Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 13 tháng 8, 2024

CẦU NGUYỆN THEO LINH ĐẠO THÁNH I-NHÃ: CHIÊM NIỆM TRONG HOẠT ĐỘNG

CẦU NGUYỆN THEO LINH ĐẠO I-NHÃ: CHIÊM NIỆM TRONG HOẠT ĐỘNG  

Dẫn nhập

"Mátta! Mátta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi." (Lc 10.41-42). Câu nói trên của Đức Giêsu là đề tài khiến nhiều người tín hữu Công Giáo mọi thời để tâm suy nghĩ. Đã có những thời gian người ta đề cao sự cần thiết của việc cầu nguyện hơn lao động, và có lẽ họ dựa vào câu Kinh Thánh trên để biện minh. Quả thật, việc cầu nguyện thì rất quan trọng, nhưng nếu chỉ cầu nguyện mà không lao động thì quả là một vấn nạn nhiêu khê cho đời sống con người. Đã có nhiều nền linh đạo bám rễ sâu và đề cao việc cầu nguyện và xem nhẹ việc lao động. Thế nhưng, chúng ta phải thừa nhận một điều là: cầu nguyện và lao động, là hai hoạt động quan yếu trong đời sống người tín hữu. Thật vậy, một hoạt động nuôi dưỡng thể chất, và một hoạt động nuôi dưỡng nuôi tinh thần. Thế nhưng, vấn đề được đặt ra là: phải sống và hòa hợp cả hai chiều kích trên như thế nào? Bởi vì không phải lúc nào ta cũng có thể cầu nguyện không ngừng nghỉ và hoạt động tay chân cũng thế. Làm sao có thể vừa hoạt động trong tâm tình cầu nguyện mà công việc vẫn hiệu quả, hay không bị chia trí và phân tán đang khi ta làm việc tập trung? Để giải quyết vấn đề trên, trong bài viết này, chúng tôi sẽ trình bày một cách thức cầu nguyện thú vị mang âm hưởng nhẹ nhàng: chiêm niệm trong hoạt động của thánh I-nhã. Đây là phương cách cầu nguyện đặc sắc, dễ thương, bình dị với mọi người, bởi vì nó sẽ giúp mọi người vừa lao động nhưng cũng luôn giữ được tâm tình cầu nguyện, luôn quy hướng về Thiên Chúa, không bất cập mà cũng chẳng thái quá.




I.    LINH ĐẠO THÁNH I-NHÃ

1.1 Khái quát về linh đạo

Trước khi đào sâu về nền linh đạo thánh I-nhã, thiết tưởng cần làm rõ khái niệm “linh đạo” để có cái nhìn tổng quan hơn về linh đạo nói chung và linh đạo thánh I-nhã nói riêng. Trước hết, cần hiểu từ “linh đạo” theo một nghĩa rộng: linh là linh thiêng, đạo là đường, linh đạo là một con đường, một cách thức linh thiêng với những tương quan, kinh nghiệm với Đấng Siêu Việt của một cá nhân hoặc một nhóm người. Theo một nghĩa hẹp hơn trong Kitô giáo, từ “linh đạo” được phát xuất sau khi Hội Thánh Công Giáo được thiết lập, nó phát khởi  khi một số người tìm thấy con đường, cách thức giúp họ nên thiện toàn, hoàn hảo hơn trong việc kết hiệp với Thiên Chúa. Cụ thể, theo sách giáo lý Youcat định nghĩa, các bạn trẻ được dạy để hiểu về linh đạo như: “là những lối sống đạo đức trong Hội Thánh, được phát triển bằng nhiều cách, xuất phát từ những thực hành trong đời sống các vị thánh được Chúa Thánh Thần linh hứng.”[i]

Thật vậy, với luồng gió từ Chúa Thánh Thần thổi vào Giáo Hội, chúng ta cùng nhìn lại “dòng chảy” linh đạo Kitô giáo qua nhiều thời điểm với lịch sử riêng của nó như sau: Linh đạo tiên khởi, gồm thời Chúa Giêsu, các thánh Tông đồ và các thánh giáo phụ (TK I-VII); Linh đạo thời Trung Cổ (VIIIXV); Linh đạo thời cận đại (XVI-XVIII); Linh đạo thời hiện đại (XIX-XX). Một nhãn quan chung, chúng ta có thể thấy nhiều nền linh đạo nổi tiếng trong Giáo Hội cho đến ngày nay như: Linh đạo thánh Augustino (354-430), linh đạo Biển Đức (480-550), linh đạo Xi-tô (thánh Benado Clecvo 1090-1153); linh đạo Đa Minh (1170-1221); linh đạo Phan Sinh (1182-1226); linh đạo Carmelo (linh đạo Cát Minh: thánh Teresa Avila 1515-1591; thánh Gioan Thánh Giá 1542-1591); linh đạo thánh I-nhã (1491-1556); Linh đạo Salesian (thánh Gioan Bosco 1815-1888); gần đây nhất có nền linh đạo Con Đường Thơ Ấu Thiêng Liêng của thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu (1873). Thánh Elizabeth Chúa Ba Ngôi; Charles de Foucauld; Teilhard de Chardin (1881-1955); Thomas Merton (1915–1968)

Mỗi linh đạo mang một đặc nét, sắc thái riêng làm nổi bật khía cạnh nào đó nơi đời sống của Đức Giêsu nơi trần gian, đồng thời mỗi linh đạo cũng có một hay nhiều cách thức để sống với Thiên Chúa, hiệp thông với Người. Cụ thể, khi bước theo một nền linh đạo, ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa ngay trong chính những kinh nghiệm cá vị và độc đáo đến nỗi mỗi cá nhân cũng như tập thể hiệp thông với Thiên Chúa trong tình yêu và diễn tả tình yêu đó qua đời sống hằng ngày. Bài viết này sẽ trình bày sơ lược về cách thức cầu nguyện theo linh đạo thánh I-nhã: Chiêm niệm trong hoạt động. Hy vọng bài viết sẽ giúp quý độc giả hiểu hơn về linh đạo thánh I-nhã cũng như cách thức cầu nguyện độc đáo trong nền linh đạo này.

1.2 Linh đạo và con người thánh I-nhã 

Để tìm hiểu cách tường tận và thấu đáo về linh đạo thánh I-nhã, thiết nghĩ cũng nên tìm hiểu khái lược về tiểu sử thánh nhân. Thánh I-nhã (1491-1556), sinh ra trong một gia đình quý tộc ở dinh thự Loyola và họ có truyền thống trung thành với triều đình nhà vua Tây Ban Nha. Ngay từ nhỏ, ngài đã được hấp thụ những văn hóa, kỹ năng, lối sống trong triều đình, thế nên lối sống này cũng ảnh hưởng đến đời sống của ngài sau này rất nhiều. Vào năm 1521, biến cố thất thủ trước pháo đài Pamplona có thể xem là bước ngoặt lớn trong cuộc đời ngài, và biến cố này có tầm ảnh hưởng không nhỏ đến Dòng Tên, cũng như nền linh đạo I-nhã. Bởi vì, nhờ biến cố này, I-nhã có thời gian dưỡng bệnh và đọc được những cuốn sách thiêng liêng của người chị dâu[ii], ngài được đánh động với những kinh nghiệm đầu tiên về phân định thần loại, các thị kiến nhận được, những chuyển động nội tâm… Thế nên, I-nhã đã quyết tâm hoán cải đời sống, noi gương các thánh, và trọn đời tận tâm phục vụ vị Vua Hằng Sống và chiến đấu dưới cờ thập giá của Đức Giêsu Kitô.

Theo tự thuật của thánh I-nhã, chúng ta biết được qua thị kiến ở bờ sống Cardoner, thánh nhân đã lãnh nhận được rất nhiều ân sủng từ Thiên Chúa (TT, 26-30). Có thể nói thị kiến này là điểm son trong linh đạo thánh I-nhã. Thật vậy, Thiên Chúa đã dẫn dắt thánh nhân từng bước tựa như thầy giáo dạy dỗ học trò. Trước đây, ngài noi gương các thánh thực hành khổ chế, hãm mình phạt xác nghiêm ngặt nhưng theo một cách máy móc, và thực sự ngài cũng chẳng hiểu được sâu xa ý nghĩa việc mình làm, bởi lẽ ngài chỉ đơn giản là bắt chước các thánh. Nhưng sau thị kiến Cardoner, thánh nhân biết tiết độ, chừng mực và lưu tâm đến hiệu quả tông đồ hơn (TT, 26), nghĩa là cần sống hài hòa hơn trong những nhu cầu tự nhiên như: ăn uống, ngủ nghỉ, diện mạo bề ngoài… với mục đích để hiệu ích và cảm hóa tha nhân hơn khi làm tông đồ (TT, 19). Quả nhiên, đây là sự khai thông tinh thần mà I-nhã nhận được từ Thiên Chúa, nhằm giúp ngài thay đổi cung cách hành xử thường nhật nhằm mục đích giúp đỡ tha nhân, các linh hồn hơn.

Sau khi ở Manresa gần một năm[iii], thánh I-nhã đi hành hương Đất Thánh, trên quãng đường đi này thánh nhân thực hành khổ chế, sống khó nghèo và đặt trọn niềm tin tưởng vào Thiên Chúa. Ngài cũng nhận được nhiều thị kiến, an ủi từ Chúa Giêsu (TT, 42). Khi làm tông đồ, thánh nhân gặp không ít khó khăn từ phía giáo quyền, nên ngài quyết định đi học thần học, với hy vọng việc học sẽ giúp công tác tông đồ được tốt đẹp và thuận lợi hơn. Đang khi theo học ở Paris, ngài đã kết thân với một số bạn hữu như: Phêrô Farve, Phanxicô Xaviê, và nhiều người bạn khác cùng chí hướng... họ đã cùng nhau trải qua rất nhiều khó khăn, thăng trầm, và cuối cùng theo sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần, I-nhã cùng các bạn đường đầu tiên đã thiết lập một hội dòng mang tên Chúa Giêsu và được Hội Thánh chuẩn nhận vào năm 1540. Có thể nói rằng: ngang qua thánh I-nhã, Thiên Chúa đã dẫn dắt nhiều người theo con đường của ngài và trở về cùng với Người. Do đó, linh đạo I-nhã nói chung và linh đạo Dòng Tên nói riêng, qua 500 năm vẫn là nguồn cảm hứng cho nhiều tín hữu mọi thời và mọi nơi. Bởi vì nhờ linh đạo của thánh I-nhã, mọi người có thể biết được cách thức đặc biệt để tìm gặp Thiên Chúa ngay trong chính đời sống thường nhật, đó là Thấy Chúa trong mọi sự. Chúng ta sẽ tìm hiểu cách thức Thấy Chúa trong mọi sự trong đề mục dưới đây.

1.3 Linh đạo I-nhã: Thấy Chúa trong mọi sự

Ý niệm “thấy Chúa trong mọi sự ” được thánh I-nhã lặp lại rất nhiều lần trong các bản văn của ngài như trong Hiến Pháp Dòng Tên, tự thuật, nhật ký thiêng liêng, các thư từ, và đặc biệt là trong Linh Thao. Thật vậy, trong Linh Thao, thánh I-nhã gợi nhắc thao viên nhớ lại hình ảnh Thiên Chúa đang lao tác không ngừng trong thế giới này. Ngài gợi ý cho họ cầu nguyện với bài Chiêm Niệm Để Đạt Được Tình Yêu và muốn thao viên ý thức về lời Chúa Giêsu:“Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc thì tôi cũng làm việc” (Ga 5,17). Nghĩa là Thiên Chúa không khoanh tay đứng nhìn thụ tạo bị trầm luân sau khi Người tạo dựng chúng. Bởi vì Thiên Chúa không ngừng thương yêu con người và không muốn họ hư mất, thế nên từ trên cao Thiên Chúa quan sát vũ hoàn và nhập thể vào thế giới này, không ngừng tái tạo nó. Từ ý tưởng đó, thánh I-nhã xác quyết rằng: chúng ta phải kết hiệp với Thiên Chúa, cùng Người lao nhọc và cộng tác vào công trình cứu độ con người nơi trần gian này.

Trước đây, với lối sống của các đan viện hay các dòng tu, các đan sĩ thường lao động và làm việc riêng theo một thời gian quy định nào đó, và khi vào đúng giờ đã định, họ cùng nhau quy tụ bên các ca tòa trong nhà thờ hoặc nhà nguyện để cùng nhau cất cao cung giọng ca ngợi và thờ phượng Thiên Chúa. Có nhiều khi, các đan sĩ dành nhiều giờ trầm tư, chiêm niệm về các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Bởi đối với các đan sĩ, đó là cách thức cầu nguyện, gặp gỡ Thiên Chúa. Các đan sĩ cho rằng lao động, hoạt động riêng và chiêm niệm, cầu nguyện riêng không thể lẫn lộn với nhau. Thế nhưng thánh I-nhã đã có ý tưởng mang tính táo bạo và cải cách, khi ngài xác tín là chúng ta hoàn toàn có thể kết hiệp với Thiên Chúa ngay khi hoạt động và giá trị của nó không hề thua kém sự kết hiệp với Chúa có được nơi nhà nguyện. Nghĩa là có thể chiêm niệm ngay khi hoạt động, và thấy Thiên Chúa trong mọi sự, nơi mọi người. Cha Jerome Nadal, S.J. làm chứng về điều này khi viết về thánh I-nhã: “trong mọi sự, mọi hoạt động, mọi cuộc chuyện vãn, ngài cảm nhận và chiêm ngắm sự hiện diện của Thiên Chúa cũng như sự hấp dẫn về những điều thiêng liêng. Ngài là một người chiêm niệm trong hoạt động, và ngài thường diễn tả điều đó thế này: chúng ta phải tìm Thiên Chúa trong mọi sự.” [iv]

Một cách xác tín, thánh I-nhã cho rằng nếu cả cầu nguyện và hoạt động đều được thực hiện theo ý Chúa thì về căn bản chúng chỉ là hai mặt của một vấn đề: tình yêu đối với Thiên Chúa. Dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, mọi người có thể luôn quy hướng về Thiên Chúa, nhờ đó làm phát sinh những hoạt động mang tính cầu nguyện ngay trong chính đời sống thường nhật. Vì thế, theo thánh  I-nhã: hiệp nhất với Thiên Chúa trong hoạt động là cầu nguyện. Ngài diễn tả ý niệm đó qua câu nói: hãy cầu nguyện như thể mọi sự phụ thuộc vào bạn và hãy làm việc như thể mọi sự phụ thuộc vào Thiên Chúa. Cái nhìn mang tính chiêm niệm này là cái nhìn quy Kitô, quy về Thiên Chúa hoàn toàn trong mọi hoạt động và đó là cách thức tìm kiếm và nhìn thấy Thiên Chúa trong mọi sự của linh đạo I-nhã. Vậy, phải phân biệt ý niệm: “tìm thấy Chúa trong mọi sự” và “chiêm niệm trong hoạt động” như thế nào? Chúng ta cùng làm rõ trong đề mục dưới đây.

II. CẦU NGUYỆN THEO I-NHÃ: CHIÊM NIỆM TRONG HOẠT ĐỘNG

Có đôi khi nhiều người gặp bối rối giữa hai khái niệm “tìm thấy Chúa trong mọi sự” và “chiêm niệm trong hoạt động”. Thực tế, hai ý niệm này là một, chúng có ý nghĩa hoàn toàn giống nhau. Câu “tìm thấy Chúa trong mọi sự” là câu nói thường gặp thấy trong các bản văn của thánh I-nhã, nhưng khi cha Nadal, người được thánh I-nhã sai đi giải thích Hiến Pháp và nhiều điều cốt yếu của Dòng Tên nơi các cộng đoàn của Dòng, để hòa cùng bầu khí chiêm niệm đang được ưa chuộng ở Tây Ban Nha và nhiều nơi khác, cha Nadal thay vì dùng thuật ngữ: “tìm thấy Chúa trong mọi sự” thì cha đã thay thế nó với câu: “chiêm niệm trong hoạt động [v]. Chiêm niệm trong hoạt động cũng là cách thức để tìm kiếm Thiên Chúa trong mọi sự. Trước khi tìm hiểu kỹ lưỡng cách thức cầu nguyện theo linh đạo I-nhã: chiêm niệm trong hoạt động, thiết nghĩ chúng ta cùng trở lại với bầu khí chiêm niệm ở Tây Ban Nha thời vào thánh I-nhã, để hiểu rõ hơn về bối cảnh chiêm niệm.


2.1 Bối cảnh chiêm niệm tại Tây Ban Nha

Bầu khí chiêm niệm ở Tây Ban Nha vào thế kỷ XVI khá đặc sắc, có thể nói cách cầu nguyện chiêm niệm là đỉnh cao, khi nó được nhiều tu sĩ, giáo dân nhiều nơi hưởng ứng. Thế nhưng, tiền thân của hoạt động chiêm niệm phải kể đến là phong trào Devotio Moderna. Thật vậy, vì là một cường quốc lớn mạnh với nhiều thuộc địa và không bị Hồi Giáo và Tin Lành cùng nhiều tôn giáo khác quấy nhiễu, nên nước Tây Ban Nha có phần đa tín hữu toàn tòng theo đạo Công Giáo, họ sốt sắng sống đạo và nghiêm túc cầu nguyện: “Trong nhà thờ, phụng vụ Thánh Thể và các giờ kinh phụng vụ được cử hành tám giờ một ngày. Không dưới 100 tu sĩ ngày đêm chầu Thánh Thể.”[vi]

Lý tưởng chiêm niệm của thời kỳ này chất chứa đầy bầu khí thần bí. Hai nhà thần bí nổi danh đến thời nay mà chúng ta có thể biết tới đó là: thánh Têrêsa Avila và thánh Gioan Thánh Giá. Họ đã để lại những tác phẩm đồ sộ, đậm chất thần bí về đời sống thiêng liêng và cách thức phát triển đời sống ấy nên hoàn hảo hơn… Bên cạnh những những nhà thần bí nổi danh chính nghĩa ấy, cũng xuất hiện những người theo chủ nghĩa thần khải (illumism, sau này thành lạc giáo) gọi là Alumbrados hay Illuminati (người được khải ngộ). Họ cho rằng họ đã đạt đến đỉnh cao kết hiệp với Thiên Chúa trong bí nhiệm, nên họ không cần quan tâm đến phẩm trật, giáo quyền, và bi thảm hơn, họ cho rằng họ không thể nào phạm tội, phạm sai lầm được nữa. Phong trào thần khải này nhanh chóng bị kết án bởi giáo quyền vào năm 1530. 

Tuy nhiên, dù gì đi nữa, phong trào chiêm niệm vẫn ảnh hưởng đến người tín hữu Tây Ban Nha lúc bấy giờ. Vì người ta mong muốn xa lánh thế gian trần tục, và thăng tiến đời sống thiêng liêng, triển nở trong tình yêu Thiên Chúa, hiệp nhất trọn hảo với Người. Thế nên, họ đề cao lý tưởng chiêm niệm huyền bí, đến nỗi nhiều người trong số họ cho rằng: “Nếu ai đó ước ao trở nên một Kitô hữu hoàn thiện, người ấy phải vào tu viện và trở thành một tu sĩ chiêm niệm”[vii]. Họ cần sống trong khung cảnh cô tịnh, được bảo vệ bởi nội vi kín đáo, luật dòng nghiêm ngặt, làm một vài công tác lao động mỗi ngày, và đặc biệt dành nhiều giờ để ca tụng, thờ phượng, chiêm ngắm mầu nhiệm Thiên Chúa với những nghi thức cũng như đọc kinh lâu giờ… Họ cho rằng chỉ có đời sống chiêm niệm mới giúp họ sống gần Thiên Chúa hơn là những giờ hoạt động và làm việc. Thế nhưng, tư tưởng của thánh I-nhã trái ngược với những người trên, ngài cho rằng: trong khi hoạt động, làm việc con người vẫn có thể gặp gỡ Thiên Chúa ngang qua hình thức chiêm niệm. Đây có thể xem là một sự đột phá, đổi mới của thánh I-nhã về đời sống thiêng liêng trong bối cảnh bấy giờ. Chúng ta cùng tìm hiểu sự đổi mới đó trong phần mục dưới đây.

