Manificat, Cùng Đức
Maria đếm những ân ban
Ơn Xin: Xin
Thiên Chúa giúp con nhìn lại một năm qua, để nhận ra những ân sủng mà Chúa đã
ban cho con, để con biết sống tâm tình tạ ơn Ngài mỗi ngày. Trong năm mới này,
xin bàn tay Chúa nắm lấy tay con và dẫn dắt trên những nẻo đường mà Chúa muốn
con đi.
Bối cảnh bản văn Tin Mừng.
Sau khi được sứ thần
Gabriel truyền tin: người chị họ lớn tuổi Elizabeth đang mang thai, mẹ Maria liền
vội vã lên đường đi thăm và chăm sóc người chị họ đang trong thời kỳ thai nghén
và chuẩn bị sinh con. Theo lời truyền tụng từ thế kỷ thứ 5, gia đình Giacaria ở
triền núi, trong một thành thuộc xứ Giuđa, tên gọi Ain Karim cách Giêrusalem 7
cây số về phía tây. Đường đi từ Nazareth đến Ain Karim trên đồi, cách
Giêrusalem 6 km và phải mất 3-4 ngày đường để di chuyển (cách Nazaret khoảng
160 km). Do đó, chắc hẳn cuộc hành trình của cô Maria lên miền núi không tránh
được những mệt nhọc vất vả. Thế nhưng, dù đường xa vạn dặm, rừng núi trùng điệp,
mẹ Maria vẫn hăng hái, hân hoan lên đường. Vừa gặp mẹ Maria, bà Elisabeth lớn
tiếng hô lên: “bởi đâu tôi được thân mẫu Chúa tôi đến viếng thăm…”. Lúc đó, được
đầy tràn Thánh Thần, trong tâm tình tạ ơn Chúa, Mẹ Maria cất tiếng ngợi khen:
“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng…”
Lectio Divina: Tin mừng: Lc 1, 46-56
46 Bấy giờ bà Maria nói: “Linh hồn
tôi ngợi khen Đức Chúa,
47 thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.
48 Phận nữ tỳ hèn mọn, Người
đoái thương nhìn tới;
từ nay, hết
mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc.
49 Đấng Toàn Năng đã làm cho
tôi biết bao điều cao cả,
danh Người
thật chí thánh chí tôn!
50 Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng
thương xót những ai kính sợ Người.
51 Chúa giơ tay biểu dương sức
mạnh,
dẹp tan
phường lòng trí kiêu căng.
52 Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng
cao mọi kẻ khiêm nhường.
53 Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy
dư,
người giàu
có, lại đuổi về tay trắng.
54 Chúa độ trì Ítraen, tôi tớ của
Người,
55 như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
vì Người nhớ
lại lòng thương xót
dành cho tổ
phụ Ápraham và cho con cháu đến muôn đời.”
56 Bà Maria ở lại với bà Êlisabét
độ ba tháng, rồi trở về nhà.
1. Chiêm
Niệm, ngợi khen và tạ ơn Chúa
“Linh hồn tôi ngợi khen Đức
Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng, vì Thiên Chúa Đấng Cứu Độ tôi”. Đây là lời
tri ân cảm mến, ngợi khen tán dương Thiên Chúa của mẹ Maria khi gặp bà
Elisabeth. Lời kinh Manificat như lời tạ ơn Thiên Chúa bay cao giữa muôn trung
núi non, làm rạng danh Thiên Chúa với công trình hùng vĩ bao la mà Người đã thực
hiện trên cuộc đời mẹ Maria. Công trình của Thiên Chúa thật mới mẻ và lạ lùng,
bởi chuyện đó trước giờ chưa từng xảy ra, “Thiên Chúa nhập thể trong cung
lòng con người”. Dường như, thời gian như ngừng đọng, trái đất như ngừng
quay để lắng nghe lời thốt lên của Đấng Đầy Ân Sủng và Được Thiên Chúa Ở Cùng: “Phận
nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm
phúc”. Bản văn KT mô tả lời Đức Mẹ với danh từ “δούλη” (doule) vừa có nghĩa là
“nữ phục vụ”, vừa có nghĩa là “nữ nô lệ”. Đây là một sự tương phản khi Thiên
Chúa hùng vĩ, cao sang trên chín tầng trời, còn mẹ Maria chỉ nhận mình là nữ tì
hèn mọn, mà Chúa đã đoái thương nhìn tới.
Chính sự chênh lệch địa vị
này làm cho mẹ Maria cảm thấy tình thương và vinh dự mà Thiên Chúa ưu ái, ban tặng
cho mẹ lớn lao dường nào. Ơn huệ lớn lao đến nỗi người chị họ phải “lớn tiếng
kêu lên: bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến viếng thăm.” Bà Elizabeth cũng
nhận ra những phúc lành mà Chúa tặng ban cho người em họ. Không phải chỉ có người
chị họ khen mẹ Maria rằng: “em thật có phúc” trong lúc biến cố viếng thăm,
nhưng mà “từ nay muôn thế hệ sẽ xem rằng tôi có phúc” (Lc 1,48). Tất cả là vì Đấng
Toàn Năng đã làm cho tôi những điều cao cả. Những điều cao cả có thể là những
điều mà sứ thần đã đề cập đến trong biến cố truyền tin. Cao cả nhất là trở
thành “Thân Mẫu của Đức Chúa”.
“Đấng Toàn Năng đã làm
cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn! (c. 49)” Mẹ
Maria đã chiêm ngắm cuộc đời mình để thấy việc Thiên Chúa làm trên cuộc đời mẹ,
thật lạ lùng! Một bầu khí thiêng liêng, đan xen với cảm xúc hân hoan, sướng
vui, hạnh phúc nơi mẹ Maria. Mẹ không quy hướng mọi phúc vinh đó về mình, nhưng
quy về Thiên Chúa, “danh Người thật chí thánh, chí tôn.” à
Nhìn lại một năm qua, ta tự hỏi đâu là những ơn lành, phúc lộc mà Thiên Chúa
ban cho tôi? Mọi phúc vinh đó là do chính khả năng, sức lực phấn đấu của tôi
hay là ơn Chúa ban? Tôi quy hướng mọi thành công và thất bại về chính mình hay
về Thiên Chúa? Hay cả hai?
“Đời nọ tới đời kia, Chúa
hằng thương xót những ai kính sợ Người (c. 50)” Trong sách Châm Ngôn (9,10) đã
viết: “kính sợ Chúa là đầu mối của sự không ngoan”. Thật vậy, những kẻ kiêu
căng, quyền thế thì Thiên Chúa sẽ hạ bệ, Người nâng cao những kẻ khiêm nhường,
kính sợ Chúa. Nhìn lại chính mình, có khi nào ta chẳng cảm thấy “kính sợ Chúa”,
điển hình như việc phạm tội cố hữu nào đó, dù biết là điều không đẹp lòng Chúa,
nhưng ta vẫn cứ thích làm! Chẳng hạn như: nói hành nói xấu, ham mê danh, dục vọng,
lười nguyện gẫm kinh hạt, cầu nguyện với Chúa…?
Kế đến, Mẹ Maria tiếp tục
diễn tả về tình yêu và lòng thương xót của Chúa như: “Kẻ đói nghèo Chúa ban của
đây dư, người giàu có lại đuổi về tay trắng. Chúa độ trì Ítraen, tôi tớ của Người,
như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ
phụ Ápraham và cho con cháu đến muôn đời.”
Mẹ đã nhìn lại lịch sử cứu
độ của Thiên Chúa cho nhân loại, cụ thể là dân Israel, từ thời tổ phụ Apraham
cho đến nay. Tình thương Chúa luôn dạt dào, bao phủ mặt đất, qua bao thế hệ, những
ân tình của Chúa luôn vạn đại thiên thu. Thật vậy, chỉ khi nhìn lại những chặng
đường đã qua, ta có thể dễ dàng nhận ra ân sủng của Thiên Chúa trong tâm tình
tri ân, cảm mến. Đức Giáo Hoàng Phanxico đã từng nói: “người hạnh phúc nhất là
người biết mình được TC yêu thương và biết ơn là một trong những tâm tình khiến
ta sống hạnh phúc trong tình nghĩa với Thiên Chúa.”
Hy vọng niềm vui ơn cứu độ
sẽ đến với nhân loại chúng ta hôm nay, trước tiên cần khởi sự từ chính bản thân
mỗi người. Nhìn lại đời mình, cụ thể một năm qua, để thấy những ơn lành Chúa
ban trên cuộc đời mình. Ơn thường sủng và ơn đặc sủng. Chẳng hạn như: Giữa thế
giới chiến tranh loạn lạc, nhiều người sống trong cảnh tị nạn, màn trời chiếu đất,
đói khát cơm bánh, nước non, bệnh tật… Ta có ngôi nhà ấm cúng, bữa ăn ngon, những
tiện nghi tiêu xài hằng ngày… Đó chẳng phải là ơn thường sủng mà Chúa ban cho
ta hay sao?
Thuở thơ bé, có thể ta
thường dạo chơi dưới cơn mưa, hay đưa đôi bàn tay để hứng nước mưa từ mái hiên
nhà, những hạt mưa tí tách rơi, đua nhau nhảy múa trên sân, trên đôi bàn tay của
ta. Những giọt nước mưa tràn trề, chan chứa… Cũng thế, ân sủng Chúa dạt dào như
mưa như mưa, chỉ có điều là lòng ta có đủ rộng để đong đầy và chất chứa những hồng
ân đó hay không mà thôi! Không biết vì đôi tay của ta quá lớn hay ơn Chúa quá
ít mà có thể tôi chưa bao giờ cảm thấy đầy đủ và no thỏa để nói lên lời tạ ơn?
Câu chuyện biết
ơn: Có hai người bộ hành đi trong một khu rừng rậm. Đó là hai ông
cháu. Trời nóng và oi bức. Họ khát nước. Cuối cùng, ông cụ và đứa cháu cũng tìm
đến một con suối nhỏ. Hai người cúi xuống uống nước. Uống xong ông cụ nói: “Cảm
ơn dòng suối nhỏ nhé”.
Đứa cháu thấy vậy thì
cười. Ông cụ liền hỏi: “Sao cháu lại cười?” Đứa cháu trả lời: “Có gì mà ông
phải cám ơn dòng suối chứ? Nó có phải là người đâu? Nó không nghe được lời ông
nói, nó không hiểu được lời cám ơn của ông”.
Ông cụ tỏ vẻ suy nghĩ.
Dòng suối vẫn chảy róc rách. Chim vẫn hót vang trong cánh rừng. Sau một hồi lâu
im lặng, ông bảo với đứa cháu: “Thế đấy, dòng suối có nghe thấy gì đâu. Nếu như
có một con sói đến uống nước, có thể nó không biết ơn dòng suối. Nhưng chúng ta
không phải là chó sói, mà là con người. Đừng quên điều đó cháu ạ. Cháu có biết
con người nói hai tiếng cám ơn là để làm gì không?”
Đứa bé trầm ngâm. Nó
chưa bao giờ suy nghĩ về điều đó. Cụ già chậm rãi bảo cháu: “Cháu ơi, con người
nói lên hai tiếng cám ơn chính là để không bao giờ trở thành chó sói”.
“Lạy Chúa! Con xin tạ
ơn Chúa vì chúng con có được của ăn trong một thế giới còn nhiều người phải đói
khát, chúng con có được niềm tin trong một thế giới con nhiều người phải sợ
hãi, chúng con có được tình bạn trong một thế giới còn nhiều người phải lẽ loi.
Chúng con xin tạ ơn Chúa vì tất cả những ơn lành mà Chúa ban! Có những ơn chúng
con thấy được và cả những ơn chúng con chưa nhận ra. Noi gương Mẹ Maria đã nhận
ra tình thương của Thiên Chúa, đón nhận với tâm tình ngợi khen, cảm tạ. Xin cho
chúng con biết ngỡ ngàng, ngạc nhiên trước ơn lành của Thiên Chúa và can đảm
quy hướng tất cả mọi hồng ân về chính Chúa, để chúng con biết sống trong tâm
tình tạ ơn và yếu mến Chúa hơn mỗi ngày. Amen”
2.
Tạ ơn Chúa và dấn bước
lên đường gặp gỡ tha nhân
Khi Mẹ Maria gặp được
Chúa, có Chúa trong lòng, và nhận ra những ân huệ lớn lao mà Thiên Chúa tặng ban,
Mẹ Maria không chỉ giữ cho riêng mình, nhưng hân hoan, hăng hái “lên đường hành
hương” để “gặp gỡ tha nhân”, đây chính là “Niềm Vui Tin Mừng” của Mẹ.
Mẹ Maria đã “ra khỏi mình
để gặp gỡ” người chị họ già yếu, mang nặng đẻ đâu và Mẹ bất chấp mọi nguy hiểm,
nhọc mệt, gian nan, khó khăn…Chỉ vì tình yêu và muốn đem Chúa đến cho chị họ.
Có lẽ, Mẹ tin rằng có Chúa cùng đồng hành, chẳng có chi nguy biến. Chính Đức
Giáo Hoàng Phaolo VI đã nói: “Đức Maria là người môn đề đầu tiên và trọn hảo nhất
của Đức Ki-tô và trọn hảo nhất về mặt đức tin.” Apraham là cha của những kẻ
tin, dù ông được có lời hứa “đất và dân”, còn Mẹ Maria chẳng có lời hứa nào
khác ngoài niềm tin của Mẹ là đặt mình trong tay Thiên Chúa.
Ngày
nay, con người thường có xu hướng muốn thu mình lại trong vùng an toàn, sống với
chiếc điện thoại để nhìn cả thế giới trong căn phòng nhỏ bé của mình. Bước ra
ngoài vùng an toàn, chắc hẳn sẽ có nhiều hiểm nguy, ra đường có thể dễ gặp tai
nạn giao thông, gặp người mình quen đi chơi, ăn uống có thể tốn kém, nói chuyện
với bạn bè có thể gặp bất đồng quan điểm, nghĩ tiêu cực về nhau… Có lẽ, chọn lối
sống an phận thủ thường sẽ dễ dàng hơn việc giao kết, liên lạc và giữ tương
quan với nhiều người, đặc biệt là những người mình không ưa thích, hoặc họ có địa
vị thấp kém, nghèo hèn, quê mùa, dốt nát…
Tóm
lại, chỉ khi ta gặp được Chúa, thấy được ân sủng Người ban, lòng tràn đầy sướng
vui, hạnh phúc… ta mới can đảm, tin tưởng nơi bàn tay Chúa mà gieo bước lên
đường, chia sẻ niềm vui Tin Mừng cứu độ đến với mọi người. Có thể đó là một
cuộc thăm viếng với lời khích lệ, ủi an, như Mẹ Maria đển để vỗ về, an ủi nỗi
tủi hổ mà bà Elizabeth đã gánh chịu bao năm qua vì vô sinh hiếm muộn,
bởi miệng lưỡi người đời cho là vô phúc.
Hơn nữa, mặc dù là Mẹ Thiên
Chúa, cao trọng tựa như “Hoàng Thái Hậu”, nhưng Mẹ Maria vẫn khiêm nhường và
cúi mình để phục vụ người chị họ, chứ không phải được phục vụ. Đây là tấm gương
tuyệt diệu mà người “có Chúa ở trong lòng” mới có thể làm nên.
Nhìn lại thời gian đã qua, tôi
có thấy mình tràn đầy niềm vui khi gặp được Chúa và hân hoan lên đường đem Chúa
đến cho mọi người hay chưa? Đâu là điều cản trở tôi gặp được Chúa? Đâu là niềm
vui thường ngày của tôi là gì? Có phải là Thiên Chúa hay không? Trong năm mới
này, tôi sẽ có những dự phóng nào để đáp lại những lời gọi mời của Chúa cho
cuộc đời tôi? Tôi có thể làm một hành động nhỏ là dành một số giờ cầu nguyện
với Chúa, tham dự thánh lễ, cầu nguyện trước Thánh Thể, đi thăm viếng người
thân, họ hàng dịp tết, thăm những người nghèo khổ và kém may mắn ở xung quanh
ta...?
“Lạy
Chúa! Như Mẹ Maria đã gặp được Chúa, Mẹ tràn đầy niềm vui, để lên đường hành
hương, gặp gỡ và giúp đỡ tha nhân. Xin cho con lòng tin mến, trên cuộc lữ hành
đức tin, biết yêu mến và noi gương Mẹ Maria, sẵn sàng ra khỏi mình để đến với
tha nhân, gặp gỡ, phục vụ và trao ban Chúa cho họ. Amen.”
Mở bài nhạc: Linh hồn tôi
ngợi khen Đức Chúa…
0 Comments:
Đăng nhận xét