20 SUY NIỆM NGẮN VỀ MẦU NHIỆM THẬP GIÁ
1. Lễ suy tôn thánh giá nhắc nhớ ta hãy chiêm ngắm Đấng bị treo trên thập giá và bị đâm thâu vì nhân loại.
2. Có thể ta dễ bị cám dỗ khi muốn bước theo một Đức Giêsu vinh thắng, khải hoàn hơn là một Đức Giêsu đang vác thập giá và chịu khổ nạn.
3. Có nhiều lúc, ta nhìn và đối diện với thập giá hằng ngày với niềm vô vọng, một thập giá vắng bóng Chúa Giêsu Kitô. Bởi nếu cố gắng tìm kiếm Chúa Giêsu không vác thập giá, có thể ta sẽ phải đối diện với thập giá không có Chúa Giêsu.
4. Thập giá như chiếc thang nối giữa trời với đất: Chúa Giêsu đã từ trời xuống thế, để dẫn con người lên trời với Ngài qua mầu nhiệm thập giá.
5. Thập giá Chúa Giêsu chính là mầu nhiệm tình yêu. Thật vậy, có nhiều cách thế để Thiên Chúa cứu độ con người, nhưng Thiên Chúa đã chọn con đường thập giá, khổ nạn để minh chứng tình yêu của Người cho nhân loại.
6. Thập giá giúp ta thanh luyện tâm hồn nên trinh trong hơn trước những nhuốc nhơ tội lỗi.
7. Tự mình vác thập giá sẽ nặng nề, nhưng có tình yêu Thiên Chúa thập giá sẽ trở nên nhẹ nhàng và ý nghĩa hơn.
8. Mỗi khi đau khổ, nhìn lên thập giá Chúa, ta sẽ được chữa lành và cứu độ (Ga 3,13).
9. Linh đạo thập giá dành cho tất cả những ai muốn cắm rễ sâu vào việc rèn luyện tu đức và sống kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu (Mt 16,24).
10. Đồng hình động dạng với Chúa Giêsu vác thập giá đó là sự bỏ mình và trần trụi. Kinh nghiệm về sự bơ vơ, bị tước đoạt, phản bội, chịu đau khổ, hy sinh và bất công...vì Chúa là dấu chỉ cho thấy ta đang trung thành bước theo Người.
11. Vác thập giá là đi qua con đường hẹp, “bởi vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó” (Mt 7,23).
12. Nếu biết chìm sâu trong tình yêu Chúa thì ta có thể “chuyển hóa” thập giá thành cơ hội để nên thánh hơn là một chướng ngại vật phải vượt qua bằng sức riêng mình.
13. Thập giá không phải điểm kết của một bi kịch nhưng đúng hơn, đó là cánh cổng để bước vào Nước Trời.
14. Đời sống Kitô hữu nói chung và những người sống đời thánh hiến nói riêng, sẽ trổ sinh hoa trái thiêng liêng khi và chỉ khi họ biết cắm rễ sâu vào mầu nhiệm thập giá. Họ vui vẻ sống tình yêu hiến tế trên bàn thờ thập giá tựa như Chúa Giêsu Kitô (Tông Huấn Đời Sống Thánh Hiến, số 23,24).
15. Yêu thương người thân cận bằng cách vác thập giá mình cùng với họ. “Anh em hãy mang vác gánh nặng cho nhau” (Gal 6,2).
16. Nhà thần học Karl Rahner đã từng nói: “muốn biết Thiên Chúa là ai, phải quỳ dưới chân thập giá và cùng lúc hướng về cánh cửa Phục Sinh mở ra”.
17. “Đức Giêsu Ki-tô Chịu - Đóng - Đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng con, chúng con thờ lạy Chúa, chúng con chúc tụng Chúa vì Chúa đã dùng Thánh giá mà cứu chuộc trần gian” Châm Ngôn của dòng Mến Thánh Giá.
18. Thomas Kempis đã viết trong sách sách “Gương Chúa Giêsu” về mầu nhiệm thập giá như sau: “Có rất nhiều kẻ muốn lên thiên đàng với Chúa Giêsu, nhưng rất ít kẻ muốn vác Thánh giá với Người; Nhiều kẻ ước ao được ơn an ủi của Người, nhưng ít kẻ muốn chịu thử thách với Người; Nhiều kẻ muốn dự tiệc với Người, nhưng ít kẻ muốn chịu thiếu thốn với Người; Nhiều kẻ muốn vui hưởng với Người, nhưng ít kẻ sẵn sàng chịu sự gì khó với Người; Nhiều kẻ muốn theo Chúa Giêsu đến bàn tiệc bẻ bánh, nhưng ít kẻ dám uống chén đắng với Người; Nhiều kẻ tôn sùng các phép lạ của Người, nhưng ít kẻ muốn chịu xỉ nhục với Người.”
19. Thay vì đón nhận thập giá với thái độ xót xa, cay đắng và bất mãn thì hãy vui vẻ đón nhận thập giá như một ân ban từ Thiên Chúa dành cho những kẻ mà Ngài thương mến. Hãy hãnh diện về điều đó như thánh Phaolô từng nói: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian” (Gl 6,14)
20. Hãy tâm niệm những lời khuyên về thập giá của thánh Phaolô: ““Tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giê-su Ki-tô, mà là Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá”(1Cor 2,2); “Tôi mang trong thân mình tôi cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, ngõ hầu sự sống của Chúa Giêsu cũng được tỏ hiện nơi thân xác chết dở của tôi” (2Cor 4, 10); “Tôi thông phần vào các sự thống khổ của Chúa Giêsu, để được đồng hình đồng dạng với sự chết của Ngài, để làm sao đạt tới ơn Phục sinh từ cõi chết” (Pl 3, 10-11); và “hoàn tất những gì còn thiếu nơi các nỗi quẩn bách Đức Kitô phải chịu.”(Cl 1, 24). “Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ” (1Cor 1, 22). Thế nhưng, “Cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1Cr 1,25).
14.9.2024 Lễ Suy Tôn Thánh Giá
Minh Đức, S.J.
0 Comments:
Đăng nhận xét