Luân Lý Là Gì?
1.1 Vấn đề định nghĩa
Triết học luân lý nghiên cứu về luân lý là gì và những đòi buộc của nó nơi ta. Như triết gia Socrates từng nói, triết học luân lý bàn về việc “chúng ta nên sống như thế nào” và tại sao nên như vậy. Sẽ rất hữu ích nếu chúng ta có thể bắt đầu với một định nghĩa đơn giản và không gây tranh cãi về luân lý, nhưng điều đó là không thể. Có nhiều lý thuyết đối nghịch nhau, mỗi lý thuyết trình bày một định nghĩa khác nhau về việc thế nào là sống có luân lý, và bất kỳ định nghĩa nào vượt khỏi định nghĩa đơn giản của Socrates thì nhất định sẽ gây mâu thuẫn với những định nghĩa khác.
Điều này sẽ khiến chúng ta thận trọng, nhưng nó không làm tê liệt chúng ta. Trong chương này, tôi sẽ mô tả về “khái niệm tối thiểu” của luân lý. Như thuật ngữ được nêu, khái niệm tối thiểu là trung tâm điểm mà mọi lý thuyết luân lý nên chấp nhận, ít nhất như một điểm xuất phát. Tuy nhiên, trước tiên, chúng ta sẽ xem xét một số tranh cãi về luân lý liên quan đến trẻ em khuyết tật. Việc thảo luận này sẽ giúp đưa ra những đặc điểm của khái niệm tối thiểu.
1.2 Trường hợp thứ nhất: Baby Theresa
Theresa Ann Campo Pearson sinh ra ở Florida vào năm 1992 và em được mọi người biết đến qua cái tên “Baby Theresa”. Baby Theresa mắc hội chứng não phẳng (anencephaly), một trong những chứng rối loạn di truyền nghiêm trọng nhất. Trẻ sơ sinh bị não phẳng đôi khi được gọi là “trẻ sơ sinh không có não”, nhưng điều đó không hoàn toàn chính xác. Bởi vì, hội chứng não phẳng thường bị thiếu một số bộ phận quan trọng của não như đại não, tiểu não và phần đỉnh hộp sọ. Tuy nhiên, cuống não vẫn có, vì vậy đứa bé vẫn có thể thở và có nhịp tim. Tại Hoa Kỳ, hầu hết các trường hợp não phẳng được phát hiện trong thời kỳ mang thai, và thường thì thai nhi bị phá bỏ. Trong số những thai nhi không bị phá bỏ thì một nửa là chết non. Khoảng 350 trẻ mắc bệnh được sinh ra mỗi năm và thường sẽ chết trong vòng vài ngày.
Câu chuyện của Baby Theresa đáng chú ý chỉ vì cha mẹ của cô bé đã đưa ra một yêu cầu khác thường. Khi biết rằng con của mình sẽ sớm chết và có thể không bao giờ có được ý thức, cha mẹ của Theresa đã tình nguyện hiến nội tạng của bé cho việc cấy ghép tức thì. Họ nghĩ rằng thận, gan, tim, phổi và mắt của cô bé có thể hữu ích và nên được trao cho những đứa trẻ khác. Các bác sĩ của cô bé đều đồng ý. Hàng nghìn trẻ sơ sinh cần được cấy ghép mỗi năm và không bao giờ có đủ nội tạng sẵn sàng cho việc đó. Nhưng nội tạng của Theresa đã không bị lấy đi, vì luật của bang Florida cấm lấy nội tạng cho đến khi người hiến tặng chết. Chín ngày sau khi sinh, Baby Theresa qua đời và như thế đã quá muộn để hiến tạng vì nội tạng của bé đã bị hư hoại quá nhiều.
Trường hợp của Baby Theresa đã được tranh luận sôi nổi. Cô bé có nên bị giết để phần nội tạng của bé có thể được sử dụng cho việc cứu những đứa trẻ khác hay không? Một số “nhà đạo đức học” chuyên nghiệp, đang làm việc cho các trường đại học, bệnh việc, trường luật, và được trả tiền để suy nghĩ về những trường hợp như vậy, được báo chí yêu cầu đưa ra bình luận về trường hợp này. Hầu hết họ không đồng ý với quan điểm của cha mẹ cô bé và các bác sĩ. Thay vào đó, họ dùng các nguyên tắc triết học truyền thống (time-honored philosophical principles) để phản đối việc lấy nội tạng. Một chuyên gia trong số cho biết: “Thật là quá kinh khủng khi sử dụng con người như phương tiện để đạt được mục đích cho người khác”. Một chuyên gia khác giải thích: “Giết người A để cứu người B là phi đạo đức.” Một chuyên gia khác nữa lại nói: “Điều mà các bậc cha mẹ thực sự yêu cầu là: Hãy giết đứa bé sắp chết này để nội tạng của nó có thể được sử dụng cho người khác. Chà, đó thực sự là một đề xuất khủng khiếp.”
Nó có thực sự khủng khiếp không? Có hai luồng quan điểm khác nhau. Những nhà đạo đức học cho rằng nó kinh khủng, trong khi các bậc cha mẹ và bác sĩ thì không. Nhưng chúng ta quan tâm nhiều hơn đến những gì mọi người nghĩ. Chúng ta muốn biết điều gì là đúng. Việc cha mẹ tình nguyện hiến tạng của con mình cho việc cấy ghép là đúng hay sai? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải hỏi về những lý do hoặc lập luận mà mỗi bên đưa ra. Điều gì có thể được dùng để biện minh cho yêu cầu của cha mẹ đứa trẻ hoặc để chống lại yêu cầu đó?
Lập luận về lợi ích. Cha mẹ của Theresa tin rằng nội tạng của bé thì vô ích đối với chính bé, bởi vì bé không có ý thức và dù sao cũng sẽ chết sớm. Tuy nhiên, những đứa trẻ khác có thể hưởng lợi từ nội tạng ấy. Vì vậy, họ dường như đã lý luận rằng: Nếu chúng ta có thể mang lại lợi ích cho ai đó mà không làm hại người khác, thì chúng ta nên làm như vậy. Cấy ghép nội tạng sẽ mang lại lợi ích cho những đứa trẻ khác mà không gây hại cho Bayby Theresa. Vì vậy, chúng ta nên cấy ghép nội tạng.
Điều này có đúng không? Không phải mọi lập luận đều đúng. Ngoài việc biết được những lập luận nào có thể được dùng để lý luận cho một quan điểm, chúng ta còn muốn biết liệu rằng những lập luận đó có đúng không. Nói chung, một lập luận đúng nếu các giả định của nó đúng và kết luận của chúng cũng phải logic. Trong trường hợp này, chúng ta có thể ngạc nhiên về khẳng định rằng Theresa sẽ không bị làm hại. Rốt cuộc rồi cô bé cũng phải chết, nhưng không phải sống thêm vài ngày tốt hơn là chết sao? Tuy nhiên khi ngẫm lại thì rõ ràng rằng, trong hoàn cảnh bi đát này, cha mẹ của cô bé đã đúng. Việc sống chỉ hữu ích nếu nó cho phép bạn thực hiện các hoạt động và có những suy nghĩ, cảm xúc và mối quan hệ với người khác. Nói cách khác, việc sống chỉ hữu ích khi nó cho phép bạn có một cuộc sống thật sự. Không có những thứ như vậy thì sự sống sinh học không có giá trị. Do đó, mặc dù Theresa có thể sống thêm vài ngày nữa, nhưng điều đó cũng chẳng ích gì cho cô bé.
Như thế, Lập luận về Lợi ích cung cấp một lý do thuyết phục cho việc cấy ghép nội tạng. Vậy còn đâu là những lập luận của phía còn lại?
Lập luận rằng chúng ta không nên sử dụng con người như phương tiện. Các nhà đạo đức học phản đối việc cấy ghép đã đưa ra hai lập luận. Lập luận thứ nhất dựa trên ý tưởng rằng việc sử dụng con người như phương tiện để đạt được mục đích của người khác là sai lầm. Lấy nội tạng của Theresa sẽ lợi dụng cô bé để mang lại lợi ích cho những đứa trẻ khác; do đó, việc hiến tạng như thế không nên được thực hiện.
Lập luận này có đúng không? Ý tưởng về việc chúng ta không nên “sử dụng” con người rất được ủng hộ, nhưng đây là một khái niệm mơ hồ cần được làm rõ. Vậy ý nghĩa chính xác của “sử dụng” là gì? “Sử dụng người khác” thường liên quan đến việc xâm phạm quyền tự chủ của họ - đó là khả năng tự quyết định cách sống cuộc sống của chính họ, theo khát khao và giá trị của chính họ. Quyền tự chủ của một người có thể bị xâm phạm ngang qua việc lôi kéo, giở trò bịp bợm hoặc lừa gạt. Ví dụ, tôi có thể giả vờ làm bạn của bạn, chỉ vì tôi quan tâm đến việc đi chơi với em gái của bạn; hoặc tôi có thể nói dối bạn để bạn đưa tiền cho tôi; hoặc tôi có thể cố gắng thuyết phục bạn rằng bạn sẽ có nhiều thích thú khi đi xem phim, trong khi tôi chỉ muốn bạn chở tôi đi. Trong mỗi trường hợp, tôi đang thao túng bạn để đạt được điều gì đó cho riêng mình. Quyền tự chủ cũng bị xâm phạm khi mọi người bị ép buộc phải làm những việc trái với ý muốn của họ. Điều này giải thích tại sao “sử dụng người khác” là sai; sai vì nó cản trở quyền tự chủ của con người.
Tuy nhiên, việc lấy nội tạng của Baby Theresa không thể cản trở quyền tự chủ của cô bé, bởi vì bé không có quyền tự chủ - không thể đưa ra những quyết định, không có những khát khao và không thể đánh giá bất cứ thứ gì. Việc lấy nội tạng của cô bé có “sử dụng bé” theo bất kỳ ý nghĩa luân lý nào khác không? Tất nhiên, chúng ta sẽ sử dụng nội tạng của cô bé vì lợi ích của người khác. Nhưng chúng ta vẫn thường làm điều đó mỗi khi thực hiện bất kỳ một ca cấy ghép nào đó. Chúng ta cũng sẽ sử dụng nội tạng của cô bé mà không có sự cho phép của bé. Liệu điều đó sẽ làm cho việc cấy ghép trở nên sai trái hay không? Nếu chúng ta đang sử dụng chúng trái với mong muốn của cô bé, thì đó sẽ là lý do để phản đối- vì nó vi phạm quyền tự chủ của cô bé. Nhưng Baby Theresa không có ước muốn.
Khi mọi người không thể tự đưa ra quyết định và những người khác phải làm thay cho họ thì có hai chỉ dẫn hợp lý có thể được thực hiện. Đầu tiên, chúng ta có thể hỏi: Điều gì sẽ mang lại lợi ích tốt nhất cho họ? Nếu chúng ta áp dụng câu hỏi này cho trường hợp Baby Theresa thì sẽ không có sự phản đối nào đối với việc lấy nội tạng của bé, vì như chúng ta đã trình bày ở trên, quyền lợi của bé sẽ không bị ảnh hưởng. Cô bé không có ý thức và bé sẽ chết sớm cho dù thế nào đi chăng nữa.
Chỉ dẫn thứ hai dựa trên sở thích riêng của mỗi người, chúng ta có thể hỏi: Nếu Baby Theresa có thể cho nói cho ta biết em muốn gì thì liệu em ấy sẽ nói gì? Kiểu câu hỏi này rất hữu ích khi chúng ta đề cập đến những người có sở thích (hoặc đã từng có sở thích) nhưng không thể bày tỏ chúng - ví dụ, một bệnh nhân hôn mê đã ký vào di chúc sống trước khi rơi vào trạng thái hôn mê. Nhưng, đáng buồn thay, Baby Theresa không có sở thích về bất cứ thứ gì, và bé cũng chưa từng có bất kỳ sở thích nào. Vì vậy, ngay cả trong trí tưởng tượng chúng ta cũng không thể nhận được sự chỉ dẫn nào từ cô bé. Cuối cùng thì chúng ta làm những gì chúng ta nghĩ là tốt nhất.
Lập Luận Từ sự Sai Trái Của Việc Giết Người. Các nhà đạo đức học cũng nại đến nguyên tắc rằng đó sai trái khi giết người này để cứu người kia. Họ nói rằng lấy nội tạng của Theresa để cứu những người khác sẽ giết cô bé; vì vậy, việc lấy nội tạng là sai trái.
Lập luận này có đúng không? Việc ngăn cấm giết hại là một trong những quy tắc luân quan trọng nhất. Tuy nhiên, chỉ ít người tin rằng giết người luôn luôn là sai trái trong mọi trường hợp, trong khi hầu hết mọi người nghĩ rằng có những trường hợp ngoại lệ, chẳng hạn như giết người để tự vệ. Như thế, câu hỏi đặt ra là liệu việc lấy nội tạng của Baby Theresa có nên được coi là một ngoại lệ đối với quy tắc luân lý hay không. Có nhiều lý do để nghĩ như vậy: Baby Theresa không có ý thức; cô bé sẽ không bao giờ có một cuộc sống đúng nghĩa; cô bé sẽ chết sớm; và việc lấy nội tạng của cô bé sẽ giúp ích cho những đứa bé khác. Bất cứ ai chấp nhận điều này sẽ coi lập luận cho rằng việc giết người là sai trái trong mọi trường hợp là thiếu sót. Việc giết một người để cứu người khác thường là sai trái, nhưng không phải lúc nào cũng vậy.
Vẫn còn một khả thể khác. Có lẽ chúng ta nên xem như Baby Theresa đã chết. Nếu cảm thấy điều này có vẻ điên rồ, thì hãy nhớ rằng quan niệm của chúng ta về cái chết đã thay đổi theo thời gian. Năm 1967, một vị bác sĩ người Nam Phi, tên là Christiaan Barnard đã thực hiện ca cấy ghép tim đầu tiên trên người. Đây là một bước phát triển quan trọng vì cấy ghép tim có khả năng cứu sống nhiều người. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu có bất kì người bệnh nào ở Mỹ đã từng được cứu nhờ ghép tim vào thời điểm đó hay chưa. Trước đó, luật pháp Hoa Kỳ hiểu cái chết xảy ra khi tim ngừng đập. Nhưng một khi tim ngừng đập, nó sẽ nhanh chóng hư hoại và không còn phù hợp để cấy ghép. Do đó, theo luật pháp Hoa Kỳ, không rõ liệu có bất kỳ trái tim nào có thể được thu dùng hợp pháp để cấy ghép hay không. Vì vậy, luật pháp Mỹ đã thay đổi. Bây giờ chúng ta hiểu cái chết xảy ra, không phải khi tim ngừng đập, mà khi não ngừng hoạt động: “chết não” là tiêu chuẩn mới của của việc chấm dứt cuộc đời chúng ta. Điều này đã giải quyết được vấn đề về ghép tạng, bởi vì bệnh nhân chết não vẫn có thể có một trái tim khỏe mạnh, phù hợp cho việc cấy ghép.
Những trường hợp thuộc hội chứng não phẳng không đáp ứng các yêu cầu chuyên môn đối với tiêu chuẩn chết não như định nghĩa hiện nay; nhưng có lẽ định nghĩa nên được sửa đổi để bao hàm cả chúng. Rốt cuộc, họ không có bất kỳ hy vọng nào cho cuộc sống có ý thức, bởi vì họ không có đại não hoặc tiểu não. Nếu định nghĩa về chết não được tái định nghĩa để bao hàm tất cả những trường hợp thuộc hội chững não phẳng, chúng ta sẽ quen với ý tưởng rằng những đứa trẻ không may mắn này đã chết khi sinh ra, và vì vậy việc lấy nội tạng của chúng sẽ không đồng nghĩa với việc giết chúng. Lập luận từ sự sai trái của việc giết người khi đó sẽ được cân nhắc lại.
Vì vậy, về tổng thể, những lập luận ủng hộ việc cấy ghép nội tạng của Baby Theresa có vẻ mạnh hơn những lập luận chống lại chúng.
1.3 Ví dụ thứ hai: Jodie và Mary
Vào tháng Tám năm 2000, một người phụ nữ trẻ ở Gozo, một hòn đảo ở phía nam nước Ý, đã khám phá ra việc mình đang mang thai một cặp sinh đôi dính liền. Biết được điều kiện chăm sóc sức khỏe ở Gozo không thể đảm bảo cho việc sinh nở như vậy, vợ chồng cô đã đến bệnh viện St. Mary ở thành phố Manchester nước Anh. Cặp sinh đôi Mary và Jodie được sinh ra với phần bụng dưới dính liền. Phần xương sống của hai em gắn với nhau và cả hai chia sẻ chung một trái tim và hai lá phổi. Bé Jodie có sức khỏe tốt hơn và là nguồn cấp máu cho người em Mary.
Không ai biết được mỗi năm chính xác có bao nhiêu cặp song sinh dính liền chào đời, nhưng ước tính khoảng chừng 200 cặp. Phần lớn các cặp đều mất rất sớm sau khi sinh, nhưng một số vẫn sống tốt. Những cặp còn sống đều đã lớn lên, trưởng thành, kết hôn và có con. Nhưng viễn cảnh dành cho Mary và Jodie thì lại thật nghiệt ngã. Các bác sĩ nói rằng nếu không có sự can thiệp thì cả hai bé sẽ chết trong vòng sáu tháng. Niềm hi vọng duy nhất là thực hiện phẫu thuật để chia tách cả hai ra. Việc này sẽ cứu được Jodie, nhưng Mary sẽ chết ngay tức khắc.
Cha mẹ hai em, vốn là những người Công Giáo nhiệt thành, đã từ chối cho phép cuộc phẫu thuật diễn ra vì điều đó sẽ khiến đẩy nhanh cái chết của Mary. Họ nói: “Chúng tôi tin rằng nên để mọi thứ thuận theo tự nhiên”, và “Nếu việc con chúng tôi không thể qua khỏi là Ý Chúa thì hãy cứ theo như vậy”. Với hi vọng cứu sống Jodie, các bác sĩ đã nài xin tòa án cho phép họ thực hiện ca phẫu thuật bằng bất cứ giá nào. Tòa án đã chấp thuận và ca phẫu thuật đã được diễn ra. Kết quả như kỳ vọng, Jodie được sống và Mary đã mất.
Khi suy nghĩ về tình huống này, chúng ta nên phân biệt câu hỏi Ai là người nên đưa ra quyết định với câu hỏi Quyết định nên là gì. Chẳng hạn, bạn cho thể nghĩ rằng quyết định nên được dành cho cha mẹ của cặp song sinh, và vì vậy tòa án có lẽ không nên xâm phạm quyền ấy. Nhưng câu hỏi về việc liệu đâu là lựa chọn khôn ngoan nhất mà cha mẹ hai em nên thực hiện vẫn còn bỏ ngỏ. Chúng ta sẽ tập trung vào câu hỏi: Liệu rằng điều đó là đúng hay sai khi tách rời cặp song sinh này?
Lập luận rằng chúng ta nên cứu nhiều nhất có thể. Cơ sở hợp lý cho việc tách rời cặp song sinh là vì chúng ta có một sự lựa chọn giữa việc cứu được một em hoặc phải để cả hai cùng chết. Chẳng phải khá rõ ràng rằng tốt hơn chúng ta nên chọn việc cứu sống sao? Lập luận này thuyết phục đến mức mà nhiều người sẽ ngay lập tức kết luận rằng cặp sinh đôi nên được tách rời. Khi cuộc tranh luận lên đến đỉnh điểm, Tạp chí Ladies’ Home đã thực hiện cuộc thăm dò qua hình thức bỏ phiếu để nhằm xem người dân Mỹ nghĩ như thế nào. Kết quả cho thấy 78% người tham gia đã tán thành cuộc phẫu thuật. Rõ ràng mọi người đã được thuyết phục bởi ý tưởng về việc chúng ta nên cứu được bao nhiêu nhất có thể. Tuy nhiên, cha mẹ của Jodie và Mary thì lại tin rằng vẫn còn đó một lập luận thuyết phục hơn ở chiều ngược lại.
Lập luận từ sự thánh thiêng của Sự sống Con người. Cha mẹ cặp sinh đôi yêu thương cả hai em, và họ nghĩ rằng sẽ là sai lầm khi phải hi sinh một trong hai em dù cho để cứu đứa con còn lại. Tất nhiên, không chỉ mỗi họ có suy nghĩ đó. Ý tưởng rằng mạng sống của mọi người đều quý giá bất kể tuổi tác, chủng tộc, tầng lớp xã hội hoặc khiếm khuyết, là trung tâm điểm của truyền thống luân lý Tây phương. Điều này đã được nhấn mạnh cách đặc biệt trong các tác phẩm tôn giáo. Theo đạo đức học truyền thống, việc giết người vô tội thì tuyệt đối bị cấm. Không quan trọng việc giết người phục vụ cho mục đích dù tốt thế nào đi chăng nữa, đơn giản là nó không được phép thực hiện. Mary là một con người vô tội và vì vậy không được phép giết em ấy.
Liệu lập luận như thế có hợp lý không? Những vị thẩm phán trong trường hợp này lại không nghĩ như vậy vì một lý do hết sức ngạc nhiên. Họ đã không chấp nhận việc phẫu thuật sẽ lấy đi mạng sống của Mary. Pháp Quan Robert Walker nói rằng ca phẫu thuật sẽ chỉ tách rời Mary khỏi Jodie và khi đó “Mary sẽ chết không phải vì em ấy bị giết một cách có chủ đích, nhưng bởi vì chính cơ thể của em không thể duy trì sự sống cho em”. Nói cách khác, ca phẫu thuật sẽ không lấy đi mạng sống của Mary, nhưng sự yếu đuối của cơ thể em mới là nguyên do. Và vì vậy sẽ không cần bàn đến tính luân lý của việc giết người.
Tuy nhiên, vị Pháp Quan này đã bỏ sót một điểm. Chẳng có vấn đề gì dù khi chúng ta nói rằng cái chết của Mary bị gây ra bởi cuộc phẫu thuật hay bởi sự yếu đuối của cơ thể em. Trong cả hai cách, em đều sẽ chết và chúng ta đã khiến cái chết ấy diễn ra nhanh hơn. Đó chính là tư tưởng mà truyền thống cấm đoán việc giết người vô tội muốn đề cập đến.
Tuy nhiên, có một sự phản đối với lập luận từ sự thánh thiêng của Sự sống Con người. Có lẽ không phải luôn luôn là sai khi giết một sinh mạng vô tội. Ví dụ, việc giết người như vậy là đúng khi thỏa mãn cả ba điều kiện sau: (a) người vô tội ấy không có tương lai bởi vì người đó sẽ sớm chết bất kể có chuyện gì xảy ra đi nữa; (b) người vô tội ấy không có ao ước để tiếp tục sống, có thể bởi vì người đó không có chút ước mơ nào cả; (c) việc giết người vô tội này sẽ cứu được những người mà có thể tiếp tục sống một cách trọn vẹn hơn. Trong những tình huống hi hữu này, việc giết một người vô tội có thể được xem là hợp lý.
1.4 Ví dụ thứ ba: Tracy Latimer
Tracy Latimer là một cô bé 12 tuổi bị mắc hội chứng bại não và bị giết bởi bố mình vào năm 1993. Tracy sống với gia đình ở một trang trại thôn quê tại Saskatchewan thuộc nước Canada. Vào một buổi sáng Chúa Nhật, đang khi vợ cùng các con tham dự thánh lễ, bố của Tracy là Robert Latimer đã đặt em vào ca-bin xe bán tải của ông và thải khí xe cho đến khi em chết ngạt. Vào thời điểm Tracy mất, em chỉ nặng chưa đến 18 kg, và được mô tả là “có mức độ vận hành tâm trí của một đứa bé ba tháng tuổi”. Mẹ của Tracy là bà Latimer đã nói rằng khi về đến nhà, bà cảm thấy như được giải thoát khi biết tin Tracy đã chết, và nói thêm rằng bà đã “không đủ can đảm” để tự tay làm việc đó.
Ông Robert Latimer bị kết án với tội danh giết người, nhưng thẩm phán và bồi thẩm đoàn khi ấy đã không muốn xử ông một cách khắt khe. Bồi thẩm đoàn nhận thấy ông chỉ phạm tội giết người ở mức độ hai và khuyến nghị thẩm phán bác bỏ bản án mười năm tù. Vị thẩm phán đã chấp thuận và tuyên án Robert Latimer 1 năm tù giam, sau đó sẽ tiếp tục bị quản thúc tại gia thêm một năm nữa. Nhưng Tòa án Tối Cao Canada đã can thiệp và ra lệnh bản án mười năm phải được tuyên án. Robert Latimer vào tù năm 2001 và được tha có điều kiện vào năm 2008.
Không xét đến tính pháp lý, vậy câu hỏi đặt ra là liệu ông Latimer có làm bất cứ điều gì sai trái không? Trường hợp này cũng có liên hệ đến các vấn đề mà chúng ta đã thấy trong những ví dụ trước. Bên phản bác thì cho rằng mạng sống của Tracy là đáng trân trọng về mặt luân lý, và vì vậy ông Latimer không có quyền giết em ấy. Bên đồng thuận thì cho rằng tình trạng của Tracy thê thảm đến mức em ấy chẳng có chút triển vọng nào cho một “cuộc sống” xét về mặt sinh lý. Sự tồn tại của em chỉ còn là nỗi thống khổ, và vì vậy việc giết em là một nghĩa cử nhân từ. Khi suy xét đến những lập luận đó, có vẻ như Robert Latimer đã hành động bảo vệ cho Tracy. Tuy nhiên, vẫn có những quan điểm phê bình ông.
Lập luận từ sự sai trái của việc phân biệt đối xử với người khuyết tật. Khi Robert Latimer được xét xử khoan hồng bởi tòa sơ thẩm, nhiều người khuyết tật đã cảm thấy bị xúc phạm. Chủ tịch của hội Tiếng Nói của Người tàn tật, Saskatoon, người mắc phải chứng đa xơ cứng, đã nói: “Không ai có quyền quyết định rằng mạng sống của tôi đáng giá hơn của bạn. Đó là quy tắc cơ bản”. Ông cho rằng Tracy đã bị giết bởi vì em là người khuyết tật và điều đó thật bất lương. Người tàn tật nên được tôn trọng và có đầy đủ quyền lợi như tất cả mọi người.
Chúng ta nên làm thế nào với lập luận như vậy? Phân biệt đối xử luôn luôn là một vấn đề nghiêm trọng bởi vì nó liên quan đến việc đối xử tệ với một số người này hơn những người khác mà chẳng vì lý do chính đáng nào. Giả dụ rằng một người khiếm thị bị từ chối tuyển dụng chỉ đơn giản bởi vì nhà tuyển dụng không thích ý tưởng về việc thuê ai đó mà không thể nhìn. Điều này cũng chẳng khác gì việc từ chối thuê ai đó bởi vì họ là người Tây Ban Nha, người Do Thái hoặc là phụ nữ. Tại sao người đó lại bị đối xử khác biệt như thế? Người đó không đủ khả năng để đảm nhận công việc chăng? Người đó kém thông minh hay kém siêng năng hơn ư? Phải chăng người đó kém phù hợp với công việc hơn? Liệu người đó có kém hiệu suất hơn không? Nếu không có lý do hợp lý nào để loại trừ họ, vậy thì thật võ đoán (arbitrary) khi làm như thế.
Vậy chúng ta có nên nghĩ về cái chết của Tracy Latimer như một trường hợp của sự phân biệt đối xử với người khuyết tật không? Robert Latimer lập luận rằng chứng bại não của Tracy không phải là vấn đề: “Mọi người nói nó như là vấn đề liên quan đến sự khuyết tật, nhưng họ sai rồi. Đây là vấn đề liên quan đến sự thống khổ. Đó hoàn toàn là sự tổn thương và thống khổ đối với Tracy”. Trước lúc chết, Tracy đã phải trải qua một cuộc đại phẫu thuật ở lưng, hông, chân và còn nhiều ca phẫu thuật khác đang tiếp tục được lên kế hoạch. Ông nói: “Với việc phải gắn thêm ống dẫn thức ăn, thanh cố định lưng, phần chân bị cắt, thân thể phải lật qua lật lại vì bị lỡ loét do nằm liệt giường, thì làm sao có thể nói đó là một cô bé nhỏ nhắn đang hạnh phúc được?” Ở phiên xét xử, ba trong số các bác sĩ của Tracy đã làm chứng về sự khó khăn trong việc kiểm soát cơn đau của cô bé. Do đó, ông Latimer phủ nhận việc Tracy bị giết bởi sự khuyết tật của em, Tracy bị giết bởi vì em phải chịu nhiều đau khổ và chẳng còn chút hy vọng nào cho em.
Lập luận Trượt Dốc (The Slippery Slope Argument). Khi Tòa án Tối cao Canada phán quyết về bản án của Robert Latimer, giám đốc của Canadian Association of Independent Living Centres nói rằng bà cảm thấy “ngạc nhiên đến hài lòng”. Bà nói: “Nó có thể trở thành một sự Trượt Dốc và mở ra tiền lệ để con người có quyền quyết định ai nên sống và ai phải chết”.
Những người khuyết tật khác cũng lan truyền sự ủng hộ với ý tưởng này của bà. Điều được nói đến là việc chúng ta có thể cảm thông đối với Robert Latimer, cũng như có thể nghĩ rằng Tracy Latimer tốt hơn là nên được chết. Tuy nhiên, sẽ rất nguy hiểm khi suy nghĩ như thế. Nếu chúng ta chấp nhận bất cứ hình thức nào của cái chết nhân đạo, chúng ta sẽ rơi vào tình huống “Trượt Dốc”, và ở nơi cuối con dốc, tất cả mạng sống đều bị xem nhẹ. Vậy đâu là giới hạn cho việc này? Nếu mạng sống của Tracy không đáng để bảo vệ, vậy thì mạng sống của những người khuyết tật khác thì sẽ như thế nào? Vậy còn người già, người ốm yếu và những thành phần “không hữu ích” khác của xã hội thì sao? Để nói về trường hợp này, ví dụ về “sự thanh trừng triệt để” của Hitler thường được đưa ra và ám chỉ việc chúng ta rồi sẽ chẳng khác gì quân Phát xít một khi đã bắt đầu.
Những “lập luận trượt dốc” tương tự cũng được sử dụng trong các vấn đề khác. Phá thai, thụ tinh nhân tạo trong ống nghiệm (IVF) và nhân bản vô tính đã bị phản đối bởi vì những hệ quả mà chúng có thể dẫn tới. Nhưng nếu ngẫm nghĩ lại, đôi khi chẳng có chút bằng chứng nào cho những bận tâm đó của chúng ta. Điều này được chứng minh qua phương pháp IVF, một kỹ thuật cho việc tạo ra phôi thai trong phòng thí nghiệm. Khi Louise Brown, em bé đầu tiên “được tạo ra trong ống nghiệm” ra đời vào năm 1978, đã có nhiều dự đoán kinh khủng về những điều đang chờ đợi em và toàn xã hội trong tương lai. Nhưng không có bất cứ dự đoán nào trong số đó trở thành sự thật, và IVF đã dần trở thành một phương pháp thông thường. Kể từ khi Louise Brown ra đời, có hơn 100.000 cặp đôi ở Mỹ đã dùng phương pháp IVF để có con.
Tuy nhiên, nếu việc suy xét lại này không mang đến lợi ích gì thì khó mà đánh giá được các lập luận trượt dốc. Như người xưa có nói: “Thật khó để đưa ra các dự đoán, đặc biệt là về tương lai”. Mọi người không đồng tình với nhau về điều có thể xảy ra nếu cái chết nhân đạo được cho phép trong các trường hợp như của Tracy Latimer. Còn những người có khuynh hướng bảo vệ ông Latimer thì lại nhận thấy những dự đoán kinh khủng của nhóm kia là không thực tế, ngược lại, đối với những người muốn kết án ông, họ sẽ khẳng định rằng các dự đoán đó là hợp lý. Loại bất đồng này rất khó để giải quyết.
Thế nhưng, rất đáng để lưu tâm rằng lập luận trượt dốc rất dễ bị lạm dụng. Nếu bạn phản đối một điều gì đó nhưng lại không có những lập luận tốt để phản bác, bạn luôn có thể tự tạo ra một dự đoán nào đó về những thứ mà điều trên có thể dẫn tới. Và bất kể dự đoán của bạn đáng ngờ thế nào, chẳng ai có thể chứng minh rằng bạn sai. Đó là lý do mà những lập luận như vậy nên được tiếp cận với sự cẩn trọng.
1.5. Tính hợp lý (reason) và tính không thiên lệch (impartiality)
Vậy ngang qua tất cả những điều trên chúng ta có thể học được gì về bản chất của luân lý? Để bắt đầu, chúng ta có thể lưu ý hai điểm chính: thứ nhất, các đánh giá về luân lý phải được hỗ trợ bởi những lý do chính đáng; thứ hai, luân lý đòi hỏi một sự suy xét không thiên lệch về lợi ích của mỗi cá nhân.
Lập luận luân lý. Các trường hợp về Baby Theresa, Jodie cùng Mary, và Tracy Latimer có khả năng gợi lên những cảm xúc mạnh trong chúng ta. Những cảm xúc như thế thường là dấu hiệu của sự nghiêm túc về mặt luân lý (moral seriousness) và chúng thật đáng ngưỡng mộ. Nhưng chúng cũng có thể cản trở ta trong việc khám phá ra sự thật: Khi chúng ta có cảm xúc mạnh về một vấn đề, chúng ta thường dễ giả định rằng chúng ta biết sự thật là gì mà không cần phải quan tâm đến các lập luận của phía còn lại. Tuy nhiên, đáng tiếc là chúng ta không thể cậy dựa vào cảm xúc của mình bất kể chúng có mạnh thế nào đi nữa. Cảm xúc của chúng ta có thể không hợp lý (irrational); có thể chúng chẳng là gì khác ngoài sản phẩm của định kiến, tính ích kỷ hoặc bối cảnh văn hóa. Chẳng hạn, đã có lúc cảm xúc của con người mách bảo họ rằng những người thuộc các chủng tộc khác thấp kém hơn và do đó sự nô lệ là kế hoạch của Thiên Chúa.
Hơn nữa, cảm xúc nơi mỗi người có thể rất khác nhau. Trong trường hợp của Tracy Latimer, một số người cảm thấy được thuyết phục bởi ý tưởng rằng cha cô đáng bị một án tù dài hạn, trong khi một số khác lại cảm thấy được thuyết phục không kém về việc lẽ ra ông ấy không bao giờ đáng bị khởi tố. Nhưng cả hai luồng cảm xúc này đều không đúng.
Vì vậy, nếu chúng ta muốn khám phá sự thật, chúng ta phải để cảm xúc của mình được hướng dẫn bởi lý trí càng nhiều càng tốt. Đây là bản chất của luân lý. Điều đúng đắn phải làm về mặt luân lý luôn là điều được hỗ trợ tốt nhất bởi các lập luận.
Đây không phải là một quan điểm hẹp (narrow point) về một phạm vi nhỏ nào đó của các quan điểm luân lý; nhưng là một yêu cầu chung về mặt logic mà phải được chấp nhận bởi mọi người, bất kể quan điểm của họ là gì trong từng vấn đề cụ thể. Điểm cơ bản này có thể được trình bày đơn giản hơn. Giả sử ai đó nói rằng bạn nên làm như thế này hoặc thế kia. Thật chính đáng khi bạn hỏi về lý do tại sao mình nên làm điều đó; trong trường hợp không có lý do hợp lý nào được đưa ra, bạn có thể từ chối lời khuyên vì nó mang tính võ đoán hoặc không có cơ sở.
Bằng cách này, lập luận về luân lý khác với biểu hiện của sở thích cá nhân. Nếu ai đó nói: “Tôi thích cà phê”, thì họ không cần phải có lý do, vì họ chỉ đang nói ra một sự thật về sở thích của mình và không có ý gì hơn. Không có cái gọi là “việc bảo vệ một cách hợp lý” (“rationally defending”) việc thích hay không thích cà phê của một người. Miễn là họ đang thuật lại chính xác sở thích của mình, những gì họ nói nhất thiết là đúng. Mặt khác, nếu ai đó nói rằng điều gì là sai về mặt luân lý, thì họ cần phải có lý do, và nếu lý do của họ là chính đáng, thì người khác phải thừa nhận sức thuyết phục của những lập luận đó. Theo cùng một logic, nếu họ không có lý do chính đáng về những điều họ nói, thì họ chỉ đang nói bừa và chúng ta có thể phớt lờ họ.
Dĩ nhiên, không phải mọi lý do được sử dụng đều là lý do chính đáng. Có những lập luận không tốt cũng như có những lập luận tốt, và phần lớn kỹ năng tư duy luân lý cốt ở việc nhận ra sự khác biệt giữa hai loại lập luận đó. Nhưng làm thế nào để chúng ta xác định được sự khác biệt? Làm thế nào để chúng ta đánh giá được các lập luận? Những ví dụ chúng ta đã xem xét ở trên chỉ ra một số câu trả lời.
Trước tiên là hiểu đúng về một người. Đương nhiên, nói thì dễ hơn là làm. Có lúc những sự kiện chính lại không được tiếp cận. Cũng có lúc, vấn đề phức tạp đến mức ngay cả các nhà chuyên môn cũng không đồng ý với nhau. Tuy nhiên, còn có một vấn đề khác là định kiến của con người. Chúng ta thường muốn tin vào những điều ủng hộ các định kiến của ta. Ví dụ, những người phản đối hành động của Robert Latimer sẽ muốn tin vào những dự đoán kinh khủng của Lập luận Trượt Dốc; còn những người đồng ý với hành động của anh ta sẽ muốn bác bỏ chúng. Còn nhiều ví dụ khác như: Những người không muốn làm từ thiện thường nói rằng các tổ chức từ thiện tham nhũng và hoạt động kém hiệu quả, ngay cả khi họ không có bằng chứng xác thực về điều này; còn những người không thích đồng tính luyến ái có thể nhận xét rằng tất cả những người đồng tính nam đều là những kẻ ấu dâm, dù sự thật chỉ có một số rất ít như vậy. Nhưng sự thật tồn tại độc lập với ý muốn của chúng ta, và việc tư duy luân lý có trách nhiệm (responsible moral thinking) bắt đầu khi chúng ta cố gắng nhìn mọi thứ như chúng là.
Tiếp theo, chúng ta sẽ bàn đến các nguyên tắc luân lý. Trong ba ví dụ trên, một số nguyên tắc đã được xét đến: chúng ta không nên “sử dụng” con người; chúng ta không nên giết người này để cứu người kia; chúng ta nên làm những điều giúp ích cho người bị ảnh hưởng bởi các hành động của chúng ta; mọi sinh mạng đều thiêng liêng; và thật sai lầm khi phân biệt đối xử với người khuyết tật. Hầu hết các lập luận về luân lý đều có các nguyên tắc và được áp dụng cho từng trường hợp cụ thể, và vì vậy chúng ta phải hỏi liệu rằng các nguyên tắc đó đã được kiểm chứng hay chưa và liệu rằng chúng có được áp dụng một cách đúng đắn hay không.
Sẽ thật tuyệt nếu có một phương pháp đơn giản để thiết lập những lập luận tốt và tránh những lập luận không tốt. Đáng tiếc là không có phương pháp như thế. Các lập luận có thể bị sai theo nhiều cách và chúng ta phải luôn tỉnh táo với khả thể của những phức tạp và những loại sai lầm mới. Song, việc này không có gì đáng ngạc nhiên cả. Trong bất cứ lĩnh vực nào, việc áp dụng máy móc các phương pháp không bao giờ là một sự thay thế thỏa đáng cho tư duy phản biện, và luân lý cũng không ngoại lệ.
Sự yêu cầu về tính không thiên lệch. Hầu hết mỗi một học thuyết luân lý quan trọng đều bao hàm ý tưởng về tính không thiên lệch. Đây là ý tưởng cho rằng lợi ích của mỗi cá nhân đều quan trọng như nhau; không một ai nên được đối xử đặc biệt. Đồng thời, tính không thiên lệch đòi hỏi chúng ta không nên đối xử với thành viên của một số nhóm đặc thù như thể họ là người thấp kém, và do đó, tính không thiên lệch lên án các hình thức phân biệt đối xử như phân biệt giới tính và phân biệt chủng tộc.
Tính không thiên lệch có mối liên hệ chặt chẽ với ý tưởng rằng những đánh giá về mặt luân lý phải được hỗ trợ bởi những lý do chính đáng. Khi suy xét về trường hợp người phân biệt chủng tộc, họ nghĩ rằng người da trắng xứng đáng có được tất cả những công việc tốt, và họ muốn tất cả các bác sĩ, luật sư, giám đốc kinh doanh, ... đều là người da trắng. Vậy chúng ta có thể hỏi lý do cho suy nghĩ đó; chúng ta có thể hỏi tại sao điều này lại được cho là đúng. Người da trắng có điều gì khiến họ phù hợp hơn cho những vị trí được trả lương cao nhất và danh giá nhất? Họ vốn thông minh hơn hay cần cù hơn chăng? Họ có quan tâm đến bản thân và gia đình họ hơn không? Liệu họ có mang lại nhiều lợi ích hơn từ công việc như vậy không? Dù trong bất kỳ tình huống nào, câu trả lời đều là không; và nếu không có lý do chính đáng cho việc đối xử với mọi người khác nhau, vậy thì sự phân biệt đối xử là sự võ đoán không thể chấp nhận được.
Như vậy, về cơ bản, sự yêu cầu về tính không thiên lệch không gì khác hơn là một quy tắc chống lại việc đối xử với mọi người một cách võ đoán. Tính không thiên lệch ngăn cấm đối xử với người này kém hơn người khác khi không có lý do chính đáng để làm như vậy. Nhưng nếu điều này cho thấy vấn đề của phân biệt chủng tộc, thì nó cũng giải thích tại sao trong một số trường hợp việc đối xử với mọi người cách khác nhau lại không phải là sự phân biệt chủng tộc. Giả sử một đạo diễn đang thực hiện bộ phim về Fred Shuttlesworth (1922–2011) – vị anh hùng lãnh đạo dân quyền người Mỹ gốc Phi anh hùng. Người đạo diễn này sẽ có lý do chính đáng để không chọn Christian Bale vào vai chính. “Một sự phân biệt đối xử” như vậy sẽ không võ đoán hoặc đáng chê trách.
1.6. Khái niệm tối thiểu về luân lý
Giờ đây chúng ta có thể phát biểu về khái niệm tối thiểu như sau: Luân lý, ở mức tối thiểu, được hiểu là nỗ lực hướng dẫn cách hành xử của một người bằng lý trí - nghĩa là làm những điều mà bản thân nhận thấy những việc làm như vậy có những lý do chính đáng nhất - đồng thời cân nhắc lợi ích của từng cá nhân chịu ảnh hưởng bởi quyết định của người đó.
Điều này cho chúng ta một cái nhìn tổng quan về ý nghĩa của việc trở thành một chủ thể luân lý mang tính ý thức (a conscientious moral agent). Chủ thể luân lý mang tính ý thức là người quan tâm một cách không thiên lệch đến lợi ích của tất cả mọi người bị ảnh hưởng bởi những gì họ làm; người cẩn thận sàng lọc các sự việc và xem xét ý nghĩa của chúng; người chỉ chấp nhận các nguyên tắc ứng xử sau khi đã xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo rằng chúng hợp lý; người sẵn sàng “lắng nghe lý trí” ngay cả khi điều đó có nghĩa là sửa đổi lại những kết luận trước đó; và cuối cùng, người sẵn sàng hành động dựa trên kết quả của sự thận trọng này.
Không phải học thuyết đạo đức nào cũng chấp nhận “mức tối thiểu” này như người ta mong đợi. Cái nhìn tổng quan về chủ thể luân lý này đã luôn bị tranh cãi theo nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, với những học thuyết bác bỏ khái niệm tối thiểu thì chúng gặp khó khăn đáng kể. Hầu hết các triết gia nhận thức rõ điều này, và vì thế phần lớn các học thuyết về luân lý đều kết hợp với khái niệm tối thiểu ở dạng này hay dạng khác.
James Rachels
0 Comments:
Không cho phép có nhận xét mới.