THÂN PHẬN CON NGƯỜI
Đặt vấn đề
Nhìn vào thảm kịch bi hoàng của đại dịch Covid-19 vừa qua, với số người tử vong đã lên đến hàng triệu người chỉ trong vòng chưa đầy ba năm kể từ khi đại dịch đầu tiên bùng phát. Nhiều gia đình đã không khỏi ngậm ngùi, xót xa khi mãi mãi mất đi người thân yêu trong sự cô đơn và tuyệt vọng. Chẳng ai mong muốn cảnh tượng mất mát sầu buồn, biệt ly vĩnh viễn. Dù mong muốn hay không thì cái vòng xoay nghiệt ngã của kiếp nhân sinh là: “Sinh-Lão-Bệnh-Tử” luôn chiếu rợp, bủa vây con người như hình với bóng.
Phải chăng hữu sinh ắt hữu tử, con ngươi phải đón nhận cái chết như phận vụ cuối cùng phải hoàn thành của cuộc đời mình. Phải chăng sự hiện hữu sống động cùng những thành công rực rỡ của con người đều bất lực trước tử thần. Phải chăng cái chết là giá trị công bằng của mọi thời và mọi nơi dành cho mọi người, vì người giàu, người nghèo cũng đều phải chết, kẻ khôn ngoan, kẻ khờ dại sau rồi cũng tiêu vong. Vậy đâu là ý nghĩa đích thực của cuộc đời? đâu là lẽ sống cùng tận của thân phân con người? đó cũng là thao thức hiện sinh mà họa sĩ lừng danh Paul Gauguin đã phác họa trong bức kiệt trác vĩ đại của mình với lời tựa là những câu hỏi: Tôi là ai? Từ đâu đến và sẽ đi về đâu?
Dù biết rằng vấn nạn này đã được nhiều triết gia, vĩ nhân luận bàn với nhiều tranh luận và trả lời khác nhau trong lý luận khoa học, thần học, và tâm linh... Với phương pháp tiếp cận đặc biệt là lấy con người làm trọng tâm, trong bài viết này tôi sẽ cố gắng truy vấn thực tại vấn đề về thân phận con người trong nhãn quan triết học.
Ý thức phản tư về thân phận con người
Những vấn nạn nhiêu khê ở trên, cũng nhưng ưu tư khắc khoải của con người buộc họ dấn thân vào việc suy tư về sự hiện hữu của chính mình. Thật vậy, đó là vấn nạn lớn của tâm trí mà tư duy cục bộ khó lòng minh xác được thực tại của khách thể lẫn chủ thể vấn đề. Bởi tri thức con người luôn bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Nhưng với hoàn cảnh hiện tại và bằng năng tự khởi, con người vẫn có thể tra vấn vấn đề hiện hữu của thân phận con người trong một mức độ nghiêm cẩn ngang qua việc mở rộng hơn về chủ thể suy nghiệm. Suy tư triết học có thể làm được việc này, vì như Aristole đã minh định: “triết học xoay quanh sự thật tuyệt đối”.
Clavius đã từng nói: “người ta chỉ muốn thấy điều người ta muốn thấy”, và điều mà con người mong muốn được thấy ở đây đó là ý nghĩa, bản chất của thân phận con người. Dẫu biết rằng việc truy tìm câu trả lời xác đáng là điều không hề dễ dàng, bởi như Emmanuel Kant đã từng nói: “bầu trời đầy trăng sao giới hạn trong tri thức”, nhưng việc tìm kiếm này không phải là vô định và không có hồi kết. Ngang qua triết học, nhiều vấn nạn sẽ được khai minh hơn nhờ tri thức thực nghiệm, bởi như Ph.Bêcơn đã khẳng định mọi tri thức đều bắt đầu từ kinh nghiệm, một kinh nghiệm được phản tư liên tục. Bất chấp những ý thức phản tư về các hành động ngang qua kinh nghiệm còn bị giới hạn trong sự vô biên của tri thức nhưng việc dấn thân truy tầm chân lý vẫn là sứ mạng tối hậu của các triết gia.
Chúng ta cùng điểm qua một vài tuệ giác của những bậc hiền triết đông tây về vấn đề ý nghĩa cũng như bản chất của thân phận con người.
Có nhiều bậc vĩ nhân ở Đông phương cảm nghiệm về thân phận con người với những quan điểm khác nhau. Điển hình như đại thi hào Nguyễn Du cho rằng: “Trăm năm còn có gì đâu, chẳng qua một nắm cỏ khâu xanh rì,” và “gẫm suy muôn sự tại trời, trời kia đã bắt làm người có nhân/ Bắt phong trần, phải phong trần, cho thanh cao mới được phần thanh cao/ Có đâu thiên vị người nào, chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai/ Có tài mà cậy chi tài, chữ tài liền với chữ tai một vần/ Đã mang lấy nghiệp vào thân cũng đừng trách cứ trời gần trời xa/ Thiện căn ở tại lòng ta, chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.” Với Nguyễn Du, ông cho rằng cuối cùng con người ai cũng phải chết, cũng trở thành một nắm xương khô được gói gém trong nấm mồ với đám cỏ xanh rì bao phủ bên trên. Ông cho rằng, khi sinh ra mỗi người đều mang một cái “nghiệp”, do ông trời phú ban, để rồi con người sống với cái nghiệp được tiền định họ sống trọn vẹn tấm lòng đạo đức, thiện căn và họ sẽ được hạnh phúc trong kiếp nhân sinh này. Vậy, để con người sống trọn vẹn hạnh phúc trong cõi trần tạm bợ này, thi hào Nguyễn Du cho rằng mọi người phải sống có tâm, sống đạo đức.
Cố nhạc sĩ Trinh Công Sơn có cái nhìn sâu sắc, độc đáo về thân phận con người. Ông cho rằng: mỗi người dù có đi loanh quanh khắp tứ hải cuối cùng đều phải có một cuộc trở về (bài hát: Một cõi đi về), trở về với “điểm hẹn” mà trước đây con người từ chỗ đó “xuất phát” để đến hiện hữu và “đã vui chơi trong cuộc trần này” (bài hát: Hát cho người nằm xuống). Ông căn dặn mọi người, dẫu sống giữa cảnh nhân sinh nghiệt ngã này, đừng đau khổ tuyệt vọng, bi quan với thực tại nhiễu nhương khổ lụy mà hãy “hồn nhiên rồi em sẽ bình yên” (bài hát: Tôi ơi đừng tuyệt vọng). Kế đến, nhạc sĩ họ Trinh nhấn mạnh rằng: “tôi là ai mà yêu quá đời này?”, để nhắc nhở mỗi người ý thức bản thân mình là ai và cuộc đời này là gì? Mà sao mỗi người còn quyến luyến với cuộc trần này. Sau cùng, như một lời trần tình sâu thẳm từ con tim, ông thốt lên rằng: “sống giữa đời sống này, cần lắm một tấm lòng” (bài hát: Để gió cuốn đi). Tựu chung, cố nhạc sĩ họ Trịnh cũng cho rằng: bản chất của con người ở đời này là “ở trọ trần gian” và để cuộc sống được hạnh phúc mỗi người nên có một “tấm lòng”. Chung quy lại là hãy sống có tâm, sống đạo đức.
Ở Tây phương có khá nhiều triết gia thời danh cổ đại như Socrate, Plato, Aristole..., cùng các bậc trí giả anh tài hậu duệ... họ có những nhân sinh quan khác nhau. Như triết gia cổ đại Plato cho rằng: “hãy đón nhận cái chết như một ân huệ” và trong tác phẩm Phaedo, ông đã đưa ra thái độ của của một triết gia với sự chết là: “hãy chuẩn bị cho sự chết.” Thế nên, một cách đúng đắn, ông đồng ý với phán quyết thông phổ là các triết gia cũng có thể đã chết (họ rất ít nhận được những điều tốt đẹp được cho là của cuộc sống) (philosophers might as well be dead (so little do they get of the alleged good things of life), và ông khẳng định mạnh mẽ rằng bất kỳ triết gia thực thụ nào cũng cần dành nhiều thời gian cho việc “chuẩn bị cho sự chết của mình.”
Theo trường phái của các nhà Khắc kỷ, họ cũng quan niệm cái chết giống với người theo thuyết Epicurus: “Người sợ chết là người sợ mất đi loại cảm giác này hay loại cảm giác kia. Nhưng nếu bạn không còn cảm giác nữa thì bạn cũng không cảm thấy có bất cứ sự tổn hại nào; và nếu bạn sở đắc một loại cảm giác khác, bạn sẽ là một loại sinh thể khác và bạn sẽ không không sống” (Marcus Aurelius, Meditations 8.58). Thậm chí. các nhà Khắc kỷ còn khai triển cả óc hài hước để đối phó với viễn cảnh: “Cái chết là tất yếu và không thể tránh được. Ý tôi là, tôi sẽ đi đâu để thoát khỏi nó đây? (Epictetus, Discourses 1.17.7)
Một cách khách quan về bản chất con người, tôi lắng nghe những phát biểu từ Emmanuel Kant, ông cho rằng: “con người hoang sơ, con người tự nhiên, cũng như con người tư sản, đều được xác định bởi cùng một định nghĩa và có những tính chất cơ bản giống nhau. Như thế, ở đây cũng thế, bản chất của con người đi trước sự tồn tại lịch sử mà chúng ta thấy trong tự nhiên.” Vậy, bản chất của con người trước sự tồn tại lịch sử là như thế nào? Về phía các nhà triết học hiện sinh, họ quan niệm “nếu con người là không xác định đó là vì ban đầu nó không là gì cả. Chỉ sau đó nó mới sẽ là một cái gì, và tự nó sẽ làm nó thành cái gì. Như thế, không có bản chất người, vì không có Thượng Đế để quan niệm về nó. Con người không chỉ là cái mà nó quan niệm về mình, mà nó cũng chỉ là cái mà nó muốn trở thành sau nỗ lực của nó về hiện hữu.” Vậy cuối cùng bản chất thân phận con người là gì? Thoáng qua kinh nghiệm của Jaspers, nó là một tri nhận về tính chất mong manh của thể tính, ở Heidegger đó là “bước tới sự chết”, và ở Sartre, đó là kinh nghiệm về trạng thái buồn nôn. Tất cả chỉ là những kinh nghiệm tư biện cách chung về thân phận con người.
Với một mức độ nghiêm cẩn và cũng cùng quan điểm với Socrate về việc biết mình, những triết gia hiện sinh khẳng định: “Bước đầu tiên của thuyết hiện sinh là làm mỗi con người ý thức mình là gì và có trách nhiệm hoàn toàn về sự tồn tại của mình. Và khi chúng ta nói rằng một người chịu trách nhiệm về chính mình, chúng ta không chỉ muốn nói người ấy chịu trách nhiệm về cá nhân họ, mà về mọi người.” Nghĩa là con người cần ý thức về trách nhiệm sống của mình vì nó có liên đới chặt chẽ với tha nhân. Chính sự ý thức đó sẽ là khởi điểm sự sống hạnh phúc cho con người.
Với Bertrand Rusell, một nhà triết học đương đại, ông nhìn bản chất của thân phận con người qua lăng kính sự chết và đã phát biểu: “Những buồn đau từ lâu đã được vùi sâu trong lòng mộ, những tấm thảm kịch chỉ còn để lại một ký ức nhạt nhoà, những tình yêu đã hoá thành bất tử bởi cái chạm thánh hiến của Tử Thần... Năm này nối tiếp năm kia, các chiến hữu lần lượt từ giã cõi đời, những niềm hy vọng trở nên hão huyền, những lý tưởng bỗng hoá nhạt phai, mảnh đất đẹp mê đắm lòng người của tuổi thanh xuân dần dần trở nên xa vời, đường đời thêm mệt mỏi, gánh nặng trần gian càng ngày càng thêm chồng chất mãi tới khi người ta hầu như không còn đủ sức để chịu đựng được công việc nặng nhọc và nỗi thống khổ nữa, niềm vui dần dần biến mất khỏi những quốc gia đang mệt mỏi rã rời, và sự toàn trị của tương lai làm cạn kiệt sức sống của con người, tất cả những gì chúng ta yêu quý thì đang ủ rũ héo tàn trong một thế giới đang hấp hối. Nhưng quá khứ vốn luôn nuốt chửng những đứa con “sớm nở tối tàn” của hiện tại thì lại sống bằng cái chết phổ quát... Dọc theo hai bên bờ của dòng sông Thời gian, đoàn người diễu hành buồn bã gồm bao thế hệ con người đang chầm chậm tiến bước đến mộ phần.” Có thể nói nhãn quan của Rusell về sự chết như là thực tại thuần túy chấm dứt cuộc đời vui buồn, và có vẻ mang dáng dấp của sự bị quan về sự mong manh và giới hạn của thân phận con người.
Tựu trung, mỗi bậc hiền triết, vĩ nhân đều có một nhân sinh quan riêng về thân phận con người được luận bàn và minh chứng dưới nhiều chiều kích đa dạng khác nhau. Chẳng thể khẳng định người nào hoàn toàn đúng hay hoàn toàn sai. Bởi lẽ thật khó khăn để nhìn nhận một sự vật, hiện tượng đúng như bản chất chúng là. Nhưng, một điểm chung có thể rút ra từ nơi họ là “sự biết mình” và biết về bản chân của cuộc đời. Biết về thân phận con người ngang qua bản chất mau qua của cuộc sống và sự hay thay đổi của con người... để nhờ ý thức phản tư, con người sống có trách nhiệm với bản thân và liên đới với thân nhân với trọn cả hữu thể, với trọn cả con tim và khối óc tinh tuyền. Nhờ vậy, con người sẽ sống cuộc đời hạnh phúc và sau cuối họ đi vào sự chết cách bình an, thanh thản. Vấn đề được khai minh chính yếu ở đây là sự biết mình ngang qua ý thức phản tư về đời sống “có Tâm,” sống có “Đạo Đức”. Chúng ta cùng luận bàn rộng thêm về vấn đề sống đạo đức trong đời sống của con người.
Đạo đức như là lẽ sống của con người
Chúng ta duyệt xét lý luận của David Swenson và Emmanuel Kant về đạo đức, để có cái nhìn khách thể hơn về thân phận con người với đạo đức được xem như là lẽ sống tối thượng.
Với hệ thống luận chứng tương đối, xét về đạo đức học: có thể thấy triết học khám phá điều thiện, quan điểm tự do, vai trò lý tính và thực hành xây dựng quy luật cho một sự vật, hiện tượng, vấn đề của con người. Vậy, có thể xem đạo đức như một lẽ sống của con người chăng? David Swenson cho rằng: “bản chất của đời sống và hạnh phúc của nó phải được tìm thấy trong ý thức đạo đức mà thôi... là cái đem lại lý do cho đời sống.” Ông còn nói thêm: “chính trong ý thức đạo đức mà một người thực sự bắt đầu cảm nghiệm về sự hiện diện của Thượng Đế.” Nhưng theo A. J. Ayer thì ngược lại, ông quan niệm rằng “giả thiết có sự hiện hữu của một tạo hóa... không đứng vững vì nó trống rỗng.” Ông đã kết luận, vì không có một ý nghĩa nào có thể được thấy rõ cho cuộc đời, “chúng ta được tự do sống đời mình một cách thỏa mãn theo các hoàn cảnh cho phép.”
Theo David F Swenson, ông cho rằng: “mọi người được thiên nhiên phú bẩm một khát vọng sống hạnh phúc, một nguyên tắc quá hiển nhiên không cần cắt nghĩa, và chắc chắn không cần bênh vực. Một đời sống con người không có hạnh phúc thì không là đời sống, mà là chết trong cuộc đời. Hạnh phúc là chất dịch sống và là chính hơi thở của sự sống. Hạnh phúc và đời sống là cùng một sự vật khiến cho đời sống nào càng khám phá ra hạnh phúc sâu xa, đời sống ấy càng có ý nghĩa và phong phú...” Thế nhưng, làm thế nào để biết rằng sống là phải hạnh phúc và làm thế nào để có hạnh phúc vững bền. Để chứng minh mình có lý, Swenson lập luận thêm: “đối với con người là hiện hữu biết suy tư, hạnh phúc không thể chỉ là việc thỏa mãn sự thôi thúc nhất thời, tình cảm mù quáng, cái lợi trước mắt. Một sự chìm đắm khoái lạc trong hiện tại, quên mất tương lai hay quá khứ, không để ý tới những tương quan hay chân lý sâu xa hơn của đời sống, chỉ có thể được gọi là thứ hạnh phúc viển vông và nông cạn. Cũng như đời sống không phải là đời sống nếu không hạnh phúc, thì hạnh phúc cũng không phải là hạnh phúc nếu nó không chính đáng. Để thức sự là hạnh phúc, nó cần thấm nhuần một ý thức về ý nghĩa, lý trí và giá trị.” Cuối cùng, David phải xác tín cho riêng mình: “tôi tin rằng bản chất của đời sống và hạnh phúc phải được tìm kiếm trong ý thức đạo đức mà thôi...ý thức đạo đức này chính là cái lý do tồn tại của nó.”
Một cái nhìn khách quan, chúng ta có thể hiểu David dùng kiểu nói rất chừng mực về kiểu hạnh phúc này: “sống đạo đức để làm cho mình “xứng đáng” được hạnh phúc.” Có lẽ trong nhân sinh quan của David, ông luôn xác tín rằng để hạnh phúc con người phải sống đạo đức.
Với một nhãn quan khác, đạo đức được hiểu theo tư tưởng của Kant với một cách rất tinh tế, nó là hành vi luân lý phải hoàn toàn là “vô vị lợi”, không thể “nhắm” đến điều gì khác, ngay cả là hạnh phúc. Bên cạnh đó, Kant đồng hóa hạnh phúc với lý tưởng sự thiện tuyệt đối là điều phù hợp với nỗ lực vươn lên của con người trong lãnh vực đạo đức. Nghĩa là khi sống đạo đức bạn sẽ làm việc thiện mà khi làm việc thiện bạn sẽ hạnh phúc, bạn sống hạnh phúc ắt hẳn khi chết bạn sẽ mãn nguyện với dư âm hạnh phúc của cuộc đời đã qua.
Lời kết
Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy, mục đích khắc phục cái chết và mất mát mà Luc Ferry nêu ra như một tiên đề của triết học, hoàn toàn chưa bao giờ giải quyết được, kể cả với học thuyết về con người cao quý của Nietszche, hay những ý niệm hiện sinh của Heidegger. Bởi vì cái chết và mất mát làm nên những bản chất của sự sống mà xét cho cùng nó ràng buộc các bản chất khác, đòi hỏi triết học phải có một sự nhìn nhận thỏa đáng, chứ không phải là tìm cách khắc phục.
Với triết gia cổ đại Plato, ông cho rằng: “Cái chết có lẽ là ân huệ lớn nhất của loài người.” Mà nếu đó là ân huệ thì cớ chi chúng ta phải sợ cái chết? Chúng ta hãy đón nhận nó như một phần tất yếu của cuộc sống, như một nghĩa cử mà mỗi người phải thực hiện khi hoàn thành sứ mạng cuộc đời mình. Ngay cả triết gia đương đại Bertrand Rusell đã vui mừng thốt lên: “chỉ có những kẻ chết mới tồn hữu trọn vẹn.” Các triết gia thực thụ, họ vui mừng đón nhận cái chết, bởi họ đã chuẩn bị, “tập luyện” để đón nhận nó một cách thanh thản, nhẹ nhàng sau một đời sống trọn vẹn “chữ tâm”, hết lòng sống đạo đức.
Nói tóm lại, qua những tuệ kiến được khai minh bởi triết học nhờ sự minh diễn của các triết gia, chúng ta có thể khẳng định mục đích tối hậu của thân phân con người là sống đạo đức họ sẽ hạnh phúc và khi sống hạnh phúc họ sẽ chết hạnh phúc. Điều tuyệt vời ở đây đó là khi con người sống tinh thần đạo đức chính là khi họ đang mưu cầu hạnh phúc không chỉ cho riêng mình mà còn lan tỏa hạnh phúc đó đến với mọi người xung quanh. Bởi lẽ, người sống hạnh phúc chẳng thể nào ích kỷ sống cho riêng mình, họ đầy dư nỗi niềm hạnh phúc và muốn chia san cho mọi người đặc biệt là những người cùng khốn, kém may mắn trong cuộc sống. Để rồi, họ sống và kiến tạo thế giới khổ đau bằng niềm hạnh phúc giản đơn được đổ nền trên lối sống đạo đức, lối sống thiện tâm mà họ cứ ngỡ như thực tại thiên đường đang hiện hữu nơi đây. Đó cũng là điều mà triết gia cổ đại Aristole luôn xác tín: “sự Thiện Tâm-tối cao chính là hạnh phúc mà tất cả những gì tốt lành đều hướng đến mục đích ấy.”
_Minh Đức S.J.._
Tham khảo
1. http://baochinhphu.vn/.../So-ca-mac-COVID19-xu.../447899.vgp
2. Nguyễn Du, Truyện Kiều, đoạn kết p.485, nxb trẻ.
3. Cf. Phaedo 64b and 67e. At 67e Socrates speaks of training for death, i.e., for dying (ἀποθνῄσκειν)
4. John M. Cooper, Pursuits of Wisdom six ways of Life in Ancient Philosophy from Socrates to Plotinus, p.314
5. Samuel enoch Stumpf, Lịch sử triết học và các luận đề, p. 633, nxb lao động.
6. Bertrand Rusell, Luận về lịch sử, p. 6 Phạm Phú Cường dịch từ: Bertrand Russell, “On History” (1904), trong The Basic Writings of Bertrand Russell (1903-1959), Part XIII, The Philosopher of History, ed. Robert. E. Egner và Lester E Denonn. London: Routledge, 2009,pp. 499- 505.
7. Jean Grondin, Introduction a la Metaphysique, (Montrel: Universite de Montreal, 2004), 160.
0 Comments:
Không cho phép có nhận xét mới.