Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 20 tháng 8, 2023

Luân Lý Có Phụ Thuộc Vào Tôn Giáo Hay Không?

 Luân Lý Có Phụ Thuộc Vào Tôn Giáo Hay Không?



“Sự Thiện luôn luôn hệ tại ở những gì Thiên Chúa muốn trong bất kỳ khoảnh khắc cụ thể nào.”

Emil Brunner, LỆNH TRUYỀN CỦA THIÊN CHÚA (1947)

“Tôi kính trọng các vị thần. Tôi không dựa vào họ.”

Musashi Miyamoto, tại Đền Ichijoji (ca. 1608)


4.1 Mối Liên Hệ Giả Định giữa Luân Lý và Tôn Giáo

Năm 1995, Liên đoàn Tự do Dân sự Hoa Kỳ (ACLU) đã kiện Thẩm phán Roy Moore tại thành phố Gadsden thuộc tiểu bang Alabama, vì đã trưng bày Mười điều răn trong phòng xử án của mình. Theo như ACLU, việc trưng bày này đã vi phạm sự tách biệt giữa Giáo Hội và nhà nước, điều vốn được đảm bảo bởi Hiến pháp Hoa Kỳ. ACLU có thể đã không thích Moore, nhưng cử tri bang Alabama thì có. Năm 2000, Moore đã thành công trong cuộc tranh cử vào vị trí chánh án của Tòa án Tối cao bang Alabama, tiếp tục lời hứa “khôi phục nền tảng luân lý của luật pháp”. Vì thế “thẩm phán Mười điều răn” đã trở thành chuyên gia luật có quyền lực nhất bang Alabama.

Tuy nhiên, Moore đã không hoàn tất được tham vọng của mình. Rạng sáng ngày 31 tháng 7 năm 2001, ông đã cho đặt một tấm bia bằng đá granit có khắc Mười Điều Răn trong tòa nhà tư pháp thuộc bang Alabama. Bia đá này nặng gần 2,3 tấn (5000 pounds), và bất kỳ ai bước vào tòa nhà đều có thể thấy. Moore lại bị kiện, nhưng người dân vẫn ủng hộ ông: 77% người dân Mỹ nghĩ rằng thẩm phán Moore nên được phép trưng bày bia đá này. Tuy nhiên, pháp luật đã không đồng ý. Khi thẩm phán Moore bất tuân lệnh của tòa án về việc di rời tấm bia, Tòa án Tư pháp Alabama đã cách chức ông khi cho rằng ông đã đặt mình lên trên luật pháp. Tuy nhiên, Moore tin rằng ông đã đặt Chúa lên trên luật pháp.

Hoa Kỳ là một quốc gia tôn giáo. Gần 80% người Mỹ nói rằng họ tin vào Chúa, 12% tin vào một vị thần phổ quát hoặc một quyền lực cao hơn. Tôn giáo chính ở Mỹ là Ki-tô giáo; 41% người Mỹ cho biết họ tin rằng Chúa Giê-su sẽ trở lại trần gian vào năm 2050. Ở Mỹ, hàng giáo sĩ Ki-tô giáo thường được xem là các chuyên gia đạo đức: Các bệnh viện mời họ tham dự vào các chức vị trong ủy ban đạo đức; phóng viên phỏng vấn họ về các khía cạnh khác nhau trong những vấn đề liên quan đến đạo đức; và giáo dân tìm đến họ  để được hướng dẫn dẫn. Thậm chí các giáo sĩ còn có vai trò trong việc đánh giá cho các bộ phim thuộc loại nào: “G”, “PG”, “PG-13,” “R” hay “NC-17.”  Các linh mục và thừa tác viên được xem là những cố vấn khôn ngoan trong việc đưa ra những lời khuyên luân lý phù hợp.

Vậy tại sao hàng giáo sĩ lại được coi trọng như vậy? Lý do không phải là vì họ đã chứng minh bản thân giỏi hơn hay khôn ngoan hơn những người khác - xét như một nhóm, và cũng không phải vì họ giỏi hơn hay tệ hơn phần còn lại trong số chúng ta. Có một lý do sâu xa hơn để giải thích cho quan điểm coi hàng giáo sĩ là những người có những hiểu biết đặc biệt trong các vấn đề luân lý. Mọi người thường nghĩ rằng không thể tách biệt giữa luân lý và tôn giáo: thông thường mọi người tin rằng luân lý chỉ có thể được hiểu trong bối cảnh tôn giáo. Do đó, hàng giáo sĩ được xem là những người có thẩm quyền về mặt luân lý.

Không khó để thấy được lý do tại sao mà mọi người lại nghĩ như vậy. Từ góc độ phi tôn giáo, vũ trụ được coi là nơi lạnh lẽo, vô nghĩa, vô giá trị và mục đích. Trong bài luận “Sự tôn thờ của một người tự do” được viết năm 1902, Bertrand Russell đã bày tỏ thứ mà ông gọi là quan điểm “khoa học” về thế giới:

Con người là kết quả của những nguyên nhân không có trước đó những mục đích mà họ đang cố gắng tìm kiếm; nguồn gốc, sự phát triển, hy vọng và nỗi sợ hãi, tình yêu và niềm tin của con người chỉ là kết quả của sự sắp đặt ngẫu nhiên các nguyên tử; không cuộc chiến tranh nào, không chủ nghĩa anh hùng nào, không một cảm xúc hay suy tư mãnh liệt nào có thể giúp ai đó thoát khỏi nấm mồ của sự chết. Tất cả công sức của mọi thời đại, mọi nhiệt huyết, mọi nguồn cảm hứng, mọi ánh hào quang rực rỡ của văn minh nhân loại đều được hướng đến sự tuyệt chủng trong một cái chết lớn hơn của hệ mặt trời, và toàn bộ ngôi đền chứa đựng thành tựu của Nhân loại chắc chắn phải bị chôn vùi dưới đống đổ nát của một vũ trụ đang trên đà sụp đổ – tất cả những điều này quá chắc chắn đến nỗi không một triết học nào phủ nhận chúng có thể hy vọng đứng vững được.

Tuy nhiên, từ góc nhìn tôn giáo, mọi chuyện có vẻ rất khác. Do Thái giáo và Ki-tô giáo dạy rằng thế giới được tạo dựng bởi một Thiên Chúa yêu thương và toàn năng. Ngài ban cho chúng ta một nơi để cư ngụ. Còn chúng ta, chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh của Ngài và trở thành con cái Ngài. Do đó, thế giới không phải là không có mục đích và ý nghĩa. Thay vào đó, thế giới là nơi mà kế hoạch của Ngài được thực hiện. Vậy điều gì được xem là tự nhiên hơn để có thể nghĩ rằng “luân lý” là một phần của tôn giáo, khi mà thế giới của những người vô thần không có chỗ cho các giá trị?

4.2 Lý thuyết Lệnh Truyền của Thiên Chúa.

Tất cả tín đồ Kitô giáo, Do thái giáo và Hồi giáo đều tin rằng Thiên Chúa dạy chúng ta phải tuân theo những quy tắc ứng xử nhất định. Ngài không áp đặt những quy tắc này lên chúng ta. Ngài tạo dựng chúng ta như những chủ thể có tự do, vì thế, chúng ta có thể làm những gì chúng ta muốn. Nhưng nếu chúng ta muốn sống theo cách chúng ta nên (should) sống, thì chúng ta phải tuân theo luật của Ngài. Quan điểm này đã được phát triển thành Lý thuyết Lệnh Truyền của Thiên Chúa. Quan điểm cơ bản là Thiên Chúa quyết định điều gì đúng và điều gì là sai. Mọi hành động mà Chúa truyền lệnh đều bị đòi buộc về mặt luân lý; những hành động mà Ngài cấm đều sai về mặt luân lý; và tất cả các hành động khác được cho phép hoặc chỉ đơn thuần là trung lập về mặt luân lý.

Lý thuyết này chứa đựng nhiều điểm thú vị. Lý thuyết ngay lập tức giải quyết nhiều vấn đề trước nay về tính khách quan của đạo đức. Đạo đức không chỉ đơn thuần là vấn đề của cảm xúc cá nhân hay phong tục xã hội. Vậy liệu một điều được xét là đúng hoặc sai có khách quan tuyệt đối hay không khi: điều đó là đúng khi Thiên Chúa truyền lệnh và là sai khi Ngài cấm đoán. Hơn nữa, Lý thuyết Lệnh Truyền của Thiên Chúa giải thích lý do tại sao mọi người lại quan tâm về mặt luân lý. Tại sao họ không quên đi mặt “đạo đức” và chỉ hướng về chính mình thôi? Nếu vô luân là vi phạm các lệnh truyền của của Thiên Chúa, thì sẽ có một câu trả lời dễ dàng: Vào ngày cánh chung, bạn sẽ phải chịu phán xét.

Tuy nhiên, lý thuyết này cũng có những vấn đề nghiêm trọng. Dĩ nhiên, người vô thần sẽ không chấp nhận lý thuyết này, bởi vì họ không tin Thiên Chúa tồn tại. Nhưng ngay cả các tín hữu cũng gặp khó khăn. Plato, một triết gia Hy Lạp, 400 năm trước thời Chúa Giêsu làng Nazaret, đã xác định vấn đề chính yếu này. Sách của Plato được viết dưới dạng các cuộc đàm thoại hay đối thoại, trong đó Socrates, người thầy của Plato luôn là nhân vật chính. Trong đó có một nhân vật tên là Euthyphro. Ông cùng với Socrates đã thảo luận về việc liệu rằng “điều phải” có thể được xác định dựa trên “những gì các vị thần truyền lệnh” hay không. Socrates hoài nghi và hỏi: một hành động được xem là đúng đắn là do các vị thần truyền lệnh, hay bởi vì các hành vi ấy tự bản chất là đúng đắn nên các vị thần truyền lệnh. Đây là một trong những câu hỏi nổi tiếng nhất trong lịch sử triết học. Triết  gia người Anh có tên là Antony Flew (1923–2010) khẳng định rằng “để có thể đánh giá được thái độ triết học của một người là tốt hay không dựa vào việc xem anh ấy có hiểu được ý nghĩa và mục đích của câu hỏi này hay không.

Câu hỏi của Socrates là liệu rằng Thiên Chúa có làm (make) cho các chân lý luân lý trở nên đúng hay Ngài chỉ đơn thuần nhận ra (recognize) rằng chúng là đúng. Có một sự khác biệt lớn giữa hai quan điểm này. Tôi biết rằng tòa nhà Burj Khalifa ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất là tòa nhà cao nhất thế giới; tôi nhận ra sự thật đó. Tuy nhiên, tôi đã không làm nó thành sự thật. Đúng hơn, nó đã trở thành sự thật bởi các nhà thiết kế và công nhân xây dựng ở thành phố Dubai. Liệu mối liên hệ giữa Thiên Chúa và đạo đức có giống với mối liên hệ giữa tôi với toà nhà Burj Khalifa hay với những người công nhân xây dựng kia không? Câu hỏi đặt ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan, và mọi cách giải quyết cũng vậy.

Đầu tiên, chúng ta có thể nói rằng một hành đúng đắn là đúng đắn vì Thiên Chúa truyền lệnh như vậy. Chẳng hạn, ở câu 16 trong chương 20 của sách Xuất Hành, Thiên Chúa dạy chúng ta phải trung thực. Vì vậy, chúng ta nên trung thực đơn giản là vì Ngài yêu cầu điều đó. Mệnh lệnh của Chúa làm cho sự trung thực trở nên đúng đắn, cũng giống như chuyện những người thợ xây của một tòa nhà chọc trời làm cho tòa nhà ấy cao. Đây là Lý thuyết Lệnh Truyền của Thiên Chúa. Lý thuyết này khá giống với cách lý luận của nhân vật Hamlet trong các vở kịch của Shakespeare. Hamlet cho rằng chẳng có gì tốt và cũng chẳng có gì xấu cả, suy nghĩ mới khiến nó trở nên như vậy. Cũng vậy, theo như Lý thuyết Lệnh Truyền của Thiên Chúa thì chẳng có gì tốt hay xấu cả, chỉ khi Thiên Chúa nghĩ nó như vậy.

Quan điểm này gặp phải vài thách đố:

1. Quan điểm luân lý này thật mầu nhiệm. Việc nói Thiên Chúa “làm” cho “sự trung thực” trở nên đúng đắn, điều ấy có nghĩa là gì? Ít nhất theo một nguyên tắc nào đó, chúng ta có thể dễ dàng hiểu được cách thức mà một vật thể được tạo ra. Tất cả chúng ta có thể tạo ra một cái gì đó, cho dù đó là một lâu đài cát hay một chiếc bánh sandwich có kẹp bơ đậu phộng và thạch. Nhưng việc làm cho sự trung thực trở nên đúng thì không giống như vậy; việc này không thể được thực hiện chỉ bằng việc tái sắp xếp các sự vật trong môi trường vật chất. Vậy, làm thế nào để có thể thực hiện được điều đó? Không một ai biết được.

Để hiểu rõ vấn đề này, chúng ta hãy suy xét về trường hợp lạm dụng trẻ em. Xét theo lý thuyết mà chúng ta đang bàn luận, Thiên Chúa có thể làm cho trường hợp lạm dụng trẻ em đó trở nên đúng - không phải bằng cách biến một cái tát thành một cái véo má đầy yêu thương được, nhưng bằng cách truyền lệnh rằng cái tát đó là đúng. Lập luận này thách thức trí hiểu của con người. Làm thế nào mà chỉ bằng cách nói, hoặc truyền lệnh, rằng cái tát là đúng có thể làm cho nó trở nên đúng được? Nếu như vậy, quan điểm luân lý này sẽ là một mầu nhiệm.

2. Quan niệm luân lý này khiến cho lệnh truyền của Thiên Chúa trở nên độc đoán. Chúng ta giả định rằng Thiên Chúa có lý do chính đáng cho những gì Ngài làm. Nhưng giả sử Thiên Chúa truyền lệnh cho sự trung thực là đúng. Xét theo lý thuyết này, Ngài có thể đưa ra các lệnh truyền khác nhau một cách dễ dàng. Ngài có thể ra lệnh cho chúng ta trở thành kẻ nói dối, tức là không trung thực, sẽ trở thành đúng đắn. Xét cho cùng, trước khi Chúa ra lệnh, không có lý do nào chứng minh hay phủ nhận việc nói dối tồn tại - Chúa là Đấng tạo ra các lý do. Như thế, từ quan điểm luân lý, lệnh truyền của Thiên Chúa là độc đoán. Ngài có toàn quyền quyết định mọi chuyện. Theo lối nhìn tôn giáo, kết luận này không chỉ không thể chấp nhận được mà còn phi đạo đức.

3. Nhận thức luân lý này cung cấp những lý lẽ sai lầm cho những nguyên tắc luân lý. Có rất nhiều điều sai lầm trong hành vi làm dụng trẻ em: nó có ác ý; nó gây ra những tổn thương không cần thiết; và nó có thể để lại những ảnh hưởng tâm lý lâu dài không mong muốn, v.v. Tuy nhiên, lý thuyết mà chúng ta đang bàn luận ở đây không xem những lý do kể trên là quan trọng. Điều mà lý thuyết xét đến là liệu lạm dụng trẻ em có đi ngược lại lệnh truyền của Thiên Chúa hay không.

Có hai cách để xác tín rằng có điều gì đó không đúng trong cách lập luận này. Đầu tiên, hãy lưu ý điều mà lý thuyết để cập đến: Nếu Thiên Chúa không tồn tại, hành vi lạm dụng trẻ em sẽ không sai. Xét cho cùng, nếu Thiên Chúa không tồn tại, thì Ngài sẽ không ở đây để biến hành động lạm dụng trẻ em thành sai trái. Tuy nhiên, hành vi lạm dụng trẻ em vẫn có ác ý, vì vậy nó vẫn là một hành vi sai trái. Do đó, Lý thuyết Lệnh Truyền của Thiên Chúa thất bại. Thứ hai, hãy nhớ rằng ngay cả một tín hữu mộ đạo cũng có thể nghi ngờ những gì mà Chúa truyền dạy. Hơn nữa, các văn bản tôn giáo không thống nhất với nhau, và đôi khi dường như có sự mâu thuẫn ngay trong một văn bản. Vì vậy, một người có thể nghi ngờ ý muốn thực sự của Thiên Chúa là gì. Tuy nhiên, một người không cần phải nghi ngờ xem hành vi lạm dụng trẻ em có sai lầm hay không. Điều Thiên Chúa đã truyền lệnh là một chuyện; việc đánh trẻ có sai hay không lại là chuyện khác.

Có một cách để tránh những hệ quả rắc rối này. Chúng ta có thể theo lựa chọn thứ hai mà Socrates đã đề cập đến. Chúng ta không cần phải nói rằng hành vi đúng đắn là đúng do Thiên Chúa truyền dạy như vậy. Thay vào đó, chúng ta có thể nói rằng Ngài truyền dạy chúng ta thực hiện một hành động nào đó bởi vì hành động đó đúng. Thiên Chúa, Đấng thấu suốt mọi sự, thấy sự trung thực thì tốt hơn giả dối, và vì thế Ngài truyền dạy cho chúng ta phải trung thực; Ngài thấy giết người là xấu, vì thế truyền dạy chúng ta không được tàn sát; và cách giải thích tương tự như vậy cho các quy tắc luân lý khác.

Nếu chúng ta tri nhận lập luận này, chúng ta sẽ tránh khỏi những thách thức mà câu trả lời số một đã gặp phải. Chúng ta không cần lo lắng về cách thức Thiên Chúa làm cho hành vi nói dối trở nên sai trái như thế nào, bởi vì Ngài không làm như vậy. Lệnh truyền của Ngài không có tính độc đoán; bởi chúng là kết quả phát sinh nơi sự khôn ngoan của Ngài trong việc nhận biết điều tốt nhất. Hơn nữa, chúng ta không phải phiền lòng cho những lời giải thích sai lầm cho các nguyên tắc luân lý của chúng ta; đúng hơn, chúng ta hoàn toàn tự do để nại đến bất kể lời biện minh nào phù hợp.

Không may thay, lựa chọn thứ hai vẫn có một điểm hạn chế khác. Nếu giữ quan điểm này, chúng ta lại bỏ qua niệm thần học về đúng và sai. Khi chúng ta nói Thiên Chúa truyền lệnh cho chúng ta phải trung thực bởi vì sự trung thực là đúng, chúng ta đã công nhận một tiêu chuẩn không phụ thuộc vào ý muốn của Thiên Chúa. Sự đúng đắn có trước lệnh truyền của Ngài và là lý do cho lệnh truyền đó. Vì vậy, nếu chúng ta muốn biết tại sao mình nên trung thực, thì câu trả lời “vì Thiên Chúa truyền dạy điều đó” không thực sự cho chúng ta biết. Chúng ta vẫn có thể hỏi: “Tại sao Thiên Chúa ra lệnh như vậy?” và câu trả lời cho câu hỏi đó sẽ trình bày lý do cuối cùng.

Nhiều tín hữu tin rằng họ phải chấp nhận một quan niệm thần học về đúng và điều sai, bởi vì sẽ là một sự phạm Thánh nếu không làm như vậy. Bằng cách này hay cách khác, họ nhận thấy nếu tin vào Thiên Chúa thì điều đúng hay sai phải được hiểu dựa theo ý muốn của Ngài. Tuy nhiên, các lập luận của chúng tôi không chỉ chứng minh lý thuyết Lệnh Truyền của Thiên Chúa không những yếu mà còn thiếu lòng mộ mộ đạo. Thật vậy, nhiều thần học gia nổi tiếng đã phủ nhận lý thuyết này chỉ vì lý do tương tự. Các nhà tư tưởng như Thánh Tôma Aquinô đã nối kết luân lý với tôn giáo theo một cách khác.

4.3.  Lý Thuyết Luật Tự Nhiên

Trong lịch sử tư tưởng Kitô giáo, lý thuyết đạo đức chiếm ưu thế không phải là Lý thuyết Lệnh Truyền của Thiên Chúa. Thay vào đó là lý thuyết về Luật Tự Nhiên. Lý thuyết này có ba phần chính.

1. Lý thuyết về Luật Tự Nhiên dựa trên một quan điểm cụ thể về thế giới. Theo quan điểm này, thế giới có một trật tự hợp lý, với các giá trị và mục đích được xây dựng trong chính bản chất của nó. Quan niệm này bắt nguồn từ những người Hy Lạp. Cách hiểu về thế giới của họ đã chi phối dòng tư tưởng Tây phương trong hơn 1.700 năm. Họ tin rằng mọi thứ trong tự nhiên đều có một mục đích.

Aristotle (384–322 TCN) đã đưa ý tưởng này vào hệ thống tư tưởng của mình khi nói rằng, để hiểu bất cứ điều gì cần phải đặt ra bốn câu hỏi: Nó là gì? Nó làm từ chất liệu gì? Nó được tạo ra như thế nào? Và nó dùng để làm gì? Câu trả lời có thể là: Đây là một con dao; nó được làm bằng kim loại; nó được làm bởi một thợ thủ công; và nó được sử dụng để cắt. Aristotle cho rằng câu hỏi cuối cùng - Nó dùng để làm gì? - có thể được hỏi về bất cứ điều gì. Ông nói “tự nhiên thuộc vào lớp những nguyên nhân mà được hành động để kiếm tìm mục đích nào đó.”

Rõ ràng, những đồ tạo tác như dao đều có mục đích, bởi vì những người thợ thủ công đã tạo ra chúng với một mục đích trong đầu. Nhưng còn những vật thể vốn có trong tự nhiên thì sao? Aristotle tin rằng chúng cũng có những mục đích. Một trong những ví dụ mà ông đưa ra là chúng ta có răng để nhai. Các ví dụ sinh học khá thuyết phục; ngang qua trực giác, mỗi phần trên cơ thể chúng ta dường như có một mục đích riêng biệt - mắt dùng để nhìn, tim dùng để bơm máu, da để bảo vệ, v.v. Nhưng tuyên bố của Aristotle không chỉ giới hạn ở các sinh vật hữu cơ. Theo ông, mọi thứ đều có mục đích. Hãy xét đến một ví dụ khác, ông nghĩ rằng vì có mưa nên thực vật phát triển. Ông đã xem xét đến các trường hợp thay thế khác, chẳng hạn như mưa rơi có lượng “với lượng cần thiết” và điều này giúp cho thực vật “một cách ngẫu nhiên”. Tuy nhiên, ông đã phủ nhận chúng.

Do đó, thế giới là một hệ thống hợp lý, có trật tự, trong đó mỗi sự vật có nhiệm vụ thích hợp và phục vụ mục đích đặc biệt của riêng nó. Có một hệ thống cấp bậc rõ ràng: Mưa tồn tại vì lợi ích thực vật, thực vật tồn tại vì ích lợi của động vật, và tất nhiên động vật tồn tại vì lợi ích của con người. Aristotle nói: “Nếu chúng ta đúng khi tin rằng thiên nhiên không tạo ra thứ gì mà không có mục đích nào đó, thì hẳn thiên nhiên đã tạo ra vạn vật một cách đặc biệt vì lợi ích của con người”. Thế giới quan này xem con người là loài quan trọng nhất, hay lấy con người làm trung tâm của mọi sự. Nhưng Aristotle hầu như không đơn độc khi có những suy nghĩ như vậy; hầu hết mọi nhà tư tưởng lớn trong lịch sử của chúng ta  đều đã đưa ra một giả thuyết như vậy. Con người là loài tự phụ đáng chú ý.

Các nhà tư tưởng Kitô giáo đến sau nhận thấy thế giới quan này là phù hợp. Chỉ còn một thực tại đã bị bỏ quên: đó là Chúa. Do đó, các nhà tư tưởng Kitô giáo nói rằng mưa giúp cho thực vật phát triển vì đó là mục đích của Chúa, và động vật được tạo ra là dành cho con người vì đó là những gì mà Chúa tạo ra chúng. Do đó, các giá trị và mục đích được tri nhận là một phần kế hoạch của Thiên Chúa.

2. Hệ quả tất yếu của lối suy nghĩ này là “các quy luật tự nhiên” không chỉ mô tả sự vật là (are) thế nào mà còn mô tả sự vật nên (ought to be) thế nào. Thế giới sẽ trở nên hài hòa khi sự vật được sử dụng đúng mục đích tự nhiên của chúng. Khi chúng không hoặc không thể đáp ứng mục đích tự nhiên này, sự vật đã đi sai hướng. Mắt không thấy là có khuyết điểm, hạn hán là tai họa từ thiên nhiên; mặt xấu của cả hai ví dụ này được giải thích bằng cách quy chiếu đến Luật Tự Nhiên. Nhưng hành vi của con người cũng có những tác động nhất định nào đó. Các nguyên tắc luân lý ngày nay được xem xét có nguồn gốc từ các quy luật tự nhiên. Một số hành vi được cho là “tự nhiên” trong khi những cách khác được cho là “không tự nhiên”; và những hành vi “không tự nhiên” được coi là sai trái về mặt luân lý.

Ví dụ, hãy xét đến bổn phận của hành vi bác ái. Về mặt luân lý, chúng ta được yêu cầu quan tâm đến những người xung quanh. Tại sao phải hành động như vậy? Theo Luật Tự Nhiên, bác ái là vốn có và được phú bẩm cho loại thụ tạo mà chúng ta là. Chúng ta tự bản chất có tính xã hội và cần sự đồng hành của người khác. Một người không quan tâm đến người khác, người thực sự hoàn toàn không quan tâm, bị coi là loạn trí. Tâm thần học hiện đại cho rằng những người như vậy mắc chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội, và những người như vậy thường được gọi là sychopaths (rối loạn nhân cách chống đối xã hội do bẩm sinh) or sociopaths (rối loạn nhân cách chống đối xã hội do do môi trường). Một nhân cách hiểm độc là có nhược điểm, giống như đôi mắt sẽ khiếm khuyết nếu chúng không có khả năng nhìn. Và có thể xét thêm rằng điều này đúng bởi vì chúng ta được tạo dựng bởi Thiên Chúa, với bản tính “con người” riêng biệt xét như một phần trong toàn bộ kết hoạch của Ngài.

Sự thừa nhận như thế đối với lòng bác ái không mấy gây tranh cãi. Tuy nhiên, lý thuyết Luật Tự Nhiên cũng đã được sử dụng để hỗ trợ các quan điểm luân lý còn nhiều tranh cãi hơn. Các nhà tư tưởng tôn giáo thường lên án các hành vi tình dục “lệch lạc” và họ thường biện minh cho điều này bằng cách viện đến Thuyết Luật Tự nhiên. Nếu mọi sự có mục đích thì mục đích của tình dục là gì? Câu trả lời rõ ràng là sinh sản. Do đó, hoạt động tình dục không liên quan đến việc sinh con có thể bị coi là “không tự nhiên” và các hành vi như thủ dâm và quan hệ tình dục đồng giới có thể bị lên án vì lý do này. Quan điểm về tình dục này ít nhất có từ thời Thánh Augustinô (354–430), và nó được trình bày rõ ràng trong các tác phẩm của Thánh Tôma Aquinô (1225–1274). Thần học luân lý của Giáo hội Công giáo dựa trên thuyết Luật Tự Nhiên.

Bên ngoài Giáo hội Công giáo, lý thuyết về Luật Tự Nhiên ngày nay có rất ít người ủng hộ. Nó thường bị từ chối vì ba lý do sau:

Đầu tiên, ý tưởng cho rằng “cái gì tự nhiên thì tốt” dường như mở ra những phản ví dụ rõ ràng. Đôi khi những gì tự nhiên thì xấu. Điều đáng tiếc là mọi người, theo tính tự nhiên, thường quan tâm đến bản mình hơn là quan tâm đến những người xa lạ. Bệnh tật đến cách tự nhiên, nhưng bệnh thì xấu. Bản chất trẻ em luôn coi mình là trung tâm, nhưng cha mẹ không nghĩ rằng đây là điều tốt.

Thứ hai, lý thuyết Luật Tự Nhiên dường như có sự nhầm lẫn giữa “là” (are) và “nên” (ought). Vào thế kỷ 18, David Hume đã chỉ ra rằng giữa điều sẽ là và điều nên là (what is the case and what ought to be the case) là các khái niệm khác nhau về mặt logic, và không có kết luận nào chỉ ra rằng cái này dẫn đến cái kia. Chúng ta có thể nói rằng tự bản chất con người có khuynh hướng thương người, nhưng không có nghĩa là họ nên (ought) thương người khác. Tương tự như vậy, có thể đúng khi nói mục đích tình dục là sinh em bé, nhưng không có nghĩa là quan hệ tình dục nên (ought) hoặc không nên (ought) được thực hiện chỉ vì mục đích đó. Thực tế là một chuyện; giá trị là một chuyện khác.

Thứ ba, Lý thuyết về Luật Tự nhiên hiện đang bị bác bỏ rộng rãi vì thế giới quan của nó mâu thuẫn với khoa học hiện đại. Thế giới mà Galileo, Newton và Darwin đã mô tả không cần đến “thực tế” đúng và sai. Những lời giải thích của họ về các hiện tượng tự nhiên không đề cập đến các giá trị hay mục đích. Mọi chuyện xảy ra chỉ xảy ra theo luật nhân quả. Nếu mưa mang lại lợi ích cho thực vật, điều này là do thực vật đã tiến hóa theo quy luật chọn lọc tự nhiên trong môi trường khí hậu có mưa.

Do đó, khoa học hiện đại cho chúng ta một bức tranh về thế giới như một lĩnh vực của các sự kiện, nơi mà chỉ “các quy luật tự nhiên” mới là các quy tắc của vật lý, hóa học và sinh học, hoạt động một cách mù quáng và không có mục đích. Dù giá trị có thể là gì, chúng không phải là một phần của trật tự tự nhiên. Đối với ý kiến cho rằng “thiên nhiên đã tạo ra tất cả mọi thứ đặc biệt vì lợi ích của con người,” thì đó chỉ là sự phù phiếm. Trong chừng mực mà người ta chấp nhận thế giới quan của khoa học hiện đại, người ta sẽ hoài nghi về Thuyết Luật Tự nhiên. Không phải ngẫu nhiên mà lý thuyết này là sản phẩm, không phải của tư tưởng hiện đại, nhưng là tư tưởng của thời Trung Cổ.

3. Phần thứ ba của lý thuyết đề cập đến câu hỏi về tri thức luân lý. Làm thế nào chúng ta có thể xác định điều gì là đúng và điều gì là sai? Lý thuyết Lệnh truyền của Thiên Chúa nói rằng chúng ta phải tham khảo các điều răn của Chúa. Thuyết Luật Tự nhiên đưa ra một câu trả lời khác. “Các quy luật tự nhiên” quy định những gì chúng ta nên làm là các quy luật của lý trí, mà chúng ta có thể nắm bắt được vì Chúa đã ban cho chúng ta năng lực để thấu hiểu chúng. Do đó, Thuyết Luật Tự nhiên tán thành ý tưởng quen thuộc rằng điều đúng đắn nên làm là bất cứ hành động nào có lý do tốt nhất ủng hộ nó. Theo thuật ngữ truyền thống, các phán đoán đạo đức là “quyết định của lý trí”. Như Thánh Tôma Aquinô, nhà lý luận luật tự nhiên vĩ đại nhất, đã viết trong kiệt tác Tổng luận Thần học của mình rằng “xem thường tiếng gọi của lý trí thì tương đương với việc loại bỏ lệnh truyền của Thiên Chúa.”

Điều này đồng nghĩa với việc tín hữu không có cách thức riêng biệt nào trong việc tiếp cận với chân lý luân lý. Dù là tín hữu hay không đều ở cùng một vị trí. Chúa đã ban cho mọi người khả năng lắng nghe lý trí và làm theo chỉ dẫn của nó. Theo một nghĩa quan trọng, điều này khiến luân lý độc lập với tôn giáo. Niềm tin tôn giáo không ảnh hưởng đến việc cân nhắc điều gì là tốt nhất, và kết quả của việc thẩm tra luân lý thì “trung lập” về mặt tôn giáo. Mặc dù họ có thể không đồng ý về tôn giáo, nhưng những người tin và những người không tin đều sống trong cùng một thế giới luân lý.

4.4 Tôn giáo và những vấn đề luân lý cụ thể

Một số tín hữu sẽ không cảm thấy thỏa mãn với những thảo luận ở những phần trước. Chúng dường như quá trừu tượng để có thể đem áp dụng vào cuộc sống thực tiễn của mỗi người. Đối với họ, mối liên hệ giữa luân lý và tôn giáo là một chủ đề gần gũi và thực tiễn, và tập trung vào những vấn đề luân lý cụ thể. Chuyện đúng hay sai không phải là chuyện được hiểu theo Ý Chúa hay theo luật tự nhiên. Nhưng vấn đề hệ tại ở những giáo huấn luân lý bên phía tôn giáo. Kinh thánh và những vị lãnh đạo trong Giáo Hội được coi là những người có thẩm quyền; và nếu như người tín hữu nào trung thành thực sự sẽ phải chấp nhận những điều mà những vị ấy  nói. Ví dụ, nhiều Kitô hữu tin tưởng rằng họ phải phản đối hành động phá thai bởi vì Giáo Hội kết án hành vi này đồng thời (họ giả định rằng) Kinh thánh cũng dạy họ làm như vậy.

Liệu rằng những quan điểm tôn giáo về những vấn đề luân lý quan trọng có đủ rõ ràng để những tín hữu của mình phải chấp nhận hay không? Những vị lãnh đạo tôn giáo luôn khẳng định như vậy. Tuy nhiên, có đủ những lý do hợp lý để có thể nghĩ theo hướng khác.

 Việc tìm ra được những hướng dẫn luân lý rõ ràng trong Kinh Thánh là một điều khó khăn. Chúng ta đang phải đối mặt với nhiều vấn đề hơn tổ tiên của chúng ta 2000 năm trước; Vì thế, Kinh thánh nhiều khi không thể giải quyết được những vấn đề mà chúng ta đang gặp phải. Kinh thánh chứa đựng một số những giáo huấn chung chung, ví dụ, yêu tha nhân hay hãy làm cho người khác những gì mình muốn họ làm cho mình. Đây là những nguyên tắc tốt và có ứng dụng thực tiễn trong đời sống. Tuy nhiên, chúng lại không rõ ràng khi áp dụng đối với những vấn đề liên quan đến quyền của người lao động, hoặc vấn đề tuyệt chủng, hoặc quỹ dành cho việc nghiên cứu y tế, v.v.

Một vấn đề khác nữa đó là Kinh thánh hay truyền thống giáo hội đôi khi lại quá mơ hồ. Có những vấn đề không nhận được tiếng nói chung giữa những người lãnh đạo trong Giáo hội. Vậy nên, họ để mặc cho người tín hữu tự chọn yếu tố truyền thống để theo. Ví dụ như trong trường hợp, Tin Mừng lên án sự giàu có, và có một truyền thống lâu dài hướng dẫn người ta trong sự bỏ mình và làm việc bác ái. Điều đó như một lời khẳng định cho truyền thống này. Tuy nhiên, trong Cựu Ước cũng có một nhân vật tên là Gia-bết, người mà đã cầu xin Thiên Chúa hãy “nới rộng bờ cõi cho con” (1 Sử biên niên 4, 10), và Thiên Chúa đã nhận lời. Một cuốn sách gần đây dành được vị trí “sách bán chạy nhất”, đang không ngừng thúc đẩy người Kitô hữu coi Gia-bết như là hình mẫu của họ.

Do đó, người ta đôi khi sẽ rơi vào sai lầm khi nói rằng quan điểm luân lý của họ có nguồn gốc từ tôn giáo mà họ theo. Điều thực sự đang diễn ra là. Họ đang tạo ra trong tâm trí mình những vấn đề luân lý. Sau đó, họ giải thích Kinh Thánh, hay truyền thống Giáo Hội, theo cách thức ủng hộ cho kết luận mà thực ra họ đã đạt được trước đó rồi. Dĩ nhiên, không phải mọi trường hợp đều xảy ra như vậy, tuy nhiên trong thực tế, số trường hợp diễn ra theo cách thức ấy cũng không ít. Vấn đề về giàu có là một ví dụ; còn phá thai là một ví dụ khác.

Các vấn đề thuộc tôn giáo luôn gắn liền với những cuộc tranh luận về việc phá thai. Những người theo phái bảo thủ tin vào việc bào thai là người ngay từ giây phút thụ thai, do đó, phá thai thì mắc tội giết người. Họ cho rằng bào thai không đơn thuần là một con người ở dạng tiềm năng (a potential person), nhưng đã thực sự là một người rồi (actual person), chính vì thế mà có đầy đủ quyền được sống. Trong khi đó, những người theo phái cấp tiến dĩ nhiên từ chối quan điểm của những người bảo thủ. Với họ, ít nhất, bào thai chưa hẳn là người tại thời điểm bắt đầu của sự thụ thai.

Các cuộc tranh luận về vấn đề phá thai khá phức tạp, thế nhưng điều làm chúng ta bận tâm chỉ hệ tại ở mối liên hệ của việc phá thai với tôn giáo mà thôi. Những người thuộc phe bảo thủ đôi khi khẳng định rằng sự sống của bào thai là thánh thiêng. Liệu đó có phải là quan điểm của Kitô giáo hay không? Liệu người Kitô hữu có phải lên án các hành vi phá thai hay không? Để trả lời cho những vấn nạn này, có lẽ chúng ta nên hướng mắt đến Kinh Thánh cũng như truyền thống của Giáo Hội.

Kinh thánh. Thật khó để có thể rút ra được một luật cấm đối với hành vi phá thai ngay cả trong các bản văn Kinh Thánh của người Do Thái cũng như của người Kitô hữu. Tuy nhiên, có nhiều đoạn trong Kinh Thánh được những người bảo thủ trích dẫn bởi vì những bản văn ấy dường như khẳng định rằng các bào thai có phẩm vị của một người hoàn chỉnh rồi. Một trong những đoạn văn thường được trưng dẫn là chương một trong sách Giêrêmia. Trong đó, vị ngôn sứ đã trích dẫn lời của Thiên Chúa khi nói rằng, “Ta đã thấy ngươi trước khi ngươi thành hình trong dạ mẹ, và Ta đã thánh hiến ngươi trước khi ngươi được sinh ra.” Những lời này được diễn tả như thể chúng là lời xác nhận của Thiên Chúa cho quan điểm của phe bảo thủ: là một điều sai lầm khi giết những đứa trẻ chưa được sinh ra bởi vì chúng đã được thánh hiến cho Thiên Chúa.

Tuy nhiên, khi đặt trong bối cảnh, những lời như thế rõ ràng có một ý nghĩa rất khác. Chúng ta giả định việc đọc những lời này trong toàn bộ bản văn:

  Có lời của Đức Chúa phán với tôi rằng: “Ta đã biết người trước khi ngươi được thành hình trong dạ mẹ, và trước khi ngươi lọt lòng mẹ ta đã thánh hiến ngươi; ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho mọi quốc gia dân tộc.”

  Nhưng tôi đáp lại rằng: “Ôi! Lạy Đức Chúa là Chúa Thượng, con đây còn quá trẻ, con còn không biết ăn nói”. Nhưng Đức Chúa phán với tôi,

  Đừng nói, ‘Tôi đây chỉ là một đứa trẻ’; Ta sai ngươi đi đâu, ngươi cứ đi, và Ta truyền cho ngươi nói điều gì, ngươi cứ nói. Đừng sợ bất cứ ai, vì Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi.”

Sự thánh thiêng nơi sự sống của bào thai không được thảo luận trong đoạn văn trên. Thay vào đó, Giêrêmia đang khẳng định với thẩm quyền của một vị ngôn sứ. Khi Giêrêmia nói, thực tế, “Thiên Chúa trao quyền cho tôi nói thay Ngài; ngay cả khi tôi từ chối, Thiên Chúa vẫn buộc tôi phải lên tiếng.” Thế nhưng, Giêrêmia đã sử dụng một lối diễn tả theo lối văn thơ; ông nói rằng Thiên Chúa đã định cho ông trở thành vị ngôn sứ ngay trước khi ông lọt lòng mẹ.

Điều này thường hay diễn ra khi Kinh Thánh được trích dẫn trong sự nối kết với những vấn đề luân lý còn đang trong vòng tranh luận. Một vài lời trong đoạn văn được trưng dẫn, sau đó, được dùng như một cách thức để biện minh cho quan điểm luân lý đó. Vậy, liệu có chính xác để khẳng định rằng người đó có “đang theo những giáo huấn luân lý của Kinh Thánh hay không” khi làm theo phương cách như vậy? Hoặc liệu có chính xác hơn hay không khi nói rằng anh ta đang tìm nơi Kinh Thánh một bằng chứng hỗ trợ cho lập trường luân lý mà anh ta đã tin trước đó rồi, khi tìm được rồi, anh ta đọc kết luận cần tìm ở trong Kinh Thánh? Nếu như vậy, đó dường như là một thái độ ngạo mạn khi cho rằng chính Thiên Chúa phải chia sẻ những quan điểm luân lý của con người!

Có những đoạn Kinh Thánh khác dường như ủng hộ cho quan điểm về việc phá thai của phe cấp tiến. Có ba lần hình phạt là cái chết được áp dụng đối với những người phụ nữ có hôn nhân ngoài giá thú (St 38,24; Lv 21,9; Đnl 22,20-21). Khi người phụ nữ bị kết án tử như vậy đồng nghĩa với việc giết bào thai mà cô ấy đang mang. Điều này giả định rằng bào thai đó không có quyền được sống. Cũng vậy, chương 21 trong sách Xuất Hành, Thiên Chúa nói với ông Môsê rằng kẻ giết người thì phải chết; tuy nhiên, hình phạt dành cho người nào làm người phụ nữ sảy thai chỉ đơn giản là việc bồi thường một chút tiền theo đòi hỏi của chồng cô ấy mà thôi. Như thế, luật của Israel coi bào thai thấp hơn so với giá trị của một người bình thường.

Truyền thống Giáo Hội. Ngày nay, Giáo Hội Công Giáo mạnh mẽ lên án hành vi phá thai. Khi Đức Giáo Hoàng tông du vùng Châu Mỹ, nơi mà hành vi nạo phá thai không còn được xem là một vấn đề nghiêm trọng nữa, thông điệp chính yếu mà ngài muốn gửi đến họ là: Ngừng ngay việc giết chết những đứa trẻ chưa được sinh ra. Nhiều nơi thuộc các Hội Thánh Tin Lành, trong các bài thuyết giảng người ta cũng thường xuyên lên án hành vi phá thai. Do đó, nhiều người không ngạc nhiên khi họ cảm thấy mình phải lên án hành vi phá thai “vì những lý do tôn giáo,” mà không bận tâm đến việc Kinh Thánh được chú giải như thế nào. Vậy ý nghĩa đằng sau quan điểm hiện nay của Giáo Hội về hành vi phá thai là gì?

Trong một mức độ nào đó, Công đồng Vaticanô luôn luôn kết án hành vi nạo phá thai vì cùng lý do với những hành vi sử dụng thuốc tránh thai hoặc bao cao su cùng các biện pháp ngừa thai khác: Mọi hành vi này đều cản trở tiến trình tự nhiên. Theo lý thuyết về luật tự nhiên, tình dục được coi là một hành vi truyền sinh, nghĩa là sinh ra một em bé khỏe mạnh. Việc sử dụng thuốc ngừa thai và bao cao su ngăn cản quá trình thụ thai diễn ra; và khi một người nào đó thực hiện hành vi nạo phá thai, họ đã chấm dứt quá trình phát triển tự nhiên của bào thai. Do đó, theo quan điểm của truyền thống Công Giáo, hành vi nạo phá thai là sai lầm vì nó phá vỡ những tiến trình tự nhiên. Tuy nhiên, lối lập luận này gặp khó khăn để có thể chỉ ra rằng những người Kitô hữu “phải” phản đối việc phá thai. Lập luận này dựa trên nguyên lý của luật tự nhiên và như chúng ta đã thấy, nguyên lý luật tự nhiên lại dựa trên một thế giới quan trước thời kỳ của khoa học hiện đại. Trong thời đại ngày nay, người Kitô hữu không cần phải từ chối những thành tựu của khoa học hiện đại, đơn cử như việc Đức Giáo Hoàng tin vào thuyết tiến hóa của Charles Darwin thế kỷ 19, cũng như ở thế kỷ 20, với ý tưởng về sự hình thành vũ trụ khởi đi từ vụ nổ “Big Bang.” Vậy nên, người Kitô hữu không buộc phải lên án hành vi phá thai khi dựa trên những suy luận theo luật tự nhiên.

Dù có thế nào đi chăng nữa, khi nói rằng phá thai là phá vỡ tiến trình phát triển tự nhiên không đồng nghĩa với việc đề cấp đến tình trạng luân lý của bào thai. Đức Thánh Cha không chỉ đơn thuần tin rằng phá thai là phi luân lý, tương tự như việc sử dụng bao cao su; phá thai còn là một hành vi giết người. Làm thế nào mà quan điểm này lại chiếm ưu thế trong Giáo Hội Công Giáo? Liệu những vị lãnh đạo trong Giáo Hội có xem bào thai như một tình trạng luân lý đặc biệt hay không?

Trong lịch sử Giáo Hội trước năm 1200, có rất ít những vấn đề liên quan được biết đến. Trở lại thời điểm đó, khi mà chưa có bất kỳ một trường đại học nào; và Giáo Hội không chủ yếu là tầng lớp trí thức. Người ta tin đủ thứ với đủ kiểu lý do. Tuy nhiên, vào thế kỷ XIII, thánh Tôma Aquinô đã xây dựng một hệ thống triết học mà sau này trở thành nền tảng cho các suy tư của Giáo Hội. Thánh Tôma tin rằng vấn đề then chốt đó là liệu bào thai đã có linh hồn hay chưa: nếu như bào thai đã thực sự có linh hồn thì phá thai sẽ bị coi là hành vi giết người; nếu ngược lại, thì hành vi ấy không được coi là hành vi giết người. Vậy, liệu bào thai có linh hồn hay chưa? Thánh Tôma đi theo quan điểm của Aristotle  khi cho rằng linh hồn là “hình thái bản thể” (substantial form) của con người. Chúng ta không cần phải lo lắng điều ấy chính xác có nghĩa là gì; điều quan trọng hơn đó là con người được giả định là đã có được “hình thái bản thể” chỉ khi bào thai đó đã có hình dạng của một con người đầy đủ. Do đó, giờ đây câu hỏi quan trọng khác được đặt ra đó là: Đâu là thời điểm đầu tiên con người có được hình dạng đầy đủ?  

Khi một đứa trẻ được sinh ra, mọi người đều có thể thấy rằng đứa trẻ ấy có hình dạng của một con người. Tuy nhiên, trong thời đại của thánh Tôma, không một ai có thể biết chắc khi nào một bào thai bắt đầu trông giống hình dạng của một người – sau hết, sự phát triển của bào thai lại diễn ra trong tử cung của người mẹ mà chẳng ai có thể thấy được. Aristotle cho rằng, chẳng có lý do chính đáng nào để có thể kết luận rằng người nam thì có linh hồn sau 40 ngày tính từ ngày thụ thai, còn với người nữ là 90. Có lẽ, nhiều Kitô hữu chấp nhận quan điểm của ông. Dẫu vậy, trong nhiều thế kỷ tiếp theo, theo lẽ tự nhiên, người Công giáo lên án cách mạnh mẽ hành vi phá thai cho dù ở bất kỳ giai đoạn nào, vì bào thai có có lẽ (might) đã thực sự có được hình dạng con người rồi, chính vì thế, mà hành vi phá thai có thể (might) bị coi là giết người.

Trái ngược với niềm tin thông thường, Giáo Hội Công Giáo chưa bao giờ chính thức xác nhận quan điểm cho rằng một bào thai có linh hồn ngay tại thời điểm thụ thai. Tuy nhiên, vào những năm 1600, một số thần học gia cho rằng linh hồn nhập vào cơ thể một vài ngày sau thời điểm thụ thai. Sự thay đổi hết sức quan trọng này trong suy tư của Giáo Hội Công Giáo đã làm mở rộng các tranh luận thuộc lĩnh vực thần học. Có lẽ, điều này dường như không mấy quan trọng bởi Giáo Hội ngay từ đầu đã phản đối hành vi nạo phá thai. Tuy nhiên, chúng ta nên biết chút gì đó lý do tại sao Giáo Hội lại thay đổi quan điểm trong vấn đề này.

Ngày nay chúng ta biết khá nhiều về quá trình phát triển của bào thai. Thông qua kính hiển vi và siêu âm, chúng ta biết được rằng trong quá trình phát triển, thai nhi chỉ có được hình dạng của một con người sau một vài tuần tính từ thời điểm thụ thai. Vì vậy, những người theo quan điểm của thánh Tôma giờ đây nên nói rằng bào thai chưa có linh hồn trong tháng đầu tiên hoặc tháng thứ hai tính từ thời điểm thụ thai. Tuy nhiên, trong Giáo Hội Công Giáo không có biến động nào xảy kể từ khi có quan điểm này. Vì những lý do còn chưa rõ ràng, nên Hội thánh vẫn duy trì quan điểm của phái bảo thủ về phẩm giá của thai nhi trong những năm 1600, và nó được giữ từ thời điểm đó cho đến bây giờ.

Mục đích của việc hồi ngược lại giai đoạn lịch sử này không phải để chứng minh quan điểm của Giáo Hội ngày nay là sai lầm. Nhưng như tôi đã nói, quan điểm ấy có lẽ đúng. Lập trường của tôi đúng hơn là: mỗi thế hệ sẽ giải thích những truyền thống thuộc thế hệ của mình để bảo vệ cho quan những quan điểm luân lý mà mình đang tuân giữ. Phá thai chỉ là một trong những ví dụ điển hình. Chúng ta vẫn có thể thảo luận tiếp về lập trường của Giáo Hội trên những vấn đề như nô lệ, phẩm giá của phụ nữ, hoặc tử hình. Trong mỗi trường hợp như thế, quan điểm luân lý mà Giáo Hội đưa ra dường như không được bắt nguồn nhiều từ Kinh thánh cho bằng đã áp đặt lên nó.

Các lập luận trong chương thứ tư này nhằm đưa đến một kết luận chung đó là: chuyện đúng hay sai không phải là chuyện được hiểu trong mối liên hệ với Ý Chúa; luân lý là một vấn đề của lý luận và của nhận thức, chứ không phải là vấn đề của niềm tin tôn giáo; và trong bất kỳ trường hợp nào, những suy tư đến từ tôn giáo không đưa ra những giải pháp mang tính quyết định cho hầu hết những vấn đề luân lý mà chúng ta phải đối mặt. Nói một cách ngắn gọn, luân lý và tôn giáo là khác nhau. Dĩ nhiên, nhiều niềm tin tôn giáo đôi khi chất chứa những vấn đề thuộc luân lý. Ví dụ khi suy tư  học thuyết về sự sống vĩnh cửu. Nếu một ai đó sau khi chết sẽ lên thiên đàng – đến nỗi mà cái chết là một điều tốt đối với họ - thì quan điểm này có thể ảnh hưởng đến hành vi luân lý trong việc giết những người này. Hoặc giả định rằng chúng ta tin dựa trên những lời tiên tri cổ xưa về chuyện thế giới này sẽ đến hồi kết. Niềm tin này có thể giúp chúng ta giảm bớt nỗi sợ về sự biến đổi khí hậu. Mối liên hệ giữa luân lý và tôn giáo khá phức tạp, thế nhưng đây là một mối quan hệ giữa hai đối tượng khác nhau.

Kết luận này có thể làm cho một vài độc giả có ấn tượng như một sự đả phá tôn giáo. Tuy nhiên, kết luận này không được rút ra từ việc đặt vấn đề về tính hiệu lực của tôn giáo. Những lập luận mà chúng ta suy xét trên đây không giả định rằng Kitô giáo hay bất kỳ một hệ thống thần học nào đó là sai lầm cả; nhưng đúng hơn chúng chỉ đơn thuần chỉ ra rằng, một hệ thống thần học như vậy dù có đúng đi chăng nữa, thì luân lý cũng luôn là một vấn đề hoàn toàn độc lập. 

James Rachels

0 Comments: