Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 20 tháng 8, 2023

Đạo Đức Nhân Đức

 Đạo Đức Nhân Đức

“Con người tuyệt hảo hệ ở nhân đức” trích trong sách, POOR RICHARD’S ALMANACK (1736) của Benjamin Franklin.



12.1. Đạo đức Nhân Đức và Đạo đức Hành động đúng đắn

Khi suy nghĩ về bất kỳ chủ đề nào đó, điều quan trọng là những câu hỏi nào chúng ta sẽ bắt đầu. Trong Đạo đức học Nicomachean của Aristotle (khoảng năm 325 trước Công nguyên), các câu hỏi trọng tâm là về tính cách. Aristotle bắt đầu bằng câu hỏi: điều tốt đẹp của con người là gì?” và câu trả lời của ông là “một hoạt động của tâm hồn phù hợp với nhân đức.” Sau đó, ông thảo luận về những nhân đức như lòng can đảm, tự chủ, quảng đại và trung thực. Hầu hết các nhà tư tưởng cổ đại tìm đến đạo đức bằng cách đặt câu hỏi: những nét tính cách nào khiến một người trở thành một người tốt? Kết quả là “các nhân đức” chiếm vị trí trung tâm trong các cuộc thảo luận của họ.

 Tuy nhiên, khi thời gian trôi qua, lối suy nghĩ này đã bị lãng quên. Với sự xuất hiện của đạo Ki-tô giáo, một loạt ý tưởng mới đã xuất hiện. Các tín hữu Ki-tô giáo, cũng giống như người Do Thái, đã xem Thiên Chúa như là Đấng ban phát lề luật, vì vậy họ coi việc giữ luật đó như là chìa khóa để sống công chính. Đối với người Hy Lạp, đời sống đức hạnh không thể tách rời khỏi đời sống lý trí. Nhưng thánh Augustine, nhà tư tưởng Ki-tô giáo có ảnh hưởng ở thế kỷ thứ tư, không tin vào lý trí và tin rằng lòng tốt mang tính luân lý phụ thuộc vào việc phục tùng Thánh ý Thiên Chúa. Do đó, khi các triết gia thời trung cổ thảo luận về các nhân đức, thì thảo luận đó nằm trong bối cảnh Luật thánh, và “các nhân đức đối thần” (theological virtues) là đức tin, đức cậy và đức mến và đức vâng lời thì chiếm vị trí nổi bật.

 Sau thời kỳ Phục hưng (1400–1650), triết học đạo đức lại trở nên thế tục hơn, nhưng các triết gia không quay trở lại lối suy nghĩ của người Hy Lạp. Thay vào đó, Luật thánh được thay thế bằng một thứ gọi là “Luật luân lý” (Moral Law). Luật luân lý, được cho là bắt nguồn từ lý trí của con người hơn là từ Thiên Chúa, đó là một hệ thống các quy tắc xác định hành động nào là đúng. Như đã đề cập, nhiệm vụ của chúng ta là phải tuân thủ những quy tắc đó. Do đó, các nhà triết học đạo đức hiện đại đã tiếp cận chủ đề đó bằng cách đặt một câu hỏi về cơ bản thì khác với câu hỏi của triết gia thời cổ đại. Thay vì hỏi những nét tính cách nào khiến ai đó trở thành người tốt? thì họ hỏi điều đúng đắn phải làm là gì? Điều này dẫn họ theo một hướng khác. Họ tiếp tục phát triển các lý thuyết, không phải về đạo đức, nhưng về sự công chính và nghĩa vụ:

 • Thuyết vị kỷ đạo đức: Mỗi người phải thực hiện bất cứ điều gì có thể thúc đẩy lợi ích của mình một cách tốt nhất.

• Lý thuyết khế ước xã hội: Điều đúng đắn cần làm là tuân theo các quy tắc mà những người có lý trí, tư lợi sẽ đồng ý tuân theo vì lợi ích chung của họ.

• Thuyết vị lợi: Người ta phải làm bất cứ điều gì để dẫn đến hạnh phúc nhất.

• Lý thuyết của Kant: Nhiệm vụ của chúng ta là tuân theo những quy tắc mà chúng ta có thể chấp nhận như những quy luật phổ quát - tức là những quy tắc mà chúng ta sẵn sàng cho mọi người tuân theo trong mọi hoàn cảnh.

Và đây là những lý thuyết đã thống trị triết học đạo đức từ thế kỷ XVII trở đi.

Chúng ta có nên quay trở lại đạo đức nhân đức? Tuy nhiên, một số triết gia gần đây đã đưa ra một ý tưởng cấp tiến. Họ nói rằng triết học đạo đức đã bị sụp đổ, và chúng ta nên quay trở lại lối suy nghĩ của Aristotle.

Điều này đã được đề xuất bởi Elizabeth Anscombe trong bài viết “Triết học đạo đức hiện đại” (1958). Anscombe tin rằng triết học đạo đức hiện đại đã sai đường lạc hướng vì nó dựa trên khái niệm không mạch lạc về “luật” mà không có người ban hành luật. Bà nói, chính những khái niệm về nghĩa vụ, bổn phận và công chính không thể tách rời khỏi khái niệm tự mâu thuẫn. Do đó, chúng ta nên ngừng suy nghĩ về nghĩa vụ, bổn phận và công chính, và quay lại cách tiếp cận của Aristotle. Các nhân đức một lần nữa cần chiếm vị trí trung tâm.

Sau bài báo của Anscombe, một loạt sách và tiểu luận xuất hiện thảo luận về các nhân đức, và Đạo đức Nhân đức nhanh chóng trở thành một lựa chọn ưu tiên một lần nữa. Trong phần tiếp theo, trước tiên chúng ta sẽ xem xét Đạo đức Nhân đức là như thế nào. Sau đó, chúng ta sẽ suy xét một số lý do khiến người ta ưa thích lý thuyết này hơn lý thuyết kia, những cách thức hiện đại hơn để tiếp cận chủ đề này. Cuối cùng, chúng ta sẽ xem xét liệu việc quay trở lại Đạo đức Nhân đức có đáng mong đợi hay không.

12.2. Các Nhân Đức

Một học thuyết về nhân đức nên có một vài yếu tố sau: một phát biểu để trả lời cho câu hỏi nhân đức là gì, một danh sách các nhân đức, một bản tường trình về những gì mà các đức tính này bao gồm, và một sự giải thích cho việc tại sao những phẩm tính này được xem là tốt. Thêm vào đó, học thuyết cũng nên chỉ ra cho chúng ta biết rằng các nhân đức nơi mỗi người liệu có giống nhau hay là khác nhau giữa người này với người kia hay giữa nền văn hoá này với nền văn hoá kia?

Nhân Đức là gì? Aristotle nói rằng nhân đức là một nét tính cách thể hiện trong hành động theo thói quen. Từ “thói quen” ở đây rất quan trọng. Ví dụ, nhân đức trung thực không thuộc về một người chỉ thỉnh thoảng nói sự thật hoặc chỉ nói sự thật khi điều đó có lợi cho mình. Người trung thực thì thành thật một cách tự nhiên; hành động của họ "bắt nguồn từ một tính cách kiên định và không thể thay đổi."

 Nhưng điều này không có sự phân biệt nhân đức với tật xấu, vì tật xấu cũng có những nét tính cách thể hiện trong hành động theo thói quen. Phần khác của định nghĩa mang tính đánh giá: các nhân đức thì tốt, trong khi các tật xấu thì tệ. Vì vậy, một nhân đức là một đặc điểm đáng ca ngợi của tính cách được thể hiện trong hành động theo thói quen. Tất nhiên, với định nghĩa này sẽ không cho chúng ta biết những nét tính cách nào là tốt hay xấu. Phần sau chúng ta sẽ làm sáng tỏ điều này bằng cách thảo luận về trong những cách thức nào mà một số nhân đức cụ thể được xem là tốt. Còn lúc này, chúng ta có thể lưu ý rằng phẩm chất đạo đức là những phẩm chất sẽ khiến chúng ta tìm kiếm sự bầu bạn của ai đó. Như Edmund L. Pincoffs (1919–1991) đã nói: “Có một vài kiểu người khiến chúng ta thích hơn; và cũng có những người khác làm chúng ta xa tránh. Các thuộc tính trong danh sách [nhân đức và tật xấu] của chúng ta có thể là lý do để ưa thích hoặc tránh né.”

 Chúng ta nhìn mọi người với các mục đích khác nhau và điều này ảnh hưởng đến những nhân đức nào có liên quan. Khi tìm kiếm một thợ sửa xe, chúng ta muốn tìm một người khéo léo, trung thực và tận tâm; khi tìm kiếm một giáo viên, chúng ta muốn tìm một người có kiến thức, ăn nói lưu loát và kiên nhẫn. Như vậy, nhân đức của nghề sửa xe khác với nhân đức của nghề dạy học. Nhưng chúng ta cũng đánh giá con người với tư cách là con người, một cách tổng quát hơn, chúng ta cũng có khái niệm về một người tốt. Các nhân đức luân lý thuộc về những con người như vậy. Vì vậy, chúng ta có thể định nghĩa một nhân đức luân lý là một nét tính cách, được thể hiện trong hành động theo thói quen và sẽ là tốt cho bất kỳ ai có được nó.

Những nhân đức là gì? Con người nên trau dồi những nét tính cách nào? Không thể trả lời một cách ngắn gọn được, nhưng bảng dưới đây là một phần của danh sách:

Quảng đại

Lễ độ

Lòng trắc ẩn

Tính ngay thẳng

Sự hợp tác

Lòng can đảm Không thiên vị

Thân thiện

Khoan dung

Trung thực

Cần cù

Công bằng Kiên nhẫn

Thận trọng

Biết suy nghĩ

Kỷ luật bản thân

Biết tự lực

Tế nhị Phép lịch sự

Đáng tin cậy

Trung thành 

Tiết độ

Chín chắn

Lòng khoan dung

Dĩ nhiên danh sách này có thể được mở rộng

Những đức tính này bao gồm những gì? Cách chung, chúng ta có thể trả lời rằng chúng ta nên có lương tâm, từ bi và khoan dung; nhưng cũng có thể đưa ra câu trả lời chính xác về những đặc nét riêng của mỗi đặc tính là gì. Mỗi nhân đức đều có những đặc điểm nổi bật riêng và đặt ra những vấn đề cụ thể của riêng nó. Hãy xem xét bốn ví dụ sau.

1. Lòng can đảm. Theo Aristotle, các nhân đức là điểm giữa hai thái cực: Một nhân đức là “trung điểm giữa hai tật xấu: một cái thái quá và một cái thiếu hụt”. Lòng can đảm là điểm giữa hai thái cực: sự hèn nhát và bốc đồng - chạy trốn khỏi mọi nguy hiểm là hèn nhát, nhưng liều lĩnh quá mức thành ra bốc đồng.

Lòng can đảm đôi khi được cho là một nhân đức mang tính chiến đấu bởi vì những người lính rõ ràng cần phải có nó. Nhưng những người lính không phải là những người duy nhất cần có lòng can đảm. Tất cả chúng ta đều cần lòng can đảm, và không chỉ khi chúng ta đối mặt với mối nguy hiểm tiềm tàng, chẳng hạn như quân địch hoặc một con gấu xám. Đôi khi chúng ta cần có lòng can đảm để đối diện với những tình huống không mấy dễ chịu. Cần có lòng can đảm để xin lỗi. Nếu một người bạn đang đau buồn, bạn cần có lòng can đảm để trực tiếp hỏi thăm người ấy xem họ ấy thế nào. Cần có lòng can đảm để tình nguyện làm điều gì đó tốt đẹp mà bạn không thực sự muốn làm.

Nếu chúng ta chỉ xem xét những trường hợp thông thường, bản chất của lòng can đảm dường như không có vấn đề gì. Nhưng trong những tình huống bất thường lại gây ra nhiều trường hợp rắc rối hơn. Hãy xem xét trường hợp của 19 tên không tặc đã sát hại gần 3.000 người vào ngày 11 tháng 9 năm 2001. Họ đối mặt với cái chết chắc chắn, rõ ràng là không hề nao núng, nhưng vì một mục đích xấu xa. Họ có lòng can đảm không? Nhà bình luận chính trị người Mỹ Bill Maher đã ngụ ý rằng họ có lòng can đảm - và vì vậy ông phải đóng chương trình của mình, Politically Incorrect. Nhưng Maher có đúng không? Nhà triết học Peter Geach sẽ không nghĩ như vậy. Ông ấy cho rằng: “Lòng can đảm vì một mục đích không xứng đáng thì không phải là một nhân đức; không có sự can đảm trong một nguyên nhân xấu xa. Thật vậy, tôi không muốn gọi việc đối mặt với nguy hiểm một cách phi đạo đức này là 'lòng can đảm'.”

Thật dễ dàng để thấy quan điểm của Geach. Việc gọi một kẻ khủng bố là “can đảm” dường như để khen ngợi màn trình diễn của hắn, và chúng ta không muốn nói lên điều đó. Nhưng mặt khác, nói rằng hắn ta không dũng cảm thì có vẻ không đúng lắm - vì xét cho cùng, hãy nhìn cách hắn ta cư xử khi đối mặt với nguy hiểm. Để giải quyết vấn đề nan giải này, có lẽ chúng ta chỉ nên nói rằng hắn ta thể hiện hai phẩm chất của tính cách, một là sự kiên định đáng ngưỡng mộ khi đối mặt với nguy hiểm) và một là đáng ghê tởm (sẵn sàng giết người vô tội). Hắn ta có lòng can đảm, như Maher gợi ý, và lòng can đảm là một điều tốt; nhưng vì lòng can đảm của hắn ta được sử dụng cho một mục đích xấu xa như vậy, nên hành vi của hắn ta nói chung là cực kỳ xấu xa.

2. Lòng quảng đại. Lòng quảng đại là một thái độ sẵn sàng trao tặng người khác những gì mình có. Một người có thể quảng đại về bất kỳ năng lực nào của mình—ví dụ như thời gian, tiền bạc hoặc kiến thức. Aristotle nói rằng sự quảng đại, giống như lòng dũng cảm, là một điểm giữa hai thái cực: Nó rơi vào giữa keo kiệt và phung phí. Người keo kiệt cho quá ít; kẻ phung phí cho quá nhiều; người quảng đại chỉ cho đúng số lượng. Nhưng số lượng bao nhiêu là vừa phải? Một bậc thầy cổ xưa khác, Đức Giê-su người Nazareth, nói rằng chúng ta phải cho người nghèo tất cả những gì chúng ta có. Chúa Giê-su cho rằng sở hữu của cải trong khi người khác đang chết đói là sai trái. Những người nghe Chúa Giê-su nói, họ thấy sự dạy dỗ của Ngài quá khắt khe, và họ thường khước từ nhũng giáo huấn này. Bản chất con người không thay đổi nhiều trong 2.000 năm qua: ngày nay, rất ít người làm theo lời khuyên của Chúa Giê-su, ngay cả trong số những người tự xưng mình là ngưỡng mộ Ngài.

Về vấn đề này, những người theo chủ nghĩa vị lợi hiện đại là những người hậu duệ đạo đức của Chúa Giê-su. Họ cho rằng trong mọi tình huống, chúng ta có nhiệm vụ làm bất cứ điều gì mang lại lợi ích tổng thể tốt nhất cho người khác. Điều này có nghĩa là chúng ta nên quảng đại trong việc cho đi tiền bạc của mình trong việc giúp đỡ người khác cho đến khi việc cho đi nhiều hơn sẽ gây hại cho chính chúng ta. Nói cách khác, chúng ta nên cho đi cho đến khi chính chúng ta trở thành người nhận xứng đáng nhất số tiền còn lại trong tay. Nếu chúng ta làm điều này, thì chúng ta sẽ trở nên nghèo khó.

Tại sao mọi người chống lại ý tưởng này? Lý do chính có thể là vì tư lợi; chúng ta không muốn trở nên túng quẫn. Nhưng việc cho đi này không chỉ ở tiền bạc; nó còn về thời gian và sức lực. Việc áp dụng một chính sách như vậy sẽ khiến chúng ta không thể sống cuộc sống bình thường. Cuộc sống của chúng ta sẽ phải bao gồm các dự án và các mối quan hệ, đòi hỏi sự đầu tư đáng kể về tiền bạc, thời gian và công sức. Một lý tưởng “rộng lượng” đòi hỏi chúng ta quá nhiều, sẽ buộc chúng ta phải từ bỏ cuộc sống hàng ngày. Chúng ta phải sống như những vị thánh.

Do đó, một cách giải thích hợp lý về sự hào phóng có thể như thế này: Chúng ta nên có lòng quảng đại trong việc sử dụng các nguồn lực của mình nhất bao nhiêu có thể trong khi vẫn tiếp tục cuộc sống bình thường của mình. Nhưng ngay cả cách giải thích này cũng để lại cho chúng ta một vấn đề khó xử. “Cuộc sống bình thường” của một số người khá xa hoa - hãy nghĩ về một người giàu đã quen với những thứ xa xỉ. Chắc chắn một người như vậy không thể sống rộng lượng trừ khi anh ta sẵn sàng bán chiếc du thuyền của mình để nuôi những người đói khổ. Nhân đức rộng lượng dường như không thể tồn tại trong bối cảnh của một cuộc sống quá xa hoa. Vì vậy, để làm cho cách giải thích về sự rộng lượng này trở nên “hợp lý”, quan niệm của chúng ta về cuộc sống bình thường không được quá xa hoa.

3.Trung thực. Người trung thực là người trước hết không nói dối. Nhưng như vậy đã đủ chưa? Nói dối không phải là cách duy nhất để đánh lạc hướng mọi người. Geach kể câu chuyện về thánh Athanasius, người đang chèo thuyền trên sông thì những kẻ bắt bớ người chèo thuyền ngược chiều hỏi người: “Kẻ phản bội Athanasius đâu rồi?'

“Không xa đâu,” vị thánh vui vẻ trả lời, và chèo thuyền qua họ mà họ không nghi ngờ gì.

Geach tán thành sự mưu mẹo của vị thánh, mặc dù ông không tán thành việc vị thánh nói dối trắng trợn. Theo Geach, nói dối luôn bị cấm: một người có đức tính trung thực thậm chí sẽ không bao giờ suy nghĩ đến việc đó. Người trung thực không nói dối; vì vậy, họ phải tìm những cách khác để đạt được mục tiêu của mình. Athanasius đã tìm ra một cách như vậy, ngay cả trong tình trạng khó khăn của mình. Thánh nhân không nói dối những kẻ theo đuổi mình; ngài “chỉ” đánh lừa họ. Nhưng liệu rằng lừa dối có phải là không trung thực không? Tại sao một số cách đánh lừa mọi người lại không trung thực, còn những cách khác thì trung thực? Để trả lời câu hỏi đó, chúng ta hãy nghĩ xem tại sao ngay từ đầu sự trung thực lại là một nhân đức tốt. Tại sao trung thực là tốt? Một phần lý do là vì xét về quy mô lớn: Nền văn minh phụ thuộc vào nó. Khả năng chung sống trong cộng đồng của chúng ta phụ thuộc vào khả năng giao tiếp của chúng ta. Chúng ta nói chuyện với nhau, đọc bài viết của nhau, trao đổi thông tin và ý kiến, bày tỏ mong muốn của mình với nhau, hứa hẹn, hỏi và trả lời câu hỏi, v.v. Nếu không có những loại trao đổi này, cuộc sống xã hội sẽ không làm nên cuộc sống của chính nó. Nhưng mọi người phải trao đổi cách trung thực để chung sống.

Ở quy mô nhỏ hơn, khi chúng ta tin lời người khác, chúng ta khiến mình dễ bị tổn thương trước họ. Bằng cách chấp nhận những gì họ nói và sửa đổi hành vi của mình cho phù hợp, chúng ta đặt phúc lợi của mình vào tay họ. Nếu họ nói đúng sự thật, thì mọi việc đều tốt đẹp. Nhưng nếu họ nói dối, thì chúng ta sẽ có niềm tin sai lầm; và nếu chúng ta hành động theo những niềm tin đó, thì chúng ta sẽ làm những điều dại dột. Chúng ta tin tưởng họ, và họ đã phản bội lòng tin của chúng ta. Không trung thực là thao túng. Ngược lại, những người trung thực đối xử với người khác bằng lòng tôn trọng.

Nếu những ý tưởng này giải thích tại sao trung thực là một nhân đức tốt, thì dối trá và “những sự thật lừa dối” đều không trung thực. Xét cho cùng, cả hai kiểu lừa dối đều đáng bị phản đối vì những lý do giống nhau. Cả hai đều có cùng một mục tiêu: mục đích của nói dối và lừa dối là làm cho người nghe có một niềm tin sai lầm. Ví dụ, thánh Athanasius đã khiến những kẻ truy bắt ông tin rằng ngài thực tế không phải là Athanasius. Nếu thánh Athanasius nói dối những kẻ tìm bắt mình, thay vì chỉ đơn thuần lừa dối họ, thì lời nói của ông cũng sẽ nhằm cùng một mục đích. Bởi vì cả hai hành động đều nhắm vào niềm tin sai lầm, cả hai đều có thể phá vỡ sự vận hành trơn tru của xã hội và cả hai đều vi phạm lòng tin. Nếu bạn buộc tội ai đó nói dối bạn, và người ấy đáp lại bằng cách nói rằng họ không nói dối – họ “chỉ” lừa dối bạn thôi - thì bạn sẽ không có cảm tình. Dù bằng cách nào, họ đã lợi dụng lòng tin của bạn và khiến bạn tin vào điều gì đó sai trái. Người trung thực sẽ không nói dối hay lừa dối.

Nhưng có phải người trung thực sẽ không bao giờ nói dối? Ví dụ của Geach khi đặt ra câu hỏi liệu nhân đức có đòi hỏi phải tuân thủ các quy tắc tuyệt đối hay không. Hãy phân biệt hai quan điểm:

1. Một người trung thực sẽ không bao giờ nói dối hay lừa gạt ai.

2. Một người trung thực sẽ không bao giờ nói dối hoặc lừa gạt ai ngoại trừ một số trường hợp hiếm hoi khi có những lý do thuyết phục để làm như vậy.

Bất chấp sự phản đối của Geach, vẫn có những lý do chính đáng để ủng hộ quan điểm thứ hai, ngay cả khi nói dối.

Đầu tiên, hãy nhớ rằng sự trung thực không phải là điều duy nhất chúng ta coi trọng. Trong một tình huống cụ thể, một giá trị nào đó có thể được ưu tiên hơn - ví dụ: giá trị của sự tự bảo tồn. Giả sử thánh Athanasius đã nói dối và nói, “Tôi không biết kẻ phản bội đó ở đâu,” và kết quả là, những kẻ truy đuổi ông ta đã lao vào một cuộc rượt đuổi ngông cuồng. Bấy giờ, mạng sống của thánh nhân sẽ được bảo đảm. Nếu điều này đã xảy ra, hầu hết chúng ta sẽ tiếp tục coi thánh Athanasius là người trung thực. Trong hoàn cảnh đó, thay vì nói ngài là một người không trung thực, chúng ta chỉ đơn thuần cho rằng ngài đã coi trọng mạng sống của mình hơn.

Hơn nữa, nếu xem xét tại sao tính trung thực là tốt, thì chúng ta có thể thấy rằng thánh Athanasius đã có lý khi nói dối những kẻ đuổi bắt mình. Rõ ràng, lời nói dối đó sẽ không làm gián đoạn hoạt động trơn tru của xã hội. Nhưng chẳng phải ít nhất nó đã vi phạm lòng tin của những người đang đuổi bắt ngài sao? Câu trả lời là, nếu nói dối là vi phạm lòng tin, thì nói dối là trái đạo đức, người mà bạn đang nói dối phải xứng đáng với sự tin tưởng của bạn. Nhưng trong trường hợp này, những người theo đuổi thánh nhân không xứng đáng với lòng tin của ngài, vì họ đã bắt bớ ngài một cách bất công. Vì vậy, ngay cả một người trung thực đôi lúc có đầy đủ lý do hợp lẽ để biện minh cho lời nói dối hoặc lừa dối của mình.

4. Lòng trung thành với bạn bè và gia đình. Tình bạn là điều cần thiết cho cuộc sống tốt đẹp. Như Aristotle đã nói, “Không ai chọn sống mà không có bạn bè, ngay cả khi anh ta có tất cả những thứ khác”:

Làm thế nào sự thịnh vượng có thể được bảo đảm và gìn giữ nếu không có bạn bè? Sự thịnh vượng của chúng ta càng lớn thì những rủi ro mà nó mang lại càng nhiều. Ngoài ra, trong nghèo đói và tất cả các loại bất hạnh khác, con người tin rằng nơi nương tựa duy nhất chính là bạn bè của họ. Bạn bè giúp người trẻ tránh phạm phải những lỗi lầm; còn đối với những người lớn tuổi, những người đang trong thời suy yếu do bệnh tật, nhận được sự chăm sóc và giúp đỡ cần thiết.

Tất nhiên, lợi ích của tình bạn vượt xa sự hỗ trợ về vật chất. Về mặt tâm lý, chúng ta sẽ lạc lối nếu không có bạn bè. Những thành công của chúng ta sẽ là trống rỗng nếu không có bạn bè để chia sẻ và chúng ta càng cần bạn bè hơn trong những lúc thất bại. Lòng tự trọng của chúng ta phụ thuộc phần lớn vào sự công nhận của bạn bè: Bằng cách đáp lại tình cảm của chúng ta, họ khẳng định giá trị con người của chúng ta.

Nếu chúng ta cần bạn bè, thì chúng ta cần những phẩm chất giúp chúng ta trở thành một người bạn. Lòng trung thành dường như đứng đầu danh sách. Bạn gắn bó với bạn bè của mình ngay cả khi mọi thứ đang trở nên tồi tệ và ngay cả khi, có những lời bên ngoài xúi rằng bạn nên từ bỏ họ. Những người bạn thì nhường nhịn nhau; họ tha thứ cho những hành vi phạm tội và kiềm chế những chỉ trích cay nghiệt. Tuy nhiên, đôi khi trước những giới hạn -  chỉ có bạn bè mới có thể cho chúng ta biết sự thật phũ phàng về bản thân mình. Nhưng những lời chỉ trích từ bạn bè có thể chấp nhận được vì chúng ta biết rằng họ không chối bỏ chúng ta.

Điều này không đồng nghĩa với việc chúng ta phủ nhận bổn phận của mình đối với người khác, những người xa lạ với chúng ta. Nhưng những bổn phận đó gắn liền với những nhân đức. Lòng tốt cách chung là một nhân đức, và nó có thể đòi buộc rất nhiều, nhưng nó không đòi hỏi mức độ quan tâm đối với người lạ cũng phải giống như đối với bạn bè. Cũng như vậy khi xét đến nhân đức công bằng. Nó đòi hỏi thái độ đối xử vô tư đối với tất cả mọi người. Thế nhưng bạn bè thì trung thành với nhau, và vì vậy khi bạn bè có dính líu đến một vụ bê bối nào đó, những đòi hỏi thuộc về sự công bằng cũng sẽ bớt đi, có khunh hướng du di hơn cho bạn bè của mình.

Chúng ta thậm chí gần gũi với các thành viên trong gia đình hơn là với bạn bè, vì vậy chúng ta có thể dành cho gia đình mình lòng trung thành và sự thiên vị nhiều hơn. Trong Euthyphro của Plato, Socrates được biết Euthyphro đã đến tòa án để truy tố chính cha mình về tội giết người. Ông bày tỏ sự ngạc nhiên về điều này và tự hỏi liệu một người con có nên buộc tội cha mình hay không. Euthyphro thấy không có gì sai trái vì đối với anh ta, một vụ giết người là một vụ giết người. Euthyphro có lý, nhưng chúng ta vẫn có thể bị sốc khi một người nào đó có thể có thái độ đối với cha mình giống như thái độ mà anh ta dành cho một người lạ. Chúng ta có thể nghĩ rằng một người thân trong gia đình không cần phải can dự vào một vấn đề pháp lý như thế. Điểm này được công nhận trong luật pháp Hoa Kỳ: Tại Hoa Kỳ, một người không thể bị buộc phải làm chứng trước tòa để chống lại chồng hoặc vợ của mình.

Tại sao các nhân đức lại quan trọng? Chúng ta đã nói rằng các nhân đức là những nét tính cách tốt đẹp mà con người nên có. Điều này đặt ra câu hỏi tại sao nhân đức lại tốt. Tại sao một người nên can đảm, quảng đại, trung thực hoặc trung thành? Câu trả lời có thể phụ thuộc vào nhân đức đang xét đến. Như vậy:

• Lòng can đảm là tốt vì chúng ta cần nó để đương đầu với nguy hiểm.

• Sự quảng đại là điều nên làm vì sẽ luôn có người cần giúp đỡ.

• Lòng trung thực là cần thiết vì nếu không có nó, mối quan hệ giữa con người với nhau sẽ trở nên tồi tệ theo mọi cách.

• Lòng trung thành là điều cần thiết cho tình bạn; bạn bè sát cánh bên nhau ngay cả khi những người khác sẽ quay lưng lại.

Danh sách này gợi ý rằng mỗi nhân đức có giá trị vì một lý do khác nhau. Tuy nhiên, Aristotle đưa ra một câu trả lời chung cho câu hỏi của chúng ta - ông nói rằng các nhân đức rất quan trọng bởi vì người có đức hạnh sẽ sống tốt hơn. Vấn đề không phải là người có đạo đức sẽ luôn giàu có hơn; vấn đề là chúng ta cần những đức tính để phát triển.

Để hiểu được quan điểm của Aristotle, chúng ta hãy suy nghĩ tới câu hỏi: chúng ta là ai và chúng ta sống như thế nào? Ở cấp độ chung nhất, chúng ta là những tạo vật có tính xã hội, muốn được chung sống với những người khác. Vì vậy, chúng ta sống trong các cộng đồng giữa gia đình, bạn bè và xã hội. Trong bối cảnh này, những phẩm chất như lòng trung thành, công bằng và trung thực là cần thiết để có được sự tương tác tốt với người khác. Ở cấp độ cá nhân hơn, chúng ta có thể có một công việc và theo đuổi những sở thích của mình. Những nỗ lực đó có thể đòi hỏi những nhân đức khác, chẳng hạn như sự kiên trì và siêng năng. Cuối cùng, một phần trong tình trạng chung của con người chúng ta là đôi khi chúng ta phải đối mặt với nguy hiểm hoặc cám dỗ, vì vậy cần có lòng can đảm và tự chủ. Do đó, tất cả các nhân đức đều có cùng một loại giá trị chung: Chúng đều là những phẩm chất cần thiết cho một đời sống tốt.

Các nhân đức nơi mọi người có giống nhau không? Cuối cùng, chúng ta có thể đặt câu hỏi liệu có một tập hợp các đặc điểm phù hợp với tất cả mọi người hay không? Chúng ta có nên nói về một kiểu người tốt, như thể tất cả những người tốt đều đến từ một khuôn mẫu? Friedrich Nietzsche (1844–1900) không nghĩ vậy. Theo lối nói cường điệu của mình, Nietzsche nhận xét:

Thật ngây thơ biết bao khi nói: “Con người phải thế này thế nọ!” Thực tế cho chúng ta thấy vô số kiểu loại đầy mê hoặc, sự phong phú của những cuộc ăn chơi xa hoa và việc thay đổi các hình thức - một nhà đạo đức học lười biếng khốn khổ nào đó đã bình luận: “Không! Con người phải khác đi.” Họ thậm chí còn biết con người phải như thế nào, kẻ cố chấp và tự cao khốn khổ này: anh ta vẽ mình lên tường và bình luận, “Ecce homo!” [“Đây là người!”]

Rõ ràng là có một cái gì đó cho điều này. Nhà học giả dành cả cuộc đời để tìm hiểu văn học trung cổ và người quân nhân chuyên nghiệp là những loại người rất khác nhau. Một phụ nữ thời Victoria không bao giờ để lộ chân nơi công cộng và một phụ nữ khỏa thân tắm nắng trên bãi biển có những tiêu chuẩn rất khác nhau về sự đoan trang. Tuy nhiên, đối với họ, mỗi kiểu tiêu chuẩn đều có thể phù hợp theo cách riêng của họ. Do đó, có thể thấy rõ rằng các nhân đức có thể khác nhau ở mỗi người. Bởi vì mọi người có những kiểu sống khác nhau, có những loại tính cách khác nhau và đảm nhận những vai trò xã hội khác nhau, nên những phẩm chất giúp họ phát triển có thể khác nhau.

Thậm chí có thể đi xa hơn nữa khi cho rằng giữa các xã hội sẽ có cách nhìn nhận về các nhân đức khác nhau. Xét cho cùng, một lối sống được xem là khả thi sẽ phụ thuộc vào các giá trị và thể chế chi phối trên một khu vực. Cuộc sống của một học giả chỉ có thể khả thi ở những nơi có được những tổ chức như các trường đại học, những tổ chức giúp cho việc nghiên cứu tri thức trở nên khả thi. Điều tương tự cũng có thể xảy ra khi trở thành một vận động viên, một linh mục, một geisha hay một chiến binh samurai. Những nét tính cách cần thiết để đảm nhận những vai trò đó sẽ khác nhau, và do đó, những đặc điểm cần thiết để sống thành công cũng sẽ khác nhau. Như vậy, các nhân đức sẽ khác nhau.

Về vấn đề này, có thể trả lời rằng có một số nhân đức nhất định sẽ cần thiết cho mọi người trong mọi thời đại. Đây là quan điểm của Aristotle, và có lẽ ông đã đúng. Aristotle tin rằng tất cả chúng ta đều có rất nhiều điểm chung, bất chấp sự khác biệt của chúng ta. Ông nói rằng “Người ta có thể quan sát khi một người đi đến những mảnh đất xa xôi, có cảm giác về việc hội nhập và sự công nhận, những thứ liên kết mọi người với nhau”. Ngay cả trong những xã hội khác biệt nhất, mọi người cũng phải đối mặt với những vấn đề cơ bản giống nhau và có những nhu cầu cơ bản giống nhau. Như vậy:

• Mọi người đều cần có lòng can đảm, bởi vì không ai (kể cả các học giả) luôn có thể tránh được nguy hiểm. Ngoài ra, mọi người cần có sự dũng cảm để chấp nhận rủi ro.

• Trong mọi xã hội, sẽ có một số người kém hơn những người khác; vì vậy, lòng quảng đại sẽ luôn được đánh giá cao.

• Trung thực luôn là một đức tính tốt vì không xã hội nào có thể tồn tại nếu không có sự giao tiếp đáng tin cậy.

• Ai cũng cần có bạn, và muốn có bạn thì trước hết phải là một người bạn; vì vậy, mọi người đều cần lòng trung thành.

Đối với Aristotle, danh sách này còn có thể mở rộng.

Tóm lại, có thể là đúng khi cho rằng trong các xã hội khác nhau có nhiều cách hiểu khác nhau về các nhân đức và có nhiều cách thế hành động khác nhau để thỏa đáng; và cũng có thể là đúng khi nhìn nhận giá trị của một nét tính cách sẽ thay đổi tùy theo từng người và từng xã hội. Nhưng sẽ không đúng khi nói rằng phong tục xã hội đóng vai trò quyết định trong việc xác định một đặc nét tính cách bất kỳ nào đó là một nhân đức. Những nhân đức chính yếu phải bắt nguồn từ một hoàn cảnh chung, tức từ chính thân phận con người của chúng ta.

12.3.Hai ưu điểm của Đạo đức Nhân đức

Đạo đức Nhân đức thường được cho là có hai điểm hạn chế.

1. Động cơ đạo đức. Đạo đức Nhân đức hấp dẫn bởi vì nó cung cấp một lối giải thích tự nhiên và thu hút về động cơ đạo đức. Hãy xem xét những điều sau đây:

Bạn đang nằm viện và dần hồi phục sau một căn bệnh.

Bạn cảm thấy buồn chán, vì vậy bạn rất vui khi Smith đến thăm. Bạn có một khoảng thời gian vui vẻ khi nói chuyện với anh ấy; chuyến thăm của anh ấy thực sự làm bạn vui lên. Một lúc sau, bạn nói với Smith rằng bạn rất vui khi được anh ấy ghé thăm, và cho rằng anh ấy thực sự là một người bạn tốt vì đã chịu khó đến gặp bạn. Nhưng, Smith nói, anh ấy chỉ đang làm nhiệm vụ của mình. Lúc đầu, bạn nghĩ rằng anh ấy chỉ khiêm tốn, nhưng bạn càng nói, bạn càng thấy rõ rằng anh ấy đang nói sự thật theo nghĩa đen. Anh ấy đến thăm bạn không phải vì muốn hay vì thích bạn, mà chỉ vì anh ấy nghĩ rằng mình nên “làm điều đúng đắn”. Anh ấy cảm thấy nhiệm vụ của mình là phải đến thăm bạn, có lẽ vì bạn là người khốn khổ hơn bất kỳ ai khác mà anh ấy biết.

Ví dụ này được triết gia người Mỹ Michael Stocker (1940 –) đưa ra. Như Stocker đã chỉ ra, bạn sẽ rất thất vọng khi biết động cơ của Smith; bây giờ chuyến thăm của anh ấy có vẻ lạnh lùng và tính toán. Bạn nghĩ rằng anh ấy là bạn của bạn, nhưng bây giờ bạn có suy nghĩ khác. Nhận xét về hành vi của Smith, Stocker nói: “Chắc chắn có điều gì đó thiếu sót ở đây – thiếu đi giá trị luân lý.”

Tất nhiên, không có gì sai với những gì Smith đã làm. Vấn đề là tại sao anh ấy làm vậy. Chúng ta coi trọng tình bạn, tình yêu và sự tôn trọng, đồng thời chúng ta muốn các mối quan hệ của mình dựa trên lòng yêu mến lẫn nhau. Hành động từ một ý thức trừu tượng về nghĩa vụ hoặc từ mong muốn “làm điều đúng đắn” là không giống nhau. Chúng ta không muốn sống trong một cộng đồng gồm những người chỉ hành động vì những động cơ như vậy, và bản thân chúng ta cũng không muốn trở thành một người như vậy. Do đó, các lý thuyết tập trung vào hành động đúng đắn không thể cung cấp một giải thích hoàn toàn thỏa đáng về đời sống đạo đức. Để làm được điều đó, chúng ta cần một lý thuyết nhấn mạnh những phẩm chất cá nhân như tình bạn, tình yêu và lòng trung thành - nói cách khác, một lý thuyết về các nhân đức.

2. Nghi ngờ về “lý tưởng” của tính công bằng. Một chủ đề nổi bật trong triết học đạo đức hiện đại là tính công bằng - ý tưởng rằng tất cả mọi người đều bình đẳng về mặt đạo đức và chúng ta nên coi lợi ích của mọi người đều quan trọng như nhau. Điển hình là Lý thuyết thực dụng. John Stuart Mill trong “Chủ nghĩa vị lợi,” viết “đòi hỏi [tác nhân đạo đức] phải nghiêm túc vô tư như một khán giả vô tư và nhân từ.” Cuốn sách bạn đang đọc cũng coi tính công bằng như một yêu cầu đạo đức cơ bản: Trong chương đầu tiên, tính công bằng đã được đưa vào “quan niệm tối thiểu” về đạo đức.

Tuy nhiên, người ta có thể nghi ngờ liệu tính công bằng có thực sự là một lý tưởng cao quý như vậy hay không. Hãy xem xét các mối quan hệ của chúng ta với gia đình và bạn bè. Liên quan đến lợi ích của gia đình và bạn bè, chúng ta có nên đối xử công bằng? Một người mẹ yêu thương con cái của mình và chăm sóc chúng tốt hơn những đứa trẻ khác. Cô ấy cư xử thiên vị với con cái của mình hết lần này đến lần khác. Nhưng có gì sai với điều đó? Đó không phải là cách mà một người mẹ nên làm sao? Một lần nữa, chúng ta yêu quý bạn bè của mình và sẵn sàng làm những điều tốt cho họ, những điều chúng ta sẽ không làm cho người khác. Có gì sai với điều đó? Mối quan hệ yêu thương là điều cần thiết cho cuộc sống tốt đẹp. Nhưng bất kỳ lý thuyết nào nhấn mạnh đến tính công bằng sẽ gặp khó khăn trong việc giải thích điều này.

Tuy nhiên, một lý thuyết đạo đức nhấn mạnh đến các nhân đức có thể dễ dàng giải thích cho tất cả những điều này. Một số nhân đức thì công bằng, còn số khác thì không. Lòng trung thành liên quan đến sự thiên vị đối với những người thân yêu và bạn bè; lòng quảng đại liên quan đến sự quan tâm bình đẳng cho tất cả mọi người. Điều cần thiết không phải là một số yêu cầu chung chung về tính công bằng, mà là sự hiểu biết về mối quan hệ của những đức tính này với nhau như thế nào.

12.4 Nhân đức và đức hạnh

Như chúng ta đã thấy, các lý thuyết nhấn mạnh hành động đúng dường như không đầy đủ vì chúng bỏ qua vấn đề về tính cách. Đạo đức nhân đức khắc phục vấn đề này bằng cách coi tính cách là mối quan tâm chính của nó. Nhưng kết quả là, Đạo đức Nhân đức có nguy cơ không hoàn thiện theo một hướng khác. Các vấn đề đạo đức thường là các vấn đề về những gì phải làm. Đâu là lý thuyết về nhân đức có thể cho chúng ta biết về sự lượng giá, không phải tính cách, nhưng là hành động?

Câu trả lời sẽ phụ thuộc vào tinh thần mà Đạo đức Nhân đức được đưa ra. Một mặt, chúng ta có thể kết hợp những đặc điểm tốt nhất của cách tiếp cận hành động đúng đắn với những hiểu biết sâu sắc rút ra từ cách tiếp cận nhân đức—chẳng hạn, chúng ta có thể cố gắng cải thiện Chủ nghĩa vị lợi hoặc Chủ nghĩa Kant bằng cách bổ sung cho chúng một lý thuyết về tính cách đạo đức. Điều này có vẻ hợp lý. Nếu vậy, thì chúng ta có thể đánh giá hành động đúng chỉ bằng cách dựa vào Chủ nghĩa vị lợi hoặc Chủ nghĩa Kant.

Mặt khác, một số tác giả tin rằng Đạo đức Nhân đức nên được hiểu như một giải pháp thay thế cho các lý thuyết khác. Những tác giả này tin rằng Đạo đức nhân đức tự nó là một lý thuyết đạo đức hoàn chỉnh. Chúng ta có thể gọi đây là Đạo đức Nhân đức Triệt để. Một lý thuyết như vậy sẽ nói gì về hành động đúng đắn? Hoặc nó sẽ cần phải loại bỏ hoàn toàn khái niệm “hành động đúng đắn”, hoặc nó sẽ phải đưa ra giải thích nào đó về ý tưởng mà bắt nguồn từ quan niệm tính cách nhân đức.

Nghe có vẻ điên rồ, nhưng một số triết gia đã lập luận rằng chúng ta nên loại bỏ những khái niệm như “hành động đúng đắn về mặt đạo đức”. Anscombe nói rằng “sẽ là một cải tiến lớn” nếu chúng ta ngừng sử dụng những quan niệm như vậy. Cô ấy nói, chúng ta vẫn có thể đánh giá hành vi là tốt hoặc xấu, nhưng chúng ta sẽ làm như vậy trong các phạm vi ngôn ngữ khác.

Thay vì nói rằng một hành động là “sai trái về mặt đạo đức”, chúng ta sẽ nói rằng hành động đó là “không khoan dung” hoặc “bất công” hoặc “hèn nhát”—những thuật ngữ này bắt nguồn từ ngôn ngữ của nhân đức. Theo quan điểm của cô ấy, những thuật ngữ như vậy cho phép chúng ta nói tất cả những gì chúng ta cần nói. Nhưng những người ủng hộ Đạo đức Nhân đức Triệt để không nhất thiết phải bác bỏ những quan niệm như “đúng đắn về mặt đạo đức”. Những ý tưởng này có thể được giữ lại nhưng được đưa ra một cách giải thích mới trong khuôn khổ nhân đức. Chúng ta vẫn có thể đánh giá các hành động dựa trên những lý do có thể được đưa ra để ủng hộ hoặc chống lại chúng. Tuy nhiên, tất cả những lý do được trích dẫn sẽ là những lý do liên quan đến các nhân đức. Do đó, những lý do để thực hiện một số hành động cụ thể có thể là trung thực, quảng đại hoặc công bằng; trong khi những lý do chống lại việc làm đó có thể là không trung thực, keo kiệt hoặc không công bằng. Theo lối tiếp cận này, bất cứ điều gì đúng phải làm thì một người đạo đức sẽ làm.

12.5. Vấn đề của sự không đầy đủ

Sự phản đối chính yếu đối với Đạo đức Nhân đức Triệt để là nó không đầy đủ. Nó dường như không đầy đủ theo ba cách.

Đầu tiên, Đạo đức Nhân đức Triệt để không thể giải thích mọi thứ mà nó cần giải thích. Hãy xem xét một nhân đức điển hình, chẳng hạn như tính đáng tin cậy. Tại sao tôi nên đáng tin cậy? Rõ ràng, chúng ta cần một câu trả lời cho câu hỏi này điều mà vượt ra khỏi quan sát đơn giản rằng tính đáng tin cậy là một nhân đức. Chúng ta muốn biết tại sao tính đáng tin cậy là một nhân đức; chúng ta muốn biết tại sao nó tốt. Những lời giải thích khả dĩ có thể là tính đáng tin cậy là thế lợi của một người, hoặc tính đáng tin cậy sẽ thúc đẩy phúc lợi chung, hoặc tính đáng tin cậy là cần thiết cho những người phải sống cùng nhau và dựa vào nhau. Lời giải thích đầu tiên có vẻ đáng ngờ giống như Chủ nghĩa vị kỷ đạo đức; lời giải thích thứ hai là thực dụng; và lời giải thích thứ ba gợi lại Lý thuyết Khế ước xã hội. Nhưng không có lời giải thích nào trong số này được diễn đạt dưới dạng ngôn ngữ các nhân đức. Dường như bất kỳ lời giải thích nào về lý do tại sao một nhân đức cụ thể là tốt sẽ phải đưa chúng ta vượt ra khỏi những giới hạn bó hẹp của Đạo đức Nhân đức Triệt để.

Nếu Đạo đức Nhân đức Triệt để không giải thích tại sao một điều gì đó là một nhân đức, thì nó sẽ không thể cho chúng ta biết liệu những nhân đức đó có áp dụng được trong những trường hợp khó khăn hay không. Xét đến nhân đức tử tế. Giả sử tôi nghe được một số tin tức, những điều sẽ khiến bạn khó chịu khi biết về nó. Có lẽ tôi đã biết rằng một người mà bạn từng quen đã chết trong một vụ tai nạn xe hơi. Nếu tôi không nói với bạn điều này, bạn có thể không bao giờ biết. Cũng vậy, giả sử rằng bạn là kiểu người muốn được nói ra. Nếu tôi biết tất cả những điều này, tôi có nên báo tin cho bạn không? Điều gì sẽ là điều tử tế để làm? Đó là một câu hỏi khó, bởi vì điều bạn thích hơn - được nói ra - mâu thuẫn với điều khiến bạn cảm thấy dễ chịu - không được nói ra. Một người tử tế sẽ quan tâm nhiều hơn đến những gì bạn muốn, hay nhiều hơn đến những gì khiến bạn cảm thấy hài lòng? Đạo đức Nhân đức Triệt để không thể trả lời câu hỏi này. Tử tế là quan tâm đến lợi ích tốt nhất của ai đó; nhưng Đạo đức Nhân đức Triệt để không cho chúng ta biết lợi ích tốt nhất của ai đó là gì. Vì vậy, cách thứ hai mà lý thuyết không đầy đủ là nó không thể đưa ra một cách giải thích đầy đủ về các nhân đức. Nó không thể nói chính xác khi chúng (nhân đức) được áp dụng.

Cuối cùng, Đạo đức Nhân đức Triệt để không đầy đủ vì nó không thể giúp chúng ta giải quyết các trường hợp xung đột đạo đức. Giả sử tôi vừa cắt tóc - một kiểu tóc cá đối mà người ta chưa từng thấy kể từ năm 1992 - và tôi đặt bạn vào tình thế khó xử bằng cách hỏi bạn nghĩ sao. Bạn có thể nói với tôi sự thật, hoặc bạn có thể nói rằng tôi trông ổn. Trung thực và tử tế đều là những đức tính tốt, vì vậy có nhiều lý do để ủng hộ cũng như phản đối cho mỗi chọn lựa. Nhưng bạn phải làm điều này hoặc điều kia - bạn hoặc phải nói sự thật và chấp nhận không tử tế, hoặc chấp nhận không nói sự thật để tử tế. Bạn nên làm gì? Nếu ai đó nói với bạn, “Chà, bạn nên hành động có đạo đức trong tình huống này,” điều đó sẽ không giúp bạn quyết định phải làm gì; nó sẽ chỉ khiến bạn băn khoăn không biết nên theo đức tính nào. Rõ ràng, chúng ta cần sự hướng dẫn bên ngoài các nguồn của Đạo đức Nhân đức Triệt để.

Có vẻ như, tự bản thân Đạo đức Nhân đức Triệt để chỉ giới hạn ở những điều tầm thường: tử tế, trung thực, kiên nhẫn, rộng lượng, v.v. Các quan điểm rất mơ hồ và khi chúng mâu thuẫn với nhau, chúng ta phải nhìn xa hơn chúng để được hướng dẫn. Đạo đức Nhân đức Triệt để cần các nguồn lực của một lý thuyết lớn hơn.

12.6. Phần kết luận

Dường như cách tốt nhất nên coi Đạo đức Nhân đức như một phần của lý thuyết đạo đức tổng thể của chúng ta hơn là bản thân nó là một lý thuyết hoàn chỉnh. Toàn bộ lý thuyết sẽ bao gồm một sự giải thích cho tất cả các suy xét điều mà hình thành trong quá trình thực hiện quyết định cụ thể, cùng với các cơ sở hợp lý cơ bản của chúng. Câu hỏi đặt ra là liệu một lý thuyết như vậy có thể đáp ứng cả một quan niệm đầy đủ về hành động đúng đắn và một quan niệm liên quan về tính cách đạo đức hay không.

Tôi không thấy lý do tại sao không. Ví dụ, giả sử rằng chúng ta chấp nhận một lý thuyết thực dụng về hành động đúng đắn - chúng ta tin rằng một người phải làm bất cứ điều gì để dẫn đến hạnh phúc nhất. Từ quan điểm đạo đức, chúng ta muốn có một xã hội trong đó mọi người đều có cuộc sống hạnh phúc và thỏa mãn. Sau đó, chúng ta có thể hỏi hành động nào, chính sách xã hội nào và phẩm chất nhân cách nào sẽ phù hợp nhất dẫn đến kết quả đó. Khi ấy, một cuộc điều tra về bản chất của nhân đức có thể được tiến hành từ bên trong khuôn khổ rộng lớn hơn.

James Rachels

0 Comments: