Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 20 tháng 8, 2023

Immanuel Kant Và Sự Tôn Trọng Con Người

 Immanuel Kant Va Sự Tôn Trọng Con Người

Có ai không ngưỡng mộ con người không?



10.1 Ý tưởng cốt lõi của Kant

Immanuel Kant cho rằng con người chiếm một vị trí đặc biệt trong sự sáng tạo. Tất nhiên, không chỉ có ông suy nghĩ như vậy.

Từ thời cổ đại, con người đã coi mình khác biệt về cơ bản so với tất cả các sinh vật khác—và không chỉ khác biệt mà còn tốt hơn. Trên thực tế, con người xưa nay vẫn nghĩ rằng mình khá tuyệt vời. Kant chắc chắn đã nghĩ như thế. Theo quan điểm của ông, con người có “giá trị nội tại” hoặc “phẩm giá” khiến họ trở nên có giá trị “trên tất cả mọi định giá” (above all price). Kant nghĩ rằng các loài động vật khác chỉ có giá trị khi chúng phục vụ mục đích của con người. Trong Bài giảng về Đạo đức (1779), Kant viết, “Chúng ta không có bổn phận trực tiếp nào cho đến khi động vật được cân nhắc…chúng chỉ đơn thuần là phương tiện để đạt được mục đích. Mục đích cuối cùng đó là con người.” Do đó, chúng ta có thể sử dụng động vật theo bất kỳ cách nào chúng ta muốn. Chúng ta thậm chí không có “nghĩa vụ trực tiếp” để phải tránh việc tra tấn chúng. Kant đã lên án việc lạm dụng động vật, nhưng không phải vì sợ động vật sẽ bị tổn thương, cho bằng ông lo lắng về chúng ta: “Kẻ đối xử tàn nhẫn với động vật cũng sẽ trở nên bạo lực với con người”. Khi Kant nói rằng con người có giá trị “trên tất cả mọi định giá” (above all price), đây không chỉ là lời nói suông. Kant muốn ám chỉ rằng con người là bất khả thay thế. Nếu một đứa trẻ chết, đây là một bi kịch, và nó vẫn là bi kịch ngay cả khi có một đứa trẻ khác được sinh ra trong gia đình ấy. Mặt khác, “những vật đơn thuần”( “mere things”) có thể thay thế được. Nếu máy in của bạn bị hỏng thì mọi thứ sau đó đều ổn miễn là bạn có thể mua một máy in khác. Kant tin rằng con người có “phẩm giá” mà mọi vật đơn thuần không có.(137)

Kant nghĩ rằng có hai sự thật về con người hỗ trợ cho lập luận này. 

Thứ nhất, vì con người có ham muốn nên những thứ thỏa mãn những ham muốn đó có thể có giá trị đối với con người. Ngược lại, “những vật đơn thuần” chỉ có giá trị trong chừng mực chúng thúc đẩy mục đích của con người mà thôi. Do đó, nếu bạn muốn trở thành người chơi poker giỏi hơn, một cuốn sách về poker sẽ có giá trị đối với bạn; nhưng ngoài những mục đích như vậy, những cuốn sách như thế là vô giá trị. Hoặc, nếu bạn muốn đi đâu đó, một chiếc ô tô sẽ có giá trị cho bạn; nhưng ngoài những mong muốn như vậy, ô tô không có giá trị gì. Kant nghĩ rằng động vật đơn thuần là quá nguyên thủy để có những ham muốn và mục tiêu tự ý thức. Vì vậy, chúng chỉ là “những vật đơn thuần”. Ví dụ, Kant không tin rằng sữa có giá trị đối với con mèo. Nhưng ngày nay chúng ta quan tâm tới đời sống tâm lý của động vật hơn thời của Kant. Chúng ta tin rằng động vật có ước muốn và mục tiêu. Vì vậy, có lẽ Kant có cơ sở để nói rằng động vật không phải là “những vật đơn thuần”. Tuy nhiên, lý do thứ hai của Kant không áp dụng cho động vật. Kant nói, con người có “giá trị nội tại, tức là phẩm giá” bởi vì họ là những tác nhân có lý trí, tức là những tác nhân tự do có khả năng tự đưa ra quyết định, đặt ra mục tiêu của riêng mình và hướng dẫn hành vi của họ bằng lý trí. Cách duy nhất mà sự tốt lành về mặt đạo đức có thể tồn tại là để các sinh vật có lý trí hành động từ ý muốn—nghĩa là hiểu được những gì chúng nên làm và hành động từ ý thức trách nhiệm.

Con người là tác nhân lý tính duy nhất tồn tại trên trái đất; động vật không phải người thiếu ý chí tự do, và chúng không “dẫn dắt hành vi của mình bằng lý trí”, vì năng lực lý trí của chúng quá hạn chế. Nếu con người biến mất, thì chiều kích đạo đức của thế giới cũng sẽ biến mất. 

Sự thật thứ hai này về con người đặc biệt quan trọng đối với Kant. Vì Kant tin rằng, con người không chỉ đơn thuần là một vật có giá trị trong số những vật khác. Con người là những kẻ làm nên các giá trị, và chính những hành động có ý thức của họ mới có giá trị đạo đức. Con người cao hơn vạn vật. Những suy nghĩ này là trung tâm của hệ thống đạo đức của Kant. Kant tin rằng tất cả các bổn phận của chúng ta có thể được bắt nguồn từ một nguyên tắc tối hậu, mà ông gọi đó là Mệnh lệnh Tuyệt đối. Kant đã đưa ra các công thức khác nhau cho nguyên tắc này, nhưng tại một thời điểm, ông diễn đạt nó như sau: Hãy hành động sao cho cách bạn đối xử với nhân loại, dù là của chính bạn hay của người khác, luôn luôn như là mục đích mà không bao giờ chỉ là phương tiện.(138)

Vì con người rất có giá trị nên đạo đức đòi hỏi chúng ta phải đối xử với họ “như là mục đích chứ không bao giờ chỉ là phương tiện”. Điều này có nghĩa là gì, và tại sao mọi người nên tin nó? Việc đối xử với con người “như mục đích cuối cùng”, ở mức hời hợt nhất, có nghĩa là đối xử tốt với họ. Chúng ta phải thúc đẩy lợi ích của họ, tôn trọng quyền của họ, tránh làm hại họ và nói chung là “nỗ lực hết sức có thể để thúc đẩy mục đích của những người khác”. Nhưng ý tưởng của Kant còn có một hàm ý sâu xa hơn. Việc đối xử với mọi người như là mục đích đòi hỏi phải đối xử với họ với sự tôn trọng. Vì vậy, chúng ta không thể thao túng con người, hoặc “sử dụng” con người để đạt được mục tiêu của mình, cho dù những mục tiêu đó có tốt đến đâu. Kant đưa ra ví dụ sau: Giả sử bạn cần tiền và muốn vay, nhưng bạn biết rằng mình không thể trả được. Trong tuyệt vọng, bạn xem xét việc nói với bạn của bạn- bạn sẽ trả lại nó khi bạn có tiền. Bạn có thể làm điều này không? Có lẽ bạn cần tiền cho một mục đích tốt - thực tế là tốt đến mức bạn có thể tự thuyết phục bản thân rằng lời nói dối là chính đáng. Tuy nhiên, bạn không nên nói dối bạn mình. Nếu bạn làm vậy, bạn sẽ thao túng cô ấy và sử dụng cô ấy “như một phương tiện đơn thuần."

Mặt khác, bạn sẽ giống cái gì khi coi bạn của mình là “mục đích”? Giả sử bạn nói sự thật—bạn nói với cô ấy lý do bạn cần tiền, và bạn nói với cô ấy rằng bạn sẽ không thể trả lại cho cô ấy. Sau đó, bạn của bạn có thể tự quyết định xem có nên cho bạn vay hay không. Cô ấy có thể xem xét giá trị và ước muốn của chính cô ấy, thực hiện khả năng suy luận của riêng mình và đưa ra lựa chọn tự do. Nếu sau đó cô ấy quyết định đưa tiền cho bạn vì mục đích đã nêu, thì cô ấy sẽ chọn biến mục đích đó thành của riêng mình. Do đó, bạn sẽ không sử dụng cô ấy như một phương tiện đơn thuần để đạt được mục tiêu của mình, vì đó cũng là mục tiêu của cô ấy. Vì vậy, đối với Kant, việc đối xử với con người như cứu cánh là coi họ “như những hữu thể [có thể] chứa đựng trong bản thân họ cái cùng đích của chính hành động như vậy. Khi bạn nói sự thật với bạn mình và cô ấy đưa tiền cho bạn, bạn đang sử dụng cô ấy như một phương tiện để có tiền.

Tuy nhiên, Kant không phản đối việc coi ai đó như một phương tiện; ông phản đối việc đối xử ai đó chỉ như một phương tiện. Hãy xem xét một ví dụ khác: Giả sử bồn rửa trong phòng tắm của bạn bị tắc. Gọi thợ sửa ống nước—để “dùng” thợ sửa ống nước như một phương tiện để thông cống có được không? Kant thấy không có vấn đề gì với điều đó. Tóm lại, người thợ sửa ống nước hiểu tình hình. Bạn không lừa dối hay thao túng anh ta. Anh ta có thể tự do chọn thông cống cho bạn để đổi lấy khoản thanh toán. Mặc dù bạn (139) đang đối xử với người thợ sửa ống nước như một phương tiện, nhưng bạn cũng đang đối xử với anh ta một cách đàng hoàng, như là “mục đích của chính anh ta” vậy.

Đối xử với mọi người như mục đích và tôn trọng khả năng lý tính của họ, có những hàm ý khác. Chúng ta không nên ép buộc người trưởng thành làm những việc trái với ý muốn của họ; thay vào đó, chúng ta nên để họ tự quyết định. Do đó, chúng ta nên cảnh giác với những luật lệ mà mục đích là bảo vệ con người khỏi chính họ—ví dụ, luật yêu cầu mọi người thắt dây an toàn hoặc đội mũ bảo hiểm xe máy. Ngoài ra, chúng ta không nên quên rằng tôn trọng mọi người cũng là tôn trọng chính mình. Tôi nên chăm sóc tốt cho bản thân mình; Tôi nên phát huy tài năng của mình; Tôi nên thực hành hơn là chỉ lướt qua. Hệ thống đạo đức của Kant không dễ nắm bắt. Để hiểu rõ hơn, chúng ta hãy xem xét cách Kant áp dụng ý tưởng của mình vào thực tế trong việc trừng phạt tội phạm. Phần còn lại của chương này dành cho ví dụ đó.

10.2. Sự thưởng phạt và sự vị lợi trong Lý thuyết thưởng phạt

Jeremy Bentham (1748–1832) đã có lý khi nói rằng “mọi hình phạt đều là điều ác: bản thân mọi hình phạt đều là điều ác.” Về bản chất, hình phạt luôn liên quan đến việc gây ra một số tổn hại lên người bị phạt. Là một xã hội, chúng ta trừng phạt mọi người bằng cách bắt họ nộp phạt hoặc đi tù, hoặc thậm chí bằng cách giết họ. Liệu có đúng khi đối xử với mọi người theo những cách này? Để biện minh cho hình phạt, câu trả lời xưa nay là: đây là cách “trả thù”*** kẻ phạm tội vì hành động xấu xa của hắn. Những người đã phạm tội đáng bị đối xử tệ bạc vì những điều mà họ gây ra. Đó là vấn đề về công lý: Nếu bạn làm hại người khác, công lý cũng đòi bạn bị tổn hại như vậy. Người xưa có câu: “Mắt đền mắt, răng đền răng”. Theo học thuyết của chủ nghĩa thưởng phạt, đây là lời biện minh chính cho hình phạt. Theo quan điểm của Bentham, chủ nghĩa thưởng phạt là một ý tưởng hoàn toàn không thỏa đáng, bởi vì nó ủng hộ việc gây ra đau khổ mà không có bất kỳ lợi ích bù đắp nào trong hạnh phúc. Retributivism sẽ khiến chúng ta ngày càng tăng lên chứ chứ không hề giảm đi những sự đau khổ trong thế giới. Kant là một người theo chủ nghĩa thưởng phạt, và ông đã công khai chấp nhận điều này. Trong Phê phán lý tính thực hành (1788), ông viết: 

Khi ai đó thích gây phiền nhiễu và bực bội cho những người yêu chuộng hòa bình cuối cùng cũng nhận được một trận đòn đúng đắn, đó chắc chắn là một điều tồi tệ, nhưng mọi người đều tán thành và cân nhắc điều đó. bản thân nó cũng tốt ngay cả khi nó cũng không mang lại kết quả gì. 

Vì vậy, trừng phạt mọi người có thể làm gia tăng sự đau khổ trong thế giới; nhưng điều đó không sao cả, vì những sự đau khổ đó là dành cho những người đáng phải chịu như vậy. 

Chủ nghĩa vị lợi có một cách tiếp cận rất khác. Dựa theo Chủ nghĩa vị lợi, nhiệm vụ của chúng ta là làm bất cứ điều gì để gia tăng sự hạnh phúc trên thế giới. Nhìn bề ngoài, hình phạt là “một điều xấu xa” vì nó làm cho người bị trừng phạt không vui. Vì vậy, Bentham - một người theo chủ nghĩa vị lợi - nói, “Nếu [hình phạt] được thừa nhận, thì nó nên được thừa nhận trong chừng mực mà nó hứa hẹn sẽ loại trừ nhiều cái ác hơn.” Nói cách khác, hình phạt chỉ có thể được biện minh nếu nó đủ tốt để lấn át cái xấu. Và những người theo chủ nghĩa vị lợi suy nghĩ một cách truyền thống rằng phải làm như vậy. Nếu ai đó vi phạm pháp luật thì việc trừng phạt người đó có thể mang lại một số lợi ích.

Đầu tiên, hình phạt mang lại sự thoải mái và hài lòng cho nạn nhân và gia đình họ. Mọi người cảm thấy rõ ràng rằng ai đó đã cướp bóc, hãm hiếp hoặc lấy trộm của họ thì không nên được tự do. Những nạn nhân cũng sống trong sợ hãi khi biết rằng kẻ tấn công mình vẫn chưa bị bắt. Các triết gia đôi khi bỏ qua sự biện mình này cho hình phạt, nhưng nó lại đóng một vai trò nổi bật trong hệ thống pháp luật của chúng ta. Các thẩm phán, luật sư và bồi thẩm đoàn thường muốn biết nạn nhân muốn gì. Thật vậy, việc cảnh sát có bắt giữ hay không, và văn phòng luật sư quận có khởi tố một vụ án hay không, thường phụ thuộc vào nguyện vọng của nạn nhân.

Thứ hai, bằng cách nhốt bọn tội phạm, hoặc bằng cách xử tử chúng, chúng ta tách chúng ra khỏi khu phố. Càng ít tội phạm trên đường phố, thì sẽ càng ít tệ nạn xảy ra hơn. Bằng cách này, các nhà tù sẽ bảo vệ xã hội và nhờ vậy cũng giảm bớt sự bất hạnh. Tất nhiên, lời biện minh này không áp dụng đối với các hình phạt mà trong đó người phạm tội vẫn được tự do, chẳng hạn như khi một tên tội phạm bị kết án quản chế với công việc phục vụ cộng đồng.

Thứ ba, hình phạt làm giảm tội phạm bằng cách ngăn chặn kẻ xấu phạm tội. Một người bị cám dỗ phạm tội có thể sẽ không làm như vậy nếu anh ta biết mình có thể bị trừng phạt. Tuy nhiên có thể thấy rằng các sự răn đe của hình phạt không phải lúc nào cũng hiệu quả; đôi khi mọi người vẫn tiếp tục phạm tội. Nhưng sẽ có ít hành vi sai trái hơn nếu hình phạt có sức răn đe. Hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu công an không còn bắt trộm; chắc chắn sẽ có rất nhiều tên trộm xuất hiện. Do đó ngăn chặn tội phạm là ngăn chặn sự bất hạnh.

Thứ tư, một hệ thống xử phạt được thiết lập tốt có thể giúp cải tạo những người phạm tội. Tội phạm thường có vấn đề về tinh thần và cảm xúc. Thông thường, họ là những người thất học, mù chữ và không có việc làm. Tại sao không đối phó với tội phạm bằng cách tấn công vào các vấn đề gây ra nó? Nếu ai đó gây nguy hiểm, chúng tôi có thể bỏ tù anh ta. Nhưng trong khi giam anh ta sau những song sắt, tại sao chúng ta không giải quyết vấn đề của anh ấy bằng liệu pháp tâm lý, cùng những cơ hội giáo dục, và đào tạo việc làm? Nếu một ngày anh ta có thể trở lại xã hội với tư cách là một công dân có ích, thì cả anh ta và xã hội đều có lợi.

Ở Mỹ, quan điểm của chủ nghĩa vị lợi về trừng phạt đã có ảnh hưởng lớn. Năm 1954, Hiệp hội Nhà tù Hoa Kỳ đã thay đổi tên của nó thành “Hiệp hội Cải huấn Hoa Kỳ” và các nhà tù trở thành “các cơ sở cải huấn.” Do đó, các nhà tù được yêu cầu “sửa sai” các tù nhân, chứ không phải là “trừng phạt” họ. Cuộc cải cách nhà tù đã phổ biến trong những thập niên 1950 và 1960. Các nhà tù cung cấp cho tù nhân của họ các chương trình điều trị ma túy, các lớp đào tạo nghề nghiệp, và các buổi tham vấn nhóm, với hy vọng biến các tù nhân trở thành những công dân tốt.

Tuy nhiên, những ngày đó đã qua lâu rồi. Vào những năm 1970, các “cuộc chiến chống ma túy” mới được tuyên bố khiến các tội phạm ma túy phải ngồi tù lâu hơn. Về bản chất, sự thay đổi này trong tư pháp Hoa Kỳ mang tính trừng phạt hơn là vị lợi, và nó làm gia tăng số lượng tù nhân. Ngày nay, Hoa Kỳ đang giam giữ khoảng 2,3 triệu tù nhân, đây cũng là quốc gia có tỷ lệ giam giữ cao nhất trên thế giới. Hầu hết những tù nhân được giam giữ trong các nhà tù tiểu bang chứ không phải các nhà tù liên bang, và các tiểu bang ấy đang phải vận hành những cơ sở đó trong tình trạng thiếu kinh phí. Hậu quả là hầu hết của các chương trình nhằm mục đích cải tạo bị loại bỏ hoặc thu nhỏ trở lại. Do đó, não trạng phục hồi của những năm 1960 đã được thay thế bằng não trạng « nhập kho » (nhà tù chỉ là nơi chứa cho đầy tu nhân), được đánh dấu bằng nhà tù quá đông và bị ảnh hưởng bởi thiếu kinh phí. Thực tại mới này thật chẳng dễ chịu gì cho các tù nhân, và nó cũng ám chỉ một sự chiến thắng của chủ nghĩa thưởng phạt. 

10.3. Thuyết thưởng phạt của Kant

Lý thuyết vị lợi về thưởng phạt có nhiều sự phản đối. Một số nhà phê bình nói rằng cải cách nhà tù không hiệu quả. Bang California đã có chương trình cải cách mạnh mẽ nhất ở Hoa Kỳ, song các tù nhân ở đây lại dễ có khả năng tái phạm sau khi được trả tự do. Tuy nhiên, hầu hết sự phản đối đều dựa trên những nghiên cứu về mặt lý thuyết ít nhất là từ thời Kant. 

Kant coi thường “những sự lươn lẹo của Chủ nghĩa vị lợi” bởi vì, ông nói rằng lý thuyết không tương thích với phẩm giá con người. Ngay từ đầu, chúng ta đã tính toán cách sử dụng con người như phương tiện để đạt được mục đích của mình. Nếu chúng ta bỏ tù tội phạm để giữ an toàn cho xã hội, chúng ta chỉ lợi dụng anh ta vì lợi ích của người khác. Điều này trái với niềm tin của Kant rằng “một người không bao giờ được xử lý đơn thuần như một phương tiện phục vụ cho mục đích của người khác."


Hơn nữa, việc cải tạo thực chất chỉ là nỗ lực để nhào nặn mọi người thành những gì chúng ta muốn họ trở thành. Như thế, nó vi phạm quyền tự quyết định bản thân sẽ trở thành loại người nào. Chúng ta có quyền đáp trả sự gian ác của họ bằng cách “trừng phạt họ"vì những gì họ làm, nhưng chúng ta không có quyền vi phạm tính toàn vẹn của họ bằng cách cố gắng thao túng nhân cách của họ.

Do đó, Kant sẽ không có phần biện minh cho chủ nghĩa vị lợi. Thay vào đó, ông lập luận rằng hình phạt nên được điều hành bởi hai nguyên tắc. Thứ nhất, mọi người nên bị trừng phạt đơn giản vì họ đã phạm tội, và không vì lý do nào khác. Thứ hai, hình phạt phải tương xứng với mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội. Những hình phạt nhỏ có thể đủ cho những tội nhỏ, nhưng những hình phạt lớn là cần thiết cho những tội lớn:

Nhưng đâu là hình thức và mức độ thưởng phạt mà công lý lấy làm nguyên tắc và tiêu chuẩn? Nó chỉ là nguyên tắc của sự công bằng, mà theo đó chiếc kim của cán cân công lý không được nghiêng về bên này nhiều hơn bên kia. . . . Vì thế, người ta có thể nói rằng: “Nếu bạn nói xấu người khác, bạn nói xấu chính mình; nếu bạn ăn cắp của người khác, bạn ăn cắp của chính mình; nếu bạn tấn công người khác, bạn tấn công chính mình; nếu bạn giết người khác, bạn giết chính mình”. Đây là . . . nguyên tắc duy nhất mà . . . có thể chỉ định cách chắc chắn cả về chất lượng và số lượng cho một hình phạt công bằng.

Nguyên tắc thứ hai của Kant khiến ông tán thành hình phạt tử hình; Vì để đối phó với tội giết người chỉ có cái chết là thích đáng. Trong một đoạn văn nổi tiếng, Kant nói:

Ngay cả khi một xã hội dân sự quyết định tự giải thể với sự đồng ý của tất cả các thành viên của nó - như có thể được giả định trong trường hợp của một dân tộc nọ, sinh sống trên một hòn đảo, quyết tâm chia tách và phân tán khắp thế giới—kẻ sát nhân cuối cùng nằm trong tù nên bị xử tử trước khi nghị quyết được thực hiện. Điều này nên được thực hiện để mọi người có thể nhận ra sự thích đáng trong hành vi của họ, và rằng tội đổ máu không thể ở lại trên người dân; vì nếu không tất cả bọn họ sẽ bị coi là những người tham gia vào vụ giết người như một sự vi phạm công lý.

Mặc dù một người theo lý thuyết của Kant phải ủng hộ án tử hình trong lý thuyết , nhưng họ có thể phản đối nó trong thực tế . Trong thực tế, điều đáng lo là những người vô tội có thể bị giết do nhầm lẫn. Ở Hoa Kỳ, khoảng 130 tử tù đã được trả tự do sau khi họ được chứng minh là vô tội. Không ai trong số những người đó là thực sự bị giết. Nhưng với rất nhiều trường hợp như vậy thì việc một số người vô tội đã bị xử tử là một điều chức chắn—và những người ủng hộ cải cách nhà tù chỉ ra những ví dụ cụ thể và đáng lo ngại. Do đó, khi quyết định có nên ủng hộ chính sách tử hình hay không, những người theo lý thuyết của Kant phải cân bằng giữa sự bất công của sai lầm chết người - diễn ra không thường xuyên, với sự bất công khi để cho những kẻ giết người được sống.

