PHẢN TỈNH SAU KHI XEM BỘ PHIM “CÂY VĨ CẦM CỦA CHA”
TÌNH
YÊU VÀ TRÁCH NHIỆM
Đại
thi hào Nguyễn Du đã có những vần thơ rất hay để diễn tả về tình yêu thương, cụ
thể trong Truyện Kiều, ông viết: “Đã mang lấy một chữ tình, khư khư mình lại
buộc mình vào trong. Vậy nên những chốn thong dong, ở không yên ổn, ngồi không
vững vàng. Ma đưa lối, quỷ dẫn đường, bỗng dưng lại chọn những chốn đoạn trường
mà đi.” Có vẻ đoạn thơ này diễn tả về tình cảm tương tư của tình yêu đối lứa.
Tuy nhiên, nếu nhìn xa và sâu hơn, ta có thể thấy những vần thơ này không chỉ bị
gói gọn trong tình cảm lứa đối, nhưng nó mở rộng ra với tình yêu thương của con
người với nhau. Đã hẳn, khi nói đến yêu thương thì cũng cần nói đến trách nhiệm.
Bởi vì, chính khi chu toàn trách nhiệm là một cách diễn tả tình yêu thương giữa
người với nhau.
Có lẽ, đạo diễn của bộ phim “Cây Vĩ
Cầm Của Cha” đã khai thác nội tâm nhân vật và diễn tả tâm lý chiều sâu của từng
nhân vật qua từng khía cạnh khác nhau. Trước hết, ta thấy hình ảnh người cha và
cô con gái yêu quý tên là Ozlem. Cô bé Ozlem được tám tuổi thì có dáng người
xinh xắn, tính tình dễ thương, và khuôn mặt dễ mến. Ozlem được bố cùng các chú
trong ban nhạc đường phố yêu thương hết mực. Họ như một gia đình sống yêu
thương và quý trọng lẫn nhau.
Tưởng chừng cuộc sống sẽ êm đềm và đẹp
tươi như tuổi mộng mơ của cô bé Ozlem, nhưng một biến cố không may đã xảy đến.
Bố của bé Ozlem bị cơn bạo bệnh hành hạ và bác sĩ cho biết là ông sẽ không sống
được lâu nữa. Quá thương con bé, vì nó đã bị mồ côi mẹ từ nhỏ, nên ông bố đã
yêu thương bé hết mực, nay biết mình sắp sửa không còn sống cùng và chăm sóc bé
nữa, ông buồn sầu hết sức. Chợt thấy trên báo có thông tin người em trai ruột của
mình là nghệ sĩ vĩ cầm nổi tiếng, bố của bé Ozlem tìm đến người em này và nhờ
giúp nuôi bé Ozlem. Dĩ nhiên, người chú của Ozlem không thể đón nhận đề nghị
đó, vì ông cảm thấy đau khổ khi người anh trai đã bỏ rơi mình mấy chục năm về
trước.
Xét về nhân vật người bố của của
Ozlem, ta thấy ông là một người có trách nhiệm, khi biết mình không thể tiếp tục
yêu thương và chăm sóc con gái, ông đã tìm đến sự trợ giúp của người chú ruột của
bé. Dĩ nhiên, các chú trong ban nhạc của bố cũng yêu thương bé Ozlem lắm! thế
nhưng, ngặt nỗi họ là những người nghèo khi kiếm từng đồng tiền cắc lẻ nơi đầu
đường, cuối chợ… họ không có đủ tiền bạc để nuôi dưỡng bé ăn học cùng lo cho
tương lai của bé được tốt hơn. Lực bất tòng tâm, nhưng các chú trong ban nhạc
luôn yêu thương và tìm cách giúp đỡ bé. Ở đây, ta thấy được lòng trắc ẩn, tình
thương yêu của cả ông Bố của Ozlem lẫn các chú trong ban nhạc. Chính tình
thương yêu sâu sắc dành cho bé Ozlem mà họ thấy mình có trách vụ giúp đỡ bé.
Về phần chú ruột của bé Ozlem, ông
là một nghệ sĩ vĩ cầm nổi danh và sự nghiệp cùng kinh tế khá phát triển. Tuy
nhiên, sâu thẳm trong ông đó là nỗi trống vắng. Chúng ta có thể thấy rõ điều đó
qua cuộc đối thoại của hai vợ chồng. Người vợ cho rằng, chỉ vì quá yêu thương chồng
nên cô đã bỏ sự nghiệp đàn piano để hậu thuẫn ông, nhưng cô nói rằng núp sau
cái bóng của chồng khiến cô thực sự mệt mỏi, và có lẽ chẳng ai có thể đón nhận
được con người ông ngoại trừ chính ông. Để rồi, cao điểm của cuộc bất hòa đó là
sự li thân của hai vợ chồng. Ta có thể thấy được bên ngoài sự thành công, danh
tiếng của một số người thì đằng sau đó là sự trống vắng nếu như họ không có sự
cảm thông, sẻ chia, lắng nghe và đồng cảm lẫn nhau. Chồng chỉ trích, hiểu sai về
vợ và vợ thất vọng vì chồng phủ nhận công sức của mình. Ai cũng cho là mình là
người bị hại, bị tổn thương và chính người kia mới là người gây ra nguyên nhân
đó. Có mấy khi ta đặt mình vào vị trí của nhau để hiểu nhau hơn.
Có lẽ, tình yêu cần đến sự hy sinh,
lắng nghe, đồng cảm để nhìn ra những góc khuất của bản thân mình. Chính vì quen
dần với lối sống quy kỷ nên có đôi khi, ta hay nhìn cuộc sống theo thiển ý cá
nhân vị lợi. Lối sống đó, có nguy cơ dẫn ta đến sự co cụm với chính mình và có
thể trở thành gánh nặng cho người khác. Tuy nhiên, một lần nữa, tình yêu thương
đã đánh thức lòng trắc ẩn thẳm sâu nơi mỗi người. Quả đúng như, Mạnh Tử đã nói:
“nhân chi sơ, tính bản thiện”. Người chú của Ozlem, khi bị vợ bỏ đi, khi bé
Ozlem bỏ trốn, khi những bản nhạc ông viết khô khan, và chẳng có chút tình cảm,
hương vị sống động của cuộc sống… ông rơi vào sầu não, phiền muộn…những mất
mát, thương đau bao bọc lấy ông. Ông chợt nhận ra, trong thực tế có nhiều thứ
quan trọng hơn cả sự nghiệp của mình, đó là tình người.
Chính bé Ozlem đã nói một câu khiến
người chú được ‘bừng sáng’ giữa những phiền não, u sầu… “mỗi người là một giai
điệu của cuộc sống, không ai giống ai. Vì thế, ta hãy nhìn người khác như một
âm sắc độc lạ, đừng lên án và cũng đừng phê phán âm giai đó như thế nào, hãy
đón nhận, hãy thưởng thức và thấu cảm nó.” Chú của Ozlem đã hiểu được nhiều điều
từ tình thương yêu. Ông đã bật khóc khi hiểu lầm về người anh trai bỏ rơi mình
trên chuyến tàu đi Ý năm xưa, nhưng thực ra, anh trai đã dành dụm hết tiền bạc
để em thoát khỏi cùng cực và có thể có một cuộc sống tốt hơn. Anh luôn hướng về
mình và mong ước mình có tương lai tươi sáng, anh chấp nhận sống cuộc sống
nghèo khổ, cùng cực chỉ vì hy vọng em được sống hạnh phúc. Ông đã nhận ra được
tình thương của vợ khi bỏ mọi sự nghiệp để hậu thuẫn cho tương lai, cuộc sống của
mình. Ông đã “ngộ” ra được nhiều điều từ tình yêu thương.
Bên cạnh những nhân vật kể trên, đạo
diễn bộ phim cũng cho ta thấy được trách nhiệm của nhà nước với những trẻ mồ
côi. Họ chu cấp, dưỡng nuôi những phận người kém may mắn, bất hạnh trong cuộc sống.
Các nhà bảo trợ xã hội, người giám hộ, luận sư… họ đều quan tâm đến lợi ích của
một con người, đặc biệt các trẻ em nghèo khó, mồ côi… Đây là một điểm son của
phim.
Tóm
lại, khi xem bộ phim “Cây Vĩ Cầm Của Cha,” có nhiều cảnh phim đã khiến tôi xúc
động. Xúc động không phải vì thấy cảnh mất mát đau thương, chia ly, vĩnh biệt…
cho bằng tình thương yêu đã đụng chạm đến trái tim tôi. Tôi thấy họ yêu thương
nhau: bố thương yêu con gái, các chú thương mến cháu, vợ chồng yêu mến nhau,
nhà hữu trách cảm thương và chăm sóc những người kém may mắn… Có lẽ, mọi sự rồi
cũng sẽ qua đi hết, chỉ tình thương yêu ở lại. Và dường như, triết lý nhân sinh
cũng xoay quanh vấn đề lòng nhân hậu và tình xót thương của con người đối với
nhau mà thôi!
Vậy,
có khi nào tôi tự hỏi: tôi đã và đang yêu thương những người xung quanh tôi như
thế nào? Tôi có yêu thương họ không và nếu có, tôi đã diễn tả tình thương yêu
đó như thế nào? Từ cha mẹ, anh chị em và những anh em đồng chí hướng, những người
đồng cam cộng khổ với tôi… Tôi đã sống như thế nào? Hy vọng tôi sẽ không phải
nuối tiếc để thốt lên: “Đời ta hết mang điều mới lạ… và tôi đã sống rất ơ hờ…”
(Đêm Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ_ Trịnh Công Sơn_).
Ước mong, tôi luôn tập ý thức để quan sát, lưu tâm và nhạy bén trước các nhu cầu của những anh chị em xung quanh mình. Để yêu thương và tôn trọng họ mọi ngày suốt đời tôi.
“Như dòng sống trôi mãi,
luôn chở nặng phù xa,
có bao giờ em hỏi,
đời cần
gì nơi ta.” (Minh Niệm).
Minh Đức S.J.
0 Comments:
Không cho phép có nhận xét mới.