Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 22 tháng 5, 2024

Thiên chúa có tồn tại không?


 


Thiên chúa có tồn tại không?

Tinh trả lời: 

- Câu trả lời của câu hỏi này thường lệ thuộc vào việc chúng ta quan niệm gì về Thiên Chúa và thế nào là "tồn tại". Các câu trả lời khác nhau có thể không mâu thuẫn nhau, nhưng chỉ vì chưa thống nhất các khái niệm, chưa nói về cùng một điều.

- Thiên Chúa có thể được quan niệm như thần thánh hay như nền tảng của mọi sự; như thực tại phi ngã hay hữu ngã (personal), như xa vời hay rất gần với con người và vạn vật, như có dấn thân vào lịch sử hay không, v.v. Những quan niệm khác nhau về Thiên Chúa sẽ dẫn đến những câu trả lời khác nhau.

- "Tồn tại" cũng có thể được quan niệm cách đa dạng: như một vật thể (vd như viên đá, cái cây, con cá), như một tiến trình (vd như sóng, lửa), như một quy luật (vd như luật vạn vật hấp dẫn), như một thực tại nhân sinh (tình yêu, lòng yêu nước, hy vọng, vui buồn, tương quan, v.v.).

- Ngoài ra, câu trả lời của câu hỏi này cũng có thể không dựa trên suy lý nữa, mà dựa trên cảm thức của con người: nhiều người cảm nhận có "thực tại" lớn hơn họ, không biết rõ Đó là gì, nhưng Có đó.

Thỏ trả lời:

Câu hỏi này nhắc ta về nội hàm cơ bản nhất của một "câu hỏi" thông qua việc nhắc lại các danh xưng khác của thuật ngữ "câu hỏi" như "vấn đề", "nan đề". "Thiên Chúa có tồn tại không?" có thể sẽ còn tồn tại ở dạng "câu hỏi" cho nhân loại trong một khoảng thời gian dài hoặc vô cùng dài nữa, bất chấp những nỗ lực và cả những xác quyết trả lời của tiền nhân qua các tôn giáo hữu thần như Thiên Chúa Giáo (gồm cả Hồi Giáo), Ấn Độ Giáo...

Có vẻ như con người, qua lịch sử phát triển & khai mở và cả những thành tựu khoa học đạt được vẫn chưa chạm đến được nhiều vấn đề siêu hình học như nguồn gốc vũ trụ hay cuộc sống đời sau.. bằng những phương pháp thực chứng khoa học. Từ xưa, Aristotle đã thử định nghĩa rằng "Thiên Chúa là động cơ tối hậu." nghĩa là, khi phải trả lời cho câu hỏi "Ai đỡ vũ trụ này?". "một con rùa". "ai đỡ con rùa trứ danh này?". "một con rùa khác." Vậy theo Aristotle, "tập n" của các con rùa này là Thiên Chúa chăng? Kant cho rằng chẳng ai lại rỗi hơi đi thờ phượng một Thiên Chúa là một "động cơ" như vậy cả! Hàng tỷ tín đồ Thiên Chúa Giáo tin rằng có một Thiên Chúa Cá Vị (personal) yêu thương nhân loại và ghi nhớ hết mọi "historical record" giữa mỗi cá nhân và Thiên Chúa để từ đó Người có thể yêu thương ta với một tình yêu riêng biệt chỉ dành cho riêng ta trong khi Người vẫn yêu thương nhân loại với một tình yêu phổ phát vô bờ bến của Người. Họ chẳng buồn đặt câu hỏi "Thiên Chúa có tồn tại không?" bởi lẽ với họ khác nào lại đi tự hỏi "ta có tồn tại không?" Thật thú vị!

Vậy thì "Thiên Chúa có tồn tại không?" Chiều nọ ta dạo chơi trong rừng, chân vấp phải một chiếc đồng hồ quả lắc tinh xảo, ta liền bật ra câu hỏi "ai tạo ra chiếc đồng hồ này?". Nhưng khi chân ta vấp phải hòn đá, vốn tất nhiên tinh xảo hơn và cấu tạo phức tạp hơn chiếc đồng hồ kia nhiều, ta lại không bật ra câu hỏi tương tự. Cách tiếp cận này của một triết gia người Anh cũng rất đáng để ta tham khảo đó chứ... vì rất nhiều người trong chúng ta không thấy thoải mái với ý tưởng là vũ trụ này tự có. Cũng có vài triết gia khuyên ta thôi...đừng hỏi nữa vì "lấy cái hữu hạn để suy ra cái vô hạn chẳng phải là bất khả sao?" Kỳ cùng thì, việc chứng minh rằng "Thiên Chúa không tồn tại." cũng bất khả như việc chứng minh rằng "Thiên Chúa tồn tại" vậy.

Minh Đức.

0 Comments: