Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 20 tháng 8, 2023

Một lý thuyết đạo đức thỏa đáng sẽ như thế nào?

Một lý thuyết đạo đức thỏa đáng sẽ như thế nào?

Có người cho rằng Đạo đức không thể tiến bộ được, vì mọi điều trong đạo đức đã được nói đến. . . .  Nhưng tôi thì tin điều ngược lại. . . .

So với các khoa học khác, Đạo Đức Phi Tôn Giáo là thứ khoa học non trẻ nhất và kém tiến bộ nhất.



13.1. Đạo đức chân nhận sự giới hạn trong nó

Lịch sử của triết học đạo đức khá phong phú và hấp dẫn. Các học giả đã tiếp cận lãnh vực này từ nhiều quan điểm khác nhau, họ đưa ra những lý thuyết vừa thu hút, vừa loại bỏ những độc giả quan tâm sâu sắc về lĩnh vực này. Tất cả các lý thuyết cổ điển đều chứa đựng những yếu tố hợp lý, điều này hầu như không gây ngạc nhiên, bởi vì những triết gia thiên tài nghĩ ra chúng.

Tuy nhiên, nhiều lý thuyết lại mâu thuẫn với nhau, và hầu hết trong số những lý thuyết này dễ bị bác bỏ hoàn toàn. Vì vậy, người ta tự hỏi điều gì là đáng tin Hay trong việc xét vấn đề cách tận căn chân lý là gì? 

Theo lẽ thường, các triết gia khác nhau sẽ trả lời câu hỏi này theo những cách khác nhau. Một số người có thể từ chối đưa ra câu trả lời với lý do là chúng ta không đủ hiểu biết để đưa ra một “phân tích cuối cùng” (a final analysis). Về mặt này, triết học đạo đức không kém hơn nhiều so với bất kỳ môn học nào khác - chúng ta không biết chân lý cuối cùng về hầu hết mọi thứ. Nhưng chúng ta biết rất nhiều, và càng không vội vàng khi nói về một lý thuyết đạo đức thỏa đáng sẽ như thế nào.

Sự giới hạn của khái niệm về con người

Một lý thuyết thỏa đáng theo thuyết duy thực về vị trí của con người trong sơ đồ vĩ đại của vạn vật. “Vụ nổ lớn” (The big bang) xảy ra khoảng 13,8 tỷ năm trước và trái đất được hình thành cách đây khoảng 4,5 tỷ năm. Sự sống trên trái đất tiến hóa cách chậm chạp, chủ yếu theo nguyên tắc chọn lọc tự nhiên. Khi loài khủng long tuyệt chủng vào khoảng 65 triệu năm trước, điều này đã nhường chỗ cho sự tiến hóa của những loài động vật có vú, và vài trăm nghìn năm trước, cũng dòng tiến hóa đó đã tạo ra chúng ta. Trong thời kỳ địa chất, chúng ta chỉ vừa đến ngày hôm qua. 

Nhưng ngay khi tổ tiên của chúng ta xuất hiện, họ bắt đầu coi mình là đỉnh cao của sự sáng tạo. Một số người trong số họ thậm chí còn tưởng tượng rằng toàn bộ vũ trụ đã được tạo ra vì lợi ích của họ.

Do đó, khi họ bắt đầu phát triển các lý thuyết về đúng và sai, họ cho rằng việc bảo vệ những quan điểm của chính họ có giá trị cốt yếu và khách quan. Họ lập luận rằng phần còn lại của sự sáng tạo là dành cho họ sử dụng. Nhưng bây giờ chúng ta biết rõ hơn. Bây giờ chúng ta biết rằng chúng ta tồn tại một cách tình cờ trong quá trình tiến hóa, với tư cách là một loài trong số hàng triệu loài, như là một chấm nhỏ của một vũ trụ rộng lớn không thể tưởng tượng được. Các chi tiết của bức tranh này được sửa đổi hàng năm, khi nhiều thứ được khám phá ra, nhưng những nét chính thì đã được thiết lập rõ ràng. Một số câu chuyện cũ vẫn còn được lưu truyền rằng: con người vẫn là loài động vật thông minh nhất mà chúng ta biết và là loài duy nhất sử dụng ngôn ngữ. Tuy nhiên, Tuy nhiên, những sự thật đó không thể biện minh toàn bộ thế giới quan mà ở đó chúng ta là trung tâm.

Cách thức lý trí làm nảy sinh đạo đức

Con người đã tiến hóa thành những sinh vật có lý trí. Bởi vì chúng ta có lý trí, nên chúng ta có thể lấy một số sự kiện làm lý do để hành xử theo cách này chứ không phải cách khác. Chúng ta có thể kết nỗi những lý do này lại và suy tư về chúng. Do đó, nếu một hành động giúp thỏa mãn những mong muốn, nhu cầu của chúng ta, v.v.—tóm lại, nếu nó thúc đẩy lợi ích của chúng ta —thì chúng ta lấy đó làm lý do để hành động.

Nguồn gốc của khái niệm “nên” (ought) có thể được tìm thấy trong những sự kiện này. Nếu chúng ta không có khả năng cân nhắc các luận chứng, thì chúng ta sẽ không thể sử dụng một khái niệm như vậy. Giống như các loài động vật khác, chúng ta sẽ hành động theo bản năng, thói quen hoặc ham muốn nhất thời. Nhưng việc cân nhắc các luận chứng lại mở ra một yếu tố mới. Giờ đây, chúng ta thấy mình bị thúc đẩy hành động theo những cách thức nhất định do đã cân nhắc kỹ -  do đã suy nghĩ về hành vi của mình và kết quả của nó. Chúng ta sử dụng từ “nên” để đánh dấu yếu tố mới của tình huống này: Chúng ta nên làm điều mà dường như ta có lý do chính đánh nhất để hành động.

Một khi chúng ta coi đạo đức là vấn đề hành động dựa trên lý trí, thì một điểm quan trọng khác sẽ nảy sinh. Khi lập luận về việc phải làm, chúng ta có thể nhất quán hoặc không. Một cách bất nhất là chấp nhận một sự thật như một lý do trong một trường hợp này nhưng lại bác bỏ nó như một lý do trong một trường hợp tương tự. Điều này xảy ra khi một người đặt lợi ích của chủng tộc mình lên trên lợi ích của các chủng tộc khác, bất chấp sự giống nhau của các chủng tộc. Phân biệt chủng tộc là một hành vi phạm tội chống lại đạo đức vì nó là một hành vi phạm tội chống lại lý trí. Những nhận xét tương tự cũng áp dụng cho các học thuyết khác đang phân chia nhân loại thành những người được ủng hộ và không được ủng hộ về mặt đạo đức, chẳng hạn như chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa phân biệt giới tính và chủ nghĩa giai cấp. Kết quả cuối cùng là lý trí đòi hỏi sự công bằng: Chúng ta phải thúc đẩy lợi ích của tất cả mọi người như nhau.

Nếu Thuyết Tâm lý Vị kỷ là đúng - nếu chúng ta chỉ quan tâm đến bản thân mình - thì điều này có nghĩa là lý trí đòi hỏi ở chúng ta nhiều hơn những gì chúng ta có thể chế ngự. Nhưng Thuyết Tâm lý Vị kỷ không đúng; nó vẽ nên một bức tranh sai lầm về bản chất con người và thân phận con người. Chúng ta đã tiến hóa như là những sinh vật xã hội, sống cùng nhau theo nhóm, muốn bầu bạn với nhau, cần sự hợp tác của nhau và quan tâm đến phúc lợi của nhau. Vì vậy, sự “phù hợp” dễ dàng được chấp nhận giữa (a) điều mà lý trí đòi hỏi, cụ thể là không thiên vị; (b) các yêu cầu của cuộc sống xã hội, cụ thể là tuân thủ các quy tắc phục vụ lợi ích của mọi người, nếu được áp dụng một cách công bằng; và (c) khuynh hướng tự nhiên của chúng ta là quan tâm đến người khác—mặc dù, phải thừa nhận rằng, chúng ta nên quan tâm đến người khác thậm chí là nhiều hơn những gì chúng ta làm. Vì vậy, đạo đức không chỉ là khả dĩ đối với chúng ta; ở mức độ rộng, đó là điều tự nhiên đối với chúng ta.

13.2. Đối xử với mọi người như họ xứng đáng

Ý tưởng chúng ta nên “thúc đẩy lợi ích của mọi người như nhau” thì rất hấp dẫn khi nó được dùng để bác bỏ sự cố chấp. Tuy nhiên, đôi khi có lý do chính đáng để đối xử với mọi người cách khác nhau—đôi khi có người xứng đáng được đối xử tốt hơn hoặc tệ hơn những người khác. Con người là những tác nhân có lý trí có thể đưa ra những lựa chọn tự do. Những người chọn đối xử tốt với người khác thì xứng đáng được đối xử tốt; những người chọn cách đối xử tệ với người khác thì cũng đáng bị như thế.

Điều này nghe có vẻ gay gắt cho đến khi chúng ta xem xét một số ví dụ. Giả sử Smith luôn hào phóng, giúp đỡ bạn bất cứ khi nào cô ấy có thể, và bây giờ cô ấy gặp khó khăn và cần sự giúp đỡ của bạn. Lúc này bạn có một lý do đặc biệt để giúp đỡ cô ấy, ngoài nghĩa vụ chung là bạn phải giúp ích cho mọi người. Cô ấy không chỉ là một thành viên trong xã hội loài người; cô ấy đã nhận được sự tôn trọng và lòng biết ơn của bạn thông qua hành vi của cô ấy.

Bây giờ hãy xem xét một trường hợp ngược lại. Jones là người hàng xóm của bạn luôn từ chối giúp đỡ. Chẳng hạn, một ngày nào đó, xe ô tô của bạn không khởi động được và anh ấy cũng không chở bạn đi làm—anh ấy không muốn bị làm phiền. Tuy nhiên, một thời gian sau, anh ấy gặp sự cố về chiếc xe của mình và nhờ bạn chở đi. Bây giờ Jones xứng đáng phải tự lo liệu (xoay xở) một mình. Nếu bạn cho anh ta đi nhờ bất chấp hành vi trong quá khứ của anh ta, bạn sẽ chọn cách đối xử tốt hơn với anh ta so với những gì anh ta đáng phải nhận.

Đối xử với mọi người theo cách mà họ đã từng đối xử với người khác không chỉ là vấn đề trả ơn bạn bè và giữ mối hận thù với kẻ thù. Đó là vấn đề đối xử với mọi người như những tác nhân có trách nhiệm xứng đáng với những cư xử cụ thể, dựa trên hành vi trong quá khứ của họ. Có một sự khác biệt quan trọng giữa Smith và Jones: một trong số họ đáng được chúng ta biết ơn; người còn lại xứng đáng với sự oán giận của chúng ta. Sẽ như thế nào nếu chúng ta không quan tâm đến những điều như vậy?

Chúng ta có thể sẽ phủ nhận khả năng giành được sự đối xử tốt từ người khác. Đây là điều quan trọng. Bởi vì chúng ta sống trong các cộng đồng, cách thức mỗi người chúng ta sống không chỉ phụ thuộc vào những gì chúng ta làm mà còn phụ thuộc vào những gì người khác làm. Nếu chúng ta muốn thành công, thì chúng ta cần những người khác đối xử tốt với chúng ta. Một hệ thống xã hội trong đó những công trạng được thừa nhận sẽ cho chúng ta cách để làm điều đó; nó cho chúng ta sức mạnh để quyết định số phận của chính mình.

Không có điều này, chúng ta phải làm gì? Chúng ta có thể hình dung ra một hệ thống xã hội trong đó, một người chỉ có thể được đối xử tốt bằng vũ lực, hoặc nhờ may mắn, hoặc nhờ lòng bác ái. Nhưng sự thực hành trong việc thừa nhận những công trạng là khác nhau. Nó không chỉ khuyến khích mọi người đối xử tốt với người khác mà còn giúp họ kiểm soát cách họ sẽ được đối xử. Điều đó nói rằng: “Nếu bạn cư xử tốt, bạn sẽ được người khác đối xử tốt. Bạn sẽ có được nó. Việc thừa nhận các công trạng cuối cùng là đối xử với người khác với lòng tôn trọng.

13.3. Một chuỗi các động cơ khác nhau

Có những cách khác nhau mà ý tưởng “thúc đẩy lợi ích của mọi người như nhau” hình như không nắm bắt được toàn bộ đời sống đạo đức. 

(Tôi nói “hình như” vì sau này tôi sẽ xem lại liệu nó có thực sự như vậy không). Chắc chắn, đôi khi mọi người nên được thúc đẩy bằng quan tâm người khác một cách không thiên vị. Nhưng cũng có những động cơ đáng tán dương về mặt đạo đức:

Một người mẹ yêu thương và chăm sóc con cái của mình. Bà không muốn “thúc đẩy lợi ích của chúng” chỉ vì chúng là những đứa con mà bà có thể giúp đỡ. Thái độ của bà ấy dành cho chúng hoàn toàn khác với thái độ của bà đối với những đứa trẻ khác.

• Một anh thanh niên trung thành với bạn bè của mình. Thêm nữa, anh ấy không chỉ quan tâm đến lợi ích của họ như một mối quan tâm của mình dành cho mọi người nói chung. Họ là bạn của anh ấy, vì vậy họ đặc biệt đối với  anh ấy.

Chỉ có kẻ ngốc triết học mới muốn loại bỏ tình yêu, lòng trung thành và những thứ tương tự ra khỏi sự hiểu biết của chúng ta về đời sống đạo đức. Nếu những động cơ như vậy bị loại bỏ, và thay vào đó mọi người chỉ tính toán xem những gì là tốt nhất, thì tất cả chúng ta sẽ trở nên tồi tệ hơn nhiều. Dù sao đi chăng nữa, ai lại muốn sống trong một thế giới không có tình yêu và tình bạn? Dĩ nhiên, mọi người có thể có nhiều động cơ giá trị khác:

• Trên hết, một nhà soạn nhạc quan tâm đến việc hoàn thành bản giao hưởng của mình. Cô ấy theo đuổi điều này mặc dù cô ấy có thể làm “tốt hơn” bằng cách làm một việc khác.

• Một giáo viên dành nhiều nỗ lực để chuẩn bị cho lớp học của mình, mặc dù anh ấy có thể làm được nhiều điều tốt hơn bằng cách tập trung vào những việc khác.

Chừng nào những động cơ này thường không được xem là “đạo đức”, thì chúng ta không nên loại bỏ chúng khỏi đời sống con người. Việc tự hào với công việc của mình, muốn tạo ra thứ gì đó có giá trị và có những mục đích cao cả khác thì điều đó vừa góp phần mang lại hạnh phúc cá nhân vừa mang lại phúc lợi chung. Chúng ta không nên loại bỏ chúng cũng giống như không nên loại bỏ tình yêu và tình bạn.

13.4. Chủ nghĩa duy lợi đa chiến lược

Ở trên, tôi đã cố gắng biện minh cho nguyên tắc “chúng ta phải hành động sao cho thúc đẩy lợi ích của tất cả mọi người như nhau.” Nhưng sau đó tôi lưu ý rằng đây không thể nào là toàn bộ câu chuyện về nghĩa vụ đạo đức của chúng ta bởi vì, đôi khi, chúng ta nên đối xử với người khác nhau theo những cách khác nhau, tùy theo công trạng của họ. Và sau đó, tôi cũng có nói đến một số động cơ quan trọng về mặt đạo đức mà dường như chúng không liên quan đến việc thúc đẩy lợi ích một cách không thiên vị. Tuy nhiên, những mối quan tâm này có thể được liên kết với nhau. Thoạt nhìn, có vẻ như việc đối xử với mọi người theo công trạng của họ hoàn toàn khác với việc tìm cách thúc đẩy lợi ích của tất cả mọi người như nhau.

Nhưng khi chúng ta hỏi tại sao công trạng lại quan trọng, câu trả lời là tất cả chúng ta sẽ tồi tệ hơn nhiều nếu xem công trạng không phải là một phần trong kế hoạch xã hội của chúng ta. Và khi chúng ta hỏi tại sao tình yêu, tình bạn, sự sáng tạo nghệ thuật và niềm tự hào về sự nghiệp của một người lại quan trọng, thì câu trả lời là cuộc sống của chúng ta sẽ nghèo nàn hơn rất nhiều nếu không có chúng. Điều này cho thấy rằng có một tiêu chuẩn chung trong cách đánh giá của chúng ta.

Khi đó, có lẽ tiêu chuẩn đạo đức cơ bản chính là phúc lợi của con người. Điều quan trọng là mọi người được hạnh phúc nhất có thể. Tiêu chuẩn này có thể được sử dụng để đánh giá nhiều thứ, bao gồm các hành động, chính sách, phong tục xã hội, luật pháp, quy tắc, động cơ và đặc điểm tính cách. Nhưng điều này không có nghĩa là lúc nào chúng ta cũng nên nghĩ đến việc làm cho mọi người hạnh phúc nhất có thể. Cuộc sống hàng ngày của chúng ta sẽ tốt đẹp hơn nếu thay vào đó ta chỉ đơn thuần yêu thương con cái, vui vẻ với bạn bè, tự hào về công việc của mình, giữ lời hứa, v.v. Một nền đạo đức coi trọng “lợi ích ngang nhau” sẽ ủng hộ kết luận này.

Đây là không phải là một ý tưởng mới. Một nhà duy lợi nổi tiếng, Henry Sidgwick (1838–1900) cũng đưa ra quan điểm tương tự:

Học thuyết cho rằng Hạnh phúc phổ quát là tiêu chuẩn tối thượng không được hiểu theo nghĩa ngụ ý rằng lòng nhân từ phổ quát là động cơ hành động đúng đắn duy nhất hoặc luôn luôn tốt nhất. . . không nhất thiết việc đưa ra tiêu chuẩn về sự đúng đắn phải luôn là mục tiêu mà chúng ta phải hướng tới: kinh nghiệm cho thấy rằng hạnh phúc phổ quát sẽ đạt được một cách thỏa đáng hơn nếu con người thường xuyên hành động bằng những động cơ khác nữa, thay vì chỉ bằng lòng bác ái phổ quát thuần túy, hiển nhiên là những động cơ này được ưu tiên hơn theo các nguyên tắc của chủ nghĩa duy lợi.

Đoạn văn này đã được trích dẫn nhằm ủng hộ quan điểm “Chủ nghĩa duy lợi có động cơ”. Theo quan điểm đó, chúng ta nên hành động từ những động cơ thúc đẩy tốt nhất cho phúc lợi chung.

Tuy nhiên, quan điểm hợp lý nhất của loại này không chỉ tập trung vào động cơ; nó cũng không tập trung hoàn toàn vào các hành vi hay quy tắc, như các lý thuyết khác đã làm. Lý thuyết hợp lý nhất có thể được gọi là Chủ nghĩa duy lợi đa chiến lược. Lý thuyết này mang tính vị lợi, vì mục tiêu cuối cùng là tối đa hóa phúc lợi chung. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng chúng ta có thể sử dụng các chiến lược khác nhau để theo đuổi mục tiêu đó. Đôi khi chúng ta có thể nhắm thẳng vào nó. Chẳng hạn, một thượng nghị sĩ có thể ủng hộ một dự luật vì bà ấy tin rằng nó sẽ nâng cao mức sống cho mọi người, hoặc một cá nhân có thể gửi tiền cho Hội Chữ Thập Đỏ Quốc Tế vì anh ta tin rằng điều này sẽ mang lại nhiều điều tốt hơn những việc khác mà anh có thể làm. Nhưng thông thường chúng ta không lưu tâm đến phúc lợi chung; mà thay vào đó, chúng ta chỉ đơn thuần quan tâm đến con cái, lo làm việc, tuân thủ luật pháp, giữ lời hứa, v.v.

Hành Động Đúng là Sống Theo Kế Hoạch Tốt Nhất.

Chúng ta có thể làm cho ý tưởng đằng sau của thuyết duy lợi đa chiến lược được cụ thể hơn một chút. Giả sử chúng ta có một danh sách cụ thể mọi đức tính, động cơ và những phương pháp đưa ra quyết định giúp cho một người được hạnh phúc và đóng góp cho phúc lợi của người khác. Thêm nữa, giả sử danh sách này là tối ưu nhất cho người đó; không còn có sự kết hợp nào khác giữa các đức tính, động cơ và phương pháp ra quyết định để có thể thực hiện công việc tốt hơn được nữa ... Một danh sách như vậy sẽ bao gồm ít nhất những điều sau đây:

• Những đức tính cần thiết làm cho cuộc sống của một người được tốt đẹp hơn.

• Những động cơ để hành động

• Những cam kết sẽ có với bạn bè, gia đình và những người khác.

• Các vai trò xã hội mà một người sẽ đảm nhận, cùng với các trách nhiệm và yêu cầu kèm theo.

• Những bổn phận và mối quan tâm liên quan đến các dự án mà một người sẽ đảm nhận, chẳng hạn như trở thành một DJ, một người lính hoặc một người giúp việc.

• Các quy tắc hàng ngày mà một người bình thường sẽ tuân theo mà không cần suy nghĩ.

• Một chiến lược hoặc một nhóm các chiến lược về thời điểm xem xét đưa ra các ngoại lệ đối với các quy tắc và cơ sở để đưa ra các ngoại lệ đó.

Danh sách này cũng sẽ xác định mối quan hệ giữa các mục khác nhau trong danh sách— cái gì được ưu tiên hơn cái gì, cách phân xử những cuộc xung đột, v.v. Có vẻ rất khó để xây dựng một danh sách như vậy. Xét về mặt thực hành, thậm chí nó có thể là không khả thi. Nhưng chúng ta có thể tin chắc rằng nó sẽ bao gồm sự ủng hộ của tình bạn, sự trung thực và những đức tính quen thuộc khác. Nó sẽ khuyên chúng ta giữ lời hứa của mìnhvà tránh làm hại người khác, mặc dù không phải lúc nào cũng vậy, v.v. Và nó có thể nhắc chúng ta ngừng sống xa hoa trong khi hàng triệu trẻ em chết vì những căn bệnh có thể phòng ngừa được.

Dù sao đi nữa, có một sự kết hợp nào đó giữa các đức tính, động cơ và phương pháp đưa ra quyết định điều nào là tốt nhất cho tôi, với hoàn cảnh, tính cách và tài năng của tôi—“tốt nhất” theo nghĩa là nó sẽ tối ưu hóa cơ hội của tôi để có được một cuộc sống tốt đẹp, đồng thời tối ưu hóa cơ hội để những người khác cũng có cuộc sống tốt đẹp. Tôi gọi sự kết hợp tối ưu này là bản kế hoạch tốt nhất của tôi. Điều đúng đắn đối với tôi là hành động theo bản kế hoạch tốt nhất mà tôi có.

Kế hoạch tốt nhất của tôi có thể có nhiều điểm chung với kế hoạch của bạn. Có lẽ, cả hai sẽ bao gồm các quy tắc như không nói dối, trộm cắp và giết người, cùng với sự hiểu biết về thời điểm đưa ra ngoại lệ đối với các quy tắc đó. Chúng sẽ bao gồm các đức tính như kiên nhẫn, tử tế và tự chủ. Cả hai đều có thể chứa các hướng dẫn nuôi dạy con cái, bao gồm cả tiêu chuẩn về các đức tính cần nuôi dưỡng ở chúng.

Nhưng kế hoạch tốt nhất của chúng tôi không nhất thiết phải giống hệt nhau. Mỗi người có tính cách và tài năng khác nhau. Một người có thể tìm thấy sự thỏa mãn với tư cách là một giáo sĩ Do Thái trong khi người khác không bao giờ có thể sống như vậy. Do đó, cuộc sống của chúng ta có thể bao gồm nhiều mối tương giao cá nhân khác nhau, và chúng ta cũng cần trau dồi nhiều đức tính khác nhau. Mọi người cũng sống trong những hoàn cảnh khác nhau và có quyền tiếp cận các nguồn lực khác nhau—một số người giàu có; một số người nghèo; số khác được đặc ân; số khác nữa bị bách hại. Vì vậy, các chiến lược tối ưu cho cuộc sống sẽ khác nhau.

Tuy nhiên, trong mỗi trường hợp, việc xác định xem một kế hoạch là tốt nhất sẽ là việc đánh giá mức độ mà nó thúc đẩy lợi ích của tất cả mọi người như nhau. Vì vậy, lý thuyết tổng thể là thuyết duy lợi, mặc dù nó có thể thường xác nhận những động cơ nghe có vẻ không vị lợi chút nào.

13.5. Cộng đồng đạo đức

Với tư cách là những tác nhân đạo đức, chúng ta nên quan tâm đến tất cả những người mà chúng ta có thể gây ảnh hưởng đến phúc lợi của họ. Điều này có vẻ như là một lời đạo đức tầm thường, nhưng trên thực tế, nó có thể là một học thuyết khó. Trên thế giới, nhiều trẻ em không được tiêm những loại vắc-xin thiết yếu, điều này dẫn đến hàng trăm nghìn ca tử vong đáng tiếc hằng năm. Công dân ở các quốc gia giàu có hơn có thể dễ dàng cắt giảm một nửa con số này, nhưng họ không làm như vậy. Mọi người sẽ không ngần ngại làm điều này nếu trẻ em trong khu phố của họ gặp trường hợp tương tự, nhưng vị trí của trẻ em vốn không phải là vấn đề: mà là mọi người đều sống trong(ở trong) cộng đồng quan tâm đến đạo đức. Nếu chúng ta quan tâm đến tất cả trẻ em, thì chúng ta phải thay đổi cách suy nghĩ của mình.

Nếu cộng đồng đạo đức không bị giới hạn đối với một số người ở trong một địa điểm nào đó, thì nó cũng không bị giới hạn đối với mọi người ở bất kỳ thời điểm nào. Việc mọi người sẽ bị ảnh hưởng bởi hành động của mình lúc này hay trong tương lai đều không quan trọng. Nghĩa vụ của chúng ta là xem xét lợi ích của mọi người như nhau. Một hậu quả của điều này liên quan đến vũ khí hạt nhân. Những vũ khí như vậy không chỉ có khả năng gây thương tích và giết chết những người vô tội mà còn có thể đầu độc môi trường trong hàng nghìn năm. Nếu phúc lợi của các thế hệ tương lai được coi trọng đúng mức, thì thật khó để tưởng tượng ra một viễn cảnh mà những vũ khí như vậy được sử dụng. Biến đổi khí hậu là một vấn đề khác ảnh hưởng đến lợi ích của con cháu chúng ta. Nếu chúng ta thất bại trong việc đảo ngược tác động của sự nóng lên toàn cầu, con cái chúng ta sẽ phải chịu đựng nhiều hơn chúng ta.

Còn một cách khác nữa mà quan niệm của chúng ta về cộng đồng đạo đức phải được mở rộng. Đó là con người không đơn độc trên hành tinh này. Các loài động vật có tri giác khác—tức là các loài động vật có khả năng cảm nhận niềm vui và nỗi đau—cũng có sở thích. Khi chúng ta lạm dụng hoặc giết chúng, chúng sẽ bị tổn hại, giống như những hành động như vậy có thể gây hại cho con người. Do đó, chúng ta phải cân nhắc lợi ích của động vật phi nhân loại trong những suy tính của chúng ta. Như Jeremy Bentham (1748–1832) đã chỉ ra, việc loại trừ các sinh vật khỏi việc suy xét về mặt đạo đức bởi vì giống loài của chúng thì không chính đáng hơn việc loại trừ chúng vì chủng tộc, quốc tịch hoặc mức thu nhập của chúng. Tiêu chuẩn đạo đức duy nhất không phải là phúc lợi của con người, mà là phúc lợi cho tất cả.

13.6. Công bình và Công bằng

Chủ nghĩa duy lợi đã bị chỉ trích là bất công và không chính đáng. Các biến thể mà chúng ta đã giới thiệu có thể trợ giúp không? Một lời phê bình liên quan đến hình phạt. Chúng ta có thể tưởng tượng những trường hợp thúc đẩy phúc lợi chung để đổ tội cho một người vô tội. Một hành động như vậy sẽ là bất công trắng trợn, nhưng chủ nghĩa duy lợi dường như đòi hỏi điều đó. Khái quát hơn, Kant đã chỉ ra, những người theo chủ nghĩa duy lợi rất vui khi “sử dụng” tội phạm để đạt được các mục tiêu của xã hội. Ngay cả khi những mục tiêu đó đáng giá—chẳng hạn như giảm tội phạm—chúng ta có thể không thoải mái với một lý thuyết ủng hộ sự thao túng như một chiến lược đạo đức hợp pháp.

Tuy nhiên, lý thuyết của chúng ta có một quan điểm về trừng phạt khác với quan điểm của hầu hết những người theo chủ nghĩa duy lợi. Trên thực tế, quan điểm của chúng ta gần với quan điểm của Kant hơn. Khi trừng phạt ai đó, chúng ta đang đối xử tệ hơn với anh ta so với những người khác. Nhưng điều này được biện minh bởi những việc làm trong quá khứ của chính người đó: Đó chính là điều đáp trả đối với những gì anh ta đã làm. Đó là lý do tại sao việc đổ lỗi cho một người vô tội là không đúng; người vô tội đã không làm gì để đáng bị đối xử như vậy. Tuy nhiên, lý thuyết về hình phạt chỉ là một khía cạnh của công lý.

Các câu hỏi về công bình nảy sinh bất cứ khi nào ai đó được đối xử tốt hơn hoặc tệ hơn người khác. Giả sử người sử dụng lao động phải chọn ai trong số hai nhân viên để thăng chức. Ứng viên đầu tiên đã làm việc chăm chỉ, nhận thêm công việc, từ bỏ thời gian nghỉ phép, v.v. Mặt khác, ứng cử viên thứ hai chưa bao giờ làm nhiều hơn những gì anh ta phải làm. Thật rõ ràng là hai nhân viên sẽ được đối xử rất khác nhau: một người sẽ được thăng chức; người kia sẽ không được. Theo thuyết của chúng ta thì những điều này vẫn ổn. Nhân viên đầu tiên đã được thăng chức; người thứ hai thì không.

Thông thường, mọi người nghĩ rằng việc các cá nhân được khen thưởng vì vẻ đẹp hình thể, trí thông minh vượt trội và những phẩm chất khác phần lớn là do có DNA phù hợp và được nuôi dưỡng bởi cha mẹ tốt. Thế giới thực phản ánh điều này: Các cá nhân thường có công việc tốt hơn và nhiều tiền hơn chỉ vì họ được sinh ra với năng khiếu bẩm sinh hoặc trong một gia đình giàu có hơn. Nhưng, ngẫm lại, điều này có vẻ không đúng. Mọi người không xứng đáng với tài sản từ cha mẹ của họ; họ có chúng chỉ là kết quả của cái mà John Rawls (1921–2002) gọi là “xổ số tự nhiên”. Giả sử nhân viên đầu tiên trong ví dụ của chúng ta không được thăng chức, mặc dù cô ấy đã làm việc chăm chỉ, bởi vì nhân viên thứ hai có một số khả năng tự nhiên hữu ích hơn ở vị trí mới. Ngay cả khi người sử dụng lao động có thể biện minh cho quyết định này dựa trên nhu cầu của công ty, nhân viên đầu tiên sẽ cảm thấy bị lừa dối. Cô ấy đã làm việc chăm chỉ hơn, nhưng anh ấy lại được thăng chức và những lợi ích đi kèm với nó nhờ thứ mà anh ấy không phải làm gì để kiếm được. Đó không phải là công bằng. Trong một xã hội công bằng, mọi người có thể cải thiện hoàn cảnh của mình thông qua làm việc chăm chỉ, nhưng họ sẽ không được hưởng lợi từ việc sinh ra đã may mắn.

13.7. Kết luận

Một lý thuyết đạo đức thỏa đáng sẽ như thế nào? Tôi đã chỉ ra những khả thể mà tôi cho là hợp lý nhất: Theo Chủ nghĩa duy lợi Đa chiến lược, chúng ta nên tối đa hóa lợi ích của tất cả vạn vật bằng cách sống theo kế hoạch tốt nhất của mình. Tuy nhiên, người ta cần phải khiêm tốn khi đưa ra một đề xuất như vậy. Trong suốt nhiều thế kỷ, các nhà đạo đức học đã trình bày rõ ràng và bảo vệ nhiều lý thuyết khác nhau, và lịch sử luôn tìm thấy những sai sót trong quan điểm của họ. Tuy nhiên, vẫn còn hy vọng, nếu không phải là đề xuất của tôi, thì sẽ là một số đề xuất khác trong tương lai. Nền văn minh chỉ vài nghìn năm tuổi. Nếu chúng ta không giết chết nó, thì việc nghiên cứu triết học đạo đức có một tương lai tươi sáng.

James Rachels

0 Comments: