Tổng số lượt xem trang

4,498

Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2025

Ơn Gọi Của GIa-kêu (TTCT 3.2025 Quay Xe)

 

GIA-KÊU “QUAY XE”



Lời Chúa: Lc 19, 1-10

Khi ấy, Chúa Giêsu vào Giêricô và đi ngang qua thành, thì kìa, có một người tên là Giakêu, ông thủ lãnh những người thu thuế và là người giàu có. Ông tìm cách để nhìn xem Chúa Giêsu là người thế nào, nhưng không thể được, vì người ta đông quá, mà ông lại thấp bé. Vậy ông chạy lên trước, trèo lên một cây sung để nhìn xem Người, vì Người sắp đi ngang qua đó.

Khi vừa đến nơi, Chúa Giêsu nhìn lên và trông thấy ông ấy, nên Người bảo ông rằng: “Hỡi Giakêu, hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi”. Ông vội vàng trụt xuống và vui vẻ đón tiếp Người. Mọi người thấy vậy, liền lẩm bẩm rằng: “Ông này lại đến trọ nhà một người tội lỗi”.

Ông Giakêu đứng lên thưa cùng Chúa rằng: “Lạy Ngài, tôi xin bố thí nửa phần của cải tôi cho kẻ khó, và nếu tôi có làm thiệt hại cho ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn”. Chúa Giêsu bảo ông ấy rằng: “Hôm nay nhà này được ơn cứu độ, bởi người này cũng là con cái Abraham. Vì chưng, Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất”.

Khung cảnh: Hãy mường tượng khung cảnh thành Giêricô, nơi có đám đông lũ lượt đi theo Chúa Giêsu. Trong khi đó, Giakêu nghe người ta nói nhiều về Đức Giêsu, nhân vật tốt lành, giàu tình thương, uy tín, thiêng liêng. Chính khi ‘tò mò’ và để ý đến những điều thiêng liêng, cao quý… Giakêu đã tìm cách để gặp gỡ Giêsu, nhưng vì đám người đông và mình thấp bé, nên ông gặp nhiều khó khăn, cản trở; nhưng thay vì bỏ cuộc, Giakêu đã có sáng kiến trèo lên cây sung để tiện quan sát Giêsu từ đàng xa và từ trên cao. Chúa Giêsu đi ngang qua và thấy Giakêu ở trên cây, Chúa nói chuyện và vào thăm nhà ông. Được gặp Chúa Giêsu, cuộc đời Giakêu như bước sang một trang sử mới, đó là được ơn cứu độ.

Ơn Xin: Xin cho con có tấm lòng khao khát tìm gặp Chúa để được biến đổi và dám can đảm “quay xe” với con người cũ, sống con người mới trong tình yêu Chúa và tha nhân hơn.

Diễn giải Tin Mừng:

Thánh Luca là tác giả duy nhất thuật lại cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và ông Giakêu. Vậy Giakêu là ai? Không những là người thu thuế mà Giakêu là người đứng đầu những kẻ thu thuế (Tổng giám đốc cục thuế) và là người giàu có. Thông thường, người thu thuế thời Chúa Giêsu đều là người giàu có, vì của cải họ kiếm được thường là do gian lận. Họ bị người dân căm ghét, vì tiền thu thuế phải nộp cho ngoại bang là đế quốc Rôma. Rất nhiều trường hợp trong Tin Mừng cho thấy sự khinh bỉ của người dân đối với những người hành nghề thu thuế. Những người này cũng được đồng hoá với các tội nhân, như lời xầm xì của dân chúng: “nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ”. Thánh Luca không nói rõ Chúa Giêsu lưu lại ở nhà ông Giakêu bao lâu, nhưng vào thời đi lại khó khăn, chắc hẳn thời gian Chúa viếng thăm không chỉ trong chốc lát. Ông Giakêu, một người thấp bé về vóc dáng, nhưng lại thông minh về trí tuệ, và tha thiết về ước vọng muốn làm lại cuộc đời. Ông muốn gặp Chúa. Vì vóc dáng khiêm tốn của mình, ông đã trèo lên một cây sung để nhìn Chúa cho rõ.

Cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu đã làm cho cuộc đời ông Giakêu sang trang mới. Trước những dị nghị của đám người đang ghen tức và bình phẩm, ông quả quyết tuyên bố sẽ canh tân bản thân. Ông nhận ra những lỗi lầm do việc gian lận, và nay ông hứa sẽ đền gấp bốn. Ông cũng sẵn sàng chia sẻ phần nửa tài sản cho người nghèo. Cuộc đời của ông Giakêu đã hoàn toàn đổi mới. Ông tìm thấy niềm vui và bình an khi sám hối và chia sẻ.

Gợi ý suy niệm và cầu nguyện:

1.     Cú Quay Xe Của Giakêu về Với Giá Trị Cốt Lõi

Hãy thử hình dung, Giakêu đứng đầu chế độ thu thuế thời đế quốc Roma để đô hộ dân Do Thái. Ắt hẳn ông là người giàu có, tài năng và đầy danh vọng. Tuy nhiên, trong lòng ông có thể vẫn chưa được bình an sâu lắng và hạnh phúc đích thực, bởi vì đời sống nội tâm của ông thường bị dằn vặt, tra vấn trước những lời chỉ trích, đàm tiếu, soi mói, hạ bệ, khinh thị...của mọi người. Hay sâu xa hơn, Giakêu muốn tìm kiếm một giá trị cao quý, bền vững và thiêng liêng hơn. Đó là một giá trị cốt lõi mang tính siêu việt và siêu nhiên hơn những gì là vô thường và tầm thường mà ông đang nắm giữ.

Nghe tin Chúa Giêsu đi ngang qua nhà mình, Giakêu tìm cách để nhìn xem Giêsu là người như thế nào? Dĩ nhiên, trước đó có thể Giakêu đã nghe biết Giêsu là người công chính, thánh thiện và giàu lòng thương xót khi chữa lành bệnh tật, yêu thương người nghèo hèn khốn khổ, rao giảng Lời Chúa, sự sống Nước Trời… Thế nên, Giakêu được ấn tượng bởi hình ảnh nhân hậu và từ bi của Giêsu và ông tìm cách gặp Người.

Thực tế, ta thấy Giakêu phải từ bỏ mình nhiều lắm, khi là một ‘giám đốc cục thuế’ với danh tiếng và địa vị cao, mà lại phải trèo lên cây sung như một đứa trẻ con và làm một việc như ‘trò hề’ vậy. Hơn nữa, là một người không còn trẻ mà lại trèo lên cao sẽ khá nguy hiểm đến tính mạng, chưa kể nhiều khi có côn trùng, rắn rết, muỗi bọ, kiến, ong, bọ, sâu… bò vào người, thậm chí dễ dàng bị trầy xước da thịt và dơ bẩn quần áo. Thế nhưng, vượt qua những rào cản đó, thậm chí cả về thể lý nhỏ bé, tâm lý bị coi thường, …với lòng can đảm và khát khao tìm gặp Chúa Giêsu, Giakêu đã được như ý sở nguyện, Chúa đến thăm ông.

Hãy thử hình dung khung cảnh Giêsu ngước nhìn lên Giakêu nhỏ nhắn đang run rẩy ở trên cây và hằng trăm con mắt nhìn lên ông, có lẽ ông sẽ đỏ mặt và vô cùng lúng túng. Tuy nhiên, ánh mắt nhân từ của Giêsu đã đụng chạm vào đôi mắt thẳm sâu đầy khao khát hướng thiện của Giakêu. Dường như Giêsu đã đụng chạm đến chiều sâu thầm kín của Giakêu, khiến ông có thể hết sức cảm động và hạnh phúc đến rơi lệ khi được Chúa yêu thương và quan tâm. Ở đây, ta thấy Thiên Chúa luôn đi bước trước để tìm kiếm và gặp gỡ con người. Bởi vì, Thiên Chúa luôn thấu suốt tâm hồn, tấm lòng của chúng ta. Chỉ cần ta có khao khát tìm gặp Chúa, chắc chắn Người sẽ không để ta phụ lòng.

Thật vậy, Thiên Chúa đã hạ mình xuống để đi tìm kiếm con người, nay Chúa lại ngước mắt nhìn con người. Ánh mắt của Giêsu và ánh mắt của Giakêu đã gặp nhau. Ánh mắt Chúa đã thuyết phục ông. Đáp lại, ông “vội vàng tụt xuống” và mừng rỡ đón rước Người. Chúng ta tưởng tượng thấy một Giakêu rất vui vì được Chúa chủ động đề nghị đến thăm nhà ông. Ông vốn mặc cảm trước ánh mắt của người đời, chỉ mong lén nhìn thấy Chúa, thì nay, ánh mắt của Thiên Chúa lại tìm kiếm ông. Lòng thương xót của Thiên Chúa đã xoá đi mọi khoảng cách. Đối với Chúa Giêsu, trước mặt Người không còn là thu thuế hay biệt phái, không còn là người giàu hay nghèo, mà là con cháu tổ phụ Abraham. Con cháu Abraham tức là dòng dõi những kẻ tin. Nhờ lòng tin mà ông được cứu rỗi.

Càng suy nghĩ kỹ, ta càng thấy Giakêu đã có một cuộc “quay xe” nghiêm túc với Thiên Chúa để chọn lựa những giá trị cốt lõi cho cuộc đời mình đó là ơn cứu độ, sự sống đời đời. Dĩ nhiên, cuộc “quay xe” của Giakêu sẽ gặp không ít những khó khăn, trắc trở, và gian nan. Bởi ông sẽ phải từ bỏ cuộc sống sung túc, giàu sang, tiện nghi và thoải mái, thay vào đó là sự bấp bênh, và nghiêm túc hơn với lề luật Chúa. Thế nên, bất cứ cuộc “quay xe”, “trở lại” và “trở về cùng với Chúa” đều phải từ bỏ một số điều nào đó.

Reflections:

-        Đâu là những giá trị cốt lõi trong đời sống của tôi? Phải chăng là nhiều tiền bạc, danh vọng và địa vị cao? Hay là đời sống thân mật với Thiên Chúa? Xây đắp giá trị tình thương và lòng nhân ái?

-        Điều gì làm cản vướng tôi “quay xe” về với Thiên Chúa? Phải chăng là bận rộn của việc kiếm tìm cơm áo, gạo tiền, hay những tiện nghi của thời hiện đại… Khiến tôi gặp nhiều khó khăn để đến với Thiên Chúa? Trong mùa Chay Thánh này, tôi sẽ “từ bỏ” những điều gì để có thể “quay xe” về với Thiên Chúa?

2.     Kinh Nghiệm Gặp Gỡ với một Thiên Chúa thứ tha

Trong cuốn sách “Thực Hành Linh Hướng” của cha William A. Barry và William J. Connolly đã viết rằng: “Để hướng dẫn người khác trên đường thiêng liêng, trước hết cần hỏi họ kinh nghiệm cá vị về Thiên Chúa, chẳng hạn: Thiên Chúa là ai đối với bạn và ngược lại, bạn là ai đối với Ngài?” Thực tế, Giakêu đã có một kinh nghiệm cá vị với Chúa Giêsu, trong đó, ông cảm thấy mình được Thiên Chúa quan tâm, yêu thương và tha thứ tội lỗi. Thậm chí, Thiên Chúa còn ban ơn cứu độ cho ông “hôm nay, ơn cứu độ đến trên nhà này.”

Chính kinh nghiệm cá vị về tình yêu Thiên Chúa đã làm cho Giakêu được biến đổi, ‘hoàn lương’, sám hối (hoàn trả gấp 4) và hướng thiện hơn. Giakêu đã trở nên công chính và được ơn cứu độ.

Harold Hughes xưa kia là Thống đốc tiểu bang Iowa và là một nghị sĩ của Hoa kỳ. Nhưng cuộc đời của ông đã không luôn luôn thành công. Trong tập tự truyện, Hughes kể lại rằng thời trai trẻ ông đã là “một người nghiện rượu, dối trá và lừa đảo”. Vào một thời điểm trong đời ông, đã phá huỷ tất cả mọi sự, và mất tất cả.

Một đêm nọ ông nhảy vào bồn tắm và chuẩn bị tự tử. Ông dí khẩu súng Shotgun vào bụng, rồi nhốt cái chùi giẻ vào miệng. Khi ông sắp sửa bóp cò súng, thình lình ông nhớ lại Thánh kinh đã nói giết mạng sống mình là sai. Và ông đã cố cắt nghĩa với Chúa lý do tại sao ông lại làm điều kinh tởm này. Ông trèo ra khỏi bồn tắm, quì xuống nền gạch lạnh lẽo, và gục đầu trên thành bồn tắm. Trong tư thế đó, ông nói chuyện với Chúa đang khi khóc nức nở. Sau đó có một điều gì đã xẩy ra mà ông chưa bao giờ cảm nghiệm thấy trong đời. Ông viết trong cuốn tự truyện như sau:

“Một sự bình an ấm áp dường như bao phủ lấy tôi. Mọi tội lỗi của tôi dường như tan biến. Thiên Chúa cúi xuống và ôm lấy tôi. Giống như một đứa trẻ bị thất lạc trong cơn giông bão, thình lình tôi bị vấp chân ngã vào cánh tay ấm áp của Cha tôi. Đang khi quì gối trên nền nhà tắm, tôi đã hiến dâng hoàn toàn con người của tôi cho Thiên Chúa, và tôi nói với Ngài: Bất cứ việc gì Ngài sai con làm, lạy Cha, con sẽ thực thi thánh ý Cha”.

Kinh nghiệm đáng nhớ muôn đời đó đã bắt đầu một sự biến đổi hoàn toàn đối với Harold Hughes. Mười năm sau, ông được bầu làm Thống đốc tiểu bang Iowa. Bảy năm sau nữa, ông được bầu vào Thượng viện của Hoa kỳ. Sau cùng, vào năm 1975, ông rút lui khỏi hậu trường chính trị, về hưu và làm việc trọn ngày cho chương trình giúp đỡ những người cai thuốc phiện và nghiện rượu.

Refections:

-        Trên đây là kinh nghiệm của Harold Hughes về Thiên Chúa yêu thương và cứu chữa ông. Vậy tự vấn chính mình, có lần nào ta có một kinh nghiệm về việc Thiên Chúa yêu thương và cứu chữa chính mình chưa?

-        Rất nhiều lần Chúa đứng trước cửa lòng ta và gõ cửa, hay ngước nhìn lên ta như ánh mắt nhìn Giakêu, nhưng có thể ta đã không mở ra đón tiếp Giêsu đến thăm?

-        Xin Chúa giúp con xây dựng tương quan tình thân với Ngài, dám dành giờ cho Ngài.

 

 

 

 

 

 

Related Posts:

  • 20 SUY NIỆM NGẮN VỀ MẦU NHIỆM THẬP GIÁ 20 SUY NIỆM NGẮN VỀ MẦU NHIỆM THẬP GIÁ1. Lễ suy tôn thánh giá nhắc nhớ ta hãy chiêm ngắm Đấng bị treo trên thập giá và bị đâm thâu vì nhân loại.2. Có thể ta dễ bị cám dỗ khi muốn bước theo một Đức Giêsu vinh thắng, khải… Read More
  • MỘT VÀI GỢI Ý GIÚP CẦU NGUYỆN TỐT HƠN MỘT VÀI GỢI Ý GIÚP CẦU NGUYỆN TỐT HƠN   • Cầu nguyện là mối tương quan tình yêu của chúng ta với Thiên Chúa Câu nguyện không chỉ là một hoạt động, nhưng là mối tương quan tình yêu của ta với Thiên Chúa. Như bât … Read More
  • VIẾT VỀ ÔNG NỘI  VIẾT VỀ ÔNG NỘI   Ngạn ngữ Tây Phương có câu: “con người có 3 cái chết, một là chết về thể lý khi thân xác không còn hơi thở; cái chết thứ hai là thân xác mục hoại thành tro bụi và vùi hòa vào lòng đất; cái chết … Read More
  • ĐIỂM MÙ TÂM TINH (Lễ Gioan TG bị Trảm Quyết) BÀI GỢI ĐIỂM TTCT THÁNG 9 (21-22/9/2024) ĐIỂM MÙ TÂM TINH Tiền nguyện 1: Trước khi đến điểm cầu nguyện độ 3-5 bước chân, bạn hãy dừng lại và tự hỏi mình đang đi đâu và chuẩn bị gặp ai? Sau đó thinh lặng với khoảng thờ… Read More
  • NHỮNG HƯỚNG DẪN GIÚP XÉT NGUYỆN SAU GIỜ CẦU NGUYỆN NHỮNG HƯỚNG DẪN GIÚP XÉT NGUYỆN SAU GIỜ CẦU NGUYỆN   1. Nài xin ánh sáng và ân sủng để nhận ra sự đồng hành/bước đi của Chúa trong giờ cầu nguyện. 2. Tôi có chuẩn bị tốt giờ cầu nguyện: các bước và chất liệu cầu… Read More

0 Comments:

Đăng nhận xét