Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 31 tháng 5, 2023

Hiểu hơn về triết học đạo đức của Immanuel Kant

 

Hiểu hơn về triết học đạo đức của Immanuel Kant

Minh Đức, S.J.



Dẫn nhập

Hai điều tràn ngập tâm tư với sự ngưỡng mộ và kính sợ luôn luôn mới mẻ và gia tăng mỗi khi nghĩ đến, đó là: bầu trời đầy sao trên đầu tôi và quy luật luân lý ở trong tôi. Tôi không phải đi tìm chúng hay phỏng đoán về chúng như thể chúng giấu mình trong bóng tối hay ở một nơi cao vời bên ngoài chân trời của tôi, trái lại, tôi nhìn thấy chúng trước mắt mình và nối kết chúng một cách trực tiếp với ý thức về sự hiện hữu của tôi.[i]

Những dòng chữ sâu sắc và tuyệt vời trên đã được ghi khắc trên bia mộ của triết gia lỗi lạc Immanuel Kant (1724-1804). Đó như là lá thư tâm huyết của ông để lại cho hậu thế. Trong đó, Kant ngụ ý “bầu trời đầy sao” tựa như nhận thức của con người về tri thức nhân loại là bao la, bát ngát; “quy luật luân lý” với ý nói về những quy tắc thực hành khởi phát từ nội tại. Cả hai điều đó tựa như đôi cánh chim mà ta có thể ví von ‘chim trời tung cánh bên trên, một bên lý thuyết, một bên thực hành. Phận người lắm lúc mong manh, đức hạnh luân lý chữa lành tâm can.’ Thực tế, ‘đôi cánh chim’ (nhận thức và thực hành) đó sẽ nâng đỡ phận người không chỉ trên đoạn đường đời hy vọng nhưng còn hướng người ta đến trách vụ của hiện hữu mình với các tại thể khác trong thế giới này.

So sánh giữa Lý tính thuần tuý và Lý tính thực hành, ta thấy trong quyển một, Phê phán lý tính thuần tuý, Kant đã cho rằng: Lý trí lý thuyết hướng dẫn niềm tin, nhắm vào chân lý. Khi nó được sử dụng hợp pháp, Kant gọi là giác tính/trí hiểu (understanding); còn khi sử dụng bất hợp pháp, Kant gọi là lý tính thuần tuý (pure reason). Cùng với đó, giác tính (understanding) hoạt động (issues) trong việc đưa ra các phán đoán (các hành vi trí tuệ, vốn có thể đúng hoặc sai). Bên cạnh đó, ở quyển hai, Phê phán lý tính thực hành, Kant quan niệm: Lý trí thực hành (practical reason) hướng dẫn hành động, nhắm vào sự đúng đắn (phải là -Sollen). Nó hoạt động trong việc đưa ra các mệnh lệnh (imperatives), vốn có thể được tuân thủ (chủ thể hành động). Do đó, lý trí thực hành bao hàm việc biện minh cho các mệnh lệnh, [vấn đề là cần xác định và xác nhận một khái niệm về tính khách quan, cái sẽ áp dụng cho những mệnh lệnh đó và tạo ra một hệ thống đạo đức dễ nhận biết].

Thực tế, Lý tính thuần tuý đặt ra mục tiêu hạn chế những giả thuyết suy đoán siêu hình của lý tính, đồng thời thiết lập một cách tiên nghiệm những nguyên tắc phải được giả định trong tri thức về một trật tự khách quan. Triết học lý thuyết nghiên cứu việc ban bố quy luật cho Tự nhiên bởi các khái niệm thuần túy (các phạm trù) của giác tính trong phạm vi kinh nghiệm. Đang khi đó, Lý tính thực hành, không chỉ nhằm khám phá một cách dứt điểm toàn bộ câu hỏi về tính khách quan của phán đoán đạo đức và thẩm mỹ, mà còn – qua lý thuyết lý trí thực hành - cố gắng phục hồi một số giáo điều siêu hình quan trọng mà lý trí lý thuyết (theoretical reason) không thể được biện minh. Triết học thực hành nghiên cứu việc ban bố quy luật bởi các khái niệm về Tự do của lý tính thuần túy, và trong  lĩnh vực luân lý và pháp quyền, lý tính còn có thể tự ban bố quy luật cho chính mình.

Trong cuốn Phê phán lý tính thực hành, có thể thấy Kant đã từng bước đi sâu vào mỗi vấn đề để mổ xẻ, làm rõ các quy luật ngang qua các định lý, cùng xác lập cơ sở luân lý cách rõ ràng. Trước hết, ông khởi sự bằng 8 định lý để xác lập bản tính của nguyên tắc thực hành khác quan. Bước hai, Kant xác lập cơ sở cho quy luật luân lý trong tự do và mối quan hệ của nó với Tính Tự Trị và Mệnh Lệnh Nhất Quyết. Bước ba, Kant diễn dịch về các nguyên tắc dựa vào nhân quả của quy luật luân lý trong một thế giới khả niệm (tính nhân quả bằng Tự Do). Bước bốn, ông bàn luận “Điển hình luận của Năng Lực Phán Đoán Thuần Túy Thực Hành” (bàn về thuyết niệm thức như trong PPLTTT). Sau cùng, ông trình bày động cơ của Lý tính thuần tuý thực hành, qua việc bàn về cảm xúc tôn kính của quy luật luân lý như một phương cách tự quy định của ý chí và đưa ra sự phân biệt quan trọng giữa hành động thuộc Bổn phận vì bổn phận và Hành động vì tôn kính luật.


 

Đặt vấn đề

            Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, kỹ thuật, đời sống con người ngày càng nâng cao, kéo theo nhu cầu tận hưởng cuộc sống cũng tăng lên. Tuy nhiên, có một thực trạng tiêu cực trong xã hội ngày nay đã và đang lan rộng mà người ta thường gọi là ‘bệnh vô cảm’. Sống vô cảm có nghĩa là khi con người quá đề cao chủ nghĩa cá nhân, vị kỷ, vị lợi, và thực dụng, nên họ dễ dàng quy hướng mọi sự về mình và ít khi quan tâm đến lợi ích chung của tha nhân và cộng đồng. Do đó, nhiều vấn nạn phức tạm ngày nay như: ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí, âm thanh, tiếng ồn ầm ĩ, tràn lan khắp nơi. Nạn chặt phá rừng, khai thác dầu mỏ, than đá, đánh bắt hải sản, thú rừng… xảy ra ở nhiều nơi cách vô độ. Vấn đề sự dữ, sự ác như chiến tranh giữa các cường quốc, nạn bóc lột, tham những, phân biệt chủng tộc và chênh lệch giàu nghèo giữa các nước và trong nước với nhau… vẫn diễn ra nhan nhản, thậm chí càng ngày càng tăng cao. Vậy, liệu rằng triết học của Kant có giải quyết vấn nạn trên và hướng dẫn con người đi theo đúng đường hướng đạo đức, luân lý chăng? con người có thể sống đạo đức hơn, cụ thể là hoà giải với thiên nhiên, môi trường và hoà giải với nhau như những hữu thể nhân linh đang cùng hít thở và chung sống với nhau trên trái đất này như thế nào? Trong bài phạm vi bài viết này, tác giả sẽ cố gắng giải quyết phần nào những vấn nạn trên một cách chung quy, tổng quát theo như chiều hướng đạo đức học của Kant.

1.     Mệnh lệnh giả thiết và mệnh lệnh nhất quyết

Trước hết, để thực hiện được một hành vi đạo đức cách khách quan, mà có đôi khi hữu thể lý tính không tự mình quy định ý chí thì nó cần đến một mệnh lệnh. Theo quan niệm của Kant, “đối với một hữu thể mà lý tính không tự mình có thể hoàn toàn quy định được ý chí, thì quy tắc này là một mệnh lệnh (Imperativ), tức là một quy tắc mang đặc điểm của một cái “Phải là” (Sollen), biểu thị sự bắt buộc khách quan của hành vi.” Kant chia ra hai loại mệnh lệnh: Mệnh lệnh giả thiết (hypothetische Imperativen) đơn thuần liên quan đến kết quả (mục đích) và phương tiện và Mệnh lệnh nhất quyết hay tuyệt đối (kategorische Imperativen) chỉ quy định ý chí bất kể ý chí có tương ứng được với kết quả hay không. Duy chỉ có mệnh lệnh nhất quyết là quy luật thực hành.

Để hiểu hơn về hai mệnh lệnh trên, ta có thể đưa ra một ví dụ để dễ hình dung ra vấn đề. Giả sử muốn đạt được kết quả là kết thúc chiến tranh giữa hai nước, ta cần thăng tiến hoà bình, cụ thể là sự đàm phán giữa đôi bên, cần sự can thiệp giữa các tổ chức hoà bình, liên hiệp quốc… và đó chính là phương tiện để đạt được mục đích ngừng chiến tranh. “Để xây dựng hoà bình, chúng ta phải ngừng chiến tranh” đây chính là một mệnh lệnh giả thiết. Kế đến, ví dụ như Liên Hiệp Quốc ra mệnh lệnh “Hãy dừng chiến tranh, nếu không Liên Hiệp Quốc sẽ trừng phạt kinh tế của các nước nào tham chiến,” đây là mệnh lệnh nhất quyết hoặc tuyệt đối, vì nó quy định ý chí mọi người dân cùng cấp lãnh đạo các nước tham chiến, dù ý chí của họ có muốn tiếp tục hay dừng chiến tranh. Đây là một mệnh lệnh mang tính quy luật thực hành.

Từ những mệnh lệnh đó, Kant đưa ra hai hướng một là điều lệnh mang tính thực hành, hai là quy luật thực hành. Quy luật thực hành khởi đi từ Châm ngôn (tương ứng với điều kiện chủ quan) và mệnh lệnh (mang tính khách quan). Chúng ta cùng tìm hiểu sâu kỹ hơn từng phần trong các đoạn văn dưới đây.

Trước hết, Kant giả thiết rằng: “chỉ duy có hình thức ban bố quy luật đơn thuần của các châm ngôn là cơ sở quy định đầy đủ cho một ý chí, hãy thử tìm ra đặc tính của ý chí có thể được quy định chỉ bởi hình thức ấy.[ii] Để tìm ra đặc tính của ý chí, trước tiên, Kant quan niệm hình thức đơn thuần của quy luật không thuộc về thế giới hiện tượng (chỉ được hình dung bởi lý trí). Kế đến, ông cho rằng cơ sở quy định ý chí không thể như là một biểu tượng có tính nhân quả, vì nó không thuộc thế giới hiện tượng. Thế nên, Kant thừa nhận đó là ý chí tự do. Ý chí tự do thì hoàn toàn độc lập khỏi tính nhân quả. Cùng với đó, ý niệm về tự do là một trong bộ ba vật tự thân của Kant. Tự do là yếu tốt rất quan trọng trong toà nhà lý tính như ông xây dựng. Thậm chí, ông ví von ‘tự do như là viên đá đỉnh vòm của toà nhà lý tính’. Còn lý tính thuần tuý thực hành có chức năng ban bố quy luật cách vô điều kiện, nhằm xác lập tự do. Thế nên, tự do như là cái vô điều kiện trong chuỗi nối kết nhân quả.

Kant củng cố thêm luận điểm về ý chí tự do qua việc phát biểu “Giả thiết rằng: một ý chí là tự do, hãy tìm quy luật nào chỉ duy tự mình có đủ năng lực để quy định ý chí một cách tất yếu.[iii] Giả sử như, có một ai đó có ước muốn sống cuộc đời yêu thương, bác ái và quảng đại với người khác. Họ tâm niệm rằng ‘sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình,’ đối với học đó là một quy luật mà duy tự nơi mình, họ có đủ năng lực để quy định ý chí thực hiện theo châm ngôn đó. Với họ, đó dường như là quy luật thực hành của cuộc sống mang tính thường nghiệm, với ý chí tự do được quy định, là một kết quả của quy trình hình thức ban bố quy luật thực hành. Tóm lại, người đó có ý chỉ tự do để ban bố hình thức quy luật, đồng thời, nhờ hình thức ban bố quy luật họ càng có ý chí tự do hơn. Đây là hai chiều hướng quan hệ hỗ tương.

  Vậy tự do và quy luật luân lý có tương quan với nhau như thế nào? Theo Kant, “Quy luật luân lý được ý thức một cách trực tiếp là cái đầu tiên xuất hiện ra cho ta và trực tiếp dẫn ta đi đến khái niệm về Tự do.”[iv] Thế nên, tự do là ratio essendi của quy luật luân lý, trong khi quy luật luân lý là ratio cognoscendi của tự do. Chính khi tự do nội tại nơi mình, theo Kant, quy luật luân lý mới được khởi phát. Cụ thể ông phát biểu “Hai điều tràn ngập tâm tư với sự ngưỡng mộ và kính sợ luôn luôn mới mẻ và gia tăng mỗi khi nghĩ đến, đó là: bầu trời đầy sao trên đầu tôi và quy luật luân lý ở trong tôi.[v]

Tóm lại, khởi đi từ mệnh lệnh (giả thiết và nhất quyết), Kant dẫn chúng qua ý chí tự do mà với điều kiện chủ quan sẽ cho ra các châm ngôn (nguyên tắc chủ thể làm theo trong thực tế), và mệnh lệnh với ý chí tự do sẽ đưa ra các điều lệnh, quy luật luân lý có tính thực hành. Để hiểu rõ hơn về quy luật thực hành, chúng ta cùng tìm hiểu đề mục dưới đây.

2.     Quy luật thực hành

Trước hết, để đưa ra quy luật thực hành, Kant quan niệm rằng “Hãy hành động sao cho châm ngôn của ý chí của bạn lúc nào cũng đồng thời có thể có giá trị như là nguyên tắc của một sự ban bố quy luật phổ biến.”[vi] Yếu tố nhấn mạnh ở đây là châm ngôn của ý chí nơi mình nhưng lại mang tính phổ quát, nghĩa là áp dụng được trong mọi lúc, mọi nơi và với mọi người. Quy luật luân lý mang tính thực hành đó phải được ý thức một cách tiên nghiệm, hiểu theo nghĩa chặt là lý tính thuần tuý thực hành.

Ý thức này được lý giải như là một Sự kiện của lý tính:Ta có thể gọi ý thức về quy luật cơ bản này là một Sự kiện của lý tính, vì ta không thể suy diễn ra nó từ những dữ liệu có trước đó của lý tính, chẳng hạn từ ý thức về sự Tự do (vì ý thức này không được mang lại cho ta từ trước); trái lại, vì nó tự mình áp đặt lên ta như một mệnh đề tổng hợp tiên nghiệm, không dựa trên bất kỳ một trực quan nào, dù là thuần túy hay thường nghiệm.[vii] Đây không phải là một sự kiện thường nghiệm, mà là sự kiện-hiển nhiên duy nhất của lý tính thuần túy, qua đó, nó tự báo hiệu rằng bản thân mình [lý tính thuần túy]có tính ban bố quy luật một cách nguyên thủy. Do đó, lý tính thuần túy là có tính thực hành. Đồng thời, Kant cho rằng: “Lý tính thuần túy là thực hành do tự nơi chính mình (für sich allein praktisch) và mang lại (cho con người) một quy luật phổ biến được ta gọi là quy luật luân lý (das Sittengesetz).[viii]

Quy luật thực hành cần có một vài yếu tố đi kèm chẳng hạn như:  ý chí thiêng liêng, ý chí thuần tuý chịu tác động bởi nhu cầu và cảm tính, mệnh lệnh nhất quyết, bổn phận, nghĩa vụ, sự cưỡng chế của lý tính, vươn đến cách vô tận, đức hạnh luân lý… Tuy nhiên, tất cả các yếu tố đó cần khởi phát từ tự do lựa chọn, nghĩa là khả năng độc lập khỏi mọi dị trị. Ý chí ‘phải là’ một châm ngôn được xác lập cách chủ quan. Thế nên, Kant đúc kết “từ ý chí, ta có các quy luật, từ tự do chọn lựa, ta có các châm ngôn.”[ix] Qua mệnh lệnh đến ý chí, ta thấy xuất hiện hai chiều hướng ‘Dị trị và tự trị’ chúng là những điều lệnh thực hành và cũng là những quy luật thực hành. Để hiểu rõ hơn về hai chiều hướng đó, ta sẽ triển khai nội dung của chúng trong đề mục dưới đây.

3.     Sự tự trị

Trước hết, ta cần phân biệt giữa ý niệm tự trị và dị trị, theo quan điểm của Kant. “Sự tự trị (Autonomie) của ý chí (Wille) là nguyên tắc duy nhất của mọi quy luật luân lý và của mọi nghĩa vụ phù hợp với chúng; ngược lại, sự ngoại trị (Heteronomie) của sự tự do lựa chọn (Willkür) không chỉ không thể làm cơ sở cho bất kỳ bổn phận nào mà còn đối lập lại với nguyên tắc của bổn phận và với luân lý của ý chí.”[x]

Với Dị trị, ta thấy nó khởi đi từ mệnh lệnh, qua ý chí và dị trị hướng đến kết quả hay mục đích (chất liệu), rồi đến mệnh lệnh giả thiết (là điều nên làm). Ở mệnh lệnh giả thiết có hai chiều hướng, một là đối tượng khả hữu với những nghi vấn hay quy tắc của tài khéo (dùng phương thế để đạt được mục đích); hai là đối tượng tiền giả định nhằm xác định hoặc đưa ra lời khuyên. Nơi chiều hướng Tự trị, ta thấy nó cũng khởi đi từ mệnh lệnh qua ý chí, và tự trị thì bất kể kết quả hay mục đích (mô thức) để hướng đến mệnh lệnh tuyệt đối, nhất thiết và vô điều kiện (phải làm, với mọi trường hợp mà không có ngoại lệ). Chúng là quy luật thực hành.

Trong sự tự trị, có hai loại tự do: “Tự Do Khỏi…” và “Tự Do Để…”. Trước hết, với sự tự do lựa chọn, “tự do khỏi” điều gì đó, nghĩa là nó không bị chất liệu của sự ham muốn quy định, và không phục tùng quy luật nhân quả của thế giới cảm tính, hiểu theo nghĩa tích cựu và siêu nghiệm. Ví dụ: một người có tự do để chọn lối sống quảng đại, bao dung và nhân ái… tự do đó là tự do khỏi những cám dỗ danh-lợi-thú và tham-sân-si… đầu mối của sự thực dụng, duy lợi, vị kỷ...Thứ đến, tự trị của ý chí đó là “tự do để” làm điều gì đó. Nó quy định chính mình theo nghĩa tích cực. Ví dụ, một người có tự do để chọn lựa lối sống bảo vệ môi trường chung quanh, họ phát động, cổ võ các phong trào, dự án bảo vệ môi trường, lên án các hành vi phá hoại hoặc khai thác trái phép tài nguyên môi trường. Đó là tự do để tự mình gây ý thức bảo vệ môi trường theo nghĩa tích cực. Hành vi đó hướng tới đạo đức môi sinh cách chung nhất.

Bên cạnh đó, Kant cho rằng còn yếu tố ngoại trị, và “Sự ngoại trị (Heteronomie) của sự tự do lựa chọn (Willkür) là do dựa trên sự hình dung về những đối tượng chất liệu-cảm tính mà ta muốn biến chúng thành hiện thực bằng hành động. (Điều lệnh (Vorschrift/Precept) thực hành)”.[xi] Ví dụ, một người mang trong lòng sự hận thù với một ai đó, khi được khuyên nhủ ‘hãy sống yêu thương, tha thứ anh sẽ có một cuộc sống thanh thản, bình an và hạnh phúc hơn. Ngược lại, nếu anh mãi nuôi dưỡng ngọn lửa thù hận, bản thân anh sẽ bất an, phiền não và đau khổ trong lòng luôn mãi.’ Người đó nghe thấy hợp lý và suy nghĩ rằng nếu mình tha thứ và buông xả thù hận thì mình cảm thấy được niềm vui và hạnh phúc (chất liệu cảm tính). Từ cảm nhận an yên và vui sướng đó, anh ta thực hiện hành động tha thứ, đó là điều lệnh thực hành được xác lập một cách chủ quan.

Từ những diễn dịch trên, Kant đưa ra nhận định “cơ sơ quy định cho sự tự do lựa chọn (Willkür) chính là ý chí (Wille).” Và “từ ý chí, ta có các quy luật; từ sự tự do lựa chọn, ta có các châm ngôn.[xii] Ví dụ, để bảo vệ môi trường, các cấp lãnh đạo các quốc gia đã đưa ra quy luật “cấm khai thác rừng, biển trái phép và săn bắt thú rừng quý hiếm.” Quy luật này khởi đi từ ý chí, vì ý chí quyết định ý thức để hành động. Đối với châm ngôn, nó cần khởi đi từ tự do chọn lựa. Ví dụ, “không có gì quý hơn độc lập, tự do và hạnh phúc” đó một châm ngôn sống và khởi đi từ sự lựa chọn với tự do hoàn toàn. Tuy nhiên, Kant mở rộng hơn vấn đề của châm ngôn, ông cho rằng “Châm ngôn của lòng yêu chính mình (sự khôn ngoan) chỉ khuyên bảo ta; còn quy luật của luân lý ban mệnh lệnh cho ta. Ở đây, ta thấy có một sự khác biệt lớn giữa những gì khuyên ta nên làm với những gì ta có bổn phận phải làm.”[xiii]

Tóm lại, theo nhận định của Kant, nguyên tắc tự trị của ý chí: dễ thủ đắc, chỉ cần làm theo bổn phận, đang khi đó, dựa vào tính ngoại trị của chọn lựa thì đòi hỏi sự khôn ngoan vô tận (vì cần nắm bắt tất cả chất liệu thường nghiệm). Tuy nhiên, Kant cũng mạnh dạn đề cập đến mệnh lệnh luân lý nhân danh nghĩa vụ là hoàn toàn hợp lý, bởi đó là nghĩa vụ “phải làm” và cá nhân tự tìm phương tiện để làm. Đồng thời, Kant nghiêm khắc đưa ra các hình phạt, nếu ai đó vi phạm quy luật luân lý. Trong số các hình phạt, “công bằng hay công lý cần phải đứng hàng đầu.”[xiv] Thế nhưng, sự trừng phạt là một sự tổn hại về mặt vật chất (physical harm), được gắn liền với điều xấu về luân lý như một hậu quả bởi các nguyên tắc của một sự ban bố quy luật luân lý. Theo nhận định của ‘Phê phán thuyết’ cho rằng: sự trừng phạt đối với tội ác là ở chỗ: nó tự làm tổn hại chính kẻ phạm tội (dựa theo nguyên tắc hạnh phúc riêng tư). Còn theo ‘Luật đáp trả [ius talinis]’: pháp quyền hình sự áp dụng một hình phạt cho người phạm tội ngang bằng với sự phạm tội của họ.

Tạm kết

Để giải quyết các vấn nạn đề ra ở đầu bài, thiết nghĩ cần xây dựng nền đạo đức học khả dĩ thực hành tính. Nền đạo đức ấy phải vô điều kiện (nghĩa là không có trường hợp ngoại lệ) vừa phải có tính phổ quát (nghĩa là áp dụng được cho tất cả). Kant đã xây dựng cơ sở lý luận cho đạo đức học của mình qua cuốn Đặt cơ sở cho siêu hình học về đức lý (Groundwork for the Metaphysics of Morals/ Grundlegung zur Metaphysik der Sitten, 1785) và một lần nữa được diễn đạt kỹ lưỡng hơn trong Phê phán lý tính thực hành (Critique of Practical Reason/ Kritik der praktischen Vernunft, 1788). Kant thao thức về những đạo đức học mang tính chuẩn tắc (normative ethic) nhằm giải quyết câu hỏi “tôi phải làm gì?” Kant đưa ra một hệ thống nguyên tắc thực hành:

Các nguyên tắc thực hành là các mệnh đề bao hàm một sự quy định phổ biến đối với ý chí; và sự quy này chứa đựng dưới nó nhiêu quy tắc thực hành. Các quy tắc này là có tính chủ quan hay [gọi] là các Châm ngôn (Maximen) khi điều kiện được xem xét bởi chủ thể như là chỉ có giá trị đối với ý chí riêng của chủ thể; nhưng, chúng lại có tính khách quan hay [gọi] là các quy luật thực hành (praktische Gesetze) nếu điều kiện được nhận thức như là có tính khách quan, nghĩa là, có giá trị đối với ý chí của bất kỳ hữu thể nào có lý tính.[xv]

Tựu trung, Kant cho rằng từ mệnh lệnh ngang qua ý chí, con người có hai hướng dị trị và tự trị. Nơi dị trị, hành vi hướng đến kết quả, mục đích và đưa tới mệnh lệnh giả thiết là cái nên làm. Đối với đối tượng khả hữu thì dùng nghi vấn hoặc quy tắc của tài khéo, nếu đối tượng là tiền giả định thì cần đến lời khuyên. Đang khi đó, với Tự trị, mô thức là kết quả hay mục đích bất kỳ, nó hướng đến mệnh lệnh tuyệt đối, nhất thiết và vô điều kiện. Cách chung, Kant xây dựng hệ thống đạo đức khởi đi từ mệnh lệnh, đến ý chí tự do, và quy luật thực hành. Trong đó, có yếu tố tự trị với tự do “khỏi” và tự do “để” làm điều gì đó. Bởi lẽ tự do là cơ sở tồn tại (ratio essendi) của quy luật luân lý. Sau cùng, Kant đưa ra công thức nổi tiếng của mình: “Hãy hành động sao cho châm ngôn của ý chí của bạn lúc nào cũng đồng thời có thể có giá trị như là nguyên tắc của một sự ban bố quy luật phổ biến.”[xvi] Dĩ nhiên, công thức này có nhiều tranh cãi, bởi nhiều người cho rằng công thức này rườm rà này có vẻ như trống rỗng[xvii]. Tuy nhiên, ở một lớp nghĩa khác, công thức này làm nổi lên một nhận thức về vai trò ban bố quy luật của lý tính thuần túy. Bởi lẽ, “Lý tính thuần túy là thực hành do tự nơi chính mình (für sich allein praktisch) và mang lại (cho con người) một quy luật phổ biến được ta gọi là quy luật luân lý (das Sittengesetz).”[xviii]

Hệ thống đạo đức mà Kant xây dựng, dù có phần nào mang tính cưỡng chế, ép buộc mà chẳng mấy dễ chịu. Thế nhưng, ở một vị thế phổ quát và tất yếu, nó là đòi hỏi bắt buộc để giúp con người tiến xa hơn đến hạnh phúc vô tận mà “con người xứng đang được hưởng”.[xix] Đó cũng là điều mà Kant khắc khoải “tôi có thể hy vọng gì?” Dù cho còn nhiều người chỉ trích về hệ thống đạo đức của Kant, tuy nhiên những gợi hứng của ông không bao giờ nguôi thoả, cạn vơi với các học giả hậu thời ông.


 

Danh mục tài liệu tham khảo

Caygill, Howard. Từ điển triết học Kant. Dịch bởi Bùi Văn Nam Sơn et al. Hà Nội: Tri Thức, 2013.

Kant, Immanuel. Critique of Practical Reason. Dịch bởi Mary Gregor. Cambridge: Cambridge University Press, 2015.

—. Phê phán lý tính thuần túy. Dịch bởi Bùi Văn Nam Sơn. Hà Nội: Văn Học, 2004.

—. Phê phán lý tính thực hành. Dịch bởi Bùi Văn Nam Sơn. Hà Nội: Tri Thức, 2006.

 



[i] (Kant, Phê phán lý tính thực hành 2006, 278) – [A289].

[ii] (Kant, Phê phán lý tính thực hành 2006) – [A52]

[iii] (Kant, Phê phán lý tính thực hành 2006) – [A52]

[iv] (Kant, Phê phán lý tính thực hành 2006) – [A54]

[v] (Kant, Phê phán lý tính thực hành 2006) – [A289]

[vi] (Kant, Phê phán lý tính thực hành 2006) – [A54]

[vii] (Kant, Phê phán lý tính thực hành 2006) – [A56]

[viii] (Kant, Phê phán lý tính thực hành 2006) – [A56]

[ix] (Kant, Phê phán lý tính thực hành 2006) – [A59]

[x] (Kant, Phê phán lý tính thực hành 2006) – [A59]

[xi] (Kant, Phê phán lý tính thực hành 2006) – [A59]

[xii] (Kant, Phê phán lý tính thực hành 2006) – [CSSĐ, VI 226]

[xiii] (Kant, Phê phán lý tính thực hành 2006) – [A64]

[xiv] (Kant, Phê phán lý tính thực hành 2006) – [A66]

[xv] (Kant, Phê phán lý tính thực hành 2006) – [A35]

[xvi] (Kant, Phê phán lý tính thực hành 2006, 56) – [A54]

[xvii] Cf. (Caygill 2013, 259)

[xviii] (Kant, Phê phán lý tính thực hành 2006, 58) – [A56]

[xix] (Kant, Phê phán lý tính thực hành 2006) – [A199]

0 Comments: