Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 30 tháng 3, 2023

TRÁNH NHỮNG CHIA TRÍ TRONG CẦU NGUYỆN

 TRÁNH NHỮNG CHIA TRÍ TRONG CẦU NGUYỆN



Mỗi khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta thường gặp những chia trí. Vậy làm thế nào để khắc phục những chia trí, và liệu những chia trí có phải là tội không? Bài viết này sẽ giải thích về những thắc mắc đó.

1. CHUẨN BỊ CHO GIỜ CẦU NGUYỆN

Chuẩn bị cho giờ cầu nguyện là việc làm rất quan trọng, bởi nó sẽ quyết định đến chất lượng của giờ cầu nguyện. Chẳng hạn như để nấu một món ăn ngon, việc chuẩn bị các nguyên liệu, sơ chế là bước làm rất cần thiết. Cũng vậy, chuẩn bị cho giờ cầu nguyện không chỉ bao gồm việc chọn bản văn kỹ mà còn là thái độ khao khát cầu nguyện. Thái độ cầu nguyện chân thành chính là những khao khát, mong mỏi được gặp gỡ Thiên Chúa… chứ không phải một thái độ bất xứng, thiếu cung kính hay làm chỉ vì bổn phận, ngồi trước mặt Chúa mà mơ mộng, suy nghĩ về những chuyện khác.

Những chia trí là một phần trong đời sống con người, vì con người thường bận tâm vào những vấn đề trong cuộc sống, nên tâm trí thường lang thang với những câu chuyện liên tưởng với nhau. Khi một người có những lo lắng, oán giận, phiền não, hay vui mừng, hồ hởi, phấn khởi vì điều gì đó thì khó lòng có thể cầu nguyện sốt sắng được. Vậy, chia trí có phải là tội không?

Thưa, chia trí không phải là tội, nó là sự bất hảo (imperfection) trong việc cầu nguyện. Nghĩa là nếu một người cầu nguyện sốt sắng, tập trung, ý thức mình đang hiện diện, trò chuyện với Thiên Chúa, thì việc cầu nguyện sẽ hoàn hảo hơn. Vd: Một người thân yêu của tôi đến gặp tôi để trò chuyện, thời gian cho cuộc nói chuyện đó không nhiều, thế nhưng khi ngồi đối diện với người ấy tâm trí tôi nghĩ đến chuyện khác hoặc dù có nói, mắt nhìn người ấy nhưng lòng đang hướng về nơi xa xăm…Chắc có lẽ người kia sẽ buồn lắm!

Chia trí trong cầu nguyện là lãng phí thời gian quý báu mà đáng lẽ tôi cần dành để phát triển tương quan mật thiết giữa tôi với Thiên Chúa. Có lẽ Thiên Chúa hiểu và tha thứ cho những lần tôi chia trí, nhưng không phải vì thế mà tôi tiếp tục không chú tâm vào cầu nguyện. Một cách tự nhiên, những chia trí nó kiểm soát (control), lôi kéo tôi đi xa việc câu nguyện. Tôi có thể khắc phục nó bằng cách kiểm soát những chia trí ngang qua việc chú tâm, ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa trước mặt tôi. Đó là thái độ nghiêm túc và khao khát Thiên Chúa.

Bên cạnh đó, trong cầu nguyện, thái độ bình tâm cũng rất quan trọng. Vì thật khó cầu nguyện khi lòng còn ngổn ngang, lo toan bởi nhiều công việc, sự đời… Thái độ bình tâm là để tâm hồn lắng lại, tập trung vào hơi thở, không nghĩ suy nhiều, chỉ ý thức sâu xa rằng Thiên Chúa đang hiện diện trước tôi.

Ngoài thái độ bình tâm, lòng khao khát Thiên Chúa cũng rất cần thiết. Thái độ khao khát đó được diễn tả qua việc dọn gẫm điểm cầu nguyện. Đây là điều thánh I-nhã yêu cầu thao viên phải làm nghiêm túc (khi thức giấc hãy nghĩ ngay đến những điểm sẽ cầu nguyện). Kế đến, “trước khi đến nơi cầu nguyện, dừng lại một khoảng cách bằng vừa đủ thời gian đọc kinh Lạy Cha, tôi nâng tâm trí lên cao, nhận ra Thiên Chúa đang ngắm nhìn tôi cách âu yếm… Tôi làm cử chỉ tỏ lòng cung kính với Ngài.”  (LT 75) Đó là bước khởi đầu nhẹ nhàng, dịu êm để bước vào giờ cầu nguyện với tất cả sự sốt mến.

Vì con người ngày nay đang sống trong một thế giới của sự vội vã “hurry-up world”, nên tôi dễ dàng có xu hướng bước vào trong giờ cầu nguyện với thói quen vội vàng khi làm dấu, vội vàng để đọc Kinh Thánh, chủ động suy niệm từng điểm, diễn nghĩa từng câu, từng ý và nhanh nhẹn tâm sự, cầu xin… Có đôi khi, tôi tập trung vào hình thức quá nhiều mà quên đi nội dung, ý nghĩa và “chất lượng” của việc cầu nguyện. 

Vì thế, thiết tưởng tôi cần bước vào giờ cầu nguyện với thái độ chậm rãi, từ từ, điềm đạm… (Beginning prayer slowly), và có lẽ lối sống, cầu nguyện điềm tĩnh này mới thực sự quan trọng (calm life-style), vì đó là cách dễ dàng cho việc lắng nghe Lời của Thiên Chúa, Lời được tỏ bày trong sâu kím tâm tư của những tâm hồn thinh lặng. Đó là thời gian quý giá mà tôi cần tận hưởng trong sự hiện diện thánh thiêng của Thiên Chúa dưới sự dẫn sắt của Chúa Thánh Thần. (personal prayer is a time to relax in the Lord’s presence and to really be myself as I enjoy His Companionship under the Guidance of the Spirit)

Có rất nhiều cách thức và nhiều bước để cầu nguyện, và chính Chúa Thánh Thần sẽ hoạt động tự do nơi mỗi người. Tuy nhiên, các nhà tu đức đưa ra các mẫu thức cầu nguyện như sau: 1) Ý THỨC SỰ HIỆN DIỆN CỦA CHÚA (awareness); 2) PHẢN TỈNH (reflecting); 3) THƯA CHUYỆN VỚI CHÚA (speaking to the Lord); 4) LẮNG NGHE THIÊN CHÚA NÓI (Listening to Him); 5) CHIÊM NIỆM (contemplating); 6) NGHỈ NGƠI TRONG SỰ HIỆN DIỆN CỦA THIÊN CHÚA (resting in His presence); 7) ĐỌC BẢN VĂN (using a text); 8) XIN ƠN (petitions); 9) TẠ ƠN CHÚA (thanksgiving).

Những cách thức kể trên thường được diễn ra trong cầu nguyện, trong số đó, Ý Thức và Tạ Ơn Chúa là 2 điều rất quan trọng. Xin ơn là một cách cầu nguyện dễ dàng nhất, thế nhưng trong giờ cầu nguyện đừng chỉ dừng lại ở việc xin thật nhiều ơn, quan trọng hơn cả vẫn là tương quan với Đấng ban ơn.

2. XÉT NGUYỆN (review of prayer)

Xét nguyện cũng như việc xét mình hằng ngày (the examination of conscience or consciousness). Xét mình là xét lại ý thức hành động trong một ngày qua của tôi như thế nào? Vd: tôi đã làm, đã nói điều đó với chủ đích, tâm ý gì? có ngay lành không? Hướng về cái thiện hay cái ác… mang tính xây dựng hay loại trừ tha nhân…? Việc xét nguyện cũng thế, tôi nhìn lại giờ cầu nguyện vừa qua để thấy sự trung tín với bản văn và ơn xin, các điểm dọn gẫm như thế nào? Hoặc có những tư tưởng, tác động nào đến tâm trí tôi trong giờ cầu nguyện vừa qua? Tôi có dành đủ thời gian cầu nguyện không? (vì Ma quỷ thường cám dỗ bớt lại giờ cầu nguyện), thần lành hay thần dữ tác động? Tôi đã cầu nguyện tốt chưa? Nếu tốt, tôi sẽ tiếp tục phát huy, nếu chưa tốt thì tìm hiểu vì sao? Tôi chia trí vì điều gì? tìm cách khắc phục và xin lỗi Thiên Chúa bằng 1 kinh Lạy Cha…

Thánh I-nhã khuyên thao viên hãy dành 10-15 phút để xét lại giờ cầu nguyện vừa qua (LT 77). Nhờ xét nguyện, việc cầu nguyện sẽ được cải thiện hơn, bớt những chia trí không cần thiết và đặc biệt là nhận ra được đâu là gợi hứng của Thiên Chúa và lòng tôi được cảm nhận, đánh động như thế nào?

TÓM LẠI

Để cầu nguyện sốt sắng và bớt những chia trí, tôi cần CHUẨN BỊ CHO GIỜ CẦU NGUYỆN và XÉT NGUYỆN kỹ càng. Việc chuẩn bị cho giờ cầu nguyện thể hiện qua thái độ khao khát cách chân thành để gặp gỡ Thiên Chúa, kế đến là thái độ bình tâm, thư thái tâm hồn, ý thức sự hiện diện sống động của Thiên Chúa trong thực tại và bước vào giờ cầu nguyện chậm rãi, êm ái, dịu dàng...không cần thiết phải vội vàng, hấp tấp hay làm cho qua, cho xong.

Khi những chia trí đến, hãy làm chủ và kiểm soát nó. Nếu những chia trí không quan trọng, thì tôi loại bỏ nó ngay và trở về với cầu nguyện. Ngược lại, nếu thấy chia trí đó quan trọng, thì tôi có thể dùng nó để cầu nguyện với Thiên Chúa. Vd: tôi đang cầu nguyện mà nhớ đến một tương quan với một anh chị em nào đó bị đổ vỡ, xét thấy nó khá trầm trọng, tôi có thể cầu nguyện với biến cố này, và tôi xin Thiên Chúa ơn chữa lành tâm hồn tôi và người đó. Tôi xin Chúa ơn can đảm để hòa giải và mở trí lòng để hiểu anh chị em mình hơn và yêu thương đón nhận họ hơn thay vị loại trừ. Hãy luôn ý thức rằng: chúng ta cầu nguyện như thể chúng ta đang sống vậy (we pray as we are living).


_Minh Đức S.J._


0 Comments: