Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 28 tháng 3, 2023

CUỘC ĐỜI LINH MỤC THÁI NGUYÊN

 CUỘC ĐỜI LINH MỤC THÁI NGUYÊN


Tôi chưa bao giờ được đặt chân lên vùng đất Hà Tiên, miền đất mà nhạc sĩ Lê Dinh trong bài hát về Hà Tiên đã có câu :

"Hà Tiên ơi, đây miền xinh tươi như hoa gấm trong đời

Hà Tiên ơi, đây những bóng dừa xanh mát biển khơi "

Vâng, người ta vẫn nói Hà Tiên là nơi có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng thật đẹp trong nước. Nhìn hình ảnh du lịch, ta thấy những hòn núi nhỏ rất đẹp nổi bật trên biển trời xanh biếc, những chiếc thuyền buôn bán đi lại trên sông . Phong cảnh cho ta một cảm giác đây là quê hương của những người dân miền Nam hiền hoà, chất phát .

Tôi đã chỉ biết có vậy về Hà Tiên, về tỉnh Kiên Giang, ở gần tận vùng cuối trời của mảnh đất Việt Nam hình chữ S. Nhưng tôi đã không biết, tại một nơi nào đó, trên một bờ sông lụt lội nào đó, trong một mái tranh đơn sơ và quá nghèo nào đó, mấy chục năm trước, em bé Võ văn Thọ đã mở mắt chào đời. Và em bé đó, mọi người sau này đã quen gọi là Lm nhạc sĩ Thái Nguyên.

TỪ KIẾP NGHÈO

Tôi rất thích đọc những tác phẩm viết từ miền Nam, về những người dân miền Nam đơn sơ của những tác giả như Bình Nguyên Lộc, Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam và nhất là Nguyễn Ngọc Tư, viết về đời sống ở vùng Đồng Tháp Mười. Hồi trước năm 1975, tôi cũng đã có dịp sinh hoạt với những người dân nghèo miền Trung có "đất cày lên sỏi đá" . Nhưng tôi cũng đã không thể hình dung ra được tại sao ở Miền Nam, có ruộng lúa phì nhiêu, thẳng cánh cò bay, có sông Cửu Long thừa thãi cá, mà dân lại nghèo và đói. Chuyện của những năm sau 1975 thì có thể tin. Nhưng trước đó, làm gì có chuyện người dân phải luôn ăn khoai độn cơm vì thiếu gạo và đồ ăn.

Trong hoàn cảnh đó, Lm Thái Nguyên đã được sinh ra và lớn lên. Khi tôi liên lạc với ngài và có mong ước được biết thêm về cuộc đời ngài. Tôi đã không ngờ, được sự trả lời rất thành thật và chân tình, từ chính đời sống bản thân của LM Thái Nguyên từ những năm 1955 đó:

" Tôi là người con duy nhất trong gia đình. Cha tôi người miền Nam, quê Đồng Tháp Mười, Phật giáo. Mẹ tôi người miền Bắc, Bùi Chu. Ngay từ còn tấm bé, Cha tôi ru tôi bằng những khúc dân ca miền Nam, còn Mẹ tôi thì lại ru tôi bằng những làn điệu miền Bắc. Những âm điệu đó nay vẫn còn văng vẳng bên tai tôi, đã ảnh hưởng rất nhiều trong các bài Thánh Ca của tôi.

Gia đình tôi rất nghèo, khổ đến nỗi phải ở nhờ đất người khác, và người ta chỉ cho ở dưới bờ sông chứ không được ở trên đất của họ. Cha mẹ tôi cũng chỉ cất được căn chòi tranh, và trong chòi cũng chỉ có cái giường bằng tre cho cha mẹ và tôi cùng ngủ chung.

Qua bao nhiêu năm vẫn còn nghèo, kéo dài hầu như suốt đời cha mẹ tôi. Nhiều lúc gia đình tôi chỉ ăn cháo trắng độn rau cho qua ngày. Ngày nào có cơm tôi mừng lắm, nhưng sau những lần được ăn cơm như vậy tôi mới khám phá ra, là cha mẹ tôi đã nhường cơm cho tôi ăn, cha mẹ nói dóc tôi là đã ăn rồi. Có cơm nhưng ít khi nào có cá, chỉ ăn với rau chai (rau trai) mọc đầy ở ngoài đồng và hái về chấm với nước muối chứ cũng không có nước mắm.

Vì cha tôi ở đợ cho người ta, lâu lâu mới về chòi một lần, còn mẹ tôi phải đi mót lúa ngày có ngày không, ngày nào không mót lúa thì mẹ tôi mới đi mò cá. Và vì chỉ có đứa con một, nên cha mẹ tôi "nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa". Đến khi 7 tuổi mới cho tôi đi học, và mỗi ngày cha tôi hoặc mẹ tôi phải cõng tôi tới trường, rồi trưa đến cõng về."

Nhận được e-mail trả lời cho những câu tôi đã hỏi, tôi đã phải đọc đi đọc lại những đoạn viết tâm sự trên làm nhiều lần vì ... không cầm được nước mắt. Tôi tưởng những chuyện tôi đọc ngày xưa trong văn chương là chuyện chỉ có viết trong tưởng tượng. Đến bây giờ tôi đã thực sự được nghe từ chính cha Thái Nguyên, từ lời của một người đã sống trong cảnh nghèo, thật quá nghèo từ muôn kiếp .

CON ĐƯỜNG THEO CHÚA

Câu chuyện chú Thọ vào nhập Tiểu Chủng Viện Cái Răng để bắt đầu ơn gọi theo Chúa, cũng là một trường hợp thật hy hữu, mà tất cả mọi người từ cha mẹ, cha sở hồi đó và chính chú Thọ, cho đến ngày nay, cũng còn cho đó là một chuyện rất kỳ lạ.

Mùa hè năm 1968, TCV tuyển 40 chủng sinh mới . Thường là có ít nhất 200 thí sinh dự thi, nhưng năm đó vì hoàn cảnh tết Mậu Thân nên chỉ có 70 người tham dự . Chú Thọ cũng có tên trong đoàn người đến dự thi đó, mặc dầu bố mẹ đã hết sức tìm cách ngăn cản, vì trong nhà chỉ có cậu là đứa con duy nhất. Mẹ cậu còn đi xin khấn Thánh Vinh Sơn để cho cậu biết đổi ý, mà ở nhà đừng đi tu.

Sau 10 ngày thi, cậu trở về nhà trong sự hồi hộp chờ đợi của tất cả mọi người. Bố mẹ thì mong cho con rớt. Còn cậu thì mường tượng ngày được mặc áo dài đen, quần trắng, mang guốc ngồi trên cung thánh rất oai phong như các chủng sinh khác trong giáo xứ. Ngày được kết quả, cha sở đã long trọng thông báo ở nhà thờ rằng: "Năm nay Chủng viện Thánh Quý Cần Thơ tuyển sinh 40 người, và chú Thọ đã thi đậu vào đúng hạng 40".

Cha Thái Nguyên đã kể tiếp rằng : “Cả Nhờ Thờ cười vang lên. Còn Cha Mẹ tôi thì khóc ròng. Đó là hình ảnh mà nay vẫn còn ghi đậm trong tâm trí, tôi không bao giờ quên được, tưởng chừng mới như hôm qua. Sau đó, Mẹ tôi khóc hoài, năn nỉ tôi đừng đi, còn Cha tôi thì buồn rười rượi, không nói không cười. Và cứ thế cho đến sau này, Cha Mẹ tôi đã nuôi dưỡng ơn gọi của tôi bằng nước mắt và hy sinh âm thầm đau khổ suốt đời.

Suốt thời gian tiểu chủng viện 7 năm, tôi chỉ có 2 bộ đồ cũ nhèm cha sở cho, phải vá đi vá lại nhiều lần. Nhìn thấy cha mẹ quá nghèo khổ tôi cũng chẳng bao giờ dám xin tiền để sắm sửa những nhu cầu hết sức cần thiết. Tôi chỉ xin đủ tiền đi xe, hoặc đò, để đi từ Hà Tiên tới Cần Thơ. Trong Chủng viện, mỗi Chúa Nhật được ra ngoài đi mua sách hay vật dụng cần thiết, tôi chẳng bao giờ dám đi vì chẳng có đồng nào."

Ngài tâm sự :

“Đời sống như thế phát sinh nơi tôi mặc cảm nghèo hèn. Không những thế, tôi còn là một người học hành và nhận thức rất kém cõi, thua sút các anh em mọi điều, nên tôi phải cố gắng nổ lực gấp đôi, gấp ba thì mới mong được tiếp tục ơn gọi.

Sau 1975, gia đình tôi và bản thân tôi cũng vậy. Tôi đã quen với nghèo khổ nên khi đi giúp xứ trong vùng sâu gặp bao nhiêu khốn khổ cũng là chuyện bình thường. Tôi còn nhớ, năm 1979 là năm đói khổ, tôi với Cha Sở phải ăn độn cơm với bo bo hay khoai mì (củ sắn) suốt năm. Có điều lúc đó hằng ngày tôi đi giăng câu, đặt lờ, đặt lọp nên cũng có cá ăn mỗi ngày.”

Thời điểm là năm 1975, chú Võ văn Thọ được lên Đại chủng viện và được sai đi giúp xứ ngay vào những vùng xa xôi hẻo lánh thuộc Giáo Phận Cần Thơ, vào những vùng mà dân thành thị vẫn gọi là nơi " khỉ không muốn ho, cò không thèm gáy ." Vì nó buồn lắm ! Đó cũng là bắt đầu một thời gian dòng dã 16 năm trời đầy thử thách, hoang mang và lo âu trước một tương lai, tối đen mờ mịt như những khu rừng chàm U Minh mà mỗi ngày thầy Thọ phải đối diện.

Vì bản thân tôi cũng đã có những kinh nghiệm ở lại quê hương sau năm 1975 , nên cũng đã có thể hình dung ra được cuộc sống của chàng thanh niên mới 20 tuổi, đang phải dấn thân ở những vùng của quê hương sứ sở rất nghèo này. Một nơi mà con người không có bị lệ thuộc nhiều vào vật chất vì họ đã quá quen với những phương tiện đơn sơ của kiếp người. Đời sống họ không có những bon chen xô đẩy, vội vàng như của thành phố. Niềm ao ước của họ là được những cái mà người thành thị vẫn dư thừa, là có cơ hội để được đến trường, để hiểu biết thêm về đạo, để tăng thêm niềm tin vào Thiên Chúa. Họ không có được những linh mục, những giảng viên giáo lý ở gần để dạy dỗ, để dẫn dắt đưa họ đến gần Chúa hơn.

Chàng thanh niên Thái Nguyên năm 1975 đó, rất tràn đầy l‎ý tưởng và hy vọng, đã được sai đến với họ như là khí cụ bình an của Chúa, đến “để dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu.”

Mười sáu năm trời, có thể nói là một thời gian quá dài để cho một người thanh niên cần phải quyết định con đường tương lai của mình, khi đứng trước những sự giằng co về l‎ý tưởng theo Chúa và trách nhiệm đối với bố mẹ già yếu, không biết cậy nhờ ai. Nhưng mười sáu năm trời đó, cũng là một thời gian quá ngắn để Thiên Chúa muốn thử luyện sự hy sinh và lòng trung thành của một người muốn dâng trọn đời mình cho Thiên Chúa.

Thầy Thái Nguyên đã hiểu hơn ai hết, khi sau này viết bài Con Đường Theo Chúa có lời ca và dòng nhạc rất đặc biệt, khác hơn những bài ca khác, chứng tỏ sự băn khoăn thao, thức, giằng co của thầy :

ĐK: Theo Đức Kitô là đi con đường Thập tự, là bước vào lối nhỏ đi qua cửa hẹp và khước từ mọi sự thế gian .

1) Con đường theo Chúa ví như con đường của tên tử tội cô độc giữa đám đông

hay giữa những tiếng cười chê xỉ nhục .

Nhưng sau thử thách sau thập giá là cuộc sống mới

trong vinh quang ngàn thu .

Rồi một ngày nắng đẹp của năm 1991, tiếng Chúa gọi đã vang lại mà thầy đã nghe được như một sự tình cờ: thầy Thái Nguyên được gọi về Đại chủng viện Cần Thơ để tiếp tục học những năm tháng còn lại, và năm 1997 thì thầy đã đón nhận thiên chức linh mục, một thiên chức cao đẹp Chúa ban mà thầy đã mơ ước từ ba chục năm trước . Trong email, cha Thái Nguyên đã viết không dấu được sự xúc động:

"Năm 1997, khi tôi chịu chức LM, thì cha mẹ tôi không còn nữa. Tôi không được một ngày báo đáp công ơn cha mẹ, đó là một trong những đau khổ nhất đời tôi."

Năm 2001, ngài được bề trên gọi về từ xứ đạo ở một vùng rất hẻo lánh xa xôi mà ngài đang làm quản nhiệm, cho đi tu nghiệp ở một trường Thần Học nổi tiếng bên Roma, chuyên về Kitô Học. Sau khi học xong, ngài được bề trên cử về làm giáo sư dạy tại Đại chủng viện Cần Thơ, để huấn luyện đào tạo thêm những linh mục tương lai khác.

ÔI TÌNH YÊU

Nhìn lại quãng đường gần nửa đời người đã qua, Lmns Thái Nguyên đã viết lại tâm tình mình trong những dòng nhạc tuyệt vời của bài Ôi Tình Yêu, cảm nhận được chính tình yêu thương quan phòng và hồng ân bao la của Chúa.

1) Khi tình yêu lên tiếng gọi mời, lời thì thầm Chúa dẫn đưa vào tim

Khi hồn con thao thức đợi chờ ngờ đâu rằng Chúa đã đến trong đời con .

Ôi tình yêu làm cho con nồng ấm sau đêm dài,

sau bao miệt mài trăn trở khôn nguôi,

sau bao ngậm ngùi tiếc nuối trong tháng ngày .

Ôi tình yêu, nói với con bao điều mới lạ, khám phá ra Chúa là tất cả

để rồi từ nay con đắm say tình Ngài .

ĐK:

Chúa đã đến với con, cho tim con ngập tràn thiết tha vô vàn một niềm vui sự sống .

Chúa cất tiếng kêu mời trong thâm sâu vời vợi,

tiếng con đáp lời bằng dâng hiến Chúa trọn cuộc đời .

Khi tôi hỏi về những ước vọng tương lai của ngài, cha Thái Nguyên đã chia sẻ: Khi làm Linh Mục, điều tha thiết nhất của tôi trong đời sống Mục Vụ là hết tâm lo cho người nghèo. Bởi vậy ngay từ đầu, Đức Giám Mục đã sai tôi đến một vùng truyền giáo để sống giữa những người nghèo hèn, khốn khổ. Lúc nào tâm trí tôi cũng mang nặng một niềm thao thức lo cho người nghèo và tìm hết mọi cách để thực hiện dù bất cứ ở nơi đâu.

Tất cả mọi tác phẩm làm ra đều với mục đích lo cho người nghèo, tôi không giữ cho mình một đồng lời nào. Đó cũng là điều tôi đã hứa với Chúa, và tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi được sống như vậy cho Chúa và cho mọi anh chị em mình.”

TÌNH CON YÊU CHÚA

Đọc lại hơn 150 bài thánh ca mà tôi đã góp nhặt được trên catruong.com, tôi cũng đã cảm nhận lại được chính những kinh nghiệm của đời mình sau năm 1975, cũng có những thao thức, trăn trở, những dằn vặt, đau khổ và quyết định to lớn phải chọn lựa. Nhưng ở nơi dòng nhạc của Lm Thái Nguyên, tôi đã nhận ra được một sự tin cậy phó thác tuyệt đối và luôn tràn đầy lạc quan hy vọng nơi Thiên Chúa. Có thể nói mỗi bài thánh ca là một chủ đề mà mỗi câu tiểu khúc đều liên kết với nhau rất chặt chẽ. Đó cũng chính là đặc điểm của thánh nhạc Thái Nguyên, vì đó là kết tụ của gần 30 năm kinh nghiệm sống để theo Chúa trong thử thách và chiến đấu với những đau khổ và cám dỗ, để rồi được sống trọn vẹn với ơn gọi và l‎ý tưởng tận hiến của mình .

Sau này, khi đã thu thập thêm những kiến thức về Chúa Giêsu Kitô, ngài cũng không ngần ngại chia sẻ những tư tưởng đó trong nhừng bài thánh ca để chúng ta cùng được đồng hành và cùng được cảm nghiệm Chúa Giêsu tuy là Thiên Chúa nhưng Ngài cũng rất gần gũi và thân mật như người Thầy, người Bạn tâm giao thân thiết .

Nếu bạn hỏi tôi về chủ đề sáng tác của Thánh Nhạc Thái Nguyên, tôi xin phép được chia sẻ những cảm nhận mà tôi thấy rất nổi bật :

Thứ nhất, tác giả cho ta bài học về sự kiên trì, bền vững đức tin trong đời sống mình, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào : lập gia đình hay theo ơn gọi sống đời tận hiến .

Thứ hai: tác giả viết rất nhiều về sự liên kết mật thiết giữa Chúa Giêsu và con người, hiểu theo nghĩa rất cá nhân, rất riêng tư thân mật. Tuy Ngài là Thiên Chúa nhưng Ngài đã gần gũi với bạn, với tôi hơn chúng ta tưởng. Ngài mong muốn chúng ta đến với Ngài, như Ngài đã hạ mình đến ở với chúng ta .

Ngoài những hình ảnh rất nền tảng và sâu đậm trong Thánh Kinh, tác giả Thái Nguyên cũng đã khéo léo lồng vào đó những kiểu nói đơn sơ, thật chất phát của những người dân miền Nam, luôn yêu thích sống đời sống có thiên nhiên sông nước hiền hoà. Nhất là những âm hưởng từ lời ru và tình thương của cha mẹ mà ngài đã hấp thụ từ nhỏ .

nguồn: thanhcavietnam.net



0 Comments: