“Thời xuân Thu Chiến Quốc,
Mặc Tử là triết gia
Với nhiều đóng góp lớn
Cho triết học Trung Hoa.
Ông có nhiều đệ tử
Đến theo học hàng ngày.
Tử Cầm, một trò giỏi,
Một hôm hỏi: “Thưa thầy,
Nói nhiều hay nói ít
Là điều tốt cho người?”
Mặc Tử sau một lúc
Suy nghĩ, rồi trả lời:
“Con ếch trong đầm nước
Kêu luôn miệng mà rồi
Không ai thèm để ý,
Chỉ khô họng mà thôi.
Trong khi con gà trống
Gáy một lần trong ngày,
Đánh thức mọi người dậy.
Ai cũng thích việc này.
Nói thế là con hiểu
Cái thâm ý của ta.
Đừng học theo con ếch.
Hãy học theo con gà”.
Lời nói như liều thuốc.
Vừa đủ thì ô-kê.
Quá thì phản ứng phụ
Và hậu quả nặng nề
Xưa các cụ đã dạy
Rằng “Phúc thủy nan thu” -
Nước đổ khó lấy lại. -
Muốn người nghe tiếp thu,
Nên nói chậm, nói nhẹ.
Nói ít hoặc nói vừa.
Trước khi nói phải biết
Nói thế đã nên chưa?
Tuyệt đối không báng bổ,
Làm người khác tổn thương.
Không cần thiết không nói.
Không dồn vào chân tường.
Cần thì cứ chê trách,
Nhưng khen vẫn phải khen.
Trăm lời mắng chưa hẳn
Bằng một lời động viên.
Đừng luôn nghĩ mình đúng.
Đúng cũng ba bảy đàng.
Quan trọng là lời nói
Thiện tâm và nhẹ nhàng.”
— Trích thơ Thái Bá Tân
Ếch trong ao kêu khô cổ nhưng mấy ai chú ý, còn gà trống chỉ gáy vài tiếng mọi người đều thức dậy.
Nói nhiều chưa chắc mọi người cần nghe, nhưng họ sẽ nghe mình nói nếu nói đúng lúc, đúng nơi, đúng chỗ và đúng trọng tâm. Chỉ nói vừa đủ và biết "im lặng đúng lúc".
Đừng thích sửa lỗi người khác, nhất là với những người mới quen, hay trong những câu chuyện xã giao.
Đừng buôn chuyện. Đừng tung những thông tin chưa được kiểm chứng, tin đồn thất thiệt ảnh hưởng đến người khác.
Đừng cuồng ngôn, khoe khoang, khoác lác (nổ). Tập kiểm soát cảm xúc của mình. Nói đúng sự thật, không xen lẫn cảm xúc cá nhân, không xúc phạm người khác, không thêm thắt và suy diễn lung tung.
Tại sao chúng ta có hai mắt, hai tai, nhưng chỉ có một miệng? Bởi vì chúng ta cần quan sát nhiều hơn, lắng nghe nhiều hơn, và nói ít hơn.
0 Comments:
Không cho phép có nhận xét mới.