TÓM TẮT QUY TẮC PHÂN ĐỊNH THẦN LOẠI CỦA THÁNH I-NHÃ
Để thăng tiến trên đường thiêng liêng, thiết nghĩ mỗi người cần có sự hiểu biết về tiến trình của con đường này. Phân định thiêng liêng là một công cụ trợ giúp đắc lực cho tiến trình này, có thể nói nó như kim chỉ nam cho người muốn phụng sự Thiên Chúa theo linh đạo thánh I-nhã. Phân đinh thần loại trong đời sống thiêng liêng là phương cách thánh I-nhã đã đúc kết lại từ kinh nghiệm bản thân và viết lại trong sách Linh Thao. Từ những kiến thức và kinh nghiệm có được khi sống linh đạo thánh I-nhã, tôi sẽ tóm lược cách khái quát về quy tắc phân định thần loại như một quy trình tự nhiên nơi đời sống thiêng liêng của một Ki-tô Hữu.
1. Hai Thần Loại
Trước hết, cần giả định và thừa nhận rằng: có hai thực thể song hành luôn kề bên ta trong đời sống thiêng liêng, mà theo ngôn ngữ của thánh I-nhã đó là “thần lành và thần dữ”. Thần lành kéo lôi, hướng chúng ta về với Thiên Chúa, về nguồn thiện hảo tối cao. Ngược lại, thần dữ đu bám, ghì kéo chúng ta hướng xa Thiên Chúa, về những sự hư vô, trần tục, thấp hèn.
Một người khi xa phạm hết tật xấu này, đến tật xấu khác, thần dữ thúc dục họ cứ đắm chìm trong vũng lầy tội lỗi, càng giãy giụa càng lún sâu, tận hưởng chúng mà không bao giờ no thỏa…chỉ thấy bất mãn và xót xa. Đang khi đó, thần lành tác động vào lương tâm họ, làm người đó bứt rứt, giày vò và bất an. Khi người đó muốn dứt bỏ đường tội lỗi, quay về cùng Thiên Chúa, thần dữ sẽ vào cuộc, nó sẽ làm cho họ thấy bứt rứt, buồn chán và muốn bỏ cuộc vì nhiều trở ngại, lắng lo về quá khứ, tương lai… Đang khi đó, thần lành khích lệ họ hãy cố gắng lên! Thiên Chúa sẽ đỡ nâng, trợ lực và dẹp bỏ những trở ngại của kẻ thù. Đó là sự giằng co tâm can của những người mong muốn trở về cùng Thiên Chúa, đây cũng là điều thánh Phaolô đã nhắc đến trong thư Rm 7,19.
2. An Ủi Thiêng Liêng Và Sầu Khổ Thiêng Liêng
Thánh I-nhã trình bày thêm về những an ủi thiêng liêng (AUTL) và sầu khổ thiêng liêng (SKTL) mà những người muốn tiến về đường trọn hảo nơi Thiên Chúa phải kinh qua. Trước hết là AUTL, nó là nguồn mạch thiêng liêng làm cho họ bừng cháy lửa yêu mến Thiên Chúa, xem thường các thụ tạo vì tính yếu hèn, hư vô của chúng. AUTL làm bản thân họ gào khóc vì lòng yêu Chúa, vì lỗi lầm đã trót phạm đến Chúa, vì tội đó mà Chúa Giêsu phải chịu khổ hình nhuốc nha, đau đớn thảm thiết…Họ khóc vì muốn làm lại cuộc đời, muốn sống vì tình yêu Thiên Chúa và diễn tả tình yêu đó qua việc phụng sự Thiên Chúa và phục vụ Người qua tha nhân, với chỉ mục đích duy nhất là vinh danh của Thiên Chúa mà thôi. Nói chung, AUTL làm họ tăng trưởng hơn về 3 nhân đức đối thần, họ hướng lòng về ơn cứu rỗi của mình, và trong Chúa họ được bình an sâu thẳm.
Ngược lại với AUTL đó là SKTL. SKTL, nó là nguồn mạch làm cho tâm hồn (soul) của người muốn trở về cùng Thiên Chúa phải ra tăm tối, xao xuyến, bồn chồn, hoang mang…(các nhà tu đức gọi là đêm tối tâm hồn). SKTL kèo ghì người đó với những khát mong phàm trần, tục thế, và hư vô. Kèm theo đó là những đa mang, bối rối…vùng vằng, dùng dằng mãi mà không thể làm gì tốt hơn, và cách duy nhất đó là chểnh mảng, lười biếng với những việc thiêng liêng…hệ quả là họ thấy buồn sầu, chán chường, khô khan…họ thấy mình đang rời xa Thiên Chúa mà không thể làm gì hơn. Bế tắc…Cám dỗ đến mạnh mẽ với họ, làm họ không còn tin tưởng nơi Thiên Chúa quan phong, chẳng còn trông cậy nơi Thiên Chúa tình yêu…
Vậy khi SKTL ta nên làm gì? Thánh I-nhã khuyên nhủ người đó: không nên thay đổi những gì đã quyết định trước đó (Vd: người sống đời hôn nhân cảm thấy sầu khổ và muốn ly dị, ly thân), và một lòng kiên định trong việc cây trông vào Thiên Chúa, thể hiện qua việc kiên nhẫn cầu nguyện, phản tỉnh…xét mình kỹ lưỡng hơn, kèm theo một ít hoặc có thể nhiều việc khổ chế, nhiệm nhặt, hy sinh. Cũng đừng quá bi quan, nhưng hãy kiên nhẫn để chiến đấu với kẻ thù, chịu đựng những cám dỗ và hằng tin cậy nơi Thiên Chúa.
Vậy nguyên nhân tại sao một người bị SKTL? Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng có thể tóm gọn trong 3 nguyên nhân chính sau đây: thứ nhất là lười biếng, chểnh mảng trong việc cầu nguyện, thiếu nhiệt huyết, quảng đại trong việc thiêng liêng; thứ hai có thể là cách thức Thiên Chúa thử luyện họ, Người muốn họ thăng tiến hơn trên đường nhân đức, thiêng liêng, và cũng là dịp xem nếu không có ơn AUTL, họ sẽ yêu mến, phục sự Thiên Chúa như thế nào? Tình yêu và sự trưởng thành thiêng liêng sẽ được minh chứng trong giai đoạn này; sau cùng, có thể nhờ SKTL, mà người đó nhận ra được ân sủng cách nhưng không từ Thiên Chúa, qua đó họ biết khiêm nhường hơn.
Vậy có những chiêu trò nào mà kẻ thù thường bày ra, cản trở cho những người đang tiến triển trên đường thiêng liêng? Thánh I-nhã vạch ra 3 trò bịp bợm mà kẻ thù giăng bẫy, đó là cách thứ I: kẻ thù như một bà già lắm lời, “già mồm”, làm cho người đó điên đầu nặng óc, bấn loạn tinh thần và cuối cùng đành buông xuôi theo nó cho êm chuyện. Cách thức chống trả lại đó là phương pháp Agere Contra nghĩa là làm ngược lại, (vd: ma quỷ khơi lên những hình ảnh nhục dục trong trí tưởng tượng, và những cảm giác lạ, khoái lạc… tôi mong muốn và chuẩn bị chuẩn bị đi vào khách sạn làm điều không hay đó, cách làm ngược lại là tôi không đi đâu, cứ ở yên một chỗ). Cách thứ II của kẻ thù đó là như kẻ si tình, nó quyến rũ con gái nhà lành, và dặn cô ta đừng nói với ai, dần dần nó sẽ làm siêu lòng và dẫn cô gái đó theo đường của nó, (vd: ma quỷ khơi lên ý tưởng phạm tội âm thầm, kín đáo). Cách thức chống trả là cần trong sáng (transperence) với bề trên, với linh hướng của người đó (sẽ được giúp nhiều nếu chia sẻ với người dày dặn kinh nghiệm thiêng liêng). Cách thứ III của kẻ thù, cách này mạnh mẽ nhất đó là nó như tướng quân, dạo quanh tìm điểm yếu để tấn công. Kẻ thù sẽ dùng toàn bộ binh lực mà tấn vào điểm yếu đó (vd: một người có tính dễ tự ái, ma quỷ sẽ luôn khơi lên trong người đó những tư tưởng như họ đã bị người khác xúc phạm, khinh thường… và cần trả đũa). Cách chống trả đó là cần tập luyện nhân đức trái ngược với yếu điểm đó (Cải tội 7 mối: Khiêm nhường-Kiêu Ngạo…) và cậy nhờ vào sự trợ giúp của Thiên Chúa và các thánh.
Một người khi đã tiến triển hơn trên đường thiêng liêng, và nắm rõ các chiêu trò của kẻ thù và thành thục trong cảm nếm AUTL và SKTL, họ sẽ bước qua một cấp bậc cao hơn (higher level). Ở cấp bậc cao hơn này, họ cần tỉnh táo, tinh tế hơn trên đường thiêng liêng, vì kẻ thù tinh vi, xảo trả, lưu manh hơn trước rất nhiều. Vì khi một người tiến triển trên đường thiêng liêng, Thiên Chúa phú ban cho họ nhiều ơn lành, soi sáng, thôi thúc họ tiến xa hơn nữa và tâm hồn họ sẽ ngập tràn tinh thần hoan lạc, bình an…bớt nhiều những buồn sầu, chán nản…Nhưng họ cũng nên cẩn trọng, vì kẻ thù nhân cơ hội này, lẻn vào (vào đường ta, ra đường nó, vd: làm việc lành phúc đức và tự dưng thấy mình trở nên hoàn hảo, tốt lành hơn những kẻ khác; dụ ngôn 2 người lên đền thờ cầu nguyện). Kẻ thù dùng sự sốt mến, niềm vui thiêng liêng, những suy nghĩ, hành động đạo đức…để “lèo lái” họ theo đường của nó, nghĩa là người đó sẽ đi lệch theo tinh thần của nó để hướng về những sự giả tạo, cầu kỳ, hư vô, danh lợi, kiêu ngạo…lúc nào mà không hay.
2.1. An Ủi Không Có Nguyên Do (AUKCND)
Với AUKCND này, nó thường xuất phát từ Thiên Chúa và làm cho người đó cảm thấy tràn ngập tình yêu, hy vọng, và niềm tin vào Thiên Chúa…(vd: đột nhiên họ thấy mình sốt sắng, yêu mến Chúa và các linh hồn, tránh phạm tội, siêng đi lễ, cầu nguyện, xét mình hơn). Họ cảm thấy hạnh phúc với ơn ban nhưng không này, lòng tràn ngập hoan hỷ, dư hưởng, cảm nếm sâu xa… và tình trạng của họ trở nên tốt hơn. Thế nhưng, họ cũng cần cẩn trọng với kẻ thù, vì ngay khi kết thúc AUKCND, kẻ thù có thể đột nhập vào tâm hồn họ và đang khi họ say men an lành…họ sẽ lệch đi theo hướng của nó mà không hay biết.
2.2. An Ủi Có Nguyên Do (AUCND)
Với AUCND, có thể nói cả hai thần lành và dữ đều có thể tác động đến họ. Thần lành làm cho họ hướng về Thiên Chúa, làm mưu ích cho linh hồn, để nó lớn lên và ngày càng tốt lành hơn, ngược lại, thần đữ nhắm đến họ, lôi họ theo ác ý tồi tệ của nó như đã trình bày trên.
3. Kết luận
Trong truyền thống Kitô giáo, phân định thiêng liêng luôn được đề cao và được xem không chỉ như là nhân đức khôn ngoan tự nhiên, nhưng còn là một trong những ơn của Chúa Thánh Thần (Benedicta Ward, “Discernment: A Rare Bird”, The Way Supplement 64 (1989), 10.) . Ngang qua sự phân định thiêng liêng chúng ta có thể tìm ra Thánh Ý Thiên Chúa cho cuộc đời mình và người khác. Phân định thiêng liêng cũng là cách thức giúp ta tỉnh thức trước những mưu mô, trò lừa phỉnh của ma quỉ, điều mà thánh Phêrô đã nhắc nhở chúng ta: “ma quỷ, thù địch của anh em như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1 Pr 5,8). Phân định thiêng liêng là một khí cụ tuyệt hảo trên và trong đời sống thiêng liêng, thế nhưng, nó cũng không phải dễ dàng thực hiện. Nó có thể xem như một môn nghệ thuật, cần thực tập thường xuyên, bởi nó khó nhưng không phải không làm được.
Phân định thiêng liêng cũng là ơn Thiên Chúa ban, nên một mặt ta tập luyện, một mặt ta tha thiết nài xin Thiên Chúa ban. Nếu ta thành thục trong việc nhận định thiêng liêng, cả lý thuyết lẫn thực hành, ta sẽ thủ đăc một phương tiện an toàn trên đường thiêng liêng và có thể trợ giúp không chỉ cá nhân ta mà có thể giúp nhiều người khác. Đó là di sản quý giá mà thánh I-nhã đã “tinh chiết” từ những thánh nhân tiền bối, và để lại cho hậu thể hưởng dùng. Nhờ bí quyết, công cụ nhận định thiêng liêng này chúng ta có thể cộng tác với Chúa Giêsu trong công trình cứu độ của Ngài, trong thế giới hôm nay.
Minh Đức S.J.
(Việc thực hành phân định thiêng liêng này như việc chơi đàn piano, nó rất khó (một số được ơn thiên phú), nhưng có những người kiên trì thực hành, và kết quả là họ thành công và đem những “khả năng” đó phục vụ cho người khác). Một chút hiểu biết nhỏ nhoi, xin được chia sẻ với mọi người, đặc biệt những ai khao khát muốn tiến triển trên đường thiêng liêng. A.M.D.G
0 Comments:
Không cho phép có nhận xét mới.