Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 28 tháng 3, 2023

NHỮNG ĐIỂM CỐT LÕI TRONG ĐỜI TU MÀ NGƯỜI TU SĨ CẦN CỐ GẮNG SỐNG

 NHỮNG ĐIỂM CỐT LÕI TRONG ĐỜI TU MÀ NGƯỜI TU SĨ CẦN CỐ GẮNG SỐNG



Khát mong tìm kiếm Thiên Chúa là nguồn mạch bình an và hạnh phúc đích thực của con người được thể hiện qua sự hình thành và phát triển của các nền linh đạo Ki-tô Giáo. Những nền linh đạo Ki-tô Giáo diễn tả một niềm khao khát được tương quan với Thiên Chúa, cụ thể qua Đức Giê-su Ki-tô. Qua dòng thời gian (từ thời GH sơ khai đến nay), các nền linh đạo được thành hình và từ cá nhân đến tập thể, có thể nói tiền thân của đời tu được manh nha từ đây. Đời tu cũng quảng diễn một lối sống thao thức, khắc khoải của con người để đi tìm con đường hạnh phúc, bình an sâu thẳm trong tương quan với Thiên Chúa. Nhưng xét một góc độ nào đó, ơn gọi tu trì là tiếng Chúa mời gọi một ai đó đi vào đời sống tu trì, như khi xưa Chúa Giê-su từng ngỏ lời mời gọi các môn đệ bước đi theo Ngài, sống cuộc đời Ngài đã sống, đi theo chặng đường Ngài đã đi và làm theo những việc Ngài đã làm (Mt 4,19).

Vậy, tự sức con người có thể sống đời tu hoàn hảo không? Chắc hẳn là không thể, vì phải có ơn Chúa giúp (Ga 15,5) người môn đệ mới có thể bước theo Đức Ki-tô sát bước và hăng say hơn, đây chính là ơn sủng mời gọi (la grâce de vocation). Thánh Thomas Aquinas đã nói: the grace builds on the nature (ân sủng xây trên tự nhiên), nghĩa là ơn Chúa được ban cho con người và nhờ sự cộng tác cách tự nhiên của con người mà sự thánh hóa ngang qua đó được thành toàn. Bởi vì Thiên Chúa có thể dễ dàng biến cục đá, thanh gỗ thành một vị thánh tử đạo nhưng việc làm như thế chẳng có ý nghĩa gì nếu không có sự cộng tác trên bình diện tự nhiên. Đời tu cũng thế, nhờ tiếng gọi của Thiên Chúa, và sự đáp trả cách tự nhiên của con người, con người đi vào hành trình đời tu với những hành trang như: SỰ BỎ MÌNH TẬN CĂN; KẾT THÂN VỚI ĐỨC KI-TÔ TRONG TÌNH YÊU CÁ VỊ LIÊN LỈ và diễn tả tình yêu đó bằng thái độ PHỤC VỤ THA NHÂN VÔ VỊ LỢI. Ba thái độ trên có thể xem là những đòi buộc cốt lõi của đời tu mà mỗi người tu sĩ cần “mặc lấy”, tưa như y phục của người môn đệ theo Đức Ki-tô.

SỰ BỎ MÌNH TẬN CĂN

Khi nói về sự từ bỏ tận căn trong đời tu, chúng ta có thể suy gẫm đoạn Tin Mừng Mác-cô chương 1, câu 16-20. Đoạn Tin Mừng nói về việc Đức Giê-su kêu gọi 4 môn đệ đầu tiên. Tin Mừng quảng diễn cảnh trạng “lập tức các ông bỏ chài lưới mà đi theo Người” (c. 18), và ông Gia-cô-bê, Gioan đã từ biệt người cha của họ cách dứt khoát để đi theo Đức Giê-su (c. 20). Đây là thái độ từ bỏ mà người tu sĩ cần học đòi nơi 4 môn đệ đầu tiên, một thái độ từ bỏ cách dứt khoát, tận căn, triệt để… (a radical abnegation). Càng theo sát bước Đức Giê-su trên con đường tận hiến, người tu sĩ càng phải từ bỏ khắt khe hơn. Thật vậy, họ cần từ bỏ đi “cái có” và “cái là” nơi họ.

Từ bỏ “cái có” ở đây có thể là tài sản vật chất, hay tương quan với người thân, gia đình, bạn bè, vợ con… để chọn lấy một lối sống chung, cộng đoàn, khó nghèo, vâng phục và cả khiết tịnh độc thân… “cái có” đó chính là những cái rất gần gũi, thân thiết với người tu sĩ, nhưng để bước theo Thầy Giê-su, họ phải từ bỏ mọi sự dính bén, những cái kèo ghì đời tu và làm cho đời tu không được tự do, thanh thoát. Thật vậy, chính Đức Giê-su đã nhấn mạnh điều này: “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10,37). Từ bỏ “cái có” đã khó, từ bỏ “cái là” lại càng khó khăn hơn. “Cái có” là những gì ở bên ngoài người môn đệ, còn “cái là” là những cái ở bên trong, cái mà cấu thành nên chính người môn đệ. “Cái là” chính là tính cách, thái độ, lối sống, cái tôi … những cái tiềm tàng, ẩn sâu trong tâm thức, căn tính của người tu sĩ, và nếu một ngày nào đó họ “gỡ bỏ” hoàn toàn những điều đó, thì người ngoài sẽ cảm nhận họ không như là họ như trước đây. Việc từ bỏ “cái là” để phù hợp với cung cách hành xử của người tu sĩ đích thực của Đức Ki-tô chính là “sự chết đi chính mình” nghĩa là người tu sĩ sống triệt để những lời khuyên Phúc Âm. Việc từ bỏ “cái là” được Đức Giê-su nhấn mạnh khi Ngài nói: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mc 8,34).

Đức Giêsu không mời gọi người môn đệ bước theo Ngài với vẻ thoải mái ung dung, nhưng là dáng vẻ vác thập giá. Có thể nói dấu chỉ người môn đệ đang trung thành bước theo Thầy Giê-su là người môn đệ đó đang vác thập giá. Việc bỏ mình chính là điều kiện tiên quyết để vác thập giá. Thật vậy, nếu không bỏ mình thì việc vác thập giá chỉ là một gánh nặng ai oán, một ấm ức lê thê của những bước chân mệt mọi, chán chường trên con đường đời dâng hiến. Đời tu cần có hạnh phúc, và bình an sâu thẳm trong Đức Giê-su, do đó, việc vác thập giá và từ bỏ mình sẽ được trở nên nhẹ nhành, thanh thoát hơn nhờ điều gì? Thưa đó chính là nhờ việc “kết thân với Đức Ki-tô trong tình yêu cá vị liên lỉ.”

KẾT THÂN VỚI ĐỨC KI-TÔ TRONG TÌNH YÊU CÁ VỊ LIÊN LỈ

Tin Mừng Gioan thuật lại cho chúng ta cuộc thiên duyên hạnh ngộ của Thầy Giê-su và các trò (Ga 1, 35-39). Cuộc thiên duyên hạnh ngộ này khá trầm ấm, bình lặng nhưng thật sâu đậm và da diết. Hai môn đệ hỏi Đức Giêsu: “thưa Thầy! Thầy ở đâu?” (c. 38), Người đáp: “đến mà xem” (c.39), và “họ đã đến xem chỗ người ở và ở lại với Người ngày hôm ấy” (c.39). Kỷ niệm đó đã in hằn trong tâm khảm của Gioan đến nỗi khi thánh nhân viết Tin Mừng khoảng năm 90, vẫn còn nhớ như in “lúc đó là khoảng giờ thứ mười” (c.39). Chính tình yêu hấp dẫn của Thầy Giê-su đã khiến các môn đệ dám bỏ mọi sự bước theo Ngài, thậm chí theo đến đỉnh đồi Can-vê (Ga 19,26). Ngọn lửa tình yêu sâu đậm với Thầy Giê-su, sau đó đã khiến các môn đệ dùng đời sống và cái chết của họ để minh chứng tình yêu với Thầy Giê-su cho mọi thời và mọi nơi.

Đời sống các thánh tông đồ là mẫu gương cho người tu sĩ cần noi theo. Trong đời sống thường nhật của người tu sĩ, điều quan trong hơn cả chính là đời sống thân mật với Đức Giê-su, tình yêu cá vị liên lỉ với Ngài. Đó chính là nền tảng, là nguồn sức sống duy nhất mà người tu sĩ có thể kín múc để làm tưới mới đời sống thánh hiến của mình. Đức Giê-su cũng khát khao người môn đệ Ngài sống điều đó, khi Ngài thổn thức: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15,9). Một câu nói chất chứa niềm khát khao của Đức Giê-su, Ngài tha thiết yêu mến người môn đệ và khát mong họ ở lại trong tình yêu của Ngài, tựa như cành nho gắn liền với cây nho (Ga 15,4).

Việc kết thân với Đức Giê-su trong tình yêu cá vị liên lỉ này được thánh Gioan diễn tả, Ngài đã gọi các môn đệ là bạn (Ga 15,15), bạn hữu thân thiết đến nỗi Ngài đã thốt lên: “Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết”. Tình bạn thân thiết đó được diễn tả lên tới đỉnh điểm ở chỗ: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hi sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15,13). Có những điều khó khăn để chia sẻ với bề trên, và cũng không dễ dàng giãi bày với người bạn nào đó bên cạnh mình, nhưng với Người Bạn Giê-su âm thầm nơi Nhà Tạm, sâu kín trong tâm hồn, người tu sĩ có thể dễ dàng sẻ chia, giãi bày, và chắc hẳn họ sẽ cảm nhận được một sự an ủi sâu xa trong tâm khảm, và một tình yêu mến dạt dào từ nơi Người Bạn Giê-su. Một khi đã cảm nhận được tình Chúa yêu thương, người tu sĩ can đảm phó dâng cuộc đời mình trong tay Chúa, và quảng đại dấn thân phục vụ Ngài bằng bất cứ giá nào.

Bỏ mình và kết thân với Đức Giê-su luôn đi liền với nhau. Chẳng thể nào theo Chúa, kết hiệp với Chúa mà lòng còn đầy dãy những ngổn ngang, giằng xé tâm can bởi những quyến luyến lệch lạc của thế gian. Bởi thế, Đức Giê-su đã không ngần ngại nói với người môn đệ của Ngài: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa” (Lc 9,62). “Nếu muốn yêu Chúa thì cần phải bỏ mình”, đã bao lần người môn đệ tự vấn chính mình: “tôi đi tu đã bao năm mà sao tình yêu tôi dành cho Chúa chẳng được sâu đậm?”, có lẽ người đó chưa thực sự bỏ mình. Thật vậy, Đức Giê-su cần một thái độ dứt khoát, đoạn tuyệt với quá khứ và bước theo Ngài cách hoàn toàn của người môn đệ. Trong tình yêu không có chuyện nửa vời, không thể yêu một chút, một tí… tình yêu phải hết mình, hết tình. Nhìn vào đời sống các thánh là một minh chứng hùng hồn, sống động cho việc bỏ mình và sống kết hợp mật thiết với Đức Ki-tô. Hai yếu tố cốt lõi trên tạo nên căn tính đời tu của người tu sĩ, và họ diễn tả hệ quả tất yếu của nó ngang qua hành động phục vụ tha nhân cách vô vị lợi.

PHỤC VỤ THA NHÂN VÔ VỊ LỢI

Nói về sự phục vụ, một mẫu gương luôn sống động về sự phục vụ mà người tu sĩ cần noi theo đó chính là Đức Giê-su. Thật vậy, Ngài đã dạy các môn đệ: “Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em” (Mt 23,11), và “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mt 20,28). Chính Đức Giê-su đã thực hiện những điều đó khi đóng vai trò như Đấng Mê-si-a đến để đem lại ơn cứu độ cho nhân loại, và cho họ được sống dồi dào (Ga 10,10). Sự sống dồi dào đó được Đức Giê-su diễn tả qua sự phục vụ của Ngài đó là: “Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11,5).

Phục vụ có phải là điều cao quý không? Thưa, phục vụ là điều cao quý, là điều đáng ca ngợi. Giữa một thế giới đắm chìm trong nhu cầu hưởng thụ, một tu sĩ dám dành trọn tuổi thanh xuân, dành trọn cả cuộc đời để sống và phục vụ những người nghèo hèn, bất hạnh, những người bị gạt qua bên lề xã hội… một cách vô vị lợi là họ đang phác họa lại cuộc đời họ theo bức họa tuyệt vời là Đức Ki-tô. Đó chính là ý nghĩa thần học trong đời thánh hiến, một điều gì đó rất cụ thể, hữu hình và sống động. Đó chính là hình ảnh đẹp, có thể đụng chạm, đánh động đến nhiều tâm hồn còn xa Chúa.

Ngược lại, nếu đời tu không hướng đến việc liên đới và phục vụ tha nhân, có thể nói đời tu đó đang bị bào mòn, thui chột và tha hóa… Thánh Gia-cô-bê đã diễn tả rất minh nhiên về điều này: “Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: "Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no", nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì?”(Gc 2,15-16).

Như một dòng sông từ thượng nguồn chảy ra nhiều nhánh, đem phù sa tưới vun cho nhiều cánh đồng… Đời tu cũng thế, chính từ việc bỏ mình, và kết thân với Đức Ki-tô là nguồn mạch của dòng sông, dòng sông đó làm cho cây cối mùa màng trổ sinh hoa trái. Hình ảnh trổ sinh hoa trái đó diễn tả quá trình phục vụ vô vị lợi cho tha nhân nơi một tu sĩ. Thật vậy, giá trị của một con người hệ tại nơi tinh thần phục vụ, sự cống hiến của người ấy cho xã hội, cho tha nhân. Cứ sự thường ở đời, một người khi sinh ra, lớn lên học tập trau dồi…để sau này trở thành người hữu ích cho xã hội, cho nhân loại. Khi họ qua đời, để tưởng nhớ công lao phục vụ, thế hệ sau đúc tượng, đặt tên đường, đưa tên tuổi vào văn học, đưa ra những nét son của người đã khuất vào câu ca, bài vè, văn chương…và tưởng nhớ muôn đời.

Nhìn vào cuộc đời các thánh trong Giáo Hội chúng ta sẽ thấy được điều đó. Tuy nhiên, người tu sĩ không sống đời phục vụ vì những vinh hoa kể trên, vậy người tu sĩ phục vụ vì điều gì? Thưa người tu sĩ sống đời phục vụ vô vị lời khi: “phục vụ là cho không, phục vụ là quên mình, phục vụ không đòi đền đáp, phục vụ ơn nghĩa không chờ, phục vụ hy sinh, phục vụ là quên mình ... Phục vụ vì Chúa Kitô”. Đó là những ca từ của bài hát Phục Vụ, nó diễn tả tinh thần phục vụ vô vị lời mà cách riêng người tu sĩ cần thủ đắc.

LỜI KẾT

Nói tóm lại, khi nghĩ về đời tu chúng ta có thể kể ra nhiều điểm cốt lõi mà người tu sĩ cần mặc lấy. Tuy nhiên, suy cho cùng, đời tu nào rồi cũng cần khởi đi từ việc: bỏ mình cách tận căn, sống kết thân với Đức Kitô trong tình yêu cá vị liên lỉ, và sau cùng, việc làm cụ thể để diễn tả hai điều trên là phục vụ tha nhân vô vị lợi.


Một hình ảnh ví von sống động cho linh đạo đời tu đó là cây nho. Cây nho có bộ rỗ bám sâu vào lòng đất tựa như việc một tu sĩ sống đời nội tâm với Chúa, kết thân với Đức Ki-tô trong tình yêu liên lỉ. Trong thực tế, nếu một ngày nào đó, cây nho bị bật gốc lên khỏi mặt đất, liền sau đó, cây nho sẽ bị héo khô, vì thiếu nguồn dinh dưỡng, thiếu sức sống. Đời tu cũng thế, nếu một ngày nào đó, một tu sĩ xem thường, và bỏ bê việc đời sống thiêng liêng, cầu nguyện, suy gẫm Lời Chúa, đọc sách thiêng liêng… có thể đời tu họ sẽ sớm bị băng hoại và tha hóa nếu không muốn nói là tục hóa. Bên cạnh đó, để cây nho trổ sinh hoa trái, nó cần được tỉa cành, việc tỉa cành đó tựa như sự từ bỏ tận căn mà người tu sĩ cần có. Sự từ bỏ đó là những nết xấu chủ đạo (không chỉ 7 mối tội đầu mà còn những tật xấu khác), những phong thái không phù hợp với đời tu. Đó là điều mà Đức Giê-su đã nói trong Tin Mừng Gioan: “Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn” (Ga 15,2). Một khi đã bén rễ sâu trong đất và cắt tỉa những cành dư thừa, cây nho đến thời đến buổi sẽ trồ sinh hoa trái. Đời người tu sĩ cũng thế, một khi đã từ bỏ tận căn mọi sự và kết thân mật thiết với Đức Ki-tô, ắt hẳn đời sống họ sẽ trổ sinh nhiều hoa trái thiêng liêng, như quảng đại, yêu thương, tha thứ, hiền từ, bao dung, quên mình, hy sinh, dấn thân phục vụ tha nhân.


Lạy Chúa Giêsu!

Con thấy đời tu tựa như cây nho,

cần bám rễ sâu vào lòng đất để hút chất dinh dưỡng,

đời tu con cũng vậy, cần bám sâu vào Chúa,

như nguồn mạch sức sống của con.

Đời tu con cũng cần cắt tỉa, những cành nho xấu xí,

như những tật xấu sum suê, đè nặng đời sống con.

Xin cho con dám để Chúa tỉa cắt, những rườm rà, những gai chà,

để con được thanh thoát hơn trong Chúa,

mà trổ sinh nhiều hoa trái phục vụ, cho Chúa và tha nhân. Amen


Minh Đức S.J. 9.9.2021

0 Comments: