TÌM HIỂU VỀ Ý NIỆM MẠC KHẢI CỦA KARL RAHNER TRONG TÁC PHẨM HEARERS OF THE WORD VÀ FOUNDATION OF CHRISTIAN FAITH
Tác giả: Giuse Nguyễn Minh Đức, S.J.
Tháng 04 năm 2023
Tóm tắt: Mục đích của bài viết là trình
bày về con người có khả thể đón nhận mạc khải tử Thiên Chúa, chủ yếu dựa vào hai
cuốn sách Hearers of the Word và Foundation of Christian Faith của Karl Rahner.
Bài viết được chia làm hai phần chính, trước hết là bàn về khả thể của con
người để đón nhận mạc khải từ Thiên Chúa qua phân tích của K. Rahner khởi đi từ
nhân học siêu hình và đào sâu về yếu tố tinh thần xét như ý chí tự do của con
người với mạc khải. Phần thứ hai của bài viết bàn về hai chiều kích của mạc
khải là lịch sử tính và siêu việt tính. Đồng thời, bài viết cũng đề cập thêm về
trung gian mạc khải trọn vẹn và sau cuối nơi Chúa Giêsu Kitô dưới quan điểm
thần học Kitô Giáo của K. Rahner. Phần thứ ba trình bày một vài ghi nhận từ
người viết về những diễn giải trên theo quan niệm của K. Rahner.
Từ khóa: K. Rahner, mạc khải, ý chí tự
do, tinh thần, Vorgriff, nhân học siêu hình, lịch sử tính, và siêu việt tính…
Không
chỉ được biết đến như là một thần học gia lỗi lạc của thế kỷ XX, Karl Rahner
(1904-1984) còn được giới triết học xem là một triết gia âm thầm nhưng tư tưởng
có sức ảnh hưởng sâu sắc. Về phần mình, K. Rahner đã tự thú nhận là mình có đam
mê và đã đi theo triết học siêu nghiệm (transzendentale Philosophie). Ban đầu,
K. Rahner được Dòng Tên gửi đi học và nghiên cứu sâu về triết học (tại Freiburg
từ năm 1934-1936). Thực tế là ông đã dọn luận án tiến sĩ về triết học với tựa đề
Giải thích các phân tích tri thức con người
của trường phái thánh Thomas dưới ánh sáng các phương pháp hiện đại hơn theo Kant
và Maréchal.[1][2] Tuy nhiên, luận án
này đã không được giáo sư hướng dẫn là cha Martin Honecker Dòng Đaminh phê chuẩn,
vì nó xa rời học thuyết và tố chất thuộc truyền thống thánh Tôma Aquinô. Sau
này, luận án đó được xuất bản vào năm 1939, với tựa đề Geist in Welt (Tinh thần
trong Thế Giới), và nhiều học giả nhận xét là tác phẩm này có giá trị lớn với
triết học để nghiên cứu về tri thức của con người.
Đồng
thời, Karl Rahner cũng là một thần học gia được giới thần học cho đến ngày nay
ngưỡng mộ với những suy tư thần học sắc bén qua cách diễn đạt bình dị, dễ hiểu,
và khiến độc giả dễ dàng lĩnh hội. Thực tế, ông đã được Đức Thánh Giáo Hoàng
Gioan XXIII chọn làm cố vấn thần học cho Công Đồng Vaticanô II và tư tưởng của
ông đã ảnh hưởng sâu rộng trong Công Đồng cho đến ngày nay. Có thể nói tư tưởng
của K. Rahner là sự tổ hợp giữa tinh hoa triết học Đức Quốc Duy Tâm với tinh
hoa thần học kinh viện, cụ thể là truyền thống tư tưởng của thánh Tôma Aquinô. Bên
cạnh đó, cùng với lời khích lệ của Đức Lêô XIII trong thông điệp "Aeterni
Patris" (1879), K. Rahner đã chuyển hướng tư tưởng của mình theo kiểu “tân
kinh viện” hiện đại. Hướng đi này đã dẫn ông theo học thuyết “nhân chủng học
siêu nghiệm”, và chúng được diễn tả qua hai tác phẩm nổi tiếng của ông là:
"Tinh Thần trong Thế Giới" và "Lắng Nghe Châm Ngôn".
Tác
phẩm được cho là giao thoa giữa tư tưởng triết học và thần học của K. Rahner là
cuốn “Hearers of the Word” (có người dịch là: Kẻ lắng nghe Lời hoặc Những thính
giả của Lời). Ngay những trang đầu của tác phẩm này, ông muốn xác định nền tảng
của triết học tôn giáo qua việc so sánh, đối chiếu triết học tôn giáo với thần
học, để xem mối quan hệ giữa chúng như thế nào, có thể là cả đối nghịch lẫn hòa
hợp với nhau chăng?[3]
Cùng với đó, tác phẩm này là sự hòa hợp giữa triết học và thần học khi K.
Rahner bàn về vấn đề mạc khải của Thiên Chúa với con người khởi đi từ vấn đề
triết học siêu nghiêm và nhân học với câu hỏi về ‘hữu’.[4] Để từng bước, ông lần tìm
về yếu tính của sự vật, cụ thể là từ ‘hữu khả tri’ cho đến ‘Hữu Tuyệt Đối’, và ‘Hữu
Tuyệt Đối’ ở đây K. Rahner xem như là Thiên Chúa, một Chủ Thể Tuyệt Đối, mà con
người khắc khoải, thao thức để lần mò, kiếm tìm không ngơi.
Đó
cũng là phần thứ nhất bài viết này sẽ trình bày. Phần thứ hai sẽ xoay quanh chủ
đề Mạc khải của Thiên Chúa với tính lịch sử và siêu việt, đồng thời lồng ghép
trong đó là trung gian mạc khải sau cuối là Chúa Giêsu Kitô, tư tưởng chính yếu
này của K. Rahner nằm trong tác phẩm “Foundation of Christian Faith”. Một tác
phẩm được xem là nền tảng tri thức thần học Kitô Giáo của K. Rahner cũng như những
ai muốn tìm hiểu về tư tưởng thần học ngài. Trước tiên, chúng ta cùng tìm hiểu
về ý niệm: con người có khả thể đón nhận mạc khải từ Thiên Chúa qua đề mục dưới
đây.
I. CON NGƯỜI CÓ KHẢ THỂ ĐÓN NHẬN MẠC KHẢI
TỪ THIÊN CHÚA
Khi
bàn về mạc khải (mạc là cái màn; khải là kéo; mạc khải là vén mở điều gì đó),
trong địa hạt triết học tôn giáo, K. Rahner cho rằng con người có khả thể đón
nhận mạc khải của Thiên Chúa, xét như một cuộc gặp gỡ giữa hai chủ thể với
nhau. Ông cho rằng, lẽ dĩ nhiên, Thiên Chúa là Đấng đi bước trước, là khởi
nguyên, là trung tâm của mạc khải, và con người đón nhận mạc khải với ý chí tự
do hoàn toàn. Quá trình đón nhận mạc khải này không phải xảy ra một lần cho tất
cả, nhưng đúng hơn đó là một hành trình dài với sự chuẩn bị xa từ Thiên Chúa, đồng
thời quá trình ấy là sự mở ra, đón nhận mạc khải một cách đan xen và liên tục.
1.1 Khởi đi từ nhân học siêu hình
Khởi
đi từ nhân học siêu hình, K. Rahner cho rằng: “con người khi hiểu về mình như
những hữu thể trong cuộc hiện hữu lịch sử, vẫn tìm kiếm cuộc mạc khải bất ngờ từ
Thiên Chúa.”[5]
Ý tưởng này gần giống với câu nói thời danh của thánh Augustinô thành Hippô,
“Chúa đã dựng nên con cho Chúa nên lòng con khắc khoải cho đến khi nghỉ yên
trong Chúa muôn đời.”[6] Nhưng ở đây, K. Rahner nhấn
mạnh đến chiều kích khắc khoải nơi con người để tìm kiếm mạc khải từ Thiên
Chúa. Ông cho rằng tự nơi bản chất con người đã có tiềm năng kiếm tìm mạc khải,
và ông gọi là “bản thể học về tiềm năng con người trước mạc khải.”[7]
K.
Rahner cùng thời với triết gia M. Heidegger (1889-1976), và họ đã thường xuyên
gặp nhau để trao đổi về các hội thảo triết học. M. Heidegger nổi tiếng với triết
tác Being and Time (Hữu Thể và Thời Gian), tác phẩm mà ông đã triển khai mọi
ngõ ngách sâu sắc cùng những tư tưởng phong phú và ý nghĩa sâu rộng của Hữu thể
luận. Bởi thế, cũng như M. Heidegger, K. Rahner cũng khởi đi từ vấn đề hữu, ông
đặt câu hỏi về “hữu (being) của hữu thể (beings) là gì?”[8] Bởi lẽ, ông cho rằng khi
bàn về vấn đề siêu hình và nhân học, cần phải xuất phát từ “hữu”. K. Rahner cho
rằng: “bản chất của hữu là biết và được nhận biết trong một sự đồng nhất mang
tính nguồn cội, và đó cũng là tự-hiện-diện (self-presence) hoặc sự tỏ sáng (luminosity).”[9]
Do
đó, K. Rahner khẳng định rằng: “hữu toàn
thể, một cách cơ bản có thể tri nhận.”[10] Bởi lẽ, hữu là biết, một
sự hiểu biết từ cội nguồn đồng nhất, hữu là biết về hữu thể nơi người nhận thức.
Nơi mỗi hữu thể đều có sự tự-hiện-diện, khi đó, biết nơi một chủ thể là “quay
vào chính mình để thấy được sự tự tỏ lộ của hữu thể.”[11] Ý niệm về sự tự tỏ lộ của
hữu thể này cũng được M. Heidegger khẳng định trong “Being and time”, nhưng ông
gọi là “Dasein hiện hữu và được tỏ lộ trong thời tính với những tại thể khác
trong thế giới, bởi vì chính trong chiều kích cơ cấu bất khả phân ly của cái Da
trong Dasien là sự “mở ra, khám phá, san sẻ, dự phần” (oivrir, découvrir,
partager, participer). Tự nơi bản chất, Dasien đã có sự tỏ lộ chính mình.”[12]
Thế
nhưng, khác hẳn với ý niệm của M. Heidegger (hữu thể trong thế giới:
being-in-the-world; in-der-Welt-Sein) về Dasein cùng sự tỏ lộ của nó, K. Rahner
(tinh thần trong thế giới: spirit-in-the-world; Geist in Welt) cho rằng “con
người là tinh thần,”[13] và sự tự-hiện-diện nơi sự
vật sẽ được “Vorgriff”[14] (pre-apprehension: tiền tri
nhận) hỗ trợ để đưa ra các khái niệm phổ quát và trừu xuất nhất. K. Rahner cho
rằng, Vorgriff là “năng lực tiên thiên được phú ban cùng bản chất con người”[15] và cũng là năng động chuyển
động tinh thần của con người. Chính nhờ Vorgriff này, con người có khả thể vươn
đến phạm vi tuyệt đối của mọi hữu thể khả tri (Vorgrift auf dasein: hướng tới sự hiện hữu), từ đơn lẻ đến tổng thể,
từ trừu tượng đến phổ quát. Vorgriff cũng là điều kiện để con người ý thức về
chân trời hiểu biết từ hữu thể khả tri đến hữu thể tuyệt đối. Nghĩa là Vorgriff
giúp con người mở ra với vô hạn là Thiên Chúa. Bởi lẽ, chính Thiên Chúa là “hữu
thể siêu việt, tột bậc với bản chất là tự hữu và luôn hiển lộ”.[16]
Thật
vậy, chính nhờ nhận thức trước về bản thể (Vorgriff auf esse) mà tinh thần con
người “vươn tới cái không tên (nameless) và bản chất của nó là vô hạn (nature
is infinite)”[17]
hoặc “vươn ra ngoài từ ngữ và biết được siêu hình học (reaches out beyond the
word and knows the metaphysical).”[18] Bản thân của Vorgriff là
tình trạng của tinh thần tự vượt lên trên bản thể vô hạn, trong khi vẫn còn tồn
tại trên thế giới. Do đó, Rahner sửa đổi quan niệm của Heidegger về Dasein vốn
đưa cái tôi về phía hư không, hiện hữu-hướng tới cái chết. Ngược lại, Rahner lập
luận, “Vorgriff đạt được ‘nhiều hơn’ chứ không phải là ‘không có gì’.”[19]
Thêm
nữa, triết học của K. Rahner theo đường hướng triết học siêu nghiệm. Cụ thể, khởi
đi từ việc quan tâm đến con người, K. Rahner đã đặt ra câu hỏi về “hữu” và giải
quyết vấn đề con người qua tinh thần liên hệ tới vạn vật trong thế giới. Dĩ
nhiên trước đó, I. Kant (1724-1804) là triết gia đã tiên phong khai mở đường hướng
này, ông đã nghiên cứu và khám phá ra triết học siêu nghiệm qua thế giới hiện
tượng và siêu nghiệm để bàn về tri thức con người với những giới hạn của lý trí
(Cuốn Phê Phán Lý Trí Thuần Tuý). Tiếp
đến, I. Kant cho rằng triết học siêu nghiệm cần đến điều kiện nội-ngoại tại,
trong không gian và thời gian cùng với 12 phạm trù. Ông cho rằng chính nhờ các
điều kiện mang tính tất yếu và phổ quát đó, con người mới có khả thể tri nhận
các đối tượng.
Dĩ
nhiên, I. Kant cho rằng kiến thức từ lý trí là khả năng tổng hợp tiên thiên có
thể bị giới hạn, và cùng với đó là kiến thức từ thực nghiệm (empirical
knowledge) cũng bị hạn chế bởi không có đối tượng siêu nghiệm. Vì thế, con người
không có khả năng “phán đoán”, nắm bắt trọn vẹn được các đối tượng siêu nghiệm,
cụ thể là Noumena (Vật tự thân: Thượng Đế, Tự do và Linh hồn bất tử). Để rồi I.
Kant đã phải thốt lên rằng: “Tôi thấy cần thiết phải từ chối kiến thức để dành
chỗ cho đức tin.” I. Kant đã khéo léo điều hướng lý thuyết của mình để cứu vớt
đức tin tôn giáo trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học ở thế kỷ XVIII. Ông
xây dựng lý thuyết Vật tự thân để dành chỗ cho niềm tin tôn giáo trong thế giới
siêu nghiệm mà lý trí con người bất khả thể suy thấu tường tận. Thế nhưng,
chính vì bám chặt vào những lý thuyết này, I. Kant đã bị nhiều triết gia hậu thời
phê bình khi xem nhẹ lý trí và kinh nghiệm, cụ thể Neizchet đã phê bình I. Kant
với tri thức luận nghèo nàn, I. Kant như là “tự giam hãm mình trong vật tự thân
như con cáo tự nhốt mình trong chuồng, dù nó đủ sức lực và tinh khôn để thoát
khỏi cái chuồng đó.”[20]
Về
phần mình, K. Rahner không hề đề cập đến “đức tin” trong triết học như I. Kant.
Ông học hỏi nơi Maréchal để lấy quan điểm động tính của triết gia J.G. Fichte,
nhằm xây dựng nền tảng siêu hình học cho riêng mình ngang qua việc tìm ra những
điều kiện then chốt từ triết thuyết thời kinh viện. Với K. Rahner, những điều
kiện càng đơn giản và thực tiễn bao nhiêu thì càng hiệu quả và có giá trị cao bấy
nhiêu. Cụ thể, K. Rahner đã cho rằng điều kiện gắn liền với hiện hữu của con
người là đặt câu hỏi. Chính việc đặt câu hỏi sẽ giúp bản thể học được khám phá.
Dĩ nhiên, như đã trình bày trên, gần giống như M. Heidegger, K. Rahner đã “khởi
sự với câu hỏi hữu”[21] để đi vào triết học siêu
hình và nhân học. Đó là sự xuất hiện của mọi hữu thể đều trên nền tảng của sự
hiện hữu. Nền tảng của hiện hữu được hiểu là vô tận, siêu việt và tuyệt đối, cụ
thể theo K. Rahner hiểu là Hữu Thể Tuyệt Đối.
K.
Rahner đã khéo léo đi từ việc đặt vấn đề về ‘hữu’ đến ‘hữu thể khả tri’, và từ
‘hữu thể khả tri’ đi lên đến ‘Hữu Thể Tuyệt Đối’ được hiểu là chính Thiên Chúa.
K. Rahner quan niệm về Thiên Chúa chính là một Mầu Nhiệm Tuyệt Đối và Ngài
chính là chủ thể của mạc khải siêu việt mà con người được thúc bách trong mức độ
tinh thần để đáp lại sự tỏ lộ của Thiên Chúa, ngang qua ý chí tự do và năng động
từ Vorgriff. Theo quan điểm của Rahner, “luận chứng siêu nghiệm mở rộng, cũng
như mọi luận chứng trình bày về Thiên Chúa - chỉ có thể bắt đầu gợi lên Mầu Nhiệm
bao la rộng lớn bao bọc xung quanh chúng ta.”[22]
Tóm
lại, theo cách hiểu của K. Rahner, Thiên Chúa vừa được biết đến và vừa không được
biết đến. Nghĩa là, Thiên Chúa là một Hữu Thể Tuyệt Đối Siêu Việt, con người với
tri thức hữu hạn không thể tri nhận tuyệt đối và nắm bắt trọn vẹn được bản chất
của Ngài, trừ khi Thiên Chúa tự “trào thông” chính mình cho thế giới, cụ thể là
qua việc mạc khải cho con người về chính Ngài. K. Rahner xem Thiên Chúa như là
nguồn gốc và mục tiêu của mọi thực tại, là chân trời của mọi hữu thể. Ông tuyên
bố, “dường như chúng ta biết Chúa, ‘đối tượng’ của siêu hình học, chỉ như chân
trời cần thiết của kinh nghiệm về thế giới chỉ có thể theo cách này.”[23]
1.2
Tinh Thần Ý Chí Tự Do của con người trước mạc khải của Thiên Chúa
Thế
nhưng, không phải cứ cái gì hiển lộ là con người có thể dễ dàng tri nhận. Thật
vậy, cách thức Thiên Chúa tỏ lộ là một nhiệm màu sâu kín, con người hữu hạn chỉ
có thể tri nhận được Thiên Chúa vô hạn trong một mức độ chưa trọn vẹn, viên mãn
nào đó. Nơi con người có tinh thần, nên “Vorgriff giúp con người lần mò, kiếm
tìm Thiên Chúa trong mức độ nào đó.”[24] Đồng thời, hành động kiếm
tìm này, K. Rahner cho rằng “nó xuất phát từ hành động ý chí tự do của con người.”[25] Đến đây, ta có thể thấy
quan niệm này của K. Rahner gần giống với tư tưởng của thánh Augustinô, khi
ngài nói: “Chúa dựng nên con Chúa không hỏi ý kiến con, nhưng để cứu độ con,
thì Ngài hỏi ý kiến con.”[26] Điều đó có nghĩa là Thiên
Chúa đặt để nơi mỗi người một khao khát tìm kiếm Ngài, và hành động tìm kiếm đó
hoàn toàn với ý chí tự do.
Thiên Chúa là Đấng luôn hiển sáng và tỏ lộ chính
mình cho con người qua mạc khải như một món quà quý giá. Về phía mình, với hành
vi ý chí tự do, con người cũng đáp lại hoặc khước từ sự ngỏ lời từ Thiên Chúa. Đối
với K. Rahner, ông cho rằng: “con người tự bản chất sâu xa, không dửng dưng trước
cuộc mạc khải bất ngờ từ Thiên Chúa hằng sống.”[27] Bởi lẽ, từ trong bản chất
của con người, Vorgriff làm cho con người luôn thao thức, khắc khoải kiếm tìm về
Đấng Tuyệt Đối. Thao thức đó là một sự sẵn sàng mở ra trước mạc khải thần linh
một cách tự nhiên của con người. Dĩ nhiên, Thiên Chúa luôn là Đấng đi bước trước
để ngỏ lời với con người, và phần còn lại là tinh thần đáp trả tự do và ý thức
từ con người.
Khi
nói về tinh thần đáp trả tự do và ý thức của con người, với tác phẩm “Tinh thần
trong Thế giới” (Geist in Welt)[28] của K. Rahner, quan niệm
tinh thần của ông hoàn toàn khác hẳn hệ thống tinh thần của Hegel (1770-1831).
Bởi vì, Hegel cho rằng tinh thần là tự ý thức về hiện hữu chính mình và biết về
bản chất của sự hiện hữu đó như là một hiện thực khách quan đối lập với chính
mình (Hệ Thống Học Tinh Thần, §488), và để tinh thần trở thành Tinh Thần Tuyệt
Đối thì hành trình này trải qua nhiều cam go, khó khăn đến mức mà tinh thần của
con người phải buông mình tôi luyện ở thế giới hiện thực khách quan, phải đối
diện và tùng phục những quy luật đầy mâu thuẫn của xã hội trong thực trạng của
nhà nước hay kinh tế… Thế nhưng, tinh thần trong thế giới mà K. Rahner xây dựng
là tự siêu việt bản thân (self-transcendence), nghĩa là ngang qua hành vi hiểu
biết và ý chí tự do, con người hướng về thực tại vô biên và tuyệt đối của chân
lý và tình yêu, mà ở đây hiểu là Thiên Chúa.
Nếu xét ở góc độ hữu
thể luận, thì K. Rahner
cho rằng “tự do không được hiểu như việc chọn lựa điều gì đó nhưng phải là một
sự dấn thân tận căn để thành toàn hiện hữu của chính mình.”[29]
Chính chủ thể là người thực hiện sự dấn thân đó, “chọn lựa tự do chỉ nhằm đạt
đến sự hoàn thiện của chính chủ thể đó.”[30]Dĩ
nhiên, chủ thể chọn lựa cũng có thể đón nhận hoặc khước từ thôi thúc chọn lựa
đó, thế mới đúng là bản chất của tự do. K. Rahner nhận định rằng: “khi chủ thể
nói vâng với Thiên Chúa, khả thể của việc nói không vẫn còn đó. Vì vậy, chủ thể
tự do liên tục bị chính tự do của mình đe dọa.”[31]
Ông còn mở rộng hơn về ý nghĩa của sự tự do khi “chủ thể lựa chọn còn bị tác
động liên tục trong thế giới phạm trù với lịch sử tính, xã hội tính và chiều
kích cộng đồng vốn là những điều tác động liên tục và đồng thời đến quyết định
tự do của người ấy.”[32]
Mặc dù, Thiên Chúa đi
bước trước về vấn đề mạc khải, Ngài hoàn toàn có tự do để làm cho ai đó tin hoặc
không tin, nhận biết hoặc không nhận biết Ngài, cứu độ con người hoặc bỏ mặc
con người… nhưng Thiên Chúa không làm vậy, Ngài luôn tôn trọng tự do chọn lựa
của con người. Chính sự tôn trọng tự do này đã làm cho con người trở nên người
đích thực hơn. Chính thánh Augustinô thành Hippo đã xác tín:
“Thiên Chúa dựng nên con người, Ngài không cần hỏi ý kiến của con người, nhưng
để cứu chuộc con người, thì Ngài cần đến sự cộng tác của con người.”[33]
Trở
lại vấn đề tinh thần, theo K. Rahner, tinh thần như một tiềm năng để hướng về hữu
thể tuyệt đối (“quo est omnia fieri”: spirit is in
potency for absolute being).[34] Đồng thời, “Tinh thần
cũng là một sự mở ra mang tính năng động với mọi hữu thể, bởi nó cũng có năng lực
từ Vorgriff về hữu thể tuyệt đối.”[35] Do đó, trong bất cứ khoảnh
khắc nào, hoạt động của tinh thần luôn là một chuyển động hướng về hữu thể tuyệt đối
như là điểm kết và cũng là mục đích của khao khát nơi tinh thần. Như thế, tinh
thần cũng là một dạng khát vọng để phấn đấu và hành động sao cho viên mãn, đầy
tràn, phủ lấp những khiếm khuyết, thiếu hụt và chưa trọn vẹn nơi chủ thể. Vậy,
khát khao có thể xem là một tinh thần chăng? Kế thừa truyền thống của thánh
Tôma Aquinô, K. Rahner xem “khát khao như là một đặc tính năng động nội tại của
mọi hữu thể nhằm hướng về chính những sự viên mãn phù hợp với nó.”[36]
Tóm
lại, về phía con người, nơi tự bản chất, cho dù con người có tinh thần tự do ý
chí để đón nhận hoặc khước từ mạc khải của Thiên Chúa thì chọn lựa đó cũng hướng
về Thiên Chúa, như chủ thể siêu việt của tự do lựa chọn. Thật vậy, K. Rahner
cho rằng: “tự do của con người không chỉ là việc thực hiện những chọn lựa lựa rời
rạc nhỏ lẻ, mà là việc chọn lựa và hình thành chính mình trong khi quy hướng về
Thiên Chúa như là Nền Tảng siêu việt của chính tự do đó.”[37] Vậy, ngoài yếu tố tinh thần
là ý chí tự do, mạc khải còn có yếu tố hay chiều kích nào khác chẳng mà chúng
có liên hệ trực tiếp đến việc đón nhận mạc khải của con người. Chúng ta cùng
tìm hiểu nội dung đó trong phần mục dưới đây.
II.
MẠC
KHẢI CÓ CHIỀU KÍCH LỊCH SỬ TÍNH VÀ SIÊU VIỆT TÍNH
Đối
với K. Rahner, điều quan trọng cần ghi nhớ là chúng ta không trải nghiệm tính siêu việt của mình nếu
không trải nghiệm tính lịch sử của chúng ta. Vậy, vấn đề được đặt là ta
phải hiểu lịch sử tính và siêu việt tính như thế nào và mối tương quan giữa chúng
ra sao với mạc khải? Câu trả lời có thể nhận thấy là kinh nghiệm siêu việt của
con người về cái vô hạn luôn diễn ra trong lịch sử hiện thực, và vì thế, nó làm
cho con người luôn trở về với chính mình. Nhưng, để hiểu rõ hơn về hai ý niệm
trên, ta cùng tìm hiểu kỹ lưỡng chúng trong các đề mục dưới đây.
2.1
Mạc khải có chiều kích lịch sử tính
Ngang
qua các biến cố mang tính lịch sử, Thiên Chúa đã tự do lựa chọn cách thức mạc
khải cho con người trong thế giới. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Thiên Chúa
hạ cố để đi vào chân trời giới hạn và tiệm cận với sự hiểu biết hữu hạn của con
người. Điều đó cho thấy Thiên Chúa rất gần gũi với con người. Cụ thể, ta có thể
thấy Thiên Chúa tự mạc khải trong thâm tâm con người qua lời nói, hành động
trong lịch sử của con người. K. Rahner khẳng định cao điểm của lịch sử mạc khải
đó đã xảy ra nơi Đức Giêsu Kitô. Thiên Chúa chọn cách thức mạc khải cho nhân loại
qua sự tự thông truyền siêu việt trong Đức Giêsu Kitô cũng là Người và là Thiên
Chúa duy nhất.
Bên
cạnh đó, K. Rahner quan niệm “mạc khải của Thiên Chúa mang tính chất của một sự
kiện. Sự kiện đó là sự đối thoại giữa Thiên Chúa và con người ngang qua những
điều siêu việt đối với con người nhưng không phải trong mọi lúc và mọi nơi. Mạc
khải siêu việt đó sẽ tỏ lộ cho con người về nội thực tại của Thiên Chúa (the
inner reality of God), và mối quan hệ cá nhân và tự do của Ngài với các thụ tạo
thiêng liêng.”[38]
Trong cuốn Theological Investigations, Rahner viết rằng trong mạc khải “Thiên
Chúa muốn tự thông ban chính mình một cách tuyệt đối và triệt để trong ân sủng
như là cốt lõi sâu xa nhất của sự hiện hữu của chúng ta. Chính vì thế, mầu nhiệm
mang tính thường hằng luôn đến gần hơn để được chấp nhận trong tình yêu.”[39]
Để
củng cố thêm lập luận của mình, K. Rahner phát biểu rằng mạc khải trước hết là
một biến cố cứu độ. “Mặc
khải không phải là sự truyền đạt một số định đề nhất định…nhưng là một cuộc đối
thoại lịch sử giữa Thiên Chúa và con người, trong đó một điều gì đó xảy ra, và
trong đó sự truyền đạt có liên quan đến việc ‘xảy ra’ liên tục và công việc của
Thiên Chúa… Mặc khải là một sự kiện cứu rỗi đang xảy ra, và chỉ khi đó và liên
quan đến điều này mới có sự truyền đạt các sự thật.”[40]
Diễn biến cứu độ này đã đạt đến tột đỉnh không thể so sánh được nơi Chúa Giêsu Kitô
và Thiên Chúa đã dứt khoát hiến mình cho thế giới.
Để là một biến cố mạc khải mang lịch
sử tính, thiết nghĩ điều kiện cần là một con người tinh thần hiện thân với một
bối cảnh lịch sử-xã hội cụ thể. Cụ thể, chúng ta có thể thấy hình thức này nơi
những người trung gian của mặc khải về sự thông truyền của Thiên Chúa. Chẳng
hạn như, Môisê và các nhà tiên tri trong Cựu Ước, họ là trung gian mạc khải
giữa Đấng Tối Cao được hiểu là Thiên Chúa với con người. Cuối cùng, nơi Chúa
Giêsu Kitô và các môn đệ là những người làm trung gian về sự mặc khải trọn vẹn
và sau cùng của Thiên Chúa dành cho con người.
K. Rahner cho rằng mạc khải như một
sự hiệp thông liên vị giữa Thiên Chúa và con người. Điều này cũng xuất phát từ
bản chất của đức tin, đức tin trước hết là hướng về một Thiên Chúa là Đấng ngỏ
lời cho con người về “những sự thật”. Đặc biệt, mạc khải Kitô giáo xảy ra qua
Chúa Giêsu Kitô, “chính Ngài vừa là trung gian vừa là viên mãn của mạc khải.”[41]
Công đồng Vatican II khẳng định rằng Đức Kitô là trung gian mạc khải “bằng sự
kiện toàn diện về sự hiện diện và tự tỏ mình của Người - bằng lời nói và việc
làm, dấu chỉ và phép lạ, nhưng trên hết là bằng cái chết và sự phục sinh vinh
hiển của Người từ cõi chết, và cuối cùng bằng việc sai Thần Chân Lý đến.”[42]
Tựu trung, một khái niệm mặc khải
đầy đủ và cân bằng phải xem xét thích đáng cả chiều kích bên trong và bên ngoài
của nó. Dei Verbum đã thiết lập sự cân bằng này, và K. Rahner đã làm sáng tỏ và
giải thích đầy đủ hơn trong thần học của ông về mặc khải siêu việt (sẽ bàn ở đề
mục dưới) và trung gian lịch sử, tuyệt đối của nó. Khi đạt được sự cân bằng
giữa mặc khải siêu việt và trung gian của nó trong việc duy trì sự thống nhất
của chúng, K. Rahner lấy bí ẩn nhập thể làm nền tảng và điểm quy chiếu. Sự viên
mãn của mặc khải đã được thực hiện trong sự hợp nhất bất khả phân ly và bất khả
đảo ngược của Ngôi Lời Thiên Chúa với chính Thiên Chúa. Do đó, tất cả các quan
niệm về mạc khải phải được đo lường bằng sự trung thành của chúng với thực tại
mạc khải này, mà đỉnh cao là Lời Thiên Chúa làm người trong Đức Giêsu Kitô, một
biến cố lịch sử rất quan trọng với Kitô giáo.
2.2
Mạc khải có chiều kích siêu việt tính
Ngoài
lịch sử tính, K. Rahner cho rằng con người còn có siêu việt tính. Điều đó có
nghĩa là “con
người một mặt bị giới hạn trong thế giới phạm trù được xác định bởi không gian
và thời gian, nhưng đồng thời luôn có khả năng mở ra nhờ Vorgriff với vô hạn để tri nhận về
chính mình trước một chân trời siêu việt, vốn dĩ là nơi có sự hiện hữu của mầu
nhiệm tuyệt đối mà Kitô giáo gọi là Thiên Chúa.”[43] Ông cho rằng: “Chính mầu nhiệm tuyệt đối này thúc
đẩy con người ý thức về nguồn cội và hướng mở về phía tương lai.”[44] Sự thúc đẩy đó được hướng
về tuyệt đối, vốn là điểm then chốt mà K. Rahner gọi là “hiện hữu hiện sinh nhân
linh”. Mặc dù, con người luôn có sự thúc
đẩy để nhìn về cội nguồn và hướng mở về tương lai như là chân trời siêu việt,
nhưng “chủ thể kinh nghiệm đó luôn là một hữu thể tự do để định đoạt cho vận
mệnh của chính mình một cách có trách nhiệm (“…in reality freedom is first of
all the subject’s being responsible for himself).”[45]
Khi bàn về siêu việt
tính thì cũng cần nhắc đến yếu tố siêu nghiệm, điều mà K. Rahner cho rằng: “Mạc khải không phải là một phát
biểu mà là kinh nghiệm.”[46]
Mạc khải như là một kinh nghiệm thiêng liêng để truyền đạt thực tại siêu nhiên
nào đó. Mặc khải là việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình trong ân sủng,
trong nội tâm sâu xa nhất của con người. Thực tế, mạc khải của Thiên Chúa đã
đạt đến tuyệt đỉnh vô song nơi Đức Kitô, Đấng là mạc khải hoàn hảo của Chúa
Cha. Chúa Thánh Thần là quà tặng của Chúa Kitô cho con người, tiếp tục hoạt
động nơi tâm hồn mọi người, giúp họ cảm nghiệm được mạc khải của Chúa Kitô
trong thời gian riêng của họ.
K. Rahner thừa nhận rằng có chiều
sâu và sự phong phú của kinh nghiệm về sự hiện diện của Thiên Chúa qua mạc khải.
Mặc khải siêu việt thuần túy thì
thực sự xảy ra trong kinh nghiệm. Để dễ hiểu về tính siêu việt của mạc khải, K.
Rahner đã đưa ra một ví dụ “một người tình và kinh nghiệm của anh ta về tình
yêu.”[47]
Khi yêu, người ta sẽ có trải nghiệm ban đầu về tình yêu, một trải nghiệm phong
phú và sâu lắng, nó có những biểu hiện cụ thể như là ấn tượng, nhớ nhung, vui
sướng, hạnh phúc… nhằm củng cố và phát triển mối quan hệ giữa mình với người
yêu. Mạc khải cũng thế, đó chính là tình yêu của Thiên Chúa nơi tự bản chất,
Ngài tự trào thông chính mình cho nhân loại. Tình yêu là cái làm nổi bật mối
tương quan và đối thoại giữa những chủ thể với nhau.
Mạc khải có tính siêu việt khi nó khởi đi từ
kinh nghiệm của con người với Thiên Chúa siêu việt, mà nơi đó, con người có
kinh nghiệm về Ngài. Thực tế, kinh nghiệm này theo K. Rahner là hậu nghiệm.
Thậm chí, Rahner còn khẳng định: kiến thức hay kinh nghiệm siêu việt của chúng
ta về Thiên Chúa, vốn bị quy định bởi tính siêu việt của chúng ta, cũng là một
hậu nghiệm (the man's only
knowledge of God is an a posteriori knowledge from the world.), vì nó “được trung gian bởi một
cuộc gặp gỡ dứt khoát với thực tại cụ thể trong thế giới của chúng ta, cả thế
giới của sự vật và thế giới của người.”[48]
MỘT
VÀI GHI NHẬN
Tóm
lại, về cơ bản, chúng ta thấy K. Rahner quan niệm Thiên Chúa là Đấng thánh
thiện nhưng cũng bí ẩn. Nghĩa là Thiên Chúa ‘không thể hiểu thấu’ bởi suy nghĩ
hữu hạn của con người. Tuy nhiên, con người có thể hiểu biết và tương quan với
Thiên Chúa trong mức độ mà Ngài muốn mở ra và cho phép chúng ta lĩnh hội. Rõ
ràng, nơi tự bản chất, Thiên Chúa luôn tự trào thông, ban tặng chính mình cho
con người. Trong sự tự trào thông này, Thiên Chúa “vừa trở thành người tặng quà
và vừa trở thành món quà, thậm chí Ngài còn là suối nguồn đích thực cho khả thể
của riêng con người để nhận lãnh Thiên Chúa như một món quà, (becomes
both giver and gift, and even more the actual source of the human being’s own
capacity to receive [God] as gift).”[49]
Xét
về chiều kích lịch sử tính, K. Rahner cho rằng Chúa Giêsu là sự tự thông truyền
của Thiên Chúa cho con người qua lịch sử thời gian. Đó là tột đỉnh của một biến
cố siêu việt mang tính lịch sử cứu độ. Luận điểm cơ bản của K. Rahner là lịch
sử nhân loại như là một sự kiện mang tính siêu việt. Điều đó có nghĩa là ngang
qua hiện sinh siêu nhiên, con người trải nghiệm siêu việt tính của mình. Ông
cũng thận trong nhắc nhở là cần phân biệt siêu việt tính của Thiên Chúa và siêu
việt tính của con người. Nơi siêu việt tính của con người đó là Vorgriff, khả
thể mở ra để đón nhận mạc khải từ Thiên Chúa trong điều kiện nào đó, con người
sẽ cảm nghiệm và đón nhận mạc khải là sự tự trào thông của Thiên Chúa ngang qua
trung gian lịch sử (vốn được gọi là lịch sử cứu độ) hoặc từ kinh nghiệm cá vị
của chính mỗi người.
Điểm
nhấn về ý niệm mạc khải của K. Rahner là ông phân biệt hai loại mạc khải: mạc
khải phổ quát siêu việt và mạc khải đặc biệt mang tính cá vị. Mạc khải đầu tiên
đề cập đến kinh nghiệm về Thiên Chúa có thể xảy ra ở bất kỳ nơi đâu và cho bất
kỳ ai; mạc khải thứ hai là sự thể hiện của mạc khải đầu tiên nhưng theo cách
thức đặc biệt và rõ ràng, mà đỉnh cao là sự mạc khải từ Chúa Giêsu Kitô, mạc
khải cuối cùng và trọn vẹn của Thiên Chúa cho nhân loại. Chính khi suy tư về
tính phổ quát siêu việt của mạc khải này, K. Rahner nhận ra rằng: sẽ có những
“Kitô hữu vô danh”[50],
nghĩa là những người sẽ được đón nhận mạc khải và ơn cứu độ của Thiên Chúa một
cách nào đó. Bởi lẽ, K. Rahner tin rằng với “sự hiện sinh siêu nhiên”, như là
điều kiện khả hữu để mọi người với tính siêu việt của mình, ai ai cũng có thể
đón nhận được ân sủng của Thiên Chúa như là một sự mạc khải mang tính siêu việt
và phổ quát.
Tựu trung, qua những phân tích trên, ta thấy được những ý
niệm chính của K. Rahner về tính khả thi của mạc khải ngang qua tác phẩm Hearers
of the Word. Trong đó, ông cho thấy những nghiên cứu và phân tích của mình về
nhân học siêu hình, khởi đi từ hữu đến hữu khả tri, từ hữu khả tri đến hữu
Tuyệt Đối là Thiên Chúa, nghĩa là ta có thể hiểu biết và lĩnh hội cái vô hạn
nhờ cái hữu hạn. Đồng thời, K. Rahner cũng xác định rõ, con người là tinh thần,
do đó, con người có khả thể ‘mở ra’ và ‘vươn lên’ khỏi chính mình, ý thức về
chính mình nhờ một năng động tự trong bản chất con người mà ông gọi là Vorgriff
(một khắc khoải, thao thức để lần tìm về Đấng Tuyệt Đối xét như là Thiên Chúa).
Kế đến, K. Rahner nhắc đến yếu tố lịch sử tính và siêu việt tính của mạc khải.
Điều đó có nghĩa là Thiên Chúa mạc khải cho con người trong lịch sử mang tính
cứu độ, chẳng hạn như các ngôn sứ, và trung gian mạc khải siêu việt, tột đỉnh,
trọn vẹn và sau cuối của Thiên Chúa cho con người là nơi Chúa Giêsu Kitô. Ngoài
ra, tính siêu việt của mạc khải cũng được thể hiện nơi những dấu chỉ của Thiên
Chúa, đó là cách thức để Thiên Chúa mạc khải và đi vào thế giới khả giác của
con người. Về phần mình, con người có tự do ý chí để đón nhận hoặc khước từ mạc
khải của Thiên Chúa, nhưng, theo K. Rahner nơi sâu thẳm trong con người, vẫn có
niềm khao khát hướng về Thiên Chúa, Đấng Tuyệt Đối để được viên mãn như là
Nền Tảng Siêu Việt của chính tự do đó.
Bibliography
Heidegger, Martin. Being and Time. 7th. Translated by
John Macquarrie and Edward Robinson. Oxford: Blackwell Publishers, 2001.
Rahner,
Karl, Spirit-In-The-World, Geist
in Welt. Trans. William V. Dych as Spirit in the World, Seabury, New York:
1968
Rahner,
Karl, Hearers of the Word. Trans. Michael Richards. New York: Herder 8c Herder, 1994
Augustine, Confessiones,
Trans. bishop. Micae Nguyễn Khắc Ngữ, 1950
Rahner,
Karl, Foundation of Christian Faith. Trans. William V. Dych. New York, 1987
Carr
1977, 75).
Nietzsche,
Khoa học Vui tươi (Die fröhliche Wissenschaft), 1882
Rahner,
Karl, Concept of Mystery
Augustine, Sermo 169,
11, 13: PL 38, 923.
Rahner,
Karl, Theological Investigations,
Vol. 5, trans. Karl-H. Kruger, 1966
Dei Verbum
Tyrrell, Revelation as Experience –
a reply to Hakluyt Egerton, London, 1971
Rahner,
Karl. Content of Faith: The Best of Karl Rahner Theological Writings.
New York: Crossroad, 1993.
[2] Karl Rahner, Geist in Welt,
Zur Metaphysik der endlichen Erkenntnis bei Thomas von Aquin, 2nd edn., Rev.
J.B. Metz, Kosel, München 1957: original Innsbruck: F. Rauch, 1939); trans.
William V. Dych as Spirit in the World, Seabury, New York: 1968, 2nd edn.,
Continuum, New York 1994
[3] K.
Rahner, Hearers of the Word. Trans. Michael Richards. New York: 1994, 3
[4] Ipid, 24
[5] Ibid, 23
[6] Augustine, Confessiones, bản dịch Việt ngữ của ĐGM.
Micae Nguyễn Khắc Ngữ (lưu hành nội bộ) căn cứ trên bản dịch Pierre de
Labriolle, cổ La ngữ và Pháp văn, in lần thức 5, năm 1950, 1”
[7] K.
Rahner, Hearers of the Word. Trans. Michael Richards. New York: 1994, 23
[8] Ibid, 24
[9] Ibid, 28,30
[10] Ibid, 29
[11] Ipid, 33
[12] Martin Heidegger, Being and
time, translated by John Macquarrie & Edward Robinsonp from the German
Sein
und Zeit. Blackwell Publishers Ltd 1962, 29.
[14] Ipid, 49
[15] Ipid, 47
[16] Ipid, 65
[18] K. Rahner, Spirit-In-The-World.
Geist in Welt, München 1957:
original Innsbruck: F. Rauch, 1939); trans. William V. Dych as Spirit in the
World, Seabury, New York: 1968, 2nd edn., Continuum, New York 1994, 53
[19] Anne Carr, The Theological
Method of Karl Rahner. Missoula, Montana: Scholars Press. 75
[20] Nietzsche
ghi chú trong Khoa học Vui tươi (Die fröhliche Wissenschaft)
(1882),
[21] K. Rahner, Spirit-In-The-World.
Geist in Welt, München 1957:
original Innsbruck: F. Rauch, 1939); trans. William V. Dych as Spirit in the
World, Seabury, New York: 1968, 2nd edn., Continuum, New York 1994, 71
[22] Karl Rahner, ‘Concept of Mystery”,
Theological Investigations, 4, 36, 73
[23] K. Rahner, Spirit-In-The-World.
Geist in Welt, München 1957:
original Innsbruck: F. Rauch, 1939); trans. William V. Dych as Spirit in the
World, Seabury, New York: 1968, 2nd edn., Continuum, New York 1994, 407
[24] K.
Rahner, Hearers of the Word. Trans. Michael Richards. New York: 1994, 64
[25] Ibid, 69
[26] Thánh
Augustine, Sermo 169, 11, 13: PL 38, 923.
[27] Ibid, 73
[28] K. Rahner, Spirit-In-The-World. Geist in Welt, München 1957: original Innsbruck: F. Rauch, 1939); trans. William
V. Dych as Spirit in the World, Seabury, New York: 1968, 2nd edn., Continuum,
New York 1994, 41
[29] Ibip, 94
[30] Ibip, 95-96
[31] Ibip, 104-105
[32] Ibip, 107
[33] Thánh Augustine, Sermo 169, 11, 13: PL 38, 923.
[34] K. Rahner, Spirit-In-The-World.
Geist in Welt, München 1957:
original Innsbruck: F. Rauch, 1939); trans. William V. Dych as Spirit in the
World, Seabury, New York: 1968, 2nd edn., Continuum, New York 1994, 283.
[35] Ibid, 281.
[36] Ibid, 282
[38] Karl Rahner, Theological
Investigations, Vol. 5, trans. Karl-H. Kruger (Baltimore: Helicon Press, 1966), 171.
[39] Ibid,38–39
[40] Ibid, 48
[41] Dei Verbum 2, Dei verbum,
the Second Vatican Council's Dogmatic
Constitution on Divine Revelation, was promulgated by Pope Paul VI on 18 November 1965, following
approval by the assembled bishops by a vote of 2,344 to 6. It is one of the
principal documents of the Second Vatican Council. The phrase "Dei
verbum" is Latin for
"Word of God" and is taken from the first line of the document, as is
customary for titles of major Catholic documents.
[42] Ibid, Dei Verbum 4
[43] K.
Rahner, Foundations of Christian Faith, tr. William V. Dych
(New
York: Crossroad, 1987), p.35.
[44] Ibid, 61-65
[46] Tyrrell, Revelation
as Experience – a reply to Hakluyt Egerton, A Lecture delivered at King's
College, London, 26 March 1909. Edited with Introduction by Thomas Michael
Loome. Heythrop Journal 12 (1971), 138.
[47] Karl
Rahner, Theological Investigations, Vol. 5, trans. Karl-H. Kruger
(Baltimore: Helicon Press, 1966), 63–64
[48] K.
Rahner, Foundations of Christian Faith, tr. William V. Dych (New
York: Crossroad, 1987), p. 52
[49] K. Rahner, Content of Faith:
The Best of Karl Rahner Theological Writings. New York: Crossroad, 1993, 47
[50]
Ibid, 54