LÀM THẾ NÀO ĐỂ THIẾT LẬP, CỦNG CỐ, PHÁT TRIỂN
TƯƠNG QUAN VỚI ĐỨC GIÊSU
Mỗi lần được nghe tiểu sử một vị thánh, lòng tôi được khơi
lên niềm hứng khởi, rạo rực, hân hoan. Bởi vì tốt biết vị thánh đó là một bông
hoa đẹp nở tươi trong “vườn hoa Giáo Hội. Hương thơm của bông hoa đó còn thoang
thoảng cho đến ngày nay và các thế hệ sau nữa. Bông hoa đó đã được Thiên Chúa bứng
trồng vĩnh viễn trong “vườn hoa Thiên Quốc”, nơi đươc quy tụ phong phú các loại
sắc hoa thơm lừng từ biết bao đời qua.
Hình ảnh ví von trên, tôi dùng để diễn tả về vẻ đẹp của các
vị thánh, đó là những vị đã can đảm, quảng đại hiến dâng đời mình như của lễ hy
sinh dâng lên Thiên Chúa để giúp ích cho đời cho người, cho Giáo Hội, xã hội và
cả cuộc đời họ đã thuộc trọn về Thiên Chúa. Có lẽ nhiều người sẽ đặt câu hỏi: tại
sao họ làm được như vậy? Xin thưa họ đã được Đức Giêsu gọi mời và họ đã đáp trả
tiếng Ngài cách nhiệt tình và quảng đại. Vậy làm thế nào họ có thể đáp trả
tiêng Chúa cách nhiệt tình và quảng đại? Xin thưa: đó là nhờ họ có mối tương
quan thân tình với Đức Giêsu. Vậy làm thế nào để có tương quan thân tình với Đức
Giêsu? Chúng ta cùng tìm hiểu trong phần dưới đây, những cách thức có thể giúp
một người thiết lập, củng cố, phát triển tươn quan thân tình với Đức Giêsu.
Đức Giêsu đã nhiều lần ví mình như chàng rể (Mt 9,15), và
Giáo Hội thường sánh ví mình như là hiền thê của Đức Giêsu (DV 8; x Ep 5,27), do đó, tôi mượn hình ảnh vợ chồng
để diễn tả tương quan tình yêu của một người với Đức Giêsu. Khi một thanh niên
chưa vợ, gặp một thiếu nữ chưa chồng, họ được cuốn hút nhau bởi ấn tượng đầu
tiên, hoặc những nét đặc biệt nào đó từ nhau. Họ cảm thấy muốn tìm hiểu, khám
phá và kết thân với người kia.
Thật vậy, tình yêu
luôn đến từ hai phía, một bên ngỏ lời, một bên đáp trả. Khi hai người đã cho
nhau cơ hội, họ hẹn hò gặp gỡ với nhau để nói chuyện. Ban đầu chỉ là tình bạn,
nhưng qua những buổi hàn huyên tâm sự, bộc bạch tâm can, trao trút nỗi lòng…Họ
thực sự hiểu nhau hơn, đón nhận những điểm mạnh điểm yếu của nhau. Rồi một ngày
nào đó, bỗng dưng lòng họ cảm thấy trống vắng, cô quạnh khi không có người kia
kề bên. Tâm hồn họ cảm thấy thiếu vắng, đêm nhớ ngày mong người bạn kia, và tâm
trạng tương tư đó làm thành nên tình yêu. Cặp đôi thanh niên thiếu nữ đó đi sâu
vào tương quan tình yêu bằng việc thiết lập, đính ước, chấp nhận trọn đời sống
cho nhau và vì nhau. Tình yêu đó được thể hiện qua sự trung thủy, hy sinh, quan
tâm nâng đỡ và điều đặc biệt là luôn làm cho người mình yêu được hạnh phúc, dù
rằng phải đánh đổi điều chi. Tình yêu đó được san sẻ cho nhau qua lại, và vượt
xa hơn nữa khi hướng đến đối tượng thứ ba là con cái của họ, họ diễn tả tình
yêu cho nhau, vì nhau qua con cái họ. Tình yêu gia đình thật đẹp, và tình yêu
đó trở nên cao đẹp nhất, khi họ dám hy sinh mạng sống cho nhau, cho những người
mà họ yêu thương nhất. Vâng! chỉ có tình yêu mới làm nên điều đó. Chính tình
yêu làm nên sự sống này, và sự sống này chỉ có thể phát triển bởi tình yêu.
Được “hấp dẫn” bởi Đức
Giêsu.
Hình ảnh tương quan tình yêu vợ chồng được diễn tả trên đây
thật đẹp! cũng vậy, tôi muốn dùng hình ảnh đó để diễn ta tương quan tình yêu của
một người với Đức Giêsu. Trước hết họ cũng cần được “hấp dẫn” bởi Đức Giêsu, và
dám để Ngài bước vào cuộc đời họ. Tâm sự của ngôn sứ Giê-rê-mi-a, đã quảng diễn
điều đó: “Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ
con, và con đã để cho Ngài quyến rũ.” (Gr 20,7). Khi được “hấp dẫn” bởi Đức
Giêsu, họ đi vào tương quan với Ngài như một người bạn với một người bạn.
Chia sẻ thân mật với
Đức Giêsu.
Một khi đã coi Đức Giêsu là bạn, họ cần mở lòng mình ra, để
đi vào tương quan sâu đậm với Ngài. Họ có thể chia sẻ với Ngài mợi tâm tư sâu lắng
bằng nhiều cách, cách cụ thể là cầu nguyện.
Cầu nguyện chính là cách trò chuyện với
Chúa Giêsu. Chính trong cầu nguyện họ cảm thấy được biến đổi, được đỡ nâng và
điều quan trọng hơn cả là họ cảm nhận được: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8),
cảm nhận rõ nét, sâu đậm hơn khi thấy Đức Giêsu vô tội đã chết thay cho họ, chỉ
vì Ngài quá yêu họ (2 Cr 5, 15). Chính tình yêu đó sẽ đánh động, cảm hóa, thúc
bách (2 Cr 5, 14) họ, để rồi họ dám sống chết cho một mình Đức Giêsu mà thôi!
Nhưng làm thế nào để tình yêu với Đức Giêsu ngày càng lớn mạnh?
Yêu Chúa và bỏ mình
Để tình yêu với Đức Giêsu ngày càng lớn mạnh, đòi buộc họ không chỉ dừng
lại ở việc cầu nguyện, kết hiệp liên lỉ với Đức Giêsu, nhưng đi xa hơn là việc
bỏ mình. Yêu Chúa và bỏ mình luôn đi kèm với nhau, không thể yêu Chúa nếu không
bỏ mình và ngược lại, chính Đức Giêsu đã xác định điều đó: “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai
con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai không vác thập giá mình mà theo
Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều
mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.” (x. Mt 10, 37-39). Đòi
buộc của Đức Giêsu là phải dứt khoát, thật vậy, tình yêu không có chuyện nửa vời,
tình yêu đòi phải hết tình, hết mình phải được diễn tả qua sự hy sinh. Sự hy
sinh nào càng lớn, càng minh diễn tình yêu càng cao, càng mạnh.
Các vị hiển thánh trong Giáo Hội là mẫu gương sống động cho mỗi người
chúng ta noi theo. Thật vậy, các vị thánh đều có điểm chung là họ được “hấp dẫn”
bởi Thiên Chúa (Cv 9), được Đức Giêsu ngỏ lời, gọi mời và họ đã hân hoan, nhanh
nhẹn đáp trả tiếng Ngài. Chính việc sống thân tình với Thiên Chúa trong cầu
nguyện, các thánh nghe được lời thì thầm của Đức Giêsu, và họ cảm nếm được tình
yêu Chúa trong cuộc đời, đến nỗi họ sống như thể họ không sống mà là Đức Giêsu
sống trong họ (Gal 2,20). Tình yêu đó mãnh liệt, da diết, đốt nóng tâm can làm
thổi lên trong họ ngọn lửa nhiệt thành tông đồ, dám bỏ mình, dám sống, dám chết
cho Đức Giêsu.
Tóm lại, để thiết lập, củng cố
và phát triển tương quan với Đức Giêsu, mỗi người cần trước hết được “hấp dẫn”
bởi Ngài (Ga 6, 44), sau là kết thân với Ngài như một người bạn, để chia sẻ, bầu
bạn và được Ngài đồng hành đỡ nâng. Sau đó là đi vào tương quan tình yêu, tương
quan sau một thời gian được cuốn hút, được cảm nếm sự ngọt ngào của tình yêu hy
sinh, tình yêu đi bước trước của Ngài. Nhờ sự thân mật, liên lỉ cầu nguyện kết
hiệp với Đức Giêsu trong mọi giây phút cuộc đời, họ có sức mạnh (Pl 4,13), có
tình yêu (Ga 4, 18) của Đức Giêsu, họ dám can đảm bỏ mình, hy sinh, chẳng quản
nề sợ hãi, bất chấp mọi hiểm nguy… Họ chỉ biết sống và làm đẹp lòng Thiên Chúa,
bởi lẽ tương quan tình yêu Chúa chiếm đoạt lòng họ, và sự bỏ mình chỉ là điều tất
yếu để diễn tả tình yêu của họ với Đức Giêsu mà thôi!
Minh Đức S.J.
0 Comments:
Không cho phép có nhận xét mới.