Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 15 tháng 5, 2023

Luận bàn hình ảnh người Thánh Nhân trong Đạo Đức Kinh của Lão Tử

Luận bàn hình ảnh bậcThánh Nhân trong Đạo Đức Kinh của Lão Tử

Minh Đức, S.J.

Tóm tắt: Mục đích của bài viết này là trình bày về hình ảnh bậc thánh nhân trong Đạo Đức Kinh của Lão Tử. Bài viết được chia làm ba phần chính để luận bàn và suy tư chủ yếu dựa về ba câu nói của Lão Tử: “Thị dĩ thánh nhân khứ thậm, khứ xa, khứ thái” (ĐĐK 29); “Thị dĩ thánh nhân bất hành nhi tri; bất kiến nhi danh; bất vi nhi thành.” (ĐĐK 47); “Thị dĩ thánh nhân vân: Thụ quốc chi cấu, thị vị xã tắc chủ, thụ quốc bất tường, thị vị thiên hạ vương. Chính ngôn nhược phản.” (ĐĐK 77). Ngõ hầu, bài viết có thể hoạ rõ nét hơn chân dung của bậc thánh nhân theo Lão Tử. Kế đến là đôi dòng suy tư của tác giả bài viết, cùng phần kết luận để tổng hợp lại vấn đề trên.

Từ khóa: Lão Tử, Đạo Đức Kinh, bậc thánh nhân,…


 

Dẫn nhập

Khi đề cập đến các triết gia cổ đại của Trung Quốc, hai cái tên nổi bật có thể được nhắc đến nhiều nhất cùng với sự kính mộ đó là Khổng Tử và Lão Tử. Hai bậc vĩ nhân này sinh sống cùng nhau trong thời Chiến Quốc, cách đây khoảng 2500 năm, vào thế kỷ thứ VI (BCE). Lạ lùng thay! cũng vào khoảng thời gian này, bên Tây Phương cũng xuất hiện những triết gia Hy Lạp cổ đại nổi tiếng, điển hình như là Heraclitus, Thales, Anaximandros, Parmenides, Pythagoras… Các vị triết gia cổ đại Tây Phương này đã khởi sự những suy tư và đưa ra những lý thuyết về siêu hình học, về hữu thể luận cũng như vũ trụ luận, đồng thời khẳng định vị thế và vai trò của con người trong những lãnh vực đó.

Bên Đông Phương cũng có những suy tư về nhân học siêu hình, chẳng hạn như Khổng Tử đã sáng lập ra trường phái Nho Gia. Ông xây dựng hình ảnh bậc quân tử và thánh nhân qua sự nghiệp “hữu vi” (tư hữu), nghĩa là lập danh để thống trị thiên hạ, (cùng tiếp nối truyền thống tư tưởng của Khổng Tử là Mạnh Tử, Mặc Tử, và Hàn Phi Tử). Về phía Lão Tử, ông được cho là người sáng lập ra trường phái Đạo Gia. Triết lý của Lão Tử được nhiều người xem là tổng quát và hàm chứa những tư tưởng huyền nhiệm, cao siêu chẳng hạn như chủ chương “vô vi”, “vô dục”, và “vô tư”, để hành động thuận theo tự nhiên. Do đó, học thuyết của Lão Tử đã được nhiều người đón nhận và ứng dụng vào cuộc sống thường nhật, vì chúng rất hữu dụng, đơn giản và gần gũi với đời sống con người trong mọi thời và mọi nơi.

Nếu như Tứ Thư gói gém những giá trị tinh túy của Nho Gia, mà người xưa lưu truyền từ đời này qua đời nọ như là nền tảng học thuật của triết lý nhân sinh, thì Đạo Đức Kinh của Lão Tử không thua kém khi sánh vai cùng Tứ Thư ấy. Chúng tựa như đôi cánh để giúp chim phượng hoàng bay cao xa trên bầu trời tri thức, nhằm trông thấy mọi sự vật, sự việc của thế nhân này. Dĩ nhiên cho đến ngày nay, nội dung và cuộc đời tác giả cuốn sách Đao Đức Kinh vẫn còn nhiều tranh cãi. Có người quan niệm Lão Tử là một nhân vật huyền bí, hư ảo; có người cho Đạo Đức Kinh không phải do Lão Tử viết… Thế nhưng, sử ký gia Tư Mã Thiên đã có những bằng chứng xác thực giúp cho thân thế và sự nghiệp của Lão Tử cùng Đạo Đức Kinh được khả tín hơn. Cụ thể, Tư Mã Thiên cùng nhiều học giả tin cách chắc chắn rằng: “nhân vật Lão Tử đã viết Sách Đạo Đức Kinh, ông ra đời vào cuối thời Xuân Thu (771- 474 BCE). Ông là người làng Khúc Nhân, Hương Lệ, huyện Hỗ, nước Sở (thuộc tỉnh Hồ Nam hiện nay); họ Lý tên Nhĩ, tên tự là Bá Dương, tên Thụy (tên khi chết) là Đam; làm quan sử, giữ kho chứa sách của nhà Chu.”[i]

Cuốn Đạo Đức Kinh của Lão Tử gồm 81 chương (gồm 2 phần: Đạo (chương 1-37), và Đức (chương 38-81)). Chỉ với khoảng 5.000 ký tự trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử đã làm nổi bật những quy luật vận hành một cách trật tự lạ lùng của vũ trụ, xã hội và con người. Cốt lỗi của sách Lão Tử đó là học thuyết ‘vô vi’, trong đó nổi bật hai quan điểm: Thiên đạo vô vi quan (Đạo pháp tự nhiên) và Nhân đạo vô vi quan (Đạo xử thế ở đời). Theo Lão Tử “Đạo” là “mẹ của vạn vật”, và đây là khởi thủy của vũ trụ. Chính vì vậy, mở đầu cuốn Đạo Đức Kinh, ông đã viết: “Đạo khả đạo phi thường Đạo, danh khả danh phi thường danh.” (Đạo mà có thể diễn tả được thì không phải đạo vĩnh cửu bất biến; tên mà có thể đặt ra để gọi “đạo” thì không phải là cái tên vĩnh cửu, bất biến). Thật thú vị, khi nhiều học giả tử cổ chí kim, phần đa đều thán phục và đề cao giá trị siêu việt của những tư tưởng trong Đạo Đức Kinh. Thậm chí, thực tế hiện nay là cuốn sách Đạo Đức Kinh cùng sách Kinh Thánh được người ta dịch nhiều nhất và phổ biến rộng rãi trong số các tác phẩm văn hóa kinh điển ở thế giới Tây Phương.[ii] Còn ở Đông Phương, Đạo Đức Kinh là một trong bộ ba gọi là “Tam Huyền”, (Đạo Đức Kinh, Kinh Dịch và sách Trang Tử) mà các nhà siêu hình học phải tìm đọc.

Với những học thuyết siêu việt mang giá trị sâu sắc của Đạo Đức Kinh, không biết con người, cụ thể là hình ảnh bậc thánh nhân trong vũ trụ đất trời này có tương quan và vai trò như thế nào khi sống trong xã hội và cư xử với vạn vật? Chúng ta cùng tìm hiểu trong 3 đề mục dưới đây qua 3 câu nói kinh điển về bậc thánh nhân của Lão Tử: “Thị dĩ thánh nhân khứ thậm, khứ xa, khứ thái” (ĐĐK 29); “Thị dĩ thánh nhân bất hành nhi tri; bất kiến nhi danh; bất vi nhi thành.” (ĐĐK 47); “Thị dĩ thánh nhân vân: Thụ quốc chi cấu, thị vị xã tắc chủ, thụ quốc bất tường, thị vị thiên hạ vương. Chính ngôn nhược phản.” (ĐĐK 77).

1.          “Thị dĩ thánh nhân khứ thậm, khứ xa, khứ thái” (ĐĐK 29)

Trong chương 29 này, Lão Tử đề cập đến việc chính trị. Lẽ dĩ nhiên, các cấp lãnh đạo, ai ai cũng mong rằng khi cai trị đất nước thì sẽ làm cho quốc thái dân an, muôn dân sống trong cảnh thái bình, thịnh vượng, ấm no và hạnh phúc. Đó là một lý tưởng cao đẹp mà mỗi chính trị gia cần hướng đến. Thực tế, muốn cai trị đất nước tốt đẹp thì người lãnh đạo cần có đường lối hay, phương pháp tốt. Theo Lão Tử, nếu dùng biện pháp “hữu vi” với những phép tắc nghiêm ngặt, chặt chẽ để đưa dân chúng vào kỷ luật, nề nếp trong khuôn khổ thống nhất, như chế độ quân chủ chuyên và chế độ độc tài thường áp dụng thì không thể cai trị được thiên hạ. Cách làm đó, theo Lão Tử là trái với tự nhiên, vì gò bó dân chúng vào  trong khuôn khổ cứng nhắc lâu ngày. Bởi theo ông, “ , ,” “thiên hạ thần khí, bất khả vi dã,” nghĩa là “thiên hạ là một khí cụ thần diệu, mà không thể cai trị” (ĐĐK 29).

Sở dĩ Lão Tử gọi thiên hạ là khí cụ thần diệu bởi vì thiên hạ là một quần thể đông đảo, phức tạp với muôn hình vạn trạng, gồm những loại người: già trẻ, mạnh yếu, nam nữ, tốt xấu… Trong số đó, có những bậc trí giả anh tài, và cũng không ít những kẻ vô học dốt nát; có những bậc chân nhân quân tử, nhưng cũng không thiếu những kẻ tiểu nhân nhỏ mọn; có kẻ cứng đầu bất trị, nhưng cũng có những người nhu nhược a dua… Khi đất nước loạn lạc, đám đông ô hợp đó như bầy ong vỡ tổ bay loạn xạ tứ phía, mỗi người một nẻo… thì thật khó lòng để cai trị. Thế nhưng, nếu đám đông đó liên kết lại thì nó tạo nên một động lực rất lớn đến nỗi có thể lật đổ chế độ đương trị đến cùng.

Bên cạnh đó, Lão Tử cho rằng nếu tiếp tục cai trị thiên hạ bằng phương pháp hữu vì thì sớm muộn cũng thất bại, ông viết rằng: “ ,” “tương dục thủ thiên hạ nhi vi chi, ngô kiến kỳ bất đắc dĩ,” nghĩa là “hòng muốn lấy thiên hạ mà trị, ta thấy điều đó không được. Thiên hạ là khí cụ thần diệu không thể trị được. Trị thì bại, nắm giữ thì mất,” (ĐĐK 29). Lão tử còn nói thêm rằng: “ ,” “cổ vật hoặc thành, hoặc tùy, hoặc hư hoặc xuy, hoặc cường, hoặc lụy, hoặc tải, hoặc huy,” điều đó có nghĩa là “phàm người ta hoặc tiến hành, hoặc thuận theo, hoặc thở, hoặc thổi, hoặc mạnh, hoặc yếu, hoặc ngồi xe, hoặc té ngã,” (ĐĐK 29). Trong cõi đời đầy thất thường và vô định đó, thiên hạ đa đoan, thế thái nhân tình phức tạp… thật khó để cai trị theo ý mình.

Vậy, làm thế nào để có thể cai trị tốt một đám đông đa dạng và phức tạp như thế? Lão Tử đưa ra một giải pháp hữu hiệu đó là “ ,“thị dĩ thánh nhân khứ thậm, khứ xa, khứ thái,” nghĩa là “bậc thánh nhân bỏ cái quá, bỏ cái nhiều, bỏ cái vượt mức,” (ĐĐK 29). Đây là đường lối ‘vô vi trị thiên hạ’ của Lão Tử, một cách thế thuận theo tự nhiên để hành động mà không cưỡng bức, áp đặt dân chúng quá đáng. Để làm được điều này, bậc thánh nhân phải có lối sống đơn giản, tự nhiên, khiêm hạ, khiêm tốn thì ‘vô vi trị quốc’ mới công thành danh toại được. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, bậc thánh nhân phải có lối sống gương mẫu, chuẩn mực “khứ thậm, khứ xa, khứ thái,” là “bỏ cái thái quá, bỏ cái nhiều, bỏ cái vượt mức.” Ở điểm này, học giả Red Pine đã trích dẫn bình luận của Hsueh Hui: “điều mà Lão Tử muốn nhấn mạnh là các từ ‘thái quá’ (extremes), ‘cái nhiều’ (extravagance) và ‘vượt mức’ (excess)… Thánh nhân có nghĩa là bất cứ điều gì liên quan đến việc gia tăng nỗ lực vượt quá những gì dễ dàng (The Sage means whatever involves an increase in effort beyond what is easy).”[iii] Điều này có nghĩa là bậc thánh nhân cần vượt qua những gì dễ dàng, ngõ hầu đối đầu với những khó khăn, trắc trở nhưng chúng có giá trị cao quý hơn.

Cụ thể của sự vượt khó đó là thái độ ‘bỏ cái quá’, nghĩa là bỏ tính tham lam của cải vật chất. ‘Bỏ cái nhiều’ là bỏ sự tiện nghi, xa xỉ, phung phí trong lối sống thường nhật. ‘Bỏ cái vượt mức’ là bỏ đi tính hiếu thắng, đam mê chinh phục, thể hiện chính mình… Muốn triết hạ ba cái bỏ đó, Lão Tử khuyên bậc thánh nhân cần duy trì Tam Bảo (Từ-Kiệm-Khiêm), cụ thể là “Nhất viết Từ, nhị viết Kiệm, tam viết bất cảm vi thiên hạ tiên.” Điều đó có nghĩa là sống cần phải có lòng nhân từ, kế đến là tiết kiệm và sau cùng là khiêm tốn trước mặt thiên hạ. Có thế, việc cai trị thiên hạ sẽ được cảm hóa và trở nên dễ dàng hơn. Thế nhưng, để cai trị đất nước tốt đẹp, bậc thánh nhân không chỉ tu thân qua việc tử bỏ những tật xấu, đam mê thái quá… nhưng họ còn phải dấn thân vào việc học tập, trau dồi tri thức. Vậy, theo Lão Tử, bậc thánh nhân cần có thái độ học tập như thế nào? Đề mục dưới đây sẽ giải quyết vấn đề đó.

2.       “Thị dĩ thánh nhân bất hành nhị tri, bất kiến nhi danh, bất vi thành” (ĐĐK 47)

Trong chương 47 của Đạo Đức Kinh, Lão Tử đề cập đến thái độ học tập của bậc thánh nhân, một phương pháp học tập hướng nội. Lão Tử quan niệm rằng nếu học tập hướng ngoại thì đưa tới cái biết vụn vặt, rời tạc và bị hạn chế trong nhiều lĩnh vực. Ngược lại, nếu học tập với tâm thế hướng nội, người học sẽ dễ đi vào nội tâm để suy tư, nghiền ngẫm, phản tỉnh và sàng lọc những điều gì chính yếu điều gì phụ thuộc, nhờ đó họ có được kiến thức tổng quan, sâu rộng và có hệ thống hơn. Chính chiều kích hướng nội sẽ giúp con người càng trở nên hữu thể nhân linh siêu việt trên vạn vật, là trọng tâm của vũ trụ hơn. Từ trung tâm điểm nhìn ra, con người thấy được vòng tròn mở rộng của vũ trụ vạn vật. Đang khi đó, người học hướng ngoại thì chỉ đứng ở một vài điểm nào đó của chu vi vòng tròn, nên tầm nhìn của họ bị hạn chế rất nhiều.

Học giả Lý Minh Tuấn còn có cái nhìn sâu rộng hơn về vấn đề học tập hướng nội, ông cho rằng: “hướng nội với cái nhìn ở tâm vòng tròn đại hoá tức là người ta đã đem tâm mình trở về Thái Cực; đó là đại năng lực của Vô Cực (Đạo), là Nhất, xuất phát điểm của Lưỡng Nghi Âm Dương, Tứ Tượng, Bát Quái. Ở Thái Cực có tổng nguyên lý chi phối vũ trụ vạn vật; vì thế người ta sẽ thấu tỏ hết.”[iv] Vì thế, Lão Tử cho rằng việc học tập hướng nội sẽ giúp người ta có thể “ , . , ,” “bất xuất hộ, tri thiên hạ; bất khuy dũ kiến Thiên đạo,” nghĩa là “không ra khỏi cửa ngõ, biết việc thiên hạ; không nhòm cửa sổ thấy được Đạo Trời,” (ĐĐK 37). Biết được Đạo Trời là biết hết chuyện thiên hạ, bởi vì Đạo Trời sẽ như lưới thiên (thiên võng) bao quát hết tất cả mọi sự, kể cả việc thiên hạ dù có đa đoan phức tạp. Lão Tử còn nói thêm “ , ,” “thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất thất,” nghĩa là “lưới Trời lồng lộng, thưa mà khó lọt,” (ĐĐK 73). Do đó, học tập hướng nội sẽ có rất nhiều giá trị, lợi ích.

Tuy nhiên, có một lối tiếp cận khác từ học giả Edmund Ryden, ông chỉ giải thích ngắn gọn chương 47 của Đạo Đức Kinh là “chúng ta đã thấy rằng học tập là vấn đề phân biệt những thứ khác nhau; nhưng người hành đạo chân chính, họ tìm cách bỏ học và đi đến một điểm yên tĩnh. Sau đó người ấy có thể thống trị thế giới.”[v] Cách giải thích này có vẻ mang tính chung chung và chưa cụ thể, rõ ràng, thậm chí có phần thiếu logic khiến người đọc đặt vấn đề tại sao bỏ học đi tìm nơi yên tĩnh để thống trị thế giới? Một cách hiểu khác về chương 47 từ học giả Such’e, ông cho rằng: “sở dĩ các bậc thánh nhân trong quá khứ thông hiểu mọi thứ mà không cần đi đâu cả, đơn giản là vì họ giữ bản chất của mình. (The reason the sages of the past understood everything without going anywhere was simply because they kept their natures whole).”[vi] Thế nhưng, vấn đề đặt ra ở đây là ‘kept their natures whole,’ ‘giữ gìn cái bản chất tổng thể của mình’ là gì và như thế nào? Such’e đã không giải thích rõ ràng, mà nói một cách mơ hồ là ‘tránh những giới hạn nơi lỗ tai, đôi mắt, cơ thể và cả tâm trí (misled by things as ears and eyes, body and mind). Cách chung, lối giải thích của Such’e là chưa thỏa đáng và thuyết phục độc giả, quan điểm đó chỉ mang tính suy tư cá nhân.

Cùng với đó là học giả Moss Roberts lại cho rằng “Lão Tử phản đổi kiểu nhận thức luận ‘mở cửa’ để thông dự cách rộng rãi với thế giới bên ngoài của các đối tượng và hình thức. Ông đóng cửa với thế giới bên ngoài và cắt đứt quan hệ với nó để duy trì sự hiểu biết rõ ràng về nó (he shuts out the outside world and severs intercourse with it in order to maintain clarity about it).”[vii] Một lần nữa, Moss Roberts cũng làm cho người đọc mơ hồ khi ngộ nhận việc ‘đóng cửa thế giới bên ngoài để duy trì sự hiểu biết rõ ràng về thế giới,’ tiếc thay, câu văn của ông sau đó không giải thích gì thêm với độc giả. Với học giả Lưu Hồng Khanh, phần giải luận có vẻ sáng sủa hơn, ông đã phân tích chương 47 như sau: “câu văn của Đạo Đức Kinh nói rằng con người ở lại trong nhà, không phải chỉ biết một số điều gì đó, nhưng là biết không giới hạn, ‘biết những gì trong trời đất,’ nghĩa là biết thế giới trong toàn bộ tổng thể của nó. Câu thứ hai cũng bao hàm một ý nghĩa tương tự. Khi người ta không dòm ra ngoài cửa sổ (mà có lẽ cũng đúng: chính vì khi người ta không dòm ra ngoài cửa), mà người ta biết được con đường, lối đi, năng lực tác tạo của trời.”[viii] Lối giải thích này có vẻ gần với ý niệm học hướng nội hơn.

Tóm lại, với tác giả bài viết này, lối giải thích chương 47 của Lý Minh Tuấn, ta thấy dễ hiểu hơn về tư tưởng của Lão Tử. Khi ông muốn nhấn mạnh đến chiều kích học tập hướng nội, vì với tâm thế hướng nội, người học có thể sẽ đạt tới cảnh giới “ý thức tâm linh.” Trạng thái mà các đạo sĩ Ấn Giáo dày công tu tập và được nhắc đến trong Upanishads (Áo nghĩa thư). Nhờ có “ý thức tâm linh” người nào khổ công học tập, tu luyện sẽ thủ đắc tri thức siêu linh, nghĩa là thông minh, sáng láng, thấu suất nhiều sự việc, sự vật đến nỗi họ gần như đồng hoá tâm thức của mình với ý thức thần linh. Đây là tình trạng mà con người như một tiểu ngã hoà đồng vào đại ngã của vũ trụ rộng lớn, bao la, bát ngát. Hay nói một cách khác theo quan niệm của Ấn giáo là Atman đồng nhất với Brahman (một thực tại tối hậu, siêu việt). Vào thời nhà Tống, có lần triết gia Lục Tượng Sơn đã nhắc đến tình trạng tâm thức siêu linh này như sau: “vũ trụ tiện thị ngô tâm, ngô tâm tức thị vũ trụ,” nghĩa là “vũ trụ là tâm của ta, tâm của ta tức là vũ trụ.” Càng ở trong trọng tâm của vòng tròn vũ trụ ta càng thấu biết mọi sự vật, ngược lại khi càng ra xa tâm của vòng tròn đó, như Lão Tử nói: “Kỳ xuất di viễn, kỳ tri di thiểu,” nghĩa là “càng ra xa, thì biết càng ít.” Do đó, Lão Tử khuyên bậc thánh nhân nên học tập hướng nội để   , , ,” “thị dĩ thánh nhân bất hành nhị tri, bất kiến nhi danh, bất vi thành,”  “thánh nhân không đi mà biết, không nhìn mà tỏ tường, không làm mà nên,” (ĐĐK 47).

3.          “Thị dĩ thánh nhân vận: thụ quốc chi cầu, thị vị xã tắc chủ, thụ quốc bất tường thị vị thiên hạ vương. Chính ngân nhược phản” (ĐĐK 77)

Lão Tử khởi sự chương 77 này bằng việc đặt vấn đề “ , ?” “thiên chi đạo, kỳ do trương cung dư?” nghĩa là “đường lối của Trời giống như mắc dây cung ư?” (ĐĐK 77). Có lẽ, ngang qua quan sát đường lối của Trời trong thiên nhiên và vũ trụ, Lão Tử thấy đường lối của Trời tựa như mắc dây cung. Mắc dây cung thì cần giương lên, nếu cao quá thì hạ xuống, nếu thấp quá thì nâng lên, nếu dây cung dài thì bớt đi, nếu dây cung ngắn thì thêm vào, miễn là cho phù hợp và cân bằng. Qua hình ảnh này, Lão Tử khẳng định: “ , ,” “thiên chi đạo; tổn hữu dư nhi bổ bất túc,” nghĩa là “đường lối của Trời là bớt chỗ thừa mà thêm vào chỗ thiếu.” Có lẽ đó là quy luật quân bình của trời đất nhằm chi phối và làm hài hoà vũ trụ, nhân sinh.

Có những lối tiếp cận chương 77 này khá phong phú, chẳng hạn như học giả Ho Shang Kung cho rằng: "Thiên đạo quá tối tăm, chúng ta cần ẩn dụ để hiểu nó. Khi chuẩn bị cung để sử dụng, chúng ta xâu chuỗi nó bằng cách kéo phần trên xuống và bằng cách nâng đáy lên. Tương tự như vậy, Đạo Trời bắt nguồn từ kẻ mạnh nhường cho kẻ yếu.”[ix] Học giả Lu Hsi-Sheng giải thích rằng: “ai có thể bắt chước Đạo trời và biến nó thành Đạo người, lấy những gì mình có nhiều và cho những người cần nó? Chỉ những người có Đạo. Kinh Dịch nói: 'Hãy lấy từ thấp mà cho lên cao (41). Cho là lấy từ trên cao mà cho xuống thấp' (42).”[x] Moss Roberts có cái nhìn độc sáng hơn, ông cho rằng: “tài thiện xạ là một cách ẩn dụ của Lão Tử đề nói về trách nhiệm của cá nhân nào đó trong vai trò lãnh đạo.”[xi] Quả thật, Moss Roberts có vẻ đoán được dụng ý sâu xa của Lão Tử, khi không chỉ đề cập về Thiên Đạo, nhưng còn ngụ ý nhắc đến thánh nhân trong những câu nói đó. Thực tế, nếu có cái nhìn mở rộng hơn thì có lẽ theo Lão Tử, để cai trị đất nước tốt đẹp, bậc thánh nhân không chỉ thấu triệt Thiên Đạo mà còn thủ đắc lối sống trung dung, quân bình trong lối hành xử với muôn dân, tựa như quy tắc hoạt động của cây cung, không căng quá mà cũng không mềm yếu quá, tất cả ở trạng thế cân bằng, ổn định.

Hơn nữa, Lão Tử còn cho rằng người có Đạo, tức là bậc thánh nhân luôn có Trời hiện diện nơi mình, nên cung cách hành xử của họ là đem khả năng thừa có nơi mình để phục vụ dân chúng (thục năng hữu dư dĩ phụng thiên hạ? Duy hữu Đạo giả). Trong tâm thế quân bình, trung dung, lối sống của bậc thánh nhân sẽ: “ : , . , . ,” “thị dĩ thánh nhân vận: thụ quốc chi cầu, thị vị xã tắc chủ, thụ quốc bất tường thị vị thiên hạ vương. Chính ngân nhược phản,” nghĩa là bậc thánh nhân là người thấu suốt thiên mệnh nên ra công gắng sức nuôi dưỡng thiên hạ mà không cần mong đáp đền, cậy trông. Họ tận tuỵ cho đến khi hoàn tất công nghiệp mà không ở lại thủ hưởng hoặc đợi người khác tán dương (ĐĐK 77). Ở đây ta thấy tinh thần hào hiệp và quảng đại của bậc thánh nhân mà Lão Tử đề cập đến. Thánh nhân xử sự khiêm tốn trong lối sống thường nhật, khi không muốn tỏ bày, phô trương tài đức của mình cho thiên hạ ngưỡng phục. Đây là đường lối Vô vi mà bậc thánh nhân thuận theo đường lối của đạo Trời. Li Jung cũng nhận định thêm rằng: “Thánh nhân tuy làm việc nhân đức, nhưng không mong được ban thưởng và cố gắng giấu kín đức hạnh của mình (tries to keep his virtue hidden).”[xii] Chính thái độ khiêm nhường, khôn khéo trong lối hành xử để dạy dỗ muôn dân, đồng thời không màng chi đến công trạng, danh tiếng cho nên sự nghiệp cao cả của bậc thánh nhân mời còn hoài.



Một vài ghi nhận của người viết

            Lão Tử kịch liệt phản bác quan niệm về tốt sấu, thiện ác của xã hội thời Khổng Tử cũng như Mặc Tử. Ông cho rằng: “ 下皆知美之爲美, 斯惡已; 皆知善之爲善, 斯不善已,” “Thiên hạ giai tri mĩ chi vi mĩ, tư ác dĩ; giai tri thiện chi vi thiện, tư bất thiện dĩ,” nghĩa là “ai cũng cho cái đẹp là đẹp, do đó mà phát sinh ra quan niệm về cái xấu; ai cũng cho điều thiện là thiện, do đó mới phát sinh ra quan niệm về cái ác,” (ĐĐK 2). Theo Lão Tử, “trong vũ trụ này không có gì là hoàn toàn là xấu, là tốt cả, bởi lẽ Đạo thì không phân biệt tốt xấu, Đạo Đức sinh ra vạn vật, nuôi dưỡng, nâng niu và ôm trọn lấy vạn vật nên không kỳ thị, loại trừ thiện ác, tốt xấu. Có lẽ chỉ có con người lòng dạ hẹp hòi mới phân biệt tốt xấu, dẫn đến kỳ thị và loại trừ lẫn nhau.”[xiii] Do đó, Lão Tử khuyên bậc thánh nhân, nghĩa là người đã hoà hợp với Đạo, hoàn toàn hữ tĩnh, thuận theo tự nhiên, họ nên có cung cách hành xử: 是以聖⼈處無爲之事, ⾏不⾔之教; 萬物作焉⽽不辭, ⽣⽽不有, ⽽不侍, 功成⽽不居。 夫唯不居, 是以不去, ” “thị dĩ thánh nhân xử vô vi chi sự, hành bất ngôn chi giáo. Vạn vật tác yên nhi bất từ, sinh nhi bất hữu vi nhi bất thị, công thành nhi phất cư,” nghĩa là “thánh nhân làm việc bằn cách vô vi, thi hành sự dạy dỗ bằng cách không lời. Vạn vật tác động mà không bị sai khiến, sinh hoạt mà không chiếm hữu, làm mà không cậy công, công nghiệp thành tựu mà không ở lại,” (ĐĐK 2).

             Nếu như Khổng, Mặc truy tìm nguyên nhân của xã hội loạn lạc đương thời, và thấy nơi các nhà cầm quyền cũng như mọi tầng lớp không thi hành đúng nhiệm vụ của mình, vua không ra vua, tôi không ra tôi thế nên xã hội loạn lạc. Vì thế, Khổng Tử mới đề ra thuyết Chính Danh để xã hội được bình ổn hơn, đồng thời đề cao học thuyết Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín để răn đời. Tuy nhiên, Lão Tử không đồng ý với quan điểm đó, ông cho rằng xã hội loạn lạc là do con người ngày càng rời xa Đạo, nghịch với Đạo, với tự nhiên khi sống phóng túng, buông mình theo dục vọng cách quá đáng. Toa thuốc điều trị căn bệnh trầm kha đó, theo Lão Tử là mỗi người cần thay đổi lối sống và trở về với Đạo, với tự nhiên. Bậc thánh nhân là người thấu triệt và hoà hợp với Đạo nên họ đứng ra điều hành, quản trị đất nước với kế sách vô vi khiến dân tình được an yên, phúc thịnh hơn.

Muốn phê phán, chê bai tư tưởng của Lão Tử có lẽ việc đó không khó. Người ta có thể viết cả 10.000 đến 50.000 từ để bắt bẻ, chỉ trích 5.000 từ trong Đạo Đức Kinh. Chẳng hạn như “Trương Khởi Quân viết khoảng 12.000 từ (Lão Tử trang 83-100) và Ngô Tất Tố viết khoảng 2.000 từ (Lão Tử trang 107-116) để chỉ trích Lão Tử.”[xiv] Có lẽ người ta phê phán Lão Tử đề cao thái quá “tính tự nhiên” đến nỗi “nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp Đạo và Đạo pháp tự nhiên,” nghĩa là “người noi theo đất, đất noi theo trời, trời noi theo Đạo, Đạo noi theo năng lực tự nhiên.” Thế nhưng, theo tác giả bài viết, tư tưởng đó của Lão Tử chẳng có gì là sai cách quá đáng. Thực tế con người noi theo đất thì chẳng có gì sai trái cả, vì con người đang sống và lệ thuộc hoàn vào đất, và đất noi theo trời. Cả đất trời dưỡng nuôi và che chở cho con người mà chẳng phân biết người tốt kẻ xấu nào. Trời noi theo Đạo là trời cũng khiêm hạ, vô vi như Đạo. Bởi lẽ Đạo sáng tạo ra vũ trụ vạn vật, nhưng vì bản chất của Đạo là vô vi nên để cho muôn vật được tự do phát triển, đặc biệt là con người. Do đó, vì “Đạo pháp tự nhiên” nên con người thiết nghĩ cùng cần noi theo đất trời, hoà hợp với Đạo, với tự nhiên thì con người sẽ có hành vi vô vi, khiêm hạ và cuộc sống được an bình thư thái, hạnh phúc vui tươi với nhau và với vũ trụ vạn vật hơn. Ngược lại, ngày nào con người còn những dục vọng, tham lam của cải vật chất để rồi chống đối, tàn phá thiên nhiên, đất đai, sinh vật… thì ắt hẳn những thiên tai, dịch bệnh, động đất, sóng thần, ô nhiễm môi trường… sẽ tiếp tục huỷ hoại và tịch diệt con người mà thôi!

Kết luận

                Tóm lại, hình ảnh thánh nhân trong Đạo Đức Kinh của Lão Tử là một người huyền đồng với Đạo bởi họ đã thấu đạt chân lý vận hành của Đạo. Vì là người hoà hợp với Đạo nên cung cách hành xử của bậc thánh nhân không hề tầm thường, nhưng cao cả và đáng quý. Như đã phân tích ở trên, thánh nhân là người sống quân bình, bỏ điều thái quá, vượt mức, xa xỉ… chọn đường lối học tập hướng nội nhằm thấu triệt chân lý của Thiên Đạo, cùng quy luật vận hành của vũ trụ vạn vật. Bên cạnh đó, bậc thánh nhân cai trị dân như mắc dây cung, biếtđiểu chỉnh các bộ phận mạnh yếu, dư thừa cho cân bằng, hoà hợp với nhau. Đồng thời, thánh nhân chọn lối sống khiêm nhường, khôn khéo ứng xử với mọi người, ra công dồn sức để nuôi dưỡng thiên hạ mà không mong được đền đáp hoặc ca ngợi, tán dương công trạng. Thánh nhân chọn lối sống ‘vô vi’ để sống cùng và cai trị thiên hạ được tốt đẹp hơn.

            Con người ngày nay đang phải đối diện với nhiều căn bệnh trầm kha về cả thể lý lẫn tâm lý. Họ bị lối sống thực dụng, duy cá nhân, vị lợi… lôi kéo dẫn đến những mối quan hệ xã hội, cộng đồng, gia đình bị rạn nứt, đổ vỡ. Cuộc sống hiện đại với vòng xoay cơm áo gạo tiền, hưởng thụ tiêu dùng… càng lúc làm cho con người càng xa cách nhau, con người làm bạn với sự cô đơn, chán chường, trống vắng trong lòng nhiều hơn. Lòng tham lam, tính ích kỷ của con người, cụ thể như các cuộc chiến tranh khốc liệt nhiều nơi trên thế giới vẫn đang xảy ra. Đơn giản vì họ sống thiên lệch, quy kỷ thái quá… Thế nhưng, triết thuyết của Lão Tử nếu áp dụng cho cuộc sống ngày này thì không hề lỗi thời. Thực tế, nó sẽ giúp người ta biết sống chậm lại, dành thời gian để lắng đọng tâm hồn, nhìn vào thực tại cuộc sống của mình,của mọi người để điều chỉnh lối sống cho phù hợp với thời đại hơn. Có thể họ sẽ sống trung dung, sống quân bình, biết đủ (tri túc) và “bỏ cái thái quá, bỏ cái nhiều, bỏ cái vượt mức,” trở về với cái biết nội tâm, nghĩa là đừng đi ra xa chân lý, sự thật nhưng sống chân thành, hoà đồng, quảng đại giúp đỡ mọi người, khiêm tốn dấn thân nhưng không màng danh tiếng, lợi lộc… Có như thế, đời sống của con người mỗi ngày phát triển hơn, tràn đầy niềm vui và hạnh phúc hơn, đồng thời họ có sức mạnh để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống hằng ngày.

Bibliography

Joachim Gentz, Understanding Chinese Religions, Dunedin Academic Press, 2013.

Red Pine, Lao-tzu’s Taoteching, trans. By Red Pine with selected commentaries of the past 2000 years, Mercury House.

Lý Minh Tuấn, Lão Tử Đạo Đức Kinh Giải Luận, NXB Phương Đông, 2010.

Edmund Ryden, Laozi Daodejing, Oxford University Press, 2008.

Moss Roberts, Laozi Dao De Jing the Book of the Way, trans. by Moss Roberts, University of California Press, 1954.

Lưu Hồng Khanh, Lão Tử Đạo Đức Kinh Bản thể, Hiện Tượng, Siêu Việt của Đạo, NXB Hồng Đức, 2017.

Nguyễn Hiến Lê, Lão Tử Đạo Đức Kinh, NXB Văn Hoá Thông Tin, 2006.



[i] Thời Tây Hán, trong quyển Sử ký phần “Lão Tử và Hàn Phi Liệt Truyện”, sử gia Tư Mã Thiên đã ghi lại cuộc đời của Lão Tử, mặc dù chỉ có khoảng hai ba trăm từ.

[ii] Cf. Joachim Gentz, Understanding Chinese Religions, Dunedin Academic Press, 2013, “More than 700 commentaries have been written to this work. It is, after the Bible, the most translated work in he world with more than 300 different translations, more than eighty of them into English”. 78.

[iv] Lý Minh Tuấn, Lão Tử Đạo Đức Kinh Giải Luận, NXB Phương Đông, 2010, 299.

[v] Edmund Ryden, Laozi Daodejing, Oxford University Press, 2008, 100.

[vi] Red Pine, Lao-tzu’s Taoteching, trans. By Red Pine with selected commentaries of the past 2000 years, Mercury House, 94.

[vii] Moss Roberts, Laozi Dao De Jing the Book of the Way, trans. by Moss Roberts, University of California Press, 1954, 126.

[viii] Lưu Hồng Khanh, Lão Tử Đạo Đức Kinh Bản thể, Hiện Tượng, Siêu Việt của Đạo, NXB Hồng Đức, 2017, 56.

[x] Red Pine, Lao-tzu’s Taoteching, trans. By Red Pine with selected commentaries of the past 2000 years, Mercury House, 155.

[xi] Moss Roberts, Laozi Dao De Jing the Book of the Way, trans. by Moss Roberts, University of Calìornia Press, 1954, 181.

[xii] Red Pine, Lao-tzu’s Taoteching, trans. By Red Pine with selected commentaries of the past 2000 years, Mercury House, 155.

[xiii] Nguyễn Hiến Lê, Lão Tử Đạo Đức Kinh, NXB Văn Hoá Thông Tin, 2006, 78.

[xiv] Nguyễn Hiến Lê, Lão Tử Đạo Đức Kinh, NXB Văn Hoá Thông Tin, 2006, 116.

0 Comments: