“Người ta được phép phá thai trong trường hợp bị hãm hiếp hay sử dụng biện pháp ngừa thai thất bại” (đó là lập luận của nữ triết gia người Mỹ, Judith Jarvis Thomson). Đồng ý rằng người mẹ có quyền quyết định những gì xảy ra trên cơ thể mình (kể cả bào thai), thế nhưng không phải lúc nào quyết định đó đều hoàn toàn đúng, nhất là những gì liên quan đến sự sống, sinh mệnh của con người.
I.
Quan điểm
của một vài triết gia về phá thai
Tuy nhiên, Thomson đưa ra trường hợp: “nếu
người mẹ mang trong tình trạng nguy hiểm (bệnh lý), khiến cả mẹ và con có khả
thể tử vong cao, thì chúng ta sẽ xử lý trường hợp này như thế nào? Nếu phá thai
chúng ta sẽ giết người cách chủ động, nếu không phá thai có thể người mẹ sẽ chết
và thai nhi cũng thế! Quyết định này chẳng khác nào đẩy thai phụ vào con đường
phải chết?”[i] Hơn
nữa, Thomson còn cho rằng: “nếu phải hy sinh quá lớn cho bào thai như vậy, người
nữ có thể từ chối trách nhiệm với bào thai, dù có mối liên hệ sinh học.”[ii]
Chống lại quan điểm ủng hộ phá thai của Thomson,
triết gia Beckwith đã lập luận rằng: “Lý do của Thomson đưa ra ở trên
hoàn toàn chưa thuyết phục, vì chưa nhắc đến nghĩa vụ đạo đức của cha mẹ (chiều
kích gia đình) và quy tắc chung của xã hội là bảo vệ người yếu thế (khế ước xã
hội). Đó là chưa kể đến yếu tố tình người thể hiện qua niềm vui, hạnh phúc của
gia đình khi có một người con, xã hội có thêm một công dân mới.”[iii] Hơn
nữa, nếu Thomson đồng ý bào thai hoàn toàn là con người, thì tại sao quyền đòi
hỏi được chăm sóc đầy đủ của con người đó lại không có trước khi sinh?[iv] Theo Beckwith, “người nữ không thể thoái thác trách nhiệm
với bào thai của mình vì mục đích tư kỷ, cô ta không được phép giết bào thai dù
với bất kỳ lý do nào, kể cả bệnh tật nguy hiểm đến tính mạng của mình.”[v]
Vậy, phải chăng là bất công với người nữ mang
thai ngoài ý muốn (bị hãm hiếp hoặc biện pháp tránh thái không hiệu quả), khi họ
phải chịu trách nhiệm về điều bất như ý trên? Có ý kiến minh giải vấn đề này là:
“bào thai không làm cho người nữ có thai, nhưng chính cha mẹ tạo nên bào thai
trong tử cung. Bào thai là kết quả do chính cha mẹ tạo nên. Khi người ta gây ra
tai nạn, họ phải có trách nhiệm với hậu quả tai nạn xảy ra. Người ta không được
giết bỏ người đó để loại bỏ trách nhiệm.”[vi]
Hơn nữa, theo Thomson, khi thai phụ bị bệnh và
nguy hiểm đến tính mạng, vì được quyền tự vệ nên người mẹ đó được quyền phá
thai. Vấn đề tiếp tục được đặt ra là: nếu thai nhi khiến thai phụ có khả thể tử
vong thì có được phá thai không? Hay chỉ vì một bệnh tình khác (vd: ung thư, không
do bào thai gây ra) thì người mẹ có quyền phá bỏ thai nhi không? Dù bất kỳ với
lý do biện minh nào, theo quan điểm Immanuel Kant thì “phá thai dường như mang
tính phi đạo đức lẫn phi lý trí vì hành động này phá hủy thân xác một con người.
Bởi lẽ, Theo Kant thì lý trí của con người hiện diện nơi thân xác, nên thân xác
có một giá trị hết sức to lớn đối với con người. Vì vậy, nếu phá hủy thân xác của
một con người qua việc phá thai, người ta không chỉ phi đạo đức nhưng còn phi
lý trí.[vii]
Bệnh cạnh đó, giáo sư triết học Don Marquis của đại
học Kannas (1967) đã cho rằng phá thai là phi đạo đức.[viii]
Vấn đề mà Marquis đặt ra là tại sao giết người trưởng thành là vi phạm pháp luật
mà phá thai lại không? Đối với ông, mỗi người đều có một tương lai và giết hại
người lớn hay bào thai đều là những sai phạm về luân lý. Hơn nữa, nếu đồng ý và
hợp thức hóa việc phá thai, liệu rằng sự sống con người trên trái đất này đảm bảo?
Nếu thai nhi biết nói, có lẽ chúng phải thốt lên rằng: chúng con ao ước được sống?
Tóm lại, Don Marquis cho rằng: vì bất cứ lý do biện minh nào, nếu giết người trưởng
thành là sai trái thì việc giết thai nhi cũng là một hành động vi phạm pháp luật,
luân lý về sự sống.
Tuy nhiên, Paul Bassen cho rằng “phôi thai (embryo)
không có khả năng về cảm giác (không thấy đau, không là nạn nhân), chúng chỉ như
các loại thực vật với những trao đổi chất về mặt sinh học nên không thể xem họ
là nạn nhân.”[ix] Thế nhưng, Don Marquis không
đồng ý với lập luận của Paul Bassen về việc được phép phá thai vì thai nhi không
có cảm xúc. Marquis cho rằng thai nhi còn có một tương lại đầy hy vọng là sự sống
tròn đầy, và không thể biến họ thành nạn nhân theo quan điểm và nhận định cá nhân
của mình. Ông lập luận thêm, nếu khi tôi trong tình trạng vô thức (vd: hôn mê và
không có cảm xúc nhưng sau này có thể phục hồi) với lập luận của Bassen, ông ta
được phép giết chết tôi ư? Và tôi trở thành nạn nhân của lập luận trên sao, điều
đó thật vô lý!
Phá thai không chỉ là một vấn nạn nhưng còn là một
chủ đề với nhiều tranh luận trái chiều chưa có hồi kết. Trên đây là những quan điểm
ủng hộ và phản đối việc phá thai của các triết gia và nhà đạo đức đường thời. Họ
đã đưa ra những lập luận thuần lý xét theo nhiều góc độ sinh học và luân lý, tất
cả đều dựa trên lập luận của lý trí.
II.
Quan điểm
của Giáo Hội Công Giáo về phá thai
Phá thai là giết người, vậy khi nào thì phôi thai
được xem là người? Theo
giáo huấn Giáo Hội: “phôi người ngay từ lúc trứng thụ tinh đã khởi đầu sự sống
của con người, phải được tôn trọng và đối xử như con người và do đó cùng lúc,
quyền con người của phôi thai phải được nhìn nhận.”[x] Bộ
Giáo Lý Đức Tin dạy rằng: “Từ lúc trứng thụ tinh, một đời sống mới bắt đầu
không phải của người cha, cũng không phải của người mẹ; mà đúng hơn là một con
người mới với khả năng tăng trưởng riêng của mình. Hữu thể người này không bao
giờ có thể là người nếu nó không phải đã là người.” (Declaration on Procured
Abortion, 12) …“Giáo huấn này vẫn còn
giá trị và được xác định hơn … bằng những tìm thấy mới đây của khoa Sinh học
con người nhìn nhận rằng trong hợp tử phát xuất từ thụ tinh, căn tính sinh học
của một cá thể người mới đã được cấu thành.” (Huấn Thị Donum Vitae DV, I,1.).
Với cái nhìn đức tin, Giáo hội Công giáo không ủng
hộ việc phá thai. Cụ thể, Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo đưa ra lý do chi
tiết tại sao Giáo hội chống lại việc phá thai: “Sự sống con người, ngay từ lúc
tượng thai, phải được tôn trọng và bảo vệ cách tuyệt đối. Ngay từ giây phút bắt
đầu hiện hữu, các thụ tạo nhân linh phải được nhìn nhận có các quyền lợi của một
nhân vị, trong đó có quyền được sống là quyền bất khả xâm phạm của mọi thụ tạo
vô tội…Ngay từ thế kỷ thứ nhất, Hội Thánh đã khẳng định mọi vụ phá thai đều là
tội ác luân lý. Giáo huấn đó không thay đổi. Giáo huấn đó vẫn luôn luôn không
thể thay đổi. Việc phá thai trực tiếp, nghĩa là, hoặc được muốn như mục đích hoặc
được muốn như phương tiện, đều trái ngược một cách nghiêm trọng với luật luân
lý.” (Trích sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo số 2270, 2071). Do đó, phá
thai có thể được xem là phạm đến điều răn của Thiên Chúa “Chớ Giết Người”, và đó
là vạ tuyệt thông tiền kết (latae sententiae).[xi]
Tóm lại, có rất nhiều văn kiện trong Giáo hội Công
giáo bàn về vấn nạn phá thai, chẳng hạn như: Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội Công
Giáo (2004); Thông điệp Rerum Novarum năm 1891 của Đức Giáo Hoàng Lêô XIII; Tông
Thư Octogesima Adveniens của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI (năm 1971, số 18); Thông
Điệp Evangelium Vitae (Phúc Âm Sự Sống, các số 11, 17, 20…) năm 1995 của thánh
Giáo Hoàng Gioan Phaolo II; Donum Vitae của Bộ Giáo lý Đức Tin (năm 2004, số 76-77);
Thông điệp Quan tâm đến các Vấn đề xã hội (Sollicitudo Rei Socialis) của thánh
Giáo Hoàng Gioan Phaolo II… Cách chung, có thể thấy Giáo hội muốn bảo vệ con người
không chỉ người phụ nữ mà còn cả thai nhi. Đó là một cách thức bảo vệ sự sống mà
Thiên Chúa trao ban cho con người. Bởi lẽ, “dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn
đến đâu, chính sự kiện phá hủy sự sống con người vô tội, đặc biệt là khi sự sống
ấy còn chưa có khả năng bảo vệ chính mình, vẫn luôn là sự xấu nghiêm trọng” (x. EV 18, 58).
III.
Kết luận
Trên đây đã trình bày quan điểm về việc phá thai
khơi đi từ các triết gia, các nhà đạo đức học cũng như giáo huấn của Giáo hội Công
Giáo. Vấn đề phá thai được nhìn nhận và phân tích dưới nhiều góc độ khác nhau,
từ việc lập luận logic, suy lý dựa trên đạo đức học…cho đến các giới răn của Thiên
Chúa, luật của Giáo hội… Có thể thấy, dù người ta có biện minh, lập luận logic
thế nào về việc ủng hộ phá thai đi chăng nữa, thì có lẽ tự bản chất, hành vi phá
thai đã là một sự xúc phạm đến nhân vị, sự sống của một thai nhi không có quyền
tự vệ. Hơn nữa, đó là một sự bất công về luân lý (xét theo khế ước xã hội) và một
sự phạm trọng tội (xét theo luật của Chúa ngang qua Giáo hội).
Trước khi kết thúc, có thể suy tư về nhân đức can
đảm mà Giáo Hội vẫn mời gọi con cái mình, cách riêng là các thai phụ can đảm
chiến đấu để bảo vệ sự sống của con người. Có một câu chuyện sau diễn tả về nhân
đức can đảm trong việc bảo vệ sự sống của thai nhi như sau: “Thật thử thách cho
người mẹ trước nguy cơ mất đi mang sống để duy trì sự sống cho đứa con còn
trong bụng. Đúng là đòi hỏi đức dũng cảm đến mức tử đạo. Tôi nhớ lại câu chuyện
gương hy sinh của cô Caroline Aigle đã làm xúc động lòng người. Cô Caroline
Aigle, nữ phi công lái máy bay chiến đấu đầu tiên trong không lực Pháp, đang được
huấn luyện để trở thành phi hành gia vũ trụ,
đã qua đời ở tuổi 33 còn nhiều hoài bão. Cô đang mang thai năm tháng khi
cô được biết mình mắc phải bệnh ung thư. Là một người Công Giáo sống nghiêm túc
niềm tin, cô đã cầu nguyện cùng với chồng, anh Christophe Deketelaere, và
Caroline đã gạt bỏ lời khuyên phá thai của các bác sĩ. Hơn nữa, Caroline chọn
hoãn việc trị liệu bệnh ung thư để cho đứa con trong bụng có con đường sống.
Vào đầu tháng 8/2010, Caroline đã cho đứa bé chào đời sớm ba tháng rưỡi. Tuy
nhiên, đứa bé vẫn tiến triển rất tốt. Người chồng cho biết: “Caroline không thể
ngưng một sự sống mà nàng đã cưu mang năm tháng. Nàng nói với tôi rằng: ‘Đứa bé
phải có được cơ may mà em đã có’”. Anh
Christophe mô tả việc mang thai của Caroline như là trận chiến sau cùng của cô
và cô đã chiến thắng. Cha Pierre, người đã làm lễ cưới cho cô Caroline nói:
“Bài học lớn nhất mà Caroline để lại cho chúng ta là tính chất cấp bách của
tình yêu. Không phải sự cấp bách của nỗi sợ, nhưng là sự cấp bách cần thiết phải
hiểu rằng chỉ có tình yêu mới trao ban sự sống. Con người được sinh ra cho cuộc
sống. Sự cấp bách này có thể làm cho tình yêu mạnh hơn và trao ban cho cuộc sống
một kho tàng quý giá giữa ngay cả những nghịch cảnh trái ngang nhất”[xii]
·
Một vài kiến
thức y khoa về phá thai:
Theo Y Khoa có nhiều hình thức phá thai, chẳng hạn
như: Phá thai trị liệu (therapeutic abortion) là “chấm dứt thai kỳ vì lý do y
khoa” (medical pregnancy interruption), bởi sức khỏe người mẹ bị đe dọa khi
mang thai, nên cần phá thai. Phải nhìn nhận rằng khi có nguy cơ không cứu được
cả mẹ lẫn con, các bác sĩ thường chọn bỏ con để cứu mẹ (phá thai “trị liệu”);
Phá thai kế hoạch: được lên kế hoạch trước để tránh trường hợp có thai ngoài ý
muốn. Phá thai chọn lọc (selective abortion), hay phá thai ưu sinh (eugenic
abortion): có thể để chọn lọc giới tính hay loại bỏ những thai nhi được
chuẩn đoán là dị tật (thụ thai nhân tạo cũng là một hình thức phá thai chọn lọc);
Thai ngoài tử cung (GEU: gestation extra-uterine, hay ectopic pregnancy, phôi
thai làm tổ ở những nơi ngoài tử cung như: thai ở ống dẫn trứng, cổ tử cung, buồng
trức, ổ bụng, gan…), nhưng y khoa không xếp việc loại bỏ các GEU vào phá
thai, mà là điều trị thai bệnh lý giúp giảm tỉ lệ tử vong cho thai phụ.
Minh Đức SJ
Đọc và tóm lại từ nhiều nguồn khác nhau:
https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/khai-niem-pha-thai-tren-quan-diem-y-khoa-va-than-hoc-luan-ly-cong-giao-44017#_Toc87129750)
[i] Cf.Judith Jarvis Thomson, A Defense of Abortion, 268.
[ii] Judith Jarvis Thomson, A Defense of Abortion,271.
[iii] Francis J.Beckwith, Personal Bodily Rights,
Abortion, and Unplugging the Violinist, (International Philosophical Quarterly Vol. XXXII,
No. I Issue No. 125, 1992) 111-112.
[iv] Francis J.Beckwith, Personal Bodily Rights,
Abortion, and Unplugging the Violinist, 114.
[v] Francis J.Beckwith, Personal Bodily Rights,
Abortion, and Unplugging the Violinist, 115-116.
[vi] Doris Gordon, Letter to the editor, Life Report (Maryland Right to Life, 1979), 7.
[vii] James Rachels, The Elements of Moral
Philosophy, 6th, ed. Stuart Rachels (McGraw-Hill: New York,
2010), 133-134.
[viii] “Why Abortion is Immoral” trong
The Journal of Philosophy (1989).
[ix] quoted in “Must the Bearer of a
Right Have the Concept of That to Which He Has a Right?,” Ethics, XCV, 1
(1984), 68-41.
[x] Bộ Giáo lý Đức Tin, “Instruction on Respect for Human Life in
Its Origin and on the Dignity of Procreation,” (Rome, 22/2/1987), Donum
Vitae, Origins (Vol.16, n.40, 3/
1987) 701.
[xi] Sách GLHTCG s. 2272
[xii] Thúy Dung, “Phi công lái máy bay chiến đấu Pháp Caroline Aigle
là một người mẹ Công Giáo phi thường”, Vietcatholic News, 1/10/2007.
0 Comments:
Không cho phép có nhận xét mới.