Một trong những nguyên nhân có thể khiến tâm hồn ta trở nên bất hạnh và bất an đó là sự lo lắng. Thực tế, sống trong thời buổi kinh tế thị trường suy thoái, với những nhu cầu tiện nghi hiện đại, áp lực tài chính của cuộc sống đã không ngừng thúc bách và đặt vấn đề về cơm áo gạo tiền cho ta. Ta phải lo toan nhiều thứ, giải quyết nhiều chuyện, sắp xếp thời gian và điều phối công việc sao cho ổn thỏa, thuận tiện nhất. Điều đó có thể tốt trong một mức độ nhất định, tuy nhiên, nếu để nỗi lo toan, lo lắng trở nên thái quá, nghĩa là nó chiếm cứ mọi suy nghĩ, bận tâm trong đầu óc, tâm hồn của ta, thì quả nhiên đó là một nỗi phiền não lớn khiến ta có thể trở nên bất an trong tâm hồn, bất nhẫn với người thân và thậm chí là bất mãn với chính mình.
Thế nhưng, khi biết tập chú, 'quay vào bên trong' để đi sâu vào tâm hồn mình, ta sẽ cảm nghiệm những điều thiêng liêng, cao quý và mới lạ, mà có thể trước đây ta chưa từng nhận ra. Từ sâu thẳm trái tim, ta thấy được sự hiện diện của Thiên Chúa tình yêu, Đấng luôn hiện hữu ở đó để chờ đợi và hẹn hò với ta không ngừng. Chính những cảm nghiệm thiêng liêng này, sẽ giúp ta trở nên trầm lặng hơn trước những biến cố, sự kiện vui buồn, thành công hay thất bại của cuộc sống. Bởi với cái nhìn của Chúa, mọi sự sẽ trở nên nhẹ nhàng, ý nghĩa và thiêng liêng hơn cho ta.
Nhưng trong thực tế, có đôi lần khi đối diện với những nỗi khổ niềm đau, có thể ta dễ dàng quy chụp, xét đoán, nhận định theo thiên kiến cá nhân cách chủ quan và phiến diện. Chẳng hạn, khi đứng trước một tai nạn bất ngờ nào đó, có thể ta cho rằng mình bị xui rủi, kém may mắn hoặc ngược lại, nếu thành công trong một công việc nào đó, có thể ta cho rằng nhờ biết bao nỗ lực, cố gắng, mồ hôi công sức của bản thân mà ta mới có được thành quả như vậy. Dường như, trong mọi thành công và thất bại của ta đều thiếu vắng bóng dáng và sự hiện diện của Thiên Chúa. Có lẽ, Thiên Chúa chẳng mấy liên quan đến cuộc sống của ta.
Có những lúc trong đời sống Đức Tin, dường như ta cảm thấy Thiên Chúa quá xa vời. Ta chẳng cảm nhận được sự hiện hữu và hiện diện của Ngài trong đời sống thiêng liêng thường nhật. Dĩ nhiên, ta thừa biết rằng: Thiên Chúa là Đấng cao siêu, toàn tri và toàn năng… Ngài thấu suốt mọi điều và cho phép chuyện gì xảy ra hoặc không xảy ra. Bổn phận của ta là lắng nghe và thực thi Ý muốn của Ngài. Tuy nhiên, không ít lần, tri thức, trí hiểu cũng như tầm nhìn của ta thì hạn hẹp đến mức, ta cho rằng Thiên Chúa quá ‘chậm chạm’ và dường như Ngài ‘ngây ngô’ trước những khó khăn, khổ não, phiền lụy… của ta. Ta trách Chúa rất nhiều, tại sao Ngài không can thiệp vào chuyện này của con, tại sao Chúa để con đau khổ và ra nông nỗi ngày, tại sao Chúa cứ mãi thờ ơ, và dường như ‘vô cảm’ với con…? Con mong muốn thế này, Chúa lại mong muốn thế kia; con xin Chúa làm cái này, làm cái kia, cất con khỏi sự dữ, tai ương, và ban cho con được điều này, điều nọ… thế mà, dường như Chúa chẳng đoái hoàn đến con. Con không cần Chúa nữa đâu!
Hệ quả là những tính toán cho bản thân, những bám víu vào danh-lợi-thú, hay tình cảm, lời khen tiếng chê của mọi người làm ta trở nên con người phụ thuộc, hoặc nặng hơn là trở nên tha hóa (đánh mất chính mình theo người khác). Rút cuộc, những điều chính yếu thì ta bỏ quên mà chỉ tập trung vào những điều tùy phụ của cuộc sống. Thế nhưng, khi biết quay về với chính mình để lắng nghe nội tâm cách sâu lắng, có thể ta sẽ nhận ra nhiều điều mà Thiên Chúa muốn mời gọi ta thực hiện. Phải chăng, đó là lời mời gọi ta biết yêu chuộng những gì cao quý hơn, chân thật hơn, và thiêng liêng hơn.
Chính nhờ việc quay vào bên trong lòng mình, ta sẽ cảm thấy được sự bình an sâu lắng, hạnh phúc sâu xa và niềm vui sâu đậm. Dường như những niềm vui tạm thời, những ham muốn tạm bợ và những dục vọng tạm trú nơi ta không còn bám víu và ảnh hưởng cách mạnh mẽ và chấn động tâm khảm, lay động tâm can, bấn loạn tâm trí và thao túng tâm hồn của ta như trước. Bởi vì ta sẽ biết cách chống chọi và thoát ly với những mâu thuẫn nội tâm, và càng lúc ta càng hiểu thấu chính mình hơn.
Có thể xem sự bình tâm là một lối sống giúp ta dễ dàng đặt Thiên Chúa là trọng tâm của đời sống mình mỗi ngày. Bình tâm ở đây cũng là điều mà thánh Inhaxiô thành Loyola, mời gọi không chỉ các anh em Dòng Tên và kể cả các thao viên trong Linh Thao thực hiện và sống mỗi ngày. Thực ra, bình tâm không phải là dửng dưng trước mọi biến cố của cuộc sống, hay là khái niệm ‘tùy duyên’ cách thuần túy (cái gì đến thì đến, cái gì đi thì đi, tùy thuận theo tự nhiên, tùy thuận theo thiên đạo, nhân duyên…) trong Phật giáo, nhưng đúng hơn, bình tâm là ‘đặt Chúa lên trên hết’ mọi quyết định, lựa chọn của ta.
Chính khi đặt Chúa lên trên hết, ta sẽ nhận thấy điều quan trọng nhất trong cuộc sống thường nhật không phải là làm điều mình muốn làm, thực hiện điều mình mong chờ…Nhưng là lắng nghe và thực hiện điều Thiên Chúa đã và đang mời gọi trong lòng ta. Chính những tác động thiêng liêng điều hướng ta đến những điều siêu nhiên, cao quý hơn, giúp ta trở nên bình an, hạnh phúc, vui tươi và siêu thoát hơn. Đây là kinh nghiệm thiêng liêng rất cần thiết cho đời sống nội tâm của ta.
Thật vậy, khi biết lắng nghe tâm hồn và đi vào chiều sâu nội tâm, ta sẽ cảm nhận thấy một sự sống thần linh bắt nguồn từ Ba Ngôi Thiên Chúa không ngừng chảy tràn trong ta. Dường như, Thiên Chúa có một kế hoạch cứu độ, một chương trình tình yêu dành cho ta, mà bấy lâu nay có thể ta chưa nhận ra. Bởi có nhiều lúc, ta mải mê xây đắp cuộc đời mình với những hoài bão lớn lao, dự phóng tuyệt hảo, tham vọng bất tận… Đến một lúc, ta sẽ nhận ra mọi toan tính cho riêng mình dường như là ‘vô thường’, ‘phù vân’ mà thôi!
Tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa là uyên nguyên, nguồn cội, và là sức sống đích thực cho đời sống thiêng liêng của ta. Chỉ có một điều cần thiết và quan trong nhất trong cuộc sống này là được gặp gỡ và sống kết hiệp với Thiên Chúa trong từng phút giây của ngày sống. Chính trong những tâm tình thiêng liêng này, ta nhận ra Thánh Ý Thiên Chúa mới là điều quan trọng hơn là những công việc của ta, thậm chí là những công việc của Chúa.
Thực ra, nếu là công trình của Thiên Chúa thì hãy cứ để Ngài thực hiện, nếu được Ngài mời gọi cộng tác, ta hãy vui vẻ dấn thân, quảng đại thực hiện với tất cả tình yêu mến. Bất chấp những thành công hay thất bại, kể cả trở ngại và khó khăn, kể cả những tình cảm thấp hèn, những đánh giá thị phi của người đời, hãy lo sợ trước những đổi thay của vận mệnh… (Pl 3,8), bởi ta biết Thiên Chúa không bỏ rơi ta, trái lại Người luôn đồng hành, đỡ nâng ta mọi lúc, mọi nơi.
Dĩ nhiên, đây không phải một mớ lý thuyết suông, hay một giấc mơ tuyệt đẹp, mà đây là một lẽ sống, một kinh nghiệm sống trong Thiên Chúa. Đúng hơn, đây là hoa trái của Chúa Thánh Thần nơi một tín hữu biết say mê bước theo và sống trong Đức Kitô. Bởi lẽ, một người năng sống kết hiệp mất thiết, gắn bó thâm sâu và liên lỉ với Chúa Giêsu, người đó sẽ tràn đầy sức sống thần linh, họ có cái nhìn của Chúa và mang tâm tình của Chúa. Họ có một trái tim hòa điệu với nhịp đập của Thiên Chúa, một trái tim yêu thương, tha thứ, nhân từ và bao dung với mọi người.
Minh Đức, SJ
04.6.2025
0 Comments:
Đăng nhận xét