Hai nguyên tắc của Kant mô tả một lý thuyết chung về sự thưởng phạt: Kẻ làm sai phải bị trừng phạt và hình phạt phải phù hợp với tội ác. Lý thuyết này phản đối sâu sắc ý tưởng “đưa má bên kia” của Công Giáo. Trong bài giảng trên Núi, Chúa Giêsu thừa nhận, “Anh em đã nghe nói rằng: 'Mắt đền mắt, răng đền răng.' Nhưng Ta bảo các con: Đừng chống lại kẻ ác. Nếu ai vả má phải con, thì hãy đưa cả má kia cho họ nữa.” Đối với Kant, phản ứng như vậy đối với cái ác không chỉ là thiếu thận trọng mà còn là bất công. Nhưng những lập luận nào có thể được đưa ra cho Chủ nghĩa thưởng phạt của Kant? Chúng tôi lưu ý rằng Kant coi hình phạt là vấn đề công lý. Ông ấy nói rằng nếu kẻ phạm tội không bị trừng phạt thì công lý sẽ không được thực thi. Đó là một lập luận. Ngoài ra, chúng ta đã thảo luận tại sao Kant bác bỏ quan điểm vị lợi về trừng phạt. Nhưng ông ấy cũng đưa ra một lập luận khác, dựa trên ý tưởng của mình về việc coi mọi người là “cùng đích của chính họ”. Lập luận bổ sung này là đóng góp của Kant cho lý thuyết của Chủ nghĩa thưởng phạt.


Thoạt nhìn, có vẻ như chúng ta không thể mô tả việc trừng phạt ai đó là “tôn trọng anh ta như một con người” hoặc “coi anh ta như một mục đích cuối cùng.” Làm thế nào có thể đưa ai đó vào tù như một cách để tôn trọng anh ta? Nghịch lý hơn nữa, làm sao có thể xử tử ai đó như một cách tôn trọng nhân phẩm của họ? Đối với Kant, đối xử với ai đó là “mục đích tối hậu” có nghĩa là đối xử với anh ta như một hữu thể có lý trí, như một người có khả năng chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Vì vậy, bây giờ chúng ta có thể hỏi: Là một hữu thể có trách nhiệm nghĩa là gì?

Trước tiên, hãy xem xét ý nghĩa của việc không phải là một hữu thể có trách nhiệm.Những người thiếu lý trí, kể cả những người mắc bệnh tâm thần không kiểm soát được bản thân, như những con vật đơn thuần, không phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. Trong những trường hợp như thế, sẽ là vô lý nếu “bắt họ phải chịu trách nhiệm”. Chúng ta không thể cảm thấy biết ơn hay oán giận họ, bởi vì họ không chịu trách nhiệm về bất kỳ điều tốt hay xấu mà họ gây ra. Hơn nữa, chúng ta không thể mong đợi họ hiểu tại sao chúng ta đối xử với họ như vậy, cũng như hiểu tại sao họ cư xử như vậy. Vì vậy, chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc xử lí họ bằng cách thao túng, thay vì đối xử với họ như những cá nhân có lý trí. Chẳng hạn, khi chúng ta la mắng một con chó vì tội ăn sạch đồ ăn trên bàn, chúng ta chỉ đang cố gắng “huấn luyện” nó.


Mặt khác, một người có lý trí có thể tự do quyết định mình phải làm gì, dựa trên nhận thức của chính anh ta về điều tốt nhất. Những sinh vật có lý trí phải chịu trách nhiệm về hành vi của chính họ, và vì vậy họ chịu trách nhiệm về những gì họ làm. Chúng ta có thể cảm thấy biết ơn khi họ cư xử tốt và oán giận khi họ cư xử tồi. Phần thưởng và hình phạt—chứ không phải “huấn luyện” hay thao túng—là những biểu hiện tự nhiên của lòng biết ơn và sự oán giận. Do đó, khi thưởng phạt con người, chúng ta buộc họ phải chịu trách nhiệm về hành động của mình trên một phương diện nào đó mà chúng ta không thể làm như vậy khi quy trách nhiệm cho động vật đơn thuần. Chúng ta đang đáp trả họ không phải với tư cách là những người “ốm yếu” hay không thể kiểm soát được bản thân, mà với tư cách họ là những người tự do lựa chọn những hành động xấu xa của mình.

Hơn thế nữa, khi đối phó với những người có trách nhiệm, ít nhất phần nào đó, chúng ta có thể cho phép hành vi của họ quyết, cách chúng ta đáp trả họ. Nếu ai đó tử tế với bạn, bạn có thể đáp lại bằng cách hào phóng; và nếu ai đó khó chịu với bạn, bạn có thể tính đến thái độ đó khi quyết định cách phản ứng. Và tại sao bạn nên hay không nên đối xử với mọi người như nhau, bất kể họ đã chọn hành xử như thế nào?

Kant đã cung cấp một bước ngoặt đặc biệt cho điểm cuối cùng này. Theo quan điểm của ông, có một lý do sâu xa để đáp lại những người khác “bằng sự tử tế”. Khi chúng ta chọn làm một việc gì đó, sau khi tham khảo các giá trị của bản thân thì chúng ta thực tế đang nói rằng đây là việc nên làm. Theo thuật ngữ của Kant, chúng ta đang ngụ ý rằng hành vi của chúng ta phải được biến thành một “quy luật phổ quát”. Do đó, khi một sinh vật có lý trí quyết định đối xử với mọi người theo một cách nào đó, thì theo phán đoán của mình, anh ta ra lệnh rằng đây là cách mọi người phải được đối xử. Vì vậy, nếu chúng ta đối xử với anh ta theo cách tương tự, chúng ta không làm gì khác hơn là đối xử với anh ta như anh ta đã quyết định rằng mọi người sẽ được đối xử. Nếu anh ta đối xử tệ với người khác và chúng ta đối xử tệ với anh ta, thì chúng ta đang tuân theo quyết định của chính anh ta. Theo một nghĩa hoàn toàn rõ ràng, chúng ta tôn trọng sự phán xét của anh ấy, bằng cách cho phép nó kiểm soát cách chúng ta đối xử với anh ấy. Do đó, Kant nói về tên tội phạm, “Hành động xấu xa của anh ta dẫn đến hình phạt cho chính anh ta.”

Lập luận cuối cùng này chắc chắn có thể bị đặt nghi vấn. Tại sao chúng ta nên áp dụng nguyên tắc hành động của tội phạm, thay vì tuân theo các nguyên tắc của chính chúng ta? Chẳng phải chúng ta nên cố gắng “tốt hơn anh ấy” sao? Suy cho cùng, những gì chúng ta nghĩ về lý thuyết của Kant có thể phụ thuộc vào quan điểm của chúng ta về hành vi phạm tội. Nếu chúng ta coi tội phạm là nạn nhân của hoàn cảnh, là những kẻ cuối cùng không kiểm soát được hành động của mình, thì mô hình vị lợi sẽ hấp dẫn chúng ta. Mặt khác, nếu chúng ta coi tội phạm là những tác nhân có lý trí, là những người tự do chọn làm sai, thì Thuyết thưởng phạt của Kant sẽ có sức hấp dẫn lớn đối với chúng ta. Do đó, giải pháp cho cuộc tranh luận lớn này có thể xoay quanh việc chúng ta tin rằng con người có ý chí tự do, hay liệu chúng ta tin rằng các thế lực bên ngoài tác động sâu sắc đến hành vi của con người đến mức tự do của chúng ta chỉ là ảo tưởng. Tuy nhiên, cuộc tranh luận về ý chí tự do rất phức tạp và liên quan đến những vấn đề bên ngoài đạo đức nên chúng ta sẽ không thảo luận ở đây. Loại tình huống biện chứng này phổ biến trong triết học: khi bạn nghiên cứu sâu một vấn đề, bạn thường nhận ra rằng nó phụ thuộc vào một thứ khác. Và thật không may, thứ khác đó thường trở nên khó khăn như tổ hợp các vấn đề bạn đã bắt đầu.

James Rachels

0 Comments: