Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 28 tháng 3, 2023

BÀN VỀ THÂN PHẬN CON NGƯỜI DƯỚI LĂNG KÍNH TRUYỆN KIỀU

 BÀN VỀ THÂN PHẬN CON NGƯỜI DƯỚI LĂNG KÍNH TRUYỆN KIỀU



Nói về số phận con người, có lẽ mỗi người có một quan điểm khác nhau. Có người cho rằng: “đời là bể khổ”, thế nên qua được bể khổ là qua đời. Có người cho rằng: “đời là vạn ngày sầu, biết tìm vui chốn nào…”. Về cá nhân tôi, khi đọc Truyện Kiều, tôi nhận thấy nhân sinh quan của đại thi hào Nguyễn Du rất sâu sắc. Những tư tưởng của cụ không “sặc mùi” bi quan, nhưng thể hiện một nét văn hóa tín ngưỡng “Tam Tài”: Thiên-Địa-Nhân một cách mật thiết.

Khi nhận xét về thân phận con người, thi hào Nguyễn Du không ngần ngại khẳng định: “Ngẫm hay muôn sự tại Trời,

Trời kia đã bắt làm người có thân.

Bắt phong trần phải phong trần,

Cho thanh cao mới được phần thanh cao.

Có đâu thiên vị người nào ,

Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai.”

Có nghĩa là mọi sự việc diễn ra trong cuộc sống hằng ngày đều chịu sự chi phối bởi Trời, nghĩa là số mệnh mỗi người do ông Trời sắp xếp, định liệu một cách công bằng và không thiên vị. Tài và Mệnh luôn đi liều với nhau, cụ thể là “chữ tài đi với chữ tai một vần”.

Bên cạnh đó, Tài và Mệnh được thể hiện ở nơi cái gọi là “Nghiệp”.

“Đã mang lấy nghiệp vào thân,

Cũng đừng trách cứ trời gần trời xa”.

Có đôi khi trong cuộc sống, mỗi khi gặp cảnh đoạn trường, khổ lụy, phiền não… tâm lý chung con người thường than trời trách đất, “tại sao tôi khổ vậy? tôi là người khổ đau nhất trên đời này…Ông trời thật là bất công…”. Giải pháp để vượt thoát khổ đau, theo cụ Nguyễn Du là chúng ta hãy “hài lòng”, “vui lòng”, “bằng lòng” với thực tại của mình.

Vì thế, sống ở đời này, cụ nhắc nhở mọi người hãy chú trọng đến chữ “Tâm”.

“Thiện căn ở tại lòng ta,

Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài”.

Tâm ở đây chính là tấm lòng, sống trong cuộc sống cần nhất là tấm lòng chân thành, chân thật, yêu thương, tha thứ, nhân từ, bao dung với nhau. Điều đáng sợ nhất của cuộc sống đó là “tà ý”, “dã tâm”, điều mà cụ Nguyễn Du thốt lên:

“Bề ngoài thơn thớt nói cười,

Mà trong nham hiểm giết người không dao.”

Nhưng cuộc sống này khá công bằng, vì “sống ở đời có vay có trả, luật nhân quả không trừ một ai”, và cũng cần thừa nhận:

“Nói rằng: “Lồng lộng trời cao,

Hại nhân nhân hại, sự nào tại ta!”

“Những người bạc ác tinh ma,

Mình làm mình chịu kêu mà ai thương!”

Cuộc sống luôn có những điều xem ra là nghịch lý, “xa người mình yêu và sống với người mình không thích”, và chia ly luôn là nỗi đau khổ của cuộc đời. Chia ly của cặp đôi yêu đương phải xa cách nhau, chia ly khi người thương của ta vĩnh viễn rời bỏ cuộc trần này… Cuộc chia ly nào cũng có sự buồn thương, tiếc nuối. Tình cảm càng mặn nồng chia ly càng xót xa.

Cuộc sống luôn cần sự hài hòa giữa âm dương (triết lý âm dương 陰陽 (yīn yáng): Thiên-địa; nhật-nguyệt; cha-mẹ; nam-nữ; dương thế-âm phủ… mà theo Kinh Dịch 易經: “Thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái, bát quái biến hóa vô cùng” 太極生兩儀,兩儀生四象,四象生八卦,八卦變化無窮.). Nói về âm dương để xét về chuyện tình duyên nam nữ, cụ Nguyễn Du chia sẻ:

“Vầng trăng ai xẻ làm đôi,

Nửa in gối chiếc nửa soi dăm trường.”

Dẫu biết rằng, khi mới quen nhau, họ thường thẹn thùng thưa thốt:

“Người đâu gặp gỡ làm chi,

Trăm năm biết có duyên gì hay không,” và có nhiều lúc

“tình trong như đá, mặt ngoài con e…”

Nam nữ luôn cần đến nhau, bởi không ai có thể một mình sống đơn độc, vì thế có lần cụ Nguyễn Du thốt lên:

“Một mình lưỡng lự canh chầy,

Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh.”

Thế nên, nam nữ luôn cần đến nhau, khi yêu nhau, họ mang tâm trạng “fall in love” (yêu nhau say đắm), đến mức thi hào đã diễn tả tâm trạng này rất hay trong đoạn thơ:

“Đã mang lấy một chữ tình,

Khư khư mình buộc lấy mình vào trong.

Vậy nên những chốn thong dong,

Ở không yên ổn ngồi không vững vàng.

Ma đưa lối quỷ đưa đường,

Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi”.

Để rồi, cuối cùng đành quyết định:

“Cũng liều nhắm mắt đưa chân,

Để xem con tạo xoay vần đến đâu.” Phó thác thiên duyên cho Trời.

Nhưng cuộc đời đâu như là mơ, hữu sinh ắt hữu tử, hợp tan là quy luật nhân sinh. Nhìn thấy tình duyên chia ly, cụ Nguyễn Du đã xót xa nên thốt thành lời:

“Hoa trôi nước chảy xuôi dòng,

Xót thân chìm nỗi đau lòng hợp tan!”

và “Đau lòng tử biệt sinh ly,

Thân còn chẳng tiếc, tiếc gì đến duyên.”

Duyên hạnh ngộ và chia ly là chuyện thường tình trong cuộc sống nhân sinh, trong mọi thời và mọi nơi.

Bên cạnh chia ly tình duyên, đó là chia ly tình thân. Khi người thân yêu của chúng ta ra đi vĩnh viễn, ắt hẳn nỗi đau thương, tiếc xót vẫn âm ỉ trong lòng, vì

“Đau lòng kẻ ở người đi,

Lệ rơi thấm đá, tơ chia rũ tằm.”

và “Đoạn trường thay lúc phân kỳ,

Vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh.”

Nỗi đau chia ly sẽ nhiều hơn nếu như họ không được gặp mặt trước đó,

“Thôi con còn nói chi con,

Sống nhờ đất khách, thác chôn quê người.”

Nói tóm lại, nhìn về cuộc sống con người, đại thi hào Nguyễn Du có nhiều nhãn quan khác nhau: về sự thiện sự ác, về chữ hiếu chữ nhân, về thân phận tài mệnh, về hợp tan, chia ly… Nhưng có lẽ điều quan trong nhất trong cuộc sống, với cụ đó là chữ “Tâm”, hãy sống với nhau với tất cả tấm lòng chân thành, “từ tâm” (chữ Tâm bằng ba chữ Tài), vì

“Sư rằng phúc, hoạ đạo trời,

Cội nguồn cũng ở lòng người mà ra.”

Đặc biệt, hãy trân quý giây phút hiện tại, khi còn gặp gỡ nhau, vì:

“Bây giờ rõ mặt đôi ta,

Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao” và hãy

“Thương sao cho trọn thì thương,

Tính sao cho vẹn mọi đường, thì vâng!”


Minh Đức S.J.

0 Comments: