trẻ em, người già neo đơn bị chết đói nhiều vô kể…thế nhưng, cha chưa nghe thấy trên thế giới này, có một tu sĩ, giáo sĩ nào bị chết đói cả!”. Nhận xét đó làm tôi đau nhói tâm hồn. Người nào có thể chết đói, chứ riêng tu sĩ, giáo sĩ thì không hề. Có một vẻ gì đó buồn buồn nhỉ! Xem ra đời sống tu sĩ không đến nỗi nào.

Trở lại vấn đề, để người tu sĩ “phục vụ người nghèo và sống như họ”, đó là thách đố của mọi thời và mọi nơi. Xét về phương diện giáo dân, phục vụ người nghèo đã khó, sống như họ lại càng khó khăn hơn. Xét về phương diện dòng tu, phục vụ người nghèo có thể dễ, nhưng sống như người nghèo thì không hề dễ chút nào. Thành ra, việc đi theo, noi gương chính Đức Kitô đòi tôi phải dám sống như người nghèo, (vì Đức Kitô đã hạ cố làm người trong cảnh cơ bần và sống như mọi người ngoại trừ tội lỗi). Đây là một đòi hỏi có thể nói là không dễ đối với người tu sĩ.

4.2 Sống Tự Nguyện Nghèo Hay Sống Vì Luật?

Để sống khó nghèo không hề dễ, nó đòi buộc chúng ta phải tình nguyện (to live the poverty is not easy, therefor we need to voluntariness). Thường các tu sĩ thường nói: giữ luật thì luật sẽ giữ mình. Giữ luật khó nghèo, thì sẽ sống khó nghèo tốt ư? Có chắc là như vậy không? Xét về bộ giáo luật năm 1983 của Giáo Hội Công Giáo, về điều khoản sống khó nghèo, điều 600: Lời khuyên Phúc Âm thanh bần nhằm noi gương Đức Kitô, Đấng vốn giàu có đã trở nên nghèo khó vì chúng ta, ngoài nếp sống thanh bần thật sự và trong tinh thần cần cù, đạm bạc và siêu thoát đối với của cải trần gian, lời khuyên ấy còn bao gồm sự lệ thuộc và sự hạn chế trong việc sử dụng và định đoạt tài sản theo luật riêng của mỗi Tu hội. Giáo luật trình bày một cách khá chung chung về khó nghèo là noi gương bắt chước Đức Kitô, chẳng hề đưa ra một chỉ dẫn cụ thể nào, có chăng là tùy thuộc vào luật riêng của mỗi Dòng.

Nhưng xét cho cùng, luật nào thì luật, quan trọng hơn cả vẫn là sự hoán cải của tim. Một sự hoán cải tận căn để sống khó nghèo thì đáng quý hơn là việc thường xuyên duyệt xét lại bộ luật. Chính Chúa Giêsu đã nhấn mạnh điều đó khi Ngài nói: “phúc thay ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3). Tinh thần sống khó nghèo rất cần thiết cho đời tu, tinh thần khó nghèo mà người tu sĩ cần thủ đắc đó là sự tự nguyện. Thiết nghĩ, tự nguyện sống khiết tịnh vì Nước Trời thì vẫn có khả thể khi tự nguyện sống khó nghèo vì Nước Trời.

Thánh Phaolô đã nói về việc rao giảng Tin Mừng như sau: “Tôi mà tự ý làm việc ấy, thì mới đáng Thiên Chúa thưởng công; còn nếu không tự ý, thì đó là một nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó.” (1Cr 9,17). Thật vậy, điều gì mà tự nguyện sống thì đáng quý hơn là bị bắt buộc phải sống, nhất là những gì liên quan đến ba lời khuyên Phúc Âm. Hơn nữa, việc tự nguyện sống khó nghèo, nó làm người tu sĩ có niềm vui, lạc quan và hy vọng. (Living the poverty which helps them have the joyfulness, sanguine, and hope). Cách chung có thể nhìn nhận những phân tích trên ngang qua sự minh định của Giáo Hội: “tự nguyện sống khó nghèo để theo Đức Kitô là một dấu chứng ngày nay rất được quý trọng” .

V. GIÁO HỘI CỦA NGƯỜI NGHÈO

Thánh Lôrensô, một phó tế trong thời kỳ sơ khai của Giáo Hội, đã dành cả đời để cùng các tông đồ rao giảng Lời Chúa và chăm sóc người nghèo, đến cuối đời ngài đã thốt lên: “tài sản của Giáo Hội là người nghèo”. Thánh Augustine cũng gật đầu đồng ý khi ngài phát biểu: “ngân hàng đảm bảo, chắc chắn nhất của người Kitô hữu là người nghèo”. Người nghèo có một vai trò rất quan trọng trong đời sống của Giáo Hội, bởi vì họ là hiện thân của Thiên Chúa và Ngài yêu thương họ cách riêng. Phục vụ người nghèo cũng chính là cách phục vụ Thiên Chúa.

Đức thánh cha Phanxicô, tiền thân là tu sĩ Dòng Tên, ngài đã sống lời khấn khó nghèo và hiểu giá trị của nó, thế nên khi lên ngôi giáo hoàng, ngài đã không chỉ cổ võ một Giáo Hội nghèo vì người nghèo mà ngài còn diễn tả qua chính đời sống của mình: đơn sơm nghèo khó, gần gũi với mọi người, đặc biệt là những người nghèo khổ. Chính đời sống Đức Phanxico đã trở thành một tiếng chuông cảnh tỉnh cho hầu hết tất cả các linh mục, tu sĩ trong Giáo Hội về lối sống của mình giữa lòng thế giới ngày nay. “Trong cuộc gặp gỡ đầu tiên với giới truyền thông ngày 16-3-2013, sau khi được bầu làm Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha Phanxico đã mời gọi toàn Giáo Hội trở nên nghèo vì người nghèo. Ngài nói…ngày này chúng ta cũng đang có mối tương quan không tốt lắm với thọ tạo phải không? Phanxicô là vị thánh gợi nhắc cho chúng ta cái tinh thần của hòa bình, của khó nghèo…ôi! Tôi mong muốn biết bao có được một Hội Thánh nghèo và vì người nghèo” .

Khi đề cập đến đức tính khó nghèo, Đức thánh cha Phanxicô nói: “Thực tế là có quá nhiều chuyện về đói nghèo trên thế giới hôm nay là đáng hổ thẹn! làm sao có quá nhiều trẻ em đang chết đói, nhiều em không được học hành và nhiều người nghèo khó trong khi thế giới giàu có và có quá nhiều nguồn lực để nuôi tất cả mọi người? Nghèo đói hôm nay là tiếng khóc kêu cứu. Tất cả chúng ta cần nỗ lực trở nên nghèo hơn một chút. Làm sao tôi có thể làm cho mình trở nên nghèo hơn một chút để tôi có thể giống như Chúa Giêsu, vị Thầy nghèo khó” .

Khi nói về người nghèo, thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã phát biểu: “Trước tiếng kêu la ai oán của người nghèo, mẹ Giáo Hội phải cấm đoán các con không được cấu kết với bất cứ hình thứ bất công nào của xã hội. Từng tiếng kêu la ấy cũng bắt buộc các con phải thức tỉnh lương tâm trước những hoàn cảnh bi đát của những con người khốn khổ và trước những đòi hỏi của công bằng xã hội theo tinh thần Phúc Âm. Những tiếng kêu la ấy đang dẫn đưa một trong số các con đến sống với người nghèo trong những điều kiện của họ và chia sẻ những nỗi ray rứt của họ. Sau cùng, tiếng kêu la ấy đòi buộc các con phải sử dụng chừng mực và hiệu quả những của cải trong những sứ mạng Giáo Hội trao phó cho các con. Trong đời sống thường ngày, đích thân các con phải là những chứng tá sống động của sự nghèo khó đích thực” .

Đó là những tâm tình thổn thức không ngơi của các Vị đại diện Đức Kitô nơi trần gian, đó chính là những lời mời gọi đến toàn thể mọi người, cách riêng là các giáo sĩ, tu sĩ, những người sống đời dâng hiến. Không thể làm ngơ trước tiếng gọi của Chúa, lời kêu rên thống thiết của người nghèo… Điều cần thiết hơn cả là: sống cho, sống vì và sống với người nghèo, điều mà người sống đời tu cần thủ đắc, cần phải sống, cần phải khát khao sống. Người tu sĩ đang sống trong Giáo Hội, và muốn phục vụ Chúa ngang qua Giáo Hội, thế nên phải phục vụ người nghèo, bởi đơn giản Giáo Hội là Giáo Hội của người nghèo.

VI. CÁCH THỨC SỐNG KHÓ NGHÈO

Có rất nhiều sách viết về đời sống khó nghèo, những sách đó có thể cung cấp lý thuyết, kiến thức về sự khó nghèo. Nhưng hỏi thế nào để sống đời khó nghèo cách tốt nhất, hoàn thiện nhất. Tác giả nào cũng phải gật đầu thừa nhận rằng: đi tu là theo Chúa Giêsu, nên mẫu gương sống đời tu hoàn hảo nhất là chính Ngài. Thánh Phaolô cũng đã xác nhận điều này khi nói: “anh em hãy bắt chước tôi như tôi bắt chước Đức Kitô” (1 Cr 11,1). Vậy, để sống đức khó nghèo tận căn, và thành toàn, thiết tưởng người tu sĩ phải noi gương bắt chước, rập đời mình theo khuôn mẫu cuộc đời Chúa Giêsu Kitô.

6.1 Noi Gương Đức Kitô Sống Khó Nghèo

Công đồng Vaticano II đã chỉ cho người tu sĩ một nguyên tắc cụ thể trong việc thực hành đức khó nghèo đó là: “khó nghèo mang đầy đủ ý nghĩa nhờ việc theo Chúa cách trọn vẹn hơn; người ta chọn đức khó nghèo như con đường để theo Đức Kitô cách gần gũi hơn. Thật vậy, người tu sĩ được nhắc nhở rằng ngày nay đời sống nghèo là một dấu chỉ rạng ngời của việc noi gương Đức Kitô, và họ được thúc bách hãy thực thi đức khó nghèo một cách hoàn hảo.”

Đức Giêsu đã dạy và sống khó nghèo như thế nào? Chúng ta hãy đọc Tin Mừng và sẽ thấy được điều đó. Khi sinh ra, Chúa Giêsu đã chọn cảnh nghèo hèn túng bần, nơi hang lừa máng cỏ (Lc 2,7), sống ẩn dật tại vùng quê nghèo hẻo lánh, Na-da-rét, nơi mà như Na-tha-na-en đã nói: “Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được?” (Ga 1,46). Trên hành trình rao giảng Tin Mừng, Ngài đã sống như đã nói: “con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9,58). Cuộc sống của Ngài không phải lúc nào cũng no nê, cũng phải có bữa no, bữa đói… Đói đến độ mà các môn đệ phải bứt lúa ngoài đồng mà ăn (Mt 12,1), nếu không thì Thầy trò phải đi ăn ké nhà này nhà kia (Mc 1,30; Mt 9,10…). Đến khi chết Đức Giêsu cũng phải chịu cái chết trơ trẽn, trần trụi trên thập giá, cái chết thật nghèo nàn! (Mc 23,34). Chúa Giêsu đã hạ cố, đồng hóa mình với người nghèo, sống như họ mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi.

Đức Giêsu đã đi bước trước trong việc sống khó nghèo vật chất cũng như tinh thần. Ngài cũng dạy các môn đệ bước theo Ngài trong sự khó nghèo, bước đầu đó là: “Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó vì Nước Trời là của họ” (Mt 5, 3), kế đến có những kẻ đòi theo Ngài, nên Ngài khuyên họ cân nhắc kỹ vì: “con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8,20), và “anh hãy bán hết tất cả tài sản anh có, rồi sau đó theo Tôi”, khi có nhiều môn đệ bước theo, Ngài khuyên họ: “Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi. Vì kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó.” (Mt 6,19-21), lúc khác ngài nói: "Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6,16) và "Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu." (Lc 12,15). Khi sai các tông đồ đi rao giảng Tin Mừng, Ngài dạy: “Anh em hãy ra đi, đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép…và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công.” (Lc 10,3-7). Khi nói về những người giàu có, Đức Giêsu đã nặng lời chỉ trích: "Thầy bảo thật anh em, người giàu có khó vào Nước Trời. Thầy còn nói cho anh em biết: con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa." (Mt 19, 23), và “khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi” (Lc 6,24), Đức Giêsu còn minh họa dụ ngôn người phú hộ giàu có và Lazaro (Lc 16,19-31).

Nói chung, Đức Giêsu dạy các môn đệ sống nghèo khó với tinh thần phó thác hoàn toàn, tin tưởng vào Chúa quan phòng (Lc 12:22-31). Tin vào Chúa sẽ cung cấp đủ nhu cầu ăn uống hằng ngày, vì chính Ngài đã dạy các môn đệ trong kinh Lạy Cha: “xin cho chúng con hôm nay có lương thực” (Mt 6,11). Theo chú giả của thánh Cypriano: ai cầu xin hôm nay có lương thực, thì đó là người nghèo. Đức Giêsu là tác giả và là khuôn mẫu của lối sống nghèo khó vì nước trời (2 Cr 8,9), để đi theo Đức Giêsu hủy mình trong sự nghèo khó và khiêm hạ, người tu sĩ cần có một đức tin và lòng mến mạnh mẽ để ao ước và đón nhận lối sống như Ngài. Thật vậy, người ta chỉ từ bỏ những tài sản hữu hình vì tin vào một tài sản vô hình, như Phúc Âm (Mt 6,20) đã dạy, và Công Đồng Vatican II đã khuyến cáo “Đức khó nghèo cốt tại chiếm hữu kho báu trên trời” (PC 13).

VII. SUY TƯ CÁ NHÂN

Xét theo một khía cạnh nào đó, khó nghèo và khiết tịnh có liên hệ mật thiết lẫn nhau. Khó nghèo chỉ một mình mình có thể sống dễ dàng, nhưng ngược lại nếu có gia đình, thì việc ta sống khó nghèo thật khó khăn, vì phải chăm lo về phương diện kinh tế cho đời sống của vợ con, ít là phải ở mức tối thiểu so với cuộc sống đương thời. Sống khó nghèo có thể giúp tôi sống khiết tịnh tốt hơn. Nếu tôi là một tu sĩ, với lắm tiền nhiều của, tôi có thể phung phí vào những nhu cầu chi tiêu không cần thiết, dần dần, tôi sẽ dễ dàng sa đà vào những lối sống hưởng thụ vật chất và có nguy cơ cao vướng vào “tình ái”, và tôi sẽ dễ dàng vi phạm vào lời khấn khiết tịnh.

Đang khi đó, với tôi, khó nghèo tận căn chính là sự bỏ mình, vì “hình thức khó nghèo tận căn: nghĩa là không hệ tại vào việc đưa chúng ta về phương diện địa lý hay xã hội, đến một nơi nghèo nàn, mặc dù điều ấy có thể là một hệ quả tất yếu. Khó nghèo tận căn là điều gì đó sâu xa hơn nhiều. Nó hệ tại sự từ bỏ chính mình, quên đi cái tôi, thôi sùng bái cái tôi, và thôi nuông chiều cái tôi” . Bên cạnh đó, nếu tôi sống khó nghèo tự nguyện nghĩa là tôi sẽ thoát khỏi quyền lực của sự xấu xa và quyền lực của cải vật chất. Đây là sự thật, bởi khó nghèo tự nguyện là sự tin tưởng hoàn toàn nơi Thiên Chúa, dám để Ngài đáp ứng cho mọi nhu cầu của tôi theo sự quan phòng tình yêu của Ngài.

Nếu tôi khấn khó nghèo thì lối sống của tôi phải phù hợp với thực tế, như những người nghèo đương thời, quanh tôi. Nghĩa là một đời sống bấp bênh như Đức Kitô nghèo khó đã diễn tả: “con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9,58). Vì có những lúc phải cảm nghiệm một số hậu quả của nó , và đó là kinh nghiệm cá nhân. Thế nhưng, tôi cũng có lý do để tự hào, và can đảm để sống đời nghèo khó này, vì tôi biết chắc được phần thưởng dành cho tôi, khi bỏ mọi sự mà theo Đức Giê-su “…thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp.” (Mt 19,29). Vấn đề còn lại là Tin-Yêu, kết hiệp với Đức Giêsu và sống đời khó nghèo như Ngài mà thôi.

Minh Đức S.J.

Tài liệu tham khảo:

ĐTC Gioan Phaolo II, tiến về ngàn năm thứ ba, p. 234

The Letter Of Saint Ignatius About The Poverty (gửi anh em tại Padua)

LT 147

Tự thuật thánh I-nhã, số 1.

Tham khảo tài liệu: Ignatian Insights Into Evangelical Poverty của Donad C. Maldary

x. HP 553, 816. Cũng x. Thư gởi các linh mục và tu huynh tại Padua (7-8-1547) MHSI Epp.S.Ign., I, 572-577. Mặc dầu được cha Polanco viết dưới sự đề nghị của thánh Inhã, lá thư chất chứa quan điểm của Vị Sáng Lập về khó nghèo được hiểu như là quà tặng của Thiên Chúa, Đấng đã đưa các Giêsu hữu đến với người nghèo, “những người bạn của vị Vua Hằng Sống”

Thư gửi Jaime Cassador, 12-2-1536, S.Ign., Epp.

Tự thuật thánh I-nhã, số 95.

x. LT 116

Thư gởi các linh mục và tu huynh tại Padua (7-8-1547)

Tham khảo tài liệu Statutes on Religious Poverty SJ, số 14, p.7

Theo tổng hội 34 - Sắc lệnh 9, số 4.


Sắc lệnh về Canh tân Thích nghi Đời tu của Công đồng Va-ti-ca-nô II (Perfectae caritatis) (PC, s13).

Hiến chế Tín Lý Lumen Gentium, số 8

Lm. Nguyễn Công Đoan, S.J., cầu chuyện về danh hiệu Phanxico do Đức Thánh Cha Phanxico kể, Nguyệt san Công giáo và Dân tộc, số 219m p.42.

Đức Phanxico nói với các em: “Cha không muốn làm giáo hoàng”, Báo Công giáo và Dân tộc, số 1912m p.25

Tông huấn Chứng Tá Tin Mừng, Evangelica Testificatio, số 17.

Sắc lệnh về Canh tân Thích nghi Đời tu của Công đồng Va-ti-ca-nô II (Perfectae caritatis) (PC, s13).

Josó Crisiorey Gracia Paredes, CMF, Poverty for the Kingdom (Quezon City: ICLA and Claretian Pubilications, 1996)

x. HP 287

GC 31, D.18, no. 10

0 Comments: