Tổng số lượt xem trang

4,513

Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2025

Ơn Gọi Của Mattheu (Trạm Cứu Hộ Trái TIm Ngô Xá 8.2024)



 TRẠM CỨU HỘ LINH HỒN

Lời Chúa: Mt 9, 9-13

 Bỏ nơi ấy, Đức Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi tại trạm. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người.

Khi Đức Giêsu đang dùng bữa tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế và tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ.

Thấy vậy, những người Pharisêu nói với các môn đệ Người rằng: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy?”

Nghe thấy thế, Đức Giêsu nói: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”

 

 


 

I.                Chuẩn bị

Kinh dọn lòng: Xin Chúa ban cho con ân sủng để tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ngợi khen Thiên Chúa Chí Tôn.

Khung cảnh: Thánh Mát-thêu thuật lại việc Chúa Giê-su chữa lành cho chính ông. Theo truyền thống Do Thái thời bấy giờ, những người thu thuế được xem là quân tội lỗi, dối trá, ăn bẩn, dựa thế ngoại ban để bóc lột đồng bào mình và vì vậy, họ bị những người Do Thái kinh thường và cô lập. Mát-thêu cũng là một người trong số những người thu thuế. Chúa Giê-su đã chủ động đến ngay nơi ông đang làm việc, để cứu chữa ông. Chúa đã tạo ra một cơ hội để Mát-thêu có thể làm lại cuộc đời.

Ơn xin: Xin cho con cho con nghe được lời mời gọi của Chúa và mau mắn, dứt khoát đáp lại lời mời gọi của Chúa để con được cứu thoát và làm mới lại cuộc đời con.

II.             Gợi ý điểm cầu nguyện

1/ Trạm tiếp nhận di động

Đức Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế và thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi tại trạm”: trạm thu thuế được xem là nơi ô uế, đáng khinh bỉ đối với người Do Thái. Bởi vì đây là nơi những người thu thuế, được xem là kẻ phản bội dân tộc đang thực thi những hành động xấu xa, gian dối, ức hiếp kẻ yếu thế, gây nhiều bất công và bất mãn trong việc thu thuế.

Chúa Giêsu thấy Mát-thêu, kẻ thu thuế, đang ngồi mải mê làm “công việc tẻ nhạt hằng ngày” của mình. Chúa không lườm ông với anh mắt khinh miệt, phê phán, loại trừ, nhưng nhìn ông bằng ánh mắt đầy tình thương và xót xa. Anh chị thử tưởng tượng ánh mắt của người cha hay người mẹ khi đang nhìn đứa con của mình bị bầm dập vì những yếu đuối, tội lỗi, sai lầm của nó. Họ đau đớn cỡ nào, xót xa cỡ nào, và mong muốn cứu chữa, xoa dịu con mình cỡ nào?

“Người bảo ông: Anh hãy theo tôi!”: Khi Chúa Giê-su bắt gặp Mat-thêu, đang lúc ông vẫn đang ngồi bên bàn thu thuế, vẫn mải mê với công việc hằng ngày. Mát-thêu có thực sự hạnh phúc với công việc ông đang làm không nhỉ? Liệu có những “tiếng lòng” xôn xao bên trong ông, thúc ông đi tìm một thứ gì đó đẹp hơn cái không gian chật hẹp của phòng thu thuế, một thứ gì đó đẹp hơn cái nghề “xấu xa” ông đang làm?

Chắc chắc phải có những “tiếng lòng” như thế mới giải thích được thái độ nhanh nhảu đáp trả tiếng gọi khi Chúa Giê-su đến và bảo ông: “Anh hãy theo tôi”.

“Ông đứng dậy đi theo Người”: Giả như lúc đó, Mát-thêu không nghe thấy tiếng Chúa gọi: “Anh hãy theo tôi” thì câu chuyện sẽ được chuyển biến như thế nào? Để thấy lương tâm của Mát-thêu vẫn còn nhạy lắm. Bạn cũng vậy, hãy xin Chúa cho mình có thể lắng nghe được tiếng gọi của Chúa.

Ngay lúc này, bạn đang có những cảm xúc nổi trội nào: Bạn đang cảm thấy bình an? Tràn đầy lòng biết ơn? Niềm vui? Lòng cậy trông? Sự an ủi? Hay bạn đang chịu những tổn thương? Sự mệt mỏi? Giận dữ? Sợ hãi? Cô đơn? Chán chường? Thất vọng?

Hãy dành giờ để ở lại trong cảm xúc bạn đang có. Bằng cả con tim, hãy kể cho Chúa nghe những nỗi bận tâm của bạn và lắng nghe Lời Ngài. Chúng ta sẽ nghe được tiếng Chúa, khi chúng ta có một đôi tai thính và một trái tim bén nhạy và đủ sự thinh lặng để lắng nghe. Tiếng Chúa được tỏ cho bạn ngay chính những khao khát sâu thẳm của cái ta gọi là tiếng lòng.

2/ Trạm cứu hộ đích thực

Có nhiều người thu thuế và tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ.”: Khi nghe tin Chúa Giê-su đến dùng bữa tại nhà Mat-thêu, nhiều người thu thuế và tội lỗi đã kéo đến nhà Mát-thêu và đều được đồng bàn với Đức Giê-su và các môn đệ. Rõ ràng Chúa Giê-su không né tránh và loại trừ những người bị cả xã hội xem là xấu xa, ghê tởm, đáng khinh. Thậm chí, ở phương diện kinh tế, họ còn là những kẻ gian trá, bóc lột trực tiếp Chúa Giê-su.

Hành động ngồi đồng bàn với những người thu thuế và tội lỗi của Chúa Giê-su gây ngạc nhiên đến nỗi những người Pha-ri-sêu phải đến hỏi các môn đệ: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy?” Pha-ri-sêu là những người biết nhiều về luật Mô-sê và tuân thủ nghiêm ngặt luật Mô-sê, họ có uy tính và được tôn trọng trong cộng đồng Do Thái thời Chúa Giê-su. Nhưng tại sao họ lại cảm thấy xa lạ với hành động của Chúa Giê-su?

Chính thái độ thờ ơ của những người Pha-ri-sêu cho ta thấy được hoàn cảnh khốn đốn của những người được xem là tội lỗi. Họ bơ vơ, không ai chăm sóc, không ai quan tâm cứu chữa họ. Ngay cả những người thông thuộc luật Mô-sê mà cũng bỏ họ, thì ai sẽ là người cứu họ.

Chúa Giê-su đã xuất hiện. Người không chỉ đưa cánh tay chữa lành những người thu thuế, những người bị xã hội chê ghét và xa lánh vì những sai trái và tội lỗi của họ. Nhưng Chúa còn cố gắng cứu chữa những người Pha-ri-sêu, chỉ cho họ thấy những sai lầm của họ: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau yếu mới cần”. Nếu một Nhà Thương mà chỉ toàn những người khỏe mạnh, thì nơi đó đâu còn được gọi là Nhà Thương, mà nơi đó cũng chẳng cần đến những lương y nữa. Tại sao những người Pha-ri-sêu lại không hiểu điều này? Hóa ra, chính những người Pha-ri-sêu cũng có những căn bệnh mãn tính trầm trọng. Chúa Giê-su không chỉ tiếp nhận để chữa lành những người thu thuế, được cả xã hội xem là tội nhân; Chúa Giê-su còn dang cả cánh tay đối với những người Pha-ri-sêu, những tội nhân nhưng chưa biết mình là tội nhân.

“Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần”: Hãy nhớ lại đâu là những trải nghiệm, những cảm xúc ảnh hưởng đến bạn trong thời gian gần đây. Điều quan trọng là bạn không được phủ nhận hay trốn tránh bất kỳ một cảm xúc nào. Nhưng hãy đơn sơ đón nhận chúng, ở lại với chúng, suy nghĩ về chúng.

Bạn có cảm thấy bầu khí bình an, trông cậy, yêu mến, phó thác không? Nếu có, từ sâu thẳm lòng mình, hãy dành giờ để tạ ơn Chúa về những điều đó.

Hay bạn cảm thấy sợ hãi, giận giữ, thất vọng, đau đớn, oán ghét? Bạn hãy lắng nghe xem Chúa đang nói gì với mình? Đâu là điều bạn đang muốn Chúa chữa lành cho mình? Bạn hãy chia sẻ với Chúa và nài xin Người chữa lành cho bạn.

Bạn cũng dành giờ để cảm nhận xem sự chữa lành và hòa giải của Chúa đang chạm đến bạn như thế nào?

3/ Tinh thần của Trạm Cứu Hộ

“Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này”: Chúa Giê-su bắt đầu đưa ra phương thuốc cho những người Pha-ri-sêu và những người mang men Pha-ri-sêu. Nếu làm theo phương thuốc này, thì những người mang men Pha-ri-sêu chắc chắn sẽ được chữa lành và sẽ có một đời sống viên mãn. Phương thuốc đó là: “Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế”. Nếu mỗi ngày đều nhẩm đi, nhẩm lại lời nhắn nhủ này, chắc chắn sẽ có ngày, ta thấm nhuần tinh thần của lề luật Chúa: mến Chúa, yêu người.

“Ta muốn lòng nhân”: Chúa Giê-su đã bật mí cho tất cả mọi người biết về điều Chúa mong muốn, về điều sẽ làm đẹp lòng Chúa. Đó là “lòng nhân”. “Lòng nhân” là sự yêu thương và lòng từ bi, là sự tha thứ và hòa giải. Con người dù có dâng bất cứ điều gì lên cho Chúa, mà có hành động đi ngược lại với tinh thần yêu thương, từ bi, tha thứ và hòa giải thì đều là của lễ bất toàn.

Trạm cứu hộ của Chúa Giê-su hiện diện ở mọi nơi, từ gia đình, khu xóm, công sở, đến phố chợ. Chúa Giê-su cũng mở rộng vòng tay để mời gọi tất cả chúng ta cùng tham gia vào Trạm cứu hộ của Người, để cùng lao tác với Người, và cùng sử dụng sức mạnh không cạn kiệt của Người. Chỉ cần thể hiện và chia sẻ tinh thần yêu thương, từ bi, tha thứ, và hòa giải ở bất cứ nơi đâu mình đến thì đã là thành viên của Trạm Cứu Hộ Giê-su rồi.

III. Kết nguyện

Tâm sự với Chúa Giê-su về những điều mình đã trải qua trong giờ cầu nguyện. Hoặc có thể thân thưa với Chúa rằng:

“Lạy Chúa, chỉ duy nhất làm theo Ý Chúa thì con mới có được cuộc sống hạnh phúc trọn vẹn thực sự. Đôi lúc, dù con nghĩ mình đang hành động theo Thánh Ý Chúa, nhưng đó cũng chưa chắc là con đang thực hiện theo Ý Chúa. Nhưng từ trong thâm tâm, con khao khát làm vui lòng Chúa, và con tin rằng điều đó thôi cũng làm Chúa vui lòng. Con cũng tin rằng nếu con khao khát làm vui lòng Chúa, thì Ngài sẽ luôn dẫn con đi đúng đường. Xin Chúa thương giữ gìn, để mọi việc con làm đều đẹp Ý Chúa.

 

Related Posts:

0 Comments:

Đăng nhận xét