2.2 Sự đổi mới của thánh I-nhã về cầu nguyện

Xem quả thì biết cây, nhìn vào sự thay đổi bên ngoài có thể thấy những hoa trái bên trong của thánh I-nhã. Đó là một sự thay đổi mang tính cách mạng mà nó ảnh hưởng lớn đến linh đạo của ngài sau này. Như đã đề cập ở trên, vào thế kỷ XVI, sự chiêm niệm mang tính thần bí đang lên ngôi, sự cuốn hút từ lối sống này làm nhiều người say mê. Thật vậy, đang khi đời sống con người ngày càng xuống dốc, tha hóa, khô khan… nhiều người tìm đến những tu viện kín cổng cao tường, trầm ngâm, thầm lặng lâu giờ trong các giờ nguyện gẫm với những bộ tu phục thô sơ, và luật dòng nhiệm nhặt. Thánh I-nhã lại đột phá bằng lối sống mới theo phong cách riêng của ngài: không cần mặc tu phục chung, nội vi được mở rộng đến mọi nơi, mọi người đang cần giúp... Một điểm đáng lưu ý là đang khi người ta ưa thích hát kinh Phụng Vụ cách sốt sắng, long trọng trong cộng đoàn, ngài lại yêu cầu các môn sinh hay những bạn đường theo ngài là: hãy đọc kinh thần vụ riêng từng người một khi họ bận việc tông đồ, và ngay khi có thể thì mọi người trong cộng đoàn cần quy tụ lại để đọc kinh thần vụ chung. Hơn nữa, trong thời đó, đang khi nhiều người đề cao sự khổ chế, đánh tội phạt xác cách khắt khe, không thương tiếc, thì thánh nhân mời gọi những người theo ngài hãy bình tâm và giữ sức khỏe để phụng sự Chúa và giúp các linh hồn. Ai hỏi tại sao lại thực hiện những điều đó thì thánh I-nhã luôn trả lời: “Điều đó tương ứng với một chuyện đã xảy cho tôi tại Manrêsa.[viii] Vậy, có nghĩa là kinh nghiệm ở Manrêsa và thị kiến Cardoner là một dấu ấn thiêng liêng mạnh mẽ trong cuộc đời ngài.

Chúng ta có thể nhận ra rằng: kinh nghiệm ở Manrêsa và thị kiến Cardoner có lẽ là sự biến đổi nội tâm minh nhiên mà thánh I-nhã đã thủ đắc. Có lẽ dưới tác động và sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, thánh nhân thấy hướng đi mới cho một người tông đồ của Thiên Chúa: vừa chiêm niệm, vừa hoạt động cùng nhau. Thật vậy, Cha Tổng Quản Pedro Arrupe đã nhận xét rằng: “Sự thay đổi ngang qua ơn soi sáng tại Cardoner chính là ở thái độ nội tâm của ngài: cho đến lúc ấy, linh đạo của ngài vốn mang tính cá nhân và hướng nội, giờ đây theo hướng ngược lại, ngày càng mang tính cộng đoàn và tông đồ hơn.”[ix] Đúng như thế, khi ở Manresa, ngay trong những ngày tháng ấy, mục đích, cách thức tông đồ mới đã bao trùm trên con người ngài. Chiêm niệm trong hoạt động là một cuộc cách mạng mới, độc đáo nhất từ trước đến nay.

Vì thế, có thể nói rằng: cách thức cầu nguyện "chiêm niệm trong hoạt động" của I-nhã quả là một linh đạo mang đầy ý nghĩa không chỉ cho riêng ngài mà còn cho toàn thể những ai bước theo con đường thiêng liêng của thánh nhân. Nền linh đạo mới lạ này vừa sâu sắc vừa rất gần gũi, bình dân. Với mọi người giáo dân, họ có thể tìm kiếm Thiên Chúa ngay chính trong những công việc đời thường của mình. Dĩ nhiên, không phải lúc nào họ cũng có thể vào sống trong một tu viện, hoặc dành nhiều giờ để cầu nguyện trong một nhà nguyện, nhà thờ.Với sự đổi mới của thánh I-nhã, họ vừa kết hiệp với Thiên Chúa vừa có thể sống bậc sống của mình và làm việc như mọi người. Chính khi họ nhìn thấy Thiên Chúa trong mọi người, nơi mọi sự và cùng lao tác với Người, khi đó họ đã và đang sống với Thiên Chúa, kết hiệp với Người. Đó là sự đổi mới, là đặc nét của linh đạo I-nhã: chiêm niệm trong hoạt động.

2.3 Chiêm niệm trong hoạt động

Chiêm niệm trong hoạt động là cách thức nhận thấy Thiên Chúa đang hiện diện và hoạt động trong thế giới, trong lịch sử, hiện tại nơi con người. Người sống linh đạo thánh I-nhã, họ nghiệm ra rằng họ đang thực thi công việc của Thiên Chúa trong mọi cảnh huống của mình, họ luôn ý thức và cảm thấy Thiên Chúa hiện diện rất gần gũi, sống động và đang đồng hành với họ. Đó không phải là một ý niệm viển vông nhưng là một thực tế xác đáng. Thật vậy, người sống đời chiêm niệm trong hoạt động là sống tròn đầy trong bầu khí cầu nguyện, nghĩa là luôn hướng lòng về Thiên Chúa và trở thành khí cụ hữu hiệu của Người, nếu không như thế, một cách tự nhiên, họ sẽ dễ quy hướng về chính mình hơn là làm vinh danh Thiên Chúa.

Trong cái nhìn của thánh I-nhã, người sống đời chiêm niệm trong hoạt động là lao tác không ngừng nghỉ, vô vị lợi đến nỗi quên mình và quy hướng mọi sự về Đức Kitô. Có một lần cha Diego Mirón, giám tỉnh Dòng Tên Bồ Đào Nha, và cũng là cha giải tội cho hoàng cung. Cha này cảm thấy căng thẳng giữa việc chăm sóc phần thiêng liêng cho bản thân và dành nhiều giờ chăm sóc cho những người khác trong hoàng cung. Cha Mirón quan ngại về sự an toàn của linh hồn mình, nên xin lời khuyên từ cha thánh I-nhã, và cha I-nhã đã trả lời: “…dựa trên lý luận về sự an toàn riêng của cá nhân là không thích đáng… vì ơn gọi của chúng ta là gặp gỡ mọi người, giúp đỡ các linh hồn… nếu chúng ta bước đi trong ngay thẳng và trong sạch… thì Chúa Giêsu Kitô sẽ giữ gìn chúng ta trong bàn tay từ ái của Người.” (Personal Writings, tr.249). Qua đó, chúng ta nhận thấy thánh I-nhã muốn các bạn đường của ngài đặt niềm tin tưởng hoàn toàn vào sự quan phòng của Thiên Chúa trong mọi hoạt động tông đồ, và ngang qua những công việc đó, họ được Thiên Chúa giữ gìn, chúc phúc, đồng thời những việc họ làm trở nên lời cầu nguyện và kết hiệp với Thiên Chúa.

Nói tóm lại, điều thánh I-nhã diễn tả về việc tìm kiếm Thiên Chúa trong mọi sự là một việc hoàn thiện hơn của một tâm hồn luôn khao khát hướng lòng trí về Thiên Chúa[x]. Họ muốn quy hướng mọi sự về Chúa, với Người và trong Người, ngõ hầu mọi danh dự và vinh quang không còn hệ tại hướng quy về họ, nhưng về Thiên Chúa, nghĩa là cho Vinh Danh Thiên Chúa hơn. Điều này được thánh I-nhã nhấn mạnh: “Kẻ ấy yêu mến Thiên Chúa trong mọi tạo vật và yêu mến mọi tạo vật trong Chúa.”[xi] Thật vậy, người sống đời chiêm niệm trong hoạt động đến một lúc nào đó, họ sẽ có cùng một cái nhìn, một tâm tình, và một cảm thức gần như Thiên Chúa. Nghĩa là họ có thể nhạy bén với việc thực thi Ý Chúa, đến mức độ họ có thể thốt lên như thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Thực tế, thánh I-nhã đã xác tín kinh nghiệm này qua câu nói: “tôi luôn lớn lên trong lòng sốt mến, nghĩa là trong sự dễ dàng tìm gặp Thiên Chúa, vào những lúc này lại dễ hơn bất cứ bao giờ hết trong cuộc đời tôi. Mọi lúc mọi giờ, nếu tôi muốn, tôi tìm gặp được Thiên Chúa.” (TT, 99). Nhờ kinh nghiệm nhìn thấy mọi sự bằng cái nhìn của Chúa này, cùng với những nỗ lực không ngừng trong đời sống thiêng liêng, dần dần, thánh I-nhã đã đạt đến đỉnh cao của lý tưởng chiêm niệm trong hoạt động tức là thấy Chúa trong mọi sự đồng thời thấy mọi sự trong Chúa.[xii] 

III. CÁCH THỨC SỐNG CHIÊM NIỆM TRONG HOẠT ĐỘNG

Trên đây là tổng quan kinh nghiệm cá vị của thánh I-nhã về việc chiêm niệm trong hoạt động, đồng thời đó cũng là cách thức mà ngài đã gặp gỡ Thiên Chúa cách sống động và dễ dàng trong đời sống hoạt động thường nhật. Vấn đề đặt ra là: có những phương cách cụ thể nào để có thể giúp mọi người sống triệt để linh đạo thánh I-nhã hay không? Dĩ nhiên, gom góp các sách vở liên quan đến thánh I-nhã và tìm tòi ắt hẳn sẽ thấy rất nhiều phương cách, nhưng trong bài viết này sẽ trình bày ba cách thức, thiết nghĩ chúng sẽ giúp ích rất nhiều cho những ai yêu mến và say mê sống linh đạo đặc biệt này, đó là: Bỏ mình, Nhận định, và Bình Tâm.

3.1 Bỏ mình

Theo trường phái tâm lý học phân tâm của Sigmund Freud, mỗi người sinh ra đều có một cái “siêu ngã” (super ego), hay còn gọi là "cái tôi". Cái tôi này lớn lên theo năm tháng thời gian, và nếu được huấn luyện trong môi trường có nền giáo dục tốt, cái tôi ấy sẽ trở nên dễ thương, khiêm nhường và tôn trọng người khác. Ngược lại, nếu không được giáo dục đến nơi đến chốn, cái tôi ấy có thể dễ trở nên trịnh thượng, cao ngạo, và đôi khi xem thường người khác hay đề cao chính mình… Vì thế, Bỏ mình là cách thức hữu hiệu nhất để giúp mọi người sống tốt hơn trong mọi tương quan và không để cái tôi đó bành trướng. Bỏ mình thì đi ngược lại với những khao khát ngạo mạn, thể hiện chính mình, thổi phồng bản thân, vốn dĩ cản trở chính mình trong tương quan với Thiên Chúa và tha nhân. Một người sống trong linh đạo thánh I-nhã, có lẽ điều cần thiết trước hết nơi họ là sự bỏ mình. Bởi vì ngang qua sự bỏ mình thì họ có thể dễ dàng nhận ra mình nhỏ bé, yếu hèn và cần đến sự trợ giúp của Thiên Chúa và tha nhân.

Thánh I-nhã quả quyết rằng: “đối với một người thực sự bỏ mình, 15 phút là đủ để người đó kết hiệp với Thiên Chúa trong cầu nguyện.” Do đó, việc bỏ mình là rất cần thiết cho đời sống cầu nguyện. Thật vậy, chiêm niệm trong hoạt động, hay tìm kiếm Chúa trong mọi sự mà không bỏ mình thì khó lòng có thể gặp được Thiên Chúa. Vì khi họ sống sự bỏ mình, họ cảm thấy mình rất cần đến Thiên Chúa, và họ trở nên dễ thương hơn trước mặt Người hơn (Lc 1,52). Thế nên, điều quan trọng trong cầu nguyện chiêm niệm không phải là thời gian hay những chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc cầu nguyện... nhưng là sự khiêm tốn bỏ mình. Bởi vì sự bỏ mình sẽ giúp cho việc cầu nguyện và gặp gỡ Chúa được dễ dàng hơn (Lc 18,9-14).

 Nhờ việc sống bỏ mình, người sống trong linh đạo thánh I-nhã sẽ trở nên “con người chiêm niệm trong mọi hoạt động". Nghĩa là họ thực hiện hành động đó với một tình yêu lớn lao cho Đức Kitô, đồng thời họ biết quên mình và hướng đến những khao khát tông đồ cho các linh hồn, điều được thôi thúc bởi tình yêu cá vị với Đức Giêsu Kitô... Đó là những người thực sự kết hợp với Thiên Chúa. Do vậy, đỉnh cao của sự bỏ mình đó là tinh thần quảng đại và tận hiến như lời kinh của thánh I-nhã: “Lạy Chúa, xin nhận lấy trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu và trọn cả ý muốn con, cùng tất cả những gì con có và những gì thuộc về con. Mọi sự ấy Chúa đã ban cho con; Lạy Chúa! con xin dâng lại Chúa hết thảy, tất cả là của Chúa, xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo Ý Chúa. Chỉ xin ban cho con, lòng mến Chúa và ân sủng Chúa, vì được như thế là đủ cho con.” (Lt 234).

3.2 Nhận định 

Cách thức thứ hai có thể giúp một người sống chiêm niệm trong hoạt động, tìm thấy ý Chúa trong mọi sự đó là “nhận định”. Thánh I-nhã đã học được nghệ thuật nhận định ngang qua những ngày tháng dưỡng thương tại Loyola (TT, 9), và ở tại Manresa (TT, 26), cũng như nhiều lần ở những nơi khác nhau. Những kinh nghiệm nhận định đó được thánh nhân mô tả và đúc kết trong tập sách Linh Thao. Nhờ hai bộ phân định thần loại trong Linh Thao (số 313-336), người thao viên có thể tìm kiếm được Ý Chúa cho cuộc đời mình (lựa chọn giữa nhiều khả thể tốt khác nhau ngang qua những tác động nôi tâm: an ủi hoặc sầu khổ… có nguyên do hoặc không ngược lại…) ngay trong những ngày Linh Thao hoặc sau đó không lâu. Do đó, nói về việc đọc chuyển động nội tâm và phân biệt tác động của các thần, theo thánh I-nhã, có hai loại thần khí tác động đến con người: một đến từ Thiên Chúa và một đến từ ma quỷ; phần còn lại là do con người đón nhận hoặc khước từ tác động đó (Linh Thao, số 313). 

Quá trình nhận định này được đặt trong bầu khí cầu nguyện và nền tảng của mọi chọn lựa là làm Vinh Danh Thiên Chúa và mưu ích cho các linh hồn hơn. Vì thế, ngay cả trong đời sống thường nhật, những người theo linh đạo thánh I-nhã thiết yếu cần sống tinh thần nhận định này để tìm kiếm và thực thi Ý Chúa. Chính trong bầu khí nhận định, họ sẽ nhận ra những dấu chỉ mang dáng dấp từ Thiên Chúa hoặc từ ma quỷ và có thể chúng đã đến, hoặc đang đến tác động vào tâm hồn họ. Để phục vụ cho mục đích sứ mạng, thánh I-nhã cũng yêu cầu các Giêsu hữu xét mình mỗi ngày hai lần, ngài đã buộc mọi thành viên trong DòngTên phải có được tinh thần này. Thậm chí, ngay từ giai đoạn mới vào Dòng, các Tập Sinh phải tập “tìm kiếm Thiên Chúa là Chúa chúng ta trong mọi sự, hết sức từ bỏ khỏi mình lòng yêu mến mọi thứ thụ tạo, để đặt trọn lòng yêu mến nơi Đấng tạo dựng nên chúng, yêu mến Người trong mọi sự và mọi sự trong Người, phù hợp với ý muốn rất thánh thiêng của Người” (HP, 288). Tất cả đều phải nhận định.

Tóm lại, nhận định trong đời sống hằng ngày để tìm kiếm Ý Chúa là một cái nhìn đương đại của thánh I-nhã. Vì khi một người sống theo linh đạo I-nhã thì họ sẽ nhận định và xét thấy một tiến trình là tốt đẹp [từ đầu đến cuối], cũng như sẽ cảm giác được những sự an ủi mà họ trải qua chỉ có thể đến từ Thiên Chúa. Họ sẽ cảm thấy bình an, vui mừng và đúng đắn trong những chọn lựa, bởi họ đã thực hiện sự chọn lựa vì Chúa chứ không phải điều gì khác. Dĩ nhiên, mọi chọn lựa của họ đều đặt nền tảng trên niềm tin yêu, trong ân sủng, và chỉ nhằm phụng sự Thiên Chúa và mưu ích cho các linh hồn hơn. Nhờ cách thức xét mình này, người sống linh đạo thánh I-nhã sẽ hòa mình vào nhịp sống với Thiên Chúa, nhạy bén với các tác động của Thần Khí, và biết lúc nào mình đã và đang đi đúng hướng hay trật đường. Đó là nét đặc sắc trong linh đạo thánh I-nhã: chiêm niệm trong hoạt động thấy Chúa trong mọi sự.

3.3 Bình tâm

Ngoài hai cách thức bỏ mình nhận định ở trên, cách thức thứ ba có thể xem là nền tảng của cả hai cách thức trên cũng như của việc chiêm niệm trong hoạt động đó là sự bình tâm. Theo thánh I-nhã sự bình tâm rất quan trọng trong đời sống tìm kiếm Thiên Chúa trong mọi sự. Thật vậy, trong tập sách Linh Thao, thánh I-nhã xác quyết: “con người được dựng nên để ngợi khen, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa, Chúa chúng ta, nhờ đó cứu rỗi linh hồn mình; mọi loài khác dưới đất cũng được tạo dựng cho con người, để giúp họ đạt tới cứu cánh Đấng Tạo Hóa đặt cho họ. Bởi thế người ta chỉ được sử dụng thụ tạo theo mức độ chúng giúp đạt tới cứu cánh và phải loại bỏ chúng khi chúng cản trở mình đến cứu cánh đó. Để được điều đó, cần phải giữ cho mình được bình tâm với mọi thụ tạo, trong tất cả những gì nằm trong sự tự do của ta và không bị cấm; đến nỗi về phần mình, chúng ta không ước muốn sức khỏe hơn bênh tật, giàu sang hơn nghèo khổ, danh vọng hơn nhục nhã, sống trường thọ hơn sống đoản mệnh và tương tự thế với mọi sự khác, nhưng chỉ ước muốn và lựa chọn điều gì dẫn đưa chúng ta hơn đến cứu cánh vì đó mà chúng ta được dựng nên”.[xiii] Quả thật, khái niệm về sự bình tâm của thánh I-nhã thật sâu sắc.

Đến ngay cả chính ngài, khi dành nhiều công lao, tâm huyết cho việc xây dựng Dòng Tên, nhưng ngài cũng luôn bình tâm với sự hiện hữu của Dòng. Một ngày nọ, vào những năm cuối đời, có một cha trong Dòng hỏi ngài rằng nếu Đức Giáo Hoàng muốn giải thể Dòng Tên, công trình trọng đại cả đời ngài, thì ngài sẽ xử sự thế nào? Thánh I-nhã trả lời ngay: "tôi sẽ vào nhà nguyện mười lăm phút, tôi cầu nguyện xin Chúa ban cho tôi một ơn mới, và tôi bắt tay vào một việc khác." Đó là sự bình tâm, tự do nội tâm của ngài, vì ngài đặt niềm tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa. Do đó, thánh I-nhã tìn rằng: dù chuyện gì có xảy cũng không ngoài sự quan phòng của Thiên Chúa. Nhờ bình tâm, thánh nhân phân định được đâu là phương tiên, đâu là cùng đích. Bởi thế, ngài thường khuyên các anh em trong Dòng hãy: “làm tông đồ trong sự bình tâm chủ động và sẵn sàng phục vụ dưới mọi hình thức” (Hiến Pháp, số 162).

Tựu trung, có thể nhìn nhận cách thức sống chiêm niệm trong hoạt động, cũng như tìm kiếm Thiên Chúa trong mọi sự trong linh đạo thánh I-nhã, trước hết và trên hết phải đổ nền trên sự bình tâm. Sự bình tâm có thể xem như là một nhân đức chính yếu, nghĩa là nó chi phối và tác động lên những chiều kích khác trong đời sống thiêng liêng. Chính trong cái nhìn với sự tự do nội tâm, người ta sẽ nhẹ nhàng đón nhận những biến cố vui buồn, thành công thất bại, trở ngại khó khăn… dưới cái nhìn quy hướng về Thiên Chúa. Nhờ đó, họ biết hành động sao cho thuận theo Ý Thiên Chúa, và chỉ hướng quy mọi sự về cùng đích, cứu cánh mà họ được dựng nên. Do đó, có thể nói bình tâm thậm chí được thể hiện cả khi đối diện với cái chết. Một câu chuyện về sự bình tâm được nhiều người kể lại, khi nhắc đến cuộc đời của thánh Gioan Berchmans, một học viên Dòng Tên đã chết khi chưa được chịu chức. Một lần, trong khi chơi bi-a, anh được hỏi rằng: anh sẽ làm gì nếu biết rằng mình sẽ chết trong vài phút nữa. Anh trả lời: “tôi sẽ tiếp tục chơi bi-a”. Đó là một sự bình tâm của một người thấm nhuần linh đạo thánh I-nhã (và Dòng Tên), họ tìm kiếm Thiên Chúa trong mọi sự và bình tâm với mọi thụ tạo, mọi biến cố, bởi lẽ họ xác tín rằng: “họ có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, họ vẫn thuộc về Chúa” (Rm 14,8). Do đó, có thể xem bình tâm như là một phương cách hữu hiệu mà thánh I-nhã truyền lại cho hậu duệ đang bước theo linh đạo mang tên ngài.

Một Vài Suy Tư Cá Nhân

Trong linh đạo ở Đông phương, theo quan điểm của Evagrius và Cassian (ảnh hưởng bởi thuyết Tân Platô): Thiên Chúa là Thượng Trí siêu việt, Nhất Thể tinh tuyền, trường tồn bất biến… Đến với Thiên Chúa là cố gắng của con người, là hướng đến sự hiệp nhất trí năng với Người. Thế nên, chiệm niệm trở nên lý tưởng đối với đời sống và sự hoàn thiện Kitô giáo. Quan niệm này có sức ảnh hưởng sâu rộng, lâu dài đến dòng chảy linh đạo cho đến ngày nay. Thực tế, chúng ta có thể thấy: linh đạo thánh Biển Đức ngoài những giờ lao động chính thức, các đan sĩ tập trung chính yếu vào việc cầu nguyện, suy gẫm, chiêm niệm mầu nhiệm Thiên Chúa. Nhưng sau đó họ gặp khó khăn khi Đức Giáo Hoàng Gregory Cả yêu cầu dòng Biển Đức đi truyền giáo, vấn nạn đặt ra là sự căng thẳng, khó khăn giữa cầu nguyện và hoạt động: “làm thế nào để biện hộ cho hoạt động và công việc giữa thế gian khi mà lý tưởng của sự hoàn thiện Kitô giáo là hiệp nhất với Thiên Chúa thông qua một số hình thức cầu nguyện chính thức?”[xiv] Khó khăn này còn tồn tại cho tới thế kỉ XVI, khi mà lần đầu tiên trong lịch sử, có một người đã cho rằng sự hiệp nhất với Thiên Chúa có thể được tìm kiếm và được tìm thấy trong thế giới, giữa nhân loại. Người đề xuất điều này chính là thánh I-nhã Loyola.

Cuộc cách mạng trong suy tư và thực hành thiêng liêng mà thánh I-nhã đưa ra xoay quanh ý tưởng về Thiên Chúa, về nơi Người cư ngụ, công việc Người đang làm, cũng như cách thức để có thể tìm thấy Thiên Chúa. Ý tưởng này đưa tới một lối cầu nguyện và một nền linh đạo mới. Với ân ban từ Thiên Chúa, thánh I-nhã đã có được một cái nhìn mới về Người và thế giới - cái nhìn đó có thể giải quyết tình trạng lưỡng nan giữa cầu nguyện và hoạt động mà không chỉ dòng Biển Đức mà nhiều dòng khác gặp phải. Thiên Chúa của thánh I-nhã là Đấng thực hiện những hành động lớn lao nơi thế giới. Thiên Chúa không ngừng lao tác để kiến tạo thế giới, và trong Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa thực hiện việc cứu độ nhân loại.

Vấn đề đặt ra tiếp theo là liệu rằng chúng ta có lý tưởng hóa linh đạo I-nhã hay không? Khi cho rằng đó là một sáng kiến táo bạo của thánh I-nhã, một phát mình tuyệt vời cho nền lịch sử linh đạo Kitô giáo? Phải chăng việc sống trong linh đạo thánh I-nhã là tốt đẹp, không có gì khó khăn? Vâng, có lẽ những nghi vấn trên hoàn toàn chính đáng và phải đạo. Linh đạo thánh I-nhã cũng như các nền linh đạo khác, không thể tránh khỏi những vấn nạn nhiêu khê của thực tế. Thật vậy, linh đạo thánh I-nhã phải đương đầu với những khó khăn, đó là sự căng thẳng giữa chiêm niệm và hoạt động. Thực tế, có nhiều khó khăn trong việc dung hợp giữa hoạt động và cầu nguyện một cách hài hòa. Thế nhưng, chính thánh I-nhã và nhiều anh em Giêsu hữu đã giải quyết vấn nạn này bằng cách tận dụng những khó khăn đó như một cơ hội để họ sáng tạo hơn, kiến tạo hơn trong những nghịch cảnh đó. Anh em Giêsu Hữu thường gọi chúng là: "căng thẳng sáng tạo".

Thực tế, có thể thấy nét đặc trưng của linh đạo thánh I-nhã là những người sống linh đạo này được đặt để trong sự căng thẳng giữa các mặt đối lập. Điều đó cần thiết và cũng là sự quân bình. Nghĩa là không nghiêng chiều thái quá về khía cạnh nào, cụ thể là không quá đề cao hay tập trung vào chiêm niệm hoặc dấn thân cho việc lao động như người nghiện việc. Dĩ nhiên, đó không phải là thái độ bàng quang, dửng dưng cho bằng sống tinh thần bình tâm, và thấy Chúa trong mọi sự (như đã trình bày, phân tích ở trên). Chính từ những căng thẳng giữa chiêm niệm và hoạt động, người sống linh đạo này sẽ học được sự ứng trực, linh hoạt hoàn toàn trong mọi công việc. Nhờ đó, họ trở nên con người khéo léo kiến tạo hòa bình, xây dựng bình an, hạnh phúc trên đời sống thiêng liêng cho không chỉ cá nhân họ mà còn cho những người họ phục vụ. Đó là nét đẹp trong linh đạo thánh I-nhã mà chúng ta có thể nhìn thấy và bước theo.

             

Kết luận

  Một cách chung, chúng ta có thể thấy một nền tảng căn bản cho mọi linh đạo là cố gắng đạt đến sự hiệp thông, kết nối với Thiên Chúa. Dĩ nhiên, cũng có nhiều quan niệm về cách thức tiếp cận, tương quan với Thiên Chúa. Trước thánh I-nhã, nhiều vị sáng lập linh đạo đã quan niệm đời sống thiêng liêng đỉnh cao là kết hợp với Thiên Chúa trong cầu nguyện nội tâm, nghĩa là chỉ trong giờ cầu nguyện họ mới gặp gỡ được Thiên Chúa. Đang khi đó, thánh I-nhã được cuốn hút vào hình ảnh Thiên Chúa đang lao tác trong thế giới, và ngài xác tín tuyệt đối và thâm sâu rằng: con người có thể hiệp nhất với Thiên Chúa ngay chính khi họ hoạt động và hình thức chiêm niệm này cũng không thua kém việc ở trong nhà thờ, tu viện để cầu nguyện chiêm niệm lâu giờ. 

Lối cầu nguyện kỳ lạ này là kết quả của những ơn huệ thần bí ở cấp độ cao nhất. Thật vậy, thánh I-nhã được các nhà tu đức xếp đặt vào số những nhà thần bí lớn nhất trong lịch sử Giáo hội. Một tinh thần mới lạ, độc đáo, ngay giữa hoạt động, họ có thể cảm thấy mình đang thực thi là công việc của Thiên Chúa, và Thiên Chúa đang hiện diện và hoạt động trong mọi cảnh huống cùng với họ. Đó là một cảm thức liên tục, một sự ý thức rằng Thiên Chúa đang hoạt động ngay tại nơi đây. Jean Danielou, một thần học gia Dòng Tên ở thế kỷ XX nói về con người theo tinh thần I-nhã như sau: “phải là một vị thánh và phải sống đời hoạt động hoàn toàn. Linh đạo đặt hai khía cạnh đối lập nhau. Hoạt động dường như là một cản trở đối với sự thánh thiện, là cái được đánh đồng với chiêm niệm. Cuộc cách mạng thánh I-nhã hoàn tất cho thấy rằng điều dường như cản trở lại có thể trở nên phương tiện. Đối với một trái tim ngập tràn Thiên Chúa, mọi sự đều nói về Ngài. Đây không đơn thuần là vấn đề định hướng của ý chí, nhưng là một kinh nghiệm thiêng liêng trong đó Thiên Chúa được“cảm nếm” nơi mọi sự.”[xv]

Tóm lại, những người thấm nhuần linh đạo thánh I-nhã là những người luôn lao tác với Thiên Chúa trong việc kiến tạo thế giới này nên tốt đẹp và hoàn hảo hơn. Dĩ nhiên, để thực hiện được điều này, họ phải có sự bỏ mình đích thực và biết khôn ngoan nhận định mọi sự việc đã đang diễn ra trong đời sống thường nhật dưới cái nhìn của mình trong Chúa và ánh nhìn đó cần được đặt nền tảng trong sự bình tâm. Nhờ đó, họ có thể chiệm niệm trong hoạt động thấy Chúa trong mọi sự nơi mọi người. Ngõ hầu, những việc họ làm đều hướng lòng về việc phục sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân cách vô vị lợi hơn.


Minh Đức SJ

13.8.2024


Tài liệu tham khảo

1.     Sáchgiáo lý Youcat.

2.     Lê Quang Chủng S.J., Quid Agendum.

3.     William J. Young, S.J. Epistola Ignatiana, VI, (Chicago: Henry Regnery Co., 1958) p.17.

4.     ANTONIO M. DE ALDAMA, The Institute of Jesuit Sources, St Louis University, 1989.

5.     George A. Lane, S.J. Linh Đạo Kitô Giáo: Một Phác Họa Lịch Sử.

6.     Nadal, Dialogi pro Societate (1563).

7.     PEDRO ARRUPE, Sống đặc sủng thánh I-nhã.

8.     Thánh I-nhã, Hiến Pháp Dòng Tên.

9.     Thánh I-nhã, Linh Thao. 

10.  K.RAHNER, Dans Christus, Cahiers Spir. 

11.  Danielou, “Ignatian Vision.”



[i] Sáchgiáo lý Youcat, s. 497

[ii] Tiểu thư Magdalena de Araoz, vợ của người anh thứ hai của thánh Inhã (Martin Garcia). Đó là hai cuốn sách “Vida de Cristo” của Ludolphe de Saxe và “Flos Sanctorum” của Jacques de Vogarine.

[iii] Lê Quang Chủng S.J., Quid Agendum, p.26. (25.3.1522 - 2.1523)

[iv] Epistola Ignatiana, VI, 91. Qouted in Maurice Giuliani, Finding God in All Things, trans. by William J. Young, S.J. (Chicago: Henry Regnery Co., 1958) 17, tr. 22-23.

[v] Cf. ANTONIO M. DE ALDAMA, (translated by ALOYSIUS J. OWEN, SJ), An Introduction Commentary On The Constitutions, The Institute of Jesuit Sources, St Louis University, 1989, tr. 132

[vi] George A. Lane, S.J. Linh Đạo Kitô Giáo: Một Phác Họa Lịch Sử, p. 47

[vii] Cf. p.47

[viii] Nadal, Dialogi pro Societate (1563), số 8

[ix] PEDRO ARRUPE, Sống đặc sủng thánh I-nhã, tr. 125

[x] Đinh Thức Thể Chế Dòng Tên, số 1.

[xi] Linh Thao, s. 23

[xii] K.RAHNER, Dans Christus, Cahiers Spir. tr. 62

[xiii] Lê Quang Chủng S.J., Linh Thao bản A, số 23.

[xiv] George A. Lane, S.J. Linh Đạo Kitô Giáo: Một Phác Họa Lịch Sử, p. 22

[xv] Danielou, “Ignatian Vision.” 


0 Comments:

Đăng nhận xét