Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 29 tháng 3, 2023

Lý thuyết về tính xác thực của một mệnh đề theo William Ockham

Bộ môn: Triết học Trung Cổ

Lý thuyết về tính xác thực của một mệnh đề theo William Ockham 

Tháng 10 năm 2022 



Tóm tắt: Mục đích của bài viết là minh giải Lý thuyết mang tính xác thực của các mệnh đề xét như một lối nẻo diễn giải Logic ngôn ngữ theo William Ockham. Theo đó, lập luận của William Ockham về tính Logic là điều kiện cần thiết để xác thực các mệnh đề từ cá nhân đến phổ quát, và đó là nội dung của phần thứ nhất. Phần thứ hai trình bày một vài ghi nhận từ người viết về Lý thuyết mang tính xác thực nơi các mệnh đề của William Ockham.

Từ khóa: William Ockham, Tổng Luận Logic (Summa Logicae), Lý thuyết mang tính xác thực của các mệnh đề.

ĐÔI NÉT VỀ CUỘC ĐỜI TÁC GIẢ

William Ockham (1287–1347)   sinh tại Surrey, London. Khi 13 tuổi, ông được gia đình gửi vào tu viện Dòng Phan Sinh gần nhà. Vào khoảng 14 tuổi, ông đã lãnh nhận nền giáo dục căn bản về logic và khoa học tại trường trung học ở London Greyfriars. Từ khi 23 tuổi, Ockham đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu thần học và bình giải tác phẩm Sentences của Peter Lambard (một cuốn sách thần học căn bản thời đó). Năm 1321, Ockham trở về London để theo học chương trình thần học tại Oxford. Trong thời gian học, Ockham đã viết nhiều tác phẩm về triết học và thần học quan trọng.

Tuy nhiên, vào năm 1323, Ông bị cáo buộc về các tác phẩm của ông là dị giáo. Vì thế, Ockham bị triệu hồi về Avignon vào tháng 5 năm 1324 và phải giải trình các tác phẩm của mình trước các thần học gia của Tòa án Giáo Hoàng chống dị giáo tại Avignon. Trong khi đợi tòa án xét xử, Ockham đã hoàn tất tác phẩm thần học nổi tiếng Quodlibets. Cuối cùng, sau khi điều tra kỹ lưỡng, Tòa án đã không kết án các tác phẩm của Ockham là dị giáo. Thế nhưng, cũng tại Avignon, Ockham cùng tu sĩ Michael Cesena (Bề trên quản lý của Dòng), cả hai cùng tranh luận gay gắt về ý tưởng “Khó nghèo mang tính Tông đồ” giữa các tu sĩ Phan Sinh và Đức giáo hoàng đương nhiệm Gioan XXII. Cả Ockham và Michael đã có những cuộc chạm trán nghiêm trong với Đức giáo hoàng Gioan XXII. 

Ockham cho rằng lập luận của Đức Gioan XXII thậm chí không chỉ sai mà còn minh nhiên là dị giáo, dị giáo của một người cứng đầu, và vì thế Đức Gioan XXII nên thoái vị. Vào ngày 26 tháng 5 năm 1326, Michael Cesena, Ockham cùng các tu sĩ Phan Sinh khác đã trốn khỏi Avignon và đi lưu trú tại Ý. Hệ quả là Ockham chính thức bị vạ tuyệt thông vào ngày 6 tháng 6 năm 1328, vì rời khỏi Avignon mà không có phép. Năm 1329, Ockham đi đến Munich và ở đó cho đến khi qua đời, trong suốt thời gian đó, Ockham đã viết một số tác phẩm chính trị và ông đã qua đời vào ngày 10 tháng 4 năm 1347.

QUAN ĐIỂM CỦA WILLIAM OCKHAM VỀ LÝ THUYẾT VỀ TÍNH XÁC THỰC CỦA CÁC MỆNH ĐỀ

William Ockham có rất nhiều tác phẩm lớn, chúng được chia làm hai nhóm: các tác phẩm “học thuật” và các tác phẩm “chính trị”, chúng được viết tại Avignon và thời lưu đày sau đó. Các tác phẩm học thuật bao gồm thần học và triết học, trong số các tác phẩm lớn về triết học của Ockham, Tổng luận Logic (Summa Logicae) là tác phẩm nổi bật về lý luận Logic ngữ nghĩa của các phạm trù triết học Siêu hình.

Tác phẩm Tổng Luận Logic (Summa Logicae) của William Ockham được chia làm ba phần, phần I đề cập về các thuật ngữ, phần II minh định về các mệnh đề được dựa trên các thuật ngữ, và phần III đề cập đến các tranh luận. Trong phần II, Ockham đưa ra một Lý thuyết có tính hệ thống và sắc bén về những điều kiện xác thực cho một mệnh đề được xem là đúng. Nhìn chung, Tổng Luận Logic là một tác phẩm phân tích siêu hình học kinh điển, tác phẩm này được sử dụng trong thế kỷ 14 với những luận đề mang tính logic để bảo vệ về Hữu thể luận thuộc chủ nghĩa giản lược của ông.

Khi bàn về Lý thuyết mang tính xác thực của các mệnh đề, Ockham đã phủ nhận về tính phổ quát xác thực bên ngoài tâm trí cá nhân. Cụ thể, trong chương 2, ông minh định rằng:

Mệnh đề ‘Socrates là người’ thì không đúng, bởi vì Socrates có nhân tính (humility) hoặc bởi vì nhân tính có ở nơi Socrates, hoặc vì người là ở trong Socrates, hoặc con người đó là một phần của khái niệm mang tính thực chất (quidditative) của Socrates. Hơn nữa, hạn từ “Socrates” và “người (man)” cả hai đều là tên của Socrates, tên trước là tên riêng, tên thứ hai là tên chung. Hai danh xưng đó không sai khi vị trí của chúng là vị ngữ (predicates), vì đó là trường hợp cá nhân, nhưng mệnh đề đó sẽ trở nên sai nếu ghép với các tên khác. 

Một cách minh nhiên, Ockham cho rằng mệnh đề không thể mang tính phổ quát khi vị ngữ không đủ ngữ nghĩa khác nhau từ chủ ngữ, đơn giản vì vị ngữ nó quá rộng, đó là chưa kể đến sự phụ thuộc của mệnh đề với các thì (tenses), tâm trạng (mood) và từ nối (copula). Tóm lại, tất cả các mệnh đề chẳng hạn như: ‘Người là bản chất của Socrates’, ‘Socrates có nhân tính’, ‘Socrates là một người nhân đạo’… tất cả các mệnh đề trên đều sai, vì chúng nói về Socrates với một phần nào đó, chưa thể trọn vẹn, chỉ mang tính cá nhân, mang phẩm tính cá nhân cách riêng lẻ, và theo một nghĩa bóng nào đó…

Nếu một mệnh đề phát biểu Socrates là người, vậy nó có mang tính phổ quát không? Theo Ockham, để một mệnh đề mang tính phổ quát, nó cần mang tính chung nhất theo ngữ nghĩa tự nhiên, nghĩa là áp dụng cho tất cả trường hợp, mọi con người. Cụ thể, Ockham đã đánh giá mệnh đề trên qua hạn từ “giống loài” (species/ hoặc form) trong khuôn khổ của cái gọi là nhận thức mang tính trực giác mà nhận thức ấy là của cá nhân. Thực ra, nhận thức mang tính cá nhân đó cũng mang tính trừu tượng. Trừu tượng khi nó từ cá nhân đi ra phổ quát, và dĩ nhiên, theo logic học, nó hoàn toàn sai, vì một thuật ngữ phải có nội hàm và ngoại diên, nếu ngoại diên của cá nhân mở rộng ra phổ quát thì mệnh đề đó sai là điều tất yếu, mặc dù nội hàm có thể đúng.

Tóm lại, trong chương 2, phần thứ II của tác phẩm Tổng Luận Logic, Ockham vận dụng logic để phân tích từ ngữ triết học, cụ thể là làm rõ về lý thuyết mang tính xác thức nơi các mệnh đề. Ông dùng công cụ Logic để mở rộng nghĩa của triết học qua các hạn từ và cũng để bảo vệ các chủ đề hữu thể học giản lược trọng tâm của ông. Do đó, chúng ta có thể học nơi Ockham cách thức nghiên cứu triết học qua kiểu thức phân tích các hạn từ, ngữ nghĩa của một mệnh đề với công cụ Logic trong các phạm trù khác nhau của Siêu hình học.

MỘT VÀI GHI NHẬN

Chúng ta có thể ghi nhận những nỗ lực của Ockham trong việc phân tích về logic của ngôn ngữ và ý nghĩa của các hạn từ, cụ thể trong các phạm trù Siêu hình học của Aristotle với nền tảng cơ bản là những thuộc tính của một chất thể được gán với bản thể cá nhân đó. Từ đó, Ockham cho thấy rằng tất cả những phân chia của Aritotles về các phạm trù mang tính ‘phi bản thể’(non-substance) là không cần thiết, thậm chí có thể dẫn đến hiểu lầm.

Nói chung, tư tưởng của Ockham về Lý thuyết mang tính xác thực của các mệnh đề là mọi thứ mang tính cá nhân, thì chúng ta không thể mở rộng đến tính phổ quát. Xét theo Logic ngôn ngữ, tính phổ quát phải là cái mà hiện hữu của nó thực sự bao quát tất cả, nghĩa là nó hiện hữu như là một đối tượng không còn chủ quan tính (tantum objective- nghĩa là hiện hữu chỉ vì “khách quan”). Lý thuyết mang tính xác thực của mệnh đề mang tính cá nhân mà mở rộng tính phổ quát thì chỉ là thực thể hư cấu hiện hữu chỉ trong tư tưởng mà thôi.

 Đó là quan điểm phân tích Logic ngữ nghĩa của Ockham. Thế nhưng, không phải mọi trường hợp trong cuộc sống đều buộc phải áp dụng Logic ngôn ngữ để xét đến tính đúng sai, tính xác thực của một mệnh đề. Trong thực tế, có nhiều cách thức để nghiên cứu khoa học, để xác thực tính đúng sai của một vấn đề, của một phát biểu nào đó, để đi tìm chân lý tối hậu.

Thật vậy, khi nghiên cứu khoa học, người ta thường thấy có hai cách thức cơ bản thường được thực hiện đó là phương pháp diễn dịch và quy nạp (deductive and inductive method). Bên cạnh đó, có một cách thức tiếp cận khác và khá quan trọng nhưng ít được quan tâm đó là phương pháp loại suy (abductive method). Phương pháp thứ ba thường dùng cho việc lý luận theo chủ nghĩa hiện sinh về các thực thể tàng ẩn (hidden entities), để tìm ra và loại trừ những khả thể không đúng đồng thời đưa ra kết luận khả dĩ. Dĩ nhiên, cả ba phương pháp khoa học trên đều có thể sử dụng cho việc phân tích khoa học cách hiệu quả.

Vậy, với công cụ phân tích Logic ngôn ngữ, phương pháp nghiên cứu Lý thuyết mang tính xác thực nơi các mệnh đề của William Ockham chỉ đúng trong một mức độ nào đó, như đề mục trên đã trình bày, phân tích Logic ngôn ngữ chỉ nhằm bảo vệ về Hữu thể luận thuộc chủ nghĩa giản lược của ông mà thôi. Thực tế, người ta có nhiều phương pháp nghiên cứu khoa học và xác thực tính hữu lý của một vấn đề, của một phát biểu mà không cần đến Logic ngôn ngữ. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên ghi nhận những nỗ lực và đóng góp của William Ockham cho việc củng cố và làm cho một mệnh đề khi phát biểu được chặt chẽ về ngữ nghĩa và logic hơn.

Minh Đức S.J.

[1] Cf. https://plato.stanford.edu/entries/ockham/ accessed October 01st 2022

[2] Ockham, William. Ockham's Theory of Propositions, Part II of the Summa Logicae. Translated by Alfred J.Freddoso and Henry Schuurman. South Bend: St. Augustine's Press, 1998. p. 128

0 Comments: