Tổng số lượt xem trang

4,510

Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2025

Có Tiếng Hô Trong Hoang Địa

 

DẤU CHÂN HÒA BÌNH

 (Ga 1, 19-28)


 

19 Và đây là lời chứng của ông Gio-an, khi người Do-thái từ Giê-ru-sa-lem cử một số tư tế và mấy thầy Lê-vi đến hỏi ông: “Ông là ai? “20 Ông tuyên bố thẳng thắn, ông tuyên bố rằng: “Tôi không phải là Đấng Ki-tô.”

21 Họ lại hỏi ông: “Vậy thì thế nào? Ông có phải là ông Ê-li-a không?” Ông nói: “Không phải.” – “Ông có phải là vị ngôn sứ chăng?” Ông đáp: “Không.”

22 Họ liền nói với ông: “Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến? Ông nói gì về chính ông? “23 Ông nói: Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ I-sai-a đã nói.

24 Trong nhóm được cử đi, có mấy người thuộc phái Pha-ri-sêu. 25 Họ hỏi ông: “Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đấng Ki-tô, cũng không phải là ông Ê-li-a hay vị ngôn sứ?26 Ông Gio-an trả lời: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết.27 Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.”

28 Các việc đó đã xảy ra tại Bê-ta-ni-a, bên kia sông Gio-đan, nơi ông Gio-an làm phép rửa.

----------------------*************----------------------

Tiền nguyện: Xin cho mọi tư tưởng, lời nói và hành động, từ ngoại tại đến nội tại của con, đều quy hướng về việc phụng sự, ca ngợi và tôn vinh Thiên Chúa.

Khung cảnh: Hãy hình dung khung cảnh bên bờ sông Giodan, nơi có đông đảo người đến để xin ông Gioan Tẩy Giả làm phép rửa. Trong số đó, có một số người đến để tra vấn về việc làm của Gioan Tẩy Giả. Kế đến, đó là những hồi đáp và chứng từ của Gioan về Chúa Giêsu.

Ơn Xin: Xin Thiên Chúa cho con có cảm nhận thâm sâu về Chúa Giêsu, Đấng đã làm người vì con để cứu chuộc con, để con yêu mến và bước theo Ngài sát gót hơn. Xin Chúa cũng cho con nhận ra những “dấu chân” âm thầm mà Ngài song hành cùng con qua mỗi chặng đường đời vừa qua, nhờ “dấu chân hòa bình” của Chúa con biết đem lại bình an, hạnh phúc và hy vọng cho mn.


 

Một vài gợi ý cho bài cầu nguyện

1.     Diễn nghĩa bản văn Tin Mừng

Bối cảnh bản văn Tin Mừng trên (Ga 1, 19-28) thuật lại cho ta những chứng từ của thánh Gioan Tẩy Giả. Sau khi ăn chay và cầu nguyện thời gian dài trong sa mạc, Gioan TG bắt đầu sứ vụ công khai của mình bằng việc kêu gọi toàn dân ăn năn sám hối và chịu phép rửa (chịu phép rửa là dấu chứng). Gioan khiêm tốn nhìn nhận mình chỉ là tiếng hô trong hoang địa và lặp lại lời của Isaia năm xưa “hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi”.

Hành động trên của Gioan đã khiến nhiều người thắc mắc, tò mò và đến tìm gặp ông. Có thể một số người được cảm hóa bởi lối sống khắc khổ, nhiệm nhặt của Gioan và thấy được sự thánh thiện và uy quyền trong lời giảng dạy. Cụ thể, nhiều người đã đến xin ông Gioan làm phép rửa tại sông Giodan. Thậm chí, rất đông đảo người đứng xếp hàng tại bờ sông.

Sự việc trên đã thu hút chú ý của người Do-thái, đến nỗi các nhà lãnh đạo tôn giáo, giới cầm quyền lúc đó phải cử người đến tra vấn hành vi của Gioan. Trước hết, người Do-thái từ Giê-ru-sa-lem cử một số tư tế và mấy thầy Lê-vi đến hỏi ông: “Ông là ai? Ông có phải là Ê-li-a không? Ông có phải là Đấng Kitô hay vị ngôn sứ nào đó không?”. Gioan khiêm tốn trả lời: “Không, tôi không phải Đấng Kitô, tôi là tiếng hô trong hoang địa, hãy dọn đường cho thẳng để Đức Chúa đi”.

Kế đến, có mấy người thuộc phái Pha-ri-sêu đến hỏi ông: “Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đấng Ki-tô, cũng không phải là ông Êlia hay vị ngôn sứ?” Gioan trả lời họ rằng: ““Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.””

2.   Suy niệm và cầu nguyện

Dấu chân nào đi qua đời tôi?

Khi chiêm ngắm hình ảnh Gioan Tẩy Giả từ trong sa mạc đi ra, ta có thể hình dung thấy một người khắc khổ, nhiệm nhặt, thiêng liêng và thánh thiện. Ông ăn châu chấu và mật ong rừng, mặc áo lông lạc đà và thắt lưng bằng dây da. Từ sa mạc đi ra sông Giodan, có thể có những dấu chân in hằn trên cát. Những dấu chân của một ngôn sứ chính trực và khôn ngoan.

Ở đây, ta không chỉ nhìn vào dấu chân thực tế, thể lý của Gioan in hằn trên đất cát, nhưng sâu xa hơn, ta thấy được những dấu ấn in đậm trong tâm khảm dân chúng của Gioan. Thời nào cũng thế, tội lỗi và thế lực sự dữ luôn rình rập và xâm chiếm lòng người, nó khiến con người dễ khuynh chiều theo điều xấu xa, thỏa mãn, ích kỷ… Lời mời gọi ăn năn sám hối của Gioan đã khiến nhiều người được đánh động và muốn trở lại đường ngay lẽ chính với Thiên Chúa.

Thiên Chúa đã dùng hình ảnh, “dấu chân” của Gioan Tẩy Giả để mời gọi, lôi kéo dân chúng về với Ngài. Thực ra, Thiên Chúa là Đấng yêu thương con người, nên Ngài luôn muốn tìm cách đưa con người quay về với tình yêu thương, cụ thể qua những cách thức khác nhau. Thiên Chúa có thể nói với chúng ta qua các vị hữu trách của Giáo Hội như ĐGH, GM, LM, Tu sĩ, Giáo Dân, hay những người lương dân, thậm chí là những người nghèo hèn, khốn khổ và tầm thường… mà ta gặp gỡ, tiếp xúc hằng ngày.

Thực ra, nếu nhìn cuộc đời như một con đường khởi sự từ chiếc nôi và đi đến nấm mồ, thì có lẽ mỗi người sẽ có một con đường dài ngắn, rộng hẹp, trơn tru hay gập gềnh khác nhau. Trên con đường đó, ắt hẳn sẽ có những ‘dấu chân’ đi qua, có thể nhiều, có thể ít… Con đường đời của mỗi người có thể có những ‘dấu chân’ đồng hành của cha mẹ, bạn bè, thân hữu… cùng song hành. Dù rằng những dấu chân đồng hành đó, có thể dài hay ngắn, nhưng ít ra, những dấu chân đó đã cùng ta đi một quãng đường đời.

Những dấu chân đồng hành đó, có thể mang lại cho tôi nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, chẳng hạn đó là những niềm vui, nỗi buồn, nhưng an ủi, sầu khổ, những lời khích lệ, đông viên, đồng cảm… hay thậm chỉ là những lời chê bai, xoi mói, khinh thường, dèm pha, miệt thị, hạ bệ, bách hại, vu khống… tất cả đều cho tôi cảm nếm và lớn lên hơn hay vùi dập cuộc đời tôi?

Với cái nhìn Đức Tin, tôi tự hỏi: có khi nào tôi nhận ra “dấu chân của Thiên Chúa” đi qua cuộc đời tôi chưa? Dấu chân của Chúa có thể là những ân sủng, những quyết định quan trọng của cuộc đời được Chúa soi sáng, hay đó là những phép lạ nhãn tiền khi ta xém bị chết hụt mấy lần vì tai nạn giao thông, đuối nước hay một nguy biển sinh tử nào đó…? Ta thử lặng im, lắng nghe lòng mình, nhìn sâu kỹ, chậm rãi, hồi tưởng về cuốn phim cuộc đời… để nhìn xem Chúa đang đi cùng ta như thế nào? Dấu chân Ngài in đậm ra sao? Ta có thấy ngọt ngào vì điều đó không?

“Dấu chân hòa bình của Gioan”

Những năm tháng gần đây, chiến tranh giữa các quốc gia ngày càng nhiều, đặc biệt các cuộc chiến ngày càng leo thang như Nga và Ukraina đang dần tiến tới chiến tranh hạt nhân. Khi chiến tranh xảy ra, người chịu thiệt hại nhiều nhất chính là người dân, đặc biệt những người nghèo hèn, khốn khổ. Họ mất đi cuộc sống hằng ngày, thay vào đó là những cuộc tị nạn, bấp bênh, chênh vênh vì đói khổ, bệnh tật… Nỗi bất an luôn chìm ngập cõi lòng.

Như một người bị đuối nước giữa biển khơi, khi bám víu vào được chiếc phao, dù chỉ nhỏ nhoi, có lẽ họ sẽ rất vui mừng và hạnh phúc. Tôn giáo là một trong những niềm hy vọng của con người, dù rằng Karl Marx nói: “tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”. Thế nhưng, lịch sử đã chứng minh về bề dày, bề sâu, sự quan trọng của tôn giáo đối với đời sống tâm linh con người.

Dân Do Thái năm xưa đã sống trong cảnh khổ đau, cùng khốn bởi đế quốc La Mã đô hộ, họ dường như đã mất tự do, bất an…và rất mong chờ “Thái Tử Hòa Binh"[1] đến giải thoát chúng sinh. Những hình ảnh, dấu chân của Gioan Tẩy Giả là những niềm hy vọng và hòa bình cho dân chúng. “Dấu chân hòa bình” ấy đã đem lại ánh sáng hy vọng cho nhiều người.

Thời nay cũng thế, tại VN trong những tháng ngày vừa qua, hiện tượng thầy Thích Minh Tuệ cũng là một dấu chứng khiến nhiều người suy nghĩ và phản tỉnh. Tại sao nhiều người lại tìm đến, đi theo, ngưỡng mộ, phục bái thầy MT như vậy? Giữa xã hội đầy những tha hóa, đời tu tục hóa, một vị tu sĩ xuất hiện, sống khó nghèo, khiêm hạ, từ bi, hỉ xả… thầy MT nói: “còn duyên đi tu, có phúc đức báo hiếu mẹ cha, giờ thì mọi người là cha mẹ, là anh em… nên dù ai đánh con, dù ai chửi con thì con vẫn chúc hỉ hoan … con đi tu con cầu giải thoát, cơm hằng ngày một bữa xin ăn, áo con mặc vải lượm mọi nơi, tiền người cho con không dám nhận đâu.”

Dấu chân của Gioan Tẩy Giả, của thầy Minh Tuệ làm cho nhiều người thời xưa và thời nay cảm thấy có niềm tin yêu, hy vọng, bình an và hạnh phúc ở cuộc sống này. Có lẽ người hạnh phúc nhất khi tâm hồn họ chất chứa bình an và đong đầy hòa bình. Xin Thiên Chúa cho ta có cảm nhận thâm sâu về tình yêu Chúa qua các dấu chân bình an, hòa bình mà Ngài gửi đến với chúng ta qua những người thân yêu xung quanh. Để nhờ ơn Chúa, ta sống đời bình an nội tâm sâu xa và đem niềm vui và hòa bình đến cho mọi người.

Câu hỏi phản tỉnh:

Tôi có cảm thấy bình an và hòa bình trong tâm hồn ngày lúc này? Điều gì làm tôi bình an và đâu là điều khiến tôi bất an?

Tôi có đem bình an sâu thẳm trong tâm hồn đến cho những người xung quanh không? Tôi có gieo rắc hòa bình hay những chiến tranh, nghi kỵ, chia rẽ giữa mọi người với nhau không? Nếu có, tôi thành tâm xin Chúa tha lỗi và quyết tâm hoán cải, đổi mới đời sống hơn.

Để có được hòa bình, hạnh phúc, niềm vui trong tâm hồn, tôi rất cần tương quan mật thiết, sâu đậm với Chúa Giê-su, “Thái Tử Hòa Bình”. Xin Chúa cho ta có được tình yêu mến sâu đậm, niềm hy vọng sâu xa và một con tim sâu lắng để cùng nhịp đập yêu thương với Ngài, đem hòa bình đến cho mọi người xung quanh. Amen.        *  *  *



[1] R. Alleluia, alleluia. The Lord will come; go out to meet him! He is the prince of peace.

Related Posts:

0 Comments:

Đăng nhận xét