Đã có người định nghĩa “hạnh phúc là không có khổ đau”. Thế nhưng, sống trong kiếp người, mấy ai dám vỗ ngực xưng danh rằng mình không có khổ đau hoặc không sợ những nỗi khổ niềm đau. Dường như khổ đau và hạnh phúc đi liền với nhau như hình với bóng trong cuộc sống hiện sinh. Vậy phải chăng trong hạnh phúc luôn mang dáng dấp của khổ đau?
Dĩ nhiên, giữa việc chịu khổ và chịu đau không hoàn toàn đồng nghĩa với nhau. Thực tế, có nhiều người rất khổ sở, vất vả để mưu sinh trong cuộc sống nhưng họ có thể cảm thấy không mấy đớn đau. Chẳng hạn, có những bậc cha mẹ chịu cựu khổ vì con cái, nhưng những nỗi khổ đó sẽ trở thành niềm vui bởi họ biết sự hy sinh, vất vả, cực nhọc của mình là vì tương tai tốt đẹp của con cái. Ngược lại, có những nỗi đau sẽ trở nên những nỗi khổ, nếu ta không đủ bản lĩnh vững vàng, tâm lý vững trãi hay một niềm tin vững chắc vào một thực tại siêu linh nào đó. Ví như, một ngày kia ta bị đau bệnh và bác sĩ khám bệnh nhận định rằng: ta đã mắc bệnh hiểm nghèo và chỉ còn sống được vài tháng ngày ít ỏi. Khi đó, nếu trong tâm thế lo sợ, bi quan, hụt hẫng và tuyệt vọng thì có thể hung tin đó là một nỗi khổ đau khủng khiếp ám ảnh đối với ta.
Tuy nhiên, khổ đau cũng có giá trị riêng của nó. Một vị minh sư đã khặng định rằng: “nếu không có khổ đau, biết đâu là hạnh phúc”. Xét ở một mức độ nào đó, nhận định này có vẻ thuyết phục và đáng để tin nhận. Chẳng hạn, khi ta bị kẹt xe dưới trời mưa tầm tã, đường xá bị ngập lụt… giữa cảnh lạnh lẽo và đói bụng đó, ta cảm thấy trân quý lúc mình ăn một tô bún hầm xương nóng hổi thơm lừng trong một ngôi nhà ấm áp, đầy tình thương. Hoặc khi bị nhức đầu đau bụng, ta mới thấy quý trọng lúc thân mình khỏe mạnh, trí óc minh mẫn…
Câu truyện trong Kinh Thánh (Mt 24,11-13) là một ví dụ, nếu chàng rể không đến trễ thì đâu là sự khác biệt giữa những cô khờ dại và khôn ngoan? Đôi khi trong cuộc sống, những điều ‘bất như ý’, những điều không như ta mong muốn và những việc không như ta mong chờ có thể là cơ hội để ta biết quý trọng nhiều thứ và biết tiên liệu nhiều điều ngay bên cạnh mình hơn. Nhờ biết sống chậm và ý thức những giá trị thực tại đã và đang sở hữu, ta càng cảm thấy cuộc sống này càng có ý nghĩa và sống động hơn. Chẳng hạn, ta cảm thấy hạnh phúc thực sự khi ăn một bữa cơm giản đơn chỉ gồm đĩa rau muống luộc và bát cá kho nhỏ nhưng gia đình đầy ắp tiếng cười hơn là một bữa tiệc linh đình nơi nhà hàng cao cấp, với đầy món hải vị sơn hào, bao ngư tổ yến, nhưng mỗi người lại ‘cắm mặt’ vào chiếc điện thoại, vào thế giới riêng của mình, và chẳng ai muốn tương tác và đoái hoài đến nhau.
Thực ra, hạnh phúc thực sự không ở đâu xa, hạnh phúc là hiện tại, là ở nơi đây. Nếu ta hài lòng với những gì ‘mình có’ và những gì ‘mình là’ thì đó cũng là lúc ta đang tiệm cận với hạnh phúc rồi! Nếu ta biết hài lòng với ngôi nhà mình đang ở, với công việc mình đang làm, với chiếc xe mình đang chay, với điện thoại mình đang dùng, hay những người thân yêu đang bên cạnh mình, và trân quý những điều đó, thì ta đã và đang sống hạnh phúc. Đừng để đến khi vì một lý do nào đó, ngôi nhà mình đang ở bị mất đi, công việc mình đang làm bị thất bại, chiếc xe mình đang chạy bị hư hỏng, hay người thân yêu của ta rời bỏ thế giới này cách vĩnh viễn, khi đó, những nuối tiếc về việc sống cùng, sống với những thực tại, đối tượng và những người thương kia có thể đã quá muộn màng.
Để có thể làm được điều đó, thiết nghĩ cần phân biệt giữa ‘cái có’ và ‘cái là’ cũng giúp ta biết trân quý căn tính và thực tại của đời mình hơn. Trong triết học của Gabriel Marcel (1989-1973), ông có phân biệt hạn từ “BEING” và “HAVING”. Trước hết, ‘cái có’ với ‘cái là’ đôi khi khiến ta hay bị nhầm lẫn với nhau. Marcel phân biệt giữa việc tôi có đôi tay và tôi có căn nhà là hai cái tuy rằng tôi thuần túy là tôi sở hữu chúng, nhưng chúng lại hoàn toàn khác nhau. Một cái ở bên ngoài tôi và một cái ở trong tôi, nó gắn liền với cơ thể của tôi.
Chuyện kể rằng, có một Giám mục kia đi thăm mục vụ ở một dòng nữ nọ. Khi đi ngang qua nhà bếp, Đức Cha thấy một nữ tu đang tất bật nấu ăn, tuy vất vả nhưng khuôn mặt soeur ấy toát lên vẻ thánh thiện, vui tươi và bình an sâu thẳm. Đức Cha liền lên tiếng hỏi thăm: “Soeur đang làm gì ở đây vậy?”. Nữ tu kia cúi chào và niềm nở đáp lại Đức Cha bằng một câu nói dí dỏm: “việc con đang làm cũng giống như Đức Cha vậy ạ!” Đang khi, Đức cha ngạc nhiên trước câu trả lời đó, thì nữ tu mỉm cười và đáp: “dạ! con cũng như Đức Cha là những người đang tìm kiếm và thực thi Thánh Ý Chúa ngang qua việc bổn phận thôi ạ!”
Tuy câu trả lời có vẻ dí dỏm, hài hước, nhưng hàm chứa một ý nghĩa sâu xa và chiều kích thiêng liêng sâu thẳm của vị nữ tu. Đúng vậy, Đức cha đã gật đầu và đáp lại: “vâng! Soeur nói đúng, vấn đề không chỉ là DOING mà còn là BEING nữa!”. Nghĩa là không chỉ làm cái này, cái kia cái nọ, nhưng quan trọng hơn chính là sống căn tính đời mình. Căn tính của người Kitô Hữu, là một người có Chúa ở cùng, là một người bạn của Chúa Giêsu, một người sống và thi hành Ý Chúa mỗi ngày. Vậy, Giêsu có yêu cầu gì cho người bạn của Ngài? Thưa đó là: “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình và vác thánh giá mỗi ngày” (Mt 16,24). Bạn của Chúa Giêsu là thế đó!
Dĩ nhiên, xét trong một mức độ nào đó, việc vác thập giá mỗi ngày không hoàn toàn đồng nghĩa với việc chịu đau khổ mỗi ngày. Tuy nhiên, thập giá và thánh giá cũng khác nhau tùy vào khả năng nhận thức và mức độ thiêng liêng của mỗi người. Có người đã nói rằng, khi có tình yêu thì thập giá trở nên thánh giá và thánh giá cũng chính là “cái giá” để cho ta nên thánh. “Cái giá” ở đây có thể được hiểu theo hai nghĩa: một là giá trị thiêng liêng, hai là giá đỡ tinh thần. Khi ý thức được như vậy, có thể người đó sẽ cảm nhận được tình yêu và hạnh phúc ngay bên mình ngang qua những thánh giá hằng ngày, và bất chấp những khổ đau, thử thách, gian nan bủa vây.
Khi đó, các câu hỏi như: bấy lâu nay tôi đang tìm kiếm điều gì? Đâu là điều quan trọng nhất trong cuộc đời tôi? Đích điểm của cuộc sống này là gì? Sẽ được giải đáp cách dễ dàng hơn nếu đặt trong tương quan tình yêu cá vị với Chúa Giêsu. Thực ra, điều quan trọng nhất trong cuộc sống này, theo các nhà tu đức thì không phải làm điều này, điều kia, điều nọ… cho bằng tìm gặp Chúa trong cuộc sống thường ngày. Nếu không gặp được Chúa, thì mọi cố gắng nỗ lực và thành công trong cuộc đời kia chẳng có nghĩa lý gì, có chăng đó là sự tô vẽ và đánh bóng bản thân giữa những hư vinh trần đời chóng qua.
Được gặp Chúa mỗi ngày đó là niềm hạnh phúc đích thực. Dĩ nhiên, không phải quá khó hoặc quá dễ dàng để có thể tìm gặp được Chúa và thực thi Ý muốn của Ngài. Bởi lẽ, tìm gặp Chúa cũng là một quá trình và tìm biết Ý Ngài cũng là một chặng đường tu tập, sống gắn bó, kết hiệp mật thiết và thâm sâu với Ngài. Tuy rằng, Chúa vẫn hằng ẩn thân nơi Nhà Tạm nhỏ bé đơn sơ, nhưng Ngài cũng là họa ảnh nơi những người nghèo khó, lầm than, khốn khổ, nơi những trẻ em nghèo trên đường phố, nơi cụ già vô gia cư, nơi chị lao công nhỏ bé hoặc nơi bác bảo vệ bên đường…hay thậm chí là những người thân quen, xóm giềng của ta. Điều quan trọng là ta có nhận ra sự hiện diện thiêng liêng và sống động của Chúa nơi họ hay không mà thôi!
Cách chung, nếu có ai đó hỏi rằng: “hạnh phúc đích thực là gì?”. Có lẽ câu trả lời không chỉ là niềm vui, hạnh phúc và bình an từ sự sống đời sau, hay Thiên Đàng vĩnh cửu mai hậu, nhưng đúng hơn đó là việc gặp gỡ Chúa hằng ngày, trong từng phút giây. Càng có thói quen sống gắn bó, kết hiệp mật thiết và thâm sâu với Chúa Giêsu ta lại càng có trực giác, nhạy bén với các dấu chỉ từ Thánh Ý Chúa. Đồng thời, càng biết quay trở về với lòng mình, đi vào chiều sâu tâm hồn, ta càng cảm thấy Thiên Chúa vẫn luôn chờ đợi nơi ta và muốn trao ban một sự sống thần linh của Ba Ngôi Thiên Chúa. Thánh Augustine đã từng có kinh nghiệm về điều này khi ngài thốt lên trong cuốn Tự Thuật: “Chúa ơi! Con biết và yêu Chúa quá muộn màng! Chúa luôn ở trong lòng con mà con lại ở ngoài Chúa!”
Xin Chúa cho con biết sống gắn bó, kết hiệp mật thiết với Ngài trong từng phút giây của cuộc sống. Nhờ đó, những nỗi khổ niêm đau kia sẽ trở nên thánh giá nhẹ nhàng để con vác trên vai cùng với Chúa. Xin cho con biết yêu mến cuộc sống hiện tại với tất cả niềm vui, bình an để con cảm nhận được hạnh phúc mà Chúa đã ban tặng cho con. Lạy Chúa là Thiên Chúa và là hạnh phúc của đời con.
Minh Đức, SJ
0 Comments:
Đăng nhận xét