CON NGƯỜI LÀ CÂY SẬY BIẾT SUY TƯ
Đặt vấn đề
Nhìn vào thảm kịch bi hoàng của đại dịch Covid-19 vừa qua, với số người tử vong lên đến hàng triệu người chỉ trong vòng chưa đầy ba năm kể từ khi đại dịch đầu tiên bùng phát. Vi-rút Corona tuy nhỏ bé, nhưng mức độ lây lan rất nhanh và gây nguy hiểm cho con người. Thật vậy, con người trở nên yếu ớt trước những thảm họa từ thiên nhiên như sóng thần, bão tố, động đất và dịch bệnh… Ít nhất một lần trong đời, mỗi người có lúc phải dừng lại và tự đặt cho mình những câu hỏi như: “tôi là ai? và thân phận tôi như thế nào?”
Điều đó đã được nhiều triết gia trong quá khứ luận bàn với những nhãn quan khác nhau, chẳng hạn như:
“Socrate với Con Người Tự Tri. Khổng Tử với Con Người Tu Tề Trị Bình. Kant với Con Người Tuân Quyết Lệnh Tối Thượng. Descartes với Con Người Nhận Mình Hiện Hữu Bằng Cogito. Nietzsche với Con Người Siêu Nhân, Mác với Con Người Sản Xuất Kinh Tế. Mounier với Con Người Hướng Thượng. Sartre với Con Người Bị Bắt Buộc Tự Do…”
Những ý niệm về con người ở trên khá trừu tượng, nhưng với Blaise Pascal, ông có cái nhìn hiện sinh và sinh động hơn về con người như là một cây sậy biết suy tư. Từ đó ông diễn nghĩa nhiều điều thú vị khác về con người trong nhân sinh quan và vũ trụ quan.
Tóm tắt (abstract): Bài viết này là một nỗ lực để giải thích câu nói nổi tiếng của Blaise Pascal: “con người là cây sậy biết suy tư”, qua hai đề mục chính để giải thích về hình ảnh con người như là cây sậy và diễn nghĩa ý niệm suy tư theo quan điểm của Pascal về con người.
Từ khóa (keywords): con người, cây sậy, suy tư, tư duy, Blaise Pascal.
Dẫn nhập
Blaise Pascal (1623-1662) là một "thần đồng khoa học" người Pháp, ông có nhiều phát minh về các định lý, mệnh đề và biểu thức toán học… Không chỉ là một nhà toán học tài ba, Pascal còn là một nhà triết học lỗi lạc và một văn hào kiệt xuất. Những suy tư về triết học hiện sinh của ông được chứa đựng trong nhiều tác phẩm lớn, trong số đó có hai tác phẩm nổi tiếng là "Những bức thư của Louis de Montalte" (1656-1657) và tác phẩm "Suy nghĩ" (1669, xuất bản sau khi ông qua đời). Trong tác phẩm “Suy nghĩ” của Pascal, ông đưa ra nhiều suy tư, lý giải về vấn nạn hiện sinh của con người. Trong số những suy tư sâu sắc đó, khi định nghĩa về con người, có một phát biểu nổi tiếng qua bao thế kỉ của ông khiến nhiều người phải để tâm suy nghĩ, đó là: “con người là cây sậy biết suy tư.”
Con Người Là Cây Sậy Biết Suy Tư
Pascal đã khẳng định: “con người là cây sậy biết suy tư”, vấn đề được đặt ra là tại sao con người là cây sậy mà không phải là cây gì khác? không phải Pascal phát biểu câu này một cách bộc phát, nhưng chắc hẳn có một ý nghĩa sâu xa mà chúng ta cần phải suy tư về nó. Nhà triết học và nhà văn Pháp nổi tiếng Bergson, được giải thưởng Nobel văn học năm 1928 đã phải đưa ra một nhận xét: "Những máy đo lường của chúng ta quá ngắn để ước lượng được chiều sâu tư duy của Pascal" . Điều đó cho thấy tư tưởng của Pascal rất thâm thúy, và ông quan niệm con người như là cây sậy là có lý do chính đáng, và ẩn ý thâm sâu.
Tương truyền, có một người bạn đã khuyên Pascal từ bỏ khoa học để đi theo tôn giáo, với lý do: "Con người chỉ là một cây sậy yếu ớt trước Tạo Hóa vô biên. Làm sao anh có thể đương đầu nổi với giông tố cuộc đời". Pascal đã tự tin trả lời: "Đúng! con người chỉ là một cây sậy mềm yếu, nhưng là một cây sậy biết suy nghĩ. Vì thế, nó không bao giờ chịu cho giông tố dập vùi…" Pascal cho rằng sự dẻo dai của cây sậy trước giông bão tựa như khả năng suy tư của con người trước thực tại vô biên của cuộc sống. Trong thực tế, nếu xét ở vẻ bề ngoài cây sậy có vẻ mong manh, yếu ớt trước giông bão, thế nhưng ít ai biết nó có sức chịu đừng phi thường, vì thân cây mềm dẻo nên dễ uốn mình theo làn gió bão, sức sống của cây sậy rất mãnh liệt.
Trong chuyện ngụ ngôn “cây Sồi và cây Sậy” đã minh chứng về điều đó. Cây sồi và cây sậy mọc cạnh nhau ở bờ sông. Một hôm, cây sồi nói những lời thương tiếc với cây sậy, vì cây sồi cho rằng cây sậy ốm yếu, một chú chim chích nhỏ bé đậu lên cũng làm anh oằn mình, đó là chưa kể đến gió to bão lớn. Trong khi đó, cây sồi tự đắc với vẻ hùng vĩ, đồ sộ của mình khi nó hiên ngang trước ánh dương, gió bão… Một ngày kia có một trận cuồng phong khủng khiếp ập tới, gió thổi dữ dội, cây sậy ngả rạp theo gió, cây sồi vươn mình ra chống đỡ, nhưng gió bão mỗi lúc một tăng mạnh, cuối cùng cây sồi đã bật rễ và trôi theo dòng sông cùng giông bão.
Ví thế, khi ví von con người như cây sậy ắt hẳn Pascal cũng muốn nhấn mạnh đến thân phận hữu hạn của con người, nó mong mạnh, yếu ớt như cây sậy (thực tế là thể chất của Pascal rất yếu, ông qua đời khi mới 39 tuổi). Thế nhưng, ẩn tàng bên trong cây sậy là sức dẻo dai trước giông bão, sự dẻo dai đó biểu trưng cho sự suy tư, nghĩa là con người có tư duy, và chính những “tư tưởng”, những suy tư là cái quý hơn hết của con người, nó mở ra một khả thể tiếp cận vô biên những thực tại siêu hình, mà không gì có thể chạm tới được ngoại trừ sự suy tư của con người.
Ý Niệm Suy Tư Theo Quan Điểm Của Pascal
Tại sao là một cây sậy biết suy tư, mà không phải là một cây sậy có sức dẻo dai, nhiều công dụng … Như đã phân tích ở trên, có lẽ điều Pascal muốn nhấn mạnh ở đây đó chính là sự suy tư. Thật vậy, khi bàn về con người hiện sinh mà không nhắc đến suy tư phải chẳng đó là một sự khiếm khuyết. Bởi lẽ, khi con người biết suy tư là lúc con người biết tiếp cận chân lý. Trước đó, René Descartes (1596-1650) đã khẳng định sự quan trọng của suy tư trong sự hiện hữu của con người, nên ông định nghĩa: “Cogito ego sum” (tôi suy tư nên tôi hiện hữu). Chính sự suy tư về con người làm cho con người trở thành người hơn, vì theo Martin Heidegger (1889-1976) quan niệm: “suy tư thể hiện mối tương quan giữa hiện hữu và yếu tính của con người” . Vì thế, phát biểu của Pascal về con người là cây sậy biết suy tư không phải không có lý.
Hơn nữa, để nói về tính quan trọng của suy tư đối với đời sống con người, Pascal khẳng định mạnh mẽ: “Tôi có thể quan niệm rõ rệt một người không tay chân, không đầu. Mà tôi không thể quan niệm con người không tư tưởng.” Cổ súy cho việc suy tư, ông cho rằng suy tư làm cho con người có giá trị hơn mọi sự vật khác, ông lập luận:
“…con người chỉ là một cây sậy yếu đuối trong tự nhiên. Vũ trụ không nhất thiết phải dùng cả hai bàn tay mới nghiền nát được con người, chỉ cần một chất hơi, một giọt nước cũng đủ kết liễu cuộc sống của nó. Tuy nhiên con người cao quý vô cùng vì con người biết suy nghĩ. Vũ trụ thì bao la, hùng vĩ hơn rất nhiều so với con người nhưng lại chẳng biết gì về điều này…”
Quả thật, sự lớn lao của trời đất sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu không có con người, và sự vô hạn của không gian, thời gian sẽ chẳng có nghĩa lý gì nếu không có sự hữu hạn của con người. Bởi vì, tất cả những thứ siêu hình (metaphysics) nằm ngoài khả kiến của con người, nhưng nhờ suy tư, lý luận con người có thể nhận ra sự hiện hữu và giá trị của chúng, ví dụ như: tình anh em, trái đất chuyển động chứ không đứng yên... Thật vậy, cũng chính trong tác phẩm Suy tưởng của Pascal, ông khẳng định: “Bước cuối cùng của lý lẽ là nhận ra rằng tồn tại vô số thứ ở phía bên kia tầm với.” Bên cạnh vũ trụ quan sâu sắc của mình, khi nói về nhân sinh quan, Pascal không ngần ngại khẳng định “con người như là một tổng thể, bao gồm cả thể xác và linh hồn” . Càng suy tư về con người Pascal càng nhận thấy sự hữu hạn của con người, đặc biệt là nơi thể xác vì nó gắn liền với cuộc sống của con người, với những quy luật sinh tồn của tự nhiên.
Tuy nhiên, Pascal cho rằng tuy thể xác con người có yếu đuối nhưng sức mạnh tinh thần của con người đến từ ý chí kiên cường và tư tưởng bất khuất. Ông luôn đề cao giá trị của con người ở tư tưởng, khả năng nhận thức, học hỏi và rèn luyện… những nỗ lực phi thường của con người sẽ vượt qua những giới hạn thường ngày. Thực tế, nhờ lý trí suy tư, ông phân biệt và lập luận về Thiên Chúa và sự bất tử của linh hồn, trong đó có “Luận điểm Sự đánh cuộc (Le Pari)” nổi tiếng. Ông lý luận về Thiên Chúa và sự sống mai hậu như sau: lý tính không thể chứng minh là có Thượng đế, có đời sống bất tử được hay không. Trong khi lưỡng lự nên đánh cuộc là có Thượng đế, có linh hồn bất tử, vì nếu thua cuộc thì chỉ mất một cuộc đời trần gian ngắn ngủi và khổ sở, nếu được thì được cả Thiên đường vĩnh cửu. Quả thật, đây là một lý luận tuyệt vời nếu xét về mức độ tôn giáo, văn hóa, và nhân đạo, vì nó giúp con người sống có tâm hơn, sống đạo đức, niềm tin và hi vọng vào cuộc sống hơn là những người sống bất chấp, sống không có hi vọng vào ngày mai, vào tương lai.
Pascal xác định chính những suy tư sẽ làm cho con người trở nên vĩ đại, vì nó siêu việt trên chính nó, ông viết: “thật là nghịch lý rằng con người có một lý trí yếu đuối, nhưng lại có khả năng siêu vượt chính nó cách vô hạn” . Cái tư duy hữu hạn của con người có khả năng vươn đến cái vô hạn. Chính sự suy tư làm cho con người trở nên vĩ đại và vươn đến gần chân lý hơn.
Lời Kết
Cây sậy là loài cây thân mềm yếu, dễ bị quật ngã bởi sức mạnh giông bão từ thiên nhiên, nhưng sức sống tàng ẩn trong nó cũng rất dẻo dai và phi thường. Điều đó tượng trưng cho sự nhỏ bé của con người về giới hạn thể chất, nhưng về khả năng tinh thần, chính những suy tư làm cho con người có khả năng vươn tới những chân lý, thực tại siêu hình của vũ trụ bao la. Giá trị của con người nằm ở tư tưởng, và đó là quan điểm của Pascal, khi ông khẳng định “con người là cây sậy biết suy tư”. Từ chính kinh nghiệm bản thân, Pascal đã chứng minh điều đó, thân thể ông chỉ như một cây sậy (Pascal bị u não, mất sớm), nhưng cây sậy đó biết suy tư, thực tế Pascal là thiên tài về khoa học, bậc thầy về triết lý nhân sinh.
Thế nên, qua câu nói “con người ta cây sậy biết suy tư” của Pascal, chúng ta có thể hiểu rằng sức sống và khả năng của con người thì hữu han, so với sự vô hạn của vũ trụ và thời gian. Tuy nhiên, với sự suy tư, con người có thể nhận thấy rằng: cái hữu hạn nằm trong cái vô hạn, và cái vô hạn sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu không có cái hữu han. Sự cao quý của loài người đã và đang sở hữu chính là tư duy, một vốn liếng mà vũ trụ dù to lớn đến đâu cũng không bao giờ có được. Tư duy, suy tư đó làm cho con người trở nên vĩ đại so với vũ trụ hùng vĩ này.
Minh Đức S.J.
Danh mục tài liệu tham khảo:
1. Hoàng Xuân Việt. Lược Sử Triết Học Phương Tây, Tổng Hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2004.
2. Sammuel Enoch Stumpf. Lịch Sử Triết Học và Các Luận Đề. Dịch bởi Đỗ Văn Thuận và Lưu Văn Hy. Lao Động, 2004.
3. Martin HEIDEGGER, Basic Writings, edited by David Farrell Knell, Harper San Francisco.
4. Blaise Pascal, Pensées, Translated by W. F. Trotter, New York, E. P. Dutton & Co., INC, 1958.
5. Worldometers, “Covid-19 Coronavirus Pandemic,” Worldometers, December 19, 2021, accessed December 19, 2021, https://www.worldometers.info/coronavirus/
6. Đinh Quang Sơn, “Cây Sồi và Cây Sậy,” Ngụ Ngôn, truyện cổ tích và hơn thế, Nov 11, 2015, accessed Dec 15, 2021, https://ngungonblog.wordpress.com/.../17/cay-soi-va-cay-say/
7. Dicocitations, accessed Dec 12, 2021, http://dicocitations.lemonde.fr/citations/citation-136022
8. Minh Ly, ‘Blaise Pascal – Nhà khoa học có tâm hồn văn chương’, Siureview, 2012, accessed December 19, 2021, https://review.siu.edu.vn/.../blaise-pascal-nha.../248/2024
0 Comments:
Không cho phép có nhận xét mới.