THINH LẶNG, YẾU TỐ GIÚP TÔI DỄ DÀNG GẶP GỠ THIÊN CHÚA
“Trong tâm tư sâu lắng…con nhìn Chúa…Chúa nhìn con…tuy đôi bên chưa nói…nhưng đã hiểu nhau rất nhiều…cũng chẳng cần trình thưa, phân tỏ…nhưng đã rõ...”. Những ca từ của bài hát trên đã diễn tả nỗi lòng của biết bao Kitô hữu, những người khát khao được gặp gỡ và sống thân mật Thiên Chúa trong chính tâm can sâu thẳm của mình. Đó cũng chính là điều mà tôi hằng khao khát có được và mong muốn duy trì nó trong suốt mọi ngày sống của tôi.
Thinh lặng…
Đối với tôi,
thinh lặng có thể nói là điều kiện tiên quyết để tôi có thể gặp gỡ được Thiên
Chúa. Thật vậy, giữa những ồn ào, huyên náo cũng như những mỗi bận tâm về công
việc đã chi phối nhiều tâm trí của tôi. Vì tôi thuộc loại người hoạt động và hướng
ngoại, nên để sống trầm lặng, sống có chiều sâu nội tâm…đòi buộc tôi phải sống
trong sự thinh lặng.
Trước đây, mỗi
khi có dịp tĩnh tâm, tôi xem đó là cơ hội quý giá để tôi có thể gặp gỡ được
Thiên Chúa cách dễ dàng và thân thiết hơn. Thật vậy, mỗi khi đứng trước mỗi dự
định quan trọng trong đời, tôi thường đi tĩnh tâm, nơi đó tôi có đủ thời gian,
không gian để gặp gỡ Thiên Chúa. Đặt mình trước Chúa Giêsu Thánh Thể đang hiện
diện âm thầm trong nhà tạm, tôi đặt mình xuống, trải lòng ra và bộc bạch, sẻ
chia nỗi lòng của mình với Chúa Giêsu và chính trong chiều sâu an tịnh, thánh
thiêng đó, tôi gặp được sự nâng đỡ từ Thiên Chúa. Một sự bình an, một sự khai
sáng sống động, trọn hảo mà không nơi nào, không người nào có thể mang đến cho
tôi no thỏa được.
Thông thường,
khi đến trước Chúa Giêsu Thánh Thể, tôi cung kính đặt mình xuống, và hết lòng
thân thưa những vấn đề của mình với Chúa. Sau đó, tôi để lòng mình trầm lắng, mắt
hướng nhìn Chúa, và tập trung cung kính bao nhiêu có thể, tâm trí hướng về
Ngài. Nhẹ nhè từng hơi thở của tôi đều hướng về Chúa. Sau đó một thời gian tôi
sẽ cảm nhận được những điều an lành, soi sáng trong lòng. Có những lúc tôi được
soi sáng từ những câu nói trong Kinh Thánh, hoặc những tư tưởng trong các sách
thiêng liêng, tu đức tôi, hay qua những môn học, những câu nói tưởng chừng như
quen thuộc, bình thường, thậm chí tầm thường từ những người xung quanh…Thế
nhưng, đó dường như là những cách thế quen thuộc mà Thiên Chúa đến gặp gỡ và đỡ
nâng tôi. Cũng có nhiều khi, chẳng cần trình thưa, phân tỏ nhưng dường như cả
hai bên đã hiểu nhau. Chúa hiểu tôi và tôi hiểu Chúa, tôi biết được ý định của
Thiên Chúa dành cho tôi.
Trong thinh lặng,
tôi được trở về với nội tâm, trở về với chính lòng mình. Dĩ nhiên, tôi không thể
nhìn thấy Thiên Chúa cách diện đối diện, nhưng tôi có thể nhận ra Ngài qua các
dấu chỉ khả giác trong cuộc sống. Đó chính là đặc nét của sự chiêm niệm. Con cá
muốn sống phải trở về với nước, con người muốn sống thanh thản phải trở về với
nội tâm. Nội tâm chính là một tịnh xá, nơi mà có con đường chiêm niệm trong sự
thinh lặng. Chiêm niệm và thinh lặng là một trong nhau. Thinh lặng đích thực là
vắng bóng bản ngã, vắng bóng cái tôi. Chính trong thinh lặng, tôi có chiều sâu
để nhìn-để yêu-và để sáng tạo mọi sự trong tình yêu Thiên Chúa.
Thinh lặng tuyệt
đối trước Chúa, là buông bỏ mọi sự lại đằng sau, chỉ hướng trọn lòng trí về
Ngài, tôi sẽ dễ dàng gặp được Ngài. Tôi cũng đồng ý với tác giả Anseml Grun về
sự thinh lặng tuyệt đối, là điều kiện dễ dàng gặp gỡ Thiên Chúa, tác giả đã
phát biểu:
Thinh lặng tuyệt đối trước mặt Chúa, các tư
tưởng về thinh lặng cũng rơi xuống luôn. Cho đến lúc nào còn suy nghĩ về Thiên
Chúa thì tôi vẫn còn xa cách Ngài, có một khoảng cách không thể nào vượt lên được
giữa Chúa và tôi. Cho đến một lúc nào tôi vẫn còn tập trung vào các hình ảnh
thì tôi chỉ biết có tôi với những tình cảm êm đẹp gợi lên trong lòng tôi, tôi
phải bỏ hết tất cả ra đàng sau và buông mình trong Chúa, thinh lặng tuyệt đối,
tôi gặp được Chúa.[1]
Tóm lại, đối với
tôi cứ khi nào lòng tôi rộn ràng, náo động là khi đó tôi vẫn còn loay hoay với
bản thân mình, và khó lòng gặp gỡ được Thiên Chúa. Chỉ khi để lòng mình chùng
xuống, hướng tâm trí về Chúa là khi đó tôi được gặp gỡ Ngài, được sống thân
tình với Ngài hơn. Có một bài thơ, lúc còn bé tôi thường hay ê a đọc, và sau
này khi khôn lớn, thỉnh thoảng tôi vẫn thường đọc, đó là: “Từng hơi con thở, đều nhớ Chúa luôn, dù vui dù buồn, vẫn luôn yêu
Chúa”. Người bình thường có thể nói, bài thơ mang âm điệu trẻ nhỏ, nhưng với
tôi bài thơ ngắn ngủi trên là cách cầu nguyện, là cách thì thầm thủ thỉ với
Thiên Chúa trong mọi lúc, mọi khi...rât dễ thương. Đó chính là cách thức để chiêm
niệm, kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa trong đời sống hằng ngày, từng hơi thở,
từng phút từng giây…đều nhớ đến Chúa. Đó chính là sự thinh lặng nội tâm tuyệt vời,
yếu tố mà tôi dễ dàng gặp gỡ và sống với Thiên Chúa.
Xin hãy đến
và dùng cặp mắt của con
để nhìn
xem tạo vật của Ngài,
và dùng
tai con để nghe
những gia
điệu Ngài đã sáng tác.
Để trong thinh
lặng lòng mình,
từng hơi
con thở
đều nhớ
Chúa luôn
dù vui, dù
buồn,
vẫn luôn
yêu Chúa. Amen.
Minh Đức S.J.
0 Comments:
Không cho phép có nhận xét mới.