Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 30 tháng 3, 2023

CHÚT CẢM NGHIỆM KHI LAO ĐỘNG XÂY DỰNG

MỘT CHÚT CẢM NGHIỆM KHI LAO ĐỘNG XÂY DỰNG!



Thực nghiệm một tháng vừa qua,

Đã cho tôi biết bao là điều hay.

Lao động vất vả cả ngày,

Ban đêm yên giấc ngáy rung cả giường.

Đứng trên giàn giáo công trường,

Phụ hồ, chuyển gạch xây tường lên cao.

Mồ hôi cứ chảy ào ào,

Xẻng hồ cứ xúc, cứ đào không ngơi.

Rảnh việc ngồi nghỉ, ngồi chơi,

Công nhân tâm sự chuyện đời với nhau.

Dãi bày nỗi khổ niềm đau,

Đồng cảm với nỗi bể dâu kiếp người:

“Gia đình lúc khóc, lúc cười,

Gia cảnh khốn khó, không lười được đâu.

Cha mẹ vất vả như trâu,

Để cho con cái ngẩng đầu tự nhiên.

Ai người cũng có ưu phiền,

Chẳng ai mà sướng như tiên trên trời.”

Đó là tóm gọn vài lời,

Để ta hiểu rõ cuộc đời công nhân.

Đã mang lấy nghiệp vào thân,

Cũng đừng trách cứ trời gần trời xa.

Tâm hồn cũng giống tòa nhà,

Đổ nền nhân đức, giằng đà yêu thương.

 

Kỷ luật giống những bức tường,

Sống tình liên đới như đường hành lang.

Xây nhà không thể vội vàng,

Như xây ân sủng, nhẹ nhàng tự nhiên.

Không phải cứ lắm bạc tiền,

Là được hạnh phúc triền miên hằng ngày.

Mồ hôi vất vả đắng cay,

Cầm tiền bằng những đôi tay chai sần.

Cảm nhận sống cảnh thanh bần,

Để ta nhìn thấy thế trần đa mang.

Bàn chân nào đứng vững vàng,

Giữa cảnh nghèo túng, lỡ làng, hoang mang.

Lụa là gấm vóc giàu sang,

Chết rồi cũng chẳng thể mang được gì?

Có chăng là phải thực thi,

Công bình, liên đới, từ bi, yêu người.

Thế gian đầy ắp tiếng cười,

Giảm nghèo, xóa đói muôn người ấm no.

Giàu thực khi của đem cho,

Sẻ chia, góp sức lo cho người nghèo.

 

 

Minh Đức S.J. 08/01/2021

 

TÌM HIỂU VỀ PHỤNG VỤ THÁNH THẾ

TÌM HIỂU VỀ PHỤNG VỤ THÁNH THẾ

 


Lý do chọn đề tài: Trong đời sống đạo của người Kitô hữu, Thánh lễ là trung tâm và nền tảng, là đỉnh cao của mọi sinh hoạt đạo đức. Thật vậy, khi tham dự thánh lễ, người Kitô hữu tưởng niệm lại biến cố tử nạn và phục sinh của Đức Kitô, đồng thời ngang qua hy tế vượt qua của Ngài, họ được thông dự vào sức sống thần linh mà Bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể nuôi dưỡng họ. Mẹ thánh Têrêsa Calqulta đã từng nói: “ngày nay người ta không chỉ thiếu cơm ăn áo mặc, mà còn thiếu thốn cả Lời Chúa”, thánh Faustina, tông đồ của Lòng Thương Xót Chúa đã từng thổn thức về Bí tích Thánh Thể khi Chị viết trong nhật ký thiêng liêng: “không có Bí tích Thánh Thể, tôi không biết phải dùng cách nào để tôn vinh Thiên Chúa”.

            Khi đi vào các nhà thờ công giáo, ta thường thấy trên cung thánh, một bên thường là Nhà Tạm, nơi cất giữ Thánh Thể, một bên là Lời Chúa. Điều này cho thấy rằng, Lời Chúa và Thánh Thể cùng bổ trợ, thông hiệp cho nhau. Ta cũng thường nói với chính mình hoặc với người khác rằng: “tôi khao khát tìm kiếm và sống Thánh Ý Chúa trong cuộc đời mình”, và Lời Chúa là một trong những cách thức mà Thiên Chúa nói với ta. Bên cạnh đó, chính Thánh Thể là nguồn sức mạnh thần linh giúp ta có thể sống Lời Chúa tốt hơn, trọng vẹn hơn trong cuộc sống thường nhật với tư cách là con cái Chúa.

Ý thức được tầm quan trọng của Thánh Lễ trong đời sống đạo, tác giả có thao thức muốn đào sâu ý nghĩa nền tảng thần học của phụng vụ Lời Chúa và Thánh Thể, để ngang qua đó khi tham dự Thánh Lễ, cá nhân tác giả hiểu được sâu hơn về ý nghĩa của từng biểu tượng, dấu chỉ của cử hành phụng vụ, đồng thời thêm phần sốt sắng, thiêng liêng hơn trong việc ca ngợi và phụng thờ Thiên Chúa Chí Tôn. Tuy nhiên, vì giới hạn thời gian nghiên cứu đề tài và các điều kiện ngoại cảnh khác như máy móc, tài liệu…nên tác giả không có tham vọng trình bày tuyệt hảo, tròn đầy về cả phụng vụ Lời Chúa và Thánh Thể, chỉ dám khiêm tốn viết ra những hiểu biết hạn hẹp từ sự nghiên cứu bình giản về phụng vụ Thánh Thể. Hy vọng bài viết sẽ được quý độc giả đón nhận và phê bình thêm.

Vấn đề cần nghiên cứu: trong bài viết này, ta cùng tìm hiểu về: nguồn gốc, lịch sử, cấu trúc, cách thức cử hành và ý nghĩa của phụng vụ Thánh Thể trong Giáo Hội ngang qua Kinh Thánh và các văn kiện Công Đồng.

Trước khi đào sâu về nội dung phụng vụ Thánh Thể, ta hãy làm rõ hơn khái niệm về phụng vụ với những câu hỏi như: phụng vụ là gì? Ai cần cử hành? Cử hành cho ai? Và cách thức cử hành như thể nào?

KHẢI NIỆM PHỤNG VỤ

Phụng vụ nếu theo mặt chữ, một người bình dân có thể hiểu PHỤNG là dâng lên, hết lòng chăm sóc, phục vụ, hầu hạ…[1]. VỤ là việc làm. Vậy ta có thể hiểu Phụng vụ là việc làm thờ phượng mà con người dâng lên Thiên Chúa qua nhiều cách thức khác nhau. Nhưng theo Công Đồng Vatican II: “phụng vụ là việc thi hành chức vụ tư tế của chính Chúa Giêsu Kitô, trong đó công cuộc thánh hóa con người được mang ý nghĩa qua những dấu chỉ khả giác và được thực hiện hữu hiệu cách khác nhau theo từng dấu chỉ, và trong đó việc phụng tự công cộng vẹn toàn cũng được thực thi nhờ nhiệm thể Chúa Kitô, nghĩa là gồm cả đầu và các chi thể của Người” (PV 7).

Nói một cách ngắn gọn, phụng vụ là việc thi hành chức năng tư tế của Chúa Kitô và Giáo Hội. Phụng vụ dùng dấu chỉ khả giác, nghĩa là các cử chỉ, lễ nghi, lời đọc…Các dấu chỉ này được dùng để diễn tả các thực tại thánh và mang giá trị đích thực. Chúa Kitô hiện diện mỗi khi Giáo Hội cử hành phụng vụ và tự bản chất phụng vụ là công việc chung của toàn thể Giáo Hội, Thân Thể Chúa Kitô, gồm đầu và các chi thể.[2]

NGUỒN GỐC CỦA PHỤNG VỤ THÁNH THỂ:

Phụng vụ Kitô giáo khơi nguồn từ trong truyền thống Kinh Thánh, kể cả Cựu Ước và Tân Ước. Thật vậy, phụng vụ Thánh Thể trong giai đoạn đầu đã tiến triển từng bước tiệm tiến mà điều đó chúng ta có thể thấy được trong Kinh Thánh. Cụ thể thánh Luca đã thuật lại cho chúng ta về bối cảnh lịch sử của cộng đoàn tín hữu sơ khai trong sách Công Vụ Tông Đồ như sau: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng. Mọi người đều kinh sợ, vì các Tông Đồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ. Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ.” (x. Cv 2, 42-27). Bầu khí sinh hoạt tôn giáo lúc này quả là ấm cúng và lý tưởng.

Các tín hữu thời sơ khai đã không gọi là thuật ngữ phụng vụ Thánh Thể như chúng ta ngày nay, họ thường gọi là dự lễ bẻ bánh. Tại đâu? Thưa có khi tại Đền thờ (x. Cv 2,14-16; 3,1-10), có khi tại tư gia (x. Cv 2,46; 5,42). Khi cử hành lễ bẻ bánh các tín hữu tham dự vào Bữa Ăn Vượt Qua của Đức Kitô, nơi Ngài trao ban Thân mình Ngài như hy lễ tạ ơn dâng lên Chúa Cha và để nuôi sống con người. Trong thời kỳ này cử hành bẻ bánh được lồng vào trong khung cảnh các bữa ăn thường ngày.[3]

Trước Công Đồng Triđentinô (kết thúc năm 1563), phụng vụ nói chung và phụng vụ thánh thể nói riêng theo nghi thức Rôma bị coi là quá cổ kính, xa lạ (ngôn ngữ La Tinh…). Sau Công Đồng Triđentinô, phụng vụ đó vẫn còn cứng nhắc, bất dịch, tỉ mỉ (không hiểu nguồn gốc, ý nghĩa các dấu chỉ, biểu tượng…), có thể nói Giáo Hội lúc đó không chú tâm đến tâm tình cho bằng nguyên tắc. Mãi cho đến thời Đức Giáo Hoàng Piô X, Ngài đề ra trong tự sắc “Tra le Solicitudini” (22/11/1903): “mọi tín hữu nên tham gia tích cực trong các lễ nghi phụng vụ, nguồn mạch thứ nhất và cần thiết để nuôi dưỡn tinh thần Kitô hữu”[4].

CẤU TRÚC CỦA PHỤNG VỤ THÁNH THỂ:

Phụng vụ Thánh Thể gồm 3 phần chính yếu (RM 72)

1)      Chuẩn bị lễ vật: bắt đầu từ dâng lễ vật đến hết lời nguyện dâng lễ vật.

2)      Kinh nguyện Thánh Thể (Kinh Tạ Ơn): bắt đầu từ lời Kinh tiền tụng đến hết Vinh tụng ca, khi chủ tế nâng đĩa thánh, chén thánh và đọc: “Chính nhờ Người, với Người và trong Người mà mọi danh dự và vinh quang đều quy về Chúa là Cha Toàn Năng trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh thần đến muôn đời”.

3)      Nghi thức rước lễ: từ Kinh lạy Cha đến hết lời nguyện hiệp lễ.

CÁCH THỨC CỬ HÀNH PHỤNG VỤ THÁNH THỂ:

 

Ý NGHĨA CỦA PHỤNG VỤ THÁNH THỂ:

Trong phụng vụ Thánh Thể, Chúa Giêsu hiện diện đích thực trong hình bánh và rượu.

Phụng vụ Thánh Thể là công cuộc hiện tại hóa mầu nhiệm hy tế vượt qua của Đức Giêsu, không chỉ mang tính chất quá khứ, nhưng là vĩnh cửu, vượt không gian và thời gian (CG 1085).

Vai trò của Giáo Hội khi cử hành phụng vụ Thánh Thể: là thi hành chức năng tư tế được Chúa Kitô ủy thác (Chúa Giêsu 1141; GL 834). Mọi tính hữu khi thi hành chức năng tư tế phổ quát (khi được lãnh nhận Bí tích Rửa Tội) trong việc tham dự cử hành phụng vụ Thánh Thể, họ trở nên hiệp nhất trong đức tin và liên kết với Chúa Kitô dâng lời tôn vinh Thiên Chúa thánh hóa nhân loại (GL 836).

Nếu phụng vụ Lời Chúa mang nhiều yếu tố phụng tự hội đường Do Thái, thì phụng vụ Thánh Thể lại là nét đặc trưng của Kitô Giáo (x. Cv 2,42). Trong đó mọi Kitô hữu cùng chia sẻ một Tấm Bánh duy nhất là Mình và Máu Chúa Kitô. Trong phụng vụ Thánh Thể ngày nay, các tín hữu được mời gọi tự do tham dự vào bàn tiệc của Chúa, để cùng chia sẻ một Tấm Bánh duy nhất, Tấm Bánh đó chính là Chúa Giêsu Kitô từ trời xuống để ban sự sống đời đời cho nhân loại. Khi Kitô hữu được chia sẻ Mình Máu Thánh Chúa, họ sẽ đạt đến sự sống thần linh mai hậu.

Phụng vụ Thánh Thể là cho con người tham dự vào hy tế Chúa Kitô trên thập giá xưa, Ngài trao ban chính Mình và Máu Ngài cho nhân loại, Chúa Kitô đã nối kết hy tế thập giá của Người với Bữa Tiệc Ly. Bánh Người ban là Thân Mình sẽ bị nộp vì tội nhân loại, Chén Rượu Người cầm là Máu Giao Ước đổ ra để mọi người được tha tội. Do đó, trong mọi Kinh Nguyện Thánh Thể, Giáo Hội dâng lời chúc tụng tạ ơn vì hy tế cứu chuộc của Chúa Giêsu, đồng thời Giáo Hội hân hoan mời gọi con cái mình tiến đến bàn tiệc Thánh Thể để múc lấy sự sống thần linh.


Minh Đức S.J. 

 



[1] Đại từ điển tiếng việt,  NGUYỄN NHƯ Ý chủ biên, NXB Văn Hóa Thông Tin, trang 1350, từ “Phụng”

[2] Phụng vụ Tổng Quát, Lm. Vinh Sơn Nguyễn Thế Thủ, Đại chủng viện thánh Giuse, p. 15.

[3] Phụng vụ Tổng Quát, Lm. Vinh Sơn Nguyễn Thế Thủ, Đại chủng viện thánh Giuse, p. 16,17.

 

[4] Số 3, trong Hiến Chế Phụng Vụ  của Thánh CĐ Vatican II. 

LINH ĐẠO LÀ…

 LINH ĐẠO LÀ…



Hư vô hiện hóa thành người, (2 Mcb 7, 28 )

Luôn mang tiếng khóc, tiếng cười nhân sinh.

Con người: hữu thể nhân linh,

Kém thua một chút, thần linh trên trời (Tv 8 ).

Niềm vui, hạnh phúc muôn đời,

Khi theo đường lối, Chúa Trời trao ban. (Đnl 8,6 )

Đường đi sẽ có muôn vàn,

Tìm đường hạnh phúc, bình an lâu dài.

Đường nào cũng có chông gai,

Đường nào cũng phải, “nịt nai” đêm ngày.

Quan trọng là phải hăng say,

Sống trong tình Chúa, đắm say vô bờ.

Khi nào lạc lõng, bơ vơ,

Nhìn lên thập giá, cậy nhờ vươn lên. (Ga 19,37 )

Chúa dạy: “Hãy cứ vững bền,

Sẽ được vinh phúc ở bên Vua Trời”. (Mt 24,13 )

Linh đạo là một lời mời,

Sống theo Thần Khí Chúa Trời dẫn đưa. (Rm 8 )


_Minh Đức S.J.

CUỘC VƯỢT QUA

 CUỘC VƯỢT QUA

 


Gẫm suy lẽ sống, trong cõi đời

Nỗi niềm thao thức, mãi khôn vơi

Đường nào đưa dẫn, về Quê Trời

Thoát đời tục lụy, sống thảnh thơi.

 

Không niềm tin, cuộc sống chơi vơi

Như thuyền không lái, giữa biển khơi

Phong ba bão táp, cao vời vợi

Quỳ xuống van xin: lạy ông trời![1]

 

Ai cũng chỉ có, một cuộc đời

Xin đừng lãng phí, hỡi người ơi!

Sống sao khi, nhắm mắt lìa đời

Dư âm hạnh phúc, đời đã qua.

 

Huyền nhiệm con người, sâu thẳm quá!

Khát khao hướng về, Đấng Tạo Hóa

Khởi nguồn, Cùng đích, không phai nhòa

Con người đi vào Cuộc Vượt Qua[2].

 


 

 

LINH ĐẠO LÀ…

 

        Hư vô hiện hóa thành người, (2 Mcb 7, 28)

Luôn mang tiếng khóc, tiếng cười nhân sinh.

Con người: hữu thể nhân linh,

Kém thua một chút, thần linh trên trời (Tv 8).

Niềm vui, hạnh phúc muôn đời,

Khi theo đường lối, Chúa Trời trao ban. (Đnl 8,6)

Đường đi sẽ có muôn vàn,

Tìm đường hạnh phúc, bình an lâu dài.

Đường nào cũng có chông gai,

Đường nào cũng phải, “nịt nai”[3] đêm ngày.

Quan trọng là phải hăng say,

Sống trong tình Chúa, đắm say vô bờ.

Khi nào lạc lõng, bơ vơ,

Nhìn lên thập giá, cậy nhờ vươn lên. (Ga 19,37)

Chúa dạy: “Hãy cứ vững bền,

     Sẽ được vinh phúc ở bên Vua Trời”. (Mt 24,13)

Linh đạo là một lời mời,

Sống theo Thần Khí Chúa Trời dẫn đưa. (Rm 8)

Minh Đức S.J.

[1] “Hữu sự bái tứ phương”, diễn tả cảnh tượng: khi bị bão táp giữa biển Địa Trung Hải thì khác khi triết gia ngồi trong giảng đường. Dù cho người ta chối bỏ thần thánh, chế diễu tín đồ, nhưng trong cơn đau khổ quằn quại, trước cái chết cận kề, rình rập, người ta sẽ cầu nguyện khẩn thiết với thần thánh họ đã biết và chưa biết.

[2] Tận sâu trong đáy lòng, mỗi người đều có một Cuộc Vượt Qua, như Đức Giêsu đã vượt qua cái chết để đến vinh quang phục sinh.

[3] Đinh thức thể chế Dòng Tên (số 4).

Hôm nay mênh mông…

Hôm nay mênh mông

Bong…bong…bong…tiếng chuông chiều ngân vang, quẳng lại đằng sau một khoảng lặng sâu lắng, giờ thể thao đã hết, giờ mà anh em tập sinh chúng tôi được vui chơi sau những giờ học tập miệt mài. Giờ chơi chung đó thật là vui! Anh em chúng tôi được xả giải vừa thể chất vừa tinh thần, mồ hôi nhễ nhại, nụ cười nở tươi…tình bạn giữa anh em được gắn bó keo sơn hơn. Nhưng những cảm xúc vui vẻ, hồ hởi, hân hoan…dường như được dừng lại bởi tiếng chuông Bidel, tiếng chuông vang vọng báo hiệu cho anh em bước vào giờ thinh lặng để chuẩn bị tâm hồn cho giờ cầu nguyện buổi chiều.

Tôi buông lòng mình, thả trôi theo tiếng lặng của thời gian, lê gót dạo quanh vườn trước, với những ô cây dầu xanh rì, những tán xòe rộng như ôm chặt lấy con người nhỏ bé của tôi. Vừa dạo quanh vườn, vừa nghỉ mệt, vừa lắng đọng tâm hồn, trong tôi nhiều cảm xúc hiện về…Ngồi ghế đá nghỉ mệt một tí! Lòng tự nhủ, chiều nay cầu nguyện với điểm gì đây? Tôi tự hỏi mình. Lắc lư cái đầu, mồ hôi nhiều quá…ướt cả áo…một tia nắng hanh hanh nhuốm màu vàng ối xuyên qua những tán lá dầu và loe lóe, phất phảng trên khuôn mặt tròn mập của tôi. Gió đưa dìu dịu hương thơm của nàng bằng lăng tím nằm cạnh đồi Thánh Tâm đến với tôi. Ngọt ngào! Lòng tôi cảm thấy êm đềm, nhẹ nhàng, thênh thang…Đột nhiên giữa vườn dầu có tiếng của một chú ve ngân nga, tôi lẳng lặng lắng nghe…Ồ! Hay ấy nhỉ! Một chú rồi hai, ba…và hàng chục chú ve cùng đua nhau cất cao giọng ca tựa như đang cùng nhau hòa tấu bản tình ca vô tận, tựa như bản nhạc Sonata Ánh Trăng, hay bài La’mour Amorit…Tôi như lạc vào cõi thinh không.

Ôi! Vũ trụ trời đất bao la này thật tuyệt vời! ai đã làm nên chúng vậy? nghệ nhân tuyệt vời nào đã khắc họa lên những đường nét độc đáo vậy? Chắc chỉ là Thiên Chúa mà thôi! Nhưng đó là người ta nói, đó là giáo lý dạy…có ai đã từng thấy rõ ràng Chúa làm những kỳ công đó chưa? Có lẽ chưa ai thấy…Bất chợt, một câu hát văng vẳng bên tai: “Con muốn đi tìm Ngài trong cuộc sống, dáng Ngài đi con chưa thấy một lần, bước Ngài đi con chưa nhìn một lần…Ngài ở đâu…cho con thấy…Ngài ơi…” Những ca từ tha thiết của bài hát Con muốn đi tìm Ngài của nhạc sĩ Lm. Duy Thiên, làm lòng tôi rộn ràng. Tôi quan sát cảm xúc của mình, nó ở một cung bậc kỳ lạ khác mọi ngày…tâm trí tôi hướng về câu hát… “Con muốn đi tìm Ngài…trong cuộc sống…”. Ô hay! Mình đang đi tìm Chúa! ngước mắt lên nhìn màu xanh nhẹ da trời. màu xanh thiên thanh. Bóng mây bay ngang, nhưng sao vội vã, dáng mây che phủ ánh nắng vàng hoe…dáng Ngài đi, mặt Ngài cười, mắt Ngài nhìn…Chúa ơi! Chúa ở đâu, mà sao con mãi chưa thấy Ngài, Chúa ơi! Dù chỉ một lần...  

Chiếc lá khô nhẹ bay trong gió chiều vàng nhạt. Chiều nay thấp thoáng qua những cành dầu, thoang thoảng hương bằng lăng tím. Tôi đã để tâm hồn mình lạc trôi đến một khung trời tươi sáng…Niềm hạnh phúc trong cõi nhân sinh của mình, dẫu biết rằng đó là chính Chúa, thế nhưng Ngài ở đâu? Tôi có kinh nghiệm gì về Ngài nhỉ! Giật mình! Tiếng còi tàu lửa hú lên vang rền, inh ỏi… dường như nó quát tháo ầm ĩ, nó làm át đi tiếng róc rách của con suối nhỏ bên cạnh nhà. Nhìn đồng hồ đã điểm 17h15, tôi vội vàng về phòng tắm rửa và chuẩn bị cho buổi cầu nguyện chiều.

Hôm nay, đã tròn một năm tôi bước chân vào ngôi tập viện cô tịnh này. Bỏ xa phố thị ồn ào, huyên náo, để đổi lại khoảng lặng mênh mông, khoảng lặng mà nhiều người có thể thấy ngán ngẩm. Giữa khoảng lặng đó, tiếng phong cầm nhè nhẹ tấu vang cung điệu trong nhà nguyện lớn, và “từ khi con còn mải mê giữa bao phù hoa…và từ khi con lạc bước trong cơn mê mù tối…Ngài đã đến đưa con về…dù đời con xót xa ê chề…Ngài yêu thương…thứ tha…tội khiên…phận tro cát nào đáng chi…mà Chúa lên tiếng kêu mời con…và cho con…nên chứng nhân của Ngài…”, cung nhạc nhẹ như mây, thơm như hoa lài…người đàn nhịp nhàng, say sưa đung đưa theo nhịp phách, thế nhưng giọng người hát ngậm ngùi, mắt mi nhạt nhòa…những ca từ tha thiết, da diết như đụng chạm vào cõi lòng thẳm sâu.

Hôm nay mênh mông. Lời bài hát làm tôi nhớ lại thân phận cuộc đời mình… mà lòng nghẹn ngào khôn vơi…Không phải bất kỳ nơi đâu, ngôi nhà nguyện nào, và cũng không phải lúc nào cũng có thể vang lên bài ca ấy, tâm trạng ấy. Có những không gian, có những lúc tâm hồn chỉ bắt được cung nhạc ấy vào thời điểm đó mà thôi. Tiếng phong cầm kia như tình yêu nồng thắm, của cánh hoa phượng trước chuồng hai con mèo mun, tình yêu đó đỏ như hoa phượng…nhưng làm bâng khuâng lòng tôi. Bởi như lời bài hát, tôi như một người xa lạ, còn mải mê giữa bao phù hoa hồng trần…rồi một ngày kia, có ai đó lên tiếng gọi tôi…khẽ chạm vào cõi lòng thẳm sâu. Nơi mà chưa từng có ai đụng tới. Làm thức tỉnh tâm can, thức giấc tâm khảm, tỉnh táo tâm tri…Nghĩ cũng hay nhỉ! Đó là ai vậy?

Cung đàn lắng đọng, ngọt thơm mộng mị. Tình yêu thoang thoảng mới bâng khuâng…trên tròm cây bàng Đài Loan, chị hoa bàng bay theo làn gió như thể khiêu vũ, hòa quyện cùng chàng hoa trò xoay xoay, tiếng chim ríu rít gọi nhau, đùa giỡn, hót véo von. Bóng mát cuộc đời…cành lá xôn xao rụng…Trong nhà nguyện, đắm chìm trong chiều sâu tĩnh mịch, bởi dư âm ca điệu trên, trước Thánh Thể Chúa, tôi lặng nhìn về hành trình cuộc đời mình mà lòng thổn thức, xuyến xao.

Từ khi có trí nhớ, trí hiểu, tôi đã gặp gỡ Thiên Chúa như thế nào? Lúc sáu tuổi, mẹ dẫn tôi đi nhà thờ, mẹ dạy tôi chào Chúa, làm dấu nguyện kinh. Đối với tôi hình ảnh Thiên Chúa là một đối tượng uy linh, nhưng tĩnh lặng…chỉ biết tin là có Thiên Chúa thật, không chất vấn gì thêm. Thiên Chúa của tuổi thơ tôi là thế đó, đơn sơ và hồn nhiên biết mấy!

Tổi thơ của tôi cũng dần trôi qua theo thời gian, như dòng sống chảy trôi trước sân nhà. Từng tuổi, từng lớp qua đi, sự hiểu biết về Thiên Chúa của tôi được phong phú hơn bởi những bài giáo lý sơ cấp ê a…chỉ biết Thiên Chúa là Cha, Đấng tạo dựng vũ trụ vạn vật, Chúa Con cứu chuộc và Chúa Thánh Thần thánh hóa, và mục đích của việc học giáo lý là hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa. Đó là thời gian lớp bốn, lớp năm.

Lớn hơn một chút, vào thời niên thiếu trung học, tôi còn đắm mình trong những đam mê phù phiếm, xa đà…như đánh bài ăn tiền, đá gà, đánh nhau, nhậu nhoẹt, đi đêm…và nhiều những nghiện ngập tiêu cực khác…Tôi còn theo đuổi nhiều hoài bão nhợt nhạt, lệch lạc như sẽ làm đại ca băng nhóm xã hội đen, sẽ làm bá chủ thiên hạ về quyền lực, tiền tài… đến nỗi, có một lần tôi đã cầm dao đâm một người, may thay người đó không chết…Như kẻ bất trị… Mọi người trong gia đình đều không hy vọng nhiều nơi tôi một tương lai sáng sủa. Dường như tôi cũng chẳng cần quan tâm, đếm xỉa tới những lời khuyên mang tính gia giáo của mọi người xung quanh. Tôi muốn mình được tự do, làm chủ cuộc đời mình như mình muốn. Tôi muốn gì là phải được cái đó… cứ thế, cuộc đời tôi ngã hết lần này đến lần khác, vùng vẫy trong “đống bùn lầy” của xã hội. Bi thảm ở chỗ, càng dãy dụa càng lún sâu. Nhiều khi cũng chán ngán cuộc đời, “đâm lao thì phải theo lao”, lỡ rồi biết phải làm sao. Cuộc sống như bế tắc, tôi chấp nhận buông trôi để số phận, hoàn cảnh đưa đẩy.

Rồi một ngày kia, khi đã mệt nhoài sau những vùng vẫy chán nản…Một bàn tay giơ ra trước mặt tôi, tôi vội vàng chụp lấy. Người đó kéo tôi ra khỏi vũng lầy, lấy nước tắm rửa sạch sẽ, mặc cho tôi những bộ đồ mới, xức cho tôi dầu hương thơm ngát. Người đó dẫn tôi đi theo đường lối mới, dù tôi có e dè, lạ lẫm…nhưng cảm xúc trong tôi là hạnh phúc vô bờ, nhìn về phía trước Người đó đã đi mất, quay lại phía sau, chẳng có ai ngoài những dấu chân ướt sũng, dơ bẩn của tôi, và dấu chân Người ấy, hương thơm đầu tóc, áo quần mới tinh…chúng còn vương vấn, lòng tôi rạo rực, tim tôi hân hoan, trí tôi bừng sáng. Đó là kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa của tôi.

Từ đó trở đi, cuộc đời tôi có những bước ngoặt mới lạ, những ngươi quanh tôi cũng nhận ra điều đó. Đó là một ơn biến đổi mà Thiên Chúa đã đụng chạm vào cuộc đời tôi, để tôi mặc lấy những tâm tình mới, hạnh phúc mới, lý tưởng mới…điều mà đáng lẽ tôi phải tìm kiếm trước hết và trên hết. Thiên Chúa đã dẫn tôi về với Ngài, sống trong lòng Giáo Hội, và giờ đây được tiếp tục đi trên con đường Ngài đã đi, sống lại cuộc đời Ngài đã sống. Trước đây, bây giờ và tương lai cũng sẽ thế.

Một kinh nghiệm vấp ngã, những đêm trường tối tăm…dường như được nâng dậy, khơi sáng bằng một Mùa xuân vinh thắng của Chúa. Mùa xuân ngày ấy và sau này cũng gần như nhau. Mùa xuân ngày được gặp mặt, xum vầy và hạnh phúc khôn xiết. Mùa xuân mà tôi được ở trong lòng Thiên Chúa, điều mà lời thánh vịnh đã diễn tả rất hay: “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi! Hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn” (Tv 62,2).

Có lẽ mỗi người sẽ có một Mùa xuân cho riêng mình, nơi đó là sự gặp gỡ, chia sẻ, đồng cảm, đỡ nâng, an ủi…hạnh phúc, bình an, hoan lạc, sung sướng…Mùa xuân đó có Chúa và có tôi. Mùa xuân mà cuộc đời tôi được tươi mới, được làm lại cuộc đời trong tình yêu và ân sủng Chúa. Mùa xuân không giữ lại cho riêng mình, nhưng hướng đến người khác bằng vẻ tươi đẹp của sắc xuân là chim muông ca hát, trời đất hân hoan, muôn hoa khoe sắc, điểm tô thắm tươi cuộc đời, nhân loại. Chúa đã làm nên cuộc đời tôi, như là Mùa xuân mới.

Đối với tôi, Thiên Chúa đẹp như Mùa xuân, Thiên Chúa như một Mùa xuân đã, đang và sẽ đến trong cuộc đời tôi và của mọi người. Mùa xuân luôn đến cho hoa lá khoe tươi, cho muôn người vui cười, tình xuân nồng ấm, bao chan chưa hồn thơ, yêu thương đều chớm nở…Có Chúa mọi sự sẽ đẹp tươi. Đó là niềm xác tín của tôi. Đó là cách mà tôi đã được Chúa đi vào cuộc đời.

Tiếng con thạch thùng kêu “lạch cạch, lạch cạch…” trên tường nhà nguyện làm tôi giật mình. Những dòng suy tưởng trôi qua thật nhanh xen lẫn những cung bậc cảm xúc diệu kỳ. Nhìn lại cuộc đời để thấy bàn tay Thiên Chúa dẫn đưa, tôi thấy mình hạnh phúc hơn bao giờ hết. Dù bây giờ, dù tương lai có như thế nào, tôi vẫn xác tín, tin tưởng tay Chúa sẽ dẫn đưa tôi đi trên mọi nẻo đường, và tôi luôn có Ngài kề bên, nên lòng chẳng sợ chi nao núng. Và hơn thế nữa, tôi đã trả lời được Thiên Chúa là ai trong cuộc đời tôi? Ngài là Mùa xuân của tôi, Mùa xuân mới của tôi, trước đây, bây giờ và mãi mãi. Và dường như: “Mùa dập dìu, Mùa xuân nay đã về...Mùa bình thường, mùa vui nay đã về… Mùa xuân mơ ước ấy…đã đến đầu tiên…gió thôi bay… trên sông gà đang gáy trưa…bên sông một chiều nắng vui cho bao tâm hồn... Mùa bình thường, mùa vui nay đã về… Mùa xuân mơ ước ấy…đang đến đầu tiên…gió thôi bay… trên sông gà đang gáy trưa…bên sông một chiều nắng vui... Hôm nay mênh mông...

Minh Đức S.J. 

HUYỀN NHIỆM CON NGƯỜI VÀ KHÁT MONG TÌM KIẾM THIÊN CHÚA

 HUYỀN NHIỆM CON NGƯỜI VÀ KHÁT MONG TÌM KIẾM THIÊN CHÚA

I.              HUYỀN NHIỆM CON NGƯỜI

a.             Con người là gì?

Câu hỏi: con người là gì? Được trải qua biết bao thể kỷ cho đến nay, vẫn được nhắc đến với muôn hình muôn vẻ. Với nhiều ngành khoa học khác nhau: người ta phân tích con người theo bản tính, lý trí trong triết lý cổ điển; theo vật lý, hóa học, sinh học với những cơ năng, phản xạ, sinh tồn, dinh dưỡng…cả về những tiềm thức, vô thức của khoa tâm sinh lý học… Thế nhưng để định nghĩa, để trả lời cho câu hỏi: “con người là gì?” vẫn là một vấn nạn cho tri thức con người.

Thật vậy, có khá nhiều định nghĩa về “con người”, có người cho rằng: con người là một sinh vật xã hội; con người là con vật có lý trí, suy tư; con người là sinh vật có tôn giáo; con người là tổ hợp gồm phần “con” và phần “người”…Nhưng xét theo chiều kích luân lý: con người là một hữu thể nhân linh; theo chiều kích tôn giáo, “con người được xem như là một huyền nhiệm” (Gabriel Marcel). Chúng ta cùng suy xét về chiều kích tôn giáo, tại sao lại định nghĩa: con người là một huyền nhiệm?

b.             Tại sao con người là một huyền nhiệm?

Trước hết ta cùng làm rõ khái niệm “huyền nhiệm”. Ta có thể hiểu “huyền” là khó  hiểu; “nhiệm” là sâu kín, huyền nhiệm chỉ sự sâu kín khó hiểu, nó mang tính thần bí. Huyền nhiệm là đặc tính của các thực tại hay kinh nghiệm thiêng liêng, vượt quá trí năng hiểu biết của con người. Do đó, xét về chiều kích tôn giáo, khi nói về con người người ta thường nói đó là một huyền nhiềm. Vì sao lạ nói vậy?

Vì theo quan niệm của Kinh Thánh: con người được Thiên Chúa tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa (St 1, 27). Câu hỏi tiếp tục được đặt ra: Thiên Chúa tạo dựng con người như thế nào? Theo Kinh Thánh: Thiên Chúa tạo dựng con người bằng Lời của Ngài. Con người ấy là một hợp thể gồm bởi hồn và xác. Linh hồn thiêng liêng bất tử, khi kết hợp với thân xác thành một bản thể. Bản thể ấy sống động, hiện hữu với giá trị cao quý như là một nhân vị duy nhất. Nhân vị ấy cao vượt trên mọi loài thụ tạo hữu hình khác (Tv 8, 6-7), vì được thiên Thiên Chúa yêu thương tạo dựng cách riêng. Điều tạo nên huyền nhiệm tiếp theo nơi con người đó là con người là một chủ thể luân lý, hoạt động có lý trí, có trách nhiệm tự do, biết dùng suy luận để cân nhăc các lý lẽ trước khi hành động, và ý chỉ để điều khiển các hành vi. Con người hướng về hạnh phúc, tìm cách đạt đến sự thiện tuyệt đối[1] là chính Thiên Chúa. Đây là điều khác biệt giữa con người và các thụ tạo khác.

Kế đến tính huyền nhiệm còn được thể hiện nơi phẩm giá của con người. Con người tuy là một thụ tạo, nhưng con người được Thiên Chúa mời gọi chia sẻ sự sống thần linh. Bời vì con người là con cái Thiên Chúa (in đậm hình ảnh Thiên Chúa, hình ảnh đó không bị phai mờ bởi không gian, thời gian, và có khả năng nhận biết và yêu mến Thiên Chúa), và con người được tham dự vào sự sống thâm sâu, hạnh phúc bất diệt của Ba Ngôi Thiên Chúa, được đạt tới cùng đích viên mãn là chính Ngài. Thiên Chúa là Anpha và Omega, là khởi nguyên là cùng đích của con người. Con người được Thiên Chúa trao phó mọi loài thụ tạo (Tv 8,7), mời gọi con người cộng tác với Thiên Chúa trong công trình duy trì và phát triển thế giới (St 1, 28-30).


 

II.           KHÁT MONG KIẾM THIÊN CHÚA

Tại sao con người phải tìm kiếm Thiên Chúa?

Tục ngữ Việt Nam có câu: “cây có cối, nước có nguồn”, thật vậy, mọi sự đều có nguồn gốc, cội nguyên của nó. Triết học dùng cách đặt vấn đề “tại sao” để truy nguồn một sự vật, một hiện tượng. Thấy một cái cây phát triển, một con chó chết đi, một cơn mưa ồ ạt, một tia chớp vụt tắt…người ta có thể đặt vấn đề tại sao nó như thế? Có những vấn đề khoa học giải thích được, nhưng ngược lại, có nhiều điều khoa học cũng đành đầu hàng chịu thua. Đơn cử như về sự xuất hiện, vận hành của các vì sao, tinh tú, thiên thạch… trên vũ trụ, các nhà bác học, khoa học cũng không thể nào giải thích tường tận được. Xét về cấu trúc, cơ chế sinh tồn, hoạt động của con người, của từng bô phận, mô thể, AND…của con người, người ta cũng thấy được sự kỳ diệu, huyền vi trong đó…Bởi đâu mà ra? đó là điều mà người ta vẫn đang tìm hiểu. Thế nhưng, đó chỉ là bề nổi, xét về bề sâu bên trong con người. Con người có những khát vọng sâu thẳm, đó là sự mưu cầu niềm hạnh phúc, bình an. Con người cũng có khát khao nên thiện toàn, hoàn mỹ…khát mong hướng về Chân-Thiện-Mỹ. Tóm lại, có cái gì là khởi đầu của những cái trên? Thế giới, con người là do ngẫu biến hay được sáng tạo nên?

Để giải quyết những vấn nạn trên, nếu ta xét theo khía cạnh đức tin tôn giáo (còn có nhiều khía cạnh khác có thể minh giải vấn đề trên), những người Công Giáo họ được dạy tin vào Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên trời và đất, cùng muôn vật hữu hình và vô hình (Kinh Tin Kính), và con người là con Thiên Chúa được Ngài yêu thương dựng nên theo hình ảnh Ngài. Con người có khả năng nhận biết và yêu mến Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa đã đặt nơi đáy lòng họ niềm khát khao tìm về Thiên Chúa là nguồn mạch no thỏa cho tâm trí họ. Thánh Augustine, một nhà triết học, thần học, linh đạo lớn trong Giáo Hội Công Giáo, sau một đời miệt mài tìm Chúa, sau cùng ngài đã thốt lên: lạy Chúa! Chúa đã dựng nên con cho Chúa, nên lòng con khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên bên Chúa muôn đời. Đó cũng có thể xem là những tâm tình mà những người khát khao tìm Thiên Chúa muốn nói lên.

Nói tóm lại, con người tìm kiếm Thiên Chúa vì con người muốn hướng về: nguồn Chân-Thiện-Mỹ (chỉ có ở nơi Thiên Chúa), về nguồn mà từ đó con người được dựng nên, về nguồn mà con người tìm được sự no thỏa, bình an và hạnh phúc lâu dài, sung mãn. Vậy con những tôn giáo khác vẫn còn những người chưa nhận biết Thiên Chúa thì sao? Những tôn giáo khác cũng chính là những công cụ mà ngang qua đó Thiên Chúa giúp con người “một cách nào đó” gián tiếp nhận ra Ngài, hoặc như những dấu chỉ của Ngài.

"Hạnh phúc thay những tâm hồn tìm kiếm Thiên Chúa" (Tv 105,3). Cách chung mà nói, cho dù con người có thể quên lãng hay chối từ Thiên Chúa, Thiên Chúa vẫn không ngừng kêu gọi mỗi người tìm kiếm Người để được sống và được hạnh phúc. Nhưng sự tìm kiếm này đòi hỏi con người vận dụng tất cả trí tuệ, ý chí chính trực, "một lòng ngay thẳng", và phải có cả chứng từ của người khác hướng dẫn họ kiếm tìm Thiên Chúa.(số 30, sách GLHTCG)

Lạy Chúa, Chúa cao cả và đáng muôn lời ca ngợi: quyền năng Chúa lớn lao và trí tuệ Chúa khôn lường. Và con người, một phần nhỏ bé của muôn loài Chúa đã tạo nên, lại dám nghĩ có thể ca ngợi Chúa ; mặc dù chính con người đó, với số kiếp phù du, mang nơi mình tang chứng của tội lỗi và dấu chứng Chúa chống lại kẻ kiêu căng. Dù sao, con người, phần nhỏ bé của muôn loài Chúa đã tạo nên, muốn ca ngợi Chúa. Chính Chúa thúc giục con người làm như vậy, khi cho họ tìm được sướng vui trong lời ngợi khen Chúa, vì Chúa đã tạo dựng chúng con cho Chúa, và lòng chúng con vẫn khắc khoải bao lâu chưa được nghỉ ngơi trong Chúa (Th. Âu-tinh, tự thuật 1.1,1).

Minh Đức S.J.

[1] Thời Sự Thần Học, Số 11 tháng 3/98.CON NGƯỜI nhân linh ư vạn vật, p. 24-25.

Chút cảm nghiệm tại viện dưỡng lão Lai Ổn

1.      TÌNH YÊU LÀ GÌ?

Tình yêu là cái chi chi…

Để cho ta phải sầu bi lụy tình.

Để rồi sầu khổ một mình,

Năm canh lẻ bóng, lệ tình tuôn rơi.

Yêu là chi! ta mang phải,

Đọa đầy số kiếp, khổ dại tầm thân.

Để thêm vương vấn bụi trần,

Để cho hồn phải chết lần vì yêu.

Yêu là thế, xin người đừng biết.

Đừng tập yêu, mà khổ vì yêu.

Nếu yêu nhiều, khổ thêm nhiều,

Nhưng tình yêu, mang đến nhiều mến thương.

 

2.      CHÚA ƠI! CUỘC ĐỜI NÀY…

Chúa ơi! Bao giờ con mới thoát

Cảnh đọa đầy, hình phạt của thế gian

Trong kiếp người, số phận lang thang

Thân xác sống, hồn đi hoang lạc lõng

Từng tiếp nối, mối hận thù mang máu nóng

Đem oan thù, vào cuộc sống hôm nay

Chúa ơi! Có hiểu sự đắng cay

Của những kẻ, đang sống vay tình ái

Xin thua thiệt, để người đời được thắng

Và cam đành, nằm trong tấm ván hơn oan

Chỉ nguyện cầu, khi phủ nắp áo quan

Vuông lụa trắng che thế gian đen tối.

 


3.      ĐÁM DỖ CHA

Rồi hôm nay, con sẽ làm đám dỗ cha

Cha thấy không, con của cha chẳng quên nguồn

Con sẽ thắp nhang, ngập ngừng lau ngấn lệ

Di ảnh cha hiền, con sẽ cất giữ luôn

Nhớ lại lúc mặc đồ tang trắng

Đưa tiễn cha hiền, về lòng đất thiên thu

Trời nghĩa địa, hôm nay không có nắng

Ôi! Mặt trời xót xa, nên mặt trời buồn

Khi còn sống, cha thường khuyên con hãy:

Sống cuộc đời, trọn vẹn nghĩa yêu thương.

 

4.      CHẾT!

Người nằm xuống, ngàn năm say giấc ngủ

Xuôi sự đời, chối bỏ lại sau lưng

Chung quanh người, đông bạn bè ngày cũ

Họ nhìn người, mà nước mắt rưng rưng.

(Chúa nhật 21/6/2020, VDL Lai Ổn, Đồng Nai)

“Trăm năm còn có gì đâu,

Chẳng qua một nắm cỏ khâu xanh rì” (T. Kiều)

“Trải qua một cuộc bể dâu,

Những điều trông thấy còn đâu nữa mà.

Mai sau về với ông bà,

Núp sau nải chuối, ngắm gà khỏa thân.” 


Minh Đức S.J.

KINH NGHIỆM VỀ SỰ “BỪNG TỈNH THIÊNG LIÊNG”

KINH NGHIỆM VỀ SỰ “BỪNG TỈNH THIÊNG LIÊNG”

Nếu có ai đó hỏi tôi: đâu là khoảng thời gian để lại cho bạn nhiều kỉ niệm đẹp, nhiều dấu ấn không phai…? Tôi sẽ mạnh dạn trả lời đó là khoảng thời gian tôi bước vào tuổi hai mươi. Thật vậy, có lẽ mỗi người đều có một tầm tuổi thanh xuân tươi mới, rực sáng với những khát khao, hoài bão mới tinh, hay những dự phóng chưa khô mực…Khoảng thời gian năm thứ hai của đại học, lúc đó tôi được hai mươi tuổi, có lẽ đó là lúc tôi chính thức bước chân vào cuộc đời, tiếp xúc với thế giới quan rộng mênh mông. Tôi mở rộng tương quan với mọi vấn đề, nhiều con người, với những môi trường khác nhau… Mở ra trong tôi nhiều sự hiểu biết mới lạ, phong nhiêu…nhưng cũng có nhiều điều làm tôi ngỡ ngàng, bàng hoàng, và hoang mang.

Đã nhiều lần tôi tự hỏi mình với những câu hỏi rất hiện sinh. Chẳng hạn như: tôi là ai? Tôi sống ở đời này để làm gì? Đâu là ý nghĩa cuộc đời này? Chết rồi, tôi sẽ đi về đâu? Điều gì là quan trong nhất?...rất nhiều vấn nạn nhân sinh hiện đến với tôi. Có lẽ nhiều người thắc mắc, tại sao một thanh niên mới lớn không lao đầu vào học tập, phát triển những kỹ năng, tài năng vượt trội hơn về thể thao, nghệ thuật hay học vấn…mà lại mang nặng ưu tư như những ông cụ già trầm lắng suy tư về thân phận con người và cuộc đời này?

Đúng vậy, tôi không biết vì sao điều đó xảy ra với tôi, nhưng tôi biết một điều là lúc đó tôi rơi vào cảm giác cô đơn, trống vắng nội tại cách kỳ lạ. Ngoài giờ lên giảng đại học để thu lượm kiến thức chuyên môn, sau đó tôi về nhà trọ, sắp xếp những công việc sinh hoạt cá nhân như: nấu ăn, giặt dũ, dọn dẹp nhà cửa, rảnh rỗi đọc sách báo, hoặc thổi sáo ngân nga…chiều tối đi nhà thờ gần đó dự lễ nguyện kinh… Bạn bè, công việc, sinh hoạt…mọi công việc, mọi tương quan tôi đều cảm thấy khá đầy đủ, hợp lý…nhưng trong lòng tôi vẫn cảm thấy nỗi trống vắng, và khao khát điều gì đó để làm no thỏa lòng mình.

Cho đến một ngày kia, có một cô gần xóm trọ, là người công giáo. Cô thường đi lễ nhà thờ buổi chiều và tôi thường gặp gỡ, trò chuyện với cô. Đột nhiên, một ngày kia, nghe tin cô bị đột tử, lòng tôi bàng hoàng, hụt hẫng, hoang mang…Mới chiều qua khi đi lễ, tôi còn gặp cô lúc lên cầu thang, cô mỉm cưởi hiền hậu với tôi…mà nay, cô đã vĩnh viễn ra đi, không một lời từ ly…Ngày tôi tiễn đưa cô ra nghĩa trang buồn mà lòng tôi nặng trĩu. Tôi buồn một phần vì sự ra đi của cô trong xóm đạo, nhưng dường như có một nỗi buồn khác, nỗi buồn của kẻ mới lớn, đang rực lửa thanh xuân, nhiệt huyết cho đời và cho người, khi thấy sự chết thống trị con người kẻ ấy ngại ngần, dấn thân.

Ôi! Thân phận con người mong manh như hoa sớm nở tối tàn, lung lay trước gió muôn vàn hiểm nguy…Nghĩa trang buồn nằm trên khu đất cao, ngàn mây hững hờ trôi qua…để lại bóng sầu ghi chốn điêu linh…không có ai, không có ai cả…ngoài tiếng chim cú ru rú, ai oán…gọi nhau, và vài rạng thông vi vu trong gió chiều…mang theo một ít cát bụi hư vô…Người nằm xuống giã từ trần gian, về lòng đất mẹ…giã từ cuộc đời, phận người lữ hành đã qua…và mong manh đi vào viễn du, một cõi thiên thu…Bâng khuâng, tôi tự hỏi mình làm sao lau khô nước mắt nhân gian…hão huyền, dối trá và đảo điên…đâu là điều quan trọng nhất trong cuộc đời này? Và rồi năm trăm năm nữa tôi sẽ ở đâu? Trong nấm mộ này ư?

Đêm đó, nằm trên gác trọ, ánh trăng đêm rằm rọi chiếu vào vuông cửa sổ, dường như ánh trăng cũng đang thao thức với tôi. Đau khổ, sự chết, chia ly…là gì mà sao nó ôm trọn kiếp nhân sinh này? Cạnh bên là chiếc điện thoại rên rỉ: “…bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi, đi đâu lanh quanh cho đời mỏi mệt…trên hai vai ta đôi vâng nhật nguyệt, dọi suốt trăm năm một cõi đi về…” Về đâu? Tôi tự hỏi mình. Không lẽ cuộc đời này con người hiện hữu chóng vánh, hiện diện vô minh thế sao? Cuộc đời tôi như đốm lửa rực sáng giữa đêm tối rồi tắt lịm… Umh…hai mươi tuổi chẳng là gì so với với một thế kỷ, và chẳng có nghĩa lý gì so với trường kỳ vạn kiếp, vĩnh cửu, thiên thu.

Đêm âm u, gió vi vu, tôi tự nhủ: Hãy nói về cuộc đời này khi tôi không còn nữa…sẽ lấy được những gì về bên kia thế giới…ngoài trống vắng mà thôi… đời ơi và người ơi…cuộc đời…cuộc đời cho tôi tiếng nói đôi khi vui tươi…cuộc đời cho tôi tiếng nói…đôi khi ngậm ngùi…gió núi bay qua lao xao, thì thào… núi đứng quanh năm, đất muôn đời nằm…. riêng tôi rộn ràng…đứng giữa thiên nhiên cánh chim nhẹ nhàng, mây trôi lẹ làng…riêng tôi nặng nề…Trong vũ trụ, thiên nhiên này…sao lòng tôi còn nặng nề quá!…tôi muốn đi tìm lẽ sống nhân sinh cho cuộc đời mình, tôi muốn được tự do, thanh thoát, an nhiên, hạnh phúc trong cuộc đời này. Thế nhưng, tìm ở đâu và tìm như thế nào?

Đêm khuya êm ả dần trôi, gió đông về hơi sương lành lạnh, tôi bật đèn học lên, mở Kinh Thánh ra, như tìm một khai sáng cho lúc này. Thánh vịnh 90 làm tôi sửng sốt: “Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi, mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ, cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi.” (Tv 90,10). Ôi Chúa ơi! Đời là bể khổ, qua được bể khổ là qua đời ư? Con thấy buồn chán, hoang mang về cuộc đời này quá Chúa ơi! Tôi thì thầm, thủ thỉ với bức hình Chúa Giêsu trên bàn học. Tôi tắt đèn đi, mở nhạc thánh ca để trầm mặc tâm tư.

“…Cuộc sống như sóng xô biển khơi…biển khơi nơi nơi đầy sóng gió…thuyền trôi dạt đây đó, đời con hiểm nguy khôn dò…bỗng nhiên, Ngài đến trong đời con…lòng con đâu ngỡ rằng là Chúa…” Tôi chợt nhớ lại bài Tin Mừng Chúa Giêsu đi trên mặt biển đến với các môn đệ. Tôi mường tượng ra cảnh các môn đệ mệt mỏi chèo chống với gió bão cả đêm, bỗng nhiên Chúa Giêsu đến, nguồn hy vọng tươi sáng của các ông…Chúa Giêsu đã làm cho sóng yên, biển lặng…Có Chúa Giêsu bước vào thuyền, mọi sự được yên ổn.

Ồ hay nhỉ! Lòng tôi bừng sáng, tim tôi hân hoan. Chúa Giêsu bước vào thuyền, sao tôi không để Chúa Giêsu bước vào lòng mình, để biển bão lòng mình được bình yên? Lòng tôi bừng sáng niềm tin yêu hy vọng. Lúc đó, tôi gục đầu tựa bên lòng Chúa mà sướng vui khôn tả, có ai cảm thấu được tình yêu này không? Không, có lẽ đó là khoảnh khắc hạnh phúc nhất cuộc đời tôi, khi được Chúa Giêsu đến thăm, tôi vui mừng, hân hoan…tôi được đổi mới tấm lòng…tình mến đậm đà…tôi cảm thấy dường như đất trời nối kết, xe duyên…một kỷ nguyên mới mở ra với tôi…tâm hồn tôi bừng sáng ánh vinh quang… Ruột gan, nội tạng tôi như nhảy tung lên vì vui sướng, hạnh phúc tựa như một dàn hòa tấu đang nhịp đàn tấu khúc, hòa ngân véo von…

Đó là kinh nghiệm gặp Chúa Giêsu của tôi. Vâng! từ đó trong tôi từng cháy yêu thương, Chúa đã đến với tôi, Ngài khẽ gọi tôi, một phút chạm lòng mà dư hưởng mãi không vơi. Tôi thấy mình tràn ngập niềm vui, sức sống và tình yêu. Đó chính là nguồn vui, lẽ sống nhân sinh mà tôi đã và đang tìm kiếm. Nó không ở đâu xa, ở ngay trong lòng tôi, có Chúa và có tôi. Chúa Giêsu là nguồn động lực để tôi sống những tháng ngày sau này. Có thể nói Ngài là lý tưởng sống của tôi. Đức Giêsu đã đến, đụng chạm vào lòng tôi và mời tôi bước theo Ngài, gắn bó với Ngài, thuộc trọn về Ngài…và đặt Ngài làm nền tảng, cùng đích cuộc đời mình.

Đang khi lòng rộn ràng, tràn ngập niềm vui, hân hoan đó, cảm hứng dâng lên, tôi đã ghi lại bài thơ này như một kỷ niệm được Chúa đụng chạm đến giữa nhưng hoang mang, lỡ làng của kiếp người.


“Cuộc đời như sóng biển khơi,

Thân con như chiếc thuyền bơi xa bờ.

Biển khơi đầy những bất ngờ,

Sóng xô bão táp, đang chờ đợi con.

Đức tin như đã hao mòn,

Bỗng nhiên Chúa đến, cùng con lúc này.

Hồn con như chợt bừng say,

Nhận ra chính Chúa, đêm ngày trong con.

Khát khao trong Chúa mỏi mòn,

Tình con yêu Chúa vẹn tròn thiên thu.

Và con cũng muốn đi tu,

Noi gương theo Chúa Giêsu trọn đời.

Bỏ đi quyến rũ ngoài đời,

Vào Dòng thề hứa một đời hiến dâng.

Khó nghèo, khiết tịnh, thanh bần,

Truyền rao Lời Chúa, dấn thân đến cùng.

Tình yêu cốt ở thủy chung,

Con cần gắn bó ở cùng Chúa luôn.

Cho dù khốn khó gian truân.

Chúa là ánh sáng, là nguồn ủi an.

Niềm vui hạnh phúc ngập tràn.

Đời con có Chúa muôn vàn thỏa thuê.


 Minh Đức S.J. 

CON YÊU CHÚA MUỘN MÀNG!

CON YÊU CHÚA MUỘN MÀNG


 


Tình yêu là cái chi chi,

Để cho ta phải sầu bi lụy tình.

Để rồi sầu khổ một mình,

Năm canh lẻ bóng, lệ tình tuôn rơi.

Tình yêu như là cuộc chơi,

Theo tình, tình chạy, tình đời đa mang.

Để rồi sầu khổ, gian nan,

Tâm hồn không có bình an đêm ngày.

Tình yêu có lúc đắng cay,

Như chén rượu đắng, mê say trong lòng.

Tình yêu khơi những khát mong,

Nỗi niềm hạnh phúc, hy vọng tương lai.

Tình yêu có lúc bi ai,

Là khi ta bị một ai “cắm sừng”.

Tình yêu bị chối thẳng thừng,

Người thương ta đã quay lưng chối từ.

Đau lòng với những bức thư,

Yêu thương trao gửi, chứng từ hôm nao.

Trách trời ông ở trên cao,

Tôi đây nào có lỗi nào hỡi ông?

Mà sao ông nỡ bất công,

Để thân tôi phải ra nông nỗi này?

Tình yêu mà biết thế này,

Thì không gắng sức, đắp xây đêm ngày.

Để cho tăm tối mặt mày,

Bao nhiêu phiền muộn đắng cay trong lòng.

 

 

Ngồi buồn nước mắt ròng ròng,

Hận đời bạc bẽo, bởi lòng đổi thay.

Lời thề hôm trước rất hay:

“Em thề sẽ sống đời này bên anh.

Tình mình như nước biển xanh.

Long lanh ánh nắng, thiên thanh da trời.

Em nguyện sẽ sống trọn đời,

Yêu anh thắm thiết, không ngơi anh à!”

Nghe mà thấy sướng quá ta!

Tình yêu đẹp quá! Đúng là “thiên duyên.”

Mong trời chứng giám lời nguyền,

Để tình yêu mãi tinh tuyền, thủy trung.

 

 

Một khi nhuốm sắc trần tục,

Tiền tài đã khiến “vẩn đục” tình yêu.

“Hỡi người thiếu nữ yêu kiều,

Xin em định nghĩa tình yêu là gì?”

Mà sao em cứ so bì,

Người ta giàu có, và đi chơi nhiều.

Du lịch, mua sắm thật nhiều,

Đồ ăn, thức uống sớm chiều “đăng tin”.

Tình mình sao cứ lặng im,

Em đành khăn gói đi tìm người thương.

Than ôi! Cuộc sống vô thường,

Em đi tìm kiếm quân vương cho mình.

Một người hào phóng, đa tình,

Đẹp trai, giàu có, hết mình vì em…

 

 

…Ngồi trên xe máy cũ mèm,

Nhớ về quán cóc, xe kem hôm nào.

Những lần tình tứ, ngọt ngào,

Giờ đây ấm ức, lệ trào suối mi.

Trách mình nào có lỗi chi,

Mình nghèo chẳng có cái gì cho em.

Dặn lòng mình cũng không thèm,

Tình yêu vật chất, có đẹp gì đâu.

Nhưng lòng sao cứ khổ đau,

Đôi mình sẽ mãi, mất nhau trong đời.

 

Sao hôm đã mọc cuối trời,

Bầu trời đến lúc chuyển dời qua đêm.

Trăng soi lặng lẽ, êm đềm,

Gió đưa cành liễu, ngọt mềm, vi vu.

Trong lòng nhớ đến mùa thu,

Can-vê đồi vắng, Giê-su hôm nào.

Yêu thương, lặng lẽ hiến trao,

Nhục hình, khổ giá, máu đào chảy tuôn.

Khai thông mạch sống suối nguồn,

Hồng ân cứu thoát cho muôn muôn người.

Trong lòng tôi thấy vui tươi,

Giê-su mới đúng là người yêu tôi.

 

Thế là tôi hết đơn côi,

Một mình lặng lẽ tôi ngồi gẫm suy.

Tình yêu Thiên Chúa diệu kỳ,

Hy sinh mạng sống, chỉ vì yêu tôi.

Cứu tôi khỏi những lỗi tội,

Tựa như con kiến vẫy lội giữa sông.

Chúa là nơi chốn cậy trông,

Tựa như “Bạn Kiến,”[1] gánh gồng, dìu tôi.

Vượt qua gian khó, cuộc đời,

Hướng về Thiên Quốc, quê trời mai sau.

Thế trần còn lắm khổ đau,

Ngài mời tôi hãy mau mau giúp người.

Lan tỏa tình mến muôn nơi,

Giảng rao Lời Chúa, khắp nơi xa gần.

Những người nghèo đói cùng bần,

Hiện thân của Chúa đang cần chúng ta.

Xin đừng lặng lẽ tránh xa,

Như người phú hộ và Lazarô nghèo.

Người Samarianô, hãy noi theo,

Đó là cung cách, nẻo đường Chúa mong.

Sống đời thanh khiết, sạch trong,

Đó là gương sáng trong lòng tha nhân.

Khó nghèo lối sống thanh bần,

Như lời cảm hóa muôn phần thanh cao.

Vâng phục Thánh Ý Chúa trao,

“Vui mừng dâng hiến, ngọt ngào Chúa thương.”

Bước đi giữa những dặm trường,

Để ta nghiệm thấy tình thương Chúa trời.

Ôi! Lòng Thương Xót tuyệt vời,

Đức Tin bảo chứng cuộc đời mai sau.

Cậy trông Thiên Chúa nhiệm màu,

Tâm tình yêu mến, đèn chầu tâm linh.

Một vài nguyện ước tâm tình,

Cúi xin Chúa hãy dủ tình xót thương.

Để không bận mắc tơ vương,

Nhẹ nhàng, thanh thoát con đường hiến dâng.

Minh Đức S.J.



[1] Thiên Chúa có nhiều cách thức để cứu độ con người. Ngài có thể phán một Lời là con người được cứu độ, thế nhưng Ngài không làm như thế, Ngài đã hạ cố  làm người để dùng cái chết để cứu chuộc con người như một minh chứng tình yêu của Ngài. Tôi như là con kiến giẫy dụa trong vũng nước, Chúa Giê-su như là Bạn Kiến, bơi ra giữa sông, và dìu tôi vào bờ, tôi cảm nhận được tình yêu từ Ngài. Ngài cứu thoát tôi chỉ vì Ngài yêu tôi